Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Hoàng Thái hậu Từ Dụ (1810-1901): hơn nửa thế kỷ bậc mẫu nghi thiên hạ

15/06/2023484

Hoàng Thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu) tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay).

1. Từ người con gái dòng dõi trâm anh thế phiệt đất Gò Công đến nàng dâu hiền thảo xứ Huế

Hoàng Thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu) tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay). Cha của bà là Lễ Bộ Thượng thư, Cần Chính Điện  Đại học sĩ, Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng - một công thần của triều đình từ thời  vua Gia Long (6/1802 - 02/1820), dòng dõi có tiếng là văn hay, nhiều đời theo thờ  chúa Nguyễn. Ông không chỉ am hiểu lễ nhạc, binh thư, lịch pháp, mà còn trực tiếp  tham gia chiến trận ở buổi đầu của triều đại, khéo điều hành công việc chuyên chở ở  hai miền Nam - Bắc để đảm bảo nhu cầu lưu thông hàng hóa tiêu dùng, lại biết đề đạt  nhiều sáng kiến bổ ích cho triều đình, trực tiếp tham gia bàn định việc biên soạn Ngọc  phả của Hoàng gia và dâng sớ về việc biên soạn Thực lục. 

Được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia giáo, người con gái dòng dõi trâm  anh đất Gò Công từ nhỏ đã có thiên hướng thích đọc sách, lớn lên thông kinh sử, nổi  tiếng là người hiền thục, hiếu thảo. Vì thế, năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao  Hoàng hậu tuyển vào cung để hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này  là vua Thiệu Trị) lúc này đã 17 tuổi, rất được vua yêu mến.  

Con số phi tần của vua Thiệu Trị không rõ chính xác là bao nhiêu, nhưng ít ra  cũng có 31 người đã mang huyết mạch của nhà vua, trong đó có những người sinh hạ  tới 6 người con, như Lương phi Vũ Thị Viện (có 4 hoàng tử và 2 công chúa), Đoan tần  Trương Thị Thận (2 hoàng tử và 4 công chúa), ít hơn thì có Thuận tần Hoàng Thị Tần (1  hoàng tử, 3 công chúa), và nhiều người khác nữa, chưa kể nhiều người mất sớm, không  rõ danh tính và không có con nên không có tài liệu ghi chép.(1) Có thể thấy trong cung  bấy giờ còn có nhiều mỹ nhân cùng hầu hạ hoàng đế, và bà cũng không phải là người  duy nhất được vua Thiệu Trị sủng ái, nhưng bà chính là người được trời ban duyên  phước để sau này trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, mặc dù bà chỉ sinh hạ được 3 người  con cho vua Thiệu Trị, trong đó có 1 hoàng tử - sau này chính là người được vua Thiệu  Trị lựa chọn kế vị, và 2 công chúa.  

Câu chuyện về chiếc cúc áo chạm hình chim phượng - biểu tượng tôn quý của  người phụ nữ chốn hậu cung - được các sử gia triều Nguyễn ghi chép lại như một 

(*) Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. 

(1) Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc. (1995). Nguyễn Phúc Tộc thế phả. Nxb Thuận Hóa. Huế.  Tr. 280-285.  

minh chứng về sự lựa chọn “trời ban” dành cho người con gái họ Phạm. Chuyện kể  rằng Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mệnh (02/1820 - 01/1841) đã từng ban cho bà và  Lệnh phi(1) mỗi người một chiếc áo sa thêu hoa vàng. Đến khi bái từ, Thuận Thiên Cao  Hoàng hậu ban cho mỗi người một chiếc cúc áo vàng, một cái chạm hình con phượng,  một cái chạm hình cành hoa, nhưng phong giấy kín và khấn trời rằng: “Ai được chiếc  cúc chạm hình phượng, thì có con trước”, rồi sai nữ quan đem ban cho, bảo mỗi người  lấy một phong, nhưng không được mở ra, cứ để nguyên phong tiến lên. Bà nhường  Lệnh phi lấy trước. Đến khi mở gói ra, thì Lệnh phi được cúc áo chạm hoa, còn bà  được cúc áo chạm hình chim phượng. Sau đó, bà sinh công chúa Diên Phúc, cách một  năm lại sinh tiếp công chúa Uyên Ý.  

