Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn - Di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

19/04/2024325

Vào lúc 12h30 theo giờ Hàn Quốc (tức là 10h30 theo giờ Việt Nam) ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam” chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Ma nhai” 摩 厓 là “văn tự khắc trên vách đá tự nhiên ở sườn núi hoặc hang động”. Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, gồm 78 văn khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều nội dung, thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Trong số các ma nhai xác định được niên đại thì sớm nhất là ma nhai Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc 伍緼山古跡佛寂滅樂 của thiền sư Huệ Đạo Minh được khắc bản năm Tân Mùi (1631), muộn nhất là bia ma nhai Phụng Tạo Quán Thế Âm Bồ Tát Tôn Tượng (Phật lịch 2518 – Ất Mùi 1955)..

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm, không thể thay thế, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang hệ giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa – giáo dục.

Những di sản này lưu trữ những “ký ức” về các mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực trên tuyến đường hàng hải cũng như vị thế, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc hôn nhân quốc tế ở thế kỷ XVII.

Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai. Động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động” 玄空洞. Động Tàng Chơn có 20 ma nhai. Động Vân Thông có 02 ma nhai. Động Linh Nham có 03 ma nhai. Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật 雲根月窟, động Thiên Phước Địa 洞天福地, hang Vân Nguyệt Cốc 雲月谷 có 03 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

Qua thời gian, một bộ phận văn khắc đã bị bào mòn, không còn đọc được. Những năm gần đây, chính quyền địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã cùng hợp tác với Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Liêu Quán (Huế) cùng các chuyên gia tiến hành triển khai các dự án bảo tồn, nghiên cứu nội dung và giữ gìn tính nguyên gốc của di sản độc đáo này.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt từ quá khứ như sau:

– Mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII.

– Chính sách hướng biển và ngoại giao cởi mở, mềm dẻo của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.

– Lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa kiều ở Việt Nam.

– Hệ tưởng tư chính trị Nho giáo của triều Nguyễn và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam như truyền thống yêu nước, hiếu học, yêu chuộng chữ nghĩa và coi trọng đạo đức con người.

– Lịch sử về giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An và giao lưu hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

– Lịch sử về giai đoạn Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và mang tính quốc tế cao.

– Một giai đoạn phát triển của hệ thống văn tự ở Việt Nam: sử dụng hài hòa, đan xen giữa chữ Hán và chữ Nôm.

– Lịch sử hình thành và phát triển của Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, các kỹ thuật điêu khắc đá thủ công đã không còn phổ biến.

– Cho biết diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn –  một vùng thắng tích được mệnh danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”.

– Địa danh địa phương, bổ sung cho các tài liệu cổ như Ô châu cận lục  và Phủ biên tạp lục  cũng như các bộ địa chí của triều Nguyễn.

– Góp phần làm sáng rõ thêm về quan điểm sống, nhân sinh quan của các nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử phong kiến Việt Nam như Trương Quang Đản, Cao Xuân Dục, Bùi Văn Dị, Đào Tấn, Nguyễn Trọng Hợp…

Ma nhai “Phổ Đà sơn linh trung Phật”, ở động Hoa Nghiêm, lập năm 1640. Trong số 82 người tham gia phụng cúng tiền của để xây dựng chùa Bình An, có tên của 07 người Nhật sinh sống tại Nhật Bản dinh 日 本 營 và Tùng Bản dinh 從本營. Những người Nhật này có tên như sau: 平 三 郎 (Heizaburo), 宋 五 郎 (Shogoro), 峻 門 (Shunmon), 阿 知 子 (Achiko), , 七 郎 兵 衛 (Shichiro Bei), 何 奇 采 (Akiu), 平 左 衛 門 (Heiza Emon). Đặc biệt, một số dòng họ thương gia đến đây buôn bán có thể được xem là hạng đại thương gia, có tiếng tăm và quyền lực. Số lượng người Nhật được nhắc tên trong tấm bia ma nhai chiếm 18,2%. Trong văn khắc này cũng có nhắc đến 03 người Trung Hoa: 葉聖公 (Diệp Kiên Công), 呂 宗 吳 (Lã Tông Ngô) và 梏吾耳 (Cát Ngô Nhĩ) từ nước Đại Minh 大明國.

Điều thú vị là ma nhai này còn cho biết thông tin về cuộc hôn nhân giữa những người phụ nữ bản địa và thương nhân người Nhật tại thương cảng Hội An trong thế kỷ XVII. Đặc biệt là trong gia đình “đa văn hóa” kiểu Nhật (chồng) –Việt (vợ), – những gia đình mà tưởng chừng như quyền thế của người đàn ông rất mạnh mẽ và áp chế, nhưng văn khắc cho thấy vai trò của người phụ nữ được coi trọng, thể hiện ở chỗ họ được giữ nguyên họ tên và đứng tên cùng với các ông chồng ngoại quốc trong văn bia công đức.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn rất đa dạng về hình thức, phong cách biểu hiện. Giá trị nghệ thuật còn được thể hiện rõ nét qua các bia ma nhai dạng bia ký niên đại thời chúa Nguyễn, trong số đó có hai bia nổi bật nhất là Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc và Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật. Cả hai bia ma nhai này có niên đại vào thế kỉ XVII, sớm nhất trong số các bia hiện còn. Kiểu thức trang trí của nó có sự khác biệt, mang đậm dấu ấn thời Chúa Nguyễn.

Bên cạnh đó, các bia ma nhai này cung cấp những thông tin quý giá về nghệ thuật chạm khắc đá thủ công của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Hiện nay, nhằm nâng cao năng suất và sự đa dạng sản phẩm, những người thợ của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã sử dụng máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hầu hết các công đoạn sản xuất vì vậy những kỹ năng thủ công, kinh nghiệm nghề nghiệp truyền thống đã không còn phổ biến.

Có thể nói Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có các ý nghĩa và giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, là loại hình di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Nó đặc trưng cho giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa các nước Đông Á, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa cho tới ngày hôm nay.

Công tác quản lý di sản này đã được UBND thành phố Đà Nẵng quan tâm từ những năm 1990 với các quyết định quan trọng như: cấm khai thác đá núi (1991), thành lập đội bảo vệ di tích Ngũ Hành Sơn (1992), thành Ban Quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn (2000), đồng thời cũng ban hành các quy chế quản lý di tích nói chung (năm 2007 và 2020).

Ngoài ra, hiện nay, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, trong đó chú trọng các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn ma nhai Ngũ Hành Sơn mang tính lâu dài, bền vững kể cả phương án phục hồi di sản trong trường hợp bị thời tiết, thiên tai xâm hại.

Trong các năm 2017 và 2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học đã tổ chức 02 Tọa đàm khoa học để công bố những kết quả nghiên cứu mới, có giá trị đặc sắc tiêu biểu về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn với sự tham gia của hơn 150 các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về Hán Nôm, văn hóa Phật giáo, lịch sử và quy hoạch, quản lý di sản văn hóa. Trên cơ sở kết quả khảo sát và nghiên cứu, ngành văn hóa thành phố đang có chương trình quảng bá, phát huy giá trị của di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn, xứng đáng là một di sản lưu giữ ký ức của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Phan Thị Xuân Mai

(Phòng Di sản Văn hóa)

Nguồn: baotangdanang.vn

Xem thêm: Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của lâu đài Malbork Ba Lan cổ kính

Các bài viết khác

Xem thêm
Bài học về tự quản làng, xã thông qua hương ước, quy ước
Địa chí13/06/2023

Bài học về tự quản làng, xã thông qua hương ước, quy ước

Hương ước đã xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông, nó tồn tại tương đối phổ biến trong các làng Việt ở đồng bằng trung du Bắc bộ. Đây là nguồn sử liệu quý giúp chúng ta nghiên cứu về phương thức quản lý nông thôn truyền thống khá hiệu quả của cha ông để suy nghĩ các biện pháp đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa hiện nay. Hương ước gồm các điều ước về nhiều mặt của đời sống làng xã: sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội, bảo vệ an ninh, thờ cúng, khuyến học, đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, những quy ước đã được tuân thủ qua nhiều thế hệ để trở thành thông lệ phương hướng, luật tục của từng cộng động cư dân ở nông thôn.

Hai thanh gươm hai số phận làm nên cuộc đời truyền kỳ của Đinh Bộ Lĩnh
Tin tức khác23/12/2024

Hai thanh gươm hai số phận làm nên cuộc đời truyền kỳ của Đinh Bộ Lĩnh

Thanh gươm Ngô Vương ban được Đinh Bộ Lĩnh coi như báu vật, giữ gìn cẩn thận bên mình. Khi trưởng thành, thanh gươm ấy theo ống suốt quãng đường dài chinh chiến.

Nguồn: Internet
Lễ Hội05/08/2023

Ý nghĩa lễ tế giao xưa và nay, Nghiên cứu và Phát triển số 2 (79), 2010

Tế Giao là cuộc lễ tế trời đất, có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại rồi lan truyền sang một số nước trong khu vực. “Giao” là vùng đất bên ngoài kinh thành, người xưa cử hành lễ tế trời ở Nam Giao vào ngày đông chỉ và tế đất ở Bắc Giao vào ngày hạ chí. (Lý Hồng Phúc (biên tập), Khang Hy tự điển, Hán ngữ đại từ diễn xuất bản xã, Thượng Hải, 2005, tr. 1257). Tế Giao được thực hành theo quan niệm và nghi thức Khổng giáo, trong đó, vua được xem là “thiên tử”, đại diện dân để cúng tế trời đất và cầu xin được ban cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Ở Việt Nam, Tế Giao được tiếp thu và thực hành lần đầu tiên dưới thời Lý (1010-1225). Chỉ riêng thời Trần không cử hành lễ Tế Giao, các triều đại quân chủ Việt Nam còn lại đều coi đây là đại lễ và cử hành nghi lễ một cách trọng thế. Cách thức Tế Giao thay đổi ít nhiều theo từng triều đại, khi thì phân tế, khi thì hợp tế cả trời và đất ở Nam Giao. Cuộc lễ phản ánh một cách đầy đủ những quan niệm, tư tưởng, các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của cung đình Việt Nam trong lịch sử.