“Địa chí” là thuật ngữ chỉ việc ghi chép về một vùng địa lý nào đó. Thuật ngữ “Địa chí” gồm hai từ “Địa” và “chí”. Chí, nghĩa chữ Hán là ghi chép, Địa trong chữ Hán có nhiều nghĩa khác nhau. PGS. Trần Nghĩa đã chỉ ra 6 cách dùng khác nhau với nghĩa khác nhau của chữ Địa. Chính vì vậy trong một số cuốn từ điển, “Địa chí” được định nghĩa là “sách viết về địa dư; phàm là phương vực, sơn xuyên, phong tục, sản vật đều được ghi chép” (Từ nguyên); hay “sách miêu thuật tường tận về địa hình, khí hậu, dân cư, chính trị, sản vật, văn hóa của một nước hay một vùng miền” (Từ hải).
Lịch sử địa chí được bắt đầu từ rất sớm. Ở phương Đông, tác phẩm địa chí cổ nhất Trung Quốc là thiên vũ cống trong sách Thượng Thư, được biên soạn vào thời Chiến quốc (475 – 221 TCN), sau đó là cuốn Sơn hải kính. Ở Việt Nam, sách địa chí có từ khá sớm. Hiện còn khoảng hơn 200 cuốn, đủ các loại: Quốc chí, tỉnh chí, huyện chí, xã chí… Trong đó có 92 cuốn Hán Nôm, 23 cuốn tiếng Pháp và hơn 100 cuốn được viết bằng tiếng Việt từ đầu thứ kỷ XX đến nay.
Sách địa chí ở Việt Nam có thể tạm chia thành các loại như sau:
- Về địa chí toàn quốc, có các tác phẩm đáng chú ý như Nam Bắc phiên giới địa đồ (1172) hiện đã mất, chưa rõ tác giả; An Nam chí lược (1339) của Lê Trắc; Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi; Kiền khôn nhất lãm (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) của Phạm Đình Hổ, có chép cả địa lý một số nước trong khu vực; Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1806) của Lê Quang Định; Thiên tải nhàn đàm (1810) của Đàm Nghĩa Am; Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1833) của Phan Huy Chú; Đại Việt địa dư toàn biên (1882) của Nguyễn Văn Siêu; Đại Nam nhất thống chí (1882) của Quốc Sử quán triều Nguyễn; Đồng Khánh địa dư chí (1886 – 1888), gồm địa lý 25 tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận v.v…
Điều thú vị là một trong các cuốn sách địa chí sớm nhất của Trung Quốc cổ là cuốn Di vật chí của tác giả Dương Phù, người Nam Hải, quận Giao Chỉ. TS. Tạ Ngọc Liễn cho biết: Sách Trung Quốc địa lý sử học của Vương Trung, do Thương vụ ấn thư quán, Trung Hoa Dân quốc phát hành năm thứ 27 chép rằng: “Dương Phù tự là Hiếu Nguyên, người Nam Hải. Dưới triều Chương đế được cử dự khoa “Hiền lương đổi sách” và được phong chức Nghị lang”. Thời Chương đế (năm 76 – 83) Nam Hải thuộc quận Giao Chỉ. Các Thứ sử tranh nhau đòi nộp của quí. Phù bèn nhặt nhạnh các vật thần dị, chỉ là thứ lạ để châm biếm họ và soạn cuốn Nam duệ dị vật chí, sau làm Thái thú Lâm Hải lại soạn cuốn Lâm Hải thủy thổ ký, không chỉ vì sự bác nhã mà còn vì Phù có hiểu biết cao… Nam Hải, Tăng Chiếu, tập bản tự viết: “Khảo Dương Phù làm Nghị lang thời Hán Chương để mà Lâm Hải được đặt ra vào năm Thái Bình thứ 2 nhà Ngụ (Năm 222 – 280). Trong Tục Hán, Ngũ hành chí, truyện Đổng Trác có chú dẫn Dương Phù, căn cứ vào đó thì Nghị lang Dương Phù trải qua thời cuối Hán sáng thời Ngô vẫn còn, có lẽ là người thọ hơn 100 tuổi… Người Việt trước tác thấy ghi ở sử, Nghị lang Dương Phù được coi là đầu tiên”.
