Có thể gọi là Tông Chi Phả là chi tộc nhỏ trong một Dòng tộc của một Gia phả lớn có thể gọi là Tộc phả. Tông Chi Phả là mấu chốt của một Gia đình, một Họ...Tuy nó không đủ mọi chi tiết nhưng nó cung cấp cho ta biết từ bậc Ông Bà, Cha Mẹ đến con cháu một giai đọan để có đủ tài liệu về tiểu sử lý lịch của mỗi cá nhân: Ngày tháng năm sinh, nơi sinh (sinh quán) sống chết, nghề nghiệp, địa chỉ (trú quán)... Ngoài ra còn nhiều vấn đề như: Học vấn, thành tích.. của mỗi người trong gia đình đó đã đóng góp liên quan đến xã hội đến sự hưng vong của Gia đình, Tổ tiên, Dân tộc và Quốc gia...Ảnh hưởng chung đến các sinh hoạt kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán trong xã hội...
Tại Việt Nam, gia phả sơ giản ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và địa điểm an táng của ông cha. Theo các nhà sử học phỏng đoán thì gia phả đã xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú ở Giao Chỉ, hoặc gần hơn tức là từ thời Lý Nam Đế (khoảng nǎm 476-545). Nhưng phải đến thời nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả (ghi cả thế thứ, tông tích toàn họ), phả ký (ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên).
Người Việt chúng ta đã lâu đời bị ảnh hưởng nền văn hóa Trung hoa sâu đậm nên việc lập Gia phả xa hơn nữa là Tộc phả để biết Tổ tiên Dòng tộc, họ hàng anh em bà con xa gần để còn nhận biết nhau tránh cho anh em con cháu khỏi cưới hỏi lẫn nhau và tránh được nhiều điều đáng tiếc trong Gia tộc.
Anh em cùng dòng máu Đánh nhau vỡ cả đầu Ngờ đâu cùng dòng họ Lúc đó mới nhận nhau.
Quan trọng hơn nữa để mọi thành viên trong Gia đình Dòng tộc biết đến mồ mả Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ... Để tỏ lòng hiếu nghĩa, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục, hương khói cúng giỗ, cầu hồn, xây đắp sửa sang mồ mả hàng năm...
Ăn cá ao phải nhớ kẻ đào “Ăn cây nào phải rào cây ấy. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây“ Uống nước phải nhớ bởi đây có nguồn.
Vậy Gia phả là quyển sách, quyển tập ghi chép tên tuổi, kỷ sự (tiểu sử thu gọn), ghi ngày sanh, ngày tử, vị trí phần mộ và ngày lập mộ (đã chết)… của từng người trong họ, theo thứ tự các đời.
Từ điển Hán-Việt Đào Duy Anh định nghĩa gia phả là: “Sách ghi thế hệ trong họ và lịch sử tổ tiên”.
Việt Nam cũng như các nước ở Đông nam Á Châu thường theo chế độ Phụ hệ (trọng Nam khinh Nữ) Người Nam là rường cột của Gia đình, Dòng tộc và Quốc gia nên có trách nhiệm gánh vác việc Gia đình, Quốc gia đại sự. Trong một Gia đình có Trưởng gia, một Dòng tộc thì phải có một Trưởng tộc để lo điều hành mọi việc trong Gia đình, Dòng tộc: Quản trị tài sản và bất động sản... Gọi là của Hương hỏa (Hương khói, nhang đèn). Hương hỏa gồm có ruộng đất nhà cửa và kim ngân... (Di chúc phả) Do Ông Bà, Cha Mẹ, Tổ tiên để lại cho con chắu từ đời này đến đời khác để dùng vào việc: Xin lễ, cúng giỗ, xây cất bảo quản mồ mả cho Dòng họ hàng năm còn để giúp đỡ các con cháu, bà con trong Dòng họ khi gặp hoạn nạn nghèo đói, ma chay, cưới hỏi. Lập và bảo quản Tộc phả và Di chúc... Mỗi thế hệ Trưởng tộc đang giữ Tộc phả phải ghi lại tất cả những cảm nhận của mình về cuộc sống ở những đoạn đời khác nhau trong suốt thời gian mà mình chịu trách nhiệm. Với những thành công của con cháu, đồng thời kèm một số hình ảnh để các thế hệ sau có thể thấy được các sinh hoạt của các thế hệ trước đã làm... Người Trưởng tộc được nối tiếp từ đời này đến đời khác, thường được giao cho người con trai Trưởng nam (con trai đầu) Ông, Bà gọi là cháu Đích tôn (cháu Nội trai của con Trưởng
nam) nếu bất khả thi có thể chọn con trai Trưởng nam của con trai kế (Thứ nam) hoặc trong Dòng tộc chọn một người có khả năng và điều kiện thích hợp.
