Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Một cái tên trên bia tưởng niệm khởi nghĩa Yên Bái

15/06/2023364

Cách đây 90 năm, ngày 10 tháng Hai, 1930, Tổng khởi-nghĩa Yên-báy (viết như tên gọi thời đó) của Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) do Đảng trưởng Nguyễn Thái Học lãnh đạo – nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa tại Đông Dương thuộc Pháp (Đông Pháp) – bùng nổ.

Cách đây 90 năm, ngày 10 tháng Hai, 1930, Tổng khởi-nghĩa Yên-báy (viết  như tên gọi thời đó) của Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) do Đảng trưởng  Nguyễn Thái Học lãnh đạo – nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa tại Đông Dương thuộc Pháp (Đông Pháp) – bùng nổ. Khi đó, VNQDĐ đang bị đàn áp khốc liệt và có dấu hiệu bị diệt vong; cuộc khởi nghĩa vẫn phải tiến hành dù có thể thất bại, thể  hiện qua câu nói của Nguyễn Thái Học trong quá trình chuẩn bị mà sau này trở nên  nổi tiếng “Không thành công thì thành nhân”(1) (22, tr. 104).(2) 

Thực dân Pháp dùng bạo lực tàn khốc để đáp trả bạo lực, tiêu biểu là vụ ném  bom triệt hạ làng Cổ Am.(3) Ngay khi dập tắt được cuộc khởi nghĩa, chính quyền  thuộc địa đã thành lập Hội đồng Đề hình(4) (HĐĐH) để xét xử quân nổi dậy. Ba  mươi lăm chiến sĩ (bao gồm những người lãnh đạo VNQDĐ) đã lên máy chém đền  nợ nước; cả ngàn người khác bị xét xử, bị tù đày ở “Côn-nôn” (Côn Đảo), Guyane  (thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ)… Cùng với việc Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh  (1930 - 1931) thất bại sau đó, công cuộc đấu tranh vũ trang ở Việt Nam đi vào thoái  trào; tên tuổi của rất nhiều anh hùng khởi nghĩa chìm trong bộn bề lịch sử. 

Để tưởng niệm Nguyễn Thái Học và những Liệt sĩ VNQDĐ hy sinh tại pháp  trường Yên Bái, ngay từ khi nước nhà được độc lập, tháng Mười, 1945, VNQDĐ  đã “tu bổ lại phần mộ 17 vị liệt-sĩ Yên Bái và dựng đài kỷ niệm” (22, tr. 164).  Năm 2000, Khu “Di tích Lịch sử Nguyễn Thái Học” đã được xây dựng tại đây. Bia  tưởng niệm tại Di tích ghi tên 4 Liệt sĩ bị chém ngày 8 tháng Năm, 1930 (Ngô Hải  Hoằng, Nguyễn Thanh Thuyết, Đặng Văn Lương và Đặng Văn Tiệp – do HĐĐH 

Yên Bái 1 tuyên án ngày 28 tháng Hai, 1930); và 13 Liệt sĩ bị chém ngày 17 tháng  Sáu, 1930 (Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Nguyễn Văn An, Đào  Văn Nhít, Bùi Văn Chuẩn, Ngô Văn Du, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ  Văn Tư, Nguyễn Văn Cửu, Hà Văn Lao và Nguyễn Như Liên – do HĐĐH Yên Bái  2 tuyên án ngày 27 tháng Ba, 1930) (25). Danh sách trên có thể coi là do Bảo tàng  Yên Bái cung cấp bởi nó trùng khớp với danh sách của Bảo tàng này công bố trong  Hội thảo Khoa học năm 2004: “Liệt sĩ Nguyễn Thái Học Chủ tịch Việt Nam Quốc  dân Đảng năm 1930” (26, tr. 383, 408). 

* Hà Nội.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160) . 2020 93 

Khảo cứu các tư liệu liên quan tới VNQDĐ và Khởi nghĩa Yên Bái, rất dễ  thấy trong số 13 người bị xử chém ngày 17 tháng Sáu, trừ Nguyễn Thái Học và  Phó Đức Chính, 11 cái tên còn lại đều ít nhiều có sự sai biệt. Tuy nhiên, có một  trường hợp có thể vượt quá sự sai khác tên họ, đến mức nhầm người. Đó là Chiến sĩ mang tên NGUYỄN VĂN THỊNH. 

Bia tưởng niệm tại Di tích Nguyễn Thái Học ở Thành phố Yên Bái. Ảnh: Thai Vo Hong.
Bia tưởng niệm tại Di tích Nguyễn Thái Học ở Thành phố Yên Bái. Ảnh: Thai Vo Hong.

Với 90 năm mà hầu hết thời gian không thanh bình: Khủng bố, chiến tranh,  đổi dời, đảng phái… thì tên người bị sai lệch là chuyện bình thường. Vì sao lại đặt  vấn đề nhầm người? Đó phải chăng là vì “nghiên cứu” mà không nghiên cứu? 

Bài viết này hy vọng khắc phục được sự nhầm lẫn đó, trả lại cho người anh  hùng vị trí trên bia vàng và trong lịch sử. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng điều chúng  tôi sẽ chứng minh và tin là đúng sau đây, cũng chỉ là một giác độ tiếp cận sự thật  lịch sử và mong những người tiếp sau không dừng lại ở đó như đã từng bị dừng ba  phần tư thế kỷ vừa qua. 

Cơ hội để chúng tôi – người hay hỏi “tại sao” – được làm việc này, có lẽ do, 

- Một là, trong cuốn sách chúng tôi được (mua và) đọc gần đây nhất (34),  đồng thời tồn tại ba cái tên chỉ một Chiến sĩ: Nguyễn Văn Tính (tr. 224), Nguyễn  Đức Thịnh (tr. 232) và Nguyễn Văn Thịnh (tr. 365); 

- Hai là, VNQDĐ là một chủ đề nghiên cứu chưa được chú trọng thực chất  tại Việt Nam; và, trong tương quan với toàn cảnh bi tráng của một sự kiện lịch sử,  những tiểu tiết thường không được các nhà nghiên cứu và người viết để tâm, dù  nhiều vấn đề chỉ cần đọc kỹ thêm và làm phép so sánh là có thể tìm ra; 

- Ba là, chúng tôi coi điều mà Olga Berggolts đã từng viết: “Không ai bị lãng  quên, không điều gì bị lãng quên (Никто не забыт и ничто не забыто)”(5) – là  một Quyền phổ quát của Lịch sử.

94 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160) . 2020 

I. Thư mục tham khảo (chính) 

Khi khảo biên một vấn đề hẹp như trên, yêu cầu tiên quyết về “Thư mục  tham khảo” là tư liệu (source of print) phải có “Danh sách các Liệt sĩ”, trừ một vài  trường hợp. May thay, tư liệu có thể thu thập được, đủ để giải quyết vấn đề. Chúng  tôi tạm chia tư liệu thành hai nhóm: Tư liệu đương thời (1930 - 1931) được gọi là  Tư liệu nhóm A (tl A); Tư liệu nhóm B (tl B) được định nghĩa là tư liệu:  

- Dùng thông tin từ tl A và/hoặc các thông tin không được chứng minh có độ  tin cậy cao hơn tl A; 

- Xuất hiện từ năm 1945 (sau sự kiện 15 năm) cho tới năm 2020. Điều dễ  nhận thấy là, phải đến khi Thực dân Pháp mất quyền lực (năm 1945), báo chí và  sách viết về VNQDĐ chống Pháp, mới dần xuất hiện. Ngoài ký ức cá nhân, sách  và báo chí thời 1930 - 1931 là nguồn thông tin mà các tác giả thời kỳ đầu (1945 -  1975) có thể dựa vào. 