- Về địa chí vùng miền, có thể kể các sách Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An; Hải Đông chí lược (1772) của Ngô Thì Nhậm; Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn; Hưng Hóa xứ phong thổ lục (1778) của Hoàn Bình Chính; Cao Bằng lục (thứ kỷ XVIII) của Phan Trọng Phiên; Gia Định thành thông chí (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) của Trịnh Hoài Đức; Cao Bằng thực lục (1810) của Nguyễn Hựu Cung; Nghệ An ký (đầu thứ kỷ XIX) của Bùi Dương Lịch; Bắc Thành địa dư chí lục (1845) của Lê Chất; Hưng Hóa ký lược (1856) của Phạm Thận Duật; Cao Bằng tạp chí (1920) của Bế Huỳnh, v.v…
- Các sách về huyện chí và xã chí cũng rất phong phú:
Trong thời kỳ thuộc Pháp (1858 – 1945) một số cây bút thường viết chuyên khảo về các tỉnh, huyện cũng để lại cho lịch sử thư tịch Việt Nam khá nhiều sách địa chí (monographie) như các tác phẩm của Trịnh Như Tấu, Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thụ, Dương Bá Cung… Một điều đáng suy nghĩ là trong thời Nguyễn, khi các nhà Nho đỗ đạt được bổ đi làm quan các địa phương, ngoài nhiệm vụ của một ông quan cai trị ra, các vị ấy còn phải làm bổn phận của nhà Nho là ghi chép về địa phương mình trị nhậm,
phần vì đó là bổn phận của nhà nho, phần vì giúp ngay cho việc tìm hiểu địa phương để phục vụ cho công cuộc cai trị. Một viên quan có hiểu biết về địa phương thì mới thực thi nhiệm vụ tổ chức và quản lý tốt địa phương đó.
Bên cạnh các sách địa chí trên, các sách chuyên khỏa về một lĩnh vực cụ thể như danh nhân, cổ tích, phong tục, văn chương… cũng rất nhiều, góp phần làm cho bộ phận sách địa chí nói chung ngày thêm phong phú.
Từ năm 1954 đến nay, sách địa chí vẫn phát triển ở cả hai miền Nam Bắc: Ở miền Nam trước 1975, các nhà viết sách địa chí cho ra đời nhiều tác phẩm: Theo Nguyễn Thanh Lợi: Có thể nói, trong khoảng những năm 1954-1975 là giai đoạn nở rộ của việc biên soạn sách địa chí ở miền Nam Việt Nam. Số lượng tác phẩm được biên soạn và xuất bản đứng đầu trong các thời kỳ, tính cho đến thời điểm hiện nay (8-2008). Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, đã có 64 tác phẩm được xuất bản, tạm chia thành 2 nhóm chính. Nhóm do các tòa hành chính, tòa thị chính của các địa phương biên soạn và xuất bản, có 28 tác phẩm, cụ thể là (xếp theo thời gian xuất bản):
Địa phương chí tỉnh Hà Tiên (Trần Thêm Trung, 1957), Địa chí quận Chợ Gạo (1958), Địa phương chí tỉnh Kiên Giang (1958), Địa phương chí tỉnh Phước Long (1960), Địa phương chí tỉnh Côn Sơn (1961), Địa phương chí tỉnh An Giang (1961, 1963), Địa phương chí tỉnh Phước Tuy (1961, 1965, 1973), Địa phương chí tỉnh Biên Hòa (1963, 1972, 1974), Địa phương chí tỉnh Phong Dinh (1964), Pleiku ngày nay (1964), Địa phương chí tỉnh Hậu Nghĩa (1965, 1966, 1974), Địa phương chí tỉnh Bến Tre (1965), Địa phương chí tỉnh Bạc Liêu (1965, 1974), Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long (1966, 1969), Địa phương chí tỉnh Đà Nẵng (Vũ Lang, Phan Uyên Trang, 1967), Địa phương chí tỉnh Châu Đốc (1968), Địa phương chí thị xã Vũng Tàu (1968, 1971), Địa phương chí tỉnh Ba Xuyên (1971), Địa phương chí tỉnh Biên Hòa (Trương Văn Nam 1971), Địa phương chí tỉnh Gia Định (1971), Địa phương chí thị xã Rạch Giá (1973), Địa phương chí tỉnh Gia Định (1973), Địa phương chí tỉnh Vĩnh Bình (1973), Địa phương chí Bình Long (1974), Địa phương chí tỉnh Bạc Liêu (1974), Địa phương chí tỉnh Kon Tum, Địa phương chí phường xóm củi - Quận 8 đô thành Sài Gòn (Cao Đức Thanh, Nguyễn Thị Vinh, 1968), Địa phương chí xã Châu Giang (người Việt gốc Chăm)…
Nhóm do các cá nhân biên soạn và xuất bản, có 36 tác phẩm. Trong đó, tác giả có 1 tác phẩm (21 tác giả), tác giả có từ 2 tác phẩm trở lên (3 tác giả với 15 tác phẩm). Cụ thể như sau:
Đây Nha Trang 1957 (Võ Hữu Hạnh, 1957), Phước Thành ngày nay (1959), Định Tường cửa ngõ miền Hậu Giang (Thân Trọng Cự, 1960), Cố đô Huế (Thái Văn Kiểm, 1960), Non nước xứ Quảng (Phạm Trung Việt, 1962, 1965, 1969, 1971, 1974), Cao Lãnh… đến năm 1954 (Trần Quang Hạo, 1963), Đông Ngạc tập biên (Phạm Văn Thuyết,1963), Tân Châu (1870-1964) (Nguyễn Văn Kiềm, 1966), Phong quang tỉnh Darlac (Hồ Văn Đàm, 1967), Chương Thiện ngày nay (1967), Non nước Quảng Nam (Hạ Ngọc Anh, 1969), Gò Công cảnh cũ người xưa (Việt Cúc, 1969, 2 quyển), Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 đến 1945) (Nguyễn Duy Oanh, 1972), Cà Mau xưa và An Xuyên nay (Nghê Văn Lương, 1972), Biên Hòa sử lược (Lương Văn Lựu, 1972-1973, 2 tập), Đây! Quảng Nam (Vũ Lang, 1973), Ai có về Quy Nhơn (Trần Đình Thái, 1973), Hành Thiện xã chí (1974), Cần Thơ Phong Dinh chỉ nam (1974). Quách Tấn: Nước Non Bình Định (1967), Xứ Trầm hương (1969). Nguyễn Đình Tư: Non nước Phú Yên (1965), Non nước Khánh Hòa (1969), Non nước Ninh Thuận (1974). Huỳnh Minh: Kiến Hòa xưa và nay (1965), Gia định xưa và nay (1965, 1973), Gò Công xưa và nay (1966), Cần Thơ xưa và nay (1966), Vĩnh Long xưa và nay (1967), Định Tường xưa và nay (1970), Vũng Tàu xưa và nay (1970), Sa Đéc xưa và nay (1971), Tây Ninh xưa và nay (1972).
