Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Thác suối Hón Lối - món quà của thiên nhiên

04/07/2024152

Thác nằm ở địa bàn thôn Lằn Sổ, xã Giao Thiện, cách trung tâm huyện 18 km. Thác gắn với truyền thuyết của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, cùng vẻ nguyên sơ sẽ lôi cuốn mọi du khách nếu có dịp ghé thăm.

Nói đến du lịch ở huyện miền núi Lang Chánh hẳn du khách sẽ nghĩ ngay đến dòng thác Ma Hao mộng mơ với những nét quyến rũ rất riêng. Tuy nhiên, Lang Chánh còn có nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp khác chưa được khai thác, trong đó có thác suối Hón Lối với 3 ngọn thác hùng vĩ đổ từ trên cao xuống tung bọt trắng xóa tạo nên làn sương huyền ảo, mát mẻ bay vào không trung. Thác nằm ở địa bàn thôn Lằn Sổ, xã Giao Thiện, cách trung tâm huyện 18 km. Thác gắn với  truyền thuyết của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, cùng vẻ nguyên sơ sẽ lôi cuốn mọi du khách nếu có dịp ghé thăm.

Cách thác suối Hón Lối vài trăm mét, có rất nhiều dòng thác lớn, như: Thác Kéng Lóng (thác Khua Luống), Kéng Nộc Cộc (thác Chim Phượng Hoàng), Kéng Hón Lối (thác Ngã ba Hón Lối), Kéng Cò Hăm (thác Cây Dỗi), Kéng Băng Pung Pót (thác Suối Tăm), Kéng Sài (thác Đeo Dây), Kéng Húng (thác Húng) còn khá hoang sơ.

Con suối Lối có mạch nguồn từ đại ngàn, đổ từ làng Húng về thôn Lằn Sổ của xã Giao Thiện. Dòng nước của thác Suối phải qua 3 đến 4 tầng thác mới đến, vì vậy nó mang tên là thác suối Hón Lối. Theo người dân bản địa dòng thác trong lòng suối Lối có nghĩa là “soi đường chỉ lối”. Chỉ cho họ khi vào rừng chặt củi, hái măng, khi đi mò cua, bắt ốc, đánh chài bắt cá trong lòng suối, họ đi vào tận rừng xanh và khi trở về cứ  men theo dòng suối là ra đến bản. Đặc biệt, suối Hón Lối cũng là dòng suối gắn liền với tên tuổi vị Anh hùng Lê Lợi khi xưa nương náu, nuôi ý chí chống giặc Minh. Theo sách “Dư địa chí Lang Chánh” viết: “Cùng với Giao An và Trí Nang, xã Giao Thiện là nơi còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, truyện kể dân gian về anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhiều tên gọi làng bản là do Lê Lợi đặt, như: Huối Láu, Huối Vớ, Vườn Cam trên dãy Pù Rinh, làng Chiềng Lẹn, làng Lằn Sổ, làng Tượt, bản Húng, hang Lòn nơi Lê Lợi từng trú ẩn, giấu binh.

Vào với các dòng thác của suối Hón Lối du khách gặp ngay thác thứ nhất chỉ cao hơn 4,5m, nhưng với 3 dòng thác đổ hòa vào nhau ví như một tam giác bạc, tạo nên một lòng hồ nước sâu, rộng, xanh thẳm; thác thứ 2 cách đó chừng 200m và cao hơn khoảng 6m; cách thác thứ 2  20m là đến thác thứ 3 cao hơn 10m. Chính dòng thác thứ 3 này đã tạo nên âm thanh kỳ diệu, với dòng nước chảy lan tỏa như làn mây trắng, tạo nên một bức tranh sơn thủy, hữu tình.  Dòng suối khá rộng, ven bờ có những phiên đá to bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ cao vút tỏa bóng mát.