1. Tư liệu nhóm A: Gồm 16 tư liệu, là:  

- Báo chí đương thời tại Đông Dương và Pháp (1930), quan trọng hơn cả là  ba nhật báo tại Đông Dương, hai tại Hà Nội [(1) và (3)] và một tại Sài Gòn (4) – tường thuật khá chi tiết các phiên tòa; và 

- Một cuốn sách của Louis Roubaud – Phóng viên báo Le Petit Parisien có  mặt tại chỗ,(6) là người cung cấp tin cho ba tờ báo trong tl A [(8a), (8b) và (8c)] –  xuất bản năm 1931 (kèm theo bản dịch Việt) [(8d) và (8e)]. 

2. Tư liệu nhóm B:

Mặc dù tl A là đủ để kết luận vấn đề, nhưng tl B (20 tư liệu) sẽ cho thấy phần nào nguyên do của sự nhầm người nói trên, tl B gồm:  

- Bia ghi danh tại khu tưởng niệm chính thức (25); 

- Tư liệu của VNQDĐ: Sách Đảng sử (21) và Thông tin chính thức hiện tại (35); 

- Sách tư liệu sử, sách và các bài khảo cứu, sách tư liệu về nội dung liên quan  [từ (17)÷(20), (22)÷(24), (27)÷(32) và (34)÷(36)]; 

- Sách Kỷ yếu Hội thảo về Nguyễn Thái Học và VNQDĐ [(26) và (33)]. 

3. Danh mục tư liệu tham khảo 

Có một sự khác thường của bài viết này so với thông lệ khảo cứu, khi “Danh  mục tư liệu tham khảo” cũng chính là một phần khăng khít của chính văn, cũng  tương hợp ở một khía cạnh nào đó với nội dung bài viết. Ở chỗ, người viết bài đã  không “an phận” với các “ấn định” tưởng đã thành khuôn mẫu của nhiều nguồn tư  liệu, nhiều thế hệ nghiên cứu, nhiều quan điểm nghiên cứu, chí ít trong một sử kiện  tưởng như là tiểu tiết của sự kiện Yên Bái này. Đó là lí do chúng tôi đặt “Danh mục  tư liệu tham khảo” vào trong bài.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160) . 2020 95 

a) Tư liệu nhóm A – Sách báo tại Đông Dương và Pháp 1930 - 1931 (theo  thứ tự a, b, c…) 

(1) Hà Thành Ngọ báo. Nhật báo. Hanoi. http://baochi.nlv.gov.vn/. 

(2) La Revue hebdomadaire. Paris. https://gallica.bnf.fr/. 

(3) L’Avenir du Tonkin. Nhật báo. Hanoi. (như trên/nt). 

(4) L’Écho annamite. Nhật báo. Saigon. (-nt-). 

(5) L’Écho de Paris. Paris. (-nt-). 

(6) (Chung một nguồn tin của Le Journal) 

a) Le Journal. Paris. (-nt-). 

b) Le Petit Journal. Paris. (-nt-). 

(8) (Chung một nguồn tin của Louis Roubaud, phóng viên tại chỗ) 

a) Le Petit Parisien. Paris. (-nt-). 

b) L’Humanité. Paris. (-nt-). 

c) Le Libertaire. Paris. (-nt-). 

d) Roubaud L. (1931). Viet-nam, la Tragédie Indo-chinoise. Paris: L. Valois, https:// gallica.bnf.fr/. 

e) Roubaud L. (2005).Việt Nam bi thảm Đông Dương. Đường Bá Bổn dịch. Thanh niên. Hà Nội. [xuất bản lần đầu 1963].…(7) 

(13) Les Annales coloniales. Paris. https://gallica.bnf.fr/. 

(14) L’Homme libre. Paris. (-nt-). 

(15) Phụ nữ Tân văn. Tuần báo. Saigon. http://www.viethoc.com/. 

(16) Tiếng Dân. Báo 2 số/tuần. Huế. http://ndclnh-mytho-usa.org/. 

b) Tư liệu nhóm B (theo thứ tự thời gian xuất bản) 

(17) Nhượng Tống. (1949). Nguyễn Thái Học (1902-1930), in lần 2. Tân Việt, Saigon. [xuất  bản lần đầu 1946]. 

(18) Bạch Diện. (1950). Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng. Saigon. (19) Cẩm Đình. (1950). Vụ án Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1929-1930. Nhà in Nguyễn Văn Bửu. Huế.  

(20) Tế Xuyên. (1959). Gương người xưa. Đại Nam. 

(21) Vũ Hồng Khanh. (1966). Việt Nam Quốc dân Đảng - Đảng Sử. Tập 1. Sài Gòn. (22) Hoàng Văn Đào. (1970). Việt Nam Quốc dân Đảng (tái bản kỳ 2). Sài Gòn. [xuất bản  lần đầu 1965]. 

(23) Nguyễn Hải Hàm. (1970). Từ Yên Báy Đến Côn Lôn (1930 -1945). Sài Gòn. (24) Phạm Văn Sơn. (1972). Việt sử tân biên. Quyển 7. Khai trí. Sài Gòn.

96 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160) . 2020 

(25) Bia tưởng niệm tại “Di tích Lịch sử Nguyễn Thái Học”, TP. Yên Bái (khoảng năm 2000)  [ảnh: Thai Vo Hong. 2019. https://www.google.com/maps/]. 

(26) Nguyễn Văn Quang. (2004). “Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ  yêu nước Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái 1930”. [Sở VHTT-TT Vĩnh Phúc. (2004). Liệt sĩ  Nguyễn Thái Học Chủ tịch Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930. Kỷ yếu HTKH]. 

(27) Thiện Mộc Lan. (2010). Phụ Nữ Tân Văn - Phấn son tô điểm sơn hà. Thời Đại/VHSG.  TP. Hồ Chí Minh. 

(28) (Chung một tác giả và nội dung trích: Báo Đông Pháp. Hà Nội. 16/6/1945). a) Nguyễn Văn Khánh. (2012). Việt Nam Quốc dân Đảng trong Lịch sử Cách mạng  Việt Nam. Thế giới. Hà Nội. 

 b) Văn Khánh, Nguyễn. (2016). The Vietnam Nationalist Party (1927-1954). Springer. (29) Vũ Ngự Chiêu. (2013). Việt Nam Quốc dân Đảng. www.vietnamvanhien.net. (30) Trần Gia Phụng. (2015). Vụ Án Yên Bái - Không Thành Công Thì Thành Nhân. https:// ongvove.wordpress.com/. 

(31) Trần Đình Ba. (2017). “Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng” (báo Pháp  luật Việt Nam). https://baophapluat.vn/. 

(32) Nguyễn Văn Lục. (2019). Chung quanh vụ nổi dậy ở Yên Báy năm 1930. https:// dcvwp.trstudios.net/. 

(33) Tỉnh ủy Yên Bái (tháng 12/2019). Tài liệu Hội thảo Kỷ niệm 90 năm Khởi nghĩa Yên Bái.  (34) Tạ Thu Phong. (2020). Tiếng Thét Yên Bái - Lịch sử đẫm máu và bi hùng của Việt  Nam Quốc dân Đảng. Trúc Bạch Thư xã/Thế giới. Hà Nội. 

(35) Audio để xướng danh tưởng niệm 13 anh hùng dân tộc VNQDĐ đã hy sinh 17-06- 1930 (Published 17/6/2020). https://vietquoc.org/. 

