Lời Tòa soạn: Thái giám hay hoạn quan là những nam nhân bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (do bẩm sinh hay bị cắt bỏ) được tuyển vào cung để hầu hạ vua chúa, hậu phi và làm những việc tạp dịch hàng ngày. Dù bị xem là hạng nô bộc nhưng lịch sử cho thấy, việc tin dùng hoạn quan và đam mê tửu sắc chính là nguyên nhân làm suy yếu hay sụp đổ nhiều triều đại. So với Trung Quốc, lịch sử Việt Nam ít có nạn hoạn quan lộng quyền khuynh đảo cả triều chính, nhất là dưới triều Nguyễn, suốt gần 150 năm tồn tại, không thấy có vị “quan hoạn” nào gây bất ổn trong nội cung. Ghi chép về họ trong chính sử của triều đình vì vậy rất mờ nhạt. Bài viết dưới đây của tác giả người Pháp A. Laborde đăng trên tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) vào năm 1918 là một trong số ít công trình khảo cứu sớm nhất và tương đối chi tiết về đời sống và sinh hoạt của các thái giám thời Nguyễn. Bản dịch của bài viết đăng trên tạp chí Dòng Việt số 14-2003, Số kỷ niệm 200 năm Cố đô Huế, Tập 3, xuất bản tại Hoa Kỳ. Chúng tôi đăng lại nguyên văn, có bổ sung một số chú giải đặt trong ngoặc vuông hoặc cuối trang để bạn đọc tiện theo dõi. NC&PT.
Chế độ pháp lý hiện hành chi phối sự phục vụ của các Thái giám ở An nam là sản phẩm của vua Minh Mạng được quy định trong chỉ dụ ngày mồng 1 tháng 12 năm thứ 17 của triều Ngài (17-3-1836). Bằng tờ dụ này, vua Minh Mạng đã chấm dứt những sự lạm dụng thái quá của các Thái giám [như đã từng xảy ra] ở triều đình bên Trung quốc mà một số đã trở thành nổi tiếng do hành động can thiệp vào công việc của triều đình.
Các Thái giám cho đến thời Minh Mạng không phụ thuộc vào một qui tắc pháp luật nào cụ thể cả, họ sống ngoài lề so với các quan chức khác trong Hoàng cung, đi lượm nơi này nơi kia chút ít ân huệ và vì chẳng có sách vở nào qui định chức vị của họ, nên nhiều khi họ lấn chiếm quyền bính to lớn trong việc điều hành Nội cung, ngay đến cả việc trị vì trong vương quốc. Thật vậy; rất dễ dàng chi phối các vị vua bằng cách sẵn sàng nịnh bợ trong các thói quen mật thiết và ngay cả trong tật xấu của vua, cũng như dễ dàng tạo cho họ một quyền lực rất đáng ghê sợ khi mà họ trở nên bất công và hung dữ do sự tàn tật của họ.
Phải nghĩ rằng Minh Mạng đã lắm bực mình về họ, do đó Ngài đã hành động kịp thời không chỉ để hạn chế các ưu đãi đối với họ đã có từ trước mà còn để hạ bệ họ xuống địa vị của những kẻ hầu hạ. Ngài đã nêu trong tờ dụ nói trên là từ rày về sau Thái giám không được có một danh tước gì mà trong bất cứ trường hợp nào họ cũng không thể được tiến cử vào hệ thống quan lại.
Ngài nhắc lại là các chức vụ của họ chỉ để chuyển giao các mệnh lệnh và họ không được dính dáng trong bất cứ trường hợp nào vào việc cai trị của triều đình; Ngài qui định rõ là Thái giám nào phạm tội bất tuân các luật lệ mới này sẽ bị trị tội rất nặng không hy vọng được khoan dung, và ra lệnh quyết định này phải được khắc vào bia trước trường Quốc Tử Giám để cho tất cả các thái học sinh hiểu và truyền về sau cho hậu thế. Cái bia ấy vẫn còn đến ngày nay trên vị trí của trường Quốc Tử Giám, gần miếu Khổng Tử, trường đã dời đi nhưng bia hãy còn đó, một mình lạc lõng.(*)
Vua Minh Mạng đã ra chỉ thị là các Thái giám không được đưa vào ngạch quan trường, nên đã tạo ra cho họ một hệ thống giai cấp đặc biệt để xếp sắp các ngạch, bậc và qui định lương bổng bằng lúa và quan tiền.
Hạng | Cấp bậc | Số bát gạp hàng tháng | Số quan tiền trong tháng |
Hạng nhất: Thủ đẳng | Quảng vụ và Điển sự Thái giám | 48 | 72 |
Hạng nhì: Thứ đẳng | Kiểm sự và Phụng nghi Thái giám | 36 | 60 |
Hạng ba: Trung đẳng | Thừa vụ và Điển thắng Thái giám | 24 | 36 |
Hạng tư: Á đẳng | Cung sự và Hộ thắng(**)Thái giám | 24 | 36 |
Hạng năm: Hạ đẳng | Cung phụng và Thừa biện Thái giám | 24 | 24 |
Niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) có một vài thay đổi về lương tính bằng quan được tăng lên; đến niên hiệu Thành Thái năm thứ 2 (1890) lương bằng lúa và quan tiền bị bỏ hẳn và thay bằng đồng bạc, và do chiếu chỉ của vua niên hiệu Duy Tân năm thứ 6 (1912) đã quy định như sau:
Quảng vụ 540 đồng/năm
Điển sự 384 đồng/năm
Kiểm sự và Phụng nghi 324 đồng/năm
Thừa vụ 276 đồng/năm
Điển thắng 264 đồng/năm
Cung vụ và Hộ thắng 204 đồng/năm
Cung phụng và Thừa tá 180 đồng/năm
Nếu như các Thái giám, bản thân không được hưởng các vinh dự dành cho các quan chức thì họ cũng được mang về cho cha mẹ họ được hưởng một vài vinh dự dành cho thường dân. Và như vậy là các Thái giám của ba hạng trên hết có thể đứng ra xin cho cha mẹ họ chức Nhiêu phụ, là chức được vĩnh viễn miễn thuế cũng như xin phong chức Miễn nhiêu (khỏi thuế cả đời) cho anh em hay cho cháu. Các Thái giám hạng tư hay hạng năm thì không được xin gì cho cha mà chỉ có thể xin một chức Miễn nhiêu cho anh em hay cháu mà thôi.
