Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Địa chí đương đại - những yêu cầu đặt ra

08/06/2023208

Nhiệm vụ KH&CN "Xây dựng Bộ địa chí Quốc gia Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ giao ĐHQGHN chủ trì và triển khai thực hiện từ năm 2017. Đến nay, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, ký hợp đồng triển khai xây dựng các nhiệm vụ thành phần. Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN Xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Thị An - Khoa Các khoa học liên ngành về tính cấp bách của thực tiễn yêu cầu xây dựng Bộ Địa chí mang tính thời đại.

1. Từ địa chí đến Quốc chí

Địa chí, theo duy danh định nghĩa, là ghi chép toàn diện về một vùng đất. Bản thân khái niệm này đã hàm chứa trong nó yêu cầu về tính mô tả, tính tư liệu, tính toàn diện, tính khách quan và tính địa vực. Vì thế, địa chí có giá trị như là một loại tư liệu cần thiết cho việc hiểu rộng, hiểu sâu về một vùng đất, mà ở đó, tính địa vực và giá trị tư liệu là những điểm đáng chú ý của thể loại này.

Được triển khai theo một cách thức như thế, quốc chí được hiểu là địa chí quốc gia, một loại công trình có giá trị đất nước học mà khái niệm địa vực là phạm vi của một quốc gia, giá trị tư liệu có thể được coi là một bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia cần thiết cho việc hiểu, học tập, nghiên cứu về quốc gia đó.

Trong lịch sử Việt Nam, các tài liệu ghi chép về lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp, thể chế… trên quy mô cả nước và các địa phương đã xuất hiện từ rất sớm. Từ thời Lý- Trần (thế kỷ XI-XV) đã có một số tài liệu, ghi chép sơ khởi về địa chí, trong đó tiêu biểu là Nam Bắc phên giới địa đồ (1172) được biên soạn thời vua Lý Anh Tông, hoặc các bộ sử chứa đựng nhiều tri thức về đất nước học từ góc độ lịch sử như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu (1272), An Nam chí lược (1333) của Lê Trắc. Cùng với sự phát triển của đất nước thời Lê sơ, vào năm 1435 dưới thời vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi đã biên soạn Dư địa chí (còn gọi là Ức Trai di tập, hay Nam Việt dư địa chí, Đại Việt địa dư chí, An Nam vũ cống, Nam Quốc vũ cống hoặc Lê triều cống pháp). Đây được xem là quyển sách địa chí học đầu tiên đã đặt nền móng cho địa chí học Việt Nam. Về giá trị và ý nghĩa của bộ sách, Nguyễn Trãi đã viết: “Một tuần thì sách làm xong, dâng lên vua xem. Hoàng đế phán rằng: “Than ôi! Đức Thánh tổ ta kinh dinh bốn phương, dấu chân đi khắp trong thiên hạ; quạt gió, uống mưa, nằm trống gối giáo, thật cũng gian nan thay! Thu góp non sông để giao phó cho ta, thật cũng lớn lao thay! Tiên sinh giúp đức thần khảo ta thay trời làm việc, sánh được với thượng đế. Đến sách này lại muốn bắt chước như đời Ngu, đời Hạ. Khuyên chớ bỏ ta, dẫn ta tiến đến như Nghiêu, Thuấn thật cũng lớn lao kỳ vĩ thay!”.

Tiếp tục tinh thần đó, đến thời nhà Nguyễn, để củng cố việc quản trị đất nước, triều đình đã rất quan tâm đến việc biên soạn các bộ chí. Một loạt các bộ địa chí địa phương và địa chí quốc gia đã được biên soạn một cách cẩn trọng. Năm 1806, dưới triều Vua Gia Long, Thượng thư Bộ Binh là Lê Quang Định đã biên soạn sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu năm 2005). Trong vòng 10 năm từ năm 1809-1819, Phan Huy Chú đã biên soạn bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí (được dịch và xuất bản lần đầu năm 1960 và tái bản năm 1992 và 2006), bộ sách được coi là bách khoa toàn thư đầu tiên trong kho tàng thư tịch Việt Nam, cung cấp một kho tài liệu phong phú về nhiều lĩnh vực, gồm địa lý, quân sự, ngoại giao, kinh tế,… Một bộ địa chí khác được biên soạn vào đầu thế kỷ XIX (chưa rõ năm biên soạn) là bộ Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức thực hiện. Đây là bộ sách ghi chép tỉ mỉ về vùng đất Gia Định (là tên gọi chỉ toàn vùng Nam Bộ xưa) từ năm 1698 (thời điểm Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất này) đến đầu thế kỷ XIX. Đây là các bộ tư liệu quý để hiểu về tình trạng địa lý, tình hình kinh tế-xã hội, đặc biệt là đời sống người dân vào đầu thế kỷ XIX.

