Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Hội An - Di sản văn hóa thế giới, Nghiên cứu lịch sử số 4 (2004)

25/08/202394

Sau khi gia nhập Công ước Di sản thế giới năm 1987, đến nay Việt Nam đã có 6 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới (vật thể và phi vật thể) và Di sản thiên nhiên thế giới, trong đó Hội An là Di sản văn hoá thế giới được công nhận vào ngày 4-12-1999 (1). Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu và nhận thức qua nhiều thập kỷ của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, trong đó có nhiều cống hiến quan trọng của các học giả Nhật Bản.

I. QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ

Hội An hay với tên gọi Faifo trong một số bản đồ và tư liệu phương Tây, đã được biết đến và miêu tả trong một số tư liệu từ đầu thế kỷ XVII. Nhưng nghiên cứu Hội An thực sự chỉ mới bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX (2). 

Năm 1985, Hội thảo quốc gia về Hội An được tổ chức ở Hội An nhân dịp thương cảng-đô thị cổ Hội An được Chính phủ Việt Nam công nhận là Khu di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia. Chuẩn bị cho hội thảo này, công việc điều tra khảo sát tại Hội An được các nhà khảo cổ học, sử học, kiến trúc Việt Nam lần đầu tiên thực hiện để cung cấp dữ liệu cho việc xếp hạng di tích của Chính phủ. Trong giai đoạn này, Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích trung ương do Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính làm Giám đốc với sự hợp tác của một số chuyên gia Ba Lan do KTS Kazimien Kwiakobwski đứng đầu giữ vai trò quan trọng. 

Tiếp đó, năm 1990 Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An ở Đà Nẵng đã mở ra một bước ngoặt trong nghiên cứu về Hội An. Tham dự Hội thảo có hơn 150 người, trong đó có hơn 70 học giả Việt Nam và nước ngoài đến từ Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Canada, Thái Lan, Mỹ, Australia. Với sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, Hội thảo đã nâng cao tầm hiểu biết về các giá trị của Hội An và đặt ra nhiều vấn đề mới cuốn hút các nhà khoa học. Đặc biệt, Hội thảo đã đặt cơ sở mở rộng sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về Hội An (3). 

Để chuẩn bị cho cuộc Hội thảo quốc tế này, một Uỷ ban quốc gia đã được thành lập gồm đại diện của Bộ Văn hoá - Thông tin, Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Hội Khoa học lịch sử, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thị xã Hội An chịu trách nhiệm tổ chức và chủ trì hội thảo (4). Uỷ ban này đã triển khai một chương trình nghiên cứu, khảo sát khá toàn diện với sự phối hợp của nhiều Viện nghiên cứu, nhiều trường đại học Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ địa lý, địa chất, khảo cổ học, sử học, kiến trúc đến văn hoá, nghệ thuật, ngôn ngữ, bảo tàng học... Phạm vi nghiên cứu không chỉ giới hạn trong khu phố cổ Hội An mà còn mở rộng ra vùng phụ cận trong phạm vi hoạt động của thương cảng bao gồm Cù Lao Chàm, hạ lưu sông Thu Bồn cho đến dinh trấn Quảng Nam xưa (Dinh Chiêm) và dòng sông Cổ Cò nổi liền Hội An với Đà Nẵng. Về thời gian, không chỉ nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển, sa sút và biến đổi của Hội An từ cuối thế kỷ XVI đến ngày nay, mà còn ngược về quá khứ xa xưa của thời tiền Hội An, tìm về những di tích văn hoá Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa trước thế kỷ XV. Trung tâm thiết kế và tu bổ công trình văn hoá thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin đã tiến hành điều tra, khảo sát từ năm 1983 đến 1990, sơ bộ xây dựng hồ sơ, đạc họa hiện trạng các di tích kiến trúc ở Hội An. 

Hội thảo quốc tế về phố cổ Hội An năm 1990 là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài trao đổi về những kết quả nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, cùng nhau nhìn nhận những giá trị của di sản lịch sử, kiến trúc, văn hoá của Hội An đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới. Các nhà khoa học nước ngoài đem đến hội thảo nhiều nguồn tư liệu mới liên quan đến Hội An như: Tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), Công ty Đông Ấn Anh, những tư liệu chữ viết và tranh vẽ còn lưu giữ trong chùa, đền và dòng họ Nhật Bản cùng những di vật gốm sứ Việt Nam tìm thấy ở Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, các học giả đã đề xuất những kiến nghị về xây dựng quy hoạch bảo tồn phố cổ Hội An và tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về thương cảng này. 

Từ năm 1990 đến nay, phố cổ Hội An càng ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Công việc qui hoạch bảo tồn, tu bổ phố cổ và phục vụ du khách được tiến hành song song với công việc tiếp tục điều tra khảo sát và nghiên cứu khoa học. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc điều tra và đào thám sát các di tích văn hoá Sa Huỳnh ở vùng Hội An và phụ cận, di tích Chămpa trên Cù Lao Chàm, di tích Trà Kiệu (Simhapura) - Mỹ Sơn (Duy Xuyên) là kinh thành và thánh địa cổ của vương quốc Chămpa (5)... Các nhà kiến trúc, sử học, văn hoá của các cơ quan trung ương cùng các nhà khoa học địa phương tiếp tục công việc điều tra thực địa và thu thập tư liệu thuộc di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Bước phát triển mới của nghiên cứu Hội An trong giai đoạn này là sự tăng cường của quan hệ hợp tác quốc tế. Nhiều nhà khoa học từ Mỹ, Pháp, Australia, Israel... đến Hội An và vùng phụ cận tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử và văn hoá Hội An. Đặc biệt quan hệ hợp tác với các học giả Nhật Bản được xây dựng và phát triển có quy mô và liên tục nhất. 

Các học giả Nhật Bản quan tâm đến Hội An vì nhiều lý do. Trước hết, Hội An là một thương cảng Việt Nam có quan hệ giao thương mật thiết với Nhật Bản trong thế kỷ XVII, tại đó, lúc bấy giờ có một khu phố người Nhật bên cạnh khu phố người Hoa và cho đến nay một số đền chùa và dòng họ Nhật Bản còn lưu giữ nhiều di vật và kỷ niệm của quan hệ giao lưu đó. Trong những thương cảng có khu phố người Nhật, thì Hội An là đô thị cổ duy nhất ở Đông Nam Á còn bảo tồn được một tổng thể kiến trúc phong phú, đa dạng nhất. Hơn nữa, các học giả Nhật Bản quan niệm trong những tương đồng của văn hoá Á Đông, Nhật Bản có thể hợp tác và chuyển giao cho Việt Nam những kinh nghiệm bảo tồn phố cổ của mình, góp phần bảo vệ thành công một di sản văn hoá quý giá của dân tộc và thế giới. 

Năm 1991, Tổng cục văn hóa Nhật Bản cử chuyên gia đến tìm hiểu hiện trạng phố cổ Hội An và đặt quan hệ hợp tác với Việt Nam. Từ năm 1992, Viện Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế thuộc Đại học nữ Chiêu Hòa bắt đầu tiến hành điều tra, khảo sát phố cổ Hội An trên các lĩnh vực địa lý, địa chất, lịch sử, khảo cổ, văn hoá, kiến trúc... và xây dựng dự án "Bảo tồn phố cổ Hội An". Viện Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế trở thành trung tâm tập hợp các học giả thuộc nhiều trường Đại học, Viện và Trung tâm khoa học Nhật Bản và đầu mối vận động kinh phí cho dự án. Về phía Việt Nam, năm 1995 "Hội bảo trợ Di sản Kiến trúc-Văn hoá Hội An" được thành lập do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch danh dự, ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Đà Nẵng làm chủ tịch, giữ vai trò liên hệ và thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản và quốc tế trong mục tiêu bảo tồn phố cổ Hội An. Các cơ quan Nhà nước từ Bộ Văn hoá - Thông tin, Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Quảng Nam đến Ủy ban Nhân dân Thị xã Hội An, Trung tâm quản lý phố cổ Hội An và các cơ quan khoa học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trung tâm thiết kế và trùng tu di sản văn hoá, Viện Khảo cổ học... đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản trong triển khai dự án "Bảo tồn phố cổ Hội An". 