oΟo
“Hậu Hán dụ phục chí” đã cho biết các huy hiệu bên ngoài mà các Thái giám có thể đeo được. Họ đội mũ có viền vàng được tô điểm thêm con ve ve và một cái đuôi chuột? Theo lời một nhà Nho thì người ta muốn so sánh Thái giám với con ve ve bởi theo các nhà thi sĩ thì con ve ve chỉ ăn sương và giữ sự tinh khiết; mặt khác, công việc của Thái giám cho ta hình dung đến con chuột bởi vì chuột có thể chui rúc ở những nơi bí mật nhất. Tiếc là tôi không thể vẽ lại mẫu của cái mũ ấy mà dường như rất khác với cái mũ hiện nay. Trên cái mũ hiện nay, người ta không thấy ve, chẳng thấy chuột; hình dạng của nó chỉ khác một chút với mũ của các quan khác mà thôi; cái phần trên cũng không vòm mà tròn như mũ quan nhưng bằng phẳng và thuẫn trên có trang trí một chòm bông và các hoa văn hoa hòe vàng hay bạc tùy theo cấp bậc.
Áo lễ phục màu lục cho các vị Thái giám cao cấp, xanh cho kẻ khác và có bức thêu ở trước ngực có các con chim đối với các quan văn, và các con thú bốn chân cho quan võ. Ngày xưa các Thái giám trưởng được phân biệt với các Thái giám khác bằng cái viền cổ trắng bằng lụa bỏ thõng xuống hai bên ngực cho đến thắt lưng, nay các viền ấy không còn nữa. Vị Thái giám trưởng nay chỉ khác là có thẻ bài ngà chỉ tính chất quan trọng của ông.
Khi không phục dịch ở cung điện thì các Thái giám có thể về nghỉ ở một nhà riêng dành cho họ gọi là Cung giám viện. Ngôi nhà ấy nay không còn nữa, nhà ấy bị phá đi đã ba năm nay vì nó đổ nát chỉ còn cái bếp, một cái am nhỏ do các giám xây dựng lên để cúng thờ các vị thần và cái hòm đá trên mặt của cửa vào có khắc bốn chữ “Cung giám viện môn” được đặt trên cái đế lót do một người sau cùng còn ở tại đây là một Thái giám bị vua Thành Thái cách chức vì sai phạm gì đó; ngôi nhà phá đi gồm có 9 gian và dành cho gia đình các Thái giám ở và đồng thời để nuôi dưỡng các Thái giám nhỏ chưa được vào Cung. Cung giám viện ở bên ngoài Hoàng cung nằm ở góc đông bắc của Cấm thành và cũng tại chỗ này, ngày nay người ta còn tìm thấy dấu vết của nó gần một cái cửa đi đến chuồng ngựa nhà vua. Trước mặt Cung giám viện là Bình an đường, hiện nay vẫn còn là nơi mà ngày xưa các bà trong cung khi hấp hối được đưa ra đó(1).
Dưới triều Thành Thái, các Thái giám độ 15 người trong đó 5 người phục vụ các lăng mà theo tục lệ các bà vợ vua đã băng hà cũng đến ở tại đó, 2 người dành để phục vụ Hoàng thái hậu, số còn lại phục vụ trong cấm cung. Vua Thành Thái đã có một trung đội phụ nữ mà vua ưa thích hơn, dùng để hầu hạ riêng cho vua và thường bị vua đày đọa, cũng chính lúc này nhiều Thái giám phải rời khỏi cung. Ngày nay chỉ còn 9 và cũng có thể là những người triều bộc cuối cùng thuộc loại giám.
Vào năm 1914, vấn đề cho họ thôi việc là đương nhiên để bỏ hẳn một tập tục còn rơi rớt từ ngày trước, không hợp với thời đại của ngày nay; dù sao để cho các người triều bộc già nua vẫn có gì để sống, người ta quyết định giữ họ lại cho đến cuối đời, và mặt khác không chấp nhận một sự tuyển chọn mới nào nữa. Đã đến lúc các bạn Huế cổ kính có thể được một vài dữ kiện về tổ tiên – xin bỏ lỗi cho tôi về việc dùng từ ngữ này của những kẻ bất hạnh ấy.
oΟo
Như trên chúng ta đã đưa ra một số tư liệu có tính cách tổng quát về các Thái giám, dưới đây chúng ta đi vào các chi tiết, bằng sự khảo sát khía cạnh lịch sử.
