Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Tìm hiểu kiến trúc tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương

15/06/2023397

Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo 阮福昊, còn có tên là Hiệu, ông là con thứ 9 của đức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và bà Hữu Cung tần Trương Thị Hoàng. Tuyên Vương sinh vào ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Mùi (27/12/1739).

1. Thân thế và sự nghiệp Tuyên Vương và Mục Vương

1.1. Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo (1739 - 1760)

Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo 阮福昊, còn có tên là Hiệu, ông là con thứ 9 của đức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và bà Hữu Cung tần Trương Thị Hoàng. Tuyên Vương sinh vào ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Mùi (27/12/1739). Theo sách Tiên nguyên toát yếu phổ ?源撮要譜 do “Liên Đình Tôn Thất Hân” 蓮亭尊室訢 soạn năm Khải Định thứ 2 (1917) cho biết, ban đầu ông được chọn lập làm Thế tử, “nhơn gặp lễ Thánh đản của đức Võ Vương, ông đem một mâm lúa dâng lên mừng. Vua lấy làm lạ mới hỏi, ông tâu rằng: Lúa là gốc để nuôi lấy sự sống nên con xem quý hơn châu ngọc vì thế đem dâng”,(1) Đức Võ Vương nghe vậy vui mừng khôn xiết.

Tuyên Vương mất vào ngày 18 tháng 02 năm Canh Thìn (04/4/1760) lúc vừa tròn 22 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Khoát thương xót vô cùng, phong tặng Thái bảo Quận công, ra lệnh cấm việc xướng ca trong vòng 100 ngày, lăng ông táng tại làng Long Hồ (Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Sách Đại Nam thực lục [Tiền biên, Thực lục về Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế] có đoạn: “Canh Thìn, năm thứ 22 (1760), mùa xuân, tháng 02, ngày Giáp Ngọ, Thế tử là Hiệu mất, tặng Thái bảo Quận công, cấm hát xướng trong 100 ngày. Thế tử là người hiền hiếu, nhân từ, thông minh, ai cũng tiếc (năm Gia Long thứ 3 truy phong là Tuyên Vương, lập đền thờ ở xã Long Hồ)”.(2)

Đến thời kỳ Trung Hưng ông được phong thụy là: Hiếu Tuyên Vương (孝宣 王), thờ ở án thờ thứ 5 tại Thái Miếu ở Gia Định. Sau ngày thu phục Phú Xuân, năm 1804 vua Gia Long cho cải thụy là: Duệ Tiết Ôn Lương Anh Duệ Minh Đạt Tuyên Vương, sai dựng nhà thờ ở Long Hồ để thờ.(3) Ông có một người con, đó chính là Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương.

1.2. Thân thế và sự nghiệp Mục Vương Nguyễn Phúc Dương

Mục Vương Nguyễn Phúc Dương 阮福暘, hiệu là Tân Chánh Vương 新政 王, là con trai của Hiếu Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo, cháu nội của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và gọi chúa Nguyễn Phúc Thuần bằng chú.

Ban đầu Hiếu Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã lập người con trai thứ 9 (tức Hiếu Tuyên Vương) làm Thế tử. Tuy nhiên, Thế tử mất sớm, Hoàng tử trưởng là Nguyễn Phúc Chương cũng qua đời nên mới chuẩn bị lập vị Hoàng tử thứ 2 là Nguyễn Phúc Côn (Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế, thân phụ vua Gia Long) lên làm Thế tử.(4)

Sau ngày Võ Vương mất (1765), quyền thần Trương Phúc Loan thay đổi di chiếu, phế bỏ Hoàng tử Côn, lập Hoàng tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần (tức Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế) mới 12 tuổi lên ngôi và xưng hiệu là Định Vương. Trương Phúc Loan chuyên quyền, tham lam bạo ngược, ra sức cướp bóc, trong dinh ngoài trấn sinh lòng oán hận rồi nạn buôn quan bán tước, sưu cao thuế nặng khiến cho bá tính khổ cực trăm bề. Năm 1773, quân Tây Sơn nổi binh chiếm cứ Quy Nhơn.

Mùa đông năm 1774, binh quan chúa Trịnh do lão tướng Hoàng Ngũ Phúc thân chinh tiến đánh Phú Xuân, với danh nghĩa “vì thân thích nhiều đời với chúa Nguyễn nên đem quân vào giúp, diệt trừ lộng thần Trương Phúc Loan”. Phú Xuân thất thủ, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng toàn bộ gia quyến chạy vào Quảng Nam, “năm Ất Vị thứ 10 (1775), chúa trú tất tại Giá Tân (thuộc tỉnh Quảng Nam) lập Hoàng Tôn Dương làm Thế tử, xưng là Đông Cung”.(5)

Bấy giờ Phú Xuân đã bị quân Trịnh tiến chiếm, trong Nam Tây Sơn dấy binh khởi nghĩa. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng toàn bộ gia quyến rời Phú Xuân để vào Gia Định, Đông Cung đành phải ở lại để cố thủ đất Quảng Nam. Theo sách Đại Nam thực lục và Tiên nguyên toát yếu phổ thì Đông Cung Nguyễn Phúc Dương ở lại đóng binh tại Cu Đê, quân Tây Sơn mưu lập ông làm vua để thu lấy lòng dân. Đông Cung hay tin mới tìm đường núi (thượng đạo) để lén vào Gia Định, nhưng đi nửa đường thì bị Lý Tài (tướng Tây Sơn, về sau đầu hàng) đuổi theo bắt được đưa về Hội An. Nguyễn Nhạc đón ông về Quy Nhơn, gặp lúc quân do Tống Phước Hiệp thống lĩnh tiến đánh Phú Yên, đành chuyển ông tới Hà Liêu, An Thới (Quảng Nam) rồi Bông Giang. Tại đây, Nguyễn Nhạc mưu lập Đông Cung để thu phục nhân tâm “đem con gái là Thọ Hương gả cho, cho nhiều vàng bạc gấm lụa, lại cho huyện Bình Sơn làm của hồi môn (...) song Đông Cung đều không chịu”.(6) Có lẽ vì chuyện này, nên cả Châu Văn Tiếp và Lý Tài rất bất mãn, dần từ bỏ hàng ngũ Tây Sơn, quy phục chúa Nguyễn.

Gần một năm sau (1776), Nguyễn Nhạc đưa Nguyễn Phúc Dương “về chùa Thập Tháp, đắp thành Đồ Bàn, lại đúc ấn vàng tự xưng làm vua Tây Sơn”.(7) Năm đó ông trốn vào Gia Định. Nghe tin ông vào Gia Định, Lý Tài (vốn là thuộc hạ của Nguyễn Nhạc sau theo về giúp Tống Phước Hiệp) rước ông về và lập nên Tân Chính Vương, tôn Duệ Tông làm Thái Thượng Vương. (8)

Vào năm Đinh Dậu (1777), Nguyễn Huệ dẫn quân đánh vào Sài Gòn, ông bị thua phải lui về rạch Tranh, cố giữ Trà Lọt. Tháng 4 năm đó, Tây Sơn tấn công rạch Tranh, Chưởng cơ Tống Phúc Thiêm đón ông về Ba Việt. Trong tình hình hết sức nguy ngập, hầu hết các tướng đều bị chết, chỉ còn mình ông và Tống Phúc Hòa chiến đấu định chạy vào Bình Thuận hợp binh với Châu Văn Tiếp. Sự việc chưa thành thì giặc tấn công Ba Việt, Tống Phúc Hòa mất, ông sợ đồn binh bị thảm sát, nên giao ước với Tây Sơn rằng: “Nếu các ngươi dung tha tính mạng cho quân dân trong đồn của ta, ta sẽ tự tới chỗ các ngươi”.(9)

Ông mất vào ngày 18 tháng 9 năm Đinh Dậu (18/10/1777). Ban đầu ông được ban thụy là Hiếu Huệ Vương, thờ tại Thái Miếu ở Gia Định,(10) đến năm 1804 cải thụy: Cung Mẫn Anh Đoán Huyên Mặc Vĩ Văn Mục Vương 恭敏英斷玄默偉 文穆王.

2. Hiện trạng và kiến trúc tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương

2.1. Tẩm mộ và miếu thờ Tuyên Vương, Mục Vương qua ghi chép của chính sử triều Nguyễn

Tuyên Vương mất vào năm 1760, lăng táng tại làng Long Hồ. Trong sách Đại Nam liệt truyện [Tiền biên] cho biết như sau: “[Tuyên Vương] mất năm ấy 22 tuổi, tặng là Thái bảo Quận công, táng ở xã Long Hồ. Năm Gia Long thứ 3 (1804) cho lập đền ở Long Hồ để thờ”.(11) Mục Vương mất vào ngày 18 tháng 10 năm 1777, đến năm Gia Long thứ 8 (1809) cải táng về dựng sơn phần ở xã Long Hồ, “thờ chung viên tẩm của Tuyên Vương, cấp cho hai vương mỗi người 100 mẫu ruộng thờ”. (12) Tẩm mộ của nhị vị Tuyên Vương, Mục Vương táng trong cùng một khuôn viên, cạnh đó là ngôi đền thờ, để con cháu hương khói thường niên.

Đền thờ Tuyên Vương, Mục Vương tuy chỉ còn lại của một phế tích, nhưng đây là công trình kiến trúc rất quan trọng gắn bó mật thiết với khu tẩm mộ. Đền thờ Tuyên Vương, Mục Vương là nơi phối thờ hai ngài, được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ mô tả như sau “tiền đường và chính đường đều ba gian, hợp làm một tòa, bốn chung quanh có tường bao, có một cửa trước”.(13)

Ghi chép về đền thờ này, trong Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “Đền thờ Tuyên Vương, Mục Vương ở xã Long Hồ, huyện Hương Trà, dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Chính đường, tiền đường đều ba gian, hợp làm một tòa. Thờ chung hai vị Tuyên Vương, Mục Vương”. (14) Theo một số người dân cho biết, toàn bộ kiến trúc miếu thờ bị cuốn trôi trong cơn lũ năm 1953. Hiện nay, phần nền móng của nó đã bị san phẳng hoàn toàn.

Xuất phát từ tấm lòng hiếu kính, tri ân và ngưỡng vọng công đức tiền nhân, nối tiếp các triều vua nhà Nguyễn, bên cạnh việc chăm lo sửa sang, xây dựng mộ phần, lăng tẩm, miếu thờ các đời liệt thánh, tổ tiên dòng họ, thì việc phụng thờ, tế tự được triều đình chu toàn mọi bề. Hoạt động tế tự thường niên đối với nhị vị Tuyên Mục Vương trước năm 1945 được tổ chức đều đặn theo đúng quy định điển chế của triều đình. Bắt đầu từ triều vua Gia Long trở đi, hàng năm tế vào hai mùa Xuân Thu và ngày hợp tế diễn ra ở Thái Miếu. Hai ngày lễ kỵ đều dùng tam sinh, 2 mâm xôi, 2 mâm cỗ; ba ngày tết Chính đán, Đoan dương, Tế chạp, Cáo kỵ dùng 2 mâm cỗ.(15)

Dưới thời kỳ nhà Nguyễn, tẩm mộ và đền thờ Tuyên Vương, Mục Vương do phủ Tôn Nhơn đứng ra đảm trách việc hương khói, giỗ chạp. Từ đầu triều vua Gia Long (1805), chuẩn cấp cho 20 người dân ở làng Long Hồ lo việc phu đền, tẩm mộ, đồng thời cấp 200 mẫu ruộng chi dùng tế tự. Sau năm 1945, các lễ húy kỵ, chạp giỗ hàng năm do con cháu và Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc đảm nhiệm.

Trong một thời gian dài do thiếu điều kiện chăm sóc tu bổ, chiến tranh, thiên nhiên tàn phá, cụm tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Năm 2004, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc tiến hành khảo sát, phát quang cây cỏ. Trong đợt này Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc đã cho thiết dựng một tấm bia đá định danh, có kích thước: cao 90cm; rộng 59cm; dày 8cm, đặt trên đế rộng 83cm; dài 43cm và cao 24cm, dựng ngay vị trí tiền án lăng, ghi rõ nội dung: danh tính, năm sinh năm mất của hai ngài.

2.2. Hiện trạng và kiến trúc tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương

Tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương (Tuyên Mục nhị Vương lăng 宣穆二王陵), nằm về phía tây của thành phố, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9,6km. Tọa lạc sát bên bờ sông Bạch Yến, tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương có tọa độ 16°44’97” vĩ độ Bắc, 107°52’78” kinh độ Đông, thuộc địa phận Xóm Tẩm, giáp Hạ, làng Long Hồ (nay là Tổ 5, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

So với nhiều lăng mộ thời chúa Nguyễn, tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương khá thuận tiện trong việc đi lại cả đường bộ lẫn đường thủy. Từ thành phố Huế, du khách muốn viếng thăm, đi ngược lên vùng Kim Long, chạy thẳng theo tuyến đường Tỉnh lộ 12B, ngang qua chùa Thiên Mụ, Văn Miếu..., đến cầu Long Hồ (hay còn gọi là cầu Xước Dũ) rẽ phải theo đường Nguyễn Trọng Nhân, đi khoảng 150m rẽ trái vào kiệt 05, tiếp tục đi thẳng khoảng 310m thì đến khu mộ Tuyên Vương, Mục Vương.

Sau ngày trở lại Phú Xuân (1802), các vị vua nhà Nguyễn tiến hành cải táng hàng loạt các ngôi mộ của thân quyến từ miền Nam về lại Huế. Phần lớn lăng mộ các đời chúa Nguyễn đều được cát táng ở phía tây, tây nam Kinh Thành, dọc hai bờ Sông Hương và hệ thống chi lưu của nó. Tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương được xây dựng trên bãi bồi ven sông, quay mặt theo hướng tây nam, cách sông Bạch Yến khoảng 40m. Hai ngôi lăng này đặt cách nhau khoảng 5,69m.

Hình 1: Vị trí lăng mộ Tuyên Vương, Mục Vương trên Google map.
Hình 1: Vị trí lăng mộ Tuyên Vương, Mục Vương trên Google map.

Tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương được xây dựng trên cùng một địa điểm  nhưng trong khoảng thời gian khác nhau, cụ thể là cách nhau gần 50 năm. Lựa  chọn vị trí xây dựng tẩm mộ cho nhị vị Vương, các nhà kiến trúc sư vào thời điểm  đó hoàn toàn tuân thủ quan điểm về thuật phong thủy. Hai ngôi mộ này được bao  bọc bởi con sông Bạch Yến (chi lưu Sông Hương), xa xa là những dãy đồi núi  trùng điệp với chức năng tiền án, che chắn vững chải vô cùng.  

2.2.1. Tẩm mộ Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo 

Tọa hướng tây nam, tẩm mộ Tuyên Vương có bình đồ hình chữ nhật, với cấu  trúc hai vòng thành (ngoại phương - nội viên). Thành ngoại tẩm mộ với tổng chiều  dài 21,1m; chiều rộng 18,07m; cao 72cm; dày 120cm. Hiện nay chỉ còn lại đoạn  thành ở phía hữu là còn khá nguyên vẹn, hai đoạn phía tả, mặt tiền và mặt hậu sụp  đổ hoàn toàn, đất bồi lấp kín, cây dại xâm thực.  

Thành ngoại được xây dựng bằng gạch, đá (đá gan gà, đá núi), bên ngoài trát  vôi vữa. Tại đây, chúng tôi xác định có ít nhất hai loại gạch được sử dụng. Loại thứ  nhất có chiều rộng 13,9cm; dày 3,7cm. Loại thứ hai, với chiều rộng 15cm; dày 4,2cm. 

Thành nội có dạng viên hình, với đường kính 641cm (nơi rộng nhất), thành  dày 59cm; cao 55cm (nơi cao nhất). Khác với thành ngoại, thành nội được xây  dựng bằng hợp chất vôi hàu tán nhuyễn, mịn đều, dựa theo kỹ thuật đúc xếp chồng  các lớp hợp chất. Thành thấp dần từ trước đến sau, phía trước uốn cong tạo thành  cổng mộ với bề rộng 139cm, phần chóp trụ thiết kế theo hình xoắn ốc. Phía mặt  tiền thành được mở rộng theo hình gấp khúc, có dạng long hóa, tạo nên sự mềm  mại, cân đối về bình diện. 

Hình 2: Tổng thể tẩm mộ Tuyên vương. Ảnh: Tôn Thất Hộ.
Hình 2: Tổng thể tẩm mộ Tuyên vương. Ảnh: Tôn Thất Hộ.

Nấm mộ lăng Tuyên Vương có kiểu mộ hình chữ nhật (sàng hình), với hai tầng xây dựng bằng vôi vữa, phía trước không có hương án. Trong đó, kích thước tầng trên với chiều dài 273,2cm; chiều rộng 171cm; chiều cao 16,2cm. Tầng dưới có kích thước: chiều dài 324cm; chiều rộng 222cm; chiều cao 27cm. Theo một số người dân nơi đây, sau năm 1975, tẩm mộ Tuyên Vương đã bị một số kẻ gian đào trộm, lấy đi rất nhiều đồ tùy táng.

Sơ đồ tổng thể tẩm mộ Tuyên Vương. Nguồn: KTS. Trần Đại Hạnh.
Hình 3: Sơ đồ tổng thể tẩm mộ Tuyên Vương. Nguồn: KTS. Trần Đại Hạnh.

2.2.2. Tẩm mộ Mục Vương Nguyễn Phúc Dương

Tẩm mộ Mục Vương nằm về phía bên phải (từ trong nhìn ra), có bình đồ hình chữ nhật, bao gồm hai vòng thành (thành nội, thành ngoại), (nội phương - ngoại phương), với tổng chu vi là 79,6m2 , bao gồm các đơn nguyên kiến trúc: bình phong tiền, án thờ, tẩm mộ.


Hình 4: Hiện trạng tẩm mộ Mục Vương. Ảnh: Tôn Thất Hộ.

Thành ngoài với chiều rộng 17,5m; dài 21,75m; thành dày 89cm; cao 112cm.  Đoạn thành ở mặt hậu và hai bên tả hữu bị sụt lún, nhiều đoạn sụp đổ hoàn toàn, đất  cát vùi lấp, độ cao khoảng 46cm. Thành được xây dựng bằng đá, theo kỹ thuật xếp  khan. Thành nội cách thành ngoại ở mặt tả - hữu 161cm; mặt tiền 410cm, mặt hậu  191cm; cửa rộng 275cm. Thành cao 52cm; dày 72cm, rộng 11,87m; dài 13,97m.  

Bình phong tiền ở tẩm mộ Mục Vương được xây bằng đá gan gà, gạch vụn,  trát vôi vữa, cách thành ngoại 165cm và thành nội là 168cm. Bình phong có kích  thước: cao 66cm; rộng 383cm và dày 82cm. Mặt trước và mặt sau bình phong đều  đắp nổi sành sứ, đường viền kẻ chỉ nổi. Tại vị trí chính diện mặt tiền vẫn còn thấy  rõ hoa văn hổ phù. Tuy nhiên do thời gian, chiến tranh tàn phá, bình phong bị sụt  lún, bong tróc quá nhiều nên rất khó để nhận diện đề tài trang trí. Hương án tẩm  mộ Mục Vương xây bằng cốt gạch, trát vữa. Khoảng cách từ bình phong tiền đến  hương án là 717cm. Chiều cao của hương án 75cm; dày 62cm; rộng 158cm.  

Nấm mộ của Mục Vương đặt cách hương án 94cm. Mộ với hai tầng hình  chữ nhật, xây bằng xi măng, cốt gạch. Tầng trên có kích thước: chiều cao 47,2cm;  chiều rộng 160cm; chiều dài 223cm. Tầng dưới với chiều cao 12,5cm; chiều rộng  202cm và chiều dài 266cm. 


Hình 5: Sơ đồ tổng thể tẩm mộ Mục Vương. Nguồn: KTS. Trần Đại Hạnh.

3. Một số nhận xét (Thay lời kết)

3.1. Về mặt tổng thể, cụm tẩm mộ nhị vị Vương có quy mô khá khiêm tốn,  đây là nơi “an giấc ngàn thu” của hai nhân vật có số phận khá đặc biệt, gắn liền với  thời kỳ cuối của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tẩm mộ Mục Vương thể hiện nét đặc  trưng nổi bật, có tính quy chuẩn thống nhất, hoàn toàn đồng dạng với cụm lăng mộ  9 đời chúa Nguyễn, với 2 lớp tường thành hình chữ nhật bao bọc, xây bằng đá núi,  gạch vồ, trước mặt có bình phong xây gạch đá che chắn. Nấm mộ xây hình khối  chữ nhật, giật 2 cấp. Trong khi đó từ kiểu thức đến kỹ thuật xây dựng, ngôi mộ của  đức Tuyên Vương lại phản ánh rõ phong cách lăng mộ thời Chúa, đây là giai đoạn  chuyển tiếp của kiến trúc lăng mộ triều Nguyễn nói chung. 

Tẩm mộ Tuyên Mục nhị Vương là chứng tích vật thể hiếm hoi, đây là nơi còn  lưu giữ, bảo tồn nguyên trạng kiến trúc ban đầu, thể hiện sự tiếp nối phong cách  kiến trúc, mỹ thuật giai đoạn chúa Nguyễn đến giai đoạn đầu vua Nguyễn. Cùng  với quần thể di tích Cố đô Huế, tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương là một phức hệ  trong hệ thống lăng tẩm thuộc thời Nguyễn, đó chính là “quỹ kiến trúc” quý giá để  chúng ta nghiên cứu và hiểu thêm về một giá trị lịch sử văn hóa, mỹ thuật và kiến  trúc của triều Nguyễn.  

3.2. Sớm được chỉ định “kế vị” ngôi Chúa, tiếc thay Hiếu Tuyên Vương mất  khi tuổi đời còn quá trẻ. Sau cái chết của ông, nội chính Nam triều ngày càng rối  ren, tiếp đó thành phần ngoại thích nổi lên, nội bộ tranh đoạt quyền lực lẫn nhau,  chính là duyên cớ cho những chuỗi ngày đầy biến động trên toàn cõi Việt Nam.  

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160) . 2020 11 

Sinh ra trong giai đoạn ly loạn, cuộc đời Mục Vương Nguyễn Phúc Dương  cũng thăng trầm theo vận nước. Ông đã trải hơn 4 năm trời ròng rã bôn tẩu, nếm  trải bao khổ đau tủi nhục. Thế nhưng, khi sự nghiệp chưa thành, thân ông phải gửi  lại nơi xứ người. Có thể nói rằng, khu tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương chính  là lưu ảnh duy nhất của hai vị vương có số phận kém may mắn trong lịch sử chính  thể Đàng Trong.  

Huế, vùng đất Cố đô xưa vẫn thường được nhắc đến là một thành phố của  thi ca, man mác nỗi buồn trong lòng người lữ thứ. Huế không chỉ có dòng Hương  Giang thơ mộng, hay thành quách rũ bóng rêu phong, mà Huế còn vấn vương du  khách thập phương bởi hệ thống lăng tẩm cổ kính. Với giá trị lịch sử, kiến trúc  nghệ thuật của khu tẩm mộ Tuyên Vương, Mục Vương, thiết nghĩ cần nhanh chóng  có phương án trùng tu, bảo tồn nhằm trả lại nguyên vẹn hiện trạng, góp phần đa  dạng hóa sản phẩm tour du lịch đến Huế. 

Lê Thị An Hòa, Đỗ Minh Điền

 

CHÚ THÍCH 

(1) Liên Đình Tôn Thất Hân. (1935). Tiên nguyên toát yếu phổ. Lễ Bộ Thượng thư Ưng Bình,  Ưng Tôn dịch. In tại nhà in Tiếng Dân. Huế, tr. 62. 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2004). Đại Nam thực lục. Tập I. Bản dịch Viện Sử học, tr. 167. (3) - Liên Đình Tôn Thất Hân. (1935). Tiên nguyên toát yếu phổ. Sđd, tr. 62 - 63. - Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc. (1995). Nguyễn Phúc tộc thế phả. Nxb Thuận Hóa, tr. 186. (4) Nguyễn Phước tộc. (1992). Nguyễn Phúc tộc giản yếu. Ban liên lạc Nguyễn Phước tộc tại  Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Lưu hành nội bộ, tr. 33. 

(5) Liên Đình Tôn Thất Hân. (1935). Tiên nguyên toát yếu phổ. Sđd, tr. 71. (6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1995). Đại Nam liệt truyện. [Tiền biên]. Bản dịch Cao Tự  Thanh. Nxb Khoa học Xã hội, tr. 110. 

(7) Liên Đình Tôn Thất Hân. (1935). Tiên nguyên toát yếu phổ. Sđd, tr. 72. (8) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1995). Đại Nam liệt truyện. Sđd, tr. 111. (9) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1995). Đại Nam liệt truyện. Sđd, tr. 113. 

(10) Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc. (1995). Nguyễn Phúc tộc thế phả. Sđd, tr. 229. (11) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1995). Đại Nam liệt truyện. Sđd, tr. 109. (12) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1995). Đại Nam liệt truyện. Sđd, tr. 112. (13) Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập VII [Quyển 207, Quy  chế Đàn miếu]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa, tr. 55. 

(14) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam nhất thống chí. Tập 1. Bản dịch Hoàng Văn  Lâu. Nxb Lao Động. tr. 57. 

(15) Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập IV [Quyển 92, Tế tự  các Đàn miếu]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa, tr. 314 - 315.

