Pu Ta Leng - "chốn bồng lai tiên cảnh giữa núi rừng Tây Bắc" những ngày này càng trở nên rực rỡ khi màu xanh của những cánh rừng già, phủ kín rêu phong được điểm tô bằng những vạt rừng hoa đỗ quyên đang mùa nở rộ. Dọc các tuyến đường mòn lên núi, những đoàn du khách đến từ mọi miền Tổ quốc đang miệt mài chinh phục hành trình, với mong muốn khám phá giới hạn bản thân và được chứng kiến vẻ đẹp loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng hoa của núi rừng Tây Bắc”.
Du khách Nguyễn Thị Thúy đến từ tỉnh Bắc Giang cho biết tham gia tour du lịch khám phá đỉnh núi Pu Ta Leng vào mùa hoa đỗ quyên thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ. Hành trình lên và xuống núi không chỉ được ngắm cảnh đẹp của núi rừng hoang sơ, mà khi đặt chân lên đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam, ở độ cao tới hơn 3.000m thì mọi cảm giác mệt mỏi, lo toan của cuộc sống đời thường như tan biến. "Đường núi ở đây khá là khó đi và cung đường khá dài, nhưng phong cảnh đẹp hơn. Tôi thích cái cảm giác được chinh phục. Bây giờ là mùa hoa đỗ quyên rồi, mọi người hãy đến đây và cùng ngắm loài hoa tuyệt đẹp này".
Để đến được đỉnh núi Pu Ta Leng ngắm hoa, du khách phải băng qua những cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đối mặt với thách thức là những con đường mòn hiểm trở, gập ghềnh đá cheo leo bên vách núi.
Anh Bùi Trung Kiên - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, dù đường đi nhiều thử thách nhưng du khách sẽ được đền đáp mãn nhãn bằng những cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ của rừng núi và được hòa mình trong mây mù bay lượn. Phải mất gần một ngày leo núi mới có thể đến được điểm ngắm hoa. Những vạt đỗ quyên rực rỡ sắc màu mở ra trước mắt như đưa du khách bước vào một thế giới thần tiên, một miền cổ tích - nơi mà sự tinh tế của tự nhiên được hiện hữu một cách tuyệt vời nhất.
Núi rừng Pu Ta Leng là nơi có khí hậu khắc nghiệt, gần như quanh năm mây mù bao phủ, thế nhưng nơi đây, loài hoa đỗ quyên với vẻ đẹp mỹ miều vẫn bung lụa mỗi năm. Hoa đỗ quyên bắt đầu nở rộ từ tháng 2 và kết thúc vào đầu tháng 5. Khi ngắm đỗ quyên, du khách sẽ nhìn thấy sự tươi mới, nhất là sức mạnh kiên cường của loài hoa này trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Ông Hoàng Quốc Việt - Công ty TNHH Thương mại và du lịch PU Lai Châu - đơn vị khai thác tour du lịch khám phá đỉnh núi Pu Ta Leng cho biết: "Du lịch leo núi mang đến rất nhiều trải nghiệm mà du khách có thể cảm nhận được, đó là tìm ra được những năng lực, giới hạn của bản thân. Thứ hai nữa là du khách quay trở về với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và được “tắm rừng” để trải nghiệm cảm giác được chữa lành bởi thiên nhiên".
Có khoảng 30 loài hoa đỗ quyên mọc rải rác ở khắp các khu rừng ở Tây Bắc, nhưng ở Pu Ta Leng nổi bật nhất là đỗ quyên màu tím phớt hồng. Những cây đỗ quyên có thể cao lớn tới 7m vươn mình khỏi rừng cây rậm rạp để đón cái gió, cái nắng nơi núi rừng hoang sơ.
Đến Pu Ta Leng mùa này, được ngắm những vạt đỗ quyên nở rộ, bất kể ai cũng sẽ thấy hào hứng và phấn khích, từ đó như được tiếp thêm năng lượng trong cuộc sống.
Nguồn: Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Xem thêm: 10 công trình vĩ đại của người La Mã khiến hậu thế trầm trồ
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ và văn hóa. Trong đó, người Kinh chiếm đại đa số nên tiếng Việt được xem là tiếng phổ thông, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng tộc người trong quốc gia đa dân tộc thống nhất. Vì vậy, vấn đề tiếp xúc và vay mượn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là phổ biến và tất yếu, hay nói cách khác, là một hiện tượng ngôn ngữ học-xã hội đặc biệt quan trọng.
Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) sở hữu di sản văn hóa đặc biệt quý giá là kho mộc bản kinh Phật với hơn ba nghìn ván khắc, một trong những kho tư liệu cổ xưa nhất của dân tộc. Ngày 16.5.2012, với những giá trị nổi bật, trội vượt và tiêu biểu trên nhiều phương diện, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình "Kí ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Trong nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu trước đây, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tập hợp được các chuyên gia đa ngành (cũng là thành viên từ các dòng họ Việt Nam) tự nguyện tham gia, đáp ứng các nghiên cứu và ứng dụng công tác theo tiêu chí UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông để tìm ra giải pháp lưu trữ, thống kê về hệ thống di sản vô cùng đồ sộ trong các dòng họ ở Việt Nam và các tiến hành bảo trợ, vinh danh, động viên các dòng họ hướng tới các phát triển hệ thống và bền vững do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phát động.