Cho đến năm 1996, dự án "Bảo tồn phố cổ Hội An" đã đạt được nhiều thành tựu và một cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức tại Hội An. Đồng thời hằng năm, phía Nhật Bản tổ chức hội thảo tại Tokyo với sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý và các nhà khoa học Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu về Hội An đã được công bố trên nhiều tạp chí và ấn phẩm Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có hai kỷ yếu của Viện Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế Đại học nữ Chiêu Hoà: Kiến trúc phố cổ Hội An tập 3-1996 và Điều tra khảo cổ học phố cổ Hội An tập 4-1997 in năm 1998 (6). 

Một cuộc hội thảo quốc tế Quan hệ Việt- Nhật thế kỷ XV-XVII qua giao lưu gốm sứ cũng đã được Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế, Đại học Chiêu Hoà tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-1999. 

Như vậy là sau hơn một thập kỷ, những kết quả nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành về Hội An đã tạo ra một cơ sở dữ liệu càng ngày càng phong phú, cho phép nâng cao dần nhận thức về bề dày lịch sử cũng như giá trị đa dạng của di sản văn hoá phố cổ Hội An. Đấy cũng là cơ sở khoa học để năm 1999 UNESCO công nhận Hội An là một Di sản văn hoá thế giới. 

II. TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA HỘI AN 

Trước khi Hội An ra đời, vùng cửa sông Thu Bồn đã trải qua thời kỳ văn hoá Sa Huỳnh và Champa mà nhiều nhà khoa học quen gọi là thời kỳ tiền Hội An. Khảo cổ học đã phát hiện và khai quật nhiều di tích văn hoá Sa Huỳnh muộn (khoảng thế kỷ I, II tr.C.n đến thế kỷ I s.C.n) trên các cồn cát bên tả ngạn sông Thu Bồn thuộc xã Cẩm Hà như An Bang, Hậu Xá, Thanh Chiêm. Rõ ràng cư dân Sa Huỳnh đã cư trú trên một số cồn cát, doi đất cao hạ lưu sông Thu Bồn. Văn hóa Chămpa cũng để lại dấu tích ở xã Cẩm Hà, Cẩm Thanh qua những di vật gốm sứ Trung Quốc có niên đại thế kỷ IX (Hậu Xá I-II, Cẩm Hà), XII-XIII (Bàu Đá, Cẩm Thanh), XIV (Tràng Sỏi, Cẩm Hà), gốm Islam thế kỷ IX (Tràng Sỏi, Cẩm Hà). Đặc biệt kết quả thám sát và khai quật địa điểm Bãi Làng (5-1998 và 5-1999) trên Cù Lao Chàm đã tìm thấy gốm Chăm thô, gốm Trung Quốc thế kỷ IX-X, gốm Islam thế kỷ IX, thuỷ tinh nguyên liệu có nguồn gốc từ Funstat (Ai Cập), một số đồ thuỷ tinh gia dụng sản xuất từ Ai Cập, Iran khoảng thế kỷ IX. 

                                       Sơ đồ Phố cổ Hội An

Những di tích và di vật trên chứng tỏ khi mà kinh đô Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn của Chămpa xây dựng trên thượng lưu sông Thu Bồn thì vùng cửa sông và Cù Lao Chàm hẳn có một vị trí trọng yếu trong sự phòng vệ đất nước và là cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài. Trên mặt đất, vùng quanh Hội An cũng còn để lại một số dấu tích và di vật có nguồn gốc Chăm như di tích kiến trúc ở Lùm Bà Vàng (Thanh Chiêm-Cẩm Hà), ở An Bang (Cẩm Hà), bức tượng trong miếu Thần Hời (An Bang-Cẩm Hà), tượng thờ ở Lăng Bà Lồi (Cẩm Thanh), tượng voi trước đình Xuân Mỹ (Cẩm Hà), giếng Chăm rải rác nhiều nơi nhất là ở Trung Phường. Những địa danh như Cù Lao Chàm, cửa Đại Chiêm, Kẻ Chàm, Cồn Chăm... cũng còn lưu giữ lại dấu ấn của lịch sử văn hóa Chămpa. Thư tịch cổ của Trung Quốc có nói đến một "Lâm Ấp phố" nào đó mà phía ngoài là núi Bất Lao hay Chiêm Bất Lao tức Cù Lao Chàm hiện nay. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có đủ cứ liệu khoa học để chỉ ra một cảng thị của vương quốc Chămpa ở vùng cửa sông Thu Bồn mà thế kỷ IX-X đã có quan hệ giao thương với thế giới Trung Quốc và Ả Rập. Điều cần lưu ý là với những kết quả nghiên cứu cho đến nay thì trong phạm vi phố cổ Hội An chưa tìm thấy dấu tích của cảng thị Chămpa xưa, nghĩa là nếu có một cảng thị Chămpa thì vị trí không nằm trên phố cổ Hội An. 

Năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông lập thừa tuyên Quảng Nam (từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến bắc Phú Yên) thì vùng đất này thuộc về lãnh thổ Đại Việt. Từ đó người Việt di cư vào khai phá làm ăn ngày càng nhiều và bắt đầu quá trình chung sống và hỗn dung văn hoá Việt - Chăm với ưu thế tăng nhanh của cư dân Việt. Trong Ô Châu cận lục do Dương Văn An viết với lời tựa năm 1555, chưa thấy địa danh Hội An, nhưng cho biết vùng đất này đã có hai xã mang tên Cẩm Phố và Hoài Phố là những làng chài ven biển (7). Có thể thương cảng Hội An ra đời khoảng cuối thế kỷ XVI và phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XVII. 

Thương cảng Hội An ra đời và thịnh đạt trong thế kỷ XVII trên một vị trí địa lý và bối cảnh lịch sử trong nước cũng như khu vực có nhiều thuận lợi. 

                                                                                             Sơ đồ cảng Turon năm 1764

Việt Nam có bờ biển dài nằm trên "con đường tơ lụa trên biển" mà Cù Lao Chàm và cửa sông Thu Bồn là nơi thương thuyền các nước thường qua lại. Những di vật có nguồn gốc Trung Quốc, Ai Cập, Iran thế kỷ IX-X tìm thấy trên Cù Lao Chàm và gần đây, năm 1997-2000 việc khai quật con tàu đắm gần Cù Lao Chàm chở trên 2.400.000 hiện vật phần lớn là gốm Việt Nam sản xuất ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dương) có niên đại thế kỷ XV đã chứng tỏ điều đó. 

Khôi phục lại địa hình và các dòng sông, cửa biển vùng hạ lưu sông Thu Bồn và những biến đổi qua các thời kỳ lịch sử đã được nhiều nhà địa lý, địa chất quan tâm nghiên cứu và đã đưa ra những bản đồ giả định, tuy còn phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng cần lưu ý là cho đến thế kỷ XVII, sông Thu Bồn đổ ra biển qua hai cửa: Đại Chiêm hải khẩu (cửa Đại) và Tiểu Chiêm hải khẩu (cửa Tiểu) và tàu thuyền từ phía nam lên có thể cập bến b bằng cửa Đại. Bên cạnh đó còn một hải trình nối liền cửa Đại - Hội An với cửa Hàn - Đà Nẵng (Touran hay Touron). Dấu tích còn lại hiện nay là dòng sông Cổ Cò đang bị bồi lấp và chỉ còn lại từng đoạn nhỏ hay những ao đầm. 

Vào thế kỷ XVII, đường thuỷ này còn khá lớn và rất tiện cho tàu thuyền từ phía Bắc qua cửa Hàn - Đà Nẵng vào Hội An. Chính giáo sĩ Christoforo Borri sống ở Đàng Trong từ 1618 đến 1622, đã xác nhận có hai cửa ngõ vào Hội An từ cửa biển Pulluciampello (Cù Lao Chàm) tức cửa Đại và từ Touron tức cửa Hàn (8). Bản đồ cảng Turan (Đà Nẵng) do thuyền trưởng Arthur Rose vẽ năm 1764 cho thấy rất rõ con đường thuỷ nối liền cửa Hàn (Port de Kean) và cửa Đại Chiêm (Port de Cacciam) vào Hội An (9). Một bản đồ cảng Toran (Đà Nẵng) và đảo Callao (Cù Lao Chàm) do một thuyền buôn Anh vẽ sau đó 30 năm, vào năm 1793, ghi rõ hải trình với độ sâu từ Cù Lao Chàm qua cửa Hàn vào Faifo (Hội An). Có lẽ lúc này cửa Đại đã bị cát bồi nhiều nên tàu thuyền lớn từ Cù Lao Chàm cũng qua cửa Hàn - Đà Nẵng để cập bến Hội An. Cho đến bản đồ Đồng Khánh địa dư chí lược vẽ vào khoảng năm 1886-1888, dòng sông Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang) đã bị bồi lấp và thu hẹp nhiều, trước đó và Minh Mệnh đã cho đào sông Vĩnh Điện nối sông Thu Bồn với sông Hàn. 