Khi đứng trên đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy cả một vùng núi rừng bao la hùng vĩ. Dưới chân thác là khoảng rộng mênh mông nước và vô vàn những mô đá như được sắp đặt trước, bằng phẳng để du khách bơi lội, tắm mát. Dọc theo suối Hón Lối còn có những hang sâu và nhiều tảng đá lớn bằng phẳng. Không khí nơi đây lúc nào cũng mát lạnh khoảng chừng 10 đến 12 độ C. Chúng ta có thể thấy được ở đây có vô vàn tảng đá nằm chồng lên nhau, với những bậc thang đá tự nhiên, nước chảy giữa những vòm cây xanh tựa như một giàn hoa quanh năm che chở cho dòng thác êm đềm, dịu ngọt. Hai bên là những cây đại thụ buông rễ xuống tận mặt nước. Đến với thác suối Hón Lối xã Giao Thiện, không chỉ được đắm mình trong làn nước mát trong xanh soi rõ từng viên cuội. Du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của  đồng bào người Thái, Mường như cơm lam, cá nướng, ốc lam, thưởng thức hương vị khó quên của rượu mang tên “Đầu sóng, ngọn gió” và ngắm nhìn những cô gái Thái, Mường dịu dàng trong các làn điệu khặp, điệu xường của núi rừng.

Ông Phạm Xuân Nội -  người dân thôn Lằn Sổ cho biết thêm: Một trong những điều cuốn hút khi đến với thác suối Hón Lối, có rất nhiều loài hoa, phong lan cùng những măng nứa, măng giang, măng đắng chui lên thẳng tắp; còn dưới lòng suối thì có rất nhiều tôm, cua, cá và các loại ốc... Du khách đến đây không chỉ tham quan cảnh đẹp mà còn được thưởng thức nhiều loại nông sản đặc trưng của Giao Thiện.

Để khai thác tiềm năng thế mạnh thác suối  tại xã Giao Thiện thu hút được khách du lịch đến tham quan, tới đây huyện cùng xã cần phải đầu tư làm mới tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Giao Thiện vào thác suối Hón Lối để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Trong đề án phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, huyện Lang Chánh sẽ phối hợp liên kết các điểm di tích, cảnh quan thiên nhiên, du lịch trải nghiệm và du lịch tâm linh như chùa Mèo (thị trấn), thác Ma Hao (bản Năng Cát) ruộng bậc thang, chợ phiên xã Yên Thắng cùng với thác suối Hón Lối (xã Giao Thiện) hình thành các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, khám phá.

Ngọc Thỏa Trung Tâm VHTT-TT&DL huyện

Xem thêm: Trải nghiệm cây cầu kính Bạch Long

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet
Gia phả30/07/2023

Hồ sơ về đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, hy sinh tại vùng biển Phú Yên khi chiến đấu với Phỉ Thanh năm 1864, Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (77). 2009

Trong chuyến đi điền dã để sưu tầm tư liệu về Phù quận công Lương Văn Chánh, người đã có công khai hoang lập ấp tỉnh Phú Yên ngày nay, chúng tôi đã tiếp cận được tư liệu về một hậu duệ của ông, đó là Đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, hy sinh tại Ghềnh Bà, tấn Cù Mông vào năm 1864 và đã được vua Tự Đức sắc phong Hiệu trung kỵ úy, Chánh đội trưởng tinh binh. Sắc đề ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 17 (1864).

Chương trình phối kết hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam
Tin tức khác08/06/2023

Chương trình phối kết hợp nghiên cứu lịch sử văn hóa các dòng họ Việt Nam

Trong nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu trước đây, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn hóa các Dòng họ Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tập hợp được các chuyên gia đa ngành (cũng là thành viên từ các dòng họ Việt Nam) tự nguyện tham gia, đáp ứng các nghiên cứu và ứng dụng công tác theo tiêu chí UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin truyền thông để tìm ra giải pháp lưu trữ, thống kê về hệ thống di sản vô cùng đồ sộ trong các dòng họ ở Việt Nam và các tiến hành bảo trợ, vinh danh, động viên các dòng họ hướng tới các phát triển hệ thống và bền vững do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phát động.

Điện Thái Hòa và điện Cần Chánh thời Nguyễn nhìn từ góc độ Bố trí không gian nghi lễ, Nghiên cứu và phát triển số 4
Địa chí29/06/2023

Điện Thái Hòa và điện Cần Chánh thời Nguyễn nhìn từ góc độ Bố trí không gian nghi lễ, Nghiên cứu và phát triển số 4

Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh (Cần Chính) là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành (Hoàng Cung) tại Kinh đô Huế thời Nguyễn (1802-1945).