I/ LỜI DẪN CHO DỊCH VỤ ĐỊA CHÍ
Địa chí (地志) hay còn gọi là địa phương chí (地方志) là bản ghi chép lại một cách trung thực và hệ thống những gì liên quan tới một cộng đồng sinh sống ở một địa phương cụ thể với những giai đoạn lịch sử cụ thể.
Trong di sản thư tịch Việt Nam hiện nay vẫn còn lưu trữ những bộ địa chí rất có giá trị. Chẳng hạn như Dư địa chí (輿地誌) do Nguyễn Trãi (1380-1442) biên soạn bằng chữ Hán. Hoặc Gia Định thành thông chí (嘉定城通志) do Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết về miền đất Gia Định bằng chữ Nôm, là một sử liệu quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn.v.v. Về mặt nội dung, Dư địa chí là về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam thời Lê sơ (1428-1527); Gia Định thành thông chí bao gồm các nội dung: mô tả địa lý và các vì sao thiên văn và khí hậu; mô tả sông núi; lịch sử khai phá vùng đất; phong tục; vật sản; thành trì .v.v.
Trung tâm khảo cứu và biên soạn địa chí Việt Nam (Thành viên trực thuộc trường doanh nhân Top Olympia) ra đời với sứ mệnh cao cả là tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí đó, được kết tinh từ những con người có trái tim tâm huyết, từ sự kết hoa của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực: Lịch sử, triết học, Tôn giáo học, Các nhà văn hóa, Xã hội học, Chính trị...
Các phần nội dung trong địa chí thời hiện đại nói chung và trong các sản phẩm khảo cứu và biên soạn của chúng tôi cần thiết bao gồm các phần:
1. Tổng quan về địa phương đó (tên gọi, địa lý, dân cư, đất đai, kinh tế, giáo dục, văn hóa);
2. Các dòng họ sinh sống trên địa phương đó (gia phả, nhà thờ họ, nghi lễ);
3. Tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương đó (cơ sở thờ tự, nghi lễ);
4. Nhân vật chí;
5. Sản vật chí;
6. Phụ lục ảnh tư liệu và các văn bản lưu trữ những nội dung sử dụng trong nghi lễ tại các cơ sở thờ tự trong các dịp lễ tết.
Điểm đặc biệt của địa chí thời hiện đại bao gồm những nội dung sau. Thứ nhất, để các thế hệ tương lai hiểu được lý do bố trí các vị trí của cơ sở thờ tự, địa chí cần phải làm rõ về địa lý thủy pháp. Thứ hai để các thế hệ tương lai mỗi khi trở về quê hương biết mình phải thực hiện nghi thức nào thì địa chí cần lưu trữ có những văn khấn, lời nguyện của cha ông. Trong trường hợp, ở thời điểm biên soạn địa chí, địa phương đó chưa những văn bản đó, thì trong địa chí cần đề xuất những văn bản mang tính khuôn mẫu được biên soạn mới có sự đồng ý của ban khánh tiết hoặc hội đồng bô lão của địa phương. Thứ ba, địa chí không chỉ tiếp cận theo chiều lịch đại và đồng đại, mà còn tiếp cận các vấn đề cụ thể một cách hệ thống với lõi cốt yếu là tâm thức (niềm tin tâm linh), những thực hành và đặc trưng cộng đồng.
Biên soạn địa chí là tổng hợp của một quá trình công phu từ khảo cứu tư liệu thư tịch liên quan tới cộng đồng (gia phả, thần tích, bi ký, ngọc phả, .v.v.); điền dã khảo sát các di sản hiện còn tại cơ sở thờ tự (đình, chùa, miếu, từ đường, đền, phủ.v.v.); quan sát tham dự các nghi thức, lễ hội tại địa phương; phỏng vấn hồi quy những vị trưởng thượng, những người chăm sóc cơ sở thờ tự, các trưởng họ, trưởng chi, những nhân vật liên quan tới những nhân vật tiêu biểu của nơi đó; sau khi triển khai bản thảo, cần có sự hiệu đính của các chuyên gia về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, cần có sự duyệt đọc của các vị đại diện cho địa phương.v.v.