                                                                                              Sơ đồ cảng Turon năm 1973

                                                                   Bản đồ Đồng Khánh năm 1886-1888

Tình hình trong nước vào cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVIII cũng tạo ra nhiều điều kiện chính trị, kinh tế cho sự phát triển của ngoại thương nói chung và thương cảng Hội An nói riêng. Chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong là Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) năm 1558 vào trấn thủ Thuận Hoá (Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế) rồi năm 1570 kiêm trấn thủ Quảng Nam (Đà Nẵng, Quảng Nam đến Bắc Phú Yên) đang ra sức xây dựng lực lượng, trước hết lo khai phá đất đai, mở mang kinh tế, mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài. Chúa kế nghiệp là Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi: 1613 1634), Nguyễn Phúc Lan (Chúa Thượng 1635-1648), Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền 1648-1687) càng thi hành nhiều chính sách tích cực để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng lực lượng quân sự nhằm đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài mà chiến tranh đã bùng nổ và kéo dài từ 1620-1672. Đến cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, đất Đàng Trong đã được mở rộng vào đến đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế nông nghiệp và công thương nghiệp đều phát triển mạnh. Nền tảng kinh tế đó cùng với chính sách mở cửa của chính quyền chúa Nguyễn dẫn đến sự xuất hiện nhiều đô thị, nhất là các thương cảng ven sông, ven biển như Thanh Hà (Huế, cửa sông Hương), Đà Nẵng (cửa sông Hàn), Hội An (cửa sông Thu Bồn), Vũng Lắm (Phú Yên), Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh), Đông Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho (Tiền Giang), Hà Tiên (Kiên Giang)..., trong đó Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất.

Trong bối cảnh khu vực và thế giới, thế kỷ XV-XVII được coi là "thời đại thương mại" (The Age of commerce) (10). Ở châu Á, từ thời Cổ đại và Trung đại, ngoài những con đường giao thương trực tiếp giữa các quốc gia, đã sớm hình thành hai hệ thống giao lưu kinh tế-văn hoá lớn là "con đường tơ lụa trên bộ" và "con đường tơ lụa trên biển". Từ thế kỷ VIII-IX do thuận tiện của đường biển và do những tiến bộ của kỹ thuật hàng hải, "con đường tơ lụa trên biển" ngày càng chiếm ưu thế. Đầu thế kỷ XV, nhà hàng hải nổi tiếng Trung Quốc là Trịnh Hòa trong thời gian 27 năm từ 1405 đến 1433, đã đem hạm đội 7 lần vượt biển từ Nam Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á, sang Ấn Độ, vào vịnh Ba Tư, Hồng Hải, các nước Ả Rập rồi theo bờ biển Đông Phi đến tận Somalie, Mozambique. Hệ thống thương mại Á châu này có quan hệ và tác động đến quan hệ giao thương của các nước châu Á, nhất là những nước ven bờ đại dương và cả quan hệ giữa phương Đông với phương Tây.

Sang đầu thế kỷ XVI sau các phát kiến địa lý, con đường hàng hải từ châu Âu theo Đại Tây Dương qua bờ biển châu Phi lại được nối liền với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mở đường cho sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây sang phương Đông, bắt đầu hình thành hệ thống thương mại thế giới. Thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Công ty Đông Ấn của Hà Lan, Anh, Pháp... mở rộng quan hệ buôn bán, thành lập thương điếm và căn cứ thương mại - quân sự trên lãnh thổ một số nước. 

Trong bối cảnh chung đó, tình hình chính trị - kinh tế và chính sách ngoại thương của các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc cũng có nhiều tác động quan trọng đến Việt Nam và Đông Nam Á. 

Nhà Minh (1368-1644) chủ trương "hải cấm" hạn chế và kiểm soát ngoại thương. Năm 1567 nhà Minh nới lỏng chính sách ngoại thương, cho phép người Hoa được vượt biển buôn bán và cấp giấy phép cho thuyền buôn ra nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế quan hệ với Nhật Bản, cấm xuất khẩu một số nguyên liệu. Từ nửa sau thế kỷ XVI, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á. Trong lúc đó quan hệ buôn bán trực tiếp giữa Trung Quốc và Nhật Bản bị khống chế dẫn đến hoạt động buôn lậu dọc ven biển (Nuy khấu). Chính quyền Mạc phủ Nhật Bản thực hiện chủ trương "Châu Ấn thuyền" (Shuinsen), cấp giấy phép cho thuyền Nhật xuống các nước Đông Nam Á buôn bán và thu mua hàng của Trung Quốc từ các nước này. Chính sách Châu Ấn thuyền có thể được thiết lập khoảng năm 1592-1596 và thực hiện từ đầu thế kỷ XVII đến 1635, tạo điều kiện cho thuyền buôn Nhật Bản mở rộng quan hệ giao thương với các nước Đông Nam Á. Trong những năm 1633-1639 Mạc phủ lần lượt ban hành chính sách hạn chế ngoại thương mà về sau gọi là chính sách "đóng cửa" (tỏa quốc - sakoku) nhằm chống lại sự cạnh tranh và thâm nhập của nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước nhưng vẫn duy trì quan hệ với Công ty Đông Ấn Hà Lan và Trung Quốc như những cửa ngõ thông với thế giới. Người Nhật cấm đi ra nước ngoài và từ đó một số người Nhật ở lại nước ngoài tiếp tục sinh sống. 

Ở Trung Quốc, năm 1644 nhà Minh bị nhà Thanh (1644-1911) thay thế và trong phong trào "phản Thanh phục Minh", nhiều người Hoa lại rời đất nước di cư xuống các nước vùng Đông Nam Á. Để đối phó với cuộc đấu tranh của Trịnh Thành Công ở Đài Loan (1661-1683), nhà Thanh lại thi hành chính sách "hải cấm" để cô lập Đài Loan và ngăn chặn sự liên kết phong trào chống Thanh trong nước với Trịnh Thành Công. Quan hệ mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc bị hạn chế, nhưng thuyền buôn Đài Loan vẫn tiếp tục buôn bán với các nước. 

Tất cả những biến động trong chủ trương đối ngoại của Trung Quốc và Nhật Bản trên đây đều ảnh hưởng đến tình hình thương mại vùng Đông Á và Đông Nam Á nói chung, trong đó có Việt Nam và Hội An nói riêng. 

Thương cảng Hội An ra đời cuối thế kỷ XVI và thịnh đạt ở thế kỷ XVII với những điều kiện, bối cảnh trong nước và khu vực thuận lợi. Trong nửa đầu thế kỷ XVII, Hội An đã trở thành một thương cảng nổi tiếng và sầm uất bậc nhất ở Việt Nam. Năm 1621 Christoforo Borri đã thấy có thuyền buôn nhiều nước đến Faifo như Trung Quốc, Nhật Bản, Macao, Malacca, Campuchia... Riêng Châu Ấn thuyền của Nhật Bản trong khoảng 1604-1635 có 356 thuyền được cấp giấy phép xuất dương, thì có 37 thuyền đến Đàng Ngoài (10,4%), 87 thuyền đến Đàng Trong chủ yếu là Hội An (24,4%), 6 thuyền đến Chămpa (1,7%), tổng số thuyền đến Việt Nam kể cả Đàng Ngoài, Đàng Trong và Chămpa là 130 thuyền (36,5%) (11). Số Châu Ấn thuyền đến Hội An năm nhiều nhất là 7 thuyền (1614) hay 6 thuyền (1604, 1613) và chỉ có 2 năm không có là 1625, 1626. Đứng vế số lượng Châu Ấn thuyền thì quan hệ buôn bán của Nhật Bản với Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng chiếm tỷ trọng cao nhất so với tất cả các nước khác ở Đông Nam Á. Ngoại phiên thông thư có phần An Nam quốc thư (Q. 11- 14) còn ghi lại 62 bức thư theo thư mục mà thực tế chỉ còn 56 bức thư gồm những văn thư trao đổi giữa Mạc phủ Nhật Bản với chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở Việt Nam trong thời gian 1601 đến 1694, trong đó có nhiều thư liên quan đến quan hệ thương mại giữa hai nước (12). 

