Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Hải cảng miền đông bắc và hệ thống thương mại đàng ngoài thế kỷ XVII

14/06/2023597

Doméa đơn thuần là một bến neo đỗ tàu (anchoring place) hoặc bến cảng (harbor), đồng thời là nơi lưu trú tạm thời của thủy thủ đoàn (đa số sống và sinh hoạt trên boong tàu mặc dù có đôi khi lên bờ sinh sống) trong khoảng 2-3 tháng để chờ nhận hàng và khởi hành đi Nhật Bản hoặc các cảng Đông Nam Á. Doméa đồng thời là nơi bốc hàng hóa xuất khẩu (tơ lụa, gốm sứ Đàng Ngoài) lên tàu và dỡ hàng hóa nhập khẩu (hương liệu, vải vóc, bạc, đồng.....) xuống ghe thuyền địa phương để đưa lên Kẻ Chợ/Phố Hiến.

1. Doméa đơn thuần là một bến neo đỗ tàu hoặc bến cảng, đồng thời là nơi lưu trú tạm thời của thủy thủ đoàn trong khoảng 2-3 tháng để chờ nhận hàng và khởi hành đi Nhật Bản hoặc các cảng Đông Nam Á

Doméa đơn thuần là một bến neo đỗ tàu (anchoring place) hoặc bến cảng (harbor), đồng thời là nơi lưu trú tạm thời của thủy thủ đoàn (đa số sống và sinh hoạt trên boong tàu mặc dù có đôi khi lên bờ sinh sống) trong khoảng 2-3 tháng để chờ nhận hàng và khởi hành đi Nhật Bản hoặc các cảng Đông Nam Á. Doméa đồng thời là nơi bốc hàng hóa xuất khẩu (tơ lụa, gốm sứ Đàng Ngoài) lên tàu và dỡ hàng hóa nhập khẩu (hương liệu, vải vóc, bạc, đồng.....) xuống ghe thuyền địa phương để đưa lên Kẻ Chợ/Phố Hiến. Bản thân Doméa, theo các tài liệu Hà Lan và Anh (kể cả tài liệu du hành ký), chưa bao giờ là một “trung tâm thương mại” (commercial centre) càng không phải là “cảng thị” (port-city) theo đúng nghĩa của các thuật ngữ trên - chưa kể đến việc đem đối sánh với các các trung tâm thương mại hay cảng thị khác trong khu vực. Việc tồn tại những hoạt động trao đổi hàng ngày như cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, dịch vụ cho vài trăm người ngoại quốc tạm trú quanh đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự tồn tại của các hoạt động mua bán nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt hàng ngày nói trên không đồng nghĩa với việc coi Doméa là một “trung tâm thương mại” hay một “cảng thị” quy mô lớn như đã có nhà nghiên cứu suy luận gần đây (27). Cũng không phải ngẫu nhiên mà các bộ chính sử cũng như các nguồn sử liệu khác của nước ta không bao giờ đề cập đến tầm quan trọng về kinh tế hay sự hưng thịnh về thương mại đáng ghi nhận của Doméa trong thời kỳ này (28).

Nhân đây, cũng xin thảo luận thêm nhận định của Dampier về việc thương thuyền của người Hoa và Xiêm theo của Đáy lên Phố Hiến. Những ghi chép của người Hà Lan và người Anh đôi khi cho biết có một số thuyền mành (junks) của người Hoa theo đường cửa Đáy lên Phố Hiến. Tuy nhiên, đây thường là những ghe nhỏ, buôn bán dọc theo các hải cảng ven bờ. Đa số các thương thuyền của người Hoa có trọng tải trung bình hoặc lớn đến từ các thương cảng Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á đều chọn giải pháp đi vào cửa Thái Bình để buông neo quanh Doméa. Khả năng này được hậu thuẫn bởi ít nhất ba lý do sau:

Thứ nhất, các thuyền buôn ngoại quốc, kể cả thuyền của người Hoa và người Xiêm, đều có trọng tải khá lớn, đi lại trên biển dựa chủ yếu vào việc dùng buồm đón gió. nên việc đi trong sông nhỏ rất bị động, lại khó có thể dùng mái chèo cho một quãng đường dài cả hàng trăm km. Thứ hai, không có lý do kinh tế nào để người Hoa và người Xiêm đưa thuyền đi sâu vào nội địa như thế bởi các hiểm họa như mắc cạn luôn có thể xảy ra; hơn nữa việc thuê ghe thuyền địa phương chuyên chở hàng hóa lại rất rẻ và dễ dàng. Thứ ba, triều đình Lê Trịnh không dễ gì để thuyền nước ngoài với đại bác trên boong tàu tự do đi vào sâu trong đất liền. Vì thế, nhận định của Dampier có thể không hoàn toàn sai nhưng cần được xem xét kỹ thêm (29).

2. Phố Hiến nổi tiếng với Hiến Ty có thể là nơi người Hoa và người Nhật giao dịch nhộn nhịp trong khoảng ba thập niên đầu thế kỷ XVII

