Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Thánh mẫu Liễu Hạnh, từ vị chúa đến thần chủ đạo mẫu Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2010

10/09/20232.247

Có lẽ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Nữ thần - Thánh Mẫu được dân gian truyền tụng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết và cũng là vị thần linh được các nhà văn, thơ Nho học để công san định thần tích, thần phả, thể hiện trên các bi ký, các tác phẩm viết bằng chữ Hán Nôm. Theo thống kê sơ bộ, đến nay có gần 100 đầu sách và tư liệu viết về Bà, trong đó có các tư liệu Hán Nôm, chữ quốc ngữ và các thứ ngôn ngữ nước ngoài, nhiều nhất là tiếng Pháp, Anh, trong đó đặc biệt quan trọng là các nguồn tư liệu cổ Hán Nôm (1).

I. NGUỒN TƯ LIỆU MỚI VỀ THÁNH MẪU LIỄU HẠNH

1. Có lẽ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Nữ thần - Thánh Mẫu được dân gian truyền tụng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết và cũng là vị thần linh được các nhà văn, thơ Nho học để công san định thần tích, thần phả, thể hiện trên các bi ký, các tác phẩm viết bằng chữ Hán Nôm. Theo thống kê sơ bộ, đến nay có gần 100 đầu sách và tư liệu viết về Bà, trong đó có các tư liệu Hán Nôm, chữ quốc ngữ và các thứ ngôn ngữ nước ngoài, nhiều nhất là tiếng Pháp, Anh, trong đó đặc biệt quan trọng là các nguồn tư liệu cổ Hán Nôm (1).

Trong kho tàng tư liệu phong phú như vậy, trên cái nền khá thống nhất về cốt truyện, nếu căn cứ sự khác biệt các tình tiết về cuộc đời về Thánh Mẫu thì có thể phân thành 3 loại tư liệu khác nhau: 

1) Những tư liệu truyện kể dân gian do nhân dân sáng tạo và truyền tụng với nhiều dị bản, mà điển hình là truyện về Công chúa Liễu Hạnh, do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và san định công bố trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, các huyền thoại về trận Sòng Sơn đại chiến, mà sau này được Vương Duy Trinh, Nguyễn Văn Huyên san định và công bố trong công trình của mình (2). Các truyện kể này thường đơn giản và chân chất. 

2) Nguồn tư liệu Hán Nôm, mà mở đầu là tác phẩm Vân Cát Thần nữ truyện (3) của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỉ XVIII) và Tiên Phả dịch lục (đầu thế kỉ XX) của Kiều Oánh Mậu (4) và tiếp tục với hàng loạt các tư liệu khác chịu ảnh hưởng về phong cách và nội dung, trong đó đặc biệt chỉ đề cập đến hai lần giáng sinh của Thánh Mẫu ở Vân Cát (Phủ Dầy) và Nga Sơn (Thanh Hoá). 

Truyền thuyết về Liễu Hạnh của Nguyễn Đổng Chi mô tả Liễu Hạnh là cô công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng, tính tình ương ngạnh, xuống trần gian mở quán bán hàng, gây nhiều phiền toái cho người trần, kể cả với vua quan nhà Lê - chúa Trịnh. Vì các hành động lộng hành như vậy, triều đình đã phải mượn Bát Bộ Kim Cương dùng mưu lừa và bắt Công chúa, khiến cho Phật Bà Quan Âm phải nhờ tới phép thuật mới giải thoát được. Công chúa cũng đã đáp lại một cách khẳng khái những lời kết tội của nhà vua, nhờ thế mà thoát tội. Từ đó Công chúa quy y, làm việc ban phúc, tán lộc cho người đời. 

Từ một cô gái xinh đẹp, nhưng tính tình ương bướng, thì với Đoàn Thị Điểm, nàng là Công chúa Quỳnh Hoa vì lỡ tay đánh vỡ chén ngọc trong ngày Hội đào tiên, nên bị vua cha quở phạt đày xuống trần. 

Cách Công chúa Quỳnh Hoa giáng trần cũng khác. Một đằng, cô gái bướng bỉnh, khiến Ngọc Hoàng nổi giận đày xuống trần, thì với nhãn quan của một nữ văn sĩ thấm nhuần Nho học, Công chúa Quỳnh Hoa lỡ tay đánh vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng phạt giáng trần thông qua đầu thai vào gia đình Lê Thái Công, một gia đình danh gia, nho nhã, nơi mà sau này nàng được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục để trở thành cô gái không chỉ xinh đẹp mà còn đủ tài cầm, kỳ, thi, họa và đức công, dung, ngôn, hạnh. 

Bằng tư tưởng Nho giáo nhuần nhuyễn, một bút pháp văn chương truyền kỳ điêu luyện và có chút ưu ái mang đầy chất nữ tính, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã tạo nên một hình tượng Liễu Hạnh Công chúa vừa xinh đẹp, tài hoa, đầy cá tính và trắc ẩn. Tính cách ham chuộng thơ văn, giao du rộng rãi, thích đàm đạo văn thơ của Công chúa Liễu Hạnh, mà sau này, dù Bà đã hiển linh và được phong thần, không hề có trong các truyền thuyết dân gian, phải chăng là bản sao của bản thân nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Để sau này, sự hiển linh của Nữ thần Vân Cát dưới dạng các bài giáng bút càng làm tăng chất linh thiêng pha lẫn chất thơ mộng của Bà. 

3) Đặc biệt, những năm gần đây, chúng ta biết thêm một số tư liệu Hán Nôm còn được lưu giữ ở Bảo tàng Nam Định, ở Phủ Nấp (Quảng Cung linh từ) thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định, như tấm bia Quảng Cung linh từ bi ký (5) do Bắc Từ Nguyễn Đình Việp, tri huyện Đại An soạn năm 1741; Quảng Cung linh từ phả ký (6) do Vũ Huy Trác soạn năm 1781; tác phẩm Cát Thiên Tam thế thực lục (7) do nhóm tác giả Đoàn Triển, Tế tửu Quốc Tử Giám Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Đốc học Bắc Ninh Nguyễn Xuân Thiều, Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính, Đốc học trí sĩ Đặng Quỹ và Đỗ Huy Liệu,.. soạn và đề tựa văn 1993. Đặc biệt, nhóm tác giả này là người thuộc trấn Sơn Nam và bạn bè thuộc các tỉnh kế cận có mối quan hệ đặc biệt với Phủ Nấp, có những tri ân riêng với Thánh Mẫu. Trong các tác phẩm này, có thể coi Quảng Cung linh từ phả ký của Vũ Huy Trác (1781) có niên đại gần với Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm. 