Năm 1829, bà sinh ra vua Tự Đức. Việc này cũng được mô tả theo một cách  đặc biệt, với một câu chuyện theo kiểu thức báo mộng thường thấy trong các sách  sử. Theo Thực lục triều Nguyễn, trước khi sinh ra vua Tự Đức (10/1847 - 7/1883), bà  chiêm bao thấy một vị thần, mặc áo rộng thắt đai to, râu tóc bạc trắng, mang một tờ  giấy vàng viết chữ son có đóng dấu ngọc và một chuỗi hạt minh châu trao cho. Vua  sinh ra, ứng vào điềm ấy.(2) 

Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, bà sớm được tiếp thu và rèn luyện  những phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ khéo biết sắp xếp, quản lý công việc hậu  cung, giữ bổn phận làm người con dâu hiếu thảo, người vợ đoan chính, người mẹ hiền  thục, hiểu rõ “đạo vợ chồng là luân thường quan trọng của con người, nên từ kính trọng  yêu thương mới tới tình, lễ”, phong thái “uy nghi trang trọng, vui giận chẳng biểu hiện  sắc mặt” (Từ huấn lục. Quyển Nhất). Bà xứng đáng không chỉ là người phụ nữ được  chọn để chăm lo hầu hạ bên cạnh hoàng đế mà còn có đầy đủ phẩm hạnh để làm gương  cho kẻ dưới, là bậc mẫu nghi thiên hạ suốt hơn nửa thế kỷ dưới triều Nguyễn. Tương  truyền, món tôm chua có nguồn gốc từ Gò Công, được truyền bá và phát triển thành  món đặc sản của Huế là cũng nhờ công lao của bà. 

Thời điểm bà bước chân vào chốn hậu cung sau khi chồng mình là Trường  Khánh công Nguyễn Phúc Miên Tông chính thức kế vị ngôi vua vào năm 1841 cũng  là giai đoạn triều Nguyễn đã vượt qua thời kỳ đầu mới thiết lập vương quyền, dốc sức  xây dựng kinh tế, ổn định chính trị, mở rộng bang giao, thống nhất chính quyền từ  Nam chí Bắc sau một thời gian dài đất nước chịu cảnh binh đao khói lửa, để bước sang  giai đoạn ổn định, có điều kiện để chăm lo nhiều hơn cho đời sống tinh thần, củng cố  phong tục, chấn hưng văn hóa. Trong bối cảnh ấy, chắc hẳn nhiều nét văn hóa vùng  Nam Bộ theo chân bà ra Huế cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để lại ảnh hưởng rộng  khắp trong hậu cung triều Nguyễn qua suốt hơn nửa thế kỷ bà cai quản hậu cung và  để lại dấu ấn trong văn hóa Huế cho đến tận ngày nay. 

Những câu chuyện về bà được ghi lại trong sử liệu triều Nguyễn đều phản ánh  chân dung một người phụ nữ có những phẩm hạnh cao quý theo chuẩn mực Nho giáo,  

(1) Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm, con gái của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr. 27

đặc biệt là sự tận tụy, trung thành và hiếu kính. Từ năm 1846, sau khi Nhân Tuyên Từ  Khánh Thái Hoàng Thái hậu (tức Thuận Thiên Cao Hoàng hậu của Thế Tổ Cao Hoàng  đế Gia Long) qua đời, bà được tấn phong Nhất giai Quý phi. 

2. Hoàng Thái hậu Từ Dụ – bậc mẫu nghi thiên hạ bước qua hai thế kỷ

Thứ bậc hậu cung triều Nguyễn và ngôi vị vinh hiển của Hoàng Thái hậu 

Trong hậu cung triều Nguyễn, ngoại trừ hai hoàng hậu được sách lập dưới thời  vua Gia Long (bà Tống Thị Lan được sách lập năm 1806, tức Thừa Thiên Cao Hoàng  hậu) và vua Bảo Đại (01/1926 - 8/1945) (bà Nguyễn Hữu Thị Lan được sách lập năm  1934, tức Nam Phương Hoàng hậu), bậc cao nhất trong Cửu giai là Hoàng Quý phi,  giúp Hoàng Thái hậu trông coi công việc nội cung. Dưới Hoàng Quý phi, các phi tần  được chia thành 9 bậc.  