Phố Hiến nổi tiếng với Hiến Ty có thể là nơi người Hoa và người Nhật giao dịch nhộn nhịp trong khoảng ba thập niên đầu thế kỷ XVII và là nơi người Hà Lan đặt thương điểm trong một vài năm đầu đến thông thương với triều đình Lê-Trịnh (30). Nhưng kể từ khi chúa Trịnh cho phép Công ty Đông Ấn Hà Lan đặt thương điểm trên kinh thành vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XVII, việc duy trì một thương điếm ở Phố Hiến là hoàn toàn không cần thiết, nhất là trong khi số lượng nhân viên được Công ty Đông Ấn Hà Lan cắt cử ở lại Đàng Ngoài thường không quá năm bảy người. Các tài liệu hiện có của VOC cho thấy sau khi được phép định cư trên Kẻ Chợ, người Hà Lan không quan tâm đến thương điếm ở Phố Hiến nữa, các giao dịch mua bán đều tập trung trên thương điếm mới ở kinh đô (31). Bản thân Hoa thượng cũng đã được phép định cư buôn bán ở Thăng Long, nên nếu xét theo tư liệu của phương Tây, vị trí thương mại của Phố Hiến từ khoảng giữa thế kỷ XVII không thật sự lớn. Năm 1672, khi người Anh đến Đàng Ngoài và buộc phải lập thương điểm ở Phố Hiến trong suốt 11 năm đầu (1672-1683), thị trấn này đã trở nên xơ xác. Bộ mặt thương mại của Phố Hiến được người Anh phác họa như sau: “[Phố Hiến] nằm quá xa [trung tâm] thương mại [chỉ Kẻ Chợ-TG], chúng tôi không thể mua bán được gì, không có một thương nhân nào đến giao dịch với chúng tôi cả” (32). Chính vì thế, dù không được phép lập thương điếm ở Thăng Long đến tận năm 1683, từ cuối thập niên 1670, người Anh đã tìm cách thuê nhà tạm trú trên Kẻ Chợ để buôn bán mặc dù thương điểm của họ vẫn tồn tại trên danh nghĩa ở Hưng Yên. Từ sau năm 1683, trong số những người ngoại quốc định cư ở Phố Hiến chỉ còn lại vài giáo sĩ Pháp và một số Hoa thương bị ép rời khỏi kinh thành (33). Vì thế, có thể kết luận rằng, trong phần lớn thế kỷ XVII và cả thế kỷ XVIII sau đó, Phố Hiến có thể đã là một trung tâm hành chính và một trạm kiểm soát khá quy mô, đồng thời có vị trí kinh tế khá quan trọng trong sự mở rộng của nền kinh tế hàng hóa nói chung và ngoại thương Đàng Ngoài nói riêng. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng “tiểu Tràng An” này chưa bao giờ thực sự là một trung tâm thương mại đối ngoại có quy mô để có thể giữ chân được người nước ngoài định cư và buôn bán lâu dài. Nếu xét theo các mô tả và nhận định của người Hà Lan và người Anh, Phố Hiến trong con mắt thương nhân phương Tây mang dáng vẻ một trạm kiểm soát/tuần ty trên tuyến sông từ biển lên kinh thành và ngược lại, hơn là một trung tâm thương mại nơi họ có thể tiến hành các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa quy mô lớn. Người Hà Lan, Anh cũng như các thương nhân ngoại quốc khác khi ngược xuôi qua Phố Hiến đều ghé lại trình báo, tặng quà quan trấn thủ trước khi tiếp tục hành trình. Kết luận này có thể phần nào không ăn khớp với một số nguồn tư liệu trong nước (nhất là các áng thơ văn ngợi ca Phố Hiến) nhưng có thể được hậu thuẫn đăng kể bởi công trình nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng đầy tính thuyết phục của GS.TSKH. Vũ Minh Giang (34).

Hệ thống thương mại trên trục "sông Đàng Ngoài" thế kỷ XVII

3. Thăng Long - Kẻ Chợ là trung tâm chính trị và thương mại lớn nhất của Đàng Ngoài

Thăng Long - Kẻ Chợ là trung tâm chính trị và thương mại lớn nhất của Đàng Ngoài và thực sự không cần thiết phải thảo luận lại vấn đề này ở đây bởi đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện nhiều năm trở lại đây (35). Về khía cạnh kinh tế nói chung và ngoại thương nói riêng, Thăng Long là trung tâm thương mại đầu tàu, nơi các hoạt động giao dịch quy mô lớn được thực hiện. Hàng hóa xuất khẩu trọng yếu như tơ lụa, quế, xạ hương... đều được đưa về bán ở đây. Không chỉ là trung tâm tập kết hàng hóa, bản thân Thăng Long đồng thời là một trung tâm sản xuất quy mô với các làng nghề thủ công hoạt động ngay trong phạm vi kinh thành cũng như các làng nghề vệ tinh ở các trấn, tỉnh lân cận. Vì thế, trong bối cảnh ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII, Thăng Long là điểm sản xuất, tập kết và phân phối hàng hóa (entrepôt). Chính bởi sự hưng thịnh về thương mại của Kẻ Chợ mà thương nhân ngoại quốc đều cố gắng nỗ lực để lưu trú và buôn bán tại đây, làm cho số lượng người nước ngoài (nhất là Hoa thương) định cư ở kinh thành tăng lên rất nhanh. Thực tế này đưa triều đình Lê- Trịnh đến chủ trương di dời toàn bộ người nước ngoài về Thanh Trì-Khuyến Lương vào giữa thế kỷ XVII (dù không thực hiện triệt để) và về các khu vực lân cận (nhất là Phố Hiến) vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII (36).

Xét một cách tổng thể, sự thịnh đạt của ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII có liên quan trực tiếp đến sự ra đời và phát triển của hệ thống thương mại (commercial system) xoay quanh trục chính là “sống Đàng Ngoài” với 3 khu vực đảm trách 3 chức năng riêng biệt nhưng gắn bó khá hữu cơ với nhau. Doméa là bến đỗ, nơi lưu trú của thủy thủ đoàn ở vùng cửa sông. Phố Hiến mang trong mình cả chức năng thương mại và tuần ty nhưng, xét về tổng thể, chức năng thứ hai nổi bật hơn chức nặng thứ nhất. Thăng Long-Kẻ Chợ là trung tâm thương mại chủ đạo nơi hàng hóa xuất khẩu được sản xuất và tập trung về để thương nhân ngoại quốc cất hàng đưa đi bán khắp thị trường khu vực và châu Âu.

