Bên cạnh đó, sự phân bố văn bia theo không gian cũng không phải giống nhau. Trong các huyện, văn bia của huyện Tiên Minh (nay là huyện Tiên Lãng) chiếm ưu thế tuyệt GỐI VỚI 186 tam bia (chiếm 70% số lượng văn bia của toàn bộ khu vực). Điều này dễ giải thích bởi đây là huyện nằm hoàn toàn trong vùng hạ lưu sông Thái Bình vào thế kỷ XVI . XVIII (với 8 tổng trên 19 tổng). Con số này cũng rất đáng quan tâm bởi theo khảo cứu của Phạm Thuỳ Vinh thì huyện Đông Ngàn, huyện có số văn bia lớn nhất của trấn Kinh Bắc và là một trọng trấn ở phía Bắc của Kinh đô Thăng Long thời Lê cũng chỉ có 140 đơn vị văn bia.
Những so sánh và phân tích định lượng trên là căn cứ quan trọng nhận ra vị trí của huyện Tiên Minh cũng như vùng hạ lưu sông Thái Bình trong đời sống kinh tế - xã hội của Đại Việt thế kỷ XVI - XVIII. Dựa trên đặc điểm tự nhiên của vùng hạ lưu sông Thái Bình trên địa bàn các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy (Thành phố Hải Phòng) và huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) ngày nay, chúng tôi tạm chia toàn bộ vùng hạ lưu sông Thái Bình thành ba khu vực (24) để tiến hành phân tích so sánh (Xem Bảng 1).
Điểm có thể dễ dàng nhận ra qua các thống kê, đó là sự xuất hiện văn bia khá đậm đặc ở khu vực I và khu vực II. Theo nguồn tư liệu này, vào các thế kỷ XVII - XVIII, khu vực xung quanh hai bên bờ sông Luộc, đặc biệt là vùng đất ngã ba sông giữa sông Luộc và sông Thái Bình trở thành điểm tập trung dân cư, các công trình công cộng, tôn giáo tín ngưỡng. Xưa kia sông Đà Mè còn chảy qua các làng Đại Công, Thiên Kha, Châm Khê, Để Xuyên trước khi nổi với sông Luộc ở ngã ba Lác (Giang Biên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Trừ khu vực thượng lưu (đoạn từ ngã ba sông Mới - sông Văn Úc cho đến bến Khuể) và khu vực Cẩm Khê là số lượng văn bia được tập trung khá lớn; còn lại dường như người ta ít tìm thấy các văn bia phản ánh về đời sống, tín ngưỡng của các làng xã ven bờ sông Văn Úc cho tới khi nó đổ ra biển. Bên cạnh đó, ở bên hữu ngạn sông Văn Úc thì phần lớn các làng xã có nhiều văn bia thường nằm gần sông Đa Độ hơn là dòng chính của nó.
Xét ở nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau (tổng số lượng văn bia và bía hậu cũng như tỷ lệ trung bình văn bia trên một đơn vị hành chính) thì vùng lưu vực sông Thái Bình hiện nay trở thành khu vực có mật độ cao nhất. Hiện tượng này được lý giải bởi đây là vùng đất đã có một quá trình phát triển lâu dài và là một trung tâm dân cư khá đông đúc. Trong khi toàn bộ các làng xã bên bờ sông Thái Bình thuộc địa phận huyện Tiên Lãng có mật độ văn bia đậm đặc nhất là đoạn từ đồ Đăng cho đến ngã ba Quý Cao thì các tài liệu bi ký hai bên bờ sông Văn Úc lại khá ít ỏi. Phải chăng sự phân hoá loại hình di tích này giữa hai khu vực phản ánh vai trò của hai nhánh sông này trong các tuyến giao thông, thương mại ở vùng hạ lưu sông Thái Bình thời Lê?
Nhìn trên trục thời gian chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự nổi trội của văn bia thế kỷ XVII với tổng số 147 đơn vị thác bản, chiếm 55,3% tổng số văn bia ở khu vực này trong ba thế kỷ. Tiếp theo là thế kỷ XVIII với 104 thác bản văn bia. Thế kỷ XVI là thế kỷ ít ghi lại dấu ấn nhất với 11 thác bản (chiếm 4,1%). Chỉ riêng năm mươi năm nửa cuối của thế kỷ XVII đã chiếm đến 47,4% số văn bia và 54,8% số bia hậu của toàn bộ vùng hạ lưu sông Thái Bình trong gần ba thế kỷ tồn tại. Có lẽ đây là thời kỳ diễn ra nhiều thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế, tín ngưỡng của vùng hạ lưu sông Thái Bình.
Vào từng thời gian cụ thể, số lượng văn bia ở mỗi vùng miền cũng có những sự khác biệt. Nếu như vào nửa cuối thế kỷ XVII, có thể thấy được sự phân hóa khá rõ nét về số lượng các văn bia ở cả ba khu vực này (nhất là sự chiếm ưu thế của vùng hạ lưu sông Thái Bình) thì đến các giai đoạn sau sự cân bằng đã được thiết lập.
Bên cạnh đó, việc phân tích số lượng văn bia theo các đơn vị xã và tổng cũng đem lại cho chúng ta nhiều thông tin đáng lưu ý. Khu vực tập trung số lượng văn bia lớn là các tổng Phú Kê (huyện Tiên Lãng) (chiếm 14,7% tổng số thác bản văn bia), Đại Công (chiếm 12,4%) và Đại Phương Lang (huyện An Lão) (chiếm 10,2%). Các vùng đất có ít văn bia phải kể đến các tổng Kỳ Vĩ, Dương Áo (huyện Tiên Lãng) và Nghi Dương (huyện Kiến Thụy) đều chưa chiếm tới 1% tổng số văn bia của toàn bộ khu vực.
Không chỉ ở cấp tổng mà sự phân hóa về số lượng văn bia theo các đơn vị là xã cũng được thể hiện với mức độ ngày càng cao. Trong khi nhiều làng xã có số lượng lớn tới hàng chục tấm bia như Phú Kê (tổng Phú Kê) (13 văn bia), Trung Lăng (tổng Phú Kê) (16 văn bia), Thạch Lựu (tổng Đại Phương Lang) (16 văn bia), Đại Công (tổng Đại Công) (11 văn bia)... thì có những làng xã chỉ có 1 tấm bia như các làng Lạt Dương (tổng Kỳ Vĩ), Kỳ Sơn (tổng Cổ Trai), Tiên Cẩm (tổng Đại Phương Lang)...
Có ý kiến cho rằng những xã có nhiều văn bia phải thường có những điều kiện cần thiết như là xã có tiềm năng về kinh tế để đứng ra tập hợp sức người sức của nhằm xây dựng tu bổ các công trình công cộng như đình, chùa, cầu, cống... rồi dựng bia ghi lại; hoặc là nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đẹp được trùng tu xây dựng; hoặc là xã có nhiều người tham gia vào tầng lớp quan lại quý tộc... (25). Do đó, ở một vùng đất biên viễn, khi mà dấu ấn của các tầng lớp quý tộc là khá mờ nhạt thì sự xuất hiện của một số lượng lớn văn bia dường như bắt nguồn từ sự phát triển kinh tế và thương mại?
Cũng giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, hệ thống văn bia ở vùng hạ lưu sông Thái Bình gắn bó chặt chế với các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, quán,...Các ngôi chùa ở vùng hạ lưu sông Thái Bình là loại hình di tích chiếm ưu thế nhất với 41% số lượng các di tích và 53,4% số lượng văn bia. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng có sự ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong vùng mà còn của các khu vực lân cận; được tiến hành trùng tu, xây dựng mở rộng nhiều lần trong hai thế kỷ XVII - XVIII như chùa Sùng Ân (Phú Kê, Tiên Minh), chùa An Tất (Thạch Lựu, An Lão), chùa Khánh Nguyên (Để Xuyên, Tiên Minh)... Điều đó cho thấy Phật giáo ngày càng có vai trò to lớn trong đời sống tín ngưỡng ở vùng hạ lưu sông Thái Bình vào thời điểm này. Bên cạnh chùa, đình làng trong các thế kỷ XVII . XVIII cũng trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng và tâm linh khá phổ biến. Từ thế kỷ XVII, số lượng đình ở vùng hạ lưu sông Thái Bình được nhắc tới qua văn bia cũng khá lớn với 46 ngôi đình (chiếm 36,8% số di tích và 33,6% số văn bia). Sự tăng cường của đời sống tôn giáo tín ngưỡng trước nay thường được giải thích từ những bất an trong cuộc sống thường nhật của con người, song dường như cũng giống như hiện nay nguyên nhân chính vẫn bắt nguồn từ những bước nhảy vọt lớn trong điều kiện kinh tế - xã hội của cư dân.
Trong tổng số 266 tấm bia ở khu vực này, ngoài một số bia được dựng lên nhằm ghi lại các hoạt động sửa chữa chùa chiến, hay xây dựng các công trình công cộng như đình, miếu, đê... thì bia hậu (bia gửi hậu) chiếm một số lượng khá lớn (63% tổng số văn bia phân tích). Chính vì thế nó có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu vùng hạ lưu sông Thái Bình (xem bảng 2).
Trên cơ sở phân tích 196 trường hợp gửi hậu trong 168 tấm bia ở vùng hạ lưu sông Thái Bình, chúng tôi nhận thấy có một số điểm đáng lưu ý sau:
- Điểm đầu tiên cần quan tâm là phần lớn những người cúng hậu là người bình dân tại địa phương. Trừ một số văn bia thế kỷ XVI phản ánh các hoạt động cúng hậu của tầng lớp quý tộc nhà Mạc, song về cơ bản trong phần lớn các thế kỷ XVII - XVIII, dấu ấn của các tầng lớp quan lại trong các bia cúng hậu là không nhiều. Lực lượng cúng hậu xuất hiện trong văn bia thời kỳ này cũng chủ yếu là quan lại địa phương. Trong 195 trường hợp cúng hậu chỉ có 16 trường hợp là quan lại cúng, trong đó có 1 trường hợp là quan tước hầu, một trường hợp là tri phủ, còn lại là các quan lại các cấp ở địa phương như cai tổng, huyện thừa, xã trưởng, chánh trưởng, lão nhiêu…
- Cũng như số lượng văn bia thời Lê ở hạ lưu sông Thái Bình nói chung, nửa cuối thế kỷ XVII vẫn là khoảng thời gian có số lượng bia hậu đạt mức độ tập trung cao nhất. Hiện tượng này chắc chắn có liên quan đến sự phát triển kinh tế ở Đàng Ngoài nói chung và vùng hạ lưu sông Thái Bình nói riêng. Sang thế kỷ XVIII, số lượng người cúng hậu có xu hướng suy giảm và tỷ lệ giữa các khu vực ngày càng trở nên cân bằng.
- Trong các loại hình cúng hậu, việc cúng bằng tiền chiếm ưu thế nổi bật (57,9%) trong khi việc cúng bằng ruộng lại khá ít ỏi (3,6%). Điều đó chứng tỏ quan hệ tiền tệ đã từng bước xâm nhập vào trong đời sống của cư dân địa phương. Song mức độ cúng tiền ở đây vẫn còn ở mức thấp. Đa phần các trường hợp cúng tiền đều dưới 100 quan (chiếm 34,4% số các trường hợp cúng hậu và hơn 50% tổng số trường hợp cúng tiền). So sánh mức độ cúng hậu ở vùng hạ lưu sông Thái Bình với các làng xã thuộc trấn Kinh Bắc có thể thấy, nếu loại trừ các trường hợp là do các tầng lớp quý tộc đóng góp thì về cơ bản, mức độ cúng hậu của người bình dân ở vùng hạ lưu sông Thái Bình với vùng Kinh Bắc là tương đương (26). Như thế, cũng giống như các vùng đất buôn bán nổi tiếng của trấn Kinh Bắc, tư liệu văn bia đã gián tiếp phản ánh sự nổi trội của tính chất kinh tế hàng hóa ở vùng hạ lưu sông Thái Bình thế kỷ XVII - XVIII.
- Khu vực tập trung số lượng cúng hậu đông đảo dường như vẫn chủ yếu trong phạm vi các làng xã ở vùng hạ lưu sông Thái Bình và sông Luộc song sự khác biệt đã bước đầu được thể hiện một cách tương đối rõ nét. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, số lượng đối tượng cúng hậu ở khu vực II đã chiếm hơn một nửa toàn bộ số lượng người cúng hậu (56/98 trường hợp cúng hậu) và chiếm khoảng 40% số lượng người cúng tiền ở vùng hạ lưu sông Thái Bình trong suốt ba thế kỷ với 43 trường hợp.
Tại thời điểm này, không chỉ về số lượng người tham gia cúng hậu mà khối lượng tài sản cúng hậu giữa các khu vực cũng có xu hướng phân hoá. Khu vực I dù có một số lượng bia hậu và trường hợp cúng hậu khá phong phú (với 29 trường hợp vào nửa cuối thế kỷ XVII) song nhìn trên đại thể có thể thấy mức độ tài sản gửi hậu vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng số đối tượng. Đối với trường hợp cúng tiền từ 300 quan trở lên thì trong ba thế kỷ chỉ có 5 trường hợp và tất cả đều thuộc về các làng xã của khu vực II. Trong đó, riêng nửa cuối thế kỷ XVII đã có 4 trường hợp. Đối với các trường hợp cúng cả tiền và ruộng, vào nửa cuối thế kỷ XVII thì cả khu vực I và khu vực II đều có số lượng người cúng tương đương nhau (khu vực I là 8 trường hợp và khu vực II là 9 trường hợp). Riêng ở cấp độ tài sản cúng lớn nhất theo phân loại của chúng tôi (số ruộng lớn hơn 1 mẫu và số tiền lớn hơn 100 quan) có 3 trường hợp thì 2 trường hợp của khu vực II và 1 trường hợp thuộc về khu vực I.
Sự phân hoá giữa các khu vực được thể hiện đầy đủ nhất ở ba tổng đại diện là Đại Công (chiếm 58,6% trường hợp cúng hậu của khu vực I), Phú Kê (chiếm 32,7% số trường hợp cúng hậu của khu vực II) và Đại Phương Lang (chiếm 71,4% số trường hợp cúng hậu của khu vực III) vào nửa cuối của thế kỷ XVII (xem bảng 3).
Những tư liệu điều tra khảo sát trên thực địa và các kết quả phân tích tư liệu văn bia ở vùng hạ lưu sông Thái Bình thế kỷ XVII - XVIII trên bước đầu cho chúng ta đi đến một số nhận xét sau:
kỷ XVII - XVIII trên bước đầu cho chúng ta đi đến một số nhận xét sau:
Thứ nhất, có thể nhận thấy sự phát triển đột biến cả về các dấu tích thương mại và nhất là bi ký ở vùng hạ lưu sông Thái Bình chủ yếu diễn ra vào nửa cuối thế kỷ XVII. Vào thế kỷ XVIII, số lượng văn bia, số người cúng hậu và các dấu tích kinh tế có dấu hiệu suy giảm rõ rệt (khoảng 60%). Thời gian này khá trùng khớp với quá trình hoạt động của V.O.C và EI.C ở Đàng Ngoài. Bên cạnh đó, qua so sánh với số lượng văn bia của nhiều khu vực trên phạm vi cả nước cùng thời điểm (nhất là khu vực Kinh Bắc) và kết quả nghiên cứu về vai trò của các hệ thống cửa sông ven biển ở hạ châu thổ sông Hồng thế kỷ XVII, chúng tôi cho rằng sự trỗi dậy của các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng và các dấu tích thương mại dày đặc ở vùng hạ lưu sông Thái Bình có liên quan trực tiếp đến các hoạt động của các thương nhân phương Tây. Phải chăng dù chưa có đủ tư liệu về hoạt động buôn bán với các lái buôn ngoại quốc song qua các dấu tích còn lại của một hệ thống thương mại sầm uất và những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế qua tư liệu văn bia, vùng đất này chắc hẳn không chỉ là một bến đỗ đơn thuần mà thực chất nó có thể là một tụ điểm giao thương, một nơi tập kết hàng hóa quan trọng trên tuyến thương mại ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII?
Thứ hai, dựa trên các dấu tích còn lại và nhất là trên cơ sở phân tích hệ thống các tài liệu văn khắc trên đá tồn tại ở hầu khắp các làng xã đã góp phần cho chúng ta nhận diện về những đặc trưng của các cảng bến - thương mại và các hoạt động kinh tế, tôn giáo tín ngưỡng ở từng khu vực thuộc hạ lưu sông Thái Bình thế kỷ XVI-XVIII.
Vùng hạ lưu sông Luộc và khu vực phía Bắc của huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng ngày nay cũng có thể coi là một khu vực khá đậm đặc các dấu tích gốm sứ và văn bia. Điều đó góp phần làm rõ vai trò của sông Luộc trở thành một bộ phận trong tuyến đường thương mại ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII - XVIII. Tuy nhiên, xét về mức độ tập trung các dấu tích thương mại và văn bia, khu vực này cũng chưa phải là nơi trù mật nhất so với toàn bộ vùng hạ lưu sông Thái Bình. Hơn nữa xét về mặt địa thế, vùng đất phía Bắc ngã ba Quý Cao khó có thể trở thành một điểm đỗ thuyền thuận lợi bởi đây là một vùng đất khá thấp lại nằm gần ngã ba sông Mới (vốn trước đây đã là một lạch sông cổ bị tàn). Các nguồn thư tịch cổ và tư liệu địa danh cùng xác định vùng đất phía Bắc huyện Tiên Lãng vốn là lỵ sở của huyện lỵ huyện Tiên Minh trong một thời gian dài. Điều đó góp phần lý giải sự tồn tại sự phát triển kinh tế và các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở đây như là một trung tâm hành chính - quân sự chiến lược hơn là một thương cảng, một trung tâm kinh tế.
Vùng hạ lưu sông Thái Bình và nhất là khu vực xung quanh các lòng sông cổ trên địa phận huyện Tiên Lãng trở thành nơi phản ánh đầy đủ nhất các hoạt động kinh tế thương mại vào nửa cuối thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII trên cả các dấu tích vật chất cũng như tư liệu bi ký. Những điều đó góp phần xác lập vai trò trọng yếu của sông Thái Bình hiện nay trong tuyến thương mại ở vùng duyên hải Đàng Ngoài thế kỉ XVII-XVIII. Như thế, có thể hình dung tuyến giao thông thương mại trên sông Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII . XVIII về cơ bản dựa trên trục: cửa Thái Bình - sông Thái Bình - sông Luộc - sông Hồng - Thăng Long. Tuy nhiên, xung quanh trục chính này là một hệ thống các sông nhánh tạo thành một mạng lưới dày đặc có khả nặng liên kết các khu vực trong nội địa và nhiều hệ thống sông ngòi lân cận. Những đặc trưng này cũng khá gần với diện mạo sông nước của cảng thị Hội An vào thời kỳ phát triển thịnh đạt.
Thứ ba, trong dấu tích các cảng bến cổ ở trên sông Thái Bình, khu vực An Dụ (xã Khởi Nghĩa) có một vị trí đặc biệt hơn cả không chỉ bởi An Dụ nằm gần ở vị trí 200 45 theo mô tả của William Dampier mà còn bởi các dấu tích gốm sứ và thương mại ở đây khá rõ nét để có thể hình dung về một cảng bến thương mại sầm uất cách ngày nay vài thế kỷ. Mặc dù không phải là khu vực có số lượng cúng hậu lớn nhất song nằm trên một cồn cát cao bên sông lại rất gần với các trung tâm kinh tế, tín ngưỡng lớn xung quanh như Phú Kê, Hà Đới, Cựu Đôi, Trung Lăng..., An Dụ hội đủ các điều kiện thuận lợi trở thành điểm đỗ để thuyền bè cập bến, tập kết hàng hóa. Cùng với các nghiên cứu trên bản đồ và địa mạo cổ, đây chính là một những định hướng quan trọng cho phép chúng ta có những nghiên cứu cụ thể và tập trung hơn để tìm vị trí Domea nổi tiếng - địa danh được ghi chép khá cụ thể trong các nguồn tư liệu phương Tây trên vùng đất An Dụ - Khởi Nghĩa và các khu vực phụ cận ven sông Thái Bình, phía Bắc huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng ngày nay.
Thứ tư, hệ thống thương mại và kinh tế ở hạ lưu sông Thái Bình bắt đầu hình thành và phát triển từ giữa cho đến hết nửa sau của thế kỷ XVII. Quá trình suy thoái được diễn ra vào khoảng những thập niên 30-40 của thế kỷ XVIII. Với việc giảm thiểu số lượng văn bia và lượng cúng hậu ít ỏi chủ yếu tập trung ở khu vực gần cửa biển (vùng đất thuộc tổng Diên Lão) hơn là khu vực nội địa vào thế kỷ XVIII đã minh chứng cho sự suy yếu của các hoạt động kinh tế trên các tuyến sông Thái Bình - sông Luộc. Đó cũng chính là hệ quả chung của những biến động xã hội to lớn ở Đàng Ngoài vào nửa cuối thế kỷ XVIII cũng như sự thiếu vắng của các thương nhân phương Tây trên vùng đất này từ sau các thất bại về mậu dịch và ngoại giao.