Ở Miền Bắc, việc viết địa chí tuy có muộn hơn nhưng kết quả cũng rất khả quan. Theo ông Nguyễn Quang Ân, (Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam): “Từ sau năm 1975 đến nay, nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác biên soạn sách địa chí. Xuất hiện đầu tiên là Địa chí Hà Bắc (1982), rồi Địa chí Minh Hải (1985), Tìm hiểu Kiên Giang (1986), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (4 tập, 1987), Địa chí Long An (1989), Địa chí Hải Phòng Tập I (1990), Địa chí Bến Tre (1991, 2001), Địa chí huyện Đại Lộc (1992), Diễn Châu - Địa chí văn hóa và làng xã (Nghệ An, 1995), Địa chí Đồng Tháp Mười (1996), Địa chí huyện Nông Cống (Thanh Hóa, 1998), Địa chí văn hóa huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An, 1998), Địa chí huyện Can Lộc (Hà Tĩnh, 1999), Địa chí Hà Tây (1999 và 2007), Địa chí Lạng Sơn (1999), Địa chí Gia Lai (1999), Địa chí Cao Bằng (2000), Địa chí
Lâm Đồng (2001), Địa chí Đồng Nai (4 tập, 2001), Địa chí Vĩnh Phúc (Sơ thảo, 2000), Địa chí Bắc Giang (4 tập, 2002 – 2006), Địa chí Phú Yên (2003), Địa chí Khánh Hòa (2003), Địa chí An Giang (2 tập, 2003), Địa chí Nam Định (2003), Địa chí huyện Tương Dương (Nghệ An, 2003), Địa chí Hà Nam (2005), Địa chí Hòa Bình (2005), Địa chí Thừa Thiên - Huế (2005), Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu (2005), Địa chí Tiền Giang (2 tập, 2005-2007), Địa chí Thái Nguyên (2009), Từ điển địa chí Bạc Liêu (2010), Địa chí Ninh Bình (2010), Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng (2010), Địa chí Bình Dương (4 tập, 2010), Địa chí Thái Bình và Từ điển Thái Bình (2010)… và hiện nay, một số tỉnh như Bắc Ninh, Bắc kạn, Hưng Yên, Cà Mau, Vĩnh Long, Sơn La… cũng đang tiến hành biên soạn địa chí cấp tỉnh”
Địa chí huyện có: Địa chí huyện Đại Lộc (1992), Diễn Châu - Địa chí văn hóa và làng xã (Nghệ An, 1995), Địa chí huyện Nông Cống (Thanh Hóa, 1998), Địa chí huyện Can Lộc (Hà Tĩnh, 1999), Địa chí huyện Tương Dương (Nghệ An, 2003), Địa chí huyện Yên Định, Thanh Hóa (2010), Địa chí huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa (2010), Địa chí huyện Tỉnh Gia (2010), Địa chí huyện Yên Định, Thanh Hóa (2010), Địa chí huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa (2010), Địa chí huyện Quỳnh Lưu (1989), Địa chí văn hóa Hoằng Hóa (1995), Địa chí văn hóa quận Bình Thạnh (1995), Địa chí văn hóa quận 5 (2000), Địa chí văn hóa làng Mỹ Lợi (2000), Địa chí văn hóa miền Biển Quảng Bình (2001),Địa chí văn hóa Yên Khánh (2002)…
Về thể loại: Nếu như trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam, các ấn phẩm địa chí thường có các dạng như sách, chuyên khảo thì từ sau năm 1975, tức là thời kỳ mới đây, ấn phẩm địa chí thường thể hiện ở 2 dạng thức chủ yếu: sách Địa chí tổng hợp và Từ điển địa chí.
Sách địa chí tổng hợp như dạng Dư địa chí của Nguyễn Trãi; Kiền khôn nhất lãm của Phạm Đình Hổ, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí của Lê Quang Định; Thiên tải nhàn đàm của Đàm Nghĩa Am; Hoàng việt địa dư chí của Phan Huy Chú; Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu; Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán hoặc các loại địa chí các tỉnh mới biên soạn như đã kể trên thì chúng ta cũng đã khá quên thuộc, nhưng Từ điển địa chí là loại hình mới được xuất hiện ở nước ta sau Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng (1998). Thực ra, Từ điển địa chí là thể oại Từ điển bách khoa về một địa phương, một nhánh cụ thể của Từ điển bách khoa. Cuốn Từ điển bách khoa địa phương được nhiều người biết đến là Từ điển bách khoa toàn thư địa chí vùng Xibia xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX, sau đến Từ điển Thượng Hải do Nhà xuất bản Đại học Phúc Đán, Thượng Hải Trung Quốc xuất bản năm 1989, trên 600 trang với 5.100 mục từ. Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng (1989) 624 trang với 2.251 mục từ địa danh. Năm 2010, Thái Bình biên soạn Từ điển Thái Bình dày 1.300 trang với 5.000 mục từ. Đây là cuốn từ điển bách khoa về tỉnh đầu tiên, bề thế và phong phú. Chắc rằng loại hình này sẽ là xu hướng mới có nhiều sự lựa chọn của các địa phương.
Số sách địa chí xuất bản những năm gần đây phần lớn là các đề tài nghiên cứu khoa học do các cơ quan quản lý khoa học các địa phương tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy và chính quyền địa phương, mà ở đó vai trò của Ban Tuyên giáo cấp uỷ, Sở Khoa học và Công nghệ là thường trực. Ngành Văn hóa và Xuất bản mới tham gia với tư cách thành viên. Với hoạt động này, vai trò của các Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất quan trọng và họ sẽ là người dóng dựng và tham mưu cho các cấp chính quyền tổ chức chỉ đạo và triển khai
Viết sách địa chí là công việc không chỉ có ý nghĩa văn hóa. Ngoài giá trị như sách để giáo dục truyền thống quê hương, sách địa chí nếu viết tốt và có các loại hình phù hợp sẽ còn là các công cụ quảng bá về địa phương.
Gần đây, Trung Quốc và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản coi văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn thì sách địa chí lại càng có giá trị, trước là thu hút khách du lịch, sau là giới thiệu và thu hút đầu tư kinh tế.
Ở Trung Quốc, biên soạn địa chí được Chính phủ hết sức coi trọng. Quốc vụ viện (Quốc hội) đã có văn kiện về việc này và quy định sau 20 năm địa phương phải biên soạn lại cho cập nhật tình hình (gọi là biên soạn Tân phương chí). Từ sau năm 1960, phong trào biên soạn Tân phương chí (địa phương chí mới) phát triển mạnh. Chủ trương sẽ biên soan 6.000 sách địa chí của cả 3 cấp (tỉnh, châu, thành phố, huyện). Theo thống kê của Hội nghị biên soạn địa chí toàn quốc lần thứ 2, đến cuối năm 1998, Trung Quốc đã biên soạn được 3.400 bộ tân phương chí thuộc 3 cấp. Ngoài ra biên soạn phương chí của các đơn vị hương, trấn, thôn cũng được đẩy mạnh. Các sách địa chí của Trung Quốc ngoài
việc xuất bản bằng giấy còn được xuất bản điện tử để phục vụ đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.
Số lượng sách địa chí của chúng ta biên soan lần đầu từ trước tới nay tập hợp lại so sánh với số lượng đơn vị tính, huyện còn rất khiêm tốn, mới biên soạn từ sau năm 1975, tỷ lệ còn thấp nữa, khoảng trên 40 đơn vị đã biên soạn so với gần 800 tỉnh và huyện trong cả nước.
Công việc liên quan đến biên soạn sách địa chí là xây dựng kho địa chí và sử dụng các vốn tài liệu địa chí ở các tỉnh. Hiện tại, có một số tỉnh đã xây dựng được những kho tài liệu địa chí khá phong phú như Hà Nội, Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa… Nhưng cũng còn nhiều tỉnh, vốn tài liệu địa chí nghèo nàn và chưa được chú ý tập trung xây dựng. Phần lớn ở các tỉnh này, kho địa chí được xây dựng trên nền kho xuất bản phẩm địa phương và một ít tài liệu sao chép về. Nguyên nhân do khả năng kinh phí ít, do các thư viện quan tâm chưa đúng mức, hoặc có nhiều khó khăn về con người, cơ chế… Mặt khác, nhiều tỉnh vốn tư liệu tốt nhưng lại chưa có chủ trương biên soạn sách, có những tỉnh kinh phí để biên soạn sách địa chí đã sẵn sàng nhưng kho tư liệu chưa kịp chuẩn bị nên giữa xây dựng và sử dụng khoa địa chí bị “lệch pha” với việc biên soạn sách địa chí.
Hiện tại, trong các thư viện lớn, các hệ thống kho lưu trữ của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, các cơ quan khảo sát và nghiên cứu khoa học, các trường địa học… tài liệu về các tỉnh còn phong phú. Có thể sơ bộ nêu một vài con số như sau:
Thư viện Quốc gia Việt Nam, địa chỉ 31 Tràng Thi, Hà Nội có:
- Sách tổng kho: khoảng 1.600.000 đơn vị (hàng năm tăng từ 100 – 120 nghìn bản sách).
- Sách Lưu chiểu: có gần 200.000 tên với khoảng 300.000 bản và tăng dần theo mức độ phát triển của ngành xuất bản nước ta
- Báo, tạp chí: hơn 9.000 tên báo, tạp chí trong nước và nước ngoài.
- Sách, báo, tạp chí xuất bản về Đông Dương trước 1954: với hơn 67.000 bản và 1.700 tên báo, tạp chí. Đây là những tài liệu rất quý để nghiên cức về Đông Dương và các địa phương của Việt Nam.
- Sách Hán – Nôm: có hơn 5.000 tên, trong đó có những cuốn sách có tuổi thọ từ thế kỷ XV – XVI.
- Kho Luận án tiến sĩ: hơn 16.000 bản.
- Sách kháng chiến: 3.996 tên sách của Việt Nam được xuất bản trong các vùng giải phóng thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Ngoài ra còn nhiều ấn phẩm đặc biệt và vật mang tin khác như: tranh, ảnh, bản đồ, hàng ngàn tên sách của nước ngoài viết về Việt Nam, của người Việt Nam viết và xuất bản ở nước ngoài…
Tài liệu số hóa toàn văn: hơn 3 triệu trang tài liệu, trong đó phần lớn là kho quý hiếm của thư viện như: Luận án Tiến sĩ, Hán – Nôm, Đông Dương, sách tiếng Anh viết về Việt Nam, sách về Thăng Long – Hà Nội.
Đặc biệt Thư viện Quốc gia Việt Nam có 10.000 tên sách xuất bản ở Việt Nam trước năm 1954 dưới dạng Microfiche.
Sách Hán – Nôm là sách cổ của Việt Nam thực hiện và của Trung Quốc được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1945, cả nước hiện có khoảng trên 6.000 tên sách, trong đó viện Hán Nôm giữ hơn 5.000 tên, còn lại Thư viện Quốc gia Việt Nam và các kho khác lưu giữ. Các kho lưu giữ khác, nói chung vừa ít sách, vừa không đầy đủ, một số trùng với kho của Viện Hán Nôm. Bên cạnh sách, Việt Hán Nôm còn lưu giữ khoảng 25.000 bản rập bia các loại, 49 tập bản đồ cổ. Đáng lưu ý là kho Hán Nôm có rất nhiều sách địa chí mà các địa phương có thể tham khảo và khai thác.
Kho tư liệu Việt Hán Nôm đang giữ 645 tập tục lệ, khoán ước thuộc 18 tỉnh phía Bắc, thời gian từ năm 1802 đến 1945. Ngoài các khối sách chữ Hán còn rất nhiều tài liệu có thể khai thác về một địa phương, nhân vật… giúp cho công tác nghiên cứu địa chí như văn bia, địa bạ, sổ bạ…
Đáng chú ý là các tài liệu viết về nhân vật như Đại Nam liệt truyện, Quốc triều khoa bảng lục, Quốc triều hương khoa lục, Đăng khoa bị khảo, văn tiểu lục, phủ biên tạp lục… các tài liệu Thần tích, thần phả, thần sắc, gia phả…
Nước ta hiện còn 4 kho sách tương đối quí là kho sách Thái cổ ở Thư viện tỉnh Sơn La, kho sách Nôm Dao ở Lào Cai, kho sách Chăm Pa ở Ninh Thuận, Bình Thuận và kho sách lá Buông ở các tỉnh có đồng bào Khmer.
Các kho tài liệu lưu trữ
Ở Hà Nội và T.p Hồ Chí Minh có các Trung tâm lưu trữ lớn, chứa đựng nhiều tài liệu có thể khai thác phục vụ nghiên cứu địa chí. Có thể kể tên gồm:
Hệ thống lưu trữ nhà nước, gồm 4 Trung tâm lưu trữ quốc gia:
+ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, địa chỉ số 18 đường Trung Yên 1, Phường Trung Hòa Quận Cầu Giấy, Hà Nội, gồm 2 khối tài liệu:
Khối tài liệu Hán-Nôm được hình thành trong các cơ quan thuộc các triều đại phong kiến ở Việt Nam, chủ yếu là triều đại nhà Nguyễn (từ Gia Long năm 1802 đến Bảo Đại năm 1945), tài liệu Địa bộ: gồm trên 10.000 tập về các loại đất đai, kích thước, vị trí, chủ sở hữu v.v… các làng xã từ miền Bắc đến miền Nam được lập trong hơn 30 năm đầu của triều Minh Mạng (1806-1837);
Khối tài liệu tiếng Pháp: được hình thành trong các cơ quan chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương trước đây (gồm Việt Nam – Lào và Campuchia) và các sở chuyên môn của chính quyền thuộc địa pháp ở Bắc Kỳ.
+ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, địa chỉ số 2 Ter, đường Lê Duẩn, Quận I. T.p Hồ Chí Minh. Tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản gồm: 55 phông và khối phòng tài liệu, 13.938 mét giá tài liệu, tư liệu, 4.396 đĩa và 597 cuộn băng ghi âm, hơn 70.000 phim, ảnh, microfim.
+ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, địa chỉ số 34, phố Phan Kế Bính, Quộc Ba Đình, Hà Nội, có chức năng thu thập, bổ sung, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, bao gồm 4 loại hình chủ yếu sau:
- Tài liệu Hành chính hơn 5.000 mét giá của 246 phông.
- Tài liệu Khoa học kỹ thuật gần 1.000 mét giá tài liệu Khoa học kỹ thuật của 32 công trình lớn.
- Tài liệu phim ảnh ghi âm: 96 bộ phim (với gần 500 cuộn phim) thời sự phản ánh cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu, sản xuất của nhân dân Việt Nam. Trong đó có 20 bộ phim của hãng phim nước ngoài quay trong thời điểm chiến tranh ở Việt Nam, gần 100.000 tấm ảnh dương bản và 52.000 tấm phim (âm bản), 258 cuộn phim điện ảnh, phim thời sự.
- Tài liệu xuất xứ cá nhân: 50 văn nghệ sĩ và 7 vạn hồ sơ cá nhân cùng một số kỷ vật của các cán bộ đi B trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
+ Trung tâm Lưu trữ đó thu thập khoảng 30km giá tài liệu có ý nghĩa quốc gia, được viết bằng các ngôn ngữ Hán – Nôm, Pháp, Việt, Anh… trên các vật mang tin bằng giấy, mộc bản, phim ảnh, băng ghi âm v.v… Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu ở Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay.
Bên cạnh đó còn cả hệ thống các kho lưu trữ của tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, một số Tổng cục và 63 tỉnh, thành phố.
Hệ thống lưu trữ Đảng, đoàn thể:
Hệ thống lưu trữ Đảng và các đoàn thể gồm Cục Lưu trữ Trung ương Đảng thuộc văn phòng Trung ương Đảng, Lưu trữ của các Xứ ủy, Khu ủy, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, lưu trữ của các đoàn thể nhân dân như Thanh niên, Phục nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc…
Tài liệu trong Lưu trữ Trung ương Đảng được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhân vật lịch sử tiêu biểu các cách mạng, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đang bảo quản hơn 100 phông tài liệu với khoảng 5.000 mét giá tài liệu.
Ngoài các Trung tâm nêu trên, ở Hà Nội, T.p Hồ Chí Minh còn các trung tâm (hoặc phòng lưu trữ của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các Tổng cục chuyên ngành, các Viện nghiên cứu, các trường đại học… lưu các tài liệu có giá trị nghiên cứu về các báo cáo khảo sát địa chất, tình hình thăm dò tài nguyên khoáng sản, Cục Đê điều lưu tài liệu về đê điều trong cả nước.
Một số trường đại học cũng lưu trữ rất nhiều luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, báo cáo khoa học có giá trị nghiên cứu.
Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội có vốn tài liệu khoa học quý hiếm do Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp bàn giao lại (1957), bao gồm sách Hán Nôm, Latin cổ, phim, ảnh về lịch sử - xã hội - văn hóa khu vực Đông Dương, Trung Viễn Đông Bác cổ bàn giao lại: 33.460 cuốn sách Trung Quốc (cổ), 10.466 cuốn sách tiếng Nhật (cổ), 36.747 cuốn sách tiếng Pháp, tiếng Anh… nghiên cứu về kinh tế, văn hóa và xã hội của các nước viễn đông đầu thế kỷ XIX, hàng nghìn tập bản thảo viết tay như Hương ước, Thần tích, Thần sắc bằng các loại chữ Quốc ngữ, chữ Hán hoặc chữ Nôm, gần 40.000 ảnh về các di tích lịch sử, sinh hoạt văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… của Việt Nam, Lào và Campuchia, hơn 5.500 phim tấm, phim kính, gần 2.500 tấm bản đồ các loại.
Vốn tài liệu của Thư viện Quân đội tương đối lớn với trên 350.000 bản sách, 1.500 đầu báo - tạp chí với nhiều tài liệu quý hiếm viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Việt, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, các nước Đông Âu, Lào, Campuchia…
Bên cạnh các sách báo xuất bản công khai, vốn tài liệu của Thư viện Quân đội còn có các sách báo xuất bản trong nội bộ quân đội, xuất bản bằng giấy Dó ở chiến khu Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp, xuất bản dưới chế độ Ngụy Sài Gòn trước năm 1975 được nhập về dưới dạng thu hồi và chỉ phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu.
Ngoài ra còn có trên 3 vạn bản tư liệu đánh máy hoặc in rô-nê-ô và các tài liệu không công bố khác được nhập về dưới dạng trao đổi. Tài liệu tra cứu của Thư viên Quân đội đặc biệt phong phú với nhiều Bộ Bách khoa thư, từ điển, sách chuyên khảo quý hiếm…
Trong thời gian tới, thiết nghĩ các thư viện tỉnh cần tập trung hơn cho việc xây dựng kho địa chí. Với số kinh phí ban đầu khoảng 1-2 tỷ đồng, các thư viện tỉnh đã có thể có kho tài liệu tương đối và cơ bản. Tuy nhiên, để có được khoảng kinh phí này, phải có sự vận động để chính quyền và cấp ủy tỉnh ủng hộ về chủ trương, cấp kinh phí.
Ở Việt nam, trong nhiều năm qua có khá nhiều tổ chức và cá nhân biên soạn sách địa chí. Có những tổ chức, cá nhân nhận hợp đồng biên soạn với địa phương, tự tổ chức lực lượng cộng tác viên, sưu tầm tài liệu, biên soạn trình tỉnh nghiệm thu. Việc làm này không khuyến khích được các khả năng trong tỉnh, mất đi ý nghĩa thực tiễn và tinh thần tự cường của địa phương. Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam là đơn vị tổ chức nhiều hoạt động có bài bản và có hiệu quả. Ngoài việc tư vấn cho các địa phương xây dựng các Dự án biên soạn địa chí, Trung tâm còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng tìm kiếm tư liệu, kỹ năng viết và biên tập, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong quá trình tìm tài liệu ở các trung tâm lưu trữ, thư viện lớn tại Hà Nộ, tổ chức biên soạn sách và từ điển địa chí cho nhiều tỉnh được đánh giá tốt, góp phần xây dựng đội ngũ biên soạn địa chí của các tỉnh, góp phần giữ gìn và tạo ra một phương tiện mới có hiệu quả giới thiệu địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực.
Phạm Hồng Toàn
Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3 (35) tháng 5/2012
(Nguồn: https://iems.edu.vn/bien-soan-sach-dia-chi-va-xay-dung-tai-lieu-dia-chi-o-viet-nam)
Gia phả hay gia phổ là bản ghi chép tên họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ và mộ phần của một gia đình lớn hay một dòng họ.
Trong các di tích tín ngưỡng và tôn giáo ở Huế, điện Huệ Nam (dân gian quen gọi là điện Hòn Chén) là nơi hội tụ nét riêng của vùng Huế, cũng là nơi hội tụ của hai nền văn hóa Chăm-Việt, thể hiện cả trong hệ thống thần linh được thờ tại đây và trong lịch sử hình thành, phát triển của bản thân di tích này. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam đã phổ biến, từ rất lâu, trải dài trên một vùng lãnh thổ từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên, các sắc thái tín ngưỡng và nghi thức thờ cúng cũng biến thiên theo từng vùng đất, mỗi nơi mỗi khác.
Đến Philippines, du khách sẽ không khỏi bị cuốn hút bởi hòn đảo Palawan, nơi có những bãi biển hoang sơ và dòng sông ngầm Puerto Princesa hiền hòa, xanh trong, lững lờ trôi, ẩn mình trong hang đá.