Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt, Số 3 (16) - 2006 - Di sản văn hóa vật thể

20/08/2023400

Vượt qua “thời gian chiêm bao” mà tư duy con người còn chìm trong không gian hoang dã với hiện tượng thờ các lực lượng "hồn nhiên" như cây cỏ, đất đá, một khúc của ngã ba sông,... để rồi con người tiến lên xây dựng một tổ chức mang tính xã hội. Trên đường đi đó dần dần con người định hình nhân dạng cho các thần linh mà trong đó một vị thần linh cơ bản đầu tiên là nữ thần. Có thể tin được điều đó, bởi trong buổi hồng hoang, sự phân công lao động sớm nhất là phân công lao động nam - nữ. Nam thì săn bắn/bắt, công việc này bấp bênh, hôm được hôm không, thiếu tính chất thường xuyên để đảm bảo cuộc sống. Còn nữ giới với hái lượm rau củ trong rừng, đó là lương thực cơ bản để nuôi sống gia đình. Mặc nhiên vai trò của nữ trở nên cực kỳ quan trọng, do đó đã dẫn đến một hiện tượng khi nhân dạng hóa thần linh thì vị thần đó tất yếu mang dạng nữ. Khởi đầu, người Việt trông cậy vào của cải được thu lượm từ rừng nên người ta tôn trọng thần rừng, hội các điều kiện lại thì vị thần nhân dạng đầu tiên có thể nghĩ được là bà chúa rừng với nhiều chức năng khác nhau - Trước hết là thần của cải - Trong quá trình tồn tại, người ta hội dần vào bà nhiều chức năng, đầu tiên là bà “mẹ Thiêng liêng" với quyền năng vô bờ bến; một bà “mẹ Thế gian”, bởi người ta coi từ bà mà muôn loài nảy sinh và phát triển. Đồng thời bà là một thần linh đứng đầu bách thần nên bà còn mang tư cách là một đấng “vô cùng” - người Việt đã dần hội tất cả những gì linh thiêng liên quan vào chính bà Đông Cuông - một bà mẹ vũ trụ khởi nguyên của người Việt.

Trên bước đường phát triển của đạo thờ Mẫu, người ta nhận thấy rằng, chính bước thăng trầm của các vị nữ thần đã liên quan trực tiếp đến những mốc phát triển của dân tộc, cụ thể là: Như trên đã nói, bà chúa rừng là bà mẹ khởi nguyên gắn với buổi sơ khai của người Việt, xã hội còn mang nặng tính chất hoang sơ và bước đầu đã có yếu tố nông nghiệp. Một tất yếu liên quan đến sự tồn tại của người Việt là phải theo dòng sông phù sa mà lùi xuống phía dưới để định hình bằng được nền nông nghiệp lúa nước. Con đường đi đó cũng quyết định tới sự hình thành và phát triển của đạo thờ Mẫu. Hay đúng hơn, tín ngưỡng dân gian dân tộc này, ở một giới hạn nào đó đã phản ánh bước phát triển của dân tộc. Cụ thể với sự hình thành của hệ Tứ Pháp và Tứ Phủ là những dấu ấn về giao lưu văn hóa với bên ngoài, hay phản ánh kết quả về sự ổn định nền kinh tế nông nghiệp ở đồng bằng. Song suy cho cùng, bao giờ cũng thấy đỉnh điểm khởi nguồn của tín ngưỡng này là tục thờ bà chúa rừng, từ đó chúng ta thấy sự quan trọng của đền Đông Cuông đã như một khởi đầu của mọi điện thờ nữ thần nối tiếp trong lịch sử.