Trưởng Nam và cháu Đích Tôn có Bổn phận gánh vác bảo tồn Phả Gia.
Sau Trưởng tộc là các Trưởng gia có nhiệm vụ góp công sức, tài chánh... Cùng chung với Trưởng tộc để điều hành mọi công việc trong Dòng tộc. Lập sổ Gia phả (Tông chi phả) riêng cho Gia đình mình một cách đầy đủ và chi tiết cung cấp cho Trưởng tộc để lập thành một Gia phả lớn (Tộc phả) cho Dòng tộc.
Gia phả được coi là hoàn chỉnh trước hết phải là một gia phả được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương có ghi rõ tên người sao lục, biên soạn thuộc đời thứ mấy, năm nào, triều vua nào, căn cứ vào bản nào, tên người tục biên qua các đời cũng có cước chú rõ ràng. Đầu gia phả có lời tựa ghi được nguồn gốc xuất xứ của thủy tổ có cứ liệu thành văn hay truyền ngôn.
Mở đầu là thuỷ tổ, lần lượt đến tiên tổ các đời, nối dòng đến lớp con cháu mới sinh.
Đối với tiền nhân có các mục sau đây:
Tên: Gồm tên huý, tên tự, biệt hiệu, thụy hiệu và tên gọi thông thường theo tập quán địa phương?
Thuộc đời thứ mấy? Con trai thứ mấy của ông nào? Bà nào? Ngày tháng năm sinh (có người còn ghi được cả giờ sinh).
Ngày, tháng, năm mất? Thọ bao nhiêu tuổi? Mộ táng tại đâu? (Có người ghi được cả nguyên táng, cải táng, di táng tại đâu? Vào tháng, năm nào?).
Học hành, thi cử, đậu đạt, chức vụ, địa vị lúc sinh thời và truy phong sau khi mất: Thi đậu học vị gì? Khoa nào? Triều vua nào? Nhận chức vị gì? Năm nào? Được ban khen và hưởng tước lộc gì? Sau khi mất được truy phong chức gì? Tước gì? (Đối với những vị hiển đạt thì mục này rất dài. Ví dụ trong Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, chỉ riêng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, mục này đã trên mười trang)
Vợ: Chánh thất, kế thất, thứ thất...
Họ tên, con gái thứ mấy của ông nào, bà nào? Quê ở đâu? Các mục ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất, tuổi thọ, mộ, đều ghi từng người như trên.
Nếu có thi đậu hoặc có chức tước, địa vị, được ban thưởng riêng thì ghi thêm.
Con: Ghi theo thứ tự năm sinh, nếu nhiều vợ thì ghi rõ con bà nào? Con gái thì cước chú kỹ: Con gái thứ mấy, đã lấy chồng thì ghi tên họ chồng, năm sinh, con ông bà nào, quê quán, đậu đạt, chức tước? Sinh con mấy trai mấy gái, tên gì? (Con gái có cước chú còn con trai không cần vì có mục riêng từng người thuộc đời sau). Những gương sáng, những tính cách, hành trạng đặc biệt, hoặc những công đức đối với làng xã, họ hàng, xóm giềng...
Ngoài những mục ghi trên, gia phả nhiều họ còn lưu lại nhiều sự tích đặc biệt của các vị tiên tổ, những đôi câu đối, những áng văn hay, những bài thuốc gia truyền... đó là những tài sản quý giá mà chúng ta để thất truyền, chưa biết khai thác.