Cùng với người Nhật là người Trung Quốc. Từ sau năm 1567 đến năm 1644, trong thời gian nhà Thanh bãi bỏ chế độ "cấm biển" (hải cấm), thuyền buôn Trung Quốc được phép tự do buôn bán với các nước Đông Nam Á. Hội An cũng là nơi cuốn hút nhiều thuyền buôn Trung Quốc, nhất là vùng Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam. 

Người Nhật Bản cũng như người Trung Quốc không chỉ theo thuyền đến buôn bán mà còn mở phố xá, cửa hàng và một số ở lại lưu trú lâu dài. Họ vừa buôn bán vừa làm môi giới trong phiên dịch và trung gian mua bán hàng cho thuyền buôn các nước khác. Theo gia phả và ký ức của người Hoa ở Hội An thì những lớp người Hoa đến đầu tiên được suy tôn là Tiền hiền, là thuỷ tổ các dòng họ được gọi là Thập lão, Lục tính, Tam đại gia và từ những năm 1645-1653 lập thành xã Minh Hương, rồi dựng chùa miếu, lập hội quán (13). Người Hoa và người Nhật giữ vai trò rất quan trọng trong nền thương mại Hội An. Theo Christoforo Borri thì "Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Hoa chọn một địa điểm và nơi thuận lợi để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Đó là thành phố Faifo, một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói là có hai thành phố, một của người Hoa và một của người Nhật" (14). Theo tư liệu này thì trên cơ sở một số làng ven ven biển, do điều kiện thuận lợi, một số người Nhật và người Hoa đã được chúa Nguyễn cho thiết lập nên thương cảng Hội An. Mỗi khu phố của người Nhật cũng như người Hoa có một "Trưởng khu" đứng đầu và trong đó, họ được sống theo luật lệ và phong tục riêng. Bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của Chaya Shinroku vẽ khoảng đầu thế kỷ XVII còn lưu giữ tại chùa Jomyo thành phố Nagoya cung cấp một hình ảnh của khu phố Nhật với những ngôi nhà kiểu Nhật và người mang trang phục Nhật. Tư liệu Nhật Bản còn ghi lại họ tên những Trưởng khu người Nhật như Domingo 1633-1636, Haranoy Rokubee 1636-1640, Enmuraubee 1640-1642, Enmura Taihee 1642-1660, Hayashikinemon 1660-1665, Kakuyashichi Rokuno 1665-1672 (15). 

Sau khi thực hiện chính sách hạn chế ngoại thương, quan hệ buôn bán với Nhật Bản giảm sút dần, nhưng một số người Nhật vẫn ở lại Hội An buôn bán và vẫn giữ quan hệ qua lại với quê hương qua những thuyền buôn nước khác được cập bến Nhật Bản hay qua những chuyến buôn lén lút. Khu phố người Nhật vẫn do người Nhật làm Trưởng khu cho đến năm 1672. Đến cuối thế kỷ XVII thì số người Nhật còn lại ở Hội An giảm sút nhanh chóng. Năm 1695 khi Thomas Bowyear của Công ty Đông Ấn Hà Lan đến Hội An thì chỉ còn 4-5 ngôi nhà người Nhật và ghi nhận "Trước kia người Nhật là cư dân chủ yếu của thành phố này và là chủ nhân phần lớn các hoạt động thương mại ở cảng Hội An" (16). Nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán đến Hội An năm 1699 có nêu tên "Cầu Nhật Bản", nhưng không nói đến người Nhật mà chỉ thấy vai trò chi phối của người Hoa (17). Sau năm 1644, ở Trung Quốc nhà Thanh thành lập thì số người Hoa không thần phục triều Thanh lánh nạn ra nước ngoài càng đông và sinh cơ lập nghiệp tại đó. Trong hoàn cảnh như vậy, số lượng và vai trò của người Hoa tại Hội An tăng lên nhanh chóng từ khoảng giữa thế kỷ XVII. 

Ngoài các nước Đông Á và Đông Nam Á, thương thuyền và giáo sĩ phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan rồi Anh, Pháp cũng đến buôn bán ở Hội An. Riêng Công ty Đông Ấn Hà Lan đã lập thương điếm ở đây năm 1636 và tồn tại cho đến năm 1741. 

Trong thời thịnh đạt thế kỷ XVII, Hội An là nơi qui tụ hàng hoá, sản phẩm của Đàng Trong, nhất là dinh Quảng Nam để chuyển bán cho thuyền buôn nước ngoài. Hàng xuất khẩu chủ yếu là lâm thổ sản quý như trầm hương, quế, hồ tiêu, yến sào, vàng, cau khô.; Các loại dược liệu như sừng tê giác, đậu khấu, tô mộc, sa nhân,...; Một số sản phẩm thủ công như tơ sống, lụa, đường, đồ gốm... Hàng hoá nước ngoài cũng qua Hội An lan toả ra các nơi qua vai trò các thương nhân trong nước. Hàng nhập khẩu gồm một số sản phẩm cung cấp cho nhu cầu của Nhà nước và quý tộc như vũ khí (đại bác, kiếm), nguyên liệu chế thuốc súng; Đồng, kẽm (để đúc tiền); Các loại gấm, lụa, đồ sứ cao cấp; Hàng phương Tây như dạ, đồng hồ... và nhiều mặt hàng dân dụng đủ các loại từ gốm sứ, vải lụa đến thuốc Bắc, thuốc nhuộm, bút mực... Do vai trò quan trọng của Hội An nên từ năm 1602 chúa Nguyễn cho thiết lập dinh trấn Quảng Nam ở Cần Húc huyện Duy Xuyên và cử hoàng tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn thủ, vừa quản lý dinh quan trọng và giàu có bậc nhất của Đàng Trong, vừa trực tiếp quản lý thương cảng Hội An. Tại trấn dinh, cho "xây kho tàng chứa lương thực" (18). Bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ còn cho thấy một hình ảnh cụ thể của dinh trấn Quảng Nam được phòng vệ chặt chẽ vào đầu thế kỷ XVII. Cuối thế kỷ XVII, Thích Đại Sán nhận thấy Dinh trấn ở về phía Tây Hội An, "như Vương phủ để phòng ngự lân bang" (19). 

Sang thế kỷ XVIII, Hội An vẫn là thương cảng lớn của cả nước nhưng không còn điều kiện phát triển như trước, về mặt mậu dịch đối ngoại đã có chiều hướng suy giảm trong sự suy thoái chung của hệ thống thương mại châu Á. Sau khi chiến tranh Trịnh-Nguyễn kết thúc, Chính quyền Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài không còn tiếp tục những chính sách khuyến khích ngoại thương tích cực như trước. Quan hệ thương mại với Nhật Bản chấm dứt, ngoại trừ một số người Nhật lấy chồng người Việt và ở lại Việt Nam. Sau năm 1683, nhà Thanh bãi bỏ chế độ "hải cấm" thúc đẩy thuyền buôn Trung Quốc mở rộng quan hệ giao thương với Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng cũng từ đây một số nghề thủ công của Việt Nam và Đông Nam Á không đủ khả năng cạnh tranh với những hàng hóa chất lượng cao của Trung Quốc như gốm sứ, hàng dệt... Số người Hoa ở Hội An tiếp tục tăng thêm và vai trò chi phối hoạt động thương mại của họ càng cao. Tại đây các hội quán của người Hoa tiếp tục được xây dựng và tu bổ. 

Trong lúc đó, các công ty tư bản phương Tây, nhất là Anh và Pháp lại tăng cường hoạt động kết hợp với truyền giáo làm cho chính quyền lo ngại và gia tăng các giải pháp đối phó, trong đó có biện pháp hạn chế và kiểm soát ngoại thương. Theo lệ thuế của chúa Nguyễn do Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776, thì các thuyền buôn Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Đông, thuế đến là 3.000 quan, thuế đi là 300 quan; Phúc Kiến thuế đến là 2.000 quan, thuế đi là 200 quan; Thuyền buôn Nhật Bản thuế đến là 4.000 quan, thuế đi là 400 quan; Thuyền các nước Đông Nam Á thấp hơn như Xiêm La, Lữ Tống (Luzon-Philippines thuế đến là 2.000 quan, thuế đi là 200 quan; Trong lúc thuyền buôn Macao (Hà Lan) thuế đến là 4.000 quan, thuế đi là 400 quan, Tây Dương thuế đến là 8.000 quan, thuế đi là 800 quan. Cũng theo Lê Quý Đôn thì cho đến cuối thế kỷ XVIII, Hội An vẫn giữ được sự phồn thịnh, tuy quan hệ ngoại thương gần như thu hẹp lại với Trung Quốc: hàng hoá các nơi "đều hội tập về Hội An, vì thế người Khách phương Bắc đều tụ tập ở đây để mua về nước" (20). Thuyền buôn nước ngoài phải qua Cù Lao Chàm hay Đà Nẵng để nhân viên của Tàu ty kiểm tra rồi mới được vào Hội An. 

Cuối thế kỷ XVIII, Hội An lại bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với quân Trịnh. Sang thế kỷ XIX, do sự bồi cát của cửa sông Thu Bồn và sự bồi lấp của sông Cổ Cò nên các tàu thuyền lớn khó cập bến Hội An. Do những biến đổi của địa hình sông nước và do tình hình kinh tế, chính trị thời Nguyễn, Đà Nẵng càng ngày càng phát triển và thay thế dần vai trò của Hội An. Tuy nhiên Hội An vẫn bảo tồn được sức sống của nó như là một cảng thị giữ được quan hệ giao thương mật thiết với nhiều vùng trong nước và quan hệ trực tiếp với Đà Nẵng. Gần như có một sự chuyển đổi vị thế: Đà Nẵng trước đây là một tiền cảng của Hội An thì nay Hội An lại trở thành một cảng thị phụ cận của Đà Nẵng. Năm 1888, khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, thì thành phố cảng này đi vào quá trình cận đại hoá dưới tác động của chủ nghĩa thực dân. Trong lúc đó, Chính quyền Pháp có lúc đặt đường sắt nối liền Hội An với Đà Nẵng và xây dựng một số công sở kiểu Pháp tại Hội An, nhưng nói chung cảng thị này không bị đẩy vào con đường cận đại hoá trên cơ sở huỷ hoại các kiến trúc cổ như nhiều đô thị cổ khác của Việt Nam. Đấy lại là điều may mắn để Hội An không chỉ để lại trong lịch sử một thời kỳ vàng son của một trung tâm mậu dịch sầm uất mà còn bảo tồn được cho đến nay nhiều di tích của quá khứ. 

III. GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN HỘI AN 

Hội An đã được Chính phủ Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia và năm 1999 được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Điều đó đủ khẳng định những giá trị của di sản lịch sử văn hoá Hội An, một di sản quý của Việt Nam và của thế giới. Tuy nhiên, nhận thức về giá trị của một di sản lớn là kết quả của quá trình tìm tòi, khám phá, quá trình nghiên cứu khoa học không bao giờ dừng lại và không nên đưa ra kết luận cuối cùng. Với những thành quả nghiên cứu mang tính hợp tác quốc tế cho đến nay, tôi thấy có thể nêu lên những giá trị tiêu biểu sau đây, kể cả những vấn đề cần đặt ra để tiếp tục nghiên cứu và thảo luận. 

1. Về mặt lịch sử

Hội An nhìn dưới góc độ một trung tâm thương mại lớn có quan hệ rộng rãi với trong nước và thế giới, thì phạm vi hoạt động trực tiếp không chỉ giới hạn trong phố cổ Hội An mà còn bao quát cả cửa sông sông Thu Bồn, bao gồm cả Cù Lao Chàm ngược lên đến Dinh Chiêm. Từ không gian đó, đi vào chiều sâu lịch sử thì vùng Hội An đã từng có một cảng thị của vương quốc Chămpa mà những phát hiện khảo cổ học ở Cù Lao Chàm cho thấy đã có quan hệ giao lưu với thế giới Trung Quốc và Ả Rập thế kỷ IX-X. Thời kỳ tiền Hội An đó là một dấu nối có nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa giữa Chămpa với Đại Việt. 

Sau khi ra đời vào cuối thế kỷ XVII, Hội An nhanh chóng phát triển thành một cảng thị phồn thịnh nhất của Việt Nam và vào loại nổi tiếng của Đông Nam Á. Thế kỷ XVII là thời kỳ phát đạt của các đô thị Trung đại Việt Nam (hay Cận thế theo quan niệm phân kỳ của sử gia Nhật Bản) ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nhưng phần lớn các đô thị này đều mang cấu trúc chung: vừa là trung tâm chính trị (của chính quyền trung ương hay địa phương) vừa là trung tâm kinh tế với hai bộ phận cấu thành: thành = chính trị + thị = kinh tế. Có thể bộ phận trung tâm chính trị (thành) ra đời trước rồi bộ phận trung tâm kinh tế (thị) bổ sung sau như Đại La, Thăng Long, Phú Xuân, Gia Định, Biên Hoà, Hà Tiên... Cũng có thể đô thị xuất hiện và phát triển đến mức độ nào đó rồi chính quyền địa phương đặt làm trị sở để kiểm soát như Phố Hiến, Đà Nẵng... Đặc điểm này là xuất phát từ sự phát triển sớm của chế độ quân chủ tập quyền mà tất cả các đô thị đều nằm trong hệ thống hành chính và chịu sự quản lý, kiểm soát của chính quyền trung ương hoặc địa phương. 

Khác với phương Tây và Nhật Bản, do những đặc điểm lịch sử khác biệt, sớm xuất hiện những thành thị tự do với quyền quản lý và phòng vệ của những Hội đồng hay tổ chức đại diện cho tầng lớp thị dân. Hội An ra đời trên một vị trí thuận lợi và phát triển thành một đô thị, kiểu đô thị thương cảng, tuy cũng nằm dưới sự quản lý của chúa Nguyễn mà trực tiếp dinh trấn Quảng Nam. Nhưng trong lịch sử tồn tại, Hội An không giữ vai trò trị sở của chính quyền, ngoại trừ hai trường hợp ngắn mấy năm đầu đời Gia Long, nhà Nguyễn tạm dời trấn dinh Quảng Nam từ Dinh Chiêm về Hội An trước khi xây dựng dinh trấn mới ở Thanh Chiêm và chính quyền Pháp cũng có lúc đặt trị sở tỉnh Quảng Nam tại Hội An rồi chuyển về Đà Nẵng. Trị sở chính quyền đặt tạm ở Hội An lại diễn ra vào lúc suy thoái của đô thị này. Tại Hội An, trong thời thịnh đạt thế kỷ XVII, ngoài thương điếm Hà Lan, còn có hai khu phố người Nhật và người Hoa với quyền tự quản khá lớn như được cử Trưởng khu, có luật lệ riêng và được sống theo phong tục mỗi nước. Một số đô thị khác cũng có lúc có thương điếm nước ngoài và người Hoa vẫn thường có xu hướng sống theo cộng đồng cùng quê hương, lập thành bang và có hội quán riêng, nhưng quyền tự quản của khu phố người nước ngoài ở Hội An cao hơn. Chính sách mở cửa của chúa Nguyễn cùng với kết cấu thoáng đạt đó phải chăng là những nhân tố bên trong tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Hội An. 