Cuốn “Châu Lễ” viết từ thời Châu, cho chúng ta biết rằng vào thời kỳ nầy các Thái giám được gọi là Tư nhân(*) (người giúp việc) và được dùng cốt để truyền lịnh trong Hoàng cung; theo sách Kinh Lễ họ còn được giao kiểm tra các cửa lớn và cửa hông của cấm cung, và còn có tên gọi là Yêm doãn (Yêm: hoạn, thiến, Doãn: “công chức”); họ được phụ trách quét và giữ gìn vệ sinh trong các phòng riêng; thực chất thì họ là những bồi phòng tầm thường được phép đi lại trong khuê phòng và để làm trung gian giữa vua chúa và các cung tần mỹ nữ.
Chẳng bao lâu, họ tiến nhanh lên tầm quan trọng và còn lấy được tên quý phái hoạn quan (quan bị lặt). Chúng ta tìm thấy trong cuốn sách của cha Hoàng ở Nam kinh nhiều tư liệu rất chính xác về các loại quan ấy: “Theo các tài liệu lịch sử, công việc Thái giám xuất hiện ở nước Trung hoa dưới thời Châu (1122-250 trước Công nguyên) mặc dầu họ được xem là quan nhưng cũng chỉ được giao công việc của kẻ tôi tớ như quét phòng chùi bàn ghế, còn về công việc chính quyền thì họ chẳng được giao”.
Sau này, do sự trung thành khéo léo và các việc phục vụ thấp hèn, họ đã lấy được lòng tin của một số vua chúa, không chịu nhận những vai trò hèn mọn và tìm cách chiếm các địa vị cao hơn trong công việc hành chính cũng như trong việc binh bị. Họ chiếm được quyền cai trị, làm bạn được với các quan lại, ban ân huệ cho kẻ theo bè và bằng nhiều thủ đoạn họ có thể loại trừ địch thủ của họ. Họ nhận đút lót bằng tiền của, họ vi phạm mọi luật lệ và quyền lực tối cao đến lúc cũng vào tay họ.
Một số vua chúa đã nhiều lần cố chống lại sự nhiễu loạn của các Thái giám. Năm 1633, một vị vua Trung hoa quyết định là các Thái giám không được vượt quá Tứ phẩm, cấm họ không được dính líu vào các việc chính quyền và cấm quan hệ với các quan lại. Nếu vi phạm sự ngăn cấm đó, thì quan lại bị xử trảm và Thái giám bị tùng xẻo.
Đạo luật hà khắc này đôi khi cũng được thực hiện nhưng cũng phải nói là rất ít và theo những truyền tụng trong lịch sử thì luật này chẳng làm cho các hoạn quan các đời sau sợ hãi chút nào, và họ vẫn cứ tiếp tục những việc làm thái quá trơ trẽn.
Cái gì đã ghi trong lịch sử Trung hoa cũng có thể áp dụng ở An nam, và các tập quán của Trung hoa có dấu ấn rất sâu đối với tập quán An nam.
Ở đây cũng như ở bên Tàu, các Thái giám đều có ảnh hưởng tai hại, và cần phải hạn chế các quyền lực ngấm ngầm mà các người bảo vệ giai cung này đã lấn dần dần. Họ vẫn có quyền hành lớn, mãi cho đến năm 1755, bởi vì thế như cha cả Koffler trong nhật ký hành trình ở vào thời kỳ này đã có viết:
“Các Thái giám có vinh dự rất lớn, trong đó có 3 vị giữ những trọng trách; người thứ nhất bảo vệ kho bạc vua, thu thuế, trả chi tiêu của Hoàng cung: uy thế của ông lớn đến nỗi cũng không thể lấy gì ra khỏi kho mà không được sự đồng ý của ông này. Hai người kia cầm đầu thương mãi và chỉ có các ông mới có quyền bán: vàng, sắt, ngà… cho người ngoại quốc. Họ còn chăm lo hàng hải và mua sắm các hàng hóa cho vua…”
Quyền lực của họ kéo dài đến thời Minh Mạng và vua Minh Mạng đã ra lệnh chấm dứt bằng chiếu dụ như đã được nói ở phần mở đầu của bài nghiên cứu.
Trong chiếu dụ này, vua Minh Mạng sau khi nhắc lại cái quyền bính lạ kỳ mà các Thái giám ở triều đình Trung hoa đã được tạo cho họ trong một tài liệu có ghi là “Họ đã đặt tay lên cái lưỡi của bảo kiếm quyền hành và chỉ đạo hành động của nhà vua, trong khi vua chỉ cầm chuôi kiếm” thì vua đã nêu ra trường hợp của Thái giám Hoàng Công Phu(*) dưới triều Lê, là người đã cầm quyền tai hại như “ngọn lửa”. Các sử sách An nam có kể về nhân vật ấy. Quê quán ông ấy ở Hà nội, khuyết tật từ bé, đến năm lên 14 tuổi được đưa vào nữ cung của các chúa Trịnh, là các chúa Bắc kỳ, các quản lý Hoàng cung của các vua Lê. Ông rất tài tình, chẳng mấy chốc đã được lòng tin của các Chúa và sau đó tạo được cho mình một quyền hành đáng sợ. Nhờ sự can thiệp của Hoàng Công Phu mà một người được ông ta bảo vệ là Trịnh Huệ đã đậu cao trong kỳ thi Hội và sau đó đã thăng lên hàng Thượng thư và hàng tướng. Hoàng Công Phu đồng lõa với Trịnh Huệ để chiếm quyền và dưới quyền bính của hai ông này, đất nước đã trải qua nhiều loạn lạc. Lợi dụng sự sợ hãi tâm thần và sấm sét của chúa Trịnh Giang, hai người này đã thuyết phục và đưa Chúa vào ẩn trong một tòa nhà dưới đất và một khi đã giấu kín Chúa rồi, thì hai ông này trở thành các Chúa tể trị vì xã tắc. Tuy nhiên Hoàng hậu đã gỡ được thứ ách thống trị của hai kẻ chiếm quyền. Bà đã làm cho Trịnh Giang thoái vị để nhường cho em và nhân đó đã đánh bại Hoàng Công Phu và các đồng đảng.