Bản địa chí sau khi hoàn thành là hoa trái của một dòng chảy địa văn hóa bắt nguồn từ cội gốc huyết thống, tâm linh khởi tạo bởi các thủy tổ, những người dựng làng lập ấp, chảy liên tục cho tới các thế hệ mai sau. Do vậy, địa chí thời hiện đại không chỉ là nơi lưu trữ những thông tin về cội gốc, là tài liệu lưu giữ những thông tin di sản cần tra cứu, mà còn chứa đựng những nguồn cảm hứng cho nếp sống hiền thiện, đời sống thực hành phẩm chất tâm linh cao quý của cộng đồng lưu trú và có nguồn gốc từ địa phương đó.
Ngoài dịch vụ khảo sát và biên soạn địa chí thì chúng tôi còn cung cấp cho cộng đồng các dịch vụ sau:
- Thiết kế và phục dựng lễ hội truyền thống
- Thiết kế gia phả dòng, họ tộc
- Biên soạn lịch sử cho Cá nhân, gia đình, dòng họ, Đền, Chùa, Miếu Mạo
Các cá nhân, tổ chức (cấp Tỉnh, Huyện, Xã,Phường, Làng...) Có nhu cầu xin liên hệ:
Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam
Địa chỉ: Số 59 – Đường Trần Phú – Quận Hải Châu – Tp. Đà Nẵng
Hotline: Ông, Cao Văn Thi – Sáng lập và Chủ trì Trung tâm: 0916069777
Email: diachivietnam@topolympia.com
II/ LỜI DẪN CHO DỊCH VỤ BIÊN SOẠN LỊCH SỬ
Lịch sử - với tư cách là một thực thể, là tổng hòa trọn vẹn của tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ, lưu dấu những bước chân tiến bước tới hiện tại của con người. Chính vì thế, lịch sử cho con người ta biết vì sao mình đến được đây, vì sao mình hiện diện trong hình hài này, tâm thái này, với phẩm chất này, bản sắc này và với khuynh hướng đi tới vô cùng đặc biệt và riêng có.
Lịch sử thời hiện đại - với tư cách là bản ghi chép, không chỉ là hệ thống những sự kiện, nhân vật, thời gian, địa điểm liên quan tới con người trong quá khứ, mà còn bao hàm những nguyên nhân, thành tựu, hệ quả và ý nghĩa của các sự kiện, nhân vật, hiện tượng đó. Nhìn vào đó, con người thời hiện đại tìm thấy sự gắn kết với chính mình trong chiều dài của dòng chảy huyết thống, dòng chảy tâm thức và dòng chảy văn hóa đang êm đềm hay cuồn cuộn chảy trong cơ thể mình. Từ đó, con người tìm thấy cảm hứng cho những bước chân vững chãi vào tương lai tươi sáng. Đồng thời con người cũng tìm thấy nguồn động lực vượt qua những khó khăn và sự vững vàng trước những lay động của các ngọn gió đời.
Tuy nhiên, việc ghi chép lịch sử không hề đơn giản hay dễ dàng. Người chép sử đòi hỏi phải có sự khảo sát, phân tích và đánh giá các nguồn tư liệu khác nhau, từ văn bản, hình ảnh, âm thanh, nhân vật cho đến các di tích, hiện vật, di sản,…. Lịch sử luôn đòi hỏi sự trung thực, khách quan và công bằng trong việc trình bày và truyền đạt và đánh gia thông tin. Vì vậy cần phải có sự phản biện, so sánh và tổng hợp các quan điểm và lập luận khác nhau, từ các nhà sử học, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho đến các nhân chứng, nhân vật, bên liên quan.
