Theo Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh, Địa: là đất, một khu vực trên mặt đất, vị trí, nguyên chất. Chí: là ghi lấy, bài văn chép. Địa chí là sách ghi chép về địa lý, lịch sử, phong tục, dân tộc, tôn giáo, giáo dục, nhân vật, thổ sản... của một địa phương (monographie)1
Do đó, sách Địa chí thường mang 4 đặc trưng cơ bản:
- Tính khu vực: Là đặc trưng cơ bản nhất. Do đó dù là thông chí, tỉnh chí, huyện chí hay xã chí thì bao giờ cũng gắn với một khu vực cụ thể.
- Tính liên tục: Được thể hiện sự thống nhất xuyên suốt trong một quá trình; trong công việc biên soạn (thường cứ 10 năm bổ sung một lần) trong nội dung và thể lệ ghi chép.
- Tính tổng hợp: Nội dung ghi chép bao gồm cả quá khứ và hiện tại về các mặt: thiên văn, địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân vật... Do vậy, địa chí còn được gọi là “sách bác vật”, một loại bách khoa thư, sách công cụ dùng tra cứu “tứ phương chi chí” việc ghi chép của bốn phương.
- Tính tư liệu: Sách địa chí nhằm mục đích phản ánh và lưu giữ tình hình thay đổi về các mặt tự nhiên và xã hội của một địa phương, sử dụng thể ghi chép đúng như sự thật, “thuật lại mà không sáng tác, không ngụ ý khen chê”.
Địa chí là loại sách công cụ, nó đúc kết tri thức, do đó, nó mang tính khoa học cao. Sách địa chí có 3 chức năng cơ bản:
- Chức năng nhận thức: Giúp cho mọi người hiểu một vùng đất cụ thể nào đó, đặc biệt là cho các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương đó có một cái nhìn bao quát, tổng hợp, từ đó hoạch định chính sách, chiến lược phát triển địa phương.
- Chức năng thực tiễn: Phục vụ yêu cầu quản lý, khai thác trong thực tế sản xuất, đời sống...
- Chức năng giáo dục: Làm tài liệu giáo dục học tập, lưu truyền cho hậu thế 2...
Về thể loại, địa chí có hai thể loại: Địa chí toàn quốc (Quốc chí) hay (nhất thống chí) và địa chí của địa phương (phương chí, tỉnh chí) hay (huyện chí, xã chí...)
Ở cấp độ quốc gia, địa chí được quan niệm là Quốc chí hay nhất thống chí, ta có: Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết vào năm thứ hai niên hiệu Thiệu Bình (1435) là tác phẩm địa chí Việt Nam cổ nhất mà ta biết hiện nay. Tiếp đến có các sách như: Nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định; Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú, Đại Việt địa dư toàn biên của Phương đình Nguyễn Văn Siêu, đồ sộ hơn cả là bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Bộ sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn là bộ sách tương đối đầy đủ và tiêu biểu cho lối viết địa chí truyền thống xưa. Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn chia ra các mục như phương vị, phân dã, kiến trí, diên cách, phủ huyện, hình thế, khí hậu, phong tục, thành trì, trường học, hộ khẩu, thuế khóa, ruộng đất, núi sông, quan tấn, dịch trạm, lăng mộ, đền miếu, chùa quán, nhân vật, thổ sản... Có thể xem Đại Nam nhất thống chí thời Nhà Nguyễn là một tổng kết về các mặt địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật... của nước ta cho đến nửa cuối thế kỷ XIX.
Xứ Đàng Trong của chúng ta có hai bộ sách Địa chí được xem sớm nhất là Ô châu cận lục của Dương Văn An, Nhuận sắc (thời Mạc 1555) chép về hình thế sông núi, tên gọi làng xã, sản vật, phong tục lề thói, con người và xã hội xứ Thuận Hóa thời Lê - Mạc. Bộ sách thứ 2 là Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn thời Lê - Trịnh (1776) ghi chép tổng hợp về hình thế sông núi, thành lũy, đường sá, danh số phủ huyện, tổng xã, thôn trại, chế độ ruộng đất, thuế khóa, sản vật, phong tục, nhân tài, thơ văn… của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Về Địa phương chí, trong những năm gần đây, vấn đề viết địa chí tại các địa phương được đặt ra một cách khá sôi động và phổ biến. Từ năm 1954 đến nay, sách địa chí vẫn phát triển ở cả hai miền Nam, Bắc.
Ở miền Nam trước 1975, các nhà viết sách địa chí cho ra đời nhiều tác phẩm: Trong khoảng những năm 1954 - 1975 là giai đoạn nở rộ của việc biên soạn sách địa chí ở miền Nam Việt Nam. Theo thống kê (chưa đầy đủ) đã có 64 công trình địa phương chí đã được biên soạn, xuất bản, tạm chia thành 2 nhóm chính.
Nhóm do các Tòa hành chính, Tòa thị chính của các địa phương biên soạn và xuất bản, có 28 công trình địa chí của 28 địa phương. Tiêu biểu như: Địa phương chí tỉnh Hà Tiên (Trần Thêm Trung, 1957), Địa phương chí tỉnh Kiên Giang (1958), Địa phương chí tỉnh Phước Long (1960), Địa phương chí tỉnh Biên Hòa (1963), Địa phương chí tỉnh Bến Tre (1965), Địa phương chí tỉnh Bạc Liêu (1965, 1974), Địa phương chí tỉnh Vĩnh Long (1966, 1969), Địa phương chí tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (Vũ Lang, Phan Uyên Trang, 1967), Địa phương chí thị xã Vũng Tàu (1968, 1971), Địa phương chí tỉnh Gia Định (1971), Địa phương chí thị xã Rạch Giá (1973), Địa phương chí tỉnh Gia Định (1973) v.v…
Nhóm do các cá nhân biên soạn và xuất bản, mang tính chất địa chí có 36 tác phẩm. Tiêu biểu như: Đây Nha Trang 1957 (Võ Hữu Hạnh, 1957), Cố đô Huế (Thái Văn Kiểm, 1960), Non nước xứ Quảng (Phạm Trung Việt, 1962), Gò Công cảnh cũ người xưa (Việt Cúc, 1969, 2 quyển), tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam; Biên Hòa sử lược (Lương Văn Lựu, 1972), Nước non Bình Định (1967), Xứ Trầm hương (1969). Nguyễn Đình Tư: Vĩnh Long xưa và nay (1967), Định Tường xưa và nay (1970), Vũng Tàu xưa và nay (1970), v.v...
- Ở miền Bắc, việc viết địa chí tuy có muộn hơn nhưng kết quả cũng rất khả quan. Từ sau năm 1975 đến nay, nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác biên soạn sách địa chí. Xuất hiện đầu tiên là Địa chí Hà Bắc (1982, Địa chí Hải Phòng Tập I (1990), Địa chí Hà Tây (1999 và 2007), Địa chí Lạng Sơn (1999), Địa chí Nam Định (2003), Địa chí Hà Nam (2005), Địa chí Hòa Bình (2005), Địa chí Cao Bằng... Tóm lại, theo chúng tôi biết, hiện nay có đến hơn 80% địa phương trong cả nước đã biên soạn xong và xuất bản công bố địa chí của địa phương mình.
Chiều trên sông Hiếu - Ảnh: Thanh Long
Với Quảng Trị, mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa sâu dày, lại có một vị thế chiến lược vô cùng quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước, mở mang bờ cõi của dân tộc. Quảng Trị cũng là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, chịu thương, chịu khó, hy sinh anh dũng, lao động cần cù, sáng tạo. Trong tiến trình lịch sử của đất nước, Quảng Trị đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới (1986) mở cửa hội nhập khu vực, quốc tế, Quảng Trị đã có những bước phát triển căn bản về nhiều mặt. Các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng phát triển. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến đi lên. Đời sống mọi mặt của người dân Quảng Trị không ngừng được cải thiện, ngày càng được nâng cao... nên việc biên soạn Địa chí Quảng Trị là nhằm sưu tầm, xử lý tư liệu, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội các giai đoạn lịch sử khác nhau để hình thành một công trình chuyên khảo tổng hợp, có tính khoa học, phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa - xã hội và xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bằng các phương pháp truyền thống và hiện đại. Do đó, có thể nói, bộ sách Địa chí Quảng Trị là công trình khoa học tổng hợp, một thành tựu quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh. Đây là bộ sách quý, giúp cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật, thanh niên, thiếu niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh có cái nhìn tổng quát về quá trình biến đổi của tự nhiên, sự thay đổi về địa danh, địa giới của tỉnh Quảng Trị và từng địa phương, cũng như tiến trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. Từ đó, thấy được quá trình phát triển, sự lao động sáng tạo, sự hy sinh cao cả và những đóng góp to lớn của các thế hệ người Quảng Trị vào sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc. Mặt khác, bộ sách còn là tài liệu quan trọng để giáo dục truyền thống, phục vụ công tác giảng dạy truyền bá kiến thức cho các thế hệ con em Quảng Trị hôm nay và mai sau. Do vậy, việc tiến hành biên soạn và công bố công trình Địa chí Quảng Trị trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Hội thảo khoa học lấy ý kiến chuyên gia về bản thảo công trình Địa chí QT - Ảnh: N.B
Có thể nói Quảng Trị sau những ngày đầu lập lại (1989), lãnh đạo tỉnh rất quan tâm chỉ đạo các ngành chuyên môn có kế hoạch triển khai ngay công việc sưu tầm biên soạn Địa chí Quảng Trị. Ban đầu tỉnh giao nhiệm vụ này cho Sở Văn hóa Thông tin, một thời gian sau thì giao về cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì. Sở KH&CN đã hợp tác với trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường ĐH Khoa học Huế) tiến hành nghiên cứu, biên soạn Địa chí Quảng Trị, đến năm 1995 đã hoàn thành tập bản thảo (gồm 04 phần: Tự nhiên, Lịch sử, Kinh tế và Văn hóa – xã hội (với 20 Chương và 3 phần Phụ lục dày 571 trang A4). Công trình đã được Hội đồng nghiệm thu, bàn giao cho Sở KH&CN Quảng Trị quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, lẫn chủ quan lúc bấy giờ, nên tập bản thảo chưa được xuất bản, phát hành, công bố, nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, tra cứu, tham khảo của độc giả trong tỉnh và cả nước, mà chỉ tồn tại dạng bản thảo cho đến hôm nay.
Ngót 20 năm trôi qua (từ năm 1995 đến năm 2015) việc nghiên cứu, biên soạn công trình Địa chí tỉnh, hầu như không được đề cập đến. Năm 2015, trước nhu cầu cần thiết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, của một công trình mang tính khảo cứu tổng hợp địa phương, việc đề xuất khởi động biên soạn công trình Địa chí Quảng Trị lại được bắt đầu. Vì vậy, sau khi có chủ trương biên soạn Sở KH&CN đã hợp tác với Viện Sử học thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam bắt tay khởi động lại công việc biên soạn Địa chí đầy gian nan và phức tạp này.
Trên tinh thần kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã được công bố và tập bản thảo Địa chí Quảng Trị năm 1996 của Trường Đại học Khoa học Huế, Sở KH&CN Quảng Trị đã phối hợp với Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Quảng Trị, Hội Di sản Văn hóa, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh, đã bắt tay xây dựng đề cương chi tiết, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để tranh thủ ý kiến tham gia của đông đảo giới nghiên cứu, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý về đề cương Địa chí Quảng Trị.
Ngày 24/6/2016, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1414/QĐ- UBND thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện công trình Địa chí Quảng Trị và ngày 19/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ- UBND phê duyệt đề tài “Địa chí Quảng Trị”; giao cho Sở KH&CN là cơ quan chủ trì, TS. Nguyễn Bình là Chủ nhiệm đề tài biên soạn công trình.
Nội dung gồm 2 tập (tập I & II) với hơn 2.000 trang A4, được cấu trúc thành 4 phần chính và 2 phụ lục, tóm tắt giới thiệu bố cục công trình như sau:
Năm chương đầu gồm các nội dung: Địa lý hành chính; Địa lý dân cư; Địa hình, địa chất, khoáng sản; Khí hậu và thủy văn; Thực vật và động vật; Tài nguyên đất, tài nguyên nước. Các chương này trình bày quá trình thay đổi địa lý, địa giới hành chính trong lịch sử, sự hình thành các yếu tố tự nhiên, địa hình và cảnh quan của tỉnh, hình thành nên môi trường sống của các khu vực trên địa bàn; Dân số và lao động, các nhóm tộc người, phân bố và biến động dân cư qua các thời kỳ, các giai đoạn khác nhau của Quảng Trị.
Trong phần này đã bám sát phân kỳ lịch sử và diễn trình lịch sử địa phương để tái hiện tiến trình lịch sử mảnh đất và con người Quảng Trị qua các thời kỳ: Quảng Trị thời nguyên thủy và buổi đầu lịch sử nhằm tái hiện Quảng Trị thời tiền - sơ sử và Quảng Trị trong kỷ nguyên Lâm Ấp - Champa. Tiếp đến là Quảng Trị trong kỷ nguyên Đại Việt; trình bày diễn trình lịch sử Quảng Trị từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Quảng Trị thời chúa Nguyễn, Quảng Trị thời Tây Sơn và Quảng Trị dưới triều nhà Nguyễn. Từ chương VIII đến chương XI được xem là phần trọng tâm lịch sử Quảng Trị, gồm Quảng Trị thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (từ 1885 đến 1945). Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954); Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) và Quảng Trị thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển (1975 -2016). Các chương này tập trung khảo cứu quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Quảng Trị qua các thời kỳ lịch sử. Điểm nhấn là vị thế vai trò Quảng Trị trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Phần này lần lượt trình bày theo các lĩnh vực: Nông lâm, ngư nghiệp; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch; Xây dựng, Giao thông vận tải, Bưu chính - viễn thông. Để tái hiện bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực kinh tế của tỉnh qua từng giai đoạn lịch sử, phần này được trình bày theo phương pháp “bổ dọc” từ cổ đại đến hiện đại, điểm nhấn là từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 2016. Toàn bộ các chương mô tả sự hình thành các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh, đặc biệt giai đoạn từ sau thời kỳ đổi mới năm 1986 đến nay (2016) với sự phát triển mạnh mẽ và năng động của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sự hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã tạo nên bước phát triển đột phá về kinh tế và xã hội của tỉnh.
Phần văn hóa nhằm giới thiệu quá trình hình thành, tiếp biến văn hóa của vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử. Đó là các chương Ẩm thực, trang phục và nhà ở; Phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo; Văn học nghệ thuật. Đồng thời phần này cũng dành các chương trình bày về Văn hóa Thông tin, Giáo dục và KH&CN, Y tế và vấn đề an sinh xã hội; Các nhân vật lịch sử - văn hóa (nhân vật chí) Quảng Trị.
Ngoài 4 phần chính văn của nội dung, Địa chí Quảng Trị còn 2 phần Phụ lục: Danh mục làng xã Quảng Trị qua các thời kỳ và Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu Quảng Trị, cùng các hệ thống bản đồ, ảnh tư liệu để minh họa, chú thích...
Sau khi tập bản thảo Địa chí Quảng Trị hoàn thành, để tranh thủ được nhiều ý kiến tham gia đóng góp, của các cá nhân, tổ chức các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; với tư cách là đơn vị chủ trì Sở KH&CN Quảng Trị đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều cuộc phản biện, tư vấn đánh giá... Và qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện, ngày 4/9/2019 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2359/QĐ- UBND Về việc thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ, tư vấn nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện đề tài Địa chí Quảng Trị. Hội đồng gồm 11 thành viên là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý Trung ương và địa phương3 tham gia. Ngày 26/12/2019, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu công trình Địa chí Quảng Trị đã có phiên làm việc nghiêm túc, khoa học, khách quan và nhất trí bình chọn công trình với mức độ xuất sắc.
Theo kế hoạch cuối năm 2021 Địa chí Quảng Trị được xuất bản, đầu năm 2022 tổ chức công bố phát hành và hy vọng rằng công trình sẽ đáp ứng được sự mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Chú thích:
1. Đào Duy Anh (2009), Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn hoá Thông tin.
2. Hoàng Kỳ (1997) Một số vấn đề biên soạn sách địa chí; Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam, Hà Nội.
3. Hội đồng nghiệm thu gồm: 1. Ông Hoàng Nam, P. Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng. 2. Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH&CN P. Chủ tịch Hội đồng. 3. GS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Phản biện. 4. GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật VN, Phản biện. 5. PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, Phản biện. 6. NNC, Giảng viên chính Trường ĐH Khoa học Huế, Phan Đang, Phản biện. 7. PGS.TS Hà Văn Hành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế, Phản biện. 8. Ông Hồ Đại Nam, UVTVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành viên. 9. Ông Nguyễn Huy, P. Giám đốc sở KH&ĐT, Thành viên. 10. Ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương, Thành viên. 11. Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, Thành viên.
Nguyễn Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324
Xem thêm: Biên soạn sách địa chí làng xã: chuyện xưa không cũ
Dãy nũi Alps (An Pơ) là dãy núi cao nhất tại châu Âu, phía tây Alps bắt đầu từ thành phố Nice đi qua biển Bắc Italy, chạy qua miền nam của Thuỵ Sĩ, Liechtenstein, miền nam của nước Đức và dừng lại ở thung lũng Wien của nước Áo. Tổng chiều dài của dãy núi là 1.200 km. Thế núi vô cùng hùng vĩ, chiều ngang rộng đến 120-200 km, có nơi lên đến 300 km. Độ cao so với mặt nước biển vào khoảng 3.000 m.
Lễ hội tôn giáo vốn có những nét riêng được hình thành và gắn liền với mỗi tôn giáo trong mối quan hệ khăng khít, dung hợp với văn hóa truyền thống bản địa. Vì vậy, đối với lễ hội của Phật giáo cũng không là ngoại lệ, khi Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc từ những thế kỷ đầu Công nguyên cho đến hôm nay như một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, phong phú và đa dạng từ lễ thức đến lễ tiết, mang dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng miền. Chính từ đó, Phật giáo Huế trong dòng chảy văn hóa này đã tạo nên những nét đặc trưng, khi nơi đây từng là “kinh đô Phật giáo”, thấm đẫm tinh thần Phật giáo trong lối sống, ứng xử của con người Huế...
Thủa còn đi học tôi đã đặc biệt chú ý đến câu chuyện thần thoại về An Dương Vương Thục Phán và chiếc nỏ thần, “một phát sát vạn người”. Chuyện lại lồng thêm mối tình vương giả giữa chàng thái tử hào hoa Trọng Thủy và nàng công chúa khả ái My Châu. Nhưng đoạn kết bi thảm của chuyện đã để lại thương tiếc cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh thủa ấy.