Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Cuốn nhật ký tiết lộ cách người Ai Cập xây kim tự tháp

22/04/2024250

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và thảo luận liên quan, song vẫn còn rất nhiều bí ẩn về cách thức và công nghệ mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để xây dựng nên các kim tự tháp vĩ đại.

Trong số những kỳ quan của nhân loại, không thể không kể tới các kim tự tháp khổng lồ nằm giữa sa mạc nằm ở Ai Cập. Ngay cả với sự trợ giúp của công nghệ và các thiết bị tân tiến, chúng ta vẫn chưa thể làm rõ được rằng ai mới thực sự là người đã xây các kim tự tháp, và họ đã làm điều đó thế nào.

Đó là cho tới khi cuốn nhật ký được gọi là "Cuộn sách Biển Đỏ" được tìm thấy. Sở dĩ có tên gọi này là bởi nó có xuất xứ từ Wadi al-Jarf - một bến cảng nhộn nhịp - cách đây hơn 4.000 năm tại vùng ven Biển Đỏ, Ai Cập.

Cuộn sách Biển Đỏ không chỉ tiết lộ quá khứ xa xôi của Wadial-Jarf, mà còn chứa đựng những lời kể của nhân chứng về một người đàn ông có tên là Merer. Đây có thể là một trong những người đã tham gia xây dựng Đại kim tự tháp vĩ đại của Pharaoh Khufu.

Theo lời kể của Merer, những người Ai Cập cổ đại gọi là "The Bush" xuất phát từ bến cảng, dẫn đầu các con tàu của pharaoh đi qua Biển Đỏ đến Bán đảo Sinai. Đây là khu vực có giàu quặng kim loại, đặc biệt là đồng.

Được biết, đồng là kim loại cứng nhất hiện có trong giai đoạn này và người Ai Cập chắc hẳn đã cần nó để cắt đá trong quá trình xây kim tự tháp khổng lồ. Bằng chứng là khi tàu của Ai Cập quay trở lại cảng, chúng đã chất đầy đồng bên trên. Sau đó, đồng được bảo quan trong các căn phòng bằng đá vôi.

Merer mô tả về những công việc mà nhóm của ông đã thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng xây dựng Đại Kim tự tháp. Thú vị thay, điều này đã xung đột với một những nhận định trước đây của giới sử học, khi người ta cho rằng những nô lệ là lực lượng lao động chính đã xây dựng nên các kim tự tháp vĩ đại.

"Cuộn sách Biển Đỏ" tiết lộ, họ có thể là những người thợ lành nghề, được tập hợp từ khắp nơi, và được nhận thù lao cho công việc của họ.

Theo lời kể, nhóm của Merer bao gồm khoảng 200 người thợ lành nghề tới từ khắp nơi trên Ai Cập, và chịu trách nhiệm thực hiện mọi nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng công trình vĩ đại.

Merer ghi lại rất chi tiết cách nhóm của ông lấy những khối đá vôi mà sau này được sử dụng để ốp trần kim tự tháp từ các mỏ đá ở Tura và đưa chúng bằng thuyền dọc theo sông Nile đến Giza.

Sau đó, Merer và các công nhân tiếp tục quay lại mỏ đá để nhận một chuyến hàng mới. Tuy nhiên, cách thức để xếp khối đá này và tạo thành kỳ quan kim tự tháp lại không được nhắc tới.

Nhật ký của Merer thậm chí còn cung cấp cái nhìn thoáng qua về một trong những kiến trúc sư đã thiết kế nên kim tự tháp. Đó là Ankhhaf, anh trai cùng cha khác mẹ của Khufu, người giữ chức vụ cấp cao, được mô tả là "quản lý mọi công việc của nhà vua".

Vì ở thời các pharaoh, Ai Cập không có đơn vị tiền tệ, nên việc trả lương cho những công nhân thường được quy đổi bằng thực phẩm. Đơn vị cơ bản trong cấp bậc tiền lương là "khẩu phần", và người công nhân sẽ nhận được ít hay nhiều tùy theo thứ hạng của họ trên thang hành chính.

Họ dường như cũng không bị ngược đãi như đối với nô lệ, mà sở hữu chế độ ăn khá cân đối gồm bánh mì, nhiều loại thịt, mật ong, và các loại đậu hũ. Bia cũng là loại đồ uống được liệt kê trong danh sách.

Cùng với nhau, những người này đã xây dựng nên quần thể kim tự tháp Giza - một trong những kỳ quan vĩ đại của nhân loại - gồm 3 kim tự tháp: Khufu, Khafre, Menkaure, và một số công trình vệ tinh nhỏ khác. Trong đó, lớn nhất là Kim tự tháp Khufu, được xây dựng từ khoảng 2560 năm trước Công nguyên.

Kim tự tháp là biểu tượng của sức mạnh và phú quý của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và thảo luận liên quan, song vẫn còn rất nhiều bí ẩn về cách thức và công nghệ mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để xây dựng nên những công trình vĩ đại này.

Nguồn: dantri.com.vn

Xem thêm: Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn - Di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Các bài viết khác

Xem thêm
Tài liệu địa chí cổ với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội
Địa chí14/06/2023

Tài liệu địa chí cổ với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội

Trong kho thư tịch cổ viết về Thăng Long - Hà Nội hiện còn một mảng tư liệu đặc biệt quý giá dùng để nghiên cứu địa lý lịch sử, diên cách địa danh và nhiều mặt khác. Đó là các sách địa chí.

Chương trình phối kết hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam
Tin tức khác08/06/2023

Chương trình phối kết hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam

Trong nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu trước đây, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tập hợp được các chuyên gia đa ngành (cũng là thành viên từ các dòng họ Việt Nam) tự nguyện tham gia, đáp ứng các nghiên cứu và ứng dụng công tác theo tiêu chí UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông để tìm ra giải pháp lưu trữ, thống kê về hệ thống di sản vô cùng đồ sộ trong các dòng họ ở Việt Nam và các tiến hành bảo trợ, vinh danh, động viên các dòng họ hướng tới các phát triển hệ thống và bền vững do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phát động.

Địa chí Quảng Trị công trình bách khoa thư đặc biệt quan trọng
Địa chí14/06/2023

Địa chí Quảng Trị công trình bách khoa thư đặc biệt quan trọng

Địa chí là loại sách ghi chép một cách tổng hợp các mặt từ địa lý tự nhiên, địa hình, địa chất, thời tiết, khí hậu đến sản vật, phong vật, cộng đồng dân cư, tộc người, đến chính trị kinh tế, lịch sử, văn hóa xã hội... của một quốc gia, một khu vực, một tỉnh thậm chí của một làng, một xã. Không chỉ sách địa chí ngày nay, mà từ xưa các bộ địa chí cổ của Việt Nam đều có mục đích cung cấp kiến thức hiểu biết toàn diện và hệ thống về mảnh đất con người nói chung hay một vùng lãnh thổ - hành chính - cư dân tùy theo từng cấp độ đã được hình thành trong tiến trình lịch sử.