Sự tồn tại của hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVII như đã phân tích trên đây chính là nguyên nhân đưa đến sự khác biệt căn bản với ngoại thương Đại Việt ở các thế kỷ trước đó. Nhìn lại lịch sử ngoại thương Việt Nam giai đoạn XI-XVI: - Hoạt động trao đổi chủ yếu do triều đình khống chế, sự tham gia của thường dân bị hạn chế đến mức tối đa. Trong thế kỷ XVII, trên thực tế, người nước ngoài được phép đến tận các làng lân cận để đặt và mua tơ lụa... và người địa phương được quyền đến tận thương điếm nước ngoài bán sản phẩm - mặc dù luôn bị bọn quan lại cản trở; - Ở giai đoạn trước, thương nhân nước ngoài luôn bị giới hạn ở một số khu vực được triều đình quy định và các khu vực này thường xa kinh thành hoặc các trung tâm kinh tế vốn thường nằm sâu trong nội địa. Sự kìm tỏa này làm cho sự lưu thông hàng hóa bị cản trở nghiêm trọng: người mua hàng thường không tìm được các hàng hóa mình cần trong khi người sản xuất không thể tiêu thụ sản phẩm mình sản xuất ra, đưa đến sự trì trệ của nền ngoại thương Đại Việt (37). Trong khi đó ở thế kỷ XVII người ngoại quốc được đi lên kinh đô buôn bán tự do sau khi đã nộp đủ một lượng vốn nhất định cho vua chúa và quan lại để thu mua sản phẩm từ những người này... Những sự thay đổi trên, bên cạnh sự mở rộng tự thân của nền kinh tế đất nước, là nhân tố then chốt làm thay đổi bộ mặt ngoại thương Đàng Ngoài (tình hình ở Đàng Trong còn diễn ra ở mức độ cởi mở hơn). Trên phương diện lý thuyết giao lưu thương mại, những thay đổi căn bản trên ở miền Bắc trong thế kỷ này đã phần nào cởi bỏ được sự o ép trong thông thương trước đây và nhìn chung phù hợp với mô hình phát triển thương mại giữa các vùng nội địa (hinterland areas) với các trung tâm thương mại (commercial centres) và hải cảng (seaports) thông qua những trục sông chính mang chức năng giao thông huyết mạch (sông Thu Bồn, sông Thái Bình) mà Bennet Bronson đã phác họa cho Đàng Trong (38).

Vạn Ninh và “Chiến lược Tinnam” của người Hà Lan thập niên 1660 (39)

Mục tiêu hàng đầu của Công ty Đông Ấn Hà Lan khi thiết lập quan hệ thương mại với Đàng Ngoài là xuất khẩu tơ lụa sang thị trường Nhật Bản. Trong suốt khoảng hai thập kỷ đầu tiên, mậu dịch tơ lụa của Công ty Đông Ấn Hà Lan với Đàng Ngoài diễn ra êm thấm và hiệu quả. Tơ lụa được mua với giá tương đối thấp ở Đàng Ngoài và được bán với giá khá cao ở Nagasaki, đưa đến khung lợi nhuận trung bình 100% hàng năm. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 50 thế kỷ XVII, lợi nhuận từ việc xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài sang Nhật Bản ngày càng sa sút và sau năm 1654 gần như không còn lợi nhuận nữa. Nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường Viễn Đông của tơ lụa miền Bengal (40).

Cùng thời điểm với sự sa sút của mậu dịch tơ lụa với Đàng Ngoài, thương mại của VOC ở Đài Loan cũng đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài do tình trạng khan hiếm hàng hóa. Kể từ khi thành lập (1624), chức năng chính của Đài Loan là trung tâm thu mua các sản phẩm tơ lụa Trung Quốc cho thị trường Nhật Bản và vàng Trung Quốc cho thị trường Coromandel (Ấn Độ). Tuy nhiên, từ khoảng cuối thập niên 40 thế kỷ ’XVII, dưới chính sách cạnh tranh của thế lực Trịnh Thành Công ở miền Nam Trung Hoa, sản lượng hàng hóa từ thị trường Trung Quốc lục địa chuyên chở ra Đài Loan suy giảm nghiêm trọng. Trong số các mặt hàng bị thiếu hụt là vàng Trung Quốc, vốn rất cần cho hoạt động kinh doanh của VỌC ở Coromandel. Trong khi đó, do dòng xuất khẩu vàng truyền thống ra Đài Loan bị ngưng trệ, Hoa thương tìm cách đưa vàng sang bán ở thị trường Đàng Ngoài. Vì thế, Batavia yêu cầu thương điểm VOC ở Kẻ Chợ tìm cách thu mua vàng và xạ hương Trung Quốc cho thị trường Ấn Độ và châu Âu (41). 

Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XVII, vàng và xạ hương Trung Quốc ở Đàng Ngoài ngày càng trở nên khan hiếm do tình hình nội chiến ở miền Nam Trung Hoa giữa quân đội Mãn Thanh với các thế lực phục Minh đã cản trở Hoa thương và một số thương nhân Đại Việt buôn bán qua biên giới. Sự rối loạn chính trị nói trên dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Đàng Ngoài và đến năm 1660 thì cơ bản ngừng trệ. Năm 1661, quân đội Mãn Thanh đóng ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc gửi thư yêu cầu triều đình nhà Lê cử sứ bộ sang triều cống Bắc Kinh, đồng thời đe dọa tấn công thường dân Đại Việt nếu yêu cầu trên không sớm được thực hiện (42). Bởi sứ bộ Đàng Ngoài chỉ đến Bắc Kinh vào mùa hè 1663, từ năm năm 1662, quân đội Mãn Thanh quyết định đánh cướp toàn bộ thương nhân buôn vàng và xạ hương qua biên giới Việt-Trung. Những người này sau đó được người Mãn Thanh phóng thích để thông báo yêu cầu của triều đình Mãn Thanh với chính quyền Lê Trịnh (43). Sự căng thẳng trên đã đẩy quan hệ mậu dịch qua biên giới Việt-Trung vào tình trạng đình đốn; những đơn đặt hàng của VỌC đối với xạ hương và vàng Trung Quốc không thực hiện được. Trong khi đó viên thương nhân Nhật Bản là Resimon với sự hậu huẫn của các quan lại địa phương đã tìm cách thu mua toàn bộ lượng vàng và xạ hương ít ỏi đưa từ Trung Quốc đưa sang Đàng Ngoài.