12 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160) . 2020 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc. (1995). Nguyễn Phúc tộc thế phả. Nxb Thuận Hóa.  2. Liên Đình Tôn Thất Hân. (1935). Tiên nguyên toát yếu phổ. Lễ Bộ Thượng thư Ưng Bình,  Ưng Tôn dịch. In tại nhà in Tiếng Dân. Huế. 

3. Nguyễn Hữu Thông, Chủ biên. (2014). Mỹ thuật thời chúa Nguyễn, dẫn liệu từ di sản lăng  mộ. Nxb Thuận Hóa. 

4. Nguyễn Phước tộc. (1971). Nguyễn Phúc tộc lược biên. Bản in Ronéo. 5. Nguyễn Phước tộc. (1992). Nguyễn Phúc tộc giản yếu. Ban liên lạc Nguyễn Phước tộc tại  Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Lưu hành nội bộ. 

6. Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập VII [Quyển 207, Quy  chế Đàn miếu]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa. 

7. Nội Các triều Nguyễn. (2005). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập IV [Quyển 92, Tế tự  các Đàn miếu]. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa. 

8. Phan Thanh Hải. (2003). “Lăng mộ các chúa Nguyễn”. Trong Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa  Phú Xuân. Nxb Thuận Hóa. 

9. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1995). Đại Nam liệt truyện [Tiền biên]. Bản dịch Cao Tự  Thanh. Nxb Khoa học Xã hội.  

10. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2004). Đại Nam thực lục. Tập 1. Bản dịch Viện Sử học. Nxb  Giáo Dục. 

11. Tôn Thất Cổn. (1943). Hoàng tộc lược biên. Nhà in Nguyễn Văn Của. 12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam nhất thống chí. Tập 1. Bản dịch Hoàng Văn  Lâu. Nxb Lao Động. 

 

TÓM TẮT 

Bài viết khảo tả thân thế và sự nghiệp, cũng như tẩm mộ Tuyên Vương và Mục Vương, là  nơi “an giấc ngàn thu” của hai nhân vật có số phận khá đặc biệt, gắn liền với thời kỳ cuối của chúa  Nguyễn ở Đàng Trong. Trên cơ sở khảo sát thực tế, kết hợp nguồn tư liệu chính sử nhà Nguyễn,  bài viết này bên cạnh cung cấp thông tin về thân thế, sự nghiệp của Tuyên Vương, Mục Vương,  đồng thời khảo tả toàn bộ hiện trạng và kiến trúc tẩm mộ. 

ABSTRACT 

STUDY THE ARCHITECTURE OF TUYÊN VƯƠNG’S AND MỤC VƯƠNG’S ROYAL TOMBS Article described the life and career, as well as Tuyên Vương’s and Mục Vương’s royal  tombs were the “eternal resting place” of two personages who had a special fate, attached with  the late Nguyễn Lords in Đàng Trong (Cochinchina). On the basis of actual survey, combining  the major historical documents of Nguyễn Dynasty, in addition to providing information about  their life and career, at the same time, this article studyed the entire current state and their  architectural tombs.

Xem thêm: Hội An - Di sản văn hóa thế giới, Nghiên cứu lịch sử số 4 (2004)

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet

Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp ở Việt Nam, Nghiên cứu Lịch sử, số 9.2009

Viện Viễn Đông Bác Cổ (còn gọi Trường Viễn Đông Bác Cổ) là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học nhân văn lớn trên thế giới, nghiên cứu về các dân tộc vùng Viễn Đông dược ra đời theo Nghị định ngày 15-12-1898 nhưng đến tháng 1-1900 mới có tên gọi chính thức và ngày 20-11-1901, Viện được thể chế hóa do Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ban hành. Trong giai đoạn 1900-1957, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị lớn đối với lịch sử văn minh Đông Dương và Đông Á.

Ghé thăm đảo Cồn Cỏ với vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình
Tin tức khác17/07/2024

Ghé thăm đảo Cồn Cỏ với vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình

Đảo Cồn Cỏ được mệnh danh là thiên đường hoang sơ của Quảng Trị. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng, thu hút rất nhiều du khách đổ về.

Cơ cấu tổ chức trong làng xã việt nam truyền thống
Tin tức khác25/07/2023

Cơ cấu tổ chức trong làng xã việt nam truyền thống

Nhìn lại xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, không chỉ  mấy ngàn năm vừa qua mà còn cả trong tương lai lâu dài mãi mãi về sau của nước nhà, làng của người Việt luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là biểu hiện cho sức sống của đất nước.