(36) Ngọc Nhàn. (28/6/2020). “Phiên tòa xét xử tại Yên Bái sau thất bại của cuộc tổng khởi  nghĩa” (Việt Nam Quốc dân Đảng qua tài liệu lưu trữ Hải ngoại Pháp. Kỳ III). http:// www.archives.org.vn/. 

II. Ai là Ai ? 

Sau nhận biết ban đầu, việc khảo sơ bộ các tư liệu liên quan cho thấy: 

- Đã (và chỉ có) hai cái tên phải chọn một, cho một Chiến sĩ Yên Bái hy sinh  ngày 17/6/1930. Đó là Thịnh Tính (không kể các trường hợp khác tên đệm và  “dấu” tên, ví dụ: THỊNH/THINH). 

- Sự nhầm lẫn này liên quan cả đến hai phiên xử 1 và 2 của HĐĐH Yên Bái  năm 1930. 

Vấn đề sẽ được giải quyết khi xem xét các điểm liên quan trong hai phiên xử  qua tl A.

1. Hội đồng Đề hình Yên Bái lần thứ nhất ngày 28 tháng Hai, 1930


Hà thành Ngọ báo ngày 28 tháng Hai, 1930, tr. 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Hà thành Ngọ báo ngày 28 tháng Hai, 1930, tr. 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

HĐĐH này đã tuyên 13 án tử hình, trong đó có tên Nguyễn Văn Thịnh/Nguyen  Van Thinh mà không có tên Tính/Tinh. Sau cùng, chỉ 4 Chiến sĩ bị chém như danh  sách chúng tôi đã nêu trên. Trong tl A, tên Thịnh/Thinh đã xuất hiện: - Trong quá trình xét xử và bị kết án tử hình:

+ Nhật báo Hà Thành Ngọ báo (1, 28/02/1930) nêu danh: “Ng. Văn-Thịnh, 31 tuổi, cai(8) khố đỏ(9) số 331 tại Yên Bái.”(10) Tên Thịnh được nêu 3 lần, kể cả khi tòa tuyên án. Tên Thỉnh (dấu hỏi) được nêu 4 lần trong tường thuật quá trình thẩm vấn (1, 01/3/1930).

+ Nhật báo (tiếng Pháp) l’Avenir du Tonkin (3, 28/02/1930) ghi: “Ng.-van Thinh Caporal 331”. Tên Thinh được nêu 2 lần.

- Trong Sắc lệnh của Tổng thống Pháp (“La décision du Président de la République concernant les condamnés de Yen-bay”) ân xá 9 trong 13 án tử hình; tên của một người được giảm án xuống khổ sai chung thân (condamnés aux travaux forcés à perpétuité) được bốn tờ báo đều  ghi như nhau: “Nguyen-Van-Thinh, capo-ral (cai)”. Đó là: Le Journal (6a, 03/5/1930), Le Petit Journal (6b, 03/05/1930),  L’Écho de Paris (5, 04/05/1930) và Les Annales coloniales (13, 08/5/1930).

Le Journal 03 mai 1930, p.1.  Nguồn: https://gallica.bnf.fr/
Le Journal 03 mai 1930, p.1.  Nguồn: https://gallica.bnf.fr/.

- “Còn chín người kia giảm xuống khổ sai chung thân thì đã phải giải ra Côn đảo, để đợi ngày đưa đi Guyane bên Mỹ-châu”. (1, 14/5/1930).(11)Không có ai bị  nêu tên sẽ chuyển sang xét xử tiếp ở các phiên tòa khác.

* Tiểu kết: 

+ Hà Thành Ngọ báo là nhật báo tại Hà Nội, đã tường thuật phiên xử khá chi  tiết, đáng được đánh giá cao về độ tin cậy. Cái tên Nguyen Van Thinh được dùng  thống nhất trong các tờ báo nói trên và trong Sắc lệnh của Tổng thống Pháp. 

+ Chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, cai khố đỏ số 331 đóng tại Yên Bái đã bị kết  án tử hình tại HĐĐH Yên Bái 1 ngày 28 tháng Hai 1930, đã được giảm án xuống  khổ sai chung thân và đã bị đưa ra Côn-đảo. Chúng tôi coi cái tên Thỉnh (dấu hỏi)  xuất hiện trong một số báo (1, 01/3/1930), là một lỗi kỹ thuật. Trên báo chí, còn rất  nhiều lỗi kỹ thuật về họ tên các bị cáo trong hai phiên tòa Yên Bái này.(12) 

+ Nếu HĐĐH Yên Bái 2 nêu tên một Chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh nữa thì cái  tên đó không thể liên quan đến Chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh này. 

2. Hội đồng Đề hình Yên Bái 2 ngày 27 tháng Ba, 1930 

HĐĐH Yên Bái 2 đã tuyên 39 án tử hình, trong danh sách án này (1,  29/3/1930), không có ai tên là Thinh/Thịnh. Có hai người cùng bị án tử, tên gần  nhau là Tin/Tín và Tinh/Tính nhưng không dễ bị lẫn lộn: Tin/Tín là thường dân,  Tinh/Tính là quân nhân. Tinh/Tính ít khả năng được ân xá hơn vì mưu giết nhiều sĩ  quan Pháp cấp trên.(13) Người đã được giảm án chắc là Tin/Tín. 

Hà thành Ngọ báo ngày 29 tháng Ba, 1930, tr. 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Hà thành Ngọ báo ngày 29 tháng Ba, 1930, tr. 1. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Mười ba án tử hình của HĐĐH 2 không được ân xá, đã lên máy chém ngày  17 tháng Sáu, 1930. Trong các tl A, cả hai cái tên Thịnh/Thinh và Tính/Tinh đã xuất  hiện riêng rẽ trong danh sách 13 người của từng nguồn. Chúng tôi sẽ phân tích  theo từng cụm tl A có một số đặc điểm chung.

a) Cụm tl A tại Pháp đăng tin nhận từ Bộ Thuộc địa Pháp

Nội dung tin của ba tư liệu này giống hệt nhau và tư liệu (2) ghi rõ: “Le  Ministère des Colonies nous communique l'information suivante (Bộ Thuộc địa  cung cấp cho chúng tôi các thông tin sau)”.

Nguồn Người bị tử hình Ghi chú
La Revue hebdomadaire (2, 18.06.1930) Nguyen Van Tinh Caporaux de Tirailleurs [Cai Khố Đỏ]
Le Journal (6a, 18/6/1930) Nguyen Van Tinh Caporaux de Tirailleurs
L’Homme libre (14, 18/6/1930) Nguyen Van Tinh Caporaux de Tirailleurs

Nhận xét:

- Ba tờ báo cùng đăng nguồn tin do chính phủ cung cấp chỉ một ngày sau sự  kiện. Điều này cho phép tin rằng khả năng nhầm/sai là rất thấp và cái tên đúng sẽ  là Nguyen Van Tinh.

b) Cụm tl A tại Pháp đăng tin nhận từ phóng viên Roubaud

Nguồn Người bị tử hình
Le Petit Parisien (8a, 18/6/1930) Nguyen Van Thinh “le Prospère”
L’Humanité (8b, 19/6/1930) Nguyen Van Thinh “le Prospère”
L’Humanité (8c, 21/6/1930) Nguyen Van Thinh “le Prospère”
Viet-nam, la Tragédie Indo-chinoise (8d, tr. 157, 161) N’Guyen le Prospère Nguyen Van Thinh “le Prospère”
Việt Nam bi thảm Đông Dương (8e, tr. 100, 103) Nguyễn mưu sĩ Nguyễn Văn Thịnh (kẻ mưu sĩ)

Nhận xét: 

- Tiếng Pháp vốn có chữ “h” câm (tức là viết “h” song không phát âm), và  người Pháp khi đọc Thinh có thể đọc thành Tinh? Lưu ý: Roubaud từ “mẫu quốc”  sang nhân sự kiện Yên Bái này, không phải là phóng viên thường trú từ trước đó. 