Những nội dung ghi trên chỉ có tính chất gợi ý với các bậc huynh trưởng các họ, đang chăm lo công việc phổ biến và tục biên gia phả dành cho con cháu đời sau
Nội dung gia phả gồm có:
Chính phả: Có phả ký, phả hệ và phả đồ.
Ngoại phả: Ghi nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, ghi khu mộ, ghi danh sách học vị các thành viên đỗ đạt, ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật, ghi quan hệ hôn nhân cưới gả với dòng họ nào…
Phụ khảo: Ghi địa chí xóm ấp, đình miếu, chợ búa, bến đò…
Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng. Phải công phu, nghiêm túc trong việc dựng phả. Gia phả là tư liệu quí giá cho dòng họ, nhà sử học, dân tộc học.
Hướng dẫn lập dàn bài cho một bộ gia phả:
Trước khi dựng bộ gia phả, ta lập dàn bài chi tiết, cấu trúc hợp lý, phù hợp với qui mô, đặc điểm dòng họ.
Phần trên đoạn: Nói mục đích, yêu cầu, vai trò, vị trí của phả trong dòng họ và trong xã hội: +Nuớc có sử nhà có phả, giúp cho con cháu biết rõ lịch sử dòng họ, tự hào truyền thống cha ông, sống xứng đáng với tổ tiên. Cụ thể giúp cho việc quan hệ thưa gởi đúng, ghi nhớ ngày giỗ, cưới hỏi không vi phạm…
- Tổ phụ và tổ quán:
+ Vị tổ đầu tiên: Tiểu sử vị Tổ, lai lịch, hành trạng (Nếu có gia phả cổ thì địch ra chữ Quốc ngữ rồi ghi vào) - Bà tổ: Tiểu sử của bà.
+ Tổ quán: Ở đây ta viết về địa lý lịch sử xóm ấp, nơi vị tổ đầu tiên tới khai cơ lập nghiệp, trước tiên nêu tên gọi các giai đoạn lịch sử, ranh giới hành chánh, địa lý sông ngòi, đường sá, chợ, đình chùa. Các dòng họ sống cộng cư. Địa điểm dòng họ mình đang sống, nhà thờ họ, khu mộ.
+ Vẽ bản đồ xóm ấp
+ Các thế hệ: Theo qui luật hôn nhân, ông tổ sinh ra các chi, phái, hệ số lượng là bao nhiêu, đến nay là mấy đời, tổng số con cháu, hậu duệ, đã cưới, gả với bao nhiêu họ khác.
+ Truyền thống lao động, sản xuất: Xác định nghề nghiêp chính nhự nghề nông chẳng hạn: Ai, đời nào có tay nghề truyền thống, mô tả chúng; ai kinh doanh buôn bán, ai viên chức.
+ Truyền thống văn hóa: Tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống thờ cúng ông bà, chăm lo tạo phúc đuức cho con cháu, lo mồ mả, nhà thờ họ, gia phả
+ Truyền thống yêu nước: Bám đất giữ làng, đi bộ đội, hoạt động cách mạng, các cá nhân tiêu biểu
+ Truyền thống xây dựng tổ ấm gia đình
- Đặc điểm tính chất dòng họ và phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa. Nêu khái quát những ưu điểm của dòng họ về làng sản xuất, về văn hóa, về lòng yêu nước và đề ra những điều cơ bản để xây dựng gia đình văn hóa ngày nay.
+ Đời thứ … Con của ông… và bà…
+ Khung tên họ: Khung gồm tên chồng và vợ 1, vợ 2. Ghi tên họ, dòng kế ghi năm sanh - năm mất theo âm lịch, dòng kế ghi ngày giỗ, dòng cuối chi mộ chôn.
Ghi tiều sử khai vị.
Ghi các con theo thứ tự con trưởng, thứ hai, ba đến hết.
Chú ý cách ghi ngang hay ghi dọc phải nhất quán từ đầu.
Phả đồ từng chi và tổng phả đô theo mẫu thường dùng
+ Mô tả các lễ cúng chính và văn khấn. Mô tả nhà thà thờ họ và Hội đồng gia tộc, nếu có.