Trong các bộ địa chí thời nhà Nguyễn, bộ Đại Nam nhất thống chí là bộ sách có quy mô lớn nhất với thời gian biên soạn dài nhất. Đại Nam nhất thống chí là bộ địa chí quốc gia được tập hợp bởi địa chí của các tỉnh vào thời điểm đó. Bản đầu tiên được soạn dưới triều vua Tự Đức (bản thảo được thực

hiện gần 20 năm từ 1865-1882). Sau khi các tập đã xong, vua Tự Đức cho soạn thêm một quyển Bổ biên để ghi chép các sự kiện cho đến hết năm 1881. Sách soạn xong, chưa kịp khắc in thì vua Tự Đức mất, đồng thời, một số biến cố chính trị xảy ra khiến một số tập của bản thảo bị thất lạc. Dựa trên các tập còn lại, bản thứ 2 của Bộ Đại Nam nhất thống chí được tổ chức biên soạn dưới triều vua Thành Thái, được khắc in dưới triều vua Duy Tân năm thứ 3 (1909). Đây là bộ địa chí quốc gia lớn nhất và đã cách ngày nay hơn 100 năm.

Trong hơn 100 năm qua, nhiều bộ sách địa chí địa phương hoặc vùng miền được biên soạn, nhưng một bộ địa chí quốc gia vẫn chưa được tiếp tục biên soạn. Nhu cầu về xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia từ góc độ ghi chép theo đặc trưng thể loại địa chí ở thời điểm đương hiện là căn cứ thực tiễn đặt ra đối với việc biên soạn địa chí quốc gia đương đại. Đó cũng là nội dung mà Thủ tướng Chính phủ giao Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì biên soạn Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam.

2. Tính đương hiện và văn phong bút pháp

2.1. Tính đương hiện

Để biên soạn địa chí quốc gia đương đại, cần có những quy định để công trình phù hợp với nhu cầu tổng hợp về thông tin, về cách biên soạn để có được lượng thông tin chất lượng và cách thể hiện để lượng thông tin đó đảm bảo tính tin cậy cao nhất. Các quy định đó đã được Ban Thư ký Nhiệm vụ Xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia (gọi tắt là Quốc chí) soạn thảo.

Đặc trưng mô tả diện mạo tổng thể của vùng đất là một yêu cầu xuyên suốt trong việc biên soạn công trình địa chí. Với địa chí quốc gia đương đại, yêu cầu đó được cụ thể ở quy định then chốt nhất là “tính đương hiện” trong mô tả trong Bộ Quy chuẩn biên soạn Quốc chí.

Vậy tính đương hiện là gì? Đó là việc mô tả diện mạo đời sống quốc gia ở chính thời điểm được biên soạn. Với Quốc chí, thời điểm biên soạn được giới hạn trong 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI. Yêu cầu đầu tiên để làm bật nổi tính đương hiện là việc xác định đối tượng mô tả sao cho đó phải là đối tượng đang thực sự tồn tại, có thể quan sát được, hoặc đang xuất hiện trong các hoạt động nhận thức mà không phải những khái niệm/thuật ngữ chỉ xuất hiện trong tư duy hay tưởng tượng của con người. Yêu cầu thứ hai là việc tìm kiếm tư liệu để viết về đối tượng. Đây là một thách thức đối với việc biên soạn Quốc chí hiện nay, bởi để có được khối tài liệu mới mẻ và sống động đó, cần phải triển khai các cuộc điền dã nhằm mục sở thị những gì đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, địa lý, động thực vật, du lịch…Với những lĩnh vực mà đối tượng mô tả đã hơi xa xôi (ví dụ, thư tịch, lịch sử…) thì cái được mô tả là cái hiện đang tồn tại trong đời sống (ví dụ văn bia, trống đồng), hoặc có khi là trong các hoạt động nhận thức/giáo dục/tìm hiểu của ngày hôm nay (ví dụ, các kỳ thi khoa cử). Như vậy, tính đương hiện yêu cầu việc mô tả tính “sống”, tính “hiện tồn” của đối tượng được mô tả; từ yêu cầu này, các nghiên cứu mang tính khảo cứu đơn thuần sẽ không phù hợp với đặc trưng thể loại chí đương đại.