Nhằm phá thế lệ thuộc vào hoạt động mậu dịch qua biên giới Việt-Trung, Batavia yêu cầu thương điếm Đàng Ngoài tổ chức thăm dò khả năng đặt thương điểm buôn bán ở vùng biển Vạn Ninh. Theo thông tin người Hà Lan thu được, rất nhiều Hoa thương đem hàng hóa đến đây rao bán, trong đó có cả những hàng hóa rất cần cho mạng buôn bán Nội Á (Intra-Asian Trade) của Công ty. Mùa Hè năm 1661, Batavia cử tàu Meliskerken đi Đàng Ngoài với sứ mệnh thám hiểm Tinnam. Sau khi được triều đình Đàng Ngoài đồng ý, tháng 3 năm 1662, người Hà Lan dong thuyền đi qua Hải Phòng ngược về mạn Bắc qua Hạ Long để tiến vào khu vực Vạn Ninh (xem bản đồ 1) (44).

Việc đi lại ở khu vực Vạn Ninh ở thời điểm đó hết sức nguy hiểm bởi các thế lực bài Thanh vẫn tiếp tục chiếm đóng các khu vực cận kề biên giới. Nhân tình hình rối loạn, các nhóm cướp biển trú chân ở các đảo ven bờ thuộc vịnh Bắc Bộ tiến hành cướp bóc các tàu thuyền đi qua. Trước chuyến đi của người Hà Lan, vào mùa hè năm 1660,“hoàng tử Đàng Ngoài” đã dẫn lực lượng hải quân với hơn 70 chiến thuyền tiến đánh các nhóm cướp biển do tên Thun lãnh đạo. Mặc dù phần lớn đồng bọn bị bắt và giết, Thun tẩu thoát và sau đó trở lại hoạt động ở địa bàn cũ (45). Vùng biển ven bờ khu vực Vạn Ninh vì thế rất nguy hiểm cho tàu thuyền đi qua. Mặc dù vậy, người Hà Lan vẫn đến được Tinnam an toàn. Ngày 19 tháng 4, Hendrik Baron, cha của Samuel Baron - người sau này viết cuốn Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài - cùng với tùy ùng đi theo đường bộ đến Loktjouw. Từ đây, họ đi ngựa đến Tjoeang, một thị trấn thuộc tỉnh Ay của Trung Quốc. Sau cuộc tiếp kiến, quan trấn thủ Loktjouw khuyên Baron nên trở về Đàng Ngoài ngay vì tình hình ở đây hiện rất bất ổn. Ngày 3 tháng 5 năm 1662, đoàn thám hiểm Hà Lan về đến Kẻ Chợ (46).

Trong công văn báo cáo kết quả chuyến thám hiểm tới Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn ở Batavia, tầm quan trọng của các địa điểm trên đều được thương điếm Đàng Ngoài phân tích kỹ. Về tổng thể, Baron khẳng định rằng nếu Công ty có thể thiết lập được một thương điểm cố định tại vùng biên giới Đông Bắc Việt Trung, lợi nhuận và chiến lược lâu dài sẽ rất lớn. Ay và Loktjouw nằm rất gần một số thủ phủ quan trọng ven biên giới nên sẽ thu hút được đông đảo thương nhân Hoa, Việt đến buôn bán. Vấn đề nan giải nhất là việc đi lại. Hai địa điểm trên nằm khá xa đường thủy, việc đi lại của nhân viên cũng như vận chuyển hàng hóa sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế Tinnam được đánh giá là phù hợp nhất vì các lý do sau. Thứ nhất, Tinnam rất gần Thenlongfoe, việc đi lại giữa hai nơi sẽ thuận tiện hơn. Hơn nữa, Hoa thương cũng thích đến buôn bán ở Thenlongfoe hơn các địa điểm khác. Thứ hai, Tinnam có hải cảng rất tốt; tàu của Công ty đến có thể buông neo ngay trước cửa thương điếm. Thứ ba, vùng biển cũng như các đảo ven bờ quanh khu vực Tinnam đã được thăm dò cẩn thận, mực nước sâu, có thể đi lại an toàn và thuận tiện. Thứ tư, Tinnam khá gần Nam Ninh, những thương nhân thường đi lại giữa hai nơi nói rằng họ chỉ cần trung bình 27 ngày để đi lại cả bằng thuyền và đường bộ. Thứ năm, nếu Công ty thiết lập được thương điểm ở Tinnam, không chỉ hàng hóa Trung Quốc sẽ được chuyển đến đây mà quan trọng hơn, vàng cũng sẽ được đưa từ Vân Nam đến với số lượng nhiều hơn hiện tại. Bên cạnh đó, xạ hương cũng sẽ được thu mua dễ dàng bởi không có sự cạnh tranh của viên thương nhân Nhật Bản là Resimon. Ví dụ, vào năm 1662, viên thương nhân có thế lực này cậy nhờ viên quan Ongia Haen để thu mua toàn bộ xạ hương mà người Trung Quốc đưa từ Loktjouw và Ay đến Đàng Ngoài sau đó đưa đi Xiêm bán lại cho người Hà Lan ở đó (47).

Tuy nhiên, những nỗ lực trong việc xin thiết lập thương điểm ở Tinnam của người Hà Lan không đạt được kết quả như mong đợi bởi chúa Trịnh Tạc luôn tìm cách trì hoãn việc cấp phép cho Công ty. Triều đình Đàng Ngoài lo ngại, như một viên quan tâu lên năm 1664, việc thương nhân Hà Lan kinh doanh ở Tinnam sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực biên giới miền Đông Bắc. Mặc dù Toàn quyền VOC ở Batavia là Joan Maetsuyker đã vài lần gửi thư đề nghị chúa Trịnh Tạc giúp đỡ, Chiến lược Tinnam của VQC vẫn không được triều đình Lê Trịnh thông qua. Bởi Chiến lược Tinnam ngày càng xa dần hi vọng, giữa năm 1663, Batavia quyết định chuyển sang đầu tư mở rộng buôn bán với Đàng Ngoài bằng cách nâng cấp thương điểm Kẻ Chợ lên hàng thường trực để thu hút thương nhân Trung Quốc đến giao dịch với Công ty tại Kkinh đô Thăng Long (48). Với quyết định này, hi vọng buôn bán của người Hà Lan với Tinnam chính thức chấm dứt.

Những phân tích trên cho thấy, nếu hoạt động của người Hà Lan nói riêng và thương nhân ngoại quốc nói chung trong phạm vi tuyến thương mại vùng Châu thổ Sông Hồng (trục Doméa-Phố Hiến-Kẻ Chợ) đặc tả diện mạo kinh tế hàng hóa và thương mại phần nào mang tính độc lập của Đàng Ngoài thì tình hình ở khu vực Vạn Ninh và vùng hải cảng Tínnam cho thấy sự liên thông giữa ngoại thương của Đại Việt với các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Trong thực tế, giao thương với Trung Quốc chiếm một vị trí khá quan trọng trong sự hưng khởi của ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Một số lượng lớn gia vị (hồ tiêu, nhục đậu khấu...) và các mặt hàng châu  u mà thương nhân ngoại quốc đưa đến Đàng Ngoài (chủ yếu là hàng vải sợi) được tái xuất khẩu qua các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Ngược lại, một số lượng đáng kể hàng hóa Trung Quốc (tơ lụa, vàng, xạ hương...) được đưa qua biên giới vào Đảng Ngoài, nơi thương nhân nước ngoài thu mua để tái xuất khẩu ra thị trường khu vực. Mặc dù cầu thương mại qua biên giới phía bắc cũng luôn bị triều đình quản lý chặt chẽ, nhịp lưu thông vẫn diễn ra thường xuyên, góp phần quan trọng vào sự hưng khởi của ngoại thương Đàng Ngoài thế kỷ XVII (49).

Kết luận

Thế kỷ XVII đi vào lịch sử hàng hải nhân loại với tư cách là thời kỳ nở rộ của nền hải thương quốc tế khi tuyến buôn bán trực tiếp  u Á được thiết lập từ thế kỷ trước được củng cố và mở rộng. Đối với các xã hội phương Đông có liên quan đến tuyến giao thương trên biển, sự xuất hiện của các thế lực hàng hải châu  u đã làm thay đổi căn bản đời sống chính trị, kinh tế và xã hội bản địa. Là một mắt xích trong hệ thống thương mại nội Á mà các thế lực hàng hải châu  u, nhất là Hà Lan, thiết lập trong thế kỷ XVII, Đại Việt đã chịu những ảnh hưởng và tác động trực tiếp của luồng thương mại kể trên. Cục diện phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài bị quốc tế hoá khi hai thế lực quân sự Hà Lan và Bồ Đào Nha trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia trong nửa đầu thế kỷ XVII. Nền kinh tế hai miền, nhất là thủ công nghiệp và thương nghiệp, chịu nhiều tác động của các quan hệ ngoại thương và ngoại giao. Và nếu xét một cách toàn cảnh, sự biến chuyển của kinh tế nói chung và ngoại thương Đại Việt nói riêng trong thế kỷ XVII chịu sự chi phối mạnh mẽ của hoạt động kinh tế đối ngoại hơn là các tác nhân nội tại khác.

Với Đàng Ngoài, sự mở rộng của nền ngoại thương trong thế kỷ XVII gắn chặt với sự hình thành của hệ thống thương mại liên hoàn Doméa-Phố Hiến-Kẻ Chợ. Việc nghiên cứu sâu về hệ thống thương mại trên trong thời gian tới sẽ góp phần phục dựng một cách cơ bản bức tranh kinh tế đối ngoại của Đàng Ngoài cũng như các vấn đề liên quan như hoạt động thủ công. thương nghiệp, vấn đề nội thương, biến chuyển tỉ giá hối đoái, giá cả, phân bố lao động... của xã hội Đàng Ngoài trong kỷ nguyên thương mại châu Á. Bên cạnh đó, các hải cảng địa phương cũng cần được đặt trong bối cảnh chung của ngoại thương đất nước, nhất là vùng hải cảng Vạn Ninh Tiềm năng của hải cảng cực bắc này đã không được phát huy trong thế kỷ XVII do những bất ổn chính trị ở các khu vực lân cận cũng như sự hấp dẫn của trục thương mại “sông Đàng Ngoài”. Trong thế kỷ XVIII, khi hoạt động kinh doanh của thương nhân ngoại quốc ở các đô thị nội địa ngày càng bị ngăn trở, vùng hải cảng Vạn Ninh trở nên hưng thịnh, thu hút một số lượng lớn thương nhân Trung Quốc đến kinh doanh (50).

CHÚ THÍCH

(27). Trong khóa luận tốt nghiệp của mình, Đỗ Thị Thuỷ Lan (đã dẫn, chương III, tr. 57-82) dựa vào một số thông tin gián tiếp từ một số tập du hành ký và nhật ký thương điểm Anh (1672-1683) đã kết luận rằng Doméa là một cảng thị hoặc trung tâm thương mại lớn ở vùng cửa sông. Kết luận này, nếu xem xét dưới góc độ tư liệu thương mại của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh, dường như chưa thực sự thuyết phục bởi các thông tin mà tác giả bản luận văn sử dụng chỉ đề cập đến việc tàu ngoại quốc ra vào vùng cửa sông, neo đậu tại Doméa chờ khởi hành, bốc dỡ hàng hóa lên xuống... chứ tuyệt nhiên không nhắc đến hoạt động mậu dịch xuất nhập khẩu tại bến neo đỗ tàu. Trong khi đó, các nguồn tư liệu trên đều trực tiếp khẳng định rằng thương điếm và hoạt động buôn bán đều được thực hiện tại Thăng Long (hoặc Phố Hiến đối với người Anh giai đoạn 1672-1683).

Một số nhà nghiên cứu cũng dựa vào một vài thuật ngữ như “city thành phố”, “town thị trấn” trong các mô tả về Doméa của các nhà du hành châu  u trung đại như William Dampier, Samuel Baron, A. Richard... cho rằng đây phải là một trung tâm kinh tế có quy mô khá lớn. Trong thực tế, việc sử dụng các thuật ngữ trên trong thời kỳ trung đại khá phóng túng, nếu không muốn nói là tuỳ tiện (nhất là đối với thể loại du hành ký), nên chúng ta không nên lệ thuộc quá nhiều vào thuật ngữ để phỏng đoán lịch sử. Ví dụ, ngay trong cùng một đoạn văn mô tả về Doméa, W. Dampier đã dùng lẫn lộn cả hai thuật ngữ trên cùng với thuật ngữ “village-làng/xóm” (xem; W. Dampier, Voyages and Discoveries, 14-16). Tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan cũng thường xuyên sử dụng đan xen hai thuật ngữ “dorp-làng/xóm” và “stad-thành phố để chỉ cùng một nơi (xem chẳng hạn: Dagh-register Batavia 1636, 69-74).

Có nhà nghiên cứu gần đây trích dẫn nhật ký của thương điểm Anh ngày 18-7-1683 để kết luận rằng Công ty Đông Ấn Hà Lan đặt kho chứa hàng ở Doméa. Đây là một kết luận khá bất ngờ bởi 61 trong lịch sử hơn 60 năm buôn bán ở Đàng Ngoài, ngay cả trong thời kỳ hưng thịnh 1641-1654, VOC chưa bao giờ có kho chứa hàng ở Doméa. Nhất là sau khi Batavia quyết định cắt giảm kim ngạch buôn bán của VOC với Đàng Ngoài vào năm 1679, mậu dịch của VOC với Đàng Ngoài sa sút nghiêm trọng, thương điếm duy nhất của người Hà Lan ở Đàng Ngoài đặt tại Thăng Long cũng chỉ còn được điều hành bởi khoảng 5 nhân viên chính thức và một số người giúp việc. Bản thân tài liệu của thương điếm Anh ngày 18-7-1683 cũng chỉ ghi vẹn vẹn một câu như sau: “This day the Second and the Third of the Dutch embarqued to goe aboard the hooker rideing at anchor at Domay & fetch up their treasure & merchandize”. Tạm dịch: “Hôm nay nhân viên [quan trọng] thứ nhì và thứ ba của người Hà Lan xuôi thuyền đến chỗ chiếc tàu của họ buông neo ở Domay, bốc dỡ tiền bạc và hàng hoá [để đưa lên thương điểm của họ Thăng Long”. Nhật ký của thương điếm Anh các ngày tiếp theo cũng thông tin thêm về việc người Hà Lan tiếp tục xuống tàu của họ ở Doméa để đem số hàng hóa còn lại lên thương điểm Kẻ Chợ. (Xin xem: G/12/17-8: 312r-315r, Journal Register of Tonkin Factory, 18 July-19 August 1683; xem thêm từ: NA VOC 1403: 352-357, Missive door den resident Leonard de Mooij en raad in Tonquin aen haer Eds geschreven in dato 22 Januarij 1684). Như vậy, đã có sự dịch nhầm thuật ngữ “hooker” (tàu chở hàng) thành “kho chứa hàng”. [Thuật ngữ hooker trong tiếng Anh có nguồn gốc từ chữ hoeker hay hoekerboot của tiếng Hà Lan, để chỉ một loại tàu chở hàng chuyên dùng ở sườn phía tây Ireland. VOC sử dụng rất nhiều loại tàu hooker trong buôn bán ở phương Đông trong các thế kỷ XVII và XVII. Chiếc hooker nhắc đến trên đây có tên là Croonvogel, chuyên chở hàng hóa cho VOC giữa Đàng Ngoài và Batavia trong năm các 1676-1684].

(28). Việc các nguồn sử liệu nước ta không bao giờ nhắc đến Doméa như một địa điểm thương mại và hàng hải cũng đã gợi nên những băn khoăn trong bài viết của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, “Sông Đàng Ngoài và Doméa”, sđd.

(29). Về quá trình bồi tích của sông Hồng và sự chuyển dịch vai trò thông thương của sông Hồng sang sông Thái Bình, xin xem thêm từ Vũ Minh Giang, "The Change of the Gateway to Delta from the Twelfth to Seventeenth Centuries", Tham luận trình bày tại Hội thảo Vietnamese Peasant’s Activity: An Interaction between Culture and Nature, IIAS, Leiden, 8-2002.