Minh Mạng còn kể lại dưới triều Gia Long là thời đại vẫn gồm bên ngoài, một Thái giám Lê Văn Duyệt do có nhiều công trạng được chức tướng, sau đó lợi dụng tình thế, thêm một lần nữa đã chứng tỏ rằng loại người như Lê Văn Duyệt “là một loại bỏ đi”.
Minh Mạng đã nói như thế, chính cũng do vấn đề Lê Văn Duyệt mà ngài đã hận thù các Thái giám càng dữ dội hơn. Nhưng về sau ta sẽ nhận thấy hận thù này đối với Lê Văn Duyệt là bất công và không có lý do.
Thật ra Lê Văn Duyệt không phải là Thái giám duy nhất bị đánh giá theo cách trên; tiểu sử của ông, rất rõ đối với người Pháp, tiểu sử này diễn ra đúng vào thời điểm Gia Long chiếm lại được Nam kỳ, cho phép thấy rõ là ông đã bị Minh Mạng đối xử bất công và cũng cho phép biết được lý do gì đã thúc đẩy vua Minh Mạng vạch tội kẻ tôi trung này ra giữa mọi người. Lê Văn Duyệt lúc này đã có nhiều công trạng lớn đối với Gia Long và đã được vua khen thưởng bằng cách phong lên chức vụ Phó vương Nam kỳ. Sau khi Gia Long mất, vì kính mến người đã qua đời, Lê Văn Duyệt tự cho mình có trách nhiệm phải cố vấn vua Minh Mạng và theo như người ta kể lại thì Lê Văn Duyệt đã trách móc vua Minh Mạng là có thái độ tấn công những người Pháp, đã từng được Gia Long yêu mến. Hơn nữa theo như người An nam đã kể thì chính Lê Văn Duyệt là một trong những người muốn thay Hoàng tử Anh, cháu nội của dòng chính,(*) nối ngôi Gia Long và do đó ông không đồng ý về sự đăng quang của Minh Mạng là con thứ nhì. Do những lý do trên mà vị vua mới có nhiều ác cảm đối với Lê Văn Duyệt; tuy nhiên do nghĩ đến Gia Long đã yêu quý vị tôi trung này và nhất là Lê Văn Duyệt là người còn quyền lực đối với dân chúng và quân đội nên vua mới chưa dám hại. Và phải đợi đến lúc vị Thái giám lừng danh này chết đi thì vua Minh Mạng mới trả thù và người ta đã cho là vua Minh Mạng đã trả thù một cách rất đánh chê trách.
Về vấn đề này, tôi xin nêu ra một số chi tiết lấy từ sách của tác giả Sylvestre: “Vị công chức cao cấp này (Lê Văn Duyệt) làm cho Minh Mạng giận dữ. Khi ông này còn sống, vua để yên vì sợ kích động sự bất bình của lòng dân đã thờ ông như vị anh hùng chống giặc Tây Sơn, bạn của vua Gia Long và con người giỏi đã lập lại trật tự, thái bình và thạnh vượng cho Nam kỳ; khi ông mất, Minh Mạng cất chức Phó vương, ra lệnh lập tòa án xét duyệt các hành động và xử án người đã chết. Họ giam cầm tất cả bạn bè và những người trong gia đình ông. Trong số những người trong gia đình ông, có một người Bắc Kỳ tên là Khôi dùng vũ khí chống lại sự trả thù bỉ ổi này và nổi loạn; Khôi tìm cách đưa ngôi về cho cháu nội đích tôn của Gia Long mà trước đã bị bỏ rơi để dành chỗ cho Minh Mạng. Sài gòn bị bao vây, Khôi đã chịu thua sau khi đã kháng cự dũng cảm; các thuộc hạ của ông chưa bị giết trong trận cùng với một linh mục Pháp (2) bị giam trong củi và đưa về Huế và bị giết chết theo cách bị giết chết dần, con của Khôi mới lên 7, bị hành xác, xương bị đâm nát rồi bỏ trong đại bác mà bắn ra biển khơi. 1200 người (cả đàn ông và đàn bà) bị bắt tự đào lấy hố bên bờ lũy của Kinh thành, bị cắt cổ hàng loạt và bị chôn lùa trong mộ chung (3). Hơn nữa Minh Mạng còn khiển trách cố Lê Văn Duyệt không biết giáo huấn tinh thần trung thành của người Nam kỳ đối với vua chúa nên đã kết án sau khi chết bằng cách đập phá lăng mộ của ông và có cắm một cọc có xích sắt và ghi:“Đây là kẻ Thái giám đã chống lại pháp luật”.
Dĩ nhiên là sử sách An nam không ghi lại những sự kiện này; sau khi đã ca ngợi Lê Văn Duyệt, vừa tướng lại vừa quan cai trị, sử sách chỉ ghi thêm là sau khi chết, Lê Văn Duyệt còn phải gánh chịu trách nhiệm về hành động của các thuộc hạ của ông, bởi lẽ ông đã không biết dạy dỗ bọn này, nên đã để cho họ quên mất bổn phận đối với vua chúa; sử sách cũng nói thêm rằng để xử án ông, ngôi mộ của ông bị san bằng và có một bia đá được cắm vào đất ở tại đó với những chữ: “Đây là mộ của người Thái giam uy quyền Lê Văn Duyệt bị kết án”(*) cũng nên hiểu rằng triều đình An nam đã thừa nhận đây là bất công, cho nên vào năm 1866, vua Tự Đức đã phục hồi cho cố Lê Văn Duyệt các chức tước cao quý và đã cho đặt bài vị của ông vào miếu Trung Hưng Công thần.
Vào năm 1835, sau 3 năm cái chết của vị Thái giám lừng danh, trước yêu cầu tha thiết của dân chúng địa phương thán oán cho rằng họ bị khổ hạnh vì sự phỉ báng và đập phá lăng Lê Văn Duyệt, nên người ta đã cho xây lại lăng và cất tấm bia thóa mạ ấy. Ngôi lăng còn tồn tại ngày nay gần Sở Thanh tra ở Gia định và được nhà cầm quyền Pháp bảo dưỡng.
Người ta chọn Thái giám như thế nào? Những thông tin thu thập được của tôi từ những hồi ức của các bậc lão niên trước đây có tham gia sự tuyển chọn ấy cho biết, thì những làng xóm hay gia đình sản sinh ra các giám đã hối hả đem đến triều dâng những đứa con tội nghiệp ấy. Đây quả thực là một diễm phúc trước hết cho xóm làng vì được miễn nghĩa vụ quân dịch và sau này hy vọng khi giám vào Cung sẽ còn đưa nhiều ân huệ của vua cho xã và gia đình. Thông thường sau khi giám được tuyển thì nhận được một bổng ngang với tiền khoản thuế thân của 17 khẩu (4). Do đó dân gian có câu “Đẻ ông Bộ cho làng nhờ”.
Khi lớn lên 10, 11 tuổi, đứa bé được đưa vào Cung. Dưới sự chỉ dẫn của các lão thành, nó đã phải học hỏi vai trò rất tế nhị mà nó phải hoàn thành trước các cung tần mỹ nữ của vua.
Vị linh mục Koffler, trong bút ký vào năm 1755 quả quyết những người hầu hạ ấy “là bẩm sinh và rất hiếm, được vua cần đến”. Nguyên tắc là họ phải khuyết tật khi mới chào đời nhưng luật pháp An nam cũng dự phòng vấn đề này trong điều khoản 244: “Không một gia đình quan lại hay thường dân nào được phép nuôi con nuôi để lặt thiến nó”. Nhưng sự cấm đoán này như ông Philastre nói, không dành cho Hoàng gia được phép tạo ra giám. Đó là cái kế công bố để cho các gia đình thượng lưu được lặt thiến đã quy định.
Trong những điều kiện trên, không lạ gì ngày xưa người ta cần lặt thiến; các tập quán An nam dưới góc độ này hay nhiều việc khác đều làm theo phong tục của Trung hoa, như lời cha Hoàng: “Những đứa từ 6 đến 20 tuổi được hoạn đi và do Thái giám già chăm sóc để phục vụ trong cung cấm”. Cũng tác giả ấy đã ghi số lượng của Thái giám là trên 200; và ông Maybon trong cuốn “Cuộc đời bí mật của triều đình Trung Hoa” có nói đến một luật lệ đã dự trù đến 3.000 người, nên có thể kết luận là cái phong tục hoạn dã man ấy đã áp đặt để đáp ứng với dịch vụ lạ kỳ ấy.
Có nhiều khi, cũng có điều lệ xử phạt việc ấy.
Có nhiều kẻ làm cho mình phạm tội bằng tự ý tạo ra điều kiện giám; nếu họ chỉ làm như vậy là do nghèo túng thì họ không bị phạt mà lại đưa vào Cung và có việc làm. Người ta còn nói có nhiều Đại thần, để có thể dồn hết sức lực cho công việc Nhà nước, đã không ngần ngại cắt bỏ cái vật, là nguyên nhân của mọi sự phiền toái ở con người họ. Lịch sử An nam đã từng nêu tên những vị anh hùng chịu đựng những đau khổ ấy. Tôi có đọc được trong cuốn sách “Việt Sử Tiết Yếu” là dưới thời Lý vào năm 1104 có tướng Lý Thường Kiệt cùng người em Thường Hiến đã có nhiều thành tích trong binh nghiệp; ông đã thắng rất nhiều trận, được phong các chức tước cao nhất và đến khi chết được phong tước Công Huyết Thống gọi là Việt Quốc Công và em ông được phong Hầu.
Sau này đến năm 1251, dưới thời Thái Tôn, có một anh hùng cùng loại là Phạm Ứng Mộng ít dũng cảm hơn, bởi vì ông này đã chịu để cho lặt theo lệnh vua. Chuyện kể rằng một đêm nọ, vua đi dạo tình cờ thấy một vị quan viên giống đúc như người trong mộng đêm trước và theo giấc mộng thì người trong mộng này phải được vua đưa vào Nội để trở thành Thượng thư đầu triều. Vua rất đỗi ngạc nhiên về sự trùng lặp này, nhưng chỉ có giám mới được ở trong nội nên Ngài ra lệnh cho
Phạm Ứng Mộng phải lặt và trả tiền đền bù cho sự tổn thất về thân thể là 400 lạng; Phạm Ứng Mộng sau đó có nhiều thành tích chói lọi và trở thành một nhận vật cao cấp như mộng đã báo.
o0o
Ở trên là những công việc mà Thái giám phải làm trong cung điện, thiết nghĩ cũng cần phải đi vào vài chi tiết. Cha cả Koffler với tác phẩm mà tôi đã giới thiệu, có trình bày như sau: “Các Thái giám không được nói chuyện một mình với các cung tần mỹ nữ, không được nhìn họ; chỉ được phép chuyển lịnh của Vua chúa qua màn the và trước mặt của người phi thứ nhất và người quản gia; họ ở phía ngoài để canh gác”.
Mặt khác trong cuốn sách “Mélanges sur l’administration” (Tạp văn về trị vì) cha Pierre Hoàng, mục sư ở Nam kinh, cho biết những chuyện như sau: “Họ có nhiệm vụ sắp xếp áo quần cho vua và cho những người trong gia đình vua, sắp xếp đồ đạc cho Hoàng cung và cung giai nữ, họ chăm sóc chuồng ngựa, vũ khí, cung tên, gươm giáo, mũ, giáp sắt và xà mâu… họ chăm sóc vườn cây, vườn cảnh. Họ phục dịch trong yến tiệc, hầu bàn cho vua và những người trong gia đình vua và họ còn lo thuốc thang và thư viện”.
Ông Maybon khi kể về các Thái giám của đế quốc con trời, đã đi sâu hơn nữa trong các chi tiết liên quan mật thiết.
“Họ phải tập trung trong các trại ở trước cung giai nữ; ngày đêm lúc nhúc, lao nhao. Họ là người coi ngó tiền bạc, canh gác ban đêm, canh gác kho trại, săn sóc voi ngựa, canh gác phòng ốc, quản gia bếp trưởng thầy tớ, báo cáo người đến thăm. Trong tất cả các nhân sự đó, họ là kẻ chỉ điểm, thám báo, dựng chứng giả, trộm cắp, nhũng lạm tiền bạc. Nói chung là con người của mọi tội phạm, là chủ nhân của 48 cung điện, họ ngang nhiên quản lý đời sống trong Hoàng cung. Theo luật lệ gia đinh thì họ phải là 3.000 người, nhưng thực tế có khi còn nhiều hơn nữa. Dầu sao cũng chỉ một nhóm cao cấp nhất mới được dùng làm chim xanh giữa Thiên tử và phụ nữ. Được biết rằng kẻ chỉ huy đội quân khủng khiếp ấy là một vị quan Tứ phẩm có khi cũng dám chống lại ý muốn của vị Chúa tể.
Các Thái giám đầy nhung nhúc trong các phòng của Hoàng hậu, phòng của vợ các Hoàng tử, phòng của các mệnh phụ và họ theo dõi các người cung nữ... Khi đêm đến, các Thái giám lần đến các khuê phòng và gác ngoài cửa.
Thái giám hầu cận vua đi vào một phòng kín: Tại đây có một tập thẻ ngọc, mỗi thẻ có ghi bằng chữ vàng tên của một Cung tần: và trong sở thích của Thiên tử được biểu lộ rõ rệt vào lúc ban ngày trên một thẻ nào đó, tấm thẻ được úp sấp lại. Thái giám hiểu và đi đến khuê phòng của người mỹ nữ đã được chỉ định, treo một cây đèn ú màu đỏ...
Trong khi người đàn bà được chờ đợi ấy cởi áo quần thì lập tức Thái giám bước vào, cầm một áo khoác màu đỏ không có tay. Người mỹ nữ trần truồng run rẩy trước cái nhìn của một sinh vật vô giác, nhưng cánh tay mạnh mẽ đã quấn nàng vào trong áo choàng, và một sự siết chặt có vẻ nóng hổi phủ trên mình. Những hành lang có âm vọng của bước chân đi qua, Thái giám bước nhanh, ôm chặt trên ngực của báu ấy. Lại cái lạnh lẽo của một căn phòng. Dừng chân lại.
Ánh sáng lờ mờ, hơi thơm thoang thoảng. Thái giám đặt khối nặng ấy vào trong cái mơn man của nhung lụa trên một cái giường.
Sáng hôm sau người Thái giám đứng canh trong đêm, mang mỹ nữ đang thiêm thiếp trở lại khuê phòng. Thái giám lại làm tờ trình để xác nhận trong trường hợp xẩy ra thụ thai”.
Chúng ta, cần nói thêm là trước khi trở lại khuê phòng, người phụ nữ nằm trong áo choàng, được đưa đến trình diện nơi một cái bàn thờ để cầu thần phù hộ cho việc làm của vua.
Xin nhắc lại những điều nói trên đều liên quan đến cung cấm tại nước Đế quốc Con trời; thì độc giả cũng nên hiểu là tôi muốn đưa ra những tư liệu tổng quát tương tự với những gì có thể có ngày xưa ở nước An nam. Độc giả cũng nên nhớ cho là từ thời Minh Mạng các nhiệm vụ Thái giám đã bớt hẳn tầm quan trọng và có cơ hội bị bãi bỏ hoàn toàn.
Tôi nghĩ rằng một vài độc giả tò mò muốn biết thêm một số tư liệu còn riêng tư hơn nữa đối với cuộc sống cá nhân của các Thái giám can đảm ấy. Tôi sẽ cố gắng làm vừa lòng họ bằng cách kể ra một vài chuyện mà nếu muốn tôi cũng chưa thể tìm ra tài liệu để chứng minh, nên xin chịu trách nhiệm về những chuyện kể này. Dầu chúng ta nghĩ ra sao đi nữa thì các vị Thái giám cũng có lúc chơi sang là cưới một bà vợ; cưới vợ ngoài các điều là may ra, đôi khi cũng được vua cho phép cưới một nàng cung nữ bị bỏ phế nào đó; họ cưới vợ ngoài thành phố, nuôi một con nuôi và cũng hình thành một tổ ấm như mọi người mơ ước. Không có vợ của Thái giám nào để lại những lưu niệm. Và do đó kẻ tò mò cứ tha hồ mà tưởng tượng. Có kẻ kể lại rằng dầu sao thì ở tại Huế cũng đã có một cặp vợ chồng sung sướng thuộc loại này; người vợ hồn nhiên cho rằng bà ta sống bên cạnh một người đàn ông bình thường nhưng có hơi buồn là không con. Sau này khi người chồng mất, bà ta tái giá, hiểu rõ sự thật và đã dám tâm sự với những bạn thân thiết, về một số chi tiết ngộ nghĩnh mà khó có thể đưa ra để nói trong một tập san nghiêm túc như thế này được.
Cũng nên lèm nhèm kể thêm câu chuyện kỳ quặc về một thầy đội trong Hoàng cung bị án tử hình vì đã có quan hệ mật thiết với một Thái giám và kết quả
là lọt ra một đứa con. Việc này chứng tỏ nhiều Thái giám có thể chỉ là những con người có cấu trúc cơ thể không bình thường mang tính chất vừa nam lại vừa nữ.
Sau câu chuyện như thế này, chúng ta có thể nêu ra đây những từ ngữ vui tai mà tôi nghe được từ cửa miệng của một người khôi hài nói về một người bạn Thái giám của anh ta là trong gia đình của giám này, cha con cháu chắt đều là giám.
Cũng có người cho chụp ảnh, chúng ta thấy người này không có những đường nét bên ngoài đặc biệt của một bà già, nhưng còn có thân hình mập mạp, vú thì nở như người đàn bà đứng tuổi. Họ là nam hay nữ, họ có phải là giám không hay chỉ đơn giản là người xứ Auvergue? Bí ẩn! Dù đây là một người tiêu biểu của loại người hoạn quan đã bắt đầu cuộc đời hoạn quan từ năm 11 tuổi cho đến nay được 62 tuổi. Trong sự bằng lòng của các người cai quản hoạn, hoạn nhận lấy một nhiệm vụ nơi lăng vua với việc: 1. - Coi sóc các đồ thờ cúng mà hoạn giữ sổ sách. 2.- Trả lương cho 9 người đàn bà dưới sự quản lý của hoạn, những người đàn bà đã từng là cung nữ tại Giai cung mà nay có tuổi từ 62 đến 83.
oΟo
Thiết nghĩ tôi đã cố nói gần hết về các Thái giám, ít nhất cũng bằng với tất cả tư liệu tản mạn mà tôi đã thu thập được.
Nay chỉ còn đề cập một cái chùa, được xây dựng ở vùng lân cận Huế và được các người Âu thường gọi tên là chùa Thái giám. Chùa xứng đáng được gọi tên này bởi vì chùa được xây cất do chính công lao của các Thái giám, chùa phải chăm lo cúng giỗ cái nghĩa địa dành riêng cho chùa. Chùa này, người An nam gọi là Từ Hiếu, đặt trên một ngọn gò cao được bao quanh bởi đường đi lên lăng Tự Đức, một lằn xếp của địa hình làm cho ta không thấy ngay được cái vùng cây lá trong đó có chùa và tạo nên một cảnh đẹp; những tài tử ưa dạo chơi sẽ thưởng thức ở đây một sự yên tĩnh tuyệt vời, tiếng suối róc rách, tiếng dế ri rỉ, tiếng chim líu lo và tiếng thông rì rào hợp với tâm hồn người đa cảm và chắc chắn hợp với tâm hồn bất hạnh của các Thái giám. Một tấm bia nói rằng: “Chùa này nằm tại địa phận làng Dương xuân, huyện Hương thủy, phủ Thừa Thiên, xung quanh là đồi có suối chảy dưới chân chùa, phía đông nam giáp Ngự bình, phía tây bắc có sông Hương và thuộc loại thắng cảnh của Kinh đô”, chùa này do sư Nhật Định xây dựng, sư cũng lập ra một tăng viện và lâu về sau có 3 vị Thái giám của triều đình có ý định về đây ẩn dật nên đã thu hút được về cho chùa nhiều tiền bạc cúng dâng từ triều đình. Niên hiệu Thành Thái năm thứ 5 (1893) các Thái giám ấy có những suy nghĩ cay đắng về tình cảnh của họ, về những hậu quả thê thảm từ tình cảnh này sẽ xảy đến đối với tương lai của họ, và cũng nghĩ rằng sẽ không nương tựa được vào ai để cúng thờ linh hồn họ, nên họ đã biết tìm cách tự cứu lấy mình và do đó họ đã tự bỏ tiền ra để xây dựng lại và nới rộng chùa và cái chùa ấy sẽ đối với họ là nơi dưỡng lão và cũng là nơi cúng thờ.
Họ còn ghi trên bia: “Trong khi sống chúng tôi sẽ tìm ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến đây lánh mình và sau khi chết chúng tôi sẽ được an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.
Cạnh chùa và cũng ở trên đồi ấy, một nghĩa địa được xây cất dành riêng cho Thái giám. Nó không giống như những nghĩa địa khác dành riêng cho dân bản xứ, các ngôi mộ đáng lẽ phải rải rác ở giữa cánh đồng, trái lại ở đây nó được sắp xếp đối xứng trong một cái sân lát gạch có tường bao quanh. Có 18 mộ và 9 đã chôn còn 9 mộ khác đang chờ đợi 9 Thái giám còn sống và sẽ về đây an nghỉ, lo xa như thế thì thật không ai bằng.
oΟo
Không nên rời khỏi cảnh đẹp này, mà không phải nói đến cái nhà nhỏ có hình dáng đặc biệt nằm đối diện với chùa Thái giám. Đó là tháp Bồ Đề là nơi chôn cất các kinh sách và pho tượng đã bị hư hỏng không dùng được nữa. Các kinh sách cũ kỷ không được đốt đi, mà phải được dồn lại để cho tiêu hủy dần dần một cách tự nhiên. Trên tháp Bồ Đề có một lỗ cao so với mặt đất độ 2 mét và phải leo vào đó bằng thang; qua lỗ hổng ấy, người ta ném các kinh sách cũ vào và tôi đã thấy một đống lớn trong ấy. Có một biển ghi cho chúng tôi biết là tháp đã xây dựng vào năm 1896 do sáng kiến của một vị sư cụ của chùa bên cạnh (Từ Hiếu) với sự giúp đỡ của một Thái giám. Thái giám này đã cầu xin đức Hoàng Thái hậu tài trợ với số tiền cần thiết. Các bổn đạo của các chùa vùng lân cận đều được yêu cầu đem các loại sách và các pho tượng để bỏ vào đấy.
Bulletin des Amis du Vieux Huê Vol.V (1918) - pp.117-134
Ghi chú:
1. - Người ta cũng thấy các Bình An Đường, gần các lăng tẩm là nơi ẩn dật các cung tần mỹ nữ của vua, thí dụ ở lăng Tự Đức. Chỉ có vua và Hoàng Thái hậu là được ở đến khi chết trong cung mà thôi.
2. - Cha Cả Marchand.
3. - Tôi không tìm ra vị trí của những người bất hạnh ấy bị chôn. Theo ông Sylvestre, vị trí đó gọi là “mả loạn” hay “mả khủng bố” và ở nơi cồn mồ gần Trường Bia (?).
4. - Tôi không tìm ra một dấu vết gì trong các Dụ của vua có những ân huệ như thế: vị Thái giám bạo dạn kia đã cho tôi tin ấy chắc là đã bịa đặt để đề cao tầm quan trọng đối với các đồng sự của ông và luôn luôn với lý do đó thì cũng khó biết được sự thực ngay cả từ miệng của Thái giám nói ra để khoe khoang, nói dối, hay nói thái quá, khi muốn nâng cao giá trị của mình. Tôi đã có nhiều nhận xét này trong quá trình nghiên cứu.
Xem thêm: Gia phả là gì? Hình thức lập gia phả và tộc phả
Đảo ngọc Cồn Cỏ (Quảng Trị) sắp bước vào mùa du lịch mới đầy hứa hẹn, sẵn sàng đón du khách gần xa. Và một trong những điều thu hút du khách tới đảo chính là được thưởng thức các món hải sản đặc biệt của Cồn Cỏ, trong đó không thể thiếu hàu Răng cưa. Điều này đặt ra cho kế hoạch khai thác phù hợp cũng như bảo vệ loài được phong là “hàu Vua” những nhiệm vụ quan trọng. Bởi đặc trưng loài hàu này còn có giá trị lớn về môi trường, có thể tạo nên “bờ kè tự nhiên” vững chắc bao quanh bờ kè nhân tạo, góp phần giữ phần nổi của đảo được lâu dài.
Họ Phí ở Việt Nam - một dòng họ hiếm, có số lượng khiêm tốn so với một số dòng họ khác, nhưng có những đóng góp quan trọng cho đất nước trong nhiều thế kỷ qua. Họ Phí ngày nay có mặt ở khắp nơi trong nước cũng như nhiều nơi ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ Phí chỉ tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hà Tây, Phú Thọ, Thanh Hóa và các tỉnh thành khác: Đắc Lắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang... Họ Phí ở Việt Nam có từ khi nào? Ở đâu? Quá trình phân tán thế nào? Ai là ông tổ của họ?... Để có câu giải đáp thỏa đáng, đây thực sự là vấn đề khó khăn. Các công trình nghiên cứu về dòng họ này chưa từng có, mặc dù trong chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam có đề cập đến một số danh nhân họ Phí - chúng tôi sẽ đề cập trong phần sau. Hiện nay, có một số ý kiến rất khác nhau về nguồn gốc họ này, ngay cả trong nội tộc họ Phí. Chúng tôi điểm qua vài nét như sau.
Nhóm khảo sát đã ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp về hồ nước treo lơ lửng trên vách hang Thung thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.