                                Lễ hội đền Đông Cuông, Yên Bái

Tọa lạc tại tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, vốn là một ngôi đền lớn, cổ kính mang đầy những dấu vết, huyền tích thiêng liêng về Mẫu Thượng Ngàn. Rõ ràng ở đất Đông Cuông đã có những dấu tích liên quan đến sự phát triển của dân tộc, trong đó ít nhiều có biểu hiện liên quan đến nông nghiệp sơ khai. Vào năm 1989, người đầu tiên tìm được những mảnh công cụ thời kỳ đá giữa ở nơi đây là cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Không gian này là một thung lũng không rộng lớn lắm, vừa đủ cho một bộ phận dân cư không đông, nhưng có khả năng tập trung để phát triển ra các vùng khác. Giữa thung lũng là dòng sông Hồng cuộn phù sa càng giúp cho ý thức nông nghiệp định hình để dần dần các thần linh mang tư cách của một cặp phạm trù âm - dương đối đãi hình thành, như với bên này là đền Bà, bên kia là đền Ông. Đền Đông Cuông cổ kính nép mình bên gốc đa già, xung quanh là đại ngàn bao phủ, phía trước là thượng nguồn dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa truyền thống, với góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu... được chạm khắc hình tứ linh và hoa lá... Chính cảnh quan địa thế đã mang lại cho đền một không gian thoáng rộng, hoà mình vào với thiên nhiên để từ đó truyền tải những thông điệp linh thiêng về một trong những bà mẹ quyền năng - Mẫu Thượng Ngàn. Đến nay, qua sự phát triển của tín ngưỡng nông nghiệp mà bà nhập vào đạo thờ Tứ phủ của người Việt, thờ Bà Trời (các tên khác: Mẫu Thượng Thiên, Thiên Mụ/Mẫu, Bà Chúa Xứ), Bà Nước (tên khác: Mẫu Thuỷ Thoải, Bà Chúa Lạch), Bà Đất (tên khác. Mẫu Địa, cai quản một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của xã hội nông nghiệp), Bà Rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Đền có nhiều tên gọi khác nhau, như: Mẫu Đông, Đông Cung, Đông Quang, Vệ Quốc (phụ thờ các vị có công chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, đó là một số tướng người địa phương), người Tày Khao ở đây thì gọi là đền Đông Cuông. Từ các tên gọi khác nhau của di tích, chúng ta thấy, đền Đông Cuông còn gắn liền với tên gọi chỉ phương hướng, đấy chính là phương Đông, phương của hành mộc, của màu xanh, của đại ngàn. 

Theo truyền thuyết thì khởi đầu đền Đông Cuông là một ngôi miếu được dựng vào thời nhà Đường, phát triển dần thành đền, muộn nhất vào thời Lê sơ. Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục, quyển X, mục “Linh tích” có ghi: “Văn Châu, một người bá hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba nay thuộc địa phận Lâm Thao (Phú Thọ) là học trò Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), bên sông này có miếu thờ Đông Quang Công chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền công chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi, sau đổi là huyện Lâm Thao. Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ gọi tên hắn và bảo rằng: Khi thuyền nhà người trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại Vương, chúa Bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để Đại Vương biết. Nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm, thuyền đi như tên bay, đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này có núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm), Văn Châu theo lời thần dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi…” 

Theo truyền thuyết thì Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương tên là La Bình, khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế về trời, trở thành hai vị thánh bất tử, thì Ngài cũng phong La Bình là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đối bãi trập trùng của nước Nam ta. Mẫu đã âm phù các triều đại phong kiến trong kháng chiến vệ quốc, lịch sử nước Việt các thời đã từng ghi lại các chiến công âm phù lừng lẫy của Mẫu, như: Âm phù tướng sĩ của nhà Lý đánh quân Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh quân Nguyên Mông, che chở nghĩa quân Lam Sơn lúc khó khăn... Các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong tạ ơn Mẫu. 

Ngoài thờ Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ Quốc (các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông như Hà Đặc, Hà Chương,...), các ban thờ Công đồng công chúa, Sơn trang, Ngũ vị tôn ông (Năm Giáp Dần (1914), nghĩa quân Tày, Nùng, Dao huyện Trấn Yên khởi nghĩa chống Pháp thất bại, bị chính quyền thống trị Pháp hành hình, trong đó có 5 ông người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông. Các vị đó được nhân dân tôn thờ tại đền) và Đức Thánh Trần.

Điều đặc biệt ở đây, Mẫu Thượng Ngàn đã được nhân dân khoác lên mình một tấm áo khác mang màu sắc của nhân dân địa phương, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho người dân ở đây. Theo thần tích dòng họ Hà (việc giỗ đền và tế tự) thì tổ phụ của họ là Hà Văn Thiên từng lãnh đạo nhân dân chống giặc Nguyên Mông bị tử trận. Để ghi nhớ công trạng của ông, nhân dân lập miếu thờ bên Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp, huyện Văn Yên). Vợ ông là bà Lê Thị Kiếm cùng con trai khi mất cũng được thờ bên Ghềnh Ngai, ít lâu sau ban thờ của mẹ con bà mới được di chuyển sang đền Đông Cuông. Trong tâm thức của bà con nơi đây, Mẫu Thượng Ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi. 

Nhìn chung, theo dòng trôi chảy của lịch sử truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn ngày một thay đổi, mà chúng tôi ngờ rằng, hiện tượng này đã chịu sự chi phối của các luồng thương mại nội địa để chuyển hoá dần bà mẹ khởi nguyên sang một thần của cải. Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín, tế vật là trâu trắng (tháng Giêng) và trâu đen (tháng Chín) mổ nguyên con vào đêm hôm trước. Trong lễ hội tháng Giêng, chủ tế đem 9 chén tiết trâu trắng xuống bến sông để tế vào đêm trước lễ, sau khi tế ông liền quay đầu đi thẳng một mạch về phía đền mà không ngoảnh mặt lại nhìn. Nhân dân địa phương kể lại khi thu dọn đồ tế ở bến sông, 9 chén tiết trâu bao giờ cũng cạn hết. Lộc là thịt trâu tươi được tán hết trước giờ Ngọ ngày chính lễ. Giải mã hiện tượng lễ hội này, tạm có thể thấy, số 9 là số cực dương, mang tính chuyển động, biến đổi, phát triển, dùng tiết đỏ để cầu hạnh phúc mọi mặt, sức khỏe dồi dào (vì màu đỏ của máu được đồng nhất với sinh khí), con người muốn qua hành động lấy tiết, chính là lấy sức sống của con vật để tế thần và như cầu mong thần rừng ban phát ân huệ. 

Tháng Giêng, mực nước sông Hồng hạ thấp, làm thành một bãi lễ hội bằng cát phẳng rộng trước đền Mẫu. Ngày nay, nhân dân rước kiệu Mẫu (Mẹ) từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh Ngai (nay thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên) thăm Đức Ông. Kiệu Báo (Con) đi tiếp sau kiệu Mẹ. Lúc kiệu đi, đông đảo tín nữ Kinh - Tày bao quanh kiệu khấn chúc hai mẹ con Mẫu thăm Đức Ông mừng vui trọn vẹn. Trống rong cờ mở, bát âm tấu nhạc. Bốn thiếu nhi Tày thắt lưng đỏ cầm cờ múa đi trước, thiếu nhi ngoài cuộc được già làng động viên reo hò khích lệ hộ “vua Mẹ vua Báo" ("vua Mẹ vua Con"). Một thuyền lớn hoặc một bè lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu vua Con ở lại trên bờ, chỉ có kiệu vua Mẹ xuống thuyền cùng 11 người sang Ghềnh Ngai. Toán người gồm thổ đạo, mo đền, tín nữ, người cầm lọng che kiệu tới tảng đá ghềnh, để kiệu Mẫu ở dưới thuyền; thổ đạo, mo và các thành viên lên đền thắp hương khấn bằng tiếng Tày xen lẫn tiếng Kinh, sau đó xin âm dương bằng 2 đồng tiền kẽm để nài Đức Ông chấp nhận, rồi xuống thuyền trở về. Lễ diễn khoảng nửa giờ, khi trở về kiệu Mẫu và kiệu Con được rước vào đền, bốn trẻ cầm cờ vẫn đi trước múa mừng, nhưng đám trẻ ở ngoài không hò reo nữa. Đồng bào Tày ở Đông Cuông và các vùng lân cận quan niệm đây là “lễ cưới lại” của Mẫu và Đức Ông, mà hậu duệ phải đứng ra tổ chức. Trong lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa dân gian (cử hành lúc rước kiệu từ đền ra bờ sông để sang Ghềnh Ngai được đàn tính và nhạc chũm đệm), hát chèo, diễn tích, ném còn; đánh vật,… nhằm mong cho toàn dân thu hoạch lúa tốt, gia súc đầy chuồng, bình an khoẻ mạnh. Lễ hội đền Đông Cuông là một cuộc sinh hoạt tinh thần, mang đậm màu sắc dân gian, là dịp giao lưu, vui chơi của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận. Trong lễ hội, yếu tố hồn nhiên của tín ngưỡng cổ truyền, thể hiện sự hòa nhất giữa thần và người. Vì thế, duy trì những hình thức lễ hội độc đáo ở Đông Cuông là duy trì một sản phẩm văn hóa, phục vụ du lịch văn hóa cộng đồng, đấy cũng chính là yếu tố mà lý thuyết bảo tàng hiện đại hướng đến. 