(30). Về hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Phố Hiến, xin xem Nguyễn Quang Ngọc, "Some Features on the Dutch East India Company and Its Trade Office at Pho Hien", trong Pho Hien, 1994, tr. 132-141.

(31). Có thể xem thêm từ WJM. Buch, “La Compagnie des Indes Neerlandaises et l'Indochine", BEFEO 1936, tr. 97-196, 1937, tr. 121-237.

(32). BL-OIOC G/12/7-2: 100v-105r, Tonkin General to Bantam 2 February 1674.

(33). Về Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài có thể xem thêm từ Farrington, “The English East India Company Documents Relating Pho Hien”, sđd; Hoàng Anh Tuấn, “From Japan to Manila and Back to Europe; The English Abortive Trade with Tonkin in the 1670s", Itinerario: International Journal on the History of European Expansion and Global Interaction 3 (29) 2005; Hoàng Anh Tuấn, “Kế hoạch Đông Á và thất bại của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài thập niên 1670”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 9-2005.

(34). Dựa trên kết quả phân tích định lượng các thông tin thể hiện trên hai văn bia thời kỳ này ở Phố Hiến, GS.TSKH. Vũ Minh Giang đã kết luận rằng tính chất nông thôn vượt trội nét thủ công và thương nghiệp ở Phố Hiến. Hơn thế nữa, mức độ gắn bó của người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) với Phố Hiến cũng không cao. Xin xem: Vũ Minh Giang, "Contribution to Indetifying Pho Hien through Two Stelae”, trong Pho Hien, tr. 116-124.

(35). Xin xem, ví dụ, Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long-Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII XIX, Nxb. Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1993.

(36). Xem chi tiết về người Hoa từ Richio Fujiwara, "The Regulation of the Chinese under the Trinh Regime and Pho Hien”, trong Pho Hien, 95-98. Việc thương nhân ngoại quốc bị quy định chuyển về Khuyến Lương, Thanh Trì trong thập niên 1650 được ghi chép rất cụ thể trong Generale Missiven II, 450-452.

(37). Trong lý luận của mình về nền thương mại Đông Nam Á thời kỳ tiền cận đại. Giáo sư Anthony Reid đã rất đúng khi cho rằng đến cuối thế kỷ XVI, Thăng Long, mặc cho sự hưng thịnh về kinh tế và mậu dịch quốc nội, vẫn nằm khá xa các tuyến hải thương quốc tế nối Đông Bắc Á với các hải cảng quốc tế phương Nam và phía Tây. Xin xem: Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce (Vol. 2: Expansion and Crisis), New Haven: Yale University Press, 1993, pp. 62-63, 71 và các trang tiếp theo.

(38). Có thể xem mô hình của Bennet Bronson từ Charles Wheeler, “A Maritime Logic to Vietnamese History? Littoral Society in Hoi An's Trading World c. 1550-1830", Paper presented at Seascapes, Littoral Cultures, and Trans-Oceanic Exchanges, Library of Congress, Washington DC, February 12-15, 2003. Về ngoại thương Đồng Trong các thế kỷ XVII-XVIII, xin xem thêm từ Li Tana, Nguyễn Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, Ithaca: SEAP 1998; Wheeler Charles, "Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Intergration of Thuận Quảng, Seventeenth- Eighteenth Centuries", Journal of Southeast Asian Studies 1 (37) 2006, pp. 123-153.

(39). Phần lớn tư liệu và thảo luận trong phần này đã được công bố trong Hoàng Anh Tuấn, "Tonkin Rear for China Front: The VOC's Exploration for the Southern China Trade in the 1660s”, Tham luận trình bày tại Hội thảo Ports, Pirates and Hinterlands in the East and Southeast Asia: Historical and Contemporary Perspectives, Thượng Hải, Trung Quốc, 11-2005.

(40). Về mậu dịch tơ lụa của VOC với Đàng Ngoài có thể xem từ P. W. Klein, “De Tonkinees Japanse Zijdehandel van de Vereenigde Oostindische Compagnie en het Inter-Aziatische Verkeer in de 17e eeuw", in W. Frijhoff and M. Hiemstra (eds), Bewogen en Bewegen, Tilburg: Gianotten, 1986, pp. 152-177; Hoàng Anh Tuấn, “Mậu dịch tơ lụa của Công ty Đông Ấn Hà Lan với Đàng Ngoài, 1637-1670”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3&4-2006; Hoàng Anh Tuấn, Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700, Leiden: Brill, 2006 (chương 6). Về mậu dịch tơ lụa Bengal-Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XVII, xin xem từ Om Prakash, The Dutch East India Company and the Economy of Bengal 1630-1720, Princeton: Princeton University Press, 1985. Về nhu cầu thu mua vàng cho thị trường Coromandel, có thể xem thêm từ Tapan Raychaudhuri, Jan Company in Coromandel 1605- 1690: A Study in the Interrelations of European Commerce and Traditional Economies, Gravenhage: Martinus Nijhoff, 1962.

(41). Generale Missiven II, pp. 451-452, 781.

(42). Dagh-register Batavia 1661, pp. 49-55.

(43). Dagh-register Batavia 1663, p. 71.