2. Về kinh tế và văn hoá

Hội An là một trong những cảng thị Việt Nam nằm trên "con đường tơ lụa trên biển" và phát triển trong hệ thống thương mại châu Á. Hải trình giao lưu kinh tế - văn hoá trên biển này chạy dọc theo bờ biển Việt Nam và cho đến nay đã có thể xác định một số cảng thị Việt Nam ra đời trên con đường giao thương này. Sớm nhất là cảng thị Óc Eo (Kiên Giang) vào những thế kỷ đầu C.n với những quan hệ mật thiết với Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư và La Mã; Rồi đến một cảng thị nào đó của Chămpa vùng Cù Lao Chàm cửa sông Thu Bồn trong khoảng thế kỷ IX-X (chưa xác định rõ vị trí) có quan hệ với Trung Quốc và thế giới Islam, thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) phát triển thời Lý, Trần, Lê (thế kỷ XI-XVII) và Hội An. Nhưng khác với trước, từ thế kỷ XVI-XVII "con đường tơ lụa trên biển" của châu Á đã nối thông với với châu Âu qua hải trình vòng qua châu Phi, bắt đầu hình thành hệ thống thương mại thế giới. Trong bối cảnh đó, Hội An có điều kiện phát triển thành một trung tâm kinh tế văn hoá mang tính quốc tế trong quan hệ giao lưu với nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và cả một số nước phương Tây. Mối quan hệ giao lưu này được ghi nhận trong tư liệu chữ viết của Việt Nam và những nước có liên quan, nhiều nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, đồng thời được lưu lại dấu ấn qua những tư liệu khảo cổ học, đặc biệt quan trọng là tư liệu gốm sứ. 

Về kinh tế, Hội An là trung tâm quy tụ hàng hóa Đàng Trong để xuất khẩu ra nước ngoài và cũng là nơi phân bố hàng hoá nhập khẩu đi bốn phương. Đây là thương cảng tiếp đón thuyền buôn nhiều nước đến mua bán hàng hoá trực tiếp với Việt Nam và cũng là một đầu mối trung chuyển để thương nhân Nhật Bản tìm mua sản phẩm của Trung Quốc cấm nhập khẩu vào Nhật Bản hay Công ty phương Tây thực hiện phương thức buôn bán từ châu Á đến châu Á. Bên cạnh thuyền buôn cập bến và rời bến theo mùa gió là những thương gia, chủ yếu là người Nhật, người Hoa tạo lập phố xá, buôn bán tại chỗ và đóng vai trò trung gian trong giao dịch và mua bán giữa Việt Nam với các nước và giữa các nước với nhau. Những hoạt động thương mại đan xen phong phú, đa dạng và mang tính quốc tế đó tạo nên sự phồn vinh của Hội An. 

Về văn hoá, Hội An là một trung tâm giao tiếp văn hoá của các địa phương, các tộc người trong nước và với nhiều nền văn hoá nước ngoài. Qua quan hệ buôn bán, sự tiếp xúc, quá trình chung sống… nhiều ảnh hưởng và yếu tố văn hoá của người Nhật, người Hoa và các cộng đồng cư dân nước ngoài khác đã được cư dân Hội An tiếp nhận và dần dần dung hợp với văn hoá bản địa. Hội An trong lịch sử đã giao thoa với nhiều văn hoá bên ngoài, nhưng ảnh hưởng văn hoá để lại dấu ấn đậm nét nhất là văn hoá Trung Quốc qua người Hoa sống lâu dài ở đây. 

Hội An còn là một cửa ngõ đón nhận một số ảnh hưởng văn hoá phương Tây. Năm 1615 từ Macao, một phái đoàn Dòng Tên được cử đến Hội An gồm 1 người Ý, 2 người Bồ Đào Nha và 2 người Nhật. Năm 1617 linh mục Francesco di Pina, người Bồ Đào Nha, đến Hội An và là nhà truyền giáo thông thạo tiếng Việt đầu tiên. Tiếp theo Christoforo Borri, người Ý, đến thương cảng này và ở lại Đàng Trong 5 năm cho đến năm 1622. Ông đã viết cuốn sách miêu tả Đàng Trong năm 1621, trong đó có những tư liệu quý giá về Faifo-Hội An. Sau đó nhiều giáo sĩ đến Đàng Trong qua cảng Hội An, trong đó có Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes... và một số người Nhật theo đạo Kitô phải rời đất nước sau khi có lệnh cấm đạo và trục xuất giáo sĩ. Hội An là nơi họ cập bến Đàng Trong và cũng là thương cảng họ sống nhiều năm hoặc lui tới để giữ liên hệ với tổ chức của họ ở nước ngoài. F. di Pina, Ch. Borri, Gaspar de Amiral, Antonio Barbosa và A. de Rhodes là những giáo sĩ giỏi tiếng Việt và là tác giả những cuốn Từ điển Việt-Bồ (Gaspar de Amaral), Bồ Việt (Antonio Barbosa), Việt-Latinh-Bồ (A. de Rhodes) cùng một số hồi ký và sách miêu tả về đất nước, xã hội, con người, văn hoá của Đàng Trong đương thời. Đó là cơ sở và quá trình hình thành chữ quốc ngữ mà thực chất là thành quả của quan hệ giao lưu văn hoá Việt Nam với phương Tây, cụ thể là sự du nhập hệ thống chữ cái Latinh do các giáo sĩ phương Tây đưa vào để phiên âm tiếng Việt trong nhu cầu học tiếng Việt để trực tiếp giảng đạo của họ. Chữ quốc ngữ còn tiếp tục quá trình cải tiến, sửa đổi để tiến tới chữ quốc ngữ hiện nay mà về sau người Việt càng ngày càng giữ vai trò quyết định.

Hội An là một trong những nơi tiếp nhận đầu tiên Kitô giáo và giữ vị trí quan trọng trong buổi đầu ra đời của chữ quốc ngữ. 

3. Lịch sử Hội An đã đi vào quá khứ, nhưng cả một quần thể di tích của thương cảng này còn được bảo tồn cho đến nay

Lịch sử Hội An đã đi vào quá khứ, nhưng điều hết sức may mắn là cả một quần thể di tích của thương cảng này còn được bảo tồn cho đến nay làm cho Hội An không chỉ được phản ánh qua các trang sử mà còn hiển thị trước mặt chúng ta, ít ra là một bộ phận đang tồn tại trên mặt đất. Riêng khu phố cổ được coi là trung tâm của Hội An, quần thể di tích gồm những công trình mang tính tôn giáo, tín ngưỡng như nhà thờ họ, đình, chùa, đền, miếu, hội quán, mộ cổ; Những kiến trúc dân dụng như nhà phố, nhà ở, giếng cổ cùng với cầu, dấu tích đường sá, bến, chợ... Năm 1985 Trung tâm thiết kế và tu bổ các công trình văn hoá đã điều tra 502 công trình và tiến hành đo đạc, vẽ ghi, phân loại theo giá trị. Từ năm 1985 đến 1989, Trung tâm lại tiếp tục điều tra, đưa tổng số các công trình ở Hội An lên 700 và tiến hành phân loại theo giá trị kiến trúc nghệ thuật và đánh giá về thực trạng kỹ thuật (21). 

Từ năm 1993 các học giả Nhật Bản cùng hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam tiến hành điều tra toàn bộ phố cổ Hội An và những vùng phụ cận có liên quan, đặc biệt đã khảo sát kỹ và vẽ ghi 264 ngôi nhà trên các phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, trong đó có 5 nhà thờ họ. Các học giả Nhật Bản quan tâm nhiều nhất đến loại hình nhà phố gắn liền với đặc trưng thương mại của thương cảng Hội An. Kết quả điều tra này được phản ánh trong công trình Kiến trúc phố cổ Hội An-Việt Nam (22). Các tác giả đã điều tra khảo sát rất công phu, tỉ mỉ, lập hồ sơ rất chi tiết. Một số đoàn nghiên cứu còn tiến hành điều tra xã hội học, đến từng gia đình gặp gỡ phỏng vấn để tìm hiểu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống, cách bày biện, trang trí trong một ngôi nhà. Trong khi trùng tu nhà 80 Trần Phú, các nhà kiến trúc Nhật Bản đã tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà, nghiên cứu rất cặn kẽ một nhà truyền thống của Việt Nam từ kết cấu cho đến cách lắp ghép, kỹ thuật đục mộng, đóng đinh... Các làng nghề quanh Hội An như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà... cũng được khảo sát để nâng cao hiểu biết về các nghề thủ công truyền thống Việt Nam. 

Trên cơ sở tư liệu tích luỹ rất phong phú, các tác giả đã tiến hành phân loại các kiến trúc truyền thống ở Hội An qua hình thức mặt đứng, phân tích bố cục tổng thể từ khuôn viên nền đất, vị trí của nhà trước, sân trong, nhà cầu, nhà sau... cho đến cấu trúc vì kèo, tổ chức không gian mặt bằng, các yếu tố cấu thành của mặt bằng, mặt cắt, kết cấu. Các tác giả đã phục dựng lại quy trình xây dựng một ngôi nhà truyền thống ở Hội An như xây móng, làm nền, đặt đá chân cột, dựng cột, lắp trình, đặt hoành, đóng rui, rồi lợp mái, các bước hoàn thiện và trang trí... 

Công trình nghiên cứu kiến trúc Hội An cũng đã so sánh trong mức độ nào đó với kiến trúc nhà ở tại Huế, một số làng đồng bằng Bắc Bộ, phố cổ Hà Nội, đồng thời so sánh trên những nét tổng quát với phố cổ Nhật Bản. 

Mục tiêu cao nhất của các nhà kiến trúc là cố gắng tìm ra những đặc trưng cơ bản của kiến trúc phố cổ Hội An, xác định những yếu tố cần bảo tồn và kế thừa gắn liền với cuộc sống của cộng đồng cư dân Hội An hiện nay. Các tác giả cũng đã nghiên cứu những biến thiên của nhà ở, nhất là nhà phố ở Hội An từ nhà truyền thống đến nhà kiểu Pháp và phương Tây thời Pháp thuộc và cả những nhà cải tạo, cơi nới, xây mới gần đây. 

Tuy việc điều tra khảo sát đã được tiến hành nhiều đợt và đạt nhiều kết quả về đánh giá hiện trạng của khu di tích, nhưng về mặt lịch đại và cấu trúc phố cổ Hội An vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. 

Theo kết quả điều tra và xác minh bằng phương pháp liên ngành, kết hợp giữa kiến trúc hiện còn với một số tài liệu văn tự như gia phả, địa bạ, văn tự mua bán ruộng đất và giấy tờ các gia đình còn lưu giữ được thì phố Bạch Đằng ven sông và phố Nguyễn Thái Học tiếp theo ở phía Bắc mới được mở mang trong thế kỷ XIX. Căn cứ vào kết quả khai quật khảo cổ học ở nhà 85 Trần Phú và những tư liệu văn tự phát hiện ở Hội An thì phố Trần Phú được xây dựng trong thế kỷ XVIII và cho đến năm 1811, phía Nam nhà số 85 còn là sông lớn. Trong lúc đó, đình Cẩm Phô ở phía Bắc phố Nguyễn Thị Minh Khai cách cầu Nhật Bản khoảng 250m, được xây dựng năm 1818, nhưng hố khai quật ở sân đình đã tìm thấy nhiều di vật gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam có niên đại cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII. Đình Tu Lễ ở ngã ba phố Nguyễn Thị Minh Khai và Huỳnh Đức Cảnh, cách cầu Nhật Bản khoảng 400m về phía Tây, hố khai quật ở sân đình cũng tìm thấy dấu tích và di vật thế kỷ XVII - XVIII. Vậy phải chăng thương cảng Hội An thế kỷ XVII nằm trên bờ Bắc sông Thu Bồn lúc đó, nay ở vào khoảng phía Bắc phố Trần Phú cho đến gần phố Phan Châu Trinh và kéo sang bên kia cầu Nhật Bản quanh đình Cẩm Phô, Tu Lễ trên phố Nguyễn Thị Minh Khai? Đó là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và xác minh. 

                                                                                                          Sơ đồ Chùa Tùng Bản

Trong không gian Hội An trên, khu phố người Nhật và người Hoa nằm ở đâu? Căn cứ vào tài liệu chùa Tùng Bản do Shichirobei xây năm 1672 tại Hội An và theo sơ đồ gửi về Nhật năm 1673 thì ngôi chùa ở Bắc sông, phía Đông là khu phố Nhật, phía Tây là khu phố người Hoa, phía Nam là phố An Nam, có người đoán là chùa Âm Bổn hiện nay. Nhưng kết quả khai quật khảo cổ học năm 1989 không xác nhận dự đoán đó. Cũng có người ngờ là vùng Cẩm Châu hay khu vực hai bên cầu Nhật Bản nhưng chưa đưa ra được căn cứ khoa học nào. Một số nhà khảo cổ học Nhật Bản dựa vào những kết quả thám sát khảo cổ học dự đoán khu phố Nhật Bản có thể nằm về phía Tây cầu Nhật Bản. Theo tôi, đó là những đề xuất dựa trên một số cứ liệu khoa học có thể mở ra hướng nghiên cứu mới để tiến tới một nhận thức về không gian tồn tại và cấu trúc của Hội An trong thời thịnh đạt thế kỷ XVII và những biến đổi của nó qua các thời kỳ lịch sử về sau. 

                                                                                               Văn bản ghi vị trí chùa Tùng Bản

Ngoài các kiến trúc nhà ở mà niên đại phải dày công xác định, ở Hội An còn một số kiến trúc mang niên đại tương đối như những ngôi mộ người Nhật, mộ người Hoa, người Việt, một số đình, chùa, nhà thờ họ, các hội quán người Hoa... Hội An là nơi tập trung nhiều Hội quán người Hoa vào loại lâu đời và đẹp nhất của cả nước. 

Liên quan trực tiếp đến Hội An có một công trình quan trọng là dinh trấn Quảng Nam thường gọi là Dinh Chiêm, xây dựng năm 1602 tại xã Cần Húc. Gần đó lại còn thành cũ Quảng Nam ở xã Thanh Chiêm xây vào đầu đời Gia Long và thành phủ Điện Bàn xây theo kiểu Vauban đời Nguyễn. Những di tích thành này đã được khảo sát nhưng xác định cụ thể vị trí và cấu trúc của Dinh Chiêm còn là nhiệm vụ của khảo cổ học. Một số cuộc đào thám sát do các nhà khảo cổ học Nhật Bản hợp tác với Việt Nam đã bước đầu phát hiện ra dấu tích thế kỷ XVII và công việc đang tiếp tục. 

Ngoài di sản vật thể trên đây, phố cổ Hội An còn lưu giữ trong ký ức nhân dân và trong cuộc sống hiện nay một di sản văn hoá phi vật thể khá phong phú biểu thị trong lối sống, trong phong tục, tập quán, trong tín ngưỡng và lễ hội dân gian, trong các nghề thủ công truyền thống, trong nghệ thuật ẩm thực... Di sản này cũng đang được nghiên cứu, sưu tầm và bước đầu được phục dựng trong các lễ hội, trong sinh hoạt văn hoá của cư dân làm tăng thêm sức sống cho phố cổ Hội An và thu hút khách du lịch. 

Trên lãnh thổ Việt Nam đã từng tồn tại nhiều đô thị, nhưng di tích còn được bảo tồn đến nay hầu hết là phần thành luỹ của trung tâm chính trị như thành Cổ Loa (Hà Nội), thành Tây Đô (Thanh Hoá), cố đô Huế và một số tỉnh thành, phủ thành, còn những di tích phố cổ gắn liền với cuộc sống của cộng đồng cư dân đô thị thì hoặc bị huỷ hoại hoàn toàn hoặc bị tàn phế và biến dạng. Phố cổ Hội An với chiều dày lịch sử và vai trò quan trọng của nó, còn được bảo tồn cho đến nay một tổng thể di tích như vậy là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng thuộc loại hiếm có ở Đông Nam Á và trên thế giới. 

4. Kể từ khi được công nhận là Khu di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia và nhất là từ năm 1999 khi được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, công việc nghiên cứu và bảo vệ, phát huy di sản phố cổ Hội An đã tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp, tích cực và thu được nhiều hiệu quả. 

Đặc trưng lớn nhất của khu di tích phố cổ Hội An là cả một di sản của lịch sử đang được bảo tồn trong cuộc sống sôi động và luôn luôn phát triển của con người. Muốn bảo tồn thành công một khu di tích như vậy thì phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá với việc cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội. Trong mối quan hệ phức hợp này chứa đựng những mâu thuẫn, thậm chí cả những yếu tố đối lập, có khi loại trừ nhau. Vì vậy cần nghiên cứu sâu sắc để đưa ra những giải pháp quy hoạch và quản lý phố cổ thật khoa học nhằm loại bỏ những yếu tố mâu thuẫn, đối lập trong những mối quan hệ trên, tạo nên sự gắn bó giữa quyền lợi của nhân dân với công việc bảo tồn phố cổ, làm cho người dân phố cổ ý thức đây là di sản của chính mình, tự hào và tự giác bảo vệ phố cổ, sống trong phố cổ và bằng phố cổ.

Tôi rất vui mừng nhận thấy nguyên lý trên đã dần dần được thực thi và thẩm vào từng con người, đi vào cuộc sống của cộng đồng cư dân Hội An. Di sản được bảo tồn tốt bao nhiêu thì sức hấp dẫn đối với du khách càng tăng lên bấy nhiêu và hiệu quả kép đem lại là di sản được phát huy tác dụng, đồng thời thu nhập và mức sống của nhân dân được nâng cao, các ngành nghề truyền thống được phục hồi. Cán bộ và nhân dân Hội An rất xứng đáng được UNESCO tặng bằng khen bảo tồn xuất sắc một Di sản văn hoá thế giới năm 2001. 

Kết quả trên trước hết thuộc về cán bộ và nhân dân Hội An với sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng cấp tỉnh và trung ương, sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và sự hợp tác quốc tế trong đó có vai trò của UNESCO và sự đóng góp của học giả nhiều nước, đặc biệt là các học giả Nhật Bản. 

Tuy nhiên, trên con đường phía trước, Hội An cũng còn rất nhiều việc phải tiếp tục triển khai. Đó là việc bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch bảo tồn kết hợp với triển khai có hiệu quả, tránh những hậu quả mặt trái của hoạt động dịch vụ du lịch mang tính thuần túy kinh tế. 

Một công việc bức xúc là trong số những ngôi nhà cần bảo tồn có khoảng 200 nhà xuống cấp nhiều, đặc biệt hơn 70 nhà có nguy cơ sụp đổ và móng cầu Nhật Bản cũng bị lún cần gia cố hay trùng tu gấp. Cùng với công việc bảo tồn, về phương diện nghiên cứu khoa học, cần tiếp tục một số dự án điều tra, khảo sát và nghiên cứu cơ bản mang tính liên ngành với sự hợp tác giữa địa phương với các cơ quan trung ương, giữa các học giả trong nước với nước ngoài. Nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức về điều kiện tự nhiên và môi trường, về lịch sử và văn hoá Hội An, về quan hệ giữa Hội An với vùng phụ cận và với nước ngoài đang đặt ra và đó là cơ sở khoa học rất cần thiết để hiểu biết sâu sắc về các giá trị của Hội An và làm luận chứng cho công việc bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc mang tầm cỡ thế giới này. 

PHAN HUY LÊ*

CHÚ THÍCH 

*Gs. Đại học Quốc gia Hà Nội 

(1). 6 di sản được Unesco công nhận gồm 4 Di sản Văn hoá thế giới là: Cố đô Huế (11-12-1993), phố cổ Hội An (4-12-1999), thánh địa Mỹ Sơn (4-12. 1999), nhã nhạc Huế (17-11-2003) và 2 Di sản Thiên nhiên thế giới là: Vịnh Hạ Long (3-12-1994), vườn Phong Nha-Kẻ Bàng (2-7-2003). 

(2). Những công trình quan trọng cho đến trước Hội nghị khoa học Quốc gia về Hội An năm 1985 là: 

N. Péri: Essai sur les ralations du Japon et de l’Indochine aux XVI è et XVII è sièles, BEFEO, 1923. 

- W. J. M. Buch: La Compagnie des Indes Néerlandaises et l’Indochine, BEFEO, 1936. 

- Chen Chinh Ho: Phố người Đường và việc buôn bán ở Hội An vào thế kỷ XVII-XVIII, Tân Á học báo Q.3, 1957; Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích ở Hội An, Khảo cổ tập san số 1-2, 1962; The Kai hentai, a collection of the Fusetsu, a complication and utility value for the studies of Indochina modern history, Paris 1979. 

- Iwao Seichi: Nghiên cứu phố Nhật Bản ở Nam Dương (tiếng Nhật), Tokyo 1966; Châu Ấn thuyền và phố Nhật Bản (tiếng Nhật), Tokyo 1962. 

- P. Manguin: Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Champa, BEFEO, 1972. 

- Ogura Sadao: Người Nhật trong thời Châu Ấn thuyền (tiếng Nhật), Tokyo, 1979. 

(3). Đô thị cổ Hội An, Hà Nội, 1991. 

Ancient town of Hoi An, Hanoi, 1991, 2nd impression 1993, 3rd impression 2003. 

(4). Uỷ ban gồm, Chủ tịch: GS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; 3 Phó Chủ tịch: GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà thơ Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và 9 uỷ viên. 

(5). Hà Văn Tấn (chủ biên): Khảo cổ học Việt Nam, T. II: Thời đại kim khí Việt Nam, Hà Nội 1999; T. III: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Hà Nội 1999. 

(6). Kỷ yếu 3-1996 đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản thành sách: Kiến trúc phố cổ Hội An Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003. Kỷ yếu 4. 1997 đang hoàn chỉnh bản dịch tiếng Việt và xuất bản trong thời gian gần đây. 

(7). Dương Văn An: Ô Châu cận lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 43, 67. 

(8). Christoforo Borri: Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, BAVH 1931, tr. 333- 334 ; bản dịch: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr. 91. 

(9). Hiện lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris. 

(10), Anthony Reid: Southeast in the Age of commerce (1450-1680), 2 Tập, Đại học Yale, New Haven và London, 1988. 

(11). Iwai Seichi: Nghiên cứu phố Nhật ở Nam Dương, Nxb. Iwanani Shoten, 1966, tr. 10-11, theo thống kê của Nguyễn Văn Kim: Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội. 2003, tr. 125-126. 

(12). Kawamoto Kuniye: Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiban Tsuusho (Ngoại phiên thông thư), trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1991, tr. 169-178. 

(13). Chen Chinh Ho, sđd. 

(14). Christoforo Borri, sdd, tr. 92. 

(15). Viện Văn hoá Quốc tế, Đại học Chiêu Hoà: Kiến trúc phố cổ Hội An - Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, tr. 25-26. 

(16). Thomas Bowyear: Voyage to Cochinchina in Oriental repertory, London 1808, bản dịch tiếng Pháp trong BAVH 4-1920. 

(17). Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr. 154. 

(18). Đại Nam thực lục, Tiền biên, Nxb Sử học, Hà Nội, 1962, T. I, tr. 42. 

(19). Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự, Sđd, tr. 154. 

(20). Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1977, tr. 234. 

(21). Hoàng Đạo Kính: Phân tích và đánh giá hiện trạng di tích kiến trúc cổ Hội An, trong Đô thị cổ Hội An, sđd, tr. 341-359. 

(22). Viện Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế, Đại học Chiêu Hoà: Kiến trúc phố cổ Hội An-Việt Nam, bản dịch tiếng Việt, sđd.

Xem thêm:  Côn Đảo những năm 20 của Thế kỉ XVIII qua bức thư của một giáo sĩ Pháp, Nghiên cứu Lịch sử, số 6.2005

Các bài viết khác

Xem thêm
Giới thiệu về vịnh Hạ Long
Tin tức khác17/06/2023

Giới thiệu về vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là vùng biển đảo được xác định trong tọa độ từ 106°56’ đến 107°37’ kinh độ Đông và 20°43’ đến 21°09’ vĩ độ Bắc với diện tích 1.553km² gồm 1.969 hòn đảo, trong đó 90% là đảo đá vôi.

Khám phá quần thể kim tự tháp Giza - Kì quan bậc nhất thế giới
Tin tức khác07/03/2024

Khám phá quần thể kim tự tháp Giza - Kì quan bậc nhất thế giới

Kim tự tháp Giza là công trình lâu đời nhất trong danh sách Bảy kỳ quan thế giới cổ đại và cũng là công trình duy nhất còn sót lại gần như nguyên vẹn. Kim tự tháp Giza là một tuyệt tác kiến trúc xây dựng của con người. Kích thước và quy mô của Giza thách thức bất kỳ công trình nào được xây dựng trong vòng vài trăm năm qua. Việc xây dựng Giza luôn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận giữa các học giả bởi vì kích thước khổng lồ và tỷ lệ gần như hoàn hảo của nó.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà
Tin tức khác17/01/2024

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

Cát Bà là một khu dự trữ sinh quyển không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, Cát Bà đã ngày càng đến gần hơn với các du khách, những nhà nghiên cứu và bảo tồn động thực vật quý hiếm trong và ngoài nước.