Cù Lao Chàm có diện tích khoảng 15 km2, nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km và cách Hội An khoảng 18km. Nơi đây là một cụm đảo trải dài theo hình cánh cung gồm 8 đảo: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và hòn Ông. Những hòn đảo lớn, nhỏ nằm xen kẽ nhau ấy tạo nên một Cù Lao Chàm đẹp như bức tranh không cầu kỳ về đường nét, nhưng lại quyến rũ bằng chính sự nguyên sơ vốn có với khu rừng xanh mướt soi mình xuống dòng nước trong xanh và những bãi biển cát trắng… Cụm đảo Cù Lao Chàm giống như những hòn ngọc xanh trên biển, nơi hiện đang có khoảng 500 loài thực vật thuộc 5 ngành, 50 bộ và 105 họ. Trong đó có 52 loài chim thuộc 24 họ, 12 bộ (7 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn).
Theo các chuyên gia, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người trong số 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Hơn nữa, Cù Lao Chàm-Hội An còn có những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Những giá trị đặc trưng, nổi trội đó là Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.
Đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm thì cụm đảo này là số ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ rừng đến 70%. Hệ sinh thái biển phong phú về thành phần loài và đa dạng nhóm thực vật trong hệ san hô, thảm cỏ biển. Thành công quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là bảo tồn nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái rừng, biển, thể hiện ở sự đa dạng về loài và nguồn gene.
Theo đó, các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rong biển được bảo tồn khá tốt. Tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, chương trình giám sát rạn san hô và giám sát cỏ biển, chương trình quan trắc chất lượng nước biển, chương trình làm vườn ươm và phát tán san hô, việc bảo tồn hệ sinh thái biển được triển khai thực hiện khá tốt. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, áp dụng với nhiều đối tượng, giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và nằm trong sách đỏ như tôm hùm, ốc vú nàng, cua đá, bào ngư…
Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: định hướng phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Tây, phía Nam của tỉnh Quảng Nam, liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các tuyến/tour vòng tròn du lịch trong tỉnh và tỉnh Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết.
Chính quyền địa phương xác định: Phát triển du lịch Cù Lao Chàm phải nằm trong quy hoạch tổng thể chuỗi kinh tế biển đảo, du lịch đảo của miền Trung và tỉnh Quảng Nam; phát huy lợi thế vốn có của Cù Lao Chàm về đa dạng sinh học, văn hóa, quang cảnh thiên nhiên; khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên rừng, biển, và các giá trị văn hóa, lịch sử hiện có; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biển đảo. Để đáp ứng cho sự phát triển du lịch, Cù Lao Chàm không ngừng xây mới, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất du lịch. Ngày càng có nhiều cơ sở tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch ở Cù Lao Chàm với tốc độ tăng trưởng bình quân 17,73%/năm.
Đặc biệt, cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm đã tích cực hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động chuyển đổi sinh kế truyền thống sang du lịch - dịch vụ theo hướng bền vững. Đến nay, Khu DTSQTG Hội An - Cù Lao Chàm là một trong những nơi ứng dụng thành công mô hình đồng quản lý với 4 thành phần: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và cộng đồng. Cộng đồng tại đây tham gia vào tất cả các hoạt động khai thác và quản lý tài nguyên trong Khu DTSQTG với các mức độ khác nhau. Cư dân địa phương cũng tham gia mạnh mẽ vào các chiến dịch bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như: Cù Lao Chàm nói không với túi nilon (từ 2009), phong trào bảo vệ cua đá hay gần đây là nói không với ống hút nhựa… Chính những hành động này của cư dân bản địa đã thúc đẩy sự phát triển du lịch theo hướng bền vững và tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch.
An Khánh – Minh Lê
Nguồn: thiennhienmoitruong.vn
Xem thêm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái - Điệu hát từ tâm linh
Đến Philippines, du khách sẽ không khỏi bị cuốn hút bởi hòn đảo Palawan, nơi có những bãi biển hoang sơ và dòng sông ngầm Puerto Princesa hiền hòa, xanh trong, lững lờ trôi, ẩn mình trong hang đá.
Tại lãnh thổ liên bang nhỏ nhất và xa nhất của Canada - Yukon có một con sông được gọi là Klondike. Nhờ sông Klondike, nhiều người đã một bước đổi đời khi tới đây tìm kiếm vận may. Con sông này có chứa gì mà nhiều người lại bỏ công sức để tìm đến như vậy?
Địa danh gắn liền với quá trình lịch sử, truyền thống văn hóa, nguồn gốc cư dân của từng địa phương. Qua nghiên cứu địa danh, chúng ta có được nguồn tư liệu gốc để nghiên cứu lịch sử hình thành, biến đổi và phát triển của mỗi địa phương, của từng tộc người.