(44). Người Hà Lan và người Anh gọi khu vực Vạn Ninh (Quảng Ninh) là Tinnam (hoặc Tenam/Tenan). Trong phần mô tả địa lý của vương quốc Đàng Ngoài, W. Dampier (Voyages and Discoveries, 20) cho rằng “tỉnh Tenan là tỉnh ở quá về phía Đông nhất, giáp Trung Quốc về phía Đông Nam, giáp đảo Hải Nam và biển về phía Nam và phía Tây Nam, giáp tỉnh Đông về phía Tây Bắc. Tenan là một tỉnh nhỏ, nguồn lợi chính là gạo”, Nghiên cứu của Tống Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN) cho rằng Tinnam là sự biến âm của Tiên An hay Tiên Yên... Việc xác định tên hiện đại của một số địa danh ghi chép bởi người Hà Lan và Anh cần được đầu tư nghiên cứu thông qua các khảo sát thực địa. Bài viết này xin công bố tên các địa danh như đã được ghi chép bởi người  u thế kỷ XVII.

(45). Dagh-register Batavia 1661, pp. 49-53. Việc Đàng Ngoài tiễu trừ cướp biển ở miền Đông 63 Bắc trong năm 1660 không thấy được đề cập đến trong thông sử Đại Việt, ví như, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

(46). Dagh-register Batavia 1661, 89-91; NA VOC 1240: 1355-1374, Missive geschreven door den coopman Baron aen haer Ed, den 12 November 1662.

(47). Dagh-register Batavia 1663, 71-80; NA VOC 1236: 829-855 Missive door den koopman Baron aen den haer Eds. tot Batavia geschreven in dato 13 November 1661.

(48). NA VOC 678, Resolutie 24 April 1663.

(49). Xin xem thêm từ Frédéric Mantienne, "Indochinese Societies and European Traders: Different World of Trade? (17th-18th Centuries)", in: Nguyen The Anh-Yoshiaki Ishizawa (eds), Commerce et Navigation en Asie du Sud-Est (XIVe-XIXe siècle), Tokyo: Sophia University, 1999, 113-125.

(50). Theo tài liệu của VOC, vào đầu thập niên 1690 khu vực Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã trở thành một khu vực buôn bán sầm uất. Nguyên nhân chủ yếu là các thế lực bài Thanh vốn thường quấy rối khu vực biên giới Đông Bắc Đàng Ngoài đã cơ bản bị nhà Thanh tiêu diệt sau khi họ Trịnh ở Đài Loan thất thủ đầu thập niên 80 thế kỷ XVII, đồng thời một số lượng đáng kể thương nhân Trung Quốc chuyển đến đây lập nghiệp sau khi bị triều đình Lệ Trịnh trục xuất khỏi Kẻ Chợ cuối thập niên 80 thế kỷ XVII. Trong báo cáo thường niên gửi về Toàn quyền và Hội đồng Đông ấn ở Batavia năm 1691, Giám đốc thương điếm Đàng Ngoài là Johannes Sibens cho biết Chúa Trịnh đã đe dọa đuổi người Hà Lan ra khỏi Kẻ Chợ và buộc họ di dời về buôn bán ở khu vực Quảng Yên, nơi người Trung Quốc đã lập các khu buôn bán khá sầm uất ở đó. Tuy nhiên, khi người Hà Lan biếu thêm quà, chúa Trịnh lại đồng ý để người Hà Lan tiếp tục kinh doanh ở Kẻ Chợ. Xin xem: NA VOC 1498: 288- 305, Missive door den resident Joanes Sibens en den raed tot Tonquin aen gemelte General ende raden geschreven in dato 31 October 1691.

Xem thêm:  Côn Đảo những năm 20 của Thế kỉ XVIII qua bức thư của một giáo sĩ Pháp, Nghiên cứu Lịch sử, số 6.2005

 

 

 

Các bài viết khác

Xem thêm
Chúa Trịnh tái thiết thành Đại La
Tin tức khác24/09/2024

Chúa Trịnh tái thiết thành Đại La

Năm 1592, sau khi đánh bật nhà Mạc khỏi Thăng Long, Nguyễn Quyện bèn dâng Trịnh Tùng kế sách san phẳng thành lũy, sông hào do nhà Mạc đào đắp. Thăng Long khi ấy trở thành Kinh đô độc nhất vô nhị trên thế giới thời bấy giờ. Bất kỳ kinh đô của nước nào khi ấy cũng đều được bảo vệ bởi những vòng thành và hệ thống hào. Vì thế, các nhà sử học cho rằng, kế sách của Nguyễn Quyện, bề ngoài là chống nhà Mạc đến cùng, nhưng thực chất lại ngầm giúp nhà Mạc có điều kiện dễ dàng hơn khi muốn lấy lại Thăng Long. Tuy vậy, trong suốt 157 năm Thăng Long không được bảo vệ theo lối “tam trùng thành quách”, nhà Mạc cũng không thể lấy lại được vương quyền. Ngôi báu vẫn thuộc về nhà Lê, với sự chia sẻ quyền lực của chúa Trịnh.

Tại sao xây dựng Vạn Lý Trường Thành khó gấp nhiều lần Kim tự tháp?
Tin tức khác12/09/2024

Tại sao xây dựng Vạn Lý Trường Thành khó gấp nhiều lần Kim tự tháp?

Dưới góc độ kỹ thuật, Vạn Lý Trường Thành vượt Kim tự tháp nhiều lần về độ khó và quy mô trong công cuộc xây dựng...

Mê mẩn với hệ sinh thái đa dạng tại vườn quốc gia Côn Đảo
Tin tức khác15/04/2024

Mê mẩn với hệ sinh thái đa dạng tại vườn quốc gia Côn Đảo

Nếu là một người yêu thích các địa điểm du lịch sinh thái thì chắc hẳn bạn đã nghe qua vườn quốc gia Côn Đảo. Là một trong 34 vườn quốc gia tại Việt Nam, vườn quốc gia Côn Đảo nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan vừa rừng vừa biển xinh đẹp cùng nhiều hoạt động tham quan siêu thú vị. Cùng Traveloka đặt chân đến đây ngay bây giờ và trải nghiệm luôn nha.