Một trong những vấn đề lớn nhất của việc ghi chép lịch sử hiện nay là thiếu nguồn sử liệu đáng tin cậy. Do các nhân tố về thiên nhiên, sự chuyển biến của các quan niệm nhận thức, nhu cầu và hành vi của con người mà nơi lưu dấu của các sử liệu bị mai một, thất lạc hay có sự thay đổi, hoặc thậm chí là có sự thay thế hoàn toàn. Từ đó, dấu ấn của hiện thực lịch sử không còn được nguyên vẹn, mờ nhạt hoặc mất đi vĩnh viễn. Điều này khiến cho việc tìm kiếm và phân tích các nguồn tài liệu trở nên khó khăn và mất thời gian. Ngoài ra, có những nguồn tài liệu bị mất tích, hư hỏng hay bị cấm lưu hành do các yếu tố chính trị, xã hội hay tự nhiên. Điều này làm giảm khả năng truy cập và sử dụng các nguồn tài liệu trong ghi chép lịch sử.
Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm và nhận thức chưa đầy đủ của xã hội đối với lịch sử khi cho rằng: lịch sử thì khô khan, nhàm chán và ít có ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại; việc ghi chép lịch sử là việc của nhà nước, không phải việc của mỗi cá nhân nên không quan tâm đến các công trình ghi chép lịch sử. Điều này làm giảm giá trị và vai trò của ghi chép lịch sử trong xã hội.
Việc ghi chép lịch sử là việc làm rất quan trọng và cần thiết, đó không chỉ là công việc của nhà nước hay tổ chức riêng biệt nào mà là công việc, hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các thế hệ trẻ dành nhiều sự quan tâm hơn đến những vấn đề kinh tế, khoa học nghệ, AI,… hơn là lịch sử và văn hoá dân tộc.
Mỗi phút trôi qua, mỗi giây trôi qua là lịch sử dày thêm một trang giấy, mỗi thời mỗi khắc là các thế hệ cao niên về với lịch sử càng nhiều. Nếu không có sự ghi chép lại lịch sử, hậu sinh chẳng thể tiếp diễn được truyền thống, văn hóa cổ truyền và thuần phong mỹ tục sẽ bị hòa tan trong nền văn hóa đại chúng. Do vậy, việc ghi chép lại lịch sử (cá nhân, tổ chức, làng mạc, đình đền, chùa miếu,…) lưu giữ hồn cốt của quê hương qua dấu mốc thời gian lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết./.
III. LỜI DẪN CHO DỊCH VỤ THIẾT KẾ VÀ PHỤC DỰNG LỄ HỘI
Lễ hội ở Việt Nam là một dạng thức sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo mang tính cộng đồng có sự liên kết vô hình bởi tâm thức văn hóa chung, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Lễ hội có tính biểu tượng, ra đời và gắn bó với cuộc sống của con người nhằm đáp ứng nhu cầu thể hiện niềm tôn kính, nhu cầu hưởng thụ cảm xúc từ văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, vừa nuôi dưỡng đời sống tâm thức, vừa động viên đời sống hằng ngày có phẩm chất của họ. Do vậy, Lễ hội vừa bao hàm tính thiêng liêng, vừa mang tính thế tục.
Lễ hội được cấu thành bởi hai yếu tố: Lễ và Hội. Lễ được hiểu là khuôn mẫu, phép tắc mà người xưa đã đặt ra để người đương thời và các thế hệ sau thể hiện niềm tôn kính và trân quý trong sự đối đãi với bản thân, với những người xung quanh và trong các mối liên hệ cộng đồng khác. Lễ cũng được hiểu là một tập hợp có hệ thống những nghi thức được tiến hành nhằm ghi nhận một cách sâu sắc hoặc tưởng nhớ một cách quý kính một sự kiện có ý nghĩa liên quan tới một nhân vật, một cộng đồng hoặc một thực thể văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo nào đó. Hội trong Lễ hội được hiểu là sinh hoạt văn hóa được tổ chức để đáp ứng nhu cầu cảm xúc của đông đảo người tham dự Lễ, có thể bao gồm các tích trò theo phong tục địa phương hoặc được thiết kế theo một quy chuẩn nhất định. Do đó, Lễ hội là một hoạt động mang tính chỉnh thể trong đó hai yếu tố Lễ và Hội được đan xen, hoà quện vào nhau.