Với tín ngưỡng thờ Mẫu và các anh hùng có công với đất nước, đền Đông Cuông mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá sâu sắc. Đây là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời, một điểm du lịch văn hóa, sinh thái lý khá tưởng dành cho du khách trong những chuyến hành hương về nguồn. Là điểm mốc tâm linh văn hoá đoàn kết các tộc người anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nơi giáp biên cương của Tổ quốc ./.

NGUYỄN ĐỨC DŨNG*

*CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Tài liệu tham khảo

 1 - Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Dịch giả Phạm Trọng Điềm, Hà Nội, Sử học, 1962. 

2 - "Đền Đông Cuông - di tích văn hoá lịch sử độc đáo của Yên Bái", Báo điện tử Hải Phòng ngày 7/4/2005. 

3 - Tư liệu tại di tích.

SUMMARY: ĐÔNG CUÔNG TEMPLE - A STARTING POINT OF THE WORSHIP OF VIETNAMESE GODDESSES (NGUYỄN ĐỨC DŨNG) 

From a chronicle on goddess worshipping, the article refers to the culture and festival of Đông Cuông Temple in Yên Bái province, which witnesses vestiges of the Mid-Stone Age. The temple is situated in a cultural space, which features worship of the goddess of forest and the relation- ship of yin and yang, which is based on agro-mentality. One of the most remarkable events is the offering of water buffalo blood on riverbank.

Các bài viết khác

Xem thêm
Hát xoan Phú Thọ - Truyền thuyết & Lịch sử
Tin tức khác13/01/2024

Hát xoan Phú Thọ - Truyền thuyết & Lịch sử

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay còn bảo lưu một số truyền thuyết về hát Xoan: Ở làng Phù Đức xã Kim Đức thành phố Việt Trì còn kể lại rằng: " Từ thuở Vua Hùng dựng nước, một hôm vào buổi trưa ngày 13 tháng chạp, ba anh em vua Hùng đi tìm đất mở mang kinh đô có đi qua thôn Phù Đức và An Thái dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng gần thôn. Trong khi ngồi nghỉ, ba anh em Vua Hùng nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy có một đám trẻ chăn trâu vừa chơi các trò chơi như đánh vật, kéo co lại vừa hát những khúc ca nghe rất hay. Thấy vậy, người anh cả nhà họ Hùng liền bảo hai em dạy các trẻ mục đồng hát một số điệu mà họ mang theo. Về sau, để tưởng nhớ công lao của ba anh em vua Hùng, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng chạp âm lịch, dân làng lại làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và cúng thịt bò vào buổi chiều để thờ anh Cả vua Hùng được nhân dân suy tôn là đức Thánh Cả. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 tháng giêng âm lịch, dân làng Phù Đức mở hội cầu để cầu Đức Thánh Cả phù hộ cho "Dân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt". Trong hội cầu, họ diễn lại cảnh hát xướng để nhớ lại sự tích các vua Hùng dạy dân múa hát và chơi các trò chơi dân gian. Do vậy, hội cầu đã trở thành lệ làng hàng năm và bao giờ cũng có trò hát xướng mở đầu...".

Dư địa chí một số giá trị tiêu biểu
Địa chí14/06/2023

Dư địa chí một số giá trị tiêu biểu

(Consonkiepbac.org.vn) - Khi Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị gièm pha phải về ở ẩn tại Côn Sơn nhưng tấm lòng ông vẫn không quên việc nước. Sau khi Lê Thái Tông lên ngôi, ông lại được mời ra làm quan và được giao viết bộ Quốc thư bảo huấn, trong đó có Dư địa chí như là cuốn sách giáo khoa nhằm dạy cho nhà vua hiểu biết về đất nước, con người và các đặc sản của từng địa phương. Sách soạn xong, Nguyễn Trãi dâng lên, nhà vua rất tâm đắc, sai thợ khắc ván in để phổ biến.

Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm hiểu về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu), nghiên cứu và Phát triển số 2 (85) 2011
Địa chí09/07/2023

Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm hiểu về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu), nghiên cứu và Phát triển số 2 (85) 2011

Khuông Việt Ngô Chân Lưu (932-1011)(1) được coi là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vị trí của ông đối với Phật giáo Việt Nam cũng như sự nghiệp dựng nước và giữ nước trải suốt hai triều Đinh Lê đã không ngừng được khẳng định đời này qua đời khác trong các tài liệu văn hiến Việt Nam. Tuy vậy, xung quanh thân thế và sự nghiệp của ông vẫn còn rất nhiều điểm bị che mờ bởi sương khói lịch sử và sự ngộ nhận chồng chất qua các đời.