VŨ ĐƯỜNG LUÂN*
CHÚ THÍCH
*Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN
(21). Những thống kê này chúng tôi dựa trên sưu tập bản dập văn bia của Viện Viễn Đông Bác Cổ (E.F.E.O) được tiến hành vào đầu thế kỷ XX. Những sưu tập này chắc chắn chưa phải là toàn bộ văn bia thời Lê ở vùng hạ lưu sông Thái Bình song theo chúng tôi vào thời điểm này hiện trạng văn bia là khá đầy đủ. Hơn nữa, đây là những tài liệu có giá trị để tham khảo và phản ánh khá toàn diện đời sống kinh tế, tín ngưỡng ở khu vực này.
(22). Phạm Thị Thuỳ Vinh, Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh đời sống sinh hoạt làng xã, Tủ sách Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin và Viện Viễn Đông Bác Cổ xuất bản, Hà Nội, 2003, tr. 58
(23). Phạm Thị Thuỳ Vinh, Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh đời sống sinh hoạt làng xã, sđd, tr. 58
(24). Khu vực thứ nhất là vùng đất dọc hai bên bờ sông Luộc vùng xung quanh Quý Cao và phụ cận (bao gồm các tổng An Đường, Hà Lộ của huyện Tứ Kỳ và các tổng Đại Công, Kinh Khê của huyện Tiên Minh). Khu vực thứ hai là các làng xã của huyện Tiên Minh nằm hai bên bờ sông Thái Bình và hệ thống sông cổ bao gồm các tổng Ninh Duy, Phú Kê, Hà Đới, Kinh Thanh, Tử Đôi, Hán Nam Diên Lão.
Khu vực thứ ba là vùng ven sông Văn Úc (thuộc các tổng Kỳ Vĩ, Cẩm Khê, Dương Áo của huyện Tiên Minh và các tổng Câu Thượng, Cao Mật, Đại Phương Lang (huyện An Lão) và các tổng Cổ Trai, Nghi Dương (huyện Nghi Dương).
(25). Phạm Thị Thuỳ Vinh. Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh đời sống sinh hoạt làng xã, sđd, tr. 68.
(26). Ví dụ như trường hợp cúng tiền lớn nhất ở vùng Kinh Bắc vào năm Chính Hòa 26 (1705) của một người đàn ông được ghi trong tấm bia Lập hậu thần phối hưởng tại đình xã Mai Cương, huyện Quế Dương phủ Từ Sơn là 400 quan tiền thì cũng vào năm 1684 tại xã Kim Đới, tổng Hà Đới, huyện Tiên Minh cũng có hai vợ chồng cúng 350 quan tiền xin làm hậu thần. Vào năm 1776, ở xã Tiền Minh, tổng Diên Lão có người phụ nữ cúng số tiền và ruộng lớn nhất là 700 quan tiền sử và 1 mẫu ruộng thì số tiền và ruộng cúng lớn nhất được ghi lại ở trấn Kinh Bắc vào năm 1787 là 5 mẫu 6 sào ruộng và 150 quan cổ tiền (theo bia Hậu thần bi ký, dựng ở đình thôn Ngọc Động, xã Cựu Tự, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn). Do thời giá của mỗi thời điểm giữa tiền và ruộng có khác nhau, việc so sánh này cũng chỉ mang tính chất tương đối và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Xem thêm: Hội An - Di sản văn hóa thế giới, Nghiên cứu lịch sử số 4 (2004)
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và thảo luận liên quan, song vẫn còn rất nhiều bí ẩn về cách thức và công nghệ mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để xây dựng nên các kim tự tháp vĩ đại.
Quần đảo Galapagos là một khu di sản thế giới, nằm trong vùng phía Nam của Thái Bình Dương, cách Ecuador 1.000km về phía Tây và được mệnh danh là một “bảo tàng sống và nơi trưng bày sự tiến hóa”độc đáo.
Peñón de Vélez de la Gomera, một hòn đảo đá nhỏ ở phía bắc châu Phi bị Tây Ban Nha chinh phục vào năm 1564, và cho tới nay, nó là nơi giữ danh hiệu biên giới quốc gia nhỏ nhất thế giới, chỉ dài 85 mét.