Thông qua các hoạt động lễ hội, con người vừa phản ánh cuộc sống, ước vọng của mình, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, sự tưởng nhớ đến cội nguồn, đến những người có công với làng, với nước.
Có thể nói rằng, lễ hội là một kho tàng hàm chứa những giá trị lịch sử, về văn hoá, nghệ thuật, luân lý, triết học,… của người xưa truyền tải lại cho các thế hệ con cháu sau này. Nhìn vào các hoạt động diễn ra trong lễ hội, chúng ta có thể thấy bóng dáng của những sinh hoạt đời thường; phương thức lao động, sản xuất của cha ông trong lịch sử; thấy được dấu ấn của những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc; thấy được mong ước, sự khát vọng về một cuộc sống no đủ và bình yên của những người lao động; thấy được những thông điệp từ quá khứ của cha ông về những truyền thống tốt đẹp như: “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, yêu quê hương đất nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm,…
Tuy nhiên, với sự biến động của lịch sử cũng như sự phát triển của xã hội đã làm cho nhiều loại hình lễ hội dân gian bị biến dạng hoặc mất đi. Đó là những mất mát không thể đong đếm được đối với những thế hệ sinh ra mà không được đắm chìm vào không khí lễ hội của làng, của nước như những câu dân ca thường được truyền miệng:
“Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La
Ấy ngày mồng sáu tháng ba
Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây”
“Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sáu tháng giêng (Lễ hội Cổ Loa)”
“Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”
“Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời”
“Ai về Châu Đốc đừng quên
Nhớ vào Bảy Núi mà xem đua bò”
….
Mặc dù những lễ hội vẫn đang diễn ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam vào các mùa trong năm, nhưng việc khảo cứu và phục dựng lễ hội - vừa mang trọn vẹn các giá trị truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu đúng đắn cho tâm thức con người hiện đại và khơi nguồn mạch trong lành cho tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng của các thế hệ tương lai - vẫn là một việc làm vô cùng cần thiết và quý báu.
Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam ra đời một phần vì những lý do trên với giá trị: Thiết kế và phục dựng các lễ hội truyền thống và hiện đại xin được đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và cá nhân.
IV. GIỚI THIỆU DỊCH VỤ GIA PHẢ
Người xưa nói “ Con chim có tổ, con người có tông”. Mỗi người sinh ra đều có cội nguồn tông tổ của mình, như rừng cây, dòng sông, con suối đều có ngọn nguồn của nó. Nếu như lịch sử của mỗi dân tộc được thể hiện qua những trang chính sử , thì sự hưng vong của của một dòng họ, một gia tộc có thể thấy được qua từng trang gia phả. Gia phả sẽ giúp các lớp hậu thế hiểu rõ nguồn cội và quan hệ huyết thống của mình, làm tăng thêm lòng hiếu kính, biết ơn của hậu thế với tiền nhân, tăng tình thân giữa các thành viên trong dòng họ, gia tộc. Do vậy gia phả có sức lôi cuốn, có sức cảm hoá mạnh mẽ các lớp con cháu, cháu con sẽ tự tin, tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình để củng cố niềm tin, vững bước đi lên.
Thể hiện rõ nét nhất của tinh thần coi trọng nguồn gốc của người Việt còn là quan niệm chữ hiếu đối với thế hệ đi trước qua các nghi lễ thờ cúng. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam trong quá trình hình thành tồn tại đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước… Thông qua nghi lễ thờ cúng, người Việt Nam gửi gắm tình cảm biết ơn đối với tổ tiên “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và vì:
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
Nhằm đáp ứng nhu cầu lập dựng gia phả ngày càng lớn của các dòng họ, gia tộc Việt, cũng như cung cấp cho các bạn hiểu biết về phong tục tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt xưa và nay, Trung tâm khảo cứu và biên soạn địa chí Việt Nam ra mắt dịch vụ Tư vấn thiết kế gia phả dòng họ.