Nhưng một vấn đề đặt ra, vậy ngoài những gì đang diễn ra, có thể nhìn thấy, có thể quan sát thì các tư liệu trong quá khứ về chính đối tượng đang được mô tả có được sử dụng không? Câu trả lời là: có. Việc bao quát khối lượng lớn tài liệu thứ cấp cùng với việc trình hiện tài liệu nguyên cấp được biểu thị trong Bộ Quy chuẩn biên soạn Quốc chí bằng nguyên tắc là “chia ngang, viết dọc”. “Chia ngang” là việc mô tả một cách bao quát diện mạo quốc gia từ cái nhìn đồng đại, viết dọc là việc sử dụng các tài liệu nghiên cứu/mô tả về đối tượng đó từ xưa đến nay theo cách nhìn lịch đại. Trong 2 loại tài liệu này, tài liệu nguyên cấp dùng để trình hiện đối tượng từ điểm nhìn đương đại là được ưu tiên; đồng thời, phần biên soạn sẽ sử dụng một cách chắt lọc các tài liệu thứ cấp để dõi theo sự hình thành, phát triển, biến đổi của đối tượng được mô tả theo thời gian, từ đó hiểu hơn về diện mạo hiện tồn ở thời đương hiện.

2.2. Văn phong, bút pháp

Để làm nổi bật tính đương hiện, cách biên soạn Quốc chí hạn chế việc phân tích, khảo cứu, tranh biện từ quan điểm chủ quan của nhà nghiên cứu theo phong cách hàn lâm mà khuyến khích tối đa các bút pháp tả và kể một cách khách quan từ con mắt quan sát của người biên soạn. Việc làm hiển lộ đối

tượng qua cách tả và kể lại là một thách thức mới đối với người biên soạn quốc chí. Lấy ví dụ các đối tượng được mô tả trong Tập Động vật, thực vật như các loài cây, các loài vật không cần mô tả ở góc độ cấu trúc sinh học mà chỉ mô tả ở góc độ công năng của nó trong mối quan hệ với đời sống con người. Theo đó, các thực vật được mô tả ở các góc độ: cây lương thực, cây làm thuốc, cây làm cảnh…; động vật được mô tả ở các góc độ: động vật làm thực phẩm, động vật có giá trị dược liệu, hoặc là động vật gây hại…

Việc mô tả đối tượng cần có các thông số để đủ hiểu về đối tượng (màu sắc, hình dáng, tác dụng, tác hại, nơi phân bố, nơi sản xuất các thành phẩm…), nhưng bên cạnh đó, còn cần tới các câu chuyện để tăng tính sinh động, hấp dẫn đối với người đọc, đồng thời làm rõ tính đương hiện của đối tượng được mô tả.

Từ yêu cầu về tính đương hiện, tính khách quan của sự mô tả, văn phong của Quốc chí yêu cầu tính trung tính. Người biên soạn Quốc chí không thể hiện các tranh biện, không bày tỏ sự định giá, không thể hiện cảm xúc để cho bản thân đối tượng được hiển lộ một cách khách quan nhất. Theo đó, văn phong Quốc chí sẽ hạn chế tối đa các tình từ mang tính cảm xúc (tuyệt đẹp, quan trọng nhất…) hay chỉ mức độ (tuyệt đối, đỉnh cao, rất, cực kỳ…) mà ưu tiên dùng danh từ hay các đoạn mô tả mang tính khách quan.

Việc tuân thủ các yêu cầu về văn phong, bút pháp này hô ứng với các nguồn tư liệu dùng để biên soạn Quốc chí đã nói ở trên sẽ là những giải pháp để mô tả đối tượng trong tình trạng đương hiện một cách hữu hiệu. Nói Quốc chí là địa chí đương đại là như vậy; kỳ vọng Quốc chí là bộ cơ sở dữ liệu mô tả diện mạo Quốc gia trong thời điểm đương đại cũng là vì như vậy.

PGS.TS. Trần Thị An, Khoa các Khoa học Liên ngành

(Nguồn: https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N31976/dia-chi-duong-dai----nhung-yeu-cau-dat-ra.htm)

Các bài viết khác

Xem thêm
Hồ nước đẹp như tiên cảnh treo lơ lửng trên vách hang Thung ở Quảng Bình
Tin tức khác13/08/2024

Hồ nước đẹp như tiên cảnh treo lơ lửng trên vách hang Thung ở Quảng Bình

Nhóm khảo sát đã ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp về hồ nước treo lơ lửng trên vách hang Thung thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tin tức khác08/11/2024

"Cây thần linh" nghìn năm tuổi ở cổng trời được theo dõi đặc biệt

Ở cổng trời rừng cấm thuộc tỉnh Lâm Đồng có cây thông hai lá cổ thụ nghìn năm tuổi sừng sững vươn lên khỏi tán rừng. Đồng bào K'ho ở địa phương gọi là "cây thần linh", luôn bảo vệ cây đặc biệt.

Thánh địa Mỹ Sơn
Tin tức khác12/08/2023

Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Thông thường người ta hay so sánh Thánh địa này với các tổ hợp đền đài chính khác ở Đông Nam Á như Borobudur (Java, Indonesia), Pagan (Myanmar), Wat Phou (Lào), Angkor Wat (Campuchia) và Prasat Hin Phimai (Thái Lan). Từ năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tân thời và hiện đại tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.