+ Mô tả các khu mộ: Ghi vi trí và tên người theo mộ bia.
+ Danh sách người có học vị.
+ Biểu ghi quan hệ cưới gả.
+ Danh sách ngày giỗ
+ Tiểu sử nhân vật tiêu biểu.
+ Địa chí xóm ấp
+ Đình làng
+ Ngành nghề truyền thống
Đúng và rất đúng với những người có ý thức tôn kính tổ tiên và quý trọng tình cảm họ hàng gia tộc. Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình lớn. Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về ý nghĩa mà mỗi cuốn gia phả của từng dòng họ đều đã nói rõ trong từng lời tựa. Đành rằng cái ăn, cái mặc để nuôi sống gia đình và bản thân là việc hàng đầu. Nhưng có thấy nỗi day dứt của những người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết đời cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao, ngặt vì gia phả đã mất; có thấy được nỗi niềm của những người trú ngụ ở phương xa không được cha ông truyền cho biết gốc gác của mình từ đâu, họ hàng là ai, khi đó mới thấy đầy đủ ý nghĩa của hai chữ "Gia phả - Gia bảo". Giọt nước rất quý đối với người sống trên sa mạc, còn đối với người sống ven sông, dễ gì mỗi lần "Uống nước" lại phải "Nhớ nguồn".
Thời trước họ nào cũng có gia phả, có họ từng nhà còn có gia phả. Nếu vì thuỷ, hỏa, đạo tặc để mất vàng bạc - của cải gì thì mất, chứ không để mất gia phả. Ngặt vì gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán, hơn nữa từng chi từng nhà chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình, thảng hoặc mới có một cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời hai đời ba là cùng, do đó nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu. Hiện nay, do mất gia phả nên nhiều họ tuy cùng ở với nhau trong một địa phương vẫn không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng.
Về một ý nghĩa khác, gia phả sở dĩ gọi là gia bảo vì đó là lịch sử của tổ tiên nhiều đời truyền lại, là điều tổ tiên muốn gửi gắm lại cho đời sau. Bất cứ họ nào, bất cứ con người nào trong họ, có tài năng lỗi lạc đến đâu, cá nhân cũng không thể viết được toàn bộ gia phả mà chỉ có kế thừa đời trước và truyền dẫn đời sau.
Gia phả các họ là các nguồn bổ sung tư liệu rất quý, rất dồi dào cho quốc sử, nếu các nhà sử học biết khai thác cũng có khả năng từ gia bảo trở thành quốc bảo.
Nguồn: http://www.giaphavietnam.vn/default.aspx?lang=vi-VN&cp=news-detail&cid=38
Xem thêm: Hoàng Thái hậu Từ Dụ (1810-1901): hơn nửa thế kỷ bậc mẫu nghi thiên hạ
Địa chí là loại sách ghi chép một cách tổng hợp các mặt từ địa lý tự nhiên, địa hình, địa chất, thời tiết, khí hậu đến sản vật, phong vật, cộng đồng dân cư, tộc người, đến chính trị kinh tế, lịch sử, văn hóa xã hội... của một quốc gia, một khu vực, một tỉnh thậm chí của một làng, một xã. Không chỉ sách địa chí ngày nay, mà từ xưa các bộ địa chí cổ của Việt Nam đều có mục đích cung cấp kiến thức hiểu biết toàn diện và hệ thống về mảnh đất con người nói chung hay một vùng lãnh thổ - hành chính - cư dân tùy theo từng cấp độ đã được hình thành trong tiến trình lịch sử.
Du lịch Bergen Nauy và trải nghiệm cảnh đẹp Bắc Âu, nơi được gọi là thành phố ẩm ướt nhất thế giới vì nằm ngay rìa Bắc Đại Tây Dương.
Xuôi bao đèo dốc cũng như ngắm được bao thắng cảnh núi rừng, sông suối, ao hồ từ trên cao thuộc xã Phan Dũng, du khách cũng phải ngỡ ngàng trước những mảng trắng xóa trải rộng ở phía dưới. Tới gần thì thấy là táo, là nho tỏa cành trong nhà lưới rất đặc biệt, rất sáng tạo của chính người dân nơi đây.