- Roubaud đã có một động tác rất ngoạn mục là dịch nghĩa tên người Việt ra  tiếng Pháp. “le Prospère” nghĩa là “thịnh vượng” và tên Thịnh đã được khẳng định!  Tuy nhiên, câu chuyện còn dài hơn. Một là, khi nêu tên một trong số 13 người bị án  tử tại HĐĐH Yên Bái 2, Roubaud chú âm “Ngoc Thinh - Puits de pièrres précieuses 

(Ngoc Thinh là cái giếng bằng đá quý/ngọc)” (8d, tr. 160). Rõ ràng, tác giả đã đồng  nhất “Ngọc Tỉnh (giếng ngọc)” = “Ngoc Thinh”.(14) Vậy thì rất có thể “Van Tinh”  = “Van Thinh” lắm chứ? Hai là, (8e) là bản dịch Việt ngữ của (8d) đã không dịch  Nguyen “le Prospère” thành Nguyễn “thịnh vượng” mà dịch thành “Nguyễn mưu  sĩ” (tr. 100) hay “Nguyễn Văn Thịnh (kẻ mưu sĩ)” (tr. 103). Đây cũng là một bí ẩn  vì dịch giả Đường Bá Bổn (tức nhà văn Thế Phong) đâu phải là người kém tiếng  Pháp(15) và sự liên tưởng từ mưu sĩ đến tính (tính toán) là có thể chấp nhận.

- Với những căn cứ ở trên, chúng tôi cho rằng cái tên Thịnh/Thinh được dẫn  theo nguồn của Roubaud có độ tin cậy không cao.

c) Cụm tl A tại Đông Dương

Nguồn Người bị tử hình Ghi chú
Hà Thành Ngọ báo (1, 27/3/1930) Nguyễn Văn-Tinh -
l’Avenir du Tonkin (3, 27/3/1930) Ng.-v-Tinh Mle 2751
Hà Thành Ngọ báo (1, 28/3/1930) Nguyễn Văn-Tinh -
l’Avenir du Tonkin (3, 28/3/1930) Nguyen-van-Tinh Caporal 275
Hà Thành Ngọ báo (1, 29/3/1930) Nguyễn Văn-Tính  (tên tuyên án) -
Hà Thành Ngọ báo (1, 02/4/1930) Nguyễn Văn-Tinh -
Tiếng Dân(16) (16, 30/4/1930), cột 1,3 Nguyễn văn-Tinh -
Hà Thành Ngọ báo (1, 11/6/1930)(17) Nguyễn Văn-Tính -
l’Avenir du Tonkin (3, 17/6/1930) Ng-van-Thinh -
l’Écho Annamite (4, 17/6/1930) Nguyen van Tinh -
Tiếng Dân (16, 25/6/1930) Nguyễn văn-Thinh Lính khố đỏ
Phụ nữ Tân văn (15, 26/6/1930) Nguyễn văn-Thinh --

Nhận xét:

- Cụm tl A này sử dụng nguồn tin có lẽ đa dạng hơn vì có ba tờ nhật báo và  đăng tin trong nhiều số. Có một điểm lạ là tin của hai báo (3) và (16) đưa sau phiên  xử (nhưng trước ngày 17/6) đều nêu tên Tính/Tinh, còn tin đưa sau ngày 17/6 lại  đổi thành tên Thinh. Phải chăng khi đó các báo bị ảnh hưởng của một nguồn tin  khác và Phụ nữ Tân văn (15) cũng vậy? 

- Số lính của ông Tinh/Thinh là 2751 nhưng ông là cai hay lính còn có chút  tồn nghi vì thông báo chính thức (phần 2a) ghi ông là cai nhưng cáo trạng có đoạn  “Nguyễn Văn-Tinh hôm đó không phải phiên gác, tự ra thay gác và chém vào người  cai số 1392”, (1, 02/4/1930) – Thời bình, việc canh gác có thể không phải là nhiệm  vụ của hạ sĩ quan (cai). 

- Rõ ràng, cái tên Tính/Tinh có ưu thế hơn rất nhiều tên Thinh. Cái tên Tính cũng có ưu thế hơn vì là tên khi Tòa tuyên án. 

* Tiểu kết: 

+ Các yếu tố chiếm ưu thế – Thông báo chính thức của Bộ Thuộc địa, sự  trùng khớp của nhiều nguồn tin có độ tin cậy cao – đã xác nhận cái tên Tính. 

+ Chiến sĩ bị HĐĐH Yên Bái 2 kết án tử hình và đã lên máy chém ngày 17 tháng Sáu, 1930 là: Nguyễn Văn Tính, Cai khố đỏ số 2751 thuộc Binh đoàn Yên  Bái, quê tại làng Đô-quan (Nam-định).

III. Ghi chép và khảo cứu của người sau và đời sau

Tránh làm rườm rà kết cấu bài viết, chúng tôi đã đặt bản ghi chép các thông  tin có liên quan của 20 tư liệu thuộc tl B vào Phụ lục và chỉ dám lạm bàn đôi điều  về các thông tin này.  

- Trước hết, trong phạm vi mục này, xin không bàn tới các tác giả đã viết cho  tới năm 1970 [tl B từ (17) ÷ (23)] mà nhiều vị trong đó đã từng phải đổ máu, chịu  tù đày trong những hoàn cảnh mà chính họ kể lại. Xin tri ân các vị. Có thể do hoàn  cảnh và quan niệm, sách của các tác giả trong giai đoạn này ít thấy dấu vết của  việc tra cứu tư liệu mà thông tin nặng về hồi ức cá nhân cũng như những người  liên quan. 

- Với những tác giả từ sau năm 1970, đặc biệt là từ năm 2000 trở lại đây [tl B  từ (25) ÷ (36)], xin dẫn câu hợp ý vừa tìm thấy trong quá trình khảo biên, của tác  giả Nguyễn Văn Lục viết năm 2019: “Cái tiếc thứ ba là đời sau, nhiều người nhắm  mắt chép lại, không đọc ngang, đọc dọc, nhất là đọc tài liệu của Pháp. Sai lầm cứ  thế mà được tái diễn. Trách nhiệm người cầm bút trung thực là ở chỗ này,…”(32).  Vậy tình trạng tl B ra sao? 

+ Những người nhận “chính danh” thắp hương thờ phụng các anh hùng  VNQDĐ chấp nhận cái tên nào? “Audio để xướng danh tưởng niệm 13 anh hùng  dân tộc VNQDĐ đã hy sinh 17-06-1930” (35, 17/06/2020) của vietquoc.org phát  thanh rõ ràng: “Người thứ 7: Nguyễn Đức Thịnh”; dù Đảng sử có ghi tên Nguyễn văn-Tinh (21).  

Những người “gác đền” trong thực tại – các chuyên viên thuộc Bảo tàng Yên  Bái – cũng chấp nhận cái tên đã ghi trên bia (25). 

+ Tư liệu số (33) là Kỷ yếu của Hội thảo gần đây nhất về Nguyễn Thái Học  và VNQDĐ (tháng Mười Hai, 2019). Dù không có từ “Khoa học” đính kèm nhưng  Hội thảo vẫn có sự tham dự của Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và người được  coi là sử gia hàng đầu hiện nay về lịch sử VNQDĐ, tác giả tư liệu (28). Hội thảo  lần này không nhắc tên 13 liệt sĩ mà danh tính đã khắc vào bia tưởng niệm; với giới  sử học quan phương, câu chuyện đã kết thúc. 

- Chúng tôi đã làm một thống kê về số lần xuất hiện tên Thinh và Tinh trong  tl B, cũng chia làm 2 giai đoạn, trước và sau năm 2000, như bảng sau:

Kết quả thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số tl B sau năm 2000 đều chấp nhận  tên Thinh/Thịnh và trong các tư liệu đó, căn bản đều thấy thấp thoáng sách của  Hoàng Văn Đào (22). Có thể nói gì về sách của Hoàng Văn Đào? 

+ Một ví dụ: Có tới 8 tác giả trong nhóm tl B đưa ra cái tên Nguyễn Đức Thịnh [(22), (23), (29), (30), (32), (34), (35) và (36)], mà chúng tôi cho rằng nguồn  từ Hoàng Văn Đào (22, tr. 163). Khi viết sách (22), Hoàng Văn Đào liệt kê có tham  khảo Nhượng Tống (17), Louis Roubaud (8d) và Phụ nữ Tân văn (15) nhưng ông  vẫn dùng tên Nguyễn Đức-Thịnh hẳn là có lý do. Tuy nhiên, Ông Thịnh là quân  nhân, là “người nhà nước” thì đương nhiên chính quyền có hồ sơ và tên công bố là  đúng. Đức-Thịnh chỉ có thể là bí danh, và nếu tác giả không dẫn nguồn sử dụng,  liệu có thể tin cậy?  

Chính tác giả Nguyễn Văn Lục cũng mắc lỗi ngay tại chỗ ông vừa nhắc khi  đưa ra cái tên Ngọc Thịnh (32), không dẫn nguồn. Nói thêm: chúng tôi chưa thấy ai  đặt câu hỏi vì sao, ngày nổ ra Khởi nghĩa Yên Bái đêm 9 rạng ngày 10 tháng  Hai, 1930 (mọi tư liệu đều ghi như vậy) mà Hoàng Văn Đào (một người qua tác  phẩm, được hiểu là cốt cán của VNQDĐ) lại viết là đêm 10 rạng ngày 11 tháng  Hai (tr. 113)? Hoàng Văn Đào còn rất nhiều sai sót nên việc đã, đang và sẽ trích  dẫn tác phẩm của ông mà thiếu sự đối chiếu với các nguồn khác chỉ mang tới các  tư liệu kém giá trị. 

+ Vậy thì tại sao những tác giả nói trên – nhiều người là Nhà nghiên cứu hữu  danh ở nước ngoài [(29), (30) và (32)], đã từng “ăn nằm” cùng lưu trữ Pháp (29);  hoặc như tác giả (28) ở vị thế thừa sức tiếp cận các nguồn lưu trữ ưu tiên; hay như  tác giả (36) mà bài báo mới nhất ngày 28 tháng Sáu, 2020 đã được viết bằng nguồn  Lưu trữ Hải ngoại Pháp (ANOM); hoặc như tác giả (34) tự hào về kho lưu trữ của  mình có thể tạo nên một “Tiếng thét Yên Bái” – lại “nhắm mắt chép lại, không đọc  ngang, đọc dọc, nhất là đọc tài liệu của Pháp”? (32)

IV. Kết luận 

- Chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Cai khố đỏ số 331 thuộc Tiểu đoàn 2,  Trung đoàn khố đỏ Bắc Kỳ số 4 đóng tại Yên Bái, đã bị kết án tử hình tại HĐĐH Yên Bái 1 ngày 28 tháng Hai, 1930, đã được giảm án xuống khổ sai chung thân và  đã bị đưa ra Côn-đảo.  

- Chiến sĩ Nguyễn Văn Tính, Cai khố đỏ số 2751 thuộc Tiểu đoàn 2, Trung  đoàn khố đỏ Bắc Kỳ số 4 đóng tại Yên Bái, quê tại làng Đô-quan (Nam-định), đã  bị kết án tử hình tại HĐĐH Yên Bái 2 ngày 27 tháng Ba, 1930, đã lên máy chém  ngày 17 tháng Sáu, 1930.

- Chiến sĩ Thịnh và Chiến sĩ Tính bị xét xử tại hai phiên hoàn toàn khác nhau  của HĐĐH Yên Bái. “Nước sông không phạm nước giếng”, không thể nhầm lẫn.

- Điều cuối cùng: Tên trên Bia tưởng niệm tại “Di tích Lịch sử Nguyễn Thái  Học”, TP. Yên Bái phải là Nguyễn Văn Tính thay chỗ cho tên Nguyễn Văn Thịnh.

V. Bổ sung

Bài viết tưởng sẽ kết thúc tại đây vì đã đủ để kết thúc như mong muốn, hoàn  toàn với tư liệu (source of print) mà không có một tài liệu (archive source) nào.  Nhưng chúng tôi rất may mắn đã kịp tìm thấy một tài liệu quan trọng tại Trung tâm  Lưu trữ Quốc gia 1, Hà Nội.

Tài liệu còn vượt quá kết luận của chúng tôi: Lần đầu tiên, quê của chiến sĩ  Nguyễn Văn Thịnh đã được “tìm thấy”! Tài liệu này nằm ở lưu trữ từ lâu nhưng  không thấy có công bố nào liên quan.

- Nội dung tài liệu (Phần tiếng Pháp sao y bản gốc, phần dịch tiếng Việt của  tác giả đặt trong []. Ảnh bản gốc, xem Phụ lục 2).

Commission Criminelle Yen-Bay – Arrêt du 28 Février 1930(18) [Hội đồng Đề hình Yên Bái – Quyết định ngày 28 tháng Hai, 1930]

Đề mục Nội dung
IDENTITÉ [Nhận dạng] NGUYEN-VAN-THINH Village Tu-An (HaNam) [làng Tú An tỉnh Hà Nam]
ÂGE [Tuổi] 37
No. du Dossier [Tệp hồ sơ số] T. 5770
CONDAMINATION [Kết án] Déportation [Lưu đày]
DATE [Thời gian] 28.2.30
Juridiction [Nơi xét xử] Commission criminelle Yen-Bay [Hội đồng Đề hình Yên Bái]
Motif [Bị kết tội] - V.N.Q.D.D [V.N.Q.D.Đ – Việt Nam Quốc dân Đảng] - Tirailleur rebelle [lính khố đỏ nổi loạn] - A participé attaque Citadelle Yenbay [Tham gia tấn công  Thành Yên Bái]
OBSERVATIONS [Pháp án] Condamné à mort par la Commission Criminelle Yenbay par  Arrêt du 28.2.30. Peine commuée, par Décret présidentiel en  date du I.5.30, en celle de la déportation. [Bị Hội đồng đề hình Yên Bái kết án tử hình tại phiên tòa ngày  28/2/30. Đã được giảm án theo Sắc lệnh của Tổng thống  [Pháp] ngày 1/5/30, bằng hình thức lưu đày.1]

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, số 18 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

1 Hồ sơ 82361 ghi: “giảm án … bằng hình thức lưu đày” (Peine commuée,… en celle de la déportation)  khác với thông tin tại Sắc lệnh của Tổng thống Pháp in trên các báo Pháp đầu tháng Năm 1930: “giảm  án xuống khổ sai chung thân” (condamnés aux travaux forcés à perpétuité) (6a, 03/5/1930). Chúng tôi  theo thông tin năm 1930 vì Hồ sơ 82361 tới năm 1936 mới thiết lập, không phải Sắc lệnh gốc.

- Theo văn bản trên, quê của Nguyễn Văn Thịnh là: Làng Tú An, tổng Yên  Trạch, phủ Lý Nhân (nay là thôn Tú Yên, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) tỉnh Hà Nam. - Kết luận bổ sung: Chiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Cai khố đỏ số 331 thuộc  Tiểu đoàn 2, Trung đoàn khố đỏ Bắc Kỳ số 4 đóng tại Yên Bái, quê tại làng Tú  An (Hà Nam), đã bị kết án tử hình tại HĐĐH Yên Bái 1 ngày 28 tháng Hai, 1930,  đã được giảm án xuống khổ sai chung thân theo Sắc lệnh của Tổng thống [Pháp]  ngày 1 tháng Năm, 1930 và đã bị đưa ra Côn-đảo. (Nếu Chiến sĩ Thịnh vẫn phải  lên máy chém thì đương nhiên ông vẫn có tên trên Bia nhưng… phải là chỗ thuộc  cột 2 – xem tư liệu 25).

VI. Vĩ thanh

- Chúng tôi mong muốn bài viết này sớm được giới hữu trách biết đến và đặt  nhiều câu hỏi “tại sao” để dù muộn còn hơn không, khẳng định và khôi phục danh  vị cho người anh hùng Nguyễn Văn Tính. 

- Làng Đô Quan, quê của Liệt sĩ VNQDĐ Nguyễn Văn Tính nay thuộc xã  Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Được biết nhà nước “công nhận tất  cả những người đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa này là liệt sĩ, được cấp bằng Tổ  quốc Ghi công”(26) thì rõ ràng đây là cơ hội để tìm kiếm hậu duệ của Liệt sĩ và quê  hương được vinh danh cũng như tự hào về ông. Một điều thú vị là xã quê của Chiến  sĩ Nguyễn Văn Tính dường như là đất phát võ tướng. Khi ông lên máy chém thì  một cậu bé cùng làng mới 12 tuổi, đã đi theo gần đúng con đường của ông: Cậu học  trò yêu nước bị Pháp bắt giam (1937 - 1940); ra tù, bỏ đi Nam Kỳ, đăng lính khố  đỏ (1941) làm tới chức Đội, rồi trở thành người cộng sản, rồi tù Côn Đảo. Tham  gia Cách mạng tháng Tám, người con trai đó bắt đầu binh nghiệp cách mạng và tới  năm 1959, là một trong bốn người được phong hàm Trung tướng Quân đội Nhân  dân Việt Nam. Ông là Tướng Nguyễn Văn Vịnh (1918 - 1978).(19) Hai ông tướng  khác hiện nay là: Đoàn Duy Khương, Trung tướng, nguyên Giám đốc Công an Hà  Nội; và Đặng Văn Sinh, Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Nam Định.(20) 

- Còn người thoát khỏi dao máy chém 90 năm trước Chiến sĩ Nguyễn Văn  Thịnh. Quê quán của ông “không được rõ” thì nay đã tìm ra. Bằng Tổ quốc Ghi  công của ông (nếu có) giờ có thể đưa về đúng chỗ. Không rõ ông tiếp tục đấu tranh  và hy sinh trong nhà tù Côn Đảo hay Guyane? Hay ông đã sống sót qua tù đày và  đã để lại hậu duệ dòng giống Việt trên đất Nam Mỹ xa xôi…

 

PHỤ LỤC

1. Bản ghi chép các thông tin có liên quan của 20 tư liệu nhóm B

Code Tên tư liệu

Tên người liên quan trong tư liệu

(viết nguyên văn như tư liệu gốc.  Tên NV Tinh in nghiêng chỉ để dễ xem)

(1) (2) (3)
(17) Nguyễn Thái Học (1902-1930) [Nhượng  Tống, in lần 2, 1949] Nguyễn-văn Thinh và Nguyễn-văn Tỉnh (một danh sách gộp nhiều phiên tòa, tr. 128)
(18) Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân  Đảng [Bạch Diện 1950] Nguyễn văn Thịnh (tr. 86)
(19) Vụ án Việt Nam Quốc dân Đảng năm  1929-1930 [Cẩm Đình, 1950] Nguyễn-văn-Tỉnh và Nguyễn-văn-Thinh  (cùng HĐĐH YB2) (tr. 48 & 49)
(20) Gương người xưa [Tế Xuyên, 1959] Nguyễn Văn Tính (tr. 114)
(21) Việt Nam Quốc dân Đảng - Đảng Sử, t.1  [Vũ Hồng Khanh, 1966] Nguyễn-văn-Tinh (tr. 101)
(22) Việt Nam Quốc dân Đảng [Hoàng Văn  Đào, in lần 2, 1970] Nguyễn Đức-Thịnh (tr. 163)
(23) Từ Yên Báy Đến Côn Lôn (1930-1945) [Nguyễn Hải Hàm, 1970] NGUYỄN-ĐỨC-THỊNH và NGUYỄN VĂN-TÍNH (tr. 126)
(24) Việt sử tân biên, q. 7 [Phạm Văn Sơn, 1972] Nguyễn Văn Thịnh (tr. 178)
(25) Bia tưởng niệm tại “Di tích Lịch sử Nguyễn  Thái Học” [~ 2000] Nguyễn Văn Thịnh (d. 2 cột 4 từ trái sang)
(26) Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học  và các chiến sĩ yêu nước Cuộc Khởi nghĩa  Yên Bái 1930 [Nguyễn Văn Quang, 2004] Nguyễn Văn Thịnh, Cai khố đỏ số 331  (không rõ quê) (tr. 408). Cùng tên này  trong toàn bài
(27) Phụ Nữ Tân Văn - Phấn son tô điểm sơn  hà [Thiện Mộc Lan, 2010] Nguyễn Văn Thinh (tr. 98)
(28) Việt Nam Quốc dân Đảng trong Lịch sử  Cách mạng Việt Nam [Nguyễn Văn Khánh  2012] (tr. 280); và The Vietnam Nationalist Party (1927-1954) [Văn Khánh, Nguyễn, 2016] (tr. 167). Nguyễn Văn Thinh, binh sĩ, (Báo Đông  Pháp [Hà Nội 1945] tr. 1 & 2)
(29) Việt Nam Quốc dân Đảng [Vũ Ngự Chiêu, 2013] 7. Nguyễn Đức Thịnh, quân nhân, phục  vụ tại Yên Bái (tr. 6)
(30) Vụ án Yên Bái - Không Thành Công Thì  Thành Nhân [Trần Gia Phụng, 2015] Nguyễn Ðức Thịnh, binh đoàn Yên Bái
(31) Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc  dân Đảng [Trần Đình Ba, 2017] Nguyễn Văn Tính
(32) Chung quanh vụ nổi dậy ở Yên Bái năm  1930 [Nguyễn Văn Lục, 2019] Ngọc Thịnh [Có chỗ ghi là Nguyễn Đức  Thịnh] và “Nguyễn Văn [Đức] Thịnh”
(33) Kỷ niệm 90 năm Khởi nghĩa Yên Bái [Tài  liệu Hội thảo, tháng 12/2019] Không có
(34) Tiếng thét Yên Bái [Tạ Thu Phong, 2020] Nguyễn Văn Tính (tr. 224) NGUYỄN ĐỨC THỊNH (lính pháo thủ)  (tr. 232) Nguyễn Văn Thịnh, Đô Quan-Nam Định,  Lính pháo thủ số 2751 (tr. 365)
(35) Audio để xướng danh tưởng niệm 13 anh  hùng dân tộc VNQDĐ đã hy sinh 17-06- 1930 (https://vietquoc.org/, 17/06/2020) Người thứ 7: Nguyễn Đức Thịnh
(36) Phiên tòa xét xử tại Yên Bái sau thất bại  của cuộc tổng khởi nghĩa [Ngọc Nhàn  28/6/2020] Nguyễn Đức Thịnh (tài liệu lưu trữ Pháp  ghi là Văn Thịnh)

 

2. Quyết định ngày 28 tháng Hai, 1930 của Hội đồng Đề hình Yên Bái

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, số 18 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, số 18 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội

 

 

Hà Nội, Sydney ngày 8 tháng Bảy, 2020 H U H, N B D 

 

 

Các tác giả bài viết xin cám ơn bạn hữu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và giới  Sưu tập đã giúp thẩm định, hiệu đính và một số tư liệu quý báu; 

Cám ơn Internet đã giúp hai tác giả xa mặt đồng lòng viết được bài báo đầu tiên trong năm  Covid-19 thứ nhất; 

Và cuối cùng, cám ơn các nguồn lưu trữ online, tiêu biểu là Gallica.bnf.fr. mà nếu không  có, sẽ không thể dám gõ bàn phím.

 

CHÚ THÍCH 

(1) Không thành công thì thành nhân, có lẽ bắt nguồn từ ngạn ngữ Trung Quốc: 不成功便成仁 - Bất thành công tiện thành nhân. Chữ 仁 trong cụm từ “成仁 thành nhân” được hiểu là “đức  nhân” bắt nguồn từ Luận ngữ: Tử Trương hỏi Khổng Tử về đức nhân. Khổng Tử đáp: Làm  được năm đức trong thiên hạ thì gọi là nhân. (Tử Trương) xin hỏi là những đức gì, Khổng  Tử đáp: Cung kính, khoan hậu, tín nghĩa, cần mẫn và từ ái. “Tử Trương vấn nhân ư Khổng  Tử. Khổng Tử viết: năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hĩ. Thỉnh vấn chi, viết: cung, khoan,  tín, mẫn, huệ” 子張問仁於孔子. 孔子曰: 能行五者於天下為仁矣. 請問之, 曰: 恭, 寬, 信, 敏, 惠 (Luận ngữ - Dương Hóa) (Xem: https://hvdic.thivien.net/whv/仁). 

Vào những năm tháng ấy, sách Việt sử diễn nghĩa từ+ có câu: “...Vua tôi gặp lúc nguy nghèo,  Biết đường xả nghĩa, biết đều thành nhân” với chú giải tương tự, thể hiện ý nghĩa thành toàn  đức nhân - thực thi trọn vẹn chính nghĩa của cụm từ “thành nhân”. Chúng tôi cho rằng, cùng  thời điểm, Nguyễn Thái Học và các Chiến sĩ VNQDĐ hiểu theo nghĩa này. 

--- 

+ Tôn Thất Hân, Hường Nhung, Hường Thiết. (1930). Việt sử diễn nghĩa từ. Nhà in Đắc Lập.  (Imprimerie Dac-Lap). Bùi Huy Tín. Huế, tr. 34. 

(2) (22, tr. 104) là ký hiệu tư liệu tham khảo, có nghĩa là: tư liệu số 22 trong danh mục “Tài liệu  tham khảo chính”, trang số 104. Tương tự,  

- (1, 28/02/1930) là: tư liệu số 1, (báo) ra ngày 28 tháng Hai, 1930; 

- (34) là: tư liệu số 34. 

(3) Cổ Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An (nay là huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Hà  Thành Ngọ báo (1, 17/6/1930) dẫn Courrier d’Haiphong: “… ném cả thảy 700 cân thuốc và  nghe đâu chết mất 10 người”. Louis Roubaud (8d) thuật lại lời viên chức làng, đưa ra con  số 21 người chết bao gồm 5 phụ nữ và 6 trẻ em (tr. 132). Vũ Ngự Chiêu năm 2013 (29, tr.  5) viết “phi cơ Pháp ném xuống làng Cổ Am 57 trái bom 10 ki-lô, xóa tên làng này, giết chết  tới 200 người”, nhưng không dẫn nguồn. (Bổ sung: “Các hồ sơ lưu trữ cũng phản ánh… vụ  triệt hạ bằng máy bay và súng liên thanh giết chết 21 người dân vô tội ở Cổ Am…”, (Đào  Thị Diến, 15/9/2020). Tài liệu mới phát hiện có liên quan đến Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm  1930. Nguồn: http://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/tai-lieu-moi-phat-hien-co lien-quan-den-cuoc-khoi-nghia-yen-bai-nam-1930.htm). 

(4) Hội đồng Đề hình (Commission Criminelle): một loại Tòa án Đặc biệt trong thể chế Đông  Pháp, được coi như tương đương với Tòa án Quân sự thành lập trong những hoàn cảnh  cấp thiết, chỉ để xét xử dân bản xứ Bắc và Trung Kỳ có hành động chống lại chính quyền  thuộc địa. 

(5) Trích bài thơ “Здесь лежат ленинградцы…”. (Ольга Берггольц, 1959). Câu thơ này đã  được khắc trên bức tường tại Nghĩa trang tưởng niệm Piskaryov ở St. Petersburg, một trong  những nơi chôn cất khoảng nửa triệu nạn nhân của Cuộc bao vây Leningrad (1941 - 1944).  Theo: https://ru.wikipedia.org/wiki/ Пискарёвское мемориальное кладбище. 

(6) The Chicago tribune and the Daily news. New York. June 16, 1930. 

(7) Còn nhiều tư liệu khác ghi rõ nguồn từ Roubaud L., như: La Révolution prolétarienne, no.  107, 1er Juillet 1930 (tr. 20); hay Simone Weil (viết năm 1931) trong Simone Weil on Colonial ism - An Ethic of the Other, 2003, tr. 147. v.v…

(8) Cai (caporal/caporaux): Cấp bậc Hạ sĩ trong Quân đội Pháp. 

(9) Lính khố đỏ [Bắc Kỳ] (Tirailleurs Tonkinois): Quân đội chính quy người bản xứ (Bắc Kỳ) của  Chính quyền Đông Pháp. Trong báo chí đương thời, lính khố đỏ còn được gọi là lính pháo  thủ (Mousquetaire). 

(10) Cai Thịnh thuộc quân số của Cơ (Compagnie/Đại đội) 5 hoặc 6, Tiểu đoàn (Bataillon) 2,  Trung đoàn Khố Đỏ Bắc Kỳ số 4 (4e Régiment de Tirailleurs Tonkinois). Hai cơ này đóng ở  Đồn Dưới, Yên Bái. (Theo Historique du 4me Régiment de Tirailleurs Tonkinois (à jour au 31  juillet 1933) [Nam Viet 1934]). 

(11) “Những người can vào việc biến-động ngoài Bắc mà bị hai lần Hội-đồng Đề-hình xử án khổ sai, thì đều bị giải từ ngoài Bắc ra Côn-nôn tuần trước rồi.”, trong “Gần đây trong nước có  những việc gì”, Phụ nữ Tân văn. Số 49, tr. 24 (15, 24/4/1930). 

(12) Ví dụ: một trường hợp khác khiến chúng tôi đặt giả thiết này, là họ tên Ngô Hải Hoằng vốn  xuất hiện gần như nhất quán trong sự kiện Yên Bái, cũng như Hà Thành ngọ báo số ngày  01/3/1930, trang nhất vẫn còn là Ngô Hải Hoằng, sang trang 4 là Ngô Hải Hoàng (à, không  phải ằ). 

(13) “Nguyễn Văn-Tinh can tội đồng đảng ám-sát Đại-úy Jourdan, Trung-úy Robert, viên quản  Cunéo và Cai Kiên”, (1, 27/3/1930). 

(14) Liệt sĩ Nguyễn Như Liên có bí danh là Ngọc Tỉnh (14, 18/6/1930).  

(15) Ngày 28/6/2020, chúng tôi có liên hệ với nhà văn Thế Phong (tức dịch giả Đường Bá Bổn)  tại số điện thoại cố định (28) 38438xxx để hỏi về chi tiết này. Tuổi cao (ông sinh 1932) đã  không cho phép trí nhớ của ông đáp ứng, tiếc thay! 

(16) Báo Tiếng Dân ghi rõ, nguồn tin theo France-Indochine. 

(17) Hà Thành Ngọ báo còn ghi rõ “Theo như điện-tín riêng của bản-báo hôm 3 Juin…” và  nêu tên 18 người có khả năng bị xử tử, ghi rõ “Nguyễn Văn-Tính, Nguyễn Văn-Tín …”, (1,  11/6/1930). 

(18) Tên hồ sơ: Liste des condamnés du Việt Nam Quốc dân Đảng par les Arrêts du 28/2 et  28/3/1930 de la Commission Criminelle de Yên Bay [Danh sách bị kết án của Việt Nam  Quốc dân Đảng theo các Bản án ngày 28 tháng Hai và 28 tháng Ba, 1930 của HĐĐH Yên Bái].  

Số hiệu: 82361 thuộc phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. 

(19) https://vi.wikipedia.org/. 

(20) Như trên. 

TÓM TẮT 

Bia tưởng niệm trong “Di tích Lịch sử Nguyễn Thái Học” tại TP. Yên Bái là nơi tôn vinh danh  tính 13 Liệt sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng đã bị thực dân Pháp đưa lên máy chém tại đây ngày 17  tháng Sáu, 1930. Sự kiện này là kết cục bi tráng của cuộc khởi nghĩa “không thành công thì thành  nhân” – như Đảng trưởng Nguyễn Thái Học chủ trương - vào ngày 10 tháng Hai cùng năm. Từ  90 năm nay, trong nhiều tư liệu, ngoài cái tên Nguyễn Văn Thịnh như được khắc trên bia tưởng  niệm kia, còn có một cái tên khác, báo hiệu có thể nhầm lẫn.  

Bằng cách tìm kiếm, đối chiếu và so sánh tư liệu, tài liệu lưu trữ, các tác giả xác định, Chiến  sĩ Nguyễn Văn Thịnh trong sự kiện Yên Bái, đã không bị xử chém; liệt sĩ đã thụ hình đích xác là 

một người khác, tên Nguyễn Văn Tính. Hơn thế, đây là khảo cứu đầu tiên công bố quê quán của  Chiến sĩ Thịnh, người được giảm án từ tử hình thành khổ sai chung thân.  Do áp dụng phương pháp khảo cứu theo cách tiếp nhận không phê phán (uncritical), nhiều  sử liệu danh tiếng đã chưa đảm bảo được độ tin cậy; đặc biệt trong nhiều ấn phẩm từ năm 2000  tới nay; là nguyên nhân cơ bản khiến xảy ra sai nhầm trong nhận thức sử kiện. Trường hợp  Nguyễn Văn Tính - Nguyễn Văn Thịnh trong bài là ví dụ đáng kể. 

Dựa vào cứ liệu lịch sử, nhóm tác giả bài viết cũng đề nghị các giới hữu quan sớm khắc  phục sai sót cụ thể này trong các tài liệu chính thức. 

ABSTRACT 

REGARDING A NAME ON THE MEMORIAL STELA OF YÊN BÁI UPRISING The memorial stela at the “Nguyễn Thái Học Historical Relic” in Yên Bái city where dedi cated thirteen to martyrs of the Vietnam Nationalist Party who were put under guillotine by the  French colonialists on 17 June 1930. This event was the tragic ending of the earlier uprising on 10  February led by Party Chief Nguyễn Thái Học with the motto “If you don’t succeed, you become  benevolent”. In a large number of records written in the last 90 years, there appears to be another  martyr’s name which prompts possible errors relating to the name Nguyễn Văn Thịnh that was  carved on this stela. 

By researching and comparing various documents and archives, the authors of this study  determined that Nguyễn Văn Thịnh was not executed, and the soldier who was beheaded was  actually another man whose name was Nguyễn Văn Tính. Moreover, this first study is to identify  the hometown of Nguyễn Văn Thịnh, who actually had his death sentence reduced to force labor  for life. 

Due to the uncritical approach, there have been numerous reputable historical documents  that have reproduced this error, especially the publications from 2000 up to now. The error related  to the names of Nguyễn Văn Tính - Nguyễn Văn Thịnh thus implies the underlying cause of mis takes in the perception of historical facts in Vietnam. 

Based on historical data, the authors also suggest relevant authorities to correct this spe cific mistake in official documents.

Xem thêm: Tìm hiểu kiến trúc tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương

Các bài viết khác

Xem thêm
Khởi động nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng bộ qui chuẩn nội dung địa chí quốc gia Việt Nam
Tin tức khác08/06/2023

Khởi động nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng bộ qui chuẩn nội dung địa chí quốc gia Việt Nam

Ngày 22/5/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm nghiên cứu, xây dựng bộ qui chuẩn nội dung địa chí quốc gia Việt Nam.

Cách phiên chuyển địa danh tiếng Pa Cô - Tà Ôi ở Thừa Thiên - Huế sang tiếng Việt, Nghiên cứu và Phát triển số 4 (81), 2010
Địa chí03/07/2023

Cách phiên chuyển địa danh tiếng Pa Cô - Tà Ôi ở Thừa Thiên - Huế sang tiếng Việt, Nghiên cứu và Phát triển số 4 (81), 2010

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ và văn hóa. Trong đó, người Kinh chiếm đại đa số nên tiếng Việt được xem là tiếng phổ thông, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng tộc người trong quốc gia đa dân tộc thống nhất. Vì vậy, vấn đề tiếp xúc và vay mượn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là phổ biến và tất yếu, hay nói cách khác, là một hiện tượng ngôn ngữ học-xã hội đặc biệt quan trọng.

Địa danh Châu Thành, Nghiên cứu và Phát triển số 3 (74), 2009
Địa chí04/07/2023

Địa danh Châu Thành, Nghiên cứu và Phát triển số 3 (74), 2009

Địa danh Châu Thành hiện nay được đặt tên cho nhiều huyện, thị trấn ở các tỉnh Nam Bộ. Trong lịch sử, nó được dùng đặt tên địa danh khá sớm (1867). Hiện nay, còn tồn tại nhiều cách hiểu về khái niệm “châu thành”. Bài viết này góp phần vào việc tìm hiểu các địa danh Châu Thành trong lịch sử cũng như hiện nay dưới góc độ ngôn ngữ.