2. So với truyện kể dân gian, truyện nôm khuyết danh và tất cả các tác phẩm của các nhà Nho học chịu ảnh hưởng của Đoàn Thị Điểm, Kiều Oánh Mậu được sáng tác từ giữa thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX thì đều nói về hai lần giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một lần ở Vân Cát và lần sau ở Nga Sơn, Thanh Hoá (có văn bản nói là ở Nghệ An). Tuy nhiên, các tác phẩm của nhóm Sơn Nam, mà các tác phẩm của họ cũng ra đời cùng thời với các tác phẩm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Kiều Oánh Mậu (tức là giữa thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX), lại đề cập tới ba lần giáng trần (Tam sinh tam hoá) của Công chúa Liễu Hạnh. Đó là: 

- Lần giáng trần đầu tiên từ năm 1434 . 1473, thời Lê Thái Tổ, ở xã Trần Xá, - huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trong vòng 40 năm, thác sinh vào gia đình ông Phạm Đức Chính và bà Đoàn Thị Phương, lấy tên là Phạm Tiên Nga, không lấy chồng, một lòng phụng dưỡng Cha Mẹ và làm việc thiện công đức, mở mang nghề nghiệp cho người dân sở tại, năm 40 tuổi, Tiên Chúa hoá về Trời, nay dân sở tại lập đền thờ Tiên Chúa, đó chính là Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp). 

- Lần giáng trần thứ hai của Công chúa Liễu Hạnh vào thời kì từ 1557 - 1577 tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, là con gái của gia đình Lê Thái Công và Lê Thái Bà. Tiên Chúa sinh ra lấy tên là Lê Thị Thắng, sau kết duyên cùng Trần Đào Lang, sinh hạ được hai người con. Con trai là Trần Nhâm và con gái là Hòa (có tư liệu chỉ nhắc đến một con trai). Tiên Chúa hoá về trời năm 21 tuổi, để lại phần mộ, nay chính là lăng Thánh Mẫu. 

- Lần giáng trần thứ ba: Tiên Chúa (1650-1668) xuống đất làng Sóc, xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, tên là Hoàng Thị Trinh, lấy chồng họ Mai, tương truyền là hậu sinh của chồng cũ, sinh một con trai, tên là Cổn. Tiên Chúa hoá về trời năm 19 tuổi. Hiện tại, ở đền Phố Cát còn lưu giữ một tấm sắc phong Đức ông Nhâm và ông Cổn, hai người con trai của hai đời chồng của Tiên Chúa. 

Tất nhiên, hiện tại trong các tài liệu Hán Nôm có sự khác biệt về niên đại ba lần "Tam sinh tam hoá” của Tiên Chúa cũng như tên gọi, việc làm của Bà trong ba lần giáng sinh ở ba nơi. Tuy nhiên, có điểm chung nhất là ở cả ba lần giáng trần, Tiên Chúa đều thể hiện là người con gái xinh đẹp nết na, trung trinh, làm nhiều việc thiện giúp dân lành, xứng đáng là mẫu mực công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt Nam(8), khiến cho sau khi Tiên Chúa hoa về trời, người bản hạt đều nhớ thương, biết ơn và lập đền thờ Bà. 

3. Các tư liệu Hán Nôm nêu trên còn được bổ sung bằng các câu đối, đại tự, ghi rõ các lần giáng sinh của Thánh Mẫu. Ví dụ, câu đối ở Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy) ghi rõ: “Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn, ngũ bách dư niên quang thực lục / Lịch triều ba cổn, vi đế nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, vi thánh thần tiên phật, ức thiên vạn cổ điện danh bang” (dịch nghĩa: Ba đời thay đổi ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn, đến nay hơn 500 năm, sự tích sáng ngời trong thực lục / Các triều đại phong tặng là con vua, là đại vương, là mẹ, là thánh thần tiên Phật dù cho tới vạn năm sau tiếng tăm vang động khắp nhân gian). 

Hay đôi câu đối ở Phủ Nấp đề Tự Đức thập bát niên, tam nguyệt (Tháng 3 năm Tự Đức thứ 18) có ghi: “Giáng vu Vỉ Nhuế do tiền sự / Địa hữu Sòng Sơn thuộc hậu thời” (dịch nghĩa: Sinh nơi Vỉ Nhuế là thân trước; Việc đất Sòng Sơn ấy kiếp sau)v.v 

Sự tích “Tam sinh tam hoá” cũng đã được thể hiện trong văn chầu lên đồng ở một số đền phủ, cũng như các dị bản dân gian khác là do dân gian hóa từ các tác phẩm của các nhà Nho ở vùng này,v.v.. 

Một hướng tìm tòi tư liệu mới liên quan đến Tam sinh Tam hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đó là khai thác những tư liệu về gia phả, ngọc phả, mà điều này đã và đang diễn ra với dòng họ Phạm ở Phủ Nấp và dòng họ Trần, Lê ở Phủ Dầy. 

Trong khi viết gia phả họ Phạm ở Việt Nam, người ta giả thiết rằng, Phạm Thị Nga (Tiên Chúa) sinh ra từ gia đình họ Phạm ở Phạm Xá, Yên Đồng (cha là Phạm Đình Chính), có thể là từ gốc cụ tổ Phạm Đạo Soạn, người họ Phạm đầu tiên từ Hải Dương về khai phá vùng Nam Định vào đời Trần, năm 1886. Lúc đầu lấy tên là Hoàng Xá, sau đổi thành Phạm Xá. Trong họ Phạm ở đây, có ông Phạm Đạo Chú, Phạm Đạo Bảo (đời thứ 5) đỗ tiến sĩ đệ tam giáp và đệ nhị giáp, tên tuổi được ghi vào văn bia (9). 