Triều Thiệu Trị, vua dụ Nội Các rằng: “Trong chốn buồng khuê, chính hóa nhà  vua gây nên ở đó. Cho nên Kinh Dịch có tượng quẻ “Gia nhân”, Kinh Lễ có văn thiên  “Nội tắc”, đều để nghiêm chỉnh nghi lễ trong cung và giúp chính sự chỗ cửa cung.  Khoảng năm Minh Mệnh chuẩn định: ở trong cung, bên dưới Hoàng Quý phi có đặt  9 bậc, phàm 6 bậc phi, 9 bậc tần, cho đến Tiệp dư, Quý nhân, Mỹ nhân, Tài nhân, rất  có thứ tự…”.(1) Dựa vào trật tự trong cung đã được đặt ra dưới thời vua Minh Mệnh,  vua Thiệu Trị cho đặt một Hoàng Quý phi (thuộc hàng trên bậc 1, tức là trên bậc Nhất  giai) để quán xuyến việc ăn uống trong cung, dưới Hoàng Quý phi có Quý phi, Đoan  phi, Lệnh phi là bậc Nhất giai; Thành phi, Trinh phi, Thục phi là bậc Nhị giai; Quý  tần, Lương tần, Đức tần là bậc Tam giai; Huy tần, Ý tần, Nhu tần là bậc Tứ giai; Nhàn  tần, Nhã tần, Thuận tần là bậc Ngũ giai; Tiệp dư là bậc Lục giai; Quý nhân là bậc Thất  giai; Mỹ nhân là bậc Bát giai; Tài nhân là bậc Cửu giai. Những điển lệ về sách phong,  cấp lương và màu sắc ăn mặc của các bậc thì vẫn theo như lệ đã có từ trước. Theo đó,  mỗi năm Hoàng Quý phi được nhận 1.000 quan tiền và 300 phương gạo. Riêng Hoàng  Thái hậu, dưới thời vua Tự Đức, ngoài việc được dâng tiến vàng tốt (1 đĩnh 10 lạng  vàng 8 tuổi rưỡi) vào dịp đầu năm, Thái hậu còn được dâng tiến gạo muối. Từ năm  1850 trở về sau, vua Tự Đức quy định mức dâng tiến lên Hoàng Thái hậu mỗi năm  24 phương gạo thơm đã giã, 360 phương gạo trắng đã giã, 840 phương gạo lương, 24  phương muối trắng, chưa kể các vật phẩm được các địa phương cung tiến và quà các  lễ mừng khác trong năm. 

Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, con trai của Nhất giai Quý phi Phạm Thị  Hằng nhận được di chiếu nối ngôi, lấy niên hiệu Tự Đức. Sau khi hết tang, tháng 4  năm 1849, vua Tự Đức rước mẹ sang ở cung dành riêng cho Hoàng Thái hậu, gọi là  cung Gia Thọ, làm lễ dâng tôn hiệu Hoàng Thái hậu kèm kim sách, kim bảo. Kim  sách của Hoàng Thái hậu được làm bằng vàng 10 tuổi, đựng trong hộp bằng bạc, xung  quanh và trên nắp hộp cũng khắc rồng mây, bên ngoài có hòm gỗ sơn đỏ. Kim bảo của  Hoàng Thái hậu cũng làm bằng vàng 10 tuổi, khắc 4 chữ triện “Hoàng Thái hậu bảo”.  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 6. Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr. 515.

Nơi ở mới của Hoàng Thái hậu chính là cung Trường Thọ cũ, vốn được vua Gia Long  cho xây dựng từ năm 1804 để làm nơi ở cho mẹ là bà Hiếu Khương Hoàng Thái hậu,  sau là nơi ở của mẹ vua Minh Mạng (tức bà Thuận Thiên Hoàng Thái hậu) với tên  cung được đổi là cung Từ Thọ.(1) Sau khi lên ngôi, vua Tự Đức cho sửa sang lại cung  này làm nơi ở cho mẹ, đổi tên là cung Gia Thọ(2) và làm ấn riêng của cung, khắc chữ  “Gia Thọ cung bảo”.  

25 năm sau ngày bước chân về làm dâu xứ Huế, người con gái họ Phạm đất  Gò Công không chỉ làm tốt bổn phận của một người dâu hiền thảo, mà còn trở thành  người đứng đầu hậu cung, làm mẫu nghi thiên hạ trong suốt nhiều đời vua Nguyễn  cho đến khi tạ thế.  

Kể từ đó, bằng cách này hay cách khác, bà trở thành người có ảnh hưởng lớn đến  chính sự của triều Nguyễn, mặc dù triều đình đã có những quy định không cho ngoại  thích tham gia vào việc triều chính. Ở Văn Miếu Huế vẫn còn dựng tấm bia khắc vào  năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) ghi rõ “Tất cả quyền thần thuộc ngoại thích, hoạn quan  ở hậu cung, một khi đã không thể thẩm tra kỹ càng, không khéo đối phó, tất phần lớn  sẽ phát sinh chuyện chẳng hay. Cần phải suy tính noi theo đời trước, lấy việc xưa làm  tấm gương soi”.(3) Bản thân bà cũng luôn nghiêm khắc với thân tộc để làm gương, mặc  dù gia đình bà đã nhận được rất nhiều ân sủng của vua. Sau khi bà được tôn làm Hoàng  Thái hậu, cha của bà là nguyên Lễ Bộ Thượng thư, tặng Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Đăng Hưng, được vua Tự Đức gia tặng làm Đặc tiến Vinh lộc đại phu, Cần Chính điện Đại  học sĩ, phong là Đức Quốc công, vẫn tên thụy là Trung Nhã, bài vị được thờ ở đền  Hiền Lương;(4) mẹ là chính thất họ Phạm Văn được phong là Đức Quốc Nhất phẩm  phu nhân, tên thụy là Đoan Từ, và cho dựng đền thờ ở xã Kim Long. Năm 1857, vua  Tự Đức cho làm thêm nhà ngói ở mặt sau đền thờ Đức Quốc công để Thái hậu ra chơi.  Năm 1884, vua Kiến Phúc cho đúc sách vàng, ấn vàng tiến dâng Thái Hoàng Thái hậu  Từ Dụ, nhưng đại lễ tấn tôn thì phải đợi đến khi hết tang vua Tự Đức, vào năm Hàm  Nghi nguyên niên (1885), triều đình mới cử hành. Đến năm 1889, sau khi đăng quang,  vua Thành Thái tiếp tục dâng kim sách, kim bảo (bằng bạc mạ vàng), tấn tôn bà làm  Từ dũ Bác huệ Khang thọ Thái Thái Hoàng Thái hậu.(5) 

Ở ngôi cao nhất trong hậu cung triều Nguyễn, mỗi khi có dịp đại lễ, bà đội mũ  Cửu phượng, áo bào bằng sa mỏng màu vàng thêu chữ Thọ bằng vàng, trang trí thủy  

(1) Năm 1845, vua Thiệu Trị cho đổi tên cung và đúc ấn “Từ Thọ cung bảo” bằng vàng có núm  hình con rồng nhỏ để dâng lên bà Thuận Thiên, khi có công việc trong cung thì dùng ấn này  ban hành. (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 6. Nxb Giáo dục.  Hà Nội, tr. 728). 

(2) Năm 1859, điện đằng trước của cung Gia Thọ mới làm xong. 

(3) Phạm Đức Thành Dũng, Vĩnh Cao và nhóm tác giả. (2000). Khoa cử và các nhà khoa bảng  triều Nguyễn. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 51. 

(4) Đền thờ các bề tôi giúp việc trị nước, lập năm 1846 dưới thời vua Thiệu Trị. (5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Nxb Văn hóa - Văn Nghệ. TP. Hồ Chí Minh, mục 0070. Trong bản dịch tài liệu này, tên của bà được  ghi là “Từ Dũ”.

ba xen lẫn ngọc san hô; xiêm bằng đoạn đậu 8 sợi tơ nõn có hoa màu đỏ, thêu hoa văn  đoàn phượng, trang trí thủy ba, may liền mảnh với áo lụa trắng ở trên; mang hài bằng  tơ lông vàng thêu chim phượng xen lẫn ngọc san hô và trân châu; khăn quàng bằng  đoạn gấm Tàu màu vàng, thêu hoa mẫu đơn và chim phượng. 

Mỗi khi bà có việc phải xuất cung, lỗ bộ theo hầu có 1 xe Phượng dư, 1 Phượng  liễn, 1 bộ liễn lớn, 1 bộ liễn nhỏ, 2 tán cán cong 9 con phượng và các loại tán cán  thẳng, quạt trang trí rồng, phượng màu vàng, màu đỏ, quạt đoạn vàng, quạt đoạn xanh,  quạt loan phượng, quạt vàng cán bằng ngà voi, 20 dao cánh nhạn bằng đồng, 4 đèn  lồng căng the, 2 hộp hương bằng vàng, 10 gậy chạm rồng, các loại phất trần, đinh ba,  lọng, cờ rồng, cờ phượng,...(1) 

Mẹ từ - con hiếu và những ảnh hưởng sâu sắc của Thái hậu Từ Dụ đối với  vua Tự Đức 

Ngoài 2 người con gái, bà Từ Dụ chỉ có một người con trai duy nhất là Hoàng tử  Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức. Từ nhỏ, thể trạng nhà vua đã hay đau  ốm nên bà không giao con cho nhũ mẫu như những người khác mà tận tay chăm sóc,  nuôi dưỡng. Trong chốn hoàng cung nhiều người hầu kẻ hạ quanh 29 hoàng tử và 35  hoàng nữ của vua Thiệu Trị, Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm đã nhận được sự chăm  sóc, nuôi dạy trực tiếp của mẹ, người phụ nữ xuất thân từ một gia đình gia giáo, thông  kinh sử, trọng lễ nghi: “Thái hậu yêu thương mà nghiêm, ngày thường dạy cách đi đứng,  thưa trình sao cho hợp lễ độ, không cho chơi đùa, mỗi sáng cho ra nhà ngoài học tập,  gần đến trưa mới cho vào, nếu quên bài, lười biếng thì theo đó mà trách phạt, cũng như  chưa thuộc bài thì bắt ngồi ngay ngắn học cho thuộc mới thôi, nếu không thì tuy có trò  vui trước mắt cũng không cho liếc xem”.(2) Có lẽ vì thế mà ngay cả khi đã trưởng thành,  trở thành người kế nghiệp ngai vàng, vai trò của người mẹ vẫn vô cùng quan trọng đối  với nhà vua. Những lