Lời giới thiệu
Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh (Cần Chính) là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành (Hoàng Cung) tại Kinh đô Huế thời Nguyễn (1802-1945). Xét dưới góc độ bố trí không gian và nghi lễ, hai ngôi điện này có mối quan hệ mật thiết với nhau và là biểu hiện tiêu biểu nhất của mối quan hệ giữa cung điện chính của hai khu vực Ngoại triều và Nội đình. Điện Cần Chánh đã bị thiêu hủy trong chiến tranh (1947) nên không dễ để trực tiếp quan sát và so sánh nó với Điện Thái Hòa. Trong hơn hai thập niên vừa qua (1995-2018), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản Thế giới của Đại học Waseda, Nhật Bản đã tích cực hợp tác để nghiên cứu và chuẩn bị khởi động dự án phục nguyên Điện Cần Chánh và một số công trình kiến trúc khác bên trong Hoàng Cung, đến nay đã đạt được một số thành quả đáng kể(1).
Trong bài viết dưới đây, thông qua việc giới thiệu và so sánh giữa Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh về quy mô, cấu trúc cũng như bố trí không gian nghi lễ, tác giả sẽ phân tích làm rõ mối quan hệ giữa hai công trình đặc biệt này, từ đó làm nổi bật lên tính độc đáo, sáng tạo và riêng có của kiến trúc Việt Nam truyền thống nói chung và kiến trúc cung đình thời Nguyễn nói riêng.
Hoàng Cung Huế là khái niệm thường dùng để chỉ khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành (tên cũ là Cung Thành) thời Nguyễn. Đây là khu vực quan trọng nhất của Kinh đô Huế, nơi tập trung một số lượng rất lớn các công trình kiến trúc cung đình tiêu biểu, có quy mô lớn.
Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được khởi công xây dựng từ năm 1804 thời vua Gia Long. Đầu thời Minh Mạng, kể từ năm 1821, khu vực này được quy hoạch sắp xếp lại một cách hoàn chỉnh, đăng đối.
Hoàng Thành có bình diện hình chữ nhật, mặt nam và bắc dài 641m, mặt đông và tây dài 568m, chu vi 2.418m2; tường thành cao hơn 4m, chiều dày hơn 1m, bao bọc lấy một khu vực rộng hơn 360.000m, tức khoảng 72 mẫu(2). Hoàng Thành có 4 cửa bố trí tại 4 mặt (Ngọ Môn phía nam, Hòa Bình phía bắc, Hiển Nhân phía đông, Chương Đức phía tây), nguyên có 4 khuyết đài xây lồi ra ở chính giữa của 4 mặt, năm 1833, vua Minh Mạng triệt bỏ Nam Khuyết Đài để xây cửa Ngọ Môn.
Xét về mặt quy hoạch và cấu trúc của Hoàng Thành Huế, về cơ bản bao gồm 2 phần chính: Ngoại triều và Nội đình, diện tích toàn bộ xấp xỉ 72 mẫu. Hoàng Thành là nơi tổ chức các nghi lễ triều hội và thờ cúng của triều Nguyễn, nơi sinh sống của nhà vua cùng thái hậu, cung phi, thái giám và binh lính bảo vệ; không có dân cư sinh sống trong khu vực này.
+ Ngoại triều 外朝: Nằm ở phía nam, bên ngoài Tử Cấm Thành, được tính từ Ngọ Môn đến hết Điện Thái Hòa, theo nghĩa rộng, khu vực này bao gồm gần một nửa phía nam của Hoàng Thành với 3 trục: Trục trung tâm, trục phía tả và trục phía hữu.
Trục trung tâm nằm trên đường Dũng đạo của Kinh đô, tính từ cổng Ngọ Môn 2 tầng (là cửa chính mặt Nam kiêm chức năng lễ đài), xuyên qua cầu Trung Đạo, sân Đại triều nghi(3), và đến điểm sau cùng là Điện Thái Hòa 太和殿 đặt trên thềm rồng cao, bên trong là ngai vàng biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn.
Theo nghĩa hẹp, Ngoại triều cũng chính là khu vực trung tâm này.
Trục phía tả (phía đông) là 2 ngôi miếu thờ: Phía trước là Triệu Tổ Miếu thờ Triệu tổ của họ Nguyễn là Nguyễn Kim; sau là Thái Tổ Miếu thờ các đời chúa Nguyễn (từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần).
Trục phía hữu (phía tây) là 2 miếu thờ: Phía trước là Hưng Tổ Miếu thờ Nguyễn Phúc Luân (hay Côn), thân sinh vua Gia Long; phía sau là Thế Tổ Miếu, thờ các đời vua Nguyễn từ Gia Long đến Khải Định.
Bốn miếu thờ tổ này được bố trí đăng đối với nhau, ngoài các miếu chính còn có một số kiến trúc phụ thuộc, tiêu biểu nhất là Hiển Lâm Các (Thế Miếu), Tuy Thành Các (Thái Miếu), các nhà tả-hữu vu, nhà thờ Thổ công, nhà bếp…
Nếu trục chính là nơi cử hành các hoạt động triều hội, thì hai trục Đông-Tây là nơi cử hành các nghi lễ tế tự (thờ cúng) của triều Nguyễn(4).
+ Nội đình 內廷: Theo nghĩa rộng, khu vực này gồm Tử Cấm Thành ở trung tâm, Điện Phụng Tiên, Diên Thọ Cung, Trường Sanh Cung ở phía tây; Nội Vụ Phủ, Cơ Hạ Viên và Hậu Hồ ở phía đông và phía bắc, tức chiếm hơn 1/2 diện tích của cả Hoàng Thành.
Theo nghĩa hẹp, Nội đình là Tử Cấm Thành, nằm ở trung tâm khu vực trên, rộng hơn 9ha (18 mẫu), gồm 2 cung điện chính là Cung Càn Thành và Cung Khôn Thái dành cho nhà vua và hoàng hậu. Mỗi cung ngoài điện chính còn có nhiều công trình phụ thuộc và có hệ thống hành lang nối kết với nhau. Cung Càn Thành vẫn kiêm một phần chức năng “ngoại triều”, còn Cung Khôn Thái thì thuần túy chỉ có tính chất “nội đình”. Điện Cần Chánh 勤政殿 là điện chính của Cung Càn Thành và vẫn giữ một phần chức năng của khu “Ngoại triều” khi tổ chức các nghi lễ của triều đình.
Như vậy, có thể nói trong cách quy hoạch và cấu trúc Hoàng Cung triều Nguyễn, Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh là hai công trình nổi bật, quan trọng nhất của phần Ngoại triều và phần Nội đình (theo nghĩa hẹp).
Căn cứ vào thư tịch, lịch sử xây dựng và tu sửa Điện Thái Hòa có thể tạm chia thành 3 giai đoạn chính: Thời kỳ Gia Long, thời kỳ Minh Mạng và thời kỳ Khải Định. Ngoài 3 giai đoạn này, dưới thời Tự Đức, Thành Thái, Bảo Đại cũng có những đợt tu bổ nhỏ.
Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm Gia Long thứ 4 (1805)(5) và hoàn thành vào tháng 8 Âm lịch cùng năm (tức là tháng 10 năm 1805 Dương lịch). Ngày 12 tháng 5 năm Bính Dần, tức là ngày 28 tháng 6 năm 1806, vua Gia Long mới cho “đặt nghi vệ đại triều ở điện Thái Hòa và cử hành lễ đăng quang chính thức tại đây”(6). Bấy giờ ngôi điện tọa lạc cách vị trí hiện tại về phía bắc khoảng 50m, cùng ở trên trục Dũng đạo của Hoàng Thành. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), Điện Thái Hòa được sửa chữa cùng một đợt với các Điện Cần Chánh, Điện Trung Hòa, nhà Quang Minh, nhà Trinh Minh.(7)
Trong lịch sử xây dựng Kinh đô Huế, vua Gia Long là người thiết kế những công trình cơ bản đầu tiên, đặt nền tảng cho quy hoạch chung, còn vua Minh Mạng (1820-1841) là người hoàn chỉnh việc quy hoạch và xây dựng hầu hết các công trình còn lại. Riêng trong Hoàng Thành, nhà vua đã cho quy hoạch, nâng cấp, tu sửa, điều chỉnh lại và xây dựng thêm nhiều công trình, trong đó có Điện Thái Hòa.
Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vào tháng Giêng, khi tái quy hoạch và hoàn chỉnh hóa hệ thống kiến trúc cung đình ở Hoàng Cung, vua Minh Mạng đã cho “dời điện Thái Hòa hơi dé về phía Nam, đồ sộ và rộng lớn. Dưới thềm điện ấy làm bệ đỏ, dưới bệ đỏ là long trì, dưới long trì là hồ Thái Dịch, có xây cái cầu ở giữa. Hai đầu cầu đều có cửa ngăn (Cột đồng trụ, chạm hoa bằng đồng đỏ kẽm trắng, pha chế 4 phần đồng, 6 phần kẽm”)(8). Trong quá trình xây dựng và sửa chữa Điện Thái Hòa, nhà vua đã rất chú trọng đến bộ mặt của công trình kiến trúc, điều này được thể hiện qua việc “vua đến xem chỗ thợ làm điện Thái Hòa, thấy mái hiên thấp, bảo đổng lý Đoàn Văn Phú rằng: Đây là nơi để triều cận phải nên cao lớn rộng rãi để cho đẹp mắt; nay làm mái hiên ấy, bảo là để che mưa gió, thì việc che mưa gió chỉ là việc nhỏ, mà để đẹp đẽ nơi triều cận thì là việc to, làm như thế khác nào tiếc con dê mà không trọng lễ? Liền sai phá đi”(9).
Ngoài ra, Điện Thái Hòa còn được vua Minh Mạng sửa sang thêm một lần nữa vào năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20) cùng một lượt với cửa Đại Cung. Lần này, nhà vua cho sơn thếp lại cả hai công trình này bằng sơn son, thếp vàng bạc, hai hàng cột chính vẽ hình rồng mây, các cột hai bên thếp bạc vẽ hình tản vân.(10)
Dưới thời Thành Thái (1889-1907): Năm 1891 nhà vua đã cho trùng tu lại ngôi điện; tiếp đến năm 1899, nền điện được lát gạch hoa thay thế gạch Bát Tràng tráng men trước đó.(11)
Thời Khải Định (1916-1925): Điện Thái Hòa được cải tạo và hiện đại hóa một số chi tiết phù hợp với sở thích của vị vua yêu thích sự cách tân(12). Năm 1923, nhà vua đã đại gia trùng kiến Điện Thái Hòa để chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần Đại Khánh tiết” (mừng vua tròn 40 tuổi vào năm 1924). Trong đợt tu sửa lần này, có một số bộ phận kiến trúc của ngôi điện được thay đổi và làm mới: Một là, lắp ráp thêm hai hệ thống cửa kính ở mặt trước và mặt sau ngôi điện (vốn trước đó hai mặt này để trống, chỉ treo sáo để che); hai là, trổ cửa sổ hình tròn lớn, giữa gắn chữ Thọ ở hai mảng tường gạch chịu lực ở mặt tiền hai chái của ngôi điện. Ngoài ra, nhà vua còn cho làm mới lại bửu tán bằng pháp lam và các lớp diềm bằng gỗ chạm lộng thếp vàng, thay cho bửu tán cũ bằng nỉ thêu. Ngoài ra, tất cả các bộ phận bằng gỗ ở nội thất đều được sơn son thếp vàng lại. Đến tháng 9 năm 1924 (ngày 13 tháng 8 năm Khải Định thứ 9), khi toàn bộ kiến trúc của ngôi điện được trùng tu xong, nhà vua tổ chức lễ Khánh thành cho công trình này cùng một đợt với Điện Càn Thành(13).
Về quy mô và cấu trúc: Điện Thái Hòa là một ngôi điện kép tiêu biểu nhất cho thức kiến trúc cung điện thời Nguyễn, chính điện 5 gian 2 chái kép, tiền điện 7 gian 2 chái đơn, được xây trên nền cao 0,9m, so với mặt đất, xung quanh bó vỉa bằng đá Thanh, lớp bó vỉa được chia thành các ô hộc để trang trí. Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn, trước đây khi xây dựng Điện Thái Hòa và một số cung điện khác trong Hoàng Thành, vua Gia Long đã ra lệnh cho chở hầu hết đá Thanh từ trấn Thanh Hoa và Nghệ An về để làm vật liệu cho các công trình ở đây(14). Đá Thanh có kích thước: 0,54m x 0,86m, dày 0,16m.
Phía trước và sau điện đều có 3 hệ thống bậc cấp lên xuống cũng bằng đá Thanh. Hai hệ thống bậc cấp hai bên trang trí mô-típ mây tạo thế hình rồng nằm duỗi bậc. Bậc cấp ở giữa trang trí hình rồng duỗi bậc với những đường nét tinh xảo. Tất cả các hệ thống bậc cấp phía trước lẫn phía sau đều có 5 bậc:
Kích thước 2 hệ thống bậc cấp 2 bên: 3,2m x 0,40m; dày 0,19m.
Kích thước hệ thống bậc cấp ở giữa: 4,92m x 0,42m; dày 0,19m; rồng chỗ dày nhất 0,21m; chỗ mỏng nhất: 0,17m.
Bảy gian chính giữa Điện Thái Hòa được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng; hệ thống cửa 52 cánh làm theo lối bảng khoa, bên dưới làm bằng gỗ, bên trên là kính. Phía trên nữa là hệ thống liên ba khắc nổi các bài thơ và các bức tranh hình hoa lá cúc sắp xếp theo lối nhất thi nhất họa. Ở dưới các bậu cửa cũng được trang trí hình hồi văn hoa lá cúc cách điệu. Chiều rộng của các gian (tính từ đông sang tây) như sau: 3,9m; 5,2m; 5,2m; 5,5m; 5,2m; 5,2m; 3,9m.
Hai chái của tòa nhà xây tường gạch trát vôi vữa. Ở phía đông và tây của hai chái đều có trổ cửa hông ra vào rộng 3,8m; cao 2m. Cửa đóng mở được làm bằng gương và gỗ. Bên ngoài cửa, xây thêm một đoạn nữ tường trang trí gạch hoa đúc rỗng, chia hệ thống bậc cấp đi lên thành 2 lối, mỗi lối đi có 4 bậc. Bậc cấp ở lối đi này chỉ được tráng bằng xi-măng không được lót gạch Bát Tràng như các hệ thống bậc cấp khác trong tòa nhà.
Ngoài các hệ thống cửa gỗ ra vào, xung quanh tòa cung điện này còn có 6 cửa sổ sắp xếp thứ tự như sau: Mặt trước hai bên chái tòa nhà là 2 cửa sổ hình tròn trang trí chữ Thọ với đường kính 1,4m. Bốn cửa sổ ở hai chái có kích thước 1,3m x 1,3m; 2 cửa ở chái đông: mỗi cửa có 2 lớp, lớp trong là cửa kéo làm bằng sắt, lớp ngoài làm bằng gương và sắt; 2 cửa ở chái tây được làm bằng gạch hoa đúc rỗng, ở cửa sổ đầu tiên lớp gạch hoa vẫn giữ được lớp màu vàng nguyên thủy nhưng ở cửa sổ thứ 2 đã ngả từ màu vàng sang màu xám trắng.
Điện Thái Hòa được làm theo lối nhà kép “trùng lương trùng thiềm” hay “trùng thiềm điệp ốc” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau). Nhà trước và nhà sau nối với nhau bằng một hệ thống vì kèo thứ 3 đỡ hệ thống trần được uốn cong lên như hình mai cua, tên gọi chung là trần vỏ cua hay vì vỏ cua. Bên trên trần không có mái mà chỉ có một máng xối rất lớn bằng đồng dùng để hứng nước mưa từ mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau. Chính vì chức năng này nên hệ thống trần này còn có tên gọi khác là vì thừa lưu hay trần thừa lưu. Như ý nghĩa của tên gọi, máng xối dẫn nước ra 2 đầu hồi rồi cho chảy xuống mái hạ bằng 2 miệng rồng đắp nổi bên ngoài như hình rồng đang phun nước mỗi khi trời mưa.
Ở bên trong Điện Thái Hòa, hệ thống vì kèo nóc của chính điện tương đối đơn giản, chỉ làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, còn hệ thống vì kèo nóc tiền điện lại được làm rất công phu và sắc sảo. Hệ thống vì kèo nóc tiền điện thuộc loại vì kèo chồng rường giả thủ được kết cấu tinh xảo, vừa có khả năng chịu lực, vừa có giá trị thẩm mỹ cao. Bên trên hệ thống vì kèo nóc, kèo hiên lẫn các kèo mái ở Điện Thái Hòa đều được trang trí bằng các họa tiết hoa lá cúc cách điệu, hình Bát bửu hay hình hồi văn, toàn bộ đều được sơn son thếp vàng. Trong khi phần trần của nhà hậu điện và một phần trần của nhà chính điện được đóng bằng gỗ sơn vàng che kín toàn bộ dàn mái bên trên thì phần trần còn lại của nhà chính điện và tiền điện lại để lộ tất cả bộ tuồng gỗ được soi chỉ, chạm khắc và thếp vàng rất đẹp. Hiện nay khu vực trần nhà được đóng la phông bằng gỗ đã bị hư hỏng một số chỗ nhất là ở phía tây bắc, phía đông nam tòa nhà phần hậu điện và phía đông phần tiền điện.
Nội thất điện rộng lớn với hệ thống 80 cột trụ gỗ lim sơn son thếp vàng hình rồng vờn mây (long vân thủy ba) - một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần đúng như chức năng vốn có của ngôi điện.
Điện Cần Chánh (hay Điện Cần Chính 勤政殿) là ngôi điện chính và quan trọng nhất trong khu vực Tử Cấm Thành, cũng nằm trên trục Dũng đạo của Kinh Thành Huế, cách Điện Thái Hòa khoảng 100m về phía bắc. Điện Cần Chánh đóng vai trò là chủ điện của Cung Càn Thành vừa là cầu nối giữa phần Nội đình và Ngoại triều. Cung Càn Thành bao gồm: Điện Cần Chánh ở trung tâm, phía nam của Điện Cần Chánh là cửa Đại Cung Môn, phía bắc là Điện Càn Thành, phía đông là Điện Văn Minh, phía tây là Điện Võ Hiển.
Điện Cần Chánh được xây dựng vào tháng 4 năm 1804 (năm Gia Long năm thứ 3)(15). Một năm sau thì hoàn thành. Sau đó, ngôi điện này lại được tu bổ vào năm 1811 dưới thời vua Gia Long(16), năm 1827 dưới thời Minh Mạng(17). Năm 1850, dưới thời Tự Đức(18) lại được sửa chữa. Đến năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Điện Cần Chánh tiếp tục được tu bổ với quy mô lớn. Toàn bộ ngôi điện được hạ giải và trùng tu triệt để. Trong quá trình tu bổ, vua tạm thời đặt Ngự triều ở Điện Khâm Văn, thuộc vườn Cơ Hạ(19).
Năm Thành Thái 11 (1899), nhà vua cho “đổi lót gạch hoa trước điện và tả hữu lưỡng vu”(20). Theo Léopold Cadière, có thể mãi đến bây giờ bộ khung sườn gỗ lim của ngôi điện vẫn không có gì thay đổi(21). Còn theo Thái Văn Kiểm, bộ khung gỗ ấy cho đến thời Khải Định (1916-1925) mới được sơn son thếp vàng(22)
để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh của nhà vua vào năm 1924. Đợt sửa chữa cuối cùng của Điện Cần Chánh là vào năm 1938. Đây là thời điểm nhiều công trình kiến trúc xây dựng dưới thời trị vì của các vua tiền nhiệm đã được trùng tu như Điện Long An, Cung An Định, Cung Khánh Ninh, Điện Thái Hòa, trong đó Điện Cần Chánh được trùng tu với quy mô lớn nhất.
Việc tu bổ các công trình thuộc triều đình vào thời điểm bấy giờ do Ngự Tiền Văn Phòng của vua Bảo Đại chịu trách nhiệm quản lý. Đơn vị thực hiện bảo trì là Bộ Công. Mãi đến năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị, Điện Cần Chánh và các công trình kiến trúc phụ thuộc của nó vẫn còn nguyên vẹn. Các công trình này chỉ bị tàn phá trong cơn binh lửa xảy ra vào đầu tháng 2/1947(23). Đến năm 1960 họa viên Nguyễn Phúc Chiêm Nguyên của Ty Kiến thiết Thừa Thiên đã căn cứ vào thực tế của nền móng công trình để thực hiện bản vẽ mặt bằng Điện Cần Chánh(24).
Về quy mô và cấu trúc, cũng như Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh là một tòa nhà kép, gồm hai bộ mái của tiền điện hay tiền doanh, tiền tích (nhà trước) và chính điện hay chính doanh, chính tích (nhà sau) nối liền với nhau bằng vì thừa lưu. Cả ba thành phần đó được kết cấu lại để tạo ra một không gian nội thất chung. Do công trình đã bị hủy hoại nên thông tin về ngôi điện này phải dựa trên tư liệu lịch sử là chủ yếu.
Theo Nội Các triều Nguyễn, kiến trúc, trang trí của Điện Cần Chánh và một số công trình phụ thuộc được mô tả như sau:
“Điện Cần Chánh nền cao 2 thước 3 tấc (0,97)”, chính tích 5 gian, tiền tích 7 gian, đông tây 2 chái, mái chồng, rường chồng, con xơn đỡ đòn tay, trang trí mép rồng. Mặt trước trang trí bằng pháp lam, ba mặt kia trát vôi rồi vẽ. Trên đỉnh chắp bình bằng pháp lam. Mái lợp ngói hoàng lưu ly.
Gian giữa đặt ngai vua, các gian bên tả bên hữu treo gương vẽ bản đồ thành trì các trực tỉnh. Những tỉnh ở lân cận kề Kinh đô Huế, bao gồm phủ Thừa Thiên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình.
Phía nam có 3 bệ, mỗi bệ 5 bậc cấp. Phía bắc có 2 bệ; phía đông, phía tây đều có 1 bệ, mỗi bệ 2 cấp. Thềm bệ được xây bằng đá.
Trước sân, đặt 2 vạc lớn.
Phía nam các chái đông và tây, có hai cánh hành lang chìa ra ở hai phía tả, hữu, mỗi hành lang có 5 gian, quay mặt về phía nam, bên phía đông đối diện với cửa nách của Điện Văn Minh, bên phía tây đối diện với cửa nách của Điện Võ Hiển.
Phía nam cửa là nhà Tả Vu và Hữu Vu, đều 5 gian 2 chái, mái chồng, đối diện nhau theo hướng đông tây... Phía nam Tả Vu và Hữu Vu lại có hai cánh hành lang chạy đến bên tả và bên hữu Đại Cung Môn, mỗi hành lang có 9 gian, quay mặt về phía bắc, đều lợp ngói thanh lưu ly(25).
Như đã mô tả, chính điện Điện Cần Chánh có 5 gian và hai chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn, với những vì kèo giả thủ và hệ thống con xơn được chạm trổ rất công phu và tinh tế. Nền và hệ thống bậc cấp hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Vị trí các hệ thống chân cột vẫn có thể nhận ra một cách rõ ràng trên thực địa. Mái điện được lợp bằng ngói ống tráng men vàng. Trên các bờ nóc, bờ quyết đều có trang trí hình rồng. Giữa bờ nóc là bình thiên hồ, hai bên có rồng chầu. Ở hai đầu bờ nóc và cuối bờ quyết đều trang trí hình hồi long. Có thể nhận ra được các biểu tượng hình con rồng trên đỉnh các bờ mái và bờ quyết thông qua các bức ảnh cũ và các tài liệu. Biểu tượng hình con rồng có thể quan sát được là những mô típ trang trí “hồi long” và “lưỡng long chầu nguyệt”, nó được xem là biểu tượng của hoàng đế và sức mạnh của vũ trụ. Mỗi mặt mái đều chia ra làm hai theo chiều ngang bởi dãi cổ diềm cũng như bờ nóc đều được phân khoản thành ô hộc để trang trí thơ văn và hình ảnh theo lối nhất thi nhất họa. Ở mặt trước và mặt sau, còn có mái lưa, tức là mảng mái thứ ba, rất hẹp, được chống đỡ bởi hàng cột hiên và hệ thống con xơn bằng gỗ rất đẹp.
Bên trong điện, ở gian giữa chính doanh, bên trên ngự tọa có treo bửu tán bằng vải. Các gian được bài trí khá nhiều bàn, ghế, tủ, đồ sứ quý báu của vương triều.
Tiền doanh trên gian giữa treo 1 bức hoành phi chạm nổi 3 chữ đại tự: “Cần Chánh Điện”. Các dãi liên ba của 7 gian đều được chia ra thành ô hộc và trang trí cũng theo lối nhất thi nhất họa. Trên các cột có treo tranh thơ và một số gian có treo đèn lồng. Nội thất của ngôi điện được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Mặt trước của tiền doanh là hệ thống cửa gương. Dưới mái hiện treo bức sáo vẽ rồng. Ngay trước mỗi cột hiên đều có một chậu sứ trồng cây cảnh, đặt trên đôn bằng đá chạm .
Điện Cần Chánh được trùng tu vào năm 1899 dưới thời vua Thành Thái. Trong dịp này, đã “đổi lót gạch hoa trước điện Cần Chánh và tả hữu lưỡng vu”(26).
Theo Léopld Cadière, có thể đến bây giờ, bộ sườn bằng gỗ lim của ngôi điện vẫn không có gì thay đổi(27). Còn theo Thái Văn Kiểm, bộ sườn ấy mãi đến đời vua Khải Định (1916-1925) mới được sơn son thếp vàng(28), có lẽ là vào năm 1923 cùng một lượt với việc đại gia trùng tu “đại gia trùng kiến” Điện Thái Hòa để chuẩn bị cho Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua vào năm 1924.
Điện Cần Chánh bị thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1947, chỉ còn phần nền móng. Hiện nay, công trình này đang được tích cực nghiên cứu để phục hồi(29).
Điện Thái Hòa là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình và hoàng gia trong suốt 143 năm (1802-1945) tồn tại của vương triều Nguyễn. Tên gọi “Thái Hòa” có nghĩa là đạt đến cảnh giới cao nhất của sự hòa hợp giữa Âm và Dương; giữa Trời, Đất và Con Người(30). Điện Thái Hòa là ngôi điện trung tâm trên trục Dũng đạo của Kinh thành và Hoàng Cung Huế; đối với Hoàng cung, Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong 5 công trình trên trục trung tâm (Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Điện Càn Thành, Cung Khôn Thái và Điện Kiến Trung), là nơi đặt ngai vàng - biểu tượng quyền lực của triều đại. Vì vậy, đây cũng là công trình có quy mô thuộc hàng lớn nhất, được xây dựng, trang trí rất cầu kỳ và đặt trên một bệ đài cao vượt hẳn so với các công trình xung quanh.
Các nghi lễ của triều Nguyễn vốn được phân ra làm 2 loại: các lễ triều hội và các lễ tế tự. Tại khu vực Ngoại triều thường tổ chức cả 2 loại nghi lễ này, nhưng các lễ triều hội thì tổ chức tại trục trung tâm, chủ yếu trong không gian từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh; nghi lễ tế tự thì tổ chức ở các miếu thờ tổ nằm ở trục bên tả (Triệu Miếu, Thái Miếu) và bên hữu (Hưng Miếu, Thế Miếu).
Đối với các lễ triều hội, tùy theo quy mô lớn nhỏ mà triều đình thiết Đại triều hoặc Thường triều. Nghi lễ Đại triều được tổ chức tại Điện Thái Hòa và sân đại triều nghi ở phía trước nhưng đều xuất phát từ Điện Cần Chánh. Các loại lễ được xếp vào hàng Đại triều có loại không thường kỳ như: lễ Đăng quang, lễ Sách phong Hoàng Thái tử, lễ tiếp đón sứ thần các nước lớn; và loại thường kỳ như lễ Vạn Thọ, lễ Khánh Hạ hay lễ Chánh Đán (Tết Âm lịch), lễ Đoan Dương (tức Tết Đoan Ngọ, ngày 5/5 Âm lịch), lễ Đại triều thường kỳ hai lần mỗi tháng(31)... đều tổ chức tại đây.
Còn Điện Cần Chánh vốn là nơi diễn ra các hoạt động có tính chất nội bộ giữa hoàng đế và Nội các, các đại thần cao cấp, là nơi tổ chức lễ Thường triều... Các nghi lễ và hoạt động chính tổ chức tại Điện Cần Chánh bao gồm:
- Lễ Thường triều mỗi tháng 4 lần vào các ngày 5, 10, 20 và 25 Âm lịch.
- Lễ Phất thức (lễ lau chùi ấn tín của vương triều) vào hạ tuần tháng Chạp Âm lịch hàng năm.
- Lễ nghênh tiếp các sứ bộ ngoại quốc, các thân phiên, hoặc các quan chức ở Trung ương và địa phương đến chiêm bái, bái mạng, bệ kiến, bệ từ.
- Các buổi yến tiệc và ca múa trong những dịp khánh hỷ của quốc gia và hoàng gia (thường là sau khi tổ chức lễ Đại triều)...
Dưới thời vua Bảo Đại, nhà vua đã tổ chức lễ cưới của mình với Hoàng hậu Nam Phương tại Điện Cần Chánh. Tuy nhiên, đây là sự kiện đặc biệt và chỉ xảy ra một lần trong suốt 13 đời vua Nguyễn.
BẢNG THỐNG KÊ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGHI LỄ TẠI ĐIỆN THÁI HÒA VÀ ĐIỆN CẦN CHÁNH
STT | Tên gọi | Thời gian | Địa điểm | Nội dung, mục đích | Chủ trì | Đối tượng tham gia |
1 | Ban sóc | 1/12 ÂL | Điện Cần Chánh/ Thái Hòa/Ngọ Môn. | Ban lịch mới cho thân vương, đại thần, đại diện địa phương. | Khâm Thiên giám-Bộ Lễ. | Văn võ bá quan, kỳ lão và đại diện địa phương. |
2 | Phất thức | 20/12 ÂL | Điện Cần Chánh. | Lau chùi ấn tín, nghỉ làm việc. | Nhà vua. | Đại thần văn võ từ Nhị phẩm trở lên. |
3 | Thướng tiêu (lễ Dựng Nêu) |
30/12 ÂL | Sân Điện Thái Hòa. | Dựng Nêu, phòng chống ma quỷ. | Bộ Lễ. | Văn võ bá quan. |
4 | Mừng vua năm mới (lễ Khánh Hạ, hay lễ Chánh Đán) |
1/1 ÂL | Từ Ngọ Môn đến Điện Cần Chánh. | Chúc mừng vua năm mới. | Bộ Lễ. | Văn võ bá quan, họ hàng nội ngoại vua, đại diện địa phương. |
5 | Tế kỳ đạo | 11/1 và 12/1 ÂL | Điện Cần Chánh, bên ngoài KT, phía nam. | Lễ xuất quân đầu năm, cầu may mắn. | Đại thần võ ban hàm Nhất phẩm. | Văn võ quan lại và binh lính. |
6 | Lễ Khánh niệm Hưng quốc |
2/5 ÂL | Điện Cần Chánh. | Kỷ niệm thành lập triều đại (tức lễ Quốc khánh). | Bộ Lễ. | Văn võ bá quan, họ hàng nội ngoại vua, đại diện địa phương. |
7 | Lễ Đoan Dương (Đoan Ngọ) |
5/5 ÂL | Điện Cần Chánh/Thái Hòa. | Mừng tết Đoan Ngọ. | Bộ Lễ. | Văn võ bá quan, họ hàng nội ngoại vua, đại diện địa phương. |
8 | Lễ Vạn Thọ | Tùy ngày sinh nhật của các đời vua |
Điện Thái Hòa/ Điện Cần Chánh. |
Mừng sinh nhật nhà vua. |
Bộ Lễ. |
Văn võ bá quan, họ hàng nội ngoại vua, đại diện địa phương. |
9 | Lễ Truyền lô | Tùy thời gian | Điện Cần Chánh/ Điện Thái Hòa/ Ngọ Môn. | Xướng danh các vị Tiến sĩ tân khoa. | Bộ Lễ. | Văn võ bá quan, và các vị Tiến sĩ tân khoa. |
10 | Lễ tiếp sứ giả các nước lớn | Tùy thời gian | Điện Cần Chánh/ Điện Thái Hòa/ Ngọ Môn | . Đón tiếp sứ giả nước ngoài. | Bộ Lễ. | Văn võ bá quan. |
Có thể thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa hai ngôi điện này thể hiện qua một nghi lễ Đại triều tiêu biểu là lễ Khánh Hạ hay lễ Chánh Đán, tổ chức vào ngày Mồng Một Tết hàng năm qua sự mô tả của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, với diễn trình như sau:
Theo định lệ từ đời Gia Long (1802-1820), vào ngày Mồng Một Tết vua ngự ở Điện Thái Hòa, đặt lễ Đại triều, bá quan tham dự làm lễ Khánh Hạ (chúc mừng nhà vua nhân dịp năm mới).
Vào rạng sáng Mồng Một, chiếc cờ rồng khổ lớn và các loại cờ khánh hỷ nhiều màu sắc đã được kéo lên và dựng ở Kỳ đài. Bá quan văn võ từ hai tòa nhà chờ ở hai bên (Tả - Hữu Đãi Lậu Viện) kéo ra tập hợp xếp hàng theo phẩm trật trên hai tầng sân đại triều. Đội nhạc lễ và các đơn vị nghi trượng, bảo vệ cũng tề tựu đầy đủ.
Hình 5: Ngự đạo rước vua Bảo Đại từ Điện Cần Chánh. Ảnh: TTBTDT Cố đô Huế.
Sau khi viên quan ở Khâm Thiên Giám báo giờ tốt, vua mặc triều phục từ Điện Càn Thành ra Điện Cần Chánh chuẩn bị. Đúng giờ hành lễ, ngự đạo rước nhà vua bằng kiệu đi từ Điện Cần Chánh ra Điện Thái Hòa (đi trên trục chính xuyên qua Đại Cung Môn) để làm lễ. Từ Ngọ Môn, chuông được gióng lên để đón chào, vua xuống kiệu và tiến vào điện bằng cửa sau trong tiếng nhạc mừng do đội đại nhạc cử. Chín phát đại bác báo hiệu, vua lên ngự ở ngai vàng. Tiếp đó, lễ Khánh Hạ được diễn ra với nhiều nghi tiết như các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng năm mới, tuyên biểu đáp tạ của nhà vua(32)...
Sau khi xong phần lễ, nhà vua lên kiệu về Điện Cần Chánh để thực hiện phần tiếp theo có tính chất nội bộ. Lúc này hoàng thân quốc thích và quan văn võ từ Tứ phẩm trở lên được ban đứng hầu hai bên tả hữu sân điện. Các quan thái giám, quan Bộ Lễ đưa các hoàng đệ, hoàng tử, công tử nhỏ tuổi đến mừng vua năm lạy. Sau đó, vua truyền chỉ ban yến tiệc(33) và tiền thưởng xuân.
(32) Trong những nghi tiết này còn có sự chen lẫn của những tiết mục múa hát cung đình. Buổi lễ kết thúc bằng khúc Hòa bình chi chương và âm thanh rộn rã của ban Đại nhạc. Trong những buổi đại lễ như thế này, ban Múa hát cung đình đều phải tấu năm bài dùng chữ “Bình” như Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Di bình, và Hòa bình.
(33) Yến tiệc Tết, thường được tổ chức ở Điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu vào hai ngày (Mồng Một và 2 Âm lịch). Hoàng thân quốc thích cùng các quan từ Tứ phẩm trở lên dự vào ngày Mồng 1; các quan từ Ngũ phẩm trở xuống dự vào ngày Mồng 2. Các quan Phủ doãn, quan tỉnh trì dự tiệc yến ở tả, hữu Ðãi Lâu Viện (ở hai bên, trước Điện Thái Hòa).
Kết thúc lễ, nhà vua lui vào Điện Càn Thành.
Ở tất cả các lễ Đại triều khác, lộ trình di chuyển và trình tự các nghi thức chính của nhà vua cùng đoàn ngự đạo cũng tương tự, tức là lộ trình sẽ từ Điện Cần Chánh đi đến Điện Thái Hòa làm các nghi lễ chính với sự tham dự của bá quan văn võ, sau đó lại từ Điện Thái Hòa quay về Điện Cần Chánh làm các nghi lễ nội bộ trong phạm vi hoàng gia, hoặc có sự tham dự của các đại thần từ Tam, Tứ phẩm trở lên.
nghi lễ so với thời Nguyễn ở Việt Nam đều có sự khác biệt khá lớn, đặc biệt là hầu như không thấy mối quan hệ bộ đôi kiểu âm-dương giữa điện chính của phần Ngoại triều và điện chính của phần Nội đình.
Ở Trung Quốc, thời Minh Thanh, tại Kinh đô Bắc Kinh (1420-1911), toàn bộ phần Ngoại triều và Nội đình đều nằm trong khuôn viên của Tử Cấm Thành, nhưng chia thành hai phần rất rõ ràng. Phần Ngoại triều ở phía trước gồm 3 ngôi điện lớn bố trí sát nhau trên trục trung tâm (tiền tam đại điện), là các Điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất như lễ Đăng quang của Hoàng đế, lễ Sách lập Hoàng hậu, lễ Truyền Lô (công bố danh sách Tiến sĩ tân khoa, lễ sinh nhật Hoàng đế, gia phong thêm huy hiệu cho Thái hậu, Hoàng hậu... Phần nghi thức và công tác chuẩn bị cho nghi lễ đều thực hiện trong khu vực này chứ không liên quan đến khu vực Nội đình, trong đó Điện Thái Hòa và sân đại triều là nơi tổ chức nghi lễ; Điện Trung Hòa là nơi chuẩn bị nghi thức và dành cho
Như vậy, thông qua cách thức tổ chức lễ Khánh Hạ và tất cả các lễ Đại triều khác, chúng ta có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ và sự phân công về chức năng giữa Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh, trong đó:
- Các nghi thức thuộc lễ Đại triều đều xuất phát từ Điện Cần Chánh, sau đó mới qua Điện Thái Hòa và kết thúc tại Điện Cần Chánh. Trong quan hệ trên, Điện Cần Chánh đóng vai trò là phần “Nội” - là nơi chuẩn bị chính, trong quan hệ với phần “Ngoại” - nơi trình diễn các nghi lễ tại Điện Thái Hòa. Quan hệ này cũng là sự thể hiện rất đặc trưng mối quan hệ cân bằng trong - ngoài, Âm - Dương trong quan niệm và truyền thống của người Việt.
- Tại Điện Cần Chánh, cũng thực hiện một số nghi lễ, nhưng đều thuộc các nghi lễ trong nội bộ hoàng gia, hoặc các nghi lễ mà nhà vua dành cho các vị quan lại cao cấp (tương đương như thành viên Nội Các), kể cả tổ chức yến tiệc.
Ở một số nước Đông Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tuy văn hóa nghi lễ có nhiều điểm tương đồng nhưng cách bố trí cung điện và tổ chức nghi lễ so với thời Nguyễn ở Việt Nam đều có sự khác biệt khá lớn, đặc biệt là hầu như không thấy mối quan hệ bộ đôi kiểu âm-dương giữa điện chính của phần Ngoại triều và điện chính của phần Nội đình.
Ở Trung Quốc, thời Minh Thanh, tại Kinh đô Bắc Kinh (1420-1911), toàn bộ phần Ngoại triều và Nội đình đều nằm trong khuôn viên của Tử Cấm Thành, nhưng chia thành hai phần rất rõ ràng. Phần Ngoại triều ở phía trước gồm 3 ngôi điện lớn bố trí sát nhau trên trục trung tâm (tiền tam đại điện), là các Điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa. Đây cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất như lễ Đăng quang của Hoàng đế, lễ Sách lập Hoàng hậu, lễ Truyền Lô (công bố danh sách Tiến sĩ tân khoa, lễ sinh nhật Hoàng đế, gia phong thêm huy hiệu cho Thái hậu, Hoàng hậu... Phần nghi thức và công tác chuẩn bị cho nghi lễ đều thực hiện trong khu vực này chứ không liên quan đến khu vực Nội đình, trong đó Điện Thái Hòa và sân đại triều là nơi tổ chức nghi lễ; Điện Trung Hòa là nơi chuẩn bị nghi thức và dành cho hoàng đế tạm nghỉ ngơi trong thời gian làm lễ; Điện Bảo Hòa là nơi tổ chức yến tiệc dành cho thân vương, thân phiên.
Từ thời Thanh, các nghi lễ Thường triều được đưa hẳn vào Cung Càn Thanh, nằm trong khu Nội đình, toàn bộ các nghi thức và công tác chuẩn bị lại không liên quan gì đến khu vực Ngoại triều(34).
Ở Hàn Quốc, các nghi lễ quan trọng của vương triều Choseon (Triều Tiên, 1392-1910) đều tổ chức tại Cung Cảnh Phúc, cung điện chính của Kinh đô Hán thành (Seoul). Trong cung điện này không có Điện Thái Hòa; Điện Cần Chánh (Chính) đóng vai trò là điện chủ của phần Ngoại triều, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của vương triều như lễ Đăng quang, phong Hoàng hậu, lễ Chính Đán (đón năm mới)... Toàn bộ công tác chuẩn bị cho nghi lễ được thực hiện trong các công trình kiến trúc phụ ở hai bên và phía sau (hành lang, các tòa nhà nhỏ phía sau).
Phần Nội đình hoàn toàn là tẩm cung của vua và hoàng hậu, trong đó trung tâm là Điện Khang Ninh (dành cho nhà vua nghỉ ngơi) và Điện Giao Thái (dành cho hoàng hậu nghỉ ngơi).
Còn các buổi yến tiệc do triều đình tổ chức thì được thực hiện tại lầu Khánh Hội, nằm bên hữu (phía tây) Điện Cần Chánh(35).
Tại Bình An Kinh ở Kinh đô Kyoto trong thời kỳ ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Trung Quốc (từ 794-1868), Hoàng Cung (Đại Nội Lý) cũng chủ yếu chia thành hai phần theo cấu trúc Tiền triều và Nội đình. Các nghi lễ lớn của triều đình do Thiên Hoàng chủ trì như lễ Chính Đán, lễ Sách phong Hoàng hậu, Sách phong Thái tử... đều tổ chức tại khu Ngoại triều mà trung tâm là khu vực từ Triều Đường Viện đến Điện Đại Cực; công tác chuẩn bị được thực hiện trong các tòa nhà phụ xung quanh; yến tiệc thì được tổ chức tại Phong Lạc Viện nằm ở phía tây (bố trí song song với khu vực tổ chức nghi lễ). Khu vực Nội đình (Nội Lý) nằm ở phía bắc khu Ngoại triều chỉ dùng để tổ chức các buổi thường triều, các nghi thức nhỏ và chủ yếu là không gian sinh hoạt riêng của Thiên hoàng cùng nội bộ hoàng gia(36).
Như vậy, cách quy hoạch và bố trí không gian nghi lễ tại Hoàng Cung triều Minh Thanh cũng như của vương triều Choseon Triều Tiên và Thiên hoàng Nhật Bản (thời kỳ đầu của Bình An Kinh - Kyoto), xét về bản chất là khá giống nhau. Các nghi lễ chính của triều đình đều tổ chức trong không gian của khu Ngoại triều, hầu như không có mối liên hệ với khu vực Nội đình kiểu “trong-ngoài” như tại Hoàng Cung triều Nguyễn ở Huế.
Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh là hai ngôi điện quan trọng nhất ở khu vực Ngoại triều và Nội đình của Hoàng Cung thời Nguyễn, và dù có chức năng riêng, chúng vẫn có mối quan hệ đặc biệt với nhau trên phương diện quy hoạch không gian và tổ chức các nghi lễ của triều đại này. Có thể nói mối quan hệ giữa Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh là sự thể hiện rất đặc trưng mối quan hệ trong - ngoài, âm - dương theo quan niệm và truyền thống văn hóa của người Việt.
Như vậy, việc nghiên cứu quy mô, cấu trúc, và đặc biệt là cách bố trí không gian để tổ chức các nghi lễ của Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh thời Nguyễn sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề về phương pháp quy hoạch và mối liên hệ giữa các cung điện chính của Kinh đô Việt Nam dưới thời quân chủ. Ở các nước Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng, việc nghiên cứu cách thức bố trí và tổ chức các nghi lễ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tìm hiểu tư tưởng quy hoạch của người xưa. Đây cũng là một hướng nghiên cứu rất được quan tâm ở Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Đắc Đàm (2002). “Nhật ký An Nam”, in trong: Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế, B.A.V.H. (1925). Tập XII. Bản dịch của Hà Xuân Liêm. Nxb Thuận Hóa. Huế. 2. Léopold Cadière (1914). La Porte Dorée du Palais de Hué les palais adjacents, notice historique. Bulletin des Amis du Vieux Hué.
3. Lê Thị An Hòa (2018). Quá trình hình thành, phát triển và biến đổi lễ hội cung đình ở Huế từ năm 1802 đến năm 1945. Luận án Tiến sĩ. Trường Đại học Khoa học Huế. 4. Nguyễn Bá Trác (1963). Hoàng Việt giáp tý niên biểu. Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn xuất bản. 5. Nội Các triều Nguyễn (1960). Mục lục châu bản triều Nguyễn, triều Gia Long. UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam. Viện Đại học Huế.
6. Nội Các triều Nguyễn (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Bản dịch Viện Sử học. Tập 13. Nxb Thuận Hóa.
7. Phan Thuận An (2001). “Điện Cần Chánh bao giờ mới được phục hồi”. Tạp chí Thông tin Khoa học Công nghệ. Số 2.
8. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1960). Đại Nam nhất thống chí. Tập Kinh sư. Bản dịch của Tu trai Nguyễn Tạo. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn.
9. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963). Đại Nam thực lục. Tập II,III, IV. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Sử học. Hà Nội.
10. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1965). Đại Nam thực lục. Tập XII. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Khoa học. Hà Nội.
11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1969). Đại Nam thực lục. Tập XXI. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH. Hà Nội.
12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1977). Đại Nam thực lục. Tập XXXVII. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH. Hà Nội.
13. Thái Văn Kiểm (1960). Cố Đô Huế. Nha văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn. TÓM TẮT
Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành tại Kinh đô Huế thời Nguyễn (1802-1945). Xét dưới góc độ bố trí không gian và nghi lễ, hai ngôi điện này có mối quan hệ mật thiết với nhau và là biểu hiện tiêu biểu nhất của mối quan hệ giữa điện chính (chủ điện) của hai khu vực Ngoại triều và Nội đình. Bài viết dưới đây, thông qua việc tìm hiểu quy mô, cấu trúc và cách thức tổ chức không gian nghi lễ tại hai ngôi điện trên để làm rõ mối quan hệ giữa chúng.
ABSTRACT
THÁI HÒA PALACE AND CẦN CHÁNH PALACE UNDER THE NGUYỄN DYNASTY SEEING FROM ARRANGEMENT OF THE RITUAL SPACE
Thái Hòa Palace and Cần Chánh Palace are two scale works and play the most important role in the area of the Imperial Citadel and the Forbidden Purple City in the Huế Ancient Capital during the Nguyễn Dynasty (1802-1945). From the perspective of spatial and rituals arrangement, they have a close relationship with each other and are the most typical expression of the relationship between the main hall of the two areas with the Outer and Inner Dynasties. Through understanding their scale, structure and organization of the ritual space, article clarifies the relationship between them.
CHÚ THÍCH
(*) Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế.
(1) Đây là dự án hợp tác nghiên cứu, đào tạo dài hạn giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản Thế giới thuộc Đại học Waseda (Heritage Waseda, Tokyo, Nhật Bản) bắt đầu từ năm 1995. Trong quá trình này hai bên đã cùng tổ chức nhiều hội thảo khoa học liên quan đến công tác nghiên cứu phục hồi Điện Cần Chánh và các cung điện trong Hoàng Cung Huế, xuất bản các tài liệu, kỷ yếu hội thảo; xây dựng mô hình thu nhỏ (1/50, 1/10 của Điện Cần Chánh), trùng tu Điện Long Đức, Điện Chiêu Kính (khu vực Thái Miếu); xây dựng mô hình ảnh Thái Miếu (tỷ lệ 1/10)…
(2) Các số đo của Hoàng Thành và Tử Cấm Thành đều lấy từ kết quả khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) và Viện Di sản Thế giới, Đại học Waseda (HW). Đơn vị mẫu truyền thống có giá trị xấp xỉ 5.000m2, từ sau năm 1898, do Bắc Bộ áp dụng hệ thống thước đo 1 thước = 40cm nên mỗi mẫu chỉ còn 3.600m2, nhưng vùng Trung Bộ không áp dụng hệ thước đo mới nên giá trị của mẫu không thay đổi.
(3) Theo cách tính của triều Nguyễn, sân đại triều gồm có 2 tầng sân: tầng trên là Đan bệ, khi diễn ra nghi lễ chỉ dành cho quan lại mang hàm từ Tam phẩm đến Nhất phẩm; tầng dưới là Long trì, dành cho quan lại từ Cửu phẩm đến Tứ phẩm. Trên hai tầng sân này có bia đá ghi rõ phẩm hàm theo hai bậc chánh và tong, bên trái dành cho quan văn, bên phải dành cho quan võ theo nguyên tắc “tả văn hữu võ”. Ngoài ra còn có tầng sân thứ ba dành cho kỳ lão tại địa phương tham dự nghi lễ.
(4) Nếu không tính khu vực 4 miếu thờ ở hai trục Đông-Tây, thì kích thước khu vực trung tâm không lớn lắm, khoảng 72 trượng x 60 trượng (305m x 254m - khoảng 15,5 mẫu), trong khi đó, khu Nội đình được Ðại Nam nhất thống chí tính là bao gồm cả Tử Cấm Thành, với kích thước khoảng 81 trượng x 72 trượng (343,5m x 305m - tương đương 21 mẫu). Đơn vị thước đo chiều dài thời Nguyễn tương đương 42,4cm, mỗi trượng = 10 thước = 4,24m.
(5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963). Đại Nam thực lục. Tập II. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Sử học. Hà Nội, tr. 224.
(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963). Đại Nam thực lục. Tập III. Bản dịch của Viện Sử học. Sđd, tr. 313. (7) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963). Đại Nam thực lục. Tập IV. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Sử học. Sđd, tr. 380.
(8) Công việc này được giao cho thự Hiệp biện Đại học sĩ Lê Đăng Doanh, Thống chế Nguyễn Tăng Minh, thự Thống chế Hồ Văn Khuê, thự Thượng thư Lê Văn Đức, chia mọi công việc. Thị lang Bộ Công là Nguyễn Trung Mậu và Đoàn Văn Phú theo giúp việc. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1965). Đại Nam thực lục. Tập XII. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Khoa học. Hà Nội, tr. 17.
(9) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1965). Đại Nam thực lục. Tập XII. Sđd, tr. 39 - 40. (10) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1969). Đại Nam thực lục. Tập XXI. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH. Hà Nội, tr. 214.
(11) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1960). Đại Nam nhất thống chí. Tập Kinh sư. Bản dịch của Tu trai Nguyễn Tạo. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn.
(12) Nguyễn Bá Trác (1963). Hoàng Việt giáp tý niên biểu. Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn xuất bản, tr. 368. (13) Hồ Đắc Đàm (2002). “Nhật ký An Nam”, in trong: Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế. B.A.V.H. (1925). Tập XII. Bản dịch của Hà Xuân Liêm. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 344.
(14) Nội Các triều Nguyễn (1960). Mục lục châu bản triều Nguyễn, triều Gia Long. UB Phiên dịch Sử liệu Việt Nam. Viện Đại học Huế, tr. 9; 21; 24; 27.
(15) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963). Đại Nam thực lục. Tập 3. Sđd, tr. 172, 226. (16) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục. Sđd. Tập IV, tr. 117, 124. (17) Nội Các triều Nguyễn (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Bản dịch Viện Sử học. Tập 13. Nxb Thuận Hóa, tr.38.
(18) Nội Các triều Nguyễn (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Bản dịch Viện Sử học. Sđd. Tập 13, tr.38.
(19) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1977). Đại Nam thực lục. Tập 37. Sđd, tr. 244-252.
(20) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1960). Đại Nam nhất thống chí. Tập 1: Kinh Sư, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo. Sđd, tr. 21.
(21) Léopold Cadière (1914). La Porte Dorée du Palais de Hué les palais adjacents, notice historique. Bulletin des Amis du Vieux Hue, p.321.
(22) Thái Văn Kiểm (1960). Cố Đô Huế. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn, tr. 64-65. (23) Thái Văn Kiểm (1960). Cố Đô Huế. Sđd, tr. 64-65.
(24) Hiện nay các bản vẽ này đang được lưu giữ tại Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hướng dẫn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế.
(25) Dẫn theo Phan Thuận An (2001). “Điện Cần Chánh bao giờ mới được phục hồi”. Tạp chí Thông tin Khoa học Công nghệ, số 2. Về diện mạo của Điện Cần Chánh ngày xưa, nếu như các tư liệu của Việt Nam hiếm hoi, thì may thay chúng ta lại có nguồn tư liệu khá hơn do thời Pháp để lại. Dưới thời Pháp thuộc, nhất là vào những thập niên đầu thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn cho phép các quan chức, nhân viên của “Chính phủ bảo hộ” vào thăm Hoàng Cung Huế và chụp ảnh một số cung điện cũng như sinh hoạt của một số vua, quan và hoàng gia. Trong đó có ảnh về kiến trúc, trang trí nội ngoại thất của Điện Cần Chánh. Chính nhờ những bức ảnh này, chúng ta có thể biết được phần nào diện mạo kiến trúc, sự trang trí, trang hoàng của ngôi điện này.
(26) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1960). Đại Nam nhất thống chí. Tập 1: Kinh Sư. Bản dịch của Tu trai Nguyễn Tạo. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn, tr. 21.
(27) Léopold Cadière (1914). “La Porte Dorée du Palais de Hué et les palais adjacents: notice historique”. B.A.V.H. p.321.
(28) Thái Văn Kiểm (1960). Cố Đô Huế. Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. Sài Gòn, tr. 64-65. (29) Từ năm 1994 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện Di sản Thế giới của Đại học Waseda (Nhật Bản) tiến hành nghiên cứu nhằm phục nguyên Điện Cần Chánh. Kết quả của quá trình nghiên cứu này được phản ánh qua 3 cuộc hội thảo quốc tế (tổ chức các năm 1997, 2008 và 2012) và việc xây dựng mô hình ngôi điện tỷ lệ 1/50 và 1/10.
(30) Tên gọi Thái Hòa thời cổ đại vốn chỉ cho sự hòa hợp âm dương, trong quẻ Càn của Kinh Dịch có câu: “Bảo hợp thái hòa nãi lợi trinh” (giữ được sự hòa hợp thì có lợi cho điều chính). Thái Hòa cũng là tên của ngôi điện chính trong Hoàng Cung Bắc Kinh thời Minh Thanh. Trong khối các nước đồng văn, chỉ Việt Nam và Trung Quốc gọi điện chính của Hoàng Cung là Điện Thái Hòa. Cũng có khi người ta dùng tên gọi Kim Loan để chỉ ngôi điện này.
(31) Từ năm Gia Long thứ 5 (1806), triều Nguyễn đã có quy định các ngày Mồng 1 và ngày 15 hàng tháng là những ngày thiết đại triều ở Điện Thái Hòa.
(32) Trong những nghi tiết này còn có sự chen lẫn của những tiết mục múa hát cung đình. Buổi lễ kết thúc bằng khúc Hòa bình chi chương và âm thanh rộn rã của ban Đại nhạc. Trong những buổi đại lễ như thế này, ban Múa hát cung đình đều phải tấu năm bài dùng chữ “Bình” như Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Di bình, và Hòa bình.
(33) Yến tiệc Tết, thường được tổ chức ở Điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu vào hai ngày (Mồng Một và 2 Âm lịch). Hoàng thân quốc thích cùng các quan từ Tứ phẩm trở lên dự vào ngày Mồng 1; các quan từ Ngũ phẩm trở xuống dự vào ngày Mồng 2. Các quan Phủ doãn, quan tỉnh trì dự tiệc yến ở tả, hữu Ðãi Lâu Viện (ở hai bên, trước Điện Thái Hòa).
(34) Tham khảo: Cố Cung/Tử Cấm Thành từ https://vi.m.wikimedia.org.
(35) Tham khảo: Gyeongbokgung (Cảnh Phúc Cung) từ https://vi.m.wikimedia.org. (36) Tham khảo: Kyoto/Kinh Đô từ https://vi.m.wikimedia.org.
Về mục “Đền tiên y”(1), sách Đại Nam nhất thống chí, bản dịch (Tập 1) của Viện Sử học, xuất bản các năm 1969 (Nxb KHXH. Hà Nội, tr. 66), 1992 (Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 75), 2006 (Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 88) đều ghi nhận: “Ở phường Ninh Viễn trong kinh thành, đầu niên hiệu Gia Long, đền ở phường Dưỡng Sinh. Năm Minh Mệnh dời đến xã Yên Ninh về phía tây, ngoài kinh thành
Nguyễn Trãi là nhà văn, nhà thơ lớn, nhà tư tưởng, nhà chính trị quân sự lỗi lạc, anh hùng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, tác gia bách khoa thư Việt Nam thời trung đại. Việc biên soạn mục từ “Nguyễn Trãi” góp phần giúp các nhà biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có thêm một kênh tham khảo trong khi biên soạn các mục từ nhân danh (tác giả và nhân vật).
Phong cảnh các miền quê Vương quốc Anh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các du khách, đặc biệt là những ngôi làng thơ mộng với những nếp nhà xinh xắn mang lại cảm giác yên bình rất lạ.