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã quan tâm nhiều tới các nguồn tư liệu gia phả, ngọc phả của dòng họ Trần, họ Lê ở Phủ Dầy. Cuốn Vân Cát Lê gia ngọc phả, tác giả là Nguyễn Quốc Trinh (Nguyễn Quốc Khôi), chép gia phả dòng họ Lê ở Vân Cát. Vân Cát Lê gia ngọc phả vào năm Vĩnh Tự thứ 11. 

Theo bản ngọc phả này thì khoảng thế kỉ XVI, có người con trai thứ 5 của vua Lê, có lẽ là Lê Chiêu Tông hay Lê Tư Vĩnh, khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê thì Lê Tư Vĩnh lánh về thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định); ông lấy vợ là bà Trần Thị Thục, sinh được con trai là Lê Tư Thắng. Lê Tư Thắng lấy vợ là Trần Thị Tự sinh được con gái là Giáng Tiên, tức Liễu Hạnh. Giáng Tiên mất khi còn ít tuổi, ngày hóa là mồng 3 tháng 3. Lê Tư Thắng lấy gia tài, ruộng vườn cúng cho dân làng để cúng hậu cho Giáng Tiên. Đó là vào năm Gia Thái thứ 5, đời Lê Thế Tông (1577). Cần ghi nhận thêm là năm 1939, Tổng đốc Thanh Hóa khi tu sửa đền Sòng đã tìm thấy bản gia phả bằng đồng có nội dung như đã nói trên.

Nếu bản gia phả này là một tư liệu xác thực thì Giáng Tiên - Mẫu Liễu Hạnh có thể là một nhân vật có thực, có dòng dõi hoàng tộc nhà Lê, sinh ra ở đất Vân Cát, có ngày sinh tháng đẻ, có mồ mả sau khi mất. Sau này, trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XVII - XVIII, Giáng Tiên đã hiển linh và hóa thành Liễu Hạnh công chúa, rồi Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây cũng là một cách tạo thần mang tính Phương Đông, giống như Thiên Hậu Thánh Mẫu thời nhà Tống ở Trung Quốc. 

II. TỪ TIÊN CHÚA TAM SINH TAM HÓA ĐẾN THÁNH MẪU LIỄU HẠNH 

1. Như Khiếu Năng Tĩnh trong Cát Thiên tam thế thực lục hay chính câu đối tại Phủ Nấp vừa nên trên đã chia cuộc đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh thành 2 giai đoạntiền sựhậu thời. Tiền sự tức là thời kỳ “Tam sinh tam hóa” của Liễu Hạnh Công chúa ở Phủ Nấp (Vỉ Nhuế), Vân Cát và Nga Sơn, còn hậu thời chính là giai đoạn Công chúa Liễu Hạnh hiển thánh để trở thành Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mà trận Sòng Sơn đại chiến và di tích đền Sòng (Thanh Hóa) là điểm mốc. Nếu giai đoạn tiền sự với Tam sinh tam hóa”, Công chúa Liễu Hạnh đã trải qua cuộc đời bình yên, hạnh phúc, mang lại nhiều hạnh phúc cho đời, được người đời ca tụng công lao mở mang nghề nghiệp, chấn hưng các vùng quê, thì giai đoạn hậu thời lại trải qua bao sóng gió, thậm chí là thảm kịch, nhưng cuối cùng Tiên Chúa lại bước lên đài hiển thánh - Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thần chủ của đạo Mẫu Tam phů, Tú phủ.

Về thời hậu thời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chúng ta chỉ thấy phản ánh trong truyện kể dân gian về Liễu Hạnh Công chúa của Nguyễn Đổng Chi, trong khảo cứu về tục thờ tiên của Nguyễn Văn Huyên và bản diễn nôm về Sòng Sơn Đại Chiến của Chu Mạnh Trinh trong Thanh Hóa quan phong. Còn trong các tác phẩm chữ Hán Nôm của các nhà Nho thì không đề cập tới, trừ công trình Tiên phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu, viết vào những năm đầu thế kỉ XX. 

Theo tôi (NĐT), để hiểu giai đoạn “Hậu thời” hiển thánh của Công chúa Liễu Hạnh, cần phải xem xét bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XVII - XIX, tức thời kì cuối của thể chế quân chủ.

Đây là thời kì phát triển buôn bán thông thương giữa các vùng miền ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, mà trong các luồng buôn bán đó, phụ nữ giữ vai trò quan trọng. Các đền phủ mọc lên trên các tuyến thương mại từ Thăng Long đi ngược Lạng Sơn, Thăng Long - Yên Bái, Lào Cai; Thăng Long - Hải Phòng (10), Quảng Ninh; Thăng Long theo đường Thiên Lý xuôi về phía nam: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An v.v.. Đây cũng chính là những con đường hành hương của các con nhang đệ tử hiện nay vào dịp mùa xuân và mùa thu. Có thể nói, từ thời kì này, đạo Mẫu từ một tín ngưỡng mang tính nông nghiệp dần dần thành tín ngưỡng thương nghiệp. 

Xã hội Việt Nam thời Lê Mạt trở đi là thời kì lịch sử đầy biến động. Đó là cuộc tranh giành giữa Lê - Mạc, rồi sau đó là hình thái Vua Lê - Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chia cắt Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đấy là chưa kể các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên miên, nhất là thời Tây Sơn - Nguyễn. 

Trước những biến động lịch sử và xã hội như vậy, đời sống nhân dân cơ cực, tâm trạng người dân bất định, muốn tìm sự an toàn trong đời sống tâm linh. Hơn thế nữa, từ thế kỉ XV với việc nhà nước trung ương tập quyền lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng và trở thành hệ ý thức độc tôn thì Phật giáo và Đạo giáo có xu hướng dân gian hóa, từ bỏ đời sống cung đình, đi vào đời sống dân dã ở nông thôn. Đây là dịp các đình, đền, chùa mọc lên ngày một nhiều ở nông thôn, nhất là từ thời nhà Mạc trở đi. 

Phật giáo khi đi vào đời sống dân gian, lãng quên dần các kinh sách với các triết lý cao xa, để dần trở thành một thứ đạo lí ứng xử xã hội, vai trò của Phật Bà Quan Âm với chức năng cứu khổ cứu nạn cho dân chúng trở nên gần gũi khiến cho Phật giáo dân gian nước ta thường mang màu sắc Phật giáo Quan Âm. Rồi các xu hướng thâm nhập giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian, làm cho Phật giáo cũng biến dạng, tạo nên những sắc thái khác nhau. Cuộc Sòng Sơn đại chiến giữa Liễu Hạnh với dòng Nội đạo là cơ hội để Phật Bà Quan Âm ra tay cứu giúp, khiến Liễu Hạnh quy y, đã mở ra con đường thâm nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Hình thái thâm nhập giữa Phật giáo với đạo Mẫu dân gian tạo nên một hình thái “tiền Phật hậu Mẫu” trong các ngôi chùa ở Bắc Bộ chính là kết quả của quá trình thâm nhập lâu dài này. 

Đạo giáo Trung Hoa với dòng tu tiên và dòng phù thủy cũng thâm nhập và phát triển mạnh ở Việt Nam. Thực ra, Đạo giáo Trung Hoa thâm nhập vào nước ta từ lâu, ngay từ đầu thời Bắc thuộc. Đến thời phong kiến tự chủ, các tư tưởng của Đạo giáo đã có những ảnh hưởng nhất định đến cả tầng lớp vua quan, quý tộc ở cung đình, thậm chí tư tưởng Tam giáo (Phật, Nho, Đạo) cũng đã được đưa vào các đề thi ở cung đình. Nhiều vương công, quý tộc thời Trần cũng đã từng là đạo sĩ. Tuy nhiên, phải sau thế kỉ XV, khi mà Nho giáo độc tôn thì Đạo giáo và Phật giáo mới thâm nhập sâu vào đời sống dân dã ở nông thôn. Đạo giáo với các dòng tu Tiên và dòng phù thủy phát triển mạnh ở nông thôn, kết hợp với các tín ngưỡng dân gian hình thành các kiểu Đạo giáo dân gian, mà sau này các nhà nghiên cứu gọi đó là Nội đạo, như thờ Đức Thánh Trần, thờ Mẫu, thờ Tam Thánh của Trần Đoàn,v.v... Chính trong bối cảnh như vậy, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa đã kết hợp với ảnh hưởng của Đạo giáo để hình thành nên đạo Tam phủ, Tứ phủ, mà Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một thần chủ.

Những ảnh hưởng của Đạo giáo đối với việc hình thành đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ từ thế kỉ XVI - XVII chủ yếu trên mấy phương diện. Thứ nhất, về quan niệm vũ trụ luận, phân chia thế giới thành ba (Thiên, Địa, Thủy) hay bốn (Thiên, Địa, Thủy, Thượng Ngàn) và sự cai quản của các Thánh Mẫu đại diện. Ở đây, người ta đã đồng nhất vũ trụ với nữ tính, một sản phẩm của tư duy theo nguyên lí Mẹ (chữ của Trần Quốc Vượng) của người Việt truyền thống. Trong Đạo giáo Trung Hoa, có quan niệm Tam Quan (Thiên quan, Địa quan và Thủy quan), nhưng đại diện các quan ở đây là nam thần, tuy nhiên, khi vào Việt Nam nó trở thành nữ thần, với tư cách là các vị thần cai quản các miền khác nhau của vũ trụ. 

Trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ cũng có sự gá lắp từ điện thần của Đạo giáo Trung Hoa, đó là Ngọc Hoàng với tư cách là Vua cha của Liễu Hạnh Công chúa. Rồi, như đã nói ở trên, chính sự quy y của Liễu Hạnh đã mở đường cho Phật Bà Quan Âm thâm nhập vào điện thần Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và chiếm vị trí cao nhất. Tuy nhiên, xét cho cùng những ảnh hưởng như vậy vẫn là hình thức, còn thực chất vị thần chủ đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ vẫn là các vị Thánh Mẫu, trong đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn ở vị trí trung tâm. 

Cũng đã có tác giả đề cập tới nguồn gốc thần biển của người Chăm đã tham gia vào quá trình tạo dựng nên hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh (11). Không thể phủ nhận những giao lưu văn hóa Việt - Chăm, nhưng có lẽ đây là hiện tượng tương đồng văn hóa, nhất là văn hóa thờ nữ thần, hơn là được bắt nguồn từ người Chăm hay các dân tộc khác. 

Chúng ta cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của văn hóa Kitô giáo với hình tượng Đức Mẹ Maria đã ảnh hưởng vào nước ta bắt đầu từ thế kỉ XVI, nhất là ở các vùng ven biển ở đồng bằng Bắc Bộ. Cùng là tôn thờ Mẹ (Thánh Mẫu/ Đức Mẹ), hai hình thức tôn giáo này vừa giao thoa vừa tranh giành ảnh hưởng, một bên là yếu tố bản địa, một bên là yếu tố ngoại lai, ít nhiều cũng tạo nên sự kích thích cho sự phát triển mạnh của đạo Mẫu vào thế kỉ XVII - XVIII. 

Tục thờ Nữ thần và Mẫu thần đã có từ lâu và chiếm vị trí quan trọng trong điện thần của các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, đó là một thứ tín ngưỡng dân gian còn phân tán, rời rạc trong phạm vi cộng đồng thôn làng. Chỉ sau khi xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh thế kỉ XVI - XVIII thì đạo Mẫu mới được lên khuôn, định hình, cấu trúc lại hệ thống với các quan niệm về vũ trụ luận và nhân sinh. Chính Liễu Hạnh chứ không phải ai khác đã vừa nâng tục thờ nữ thần nguyên thủy lên tầm của một tôn giáo dân gian, lại vừa kéo nó gần lại với đời sống nhân sinh của con người: Sức khỏe, Tài, Lộc, một ước vọng vĩnh hằng của con người ở mọi thời đại. Điều đó giải thích vì sao đạo Mẫu phổ cập một cách rộng rãi, ở mọi tầng lớp nhân dân, có sức sống tiềm ẩn và cập nhật mọi sự thay đổi của xã hội, kể cả xã hội hiện đại. 

Sự kiện Sòng Sơn đại chiến xảy ra ở giai đoạn muộn hơn, sau 3 lần sinh hóa của Tiên Mẫu, trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XVI - XVIII. Trong giai đoạn hậu thời này, Tiên Mẫu tỏ thái độ phản kháng triều đình Lê - Trịnh, kể cả trừng phạt nhân dân các vùng, nơi mà Bà vân du qua vì không tôn trọng và thờ phụng Bà. Bà đã có những hành động quở phạt, khiến phát sinh dịch bệnh, chiến tranh làm nhiều người điêu đứng, vua quan cũng lâm vào tình trạng hỗn loạn. Cuối cùng cũng kết thúc bằng cuộc chiến dữ dội giữa dòng Nội đạo (Tam Thánh) của triều đình và Công chúa Liễu Hạnh. Và cũng từ cuộc xung đột dữ dội này, Liễu Hạnh tìm thấy con đường khác, đó là quy y theo Phật pháp, làm việc cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, ban tài phát lộc, khiến dân chúng cảm phục và thờ phụng Bà khắp mọi nơi, tôn vinh Liễu Hạnh Thánh Mẫu là Mẫu nghi thiên hạ. Còn triều đình không những không bắt tội Bà, mà còn tôn phong là Mạ vàng chế thắng đại vương; xếp vào hạng thượng đẳng thần”. 

III. THÁNH MẪU LIỄU HẠNH, VỊ THẦN CHỦ CỦA ĐẠO MẪU TAM PHỦ, TỨ PHỦ 

Trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh bao giờ cũng đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, mặc mũ áo đỏ, ngồi chính giữa, hai bên là Mẫu Thoải (bên trái) và Mẫu Thượng Ngàn (bên phải). Cũng có khi Bà được đồng nhất với Địa Tiên Thánh Mẫu (Mẹ Đất). Ở đâu có điện thờ thần Mẫu, dù vị thần chủ ở đó được thờ là ai, nam thần hay nữ thần, thì đều có linh tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nơi thờ của Bà ở Phủ Nấp (Ý Yên), Phủ Dầy (Vụ Bản), Tây Mỗ (Nga Sơn, Thanh Hóa) là 3 nơi Bà giáng trần theo Tam sinh tam hóa”; Phủ Sòng Sơn (Thanh Hóa), nơi Bà hiển Thánh; Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nơi Bà từng gặp gỡ, đàm đạo thơ văn của nhà thơ Phùng Khắc Khoan và các thư sinh họ Ngô, họ Lý. Ngoài những nơi chính đó ra, Bà còn được thờ vọng ở khắp mọi nơi, trong Nam, ngoài Bắc, miền xuôi cũng như miền núi. Nơi đâu Thánh Mẫu cũng để lại những di tích thờ cúng, các nghi lễ và lễ hội. 

1. Nói đến các di tích thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trải dài trên đất nước ta, trước nhất phải kể tới Phủ Dầy. Ở giai đoạn tiền thân của Mẫu, tuy Phủ Dầy chỉ là một trong ba nơi Tiên chúa Liễu Hạnh giáng trần, nhưng sau khi ngài hiển thánh thành Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì Phủ Dầy nhanh chóng trở thành trung tâm của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Cho đến nay vẫn chưa có ai lí giải vì sao Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiển thánh ở Sòng Sơn (Thanh Hóa), nhưng trung tâm thờ Mẫu Liễu Hạnh lại ở Phủ Dầy (Nam Định). Theo tôi, có lẽ đó là kết quả của sự tổng hợp từ nhiều lí do. Trước nhất, dấu ấn của lần giáng trần thứ hai của Tiên Chúa ở đây đã được người đời ghi nhớ, đặc biệt là được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tô đậm trong trước tác Vân Cát thần nữ do cái tên Mẫu Vân Hương (được gọi ở Huế và Nam Bộ), Cát Tiên (được gọi hẹp hơn ở Phủ Nấp) đã trực tiếp lấy cái tên quê hương này để gọi Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hơn thế nữa, các di tích thờ Thánh Mẫu ở Phủ Dầy hình thành trên mảnh đất có bề dày văn hóa của vùng Thiên Bản với Thiên bản lục kỳ (6 điều kì lạ của Thiên Bản) (12), tạo nên một quần thể với mấy chục di tích, ban đầu chỉ mới là Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và Lăng Mẫu, sau lan ra theo xu hướng Mẫu hóa các di tích vốn xưa thờ các vị thần địa phương, thậm chí là từ các từ đường thờ của dòng họ Lê, Trần (13). Vị trí địa lý thuận lợi trên đường thiên lý Bắc - Nam và sự hiện diện của hệ thống vua quan thời phong kiến, đặc biệt là thời Lê - Nguyễn, đã không chỉ đến thăm thú mà còn đóng góp công sức tu sửa (14) khiến Phủ Dầy càng trở nên nổi tiếng. 

2. Phủ Nấp thuộc thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nay là xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định. Theo các văn bia và thư tịch hiện trữ ở Bảo tàng Nam Định, cũng như ở bản phủ, thì đây là nơi giáng trần lần thứ nhất của Tiên Chúa Liễu Hạnh. Ngoài ngôi đền thờ Mẫu, đền thờ tổ phụ và tổ mẫu của Tiên Chúa, thì nơi đây còn lưu giữ nhiều truyền thuyết và di tích, như tên Quảng Cung, ví tên Tiên Chúa là Tiên Nga khi giáng trần, Ba Khê dị tích về 3 chiếc giếng liên quan tới 3 giọt máu của Tiên Chúa lúc về trời, các ngôi chùa nơi Tiên Chúa đi tu Phật,v.v... 

Ngôi chùa phủ hiện nay, theo Quảng Cung linh từ phả ký thì có sớm nhất vào niên hiệu Hoằng Định, năm 1601, nhưng đến năm 1741, thì ngôi đền được hưng công từ ngày 2 tháng Tám đến 15 tháng Chạp thì xong (15). Có lẽ trước khi hưng công, ngôi đền phủ còn sơ sài, vốn trên nền đất cũ của Tiên Chúa để lại sau khi về Trời. Trong lần hưng công này, có sự đóng góp của nhiều quan chức và đệ tử, mà tấm bia đã ghi khá cụ thể: Các quan trong phủ cúng 250 quan tiền, dân sở tại 25 quan, khách thập phương 250 quan, huyện Nga Sơn cúng 100 cây gỗ lim, 250 quan tiền, quan liêu ở Thăng Long cúng 1,020 quan, quan huyện và xã cúng 12 mẫu ruộng, ruộng nội tự 3 mẫu 3 sào (16) Còn trong văn bản Hán Nôm Quảng Cung linh từ quảng ký do Vũ Huy Trác soạn năm 1781 đã nói rõ việc hưng công xây dựng lại ngôi đền phủ: “Tôi là người bản địa, làm quan gặp nhiều gai góc, nhân từ kinh sư về qua đây, thấy tấm bia đề thờ tổ xã Trần Xá (17) của Thụy Thơ Giao Thủy Đặng Phi Hiển triều trước viết nhưng không nêu sự tích Mẫu ta, nên tìm các gia phả họ Phạm, họ Đoàn và Quảng Cung từ ghi chép tóm tắt dồn mấy dòng, ghi năm tháng sau trước nhan đề là Quảng Cung linh từ phả kí, may gặp quan bản trấn là Thanh Oai Cao đại nhân giúp tiền sửa tòa chính tẩm, làm lại tượng thân phụ Thánh Mẫu từ tượng gỗ ra tượng đồng đặt hai bên. Ngày khánh thành, ông lại giúp tiền khuyên giáo thập phương sửa tòa trung đường, tả hữu vu và tiền tế, chi phí có tới hàng vạn quan tiền. Hình dáng này từ xưa cũng chưa từng có. Rồi lại được vợ chồng Lạng Giang Phạm đại nhân đúc lại pho tượng đồng của Mẫu, dù lần thứ hai ở An Thái, lần thứ ba ở Tây Mỗ cũng không so sánh được về tự to đẹp vậy”.

Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến ngôi tượng đồng được đúc từ thế kỉ XVIII với phong cách tượng thờ hậu rất đẹp, khác nhiều với các pho tượng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở các đền phủ khác, là một trong những bảo vật có giá trị nhất của Phủ Nấp ngày nay. 

Cùng ngôi phủ thờ Mẫu ở Phủ Nấp còn có ngôi đền tổ nội ở thôn Đông, xã La Ngạn, thờ tổ ngoại ở thôn Nhuế (xã Vĩ Nhuế) và cả ngôi chùa Kim Thoa ở xã Đồi Trung, mà khi còn sinh thời, Tiên Mẫu thường lui tới,... Ngày nay, ngôi đền ở La Ngạn đang được sửa sang, nơi thờ thân phụ và thân mẫu của Tiên Chúa, nay tuy phạm vi đất đai có hạn hẹp so với trước kia, nhưng nơi thờ được chỉnh trang hơn. 

Thời Lê - Trịnh, ngôi đền này đã nhận được nhiều đạo sắc phong, trong đó đạo sắc phong sớm nhất là của vua Lê Kính Tông (1600-1619), niên hiệu Hoằng Định. Đến năm 1781, khi Vũ Huy Trác Viết Quảng Cung linh từ phả ký thì Phủ Quảng Cung đã nhận được 23 đạo sắc phong. Các sắc phong này trải qua thời gian đã mất mát nhiều, nay còn lưu giữ 4 bản sắc phong. 

Quảng Cung xưa hằng năm giỗ Mẫu vào ngày 2 tháng 3 Âm lịch, sớm hơn Phủ Dầy một ngày, đều là quốc lễ. Từ năm 1740, vâng lệnh triều đình, quan phủ Nghĩa Hưng đều phải sớm làm chủ tế. Sau lễ tế là hội, rước kiệu Mẫu về đền tổ họ Phạm ở La Ngạn, rồi rước lên chùa Kim Thoa và chùa Phúc Lâm, sau mới quay về Phủ Quảng Cung. Hôm sau rước Mẫu về Vỉ Nhuế, nơi có thờ tổ họ Đoàn bên ngoại Tiên Chúa. Từ tháng 1/2005, di tích Quảng Cung linh từ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa (18). 

3. Chúng ta đang còn rất ít tư liệu nói về ngôi đền nơi giáng sinh lần thứ ba của Tiên Chúa ở xã Tây Mỗ, Nga Sơn, Thanh Hóa. Vừa qua, chúng tôi đã đến thăm ngôi đền này, tuy nhiên cũng chưa có thời gian để tìm hiểu sâu về lai lịch xây dựng và thờ cúng ở đây. Đây là ngôi đền nhỏ, bài trí còn sơ sài theo thể thức ngôi đền thờ Mẫu. Ngoài dân địa phương, khách thập phương từ nhiều nơi cũng hành hương về viếng thăm ngôi đền, tương truyền nằm trên vùng đất của rừng mai rất đẹp, nơi gặp gỡ giữa Tiên Chúa và chàng Mai Sinh. 

Cũng qua các tư liệu Hán Nôm, từ những thế kỷ trước, quan hệ giao hảo giữa Phủ Nấp, Phủ Dầy và Nga Sơn khá chặt chẽ và thân thiết. Ngoài việc qua lại tham dự các nghi lễ, còn có việc Nga Sơn đã từng quyên góp gỗ và tiền bạc để cung tiến tu sửa Phủ Nấp. Không hiểu sao, ngày nay, mối quan hệ này bị gián đoạn. Thậm chí giữa Phủ Dầy và Phủ Nấp (hai nơi chỉ cách nhau chưa đầy 7 km), cùng tỉnh, khác huyện, đều là quê hương giáng trần lần 1 và 2 của Mẫu, nhưng quan hệ thấy cũng thưa thớt. Thật đáng tự trách cho hậu thế chúng ta. 

IV. KẾT LUẬN VÀ THẢO LUẬN 

1. Với những tư liệu mới, đặc biệt là những tư liệu Hán Nôm được lưu giữ ở Nam Định, như Quảng Cung bi kí, Quảng Cung linh từ phả kíCát Thiên tam thế thực lục,... phần tiền sự của Tiên Chúa Liễu Hạnh phần nào đã được làm sáng tỏ, tức là giai đoạn Tam sinh tam hóa” của Ngài ở cả ba địa điểm Phủ Nấp, Phủ Dầy và Nga Sơn, trong đó hai nơi giáng trần lần thứ 2 và 3 đã được các tư liệu, sách vở xưa nay nhắc tới nhiều. Với Phủ Nấp (Quảng Cung linh từ) thì tuy trong tâm thức dân gian đã ghi sâu, sách vở của các bậc tiền nhân không phải không nói tới, có khi còn kĩ hơn cả hai nơi kia, nhưng không rõ vì sao cho đến hôm nay, sau gần 500 năm, Phủ Nấp mới được nêu là một trong ba nơi giáng trần, thậm chí là nơi giáng trần đầu tiên của Mẫu... Phải chăng đây là ẩn ý của Thánh Mẫu? 

2. Từ ba địa danh Tam sinh tam hóa” của Thiên Mẫu Phủ Nấp (Quảng Cung linh từ) ở Ý Yên, Phủ Dầy (Vụ Bản) và Tây Mỗ (Nga Sơn, Thanh Hóa) và các nơi hiển Thánh nổi tiếng như Đền Sòng, Phố Cát (Thanh Hóa) đã tạo thành một không gian thiêng”, nơi xuất hiện đầu tiên của đạo Mẫu xưa, là trung tâm của đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam hiện nay.

3. Những tư liệu mới này đã bổ sung thêm nhận thức về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, kể cả giai đoạn tiền sự”, cũng như “hậu thân” nói riêng và đạo Mẫu Việt Nam nói chung. 

- Giai đoạn Tiền sự, tức thời Tam sinh tam hóa", với 3 lần giáng trần ở Phủ Nấp, Vân Cát và Nga Sơn, là một quãng đời với hình ảnh Tiên Mẫu là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, thấm nhuần nhân cách nho nhã kiểu công dung ngôn hạnh, với tài năng cầm kỳ thi họa. Hơn thế nữa, qua huyền thoại truyền thuyết, Tiên Chúa còn hiện thân là người luôn mang lại công đức “Khai nghiệp” cho dân chúng, khiến người dân khắp nơi đều tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Tiên Mẫu. Điều này cũng giải thích vì sao Bà lại được thờ phụng rộng rãi đến như vậy trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và cũng để bác bỏ cách nghĩ của một số người cho là người đời tôn thờ Thánh Mẫu chỉ là vì sợ hãi hành động “giáng họa” của Bà. 

- Từ ánh hào quang của Tiên Mẫu thời Tam sinh, tam hóa đã soi rõ hơn giai đoạn "hậu thời”, khi Tiên Mẫu hiển Thánh, trở thành Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây là giai đoạn không mấy bình yên, thậm chí còn đầy thảm kịch, mà trận đại chiến Sòng Sơn giữa Liễu Hạnh Công chúa với dòng Nội đạo phù thủy, mà đằng sau là triều đình Lê - Trịnh. 

Lúc này Liễu Hạnh công chúa đã thoát ra khỏi kiếp sống của vị Tiên, của cuộc sống gia đình, chồng con, mà dấn thân vào cuộc tranh đấu đầy sóng gió. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những thói hư tật xấu của xã hội, không kể đó là ai. Bà đã lớn tiếng cãi lại vua Lê, bảo vệ những hành động của mình. Cuộc đấu tranh với dòng Nội đạo, mà thực chất là cuộc đấu tranh của tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa chống lại sự thâm nhập của tôn giáo bên ngoài mang đầy tính phù thủy, chống lại những tư tưởng cuối thời Nho giáo, đòi quyền sống của con người, nhất là của phụ nữ bị áp bức và coi khinh,v.v... 

Cuộc đấu tranh này có thắng thua, có chối bỏ, có hội nhập, nhất là sự hội nhập giữa đạo Mẫu bản địa và Phật giáo, kể cả sự giao thoa nào đó giữa Đạo giáo tu Tiên với Đạo giáo phù thủy,... 

Nếu được so sánh bằng hình ảnh thì có thể ví hai giai đoạn cuộc đời của Thánh Mẫu như là hai mảng của một bức tranh, một mảng “tiền sự” với màu sắc đẹp đẽ, thanh bình và lãng mạn, còn mảng kia cũng đẹp đẽ không kém nhưng lại là mang đầy chất bi hùng của sử thi, của sự va đập, phản kháng và giông bão. Trong ánh chớp của trận cuồng phong Sòng Sơn đại chiến ấy, Thánh Mẫu hiện ra, tuy mang đầy thương tích, nhưng đã bước lên ngự ở ngôi cao nhất của điện thần, vị thần chủ Đạo Mẫu Việt Nam.

Hai kiếp nghiệp đó tưởng như là hai khối mâu thuẫn, đối lập, nhưng lại hài hòa trong một thể thống nhất. Đó chính là sự thần bí, sự cuốn hút của vị THÁNH MẪU. 

NGÔ ĐỨC THỊNH* 

Chú thích 

*GS.TS., Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. 

1. Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo. H., 2009. 

2. Nguyễn Đổng Chi. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, (tái bản), H., 1980. - Nguyễn Văn Huyên. “Nữ thần Liễu Hạnh” in trong Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, 1944. Nay tập hợp trong bộ sách 2 tập Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập 2, Nxb. KHXH, H., 1996. 

3. Đoàn Thị Điểm. Truyện nữ thần Vân Cát in trong Truyền kì tân phả, 1993. 

4. Kiều Oánh Mậu. Tiên phả dịch lục, Nguyễn Xuân Diện dịch và chú giải, in trong: Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H., 2009. 

5. Bắc Từ Nguyễn Đình Việp (Tri huyện Đại An). Quảng Cung linh từ bi ký, Dương Văn Vượng dịch và chú giải, hiện lưu tại Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định. 

6. Tiến sĩ Vũ Huy Trác. Quảng Cung Linh từ phả ký, Bản chép tay lưu tại Phủ Nấp; Dương Văn Vượng dịch và chú giải. 

7. Cát Thiên Tam thế thực lục, Dương Văn Vượng dịch và chú giải, bản chữ Hán hiện lưu tại Phủ Nấp, Ý Yên, Nam Định. 

8. Hiện tại, dòng họ Phạm ở Ý Yên, Xuân Trường (Nam Định) đã tôn Thiên Chúa Liễu Hạnh - Phạm Tiên Nga là Bà Tổ Cô của dòng họ, thành lập câu lạc bộ gái đảm, dâu hiền theo gương của Tiên Mẫu. Theo: Phạm Minh Liêm, Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh Phạm Tiên Nga (1434-1473) - Một Bà tổ họ Phạm (lưu hành nội bộ). 

9. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị với ông Phạm Minh Liên, trưởng ban liên lạc họ Phạm ở Phạm Xá, Ý Yên, ủy viên liên lạc họ Phạm Việt Nam. Ông Liêm đã cung cấp tư liệu cho chúng tôi, xin cảm ơn ông. 

10. Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, Sđd. 

11. Tạ Chí Đại Trường. Thần, Người và đất Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2006. 

12. 1) Trạng Lường, tức Lương Thế Vinh, thành hoàng làng Cao Hương. 2) Để sát thành hoàng làng Vân Cát. 3) Cường Bạo Đại Vương. 4) Bà Chúa Giáp. 5) Bà Liễu Hạnh. 6) Bà Phùng Thị Ngọc Đài, đều được các làng thờ Thành hoàng. 

13. Xem cụ thể phần mô tả trên 20 di tích của Phủ Dầy trong sách: Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H., 2009. 

14. Nguyên xưa di tích phủ Tiên Hương còn làm bằng tranh, mãi năm Dương Hòa thứ 8 (1642) vua Lê Thần Tông xuống chỉ đạo cho dân địa phương xây lại đền và lợp ngói. Ngôi đền này đã qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo. Đời Cảnh Trị, đền được xây lại bằng gạch và mở rộng hơn. Năm Tự Đức thứ 19 (1866), dền cũng được trùng tu. Có lễ lần trùng tu lớn nhất ngôi đền khiến cho nó có diện mạo như ngày nay chính là vào năm Duy Tân thứ 8 (1914). Tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển đã sai lính ở tỉnh về cùng với dân làng Tiên Hương xây dựng và mở rộng to đẹp như ngày nay.

Quá trình xây cất phủ Vân Cát đã được ghi trong tấm Thành Thái, Tân Sửu (1901) như sau: ..."Chọn đất bia “Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi kỉ”, soạn năm dựng làm nền từ đời Lê Cảnh Thịnh (1663-1671) làm đơn giản mà đẹp. Khoảng thời Cảnh Thịnh (1794. 1800), Hội nguyên Trần Gia Du, Thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879), quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), đền phủ hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành”. Riêng phương du thì được làm muộn hơn, vào cuối triều Nguyễn. 

15. Quảng Cung linh từ bi ký của Nguyễn Đình Việt. 

16. Bia Quang Cung linh từ bi ký do Nguyễn Đình Việp soạn năm 1641. 

17. Trần Xá: Nay là cả vùng thôn Trần, thôn Nấp thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên. Có mấy năm cuối thời Nguyễn phụ thuộc vào xã An Trung. - Đặng Phi Hiển nay có đền thờ tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực. 

18. Trịnh Quang Khanh. Quảng Nạp nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất. In trong Văn Nhân, số 60/2008, tr. 49. 

Xem thêm: Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt, Số 3 (16) - 2006 - Di sản văn hóa vật thể

Các bài viết khác

Xem thêm
Tin tức khác08/11/2024

"Cây thần linh" nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt

Ở cổng trời rừng cấm thuộc tỉnh Lâm Đồng có cây thông hai lá cổ thụ nghìn năm tuổi sừng sững vươn lên khỏi tán rừng. Đồng bào K'ho ở địa phương gọi là "cây thần linh", luôn bảo vệ cây đặc biệt.

Nguồn: Internet

Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt, Số 3 (16) - 2006 - Di sản văn hóa vật thể

Vượt qua “thời gian chiêm bao” mà tư duy con người còn chìm trong không gian hoang dã với hiện tượng thờ các lực lượng "hồn nhiên" như cây cỏ, đất đá, một khúc của ngã ba sông,... để rồi con người tiến lên xây dựng một tổ chức mang tính xã hội. Trên đường đi đó dần dần con người định hình nhân dạng cho các thần linh mà trong đó một vị thần linh cơ bản đầu tiên là nữ thần. Có thể tin được điều đó, bởi trong buổi hồng hoang, sự phân công lao động sớm nhất là phân công lao động nam - nữ. Nam thì săn bắn/bắt, công việc này bấp bênh, hôm được hôm không, thiếu tính chất thường xuyên để đảm bảo cuộc sống. Còn nữ giới với hái lượm rau củ trong rừng, đó là lương thực cơ bản để nuôi sống gia đình. Mặc nhiên vai trò của nữ trở nên cực kỳ quan trọng, do đó đã dẫn đến một hiện tượng khi nhân dạng hóa thần linh thì vị thần đó tất yếu mang dạng nữ. Khởi đầu, người Việt trông cậy vào của cải được thu lượm từ rừng nên người ta tôn trọng thần rừng, hội các điều kiện lại thì vị thần nhân dạng đầu tiên có thể nghĩ được là bà chúa rừng với nhiều chức năng khác nhau - Trước hết là thần của cải - Trong quá trình tồn tại, người ta hội dần vào bà nhiều chức năng, đầu tiên là bà “mẹ Thiêng liêng" với quyền năng vô bờ bến; một bà “mẹ Thế gian”, bởi người ta coi từ bà mà muôn loài nảy sinh và phát triển. Đồng thời bà là một thần linh đứng đầu bách thần nên bà còn mang tư cách là một đấng “vô cùng” - người Việt đã dần hội tất cả những gì linh thiêng liên quan vào chính bà Đông Cuông - một bà mẹ vũ trụ khởi nguyên của người Việt.

Nguồn: Internet
Tin tức khác11/01/2024

Báo cáo khoa học về tôn giáo tín ngưỡng của CECRS - cơ sở lý luận giàu giá trị về tư vấn chính sách

Đây là nội dung nhận được sự quan tâm thảo luận của các nhà khoa học hàng đầu tại Tọa đàm khoa học và góp ý báo cáo tư vấn chính sách do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại (CECRS) thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN tổ chức ngày 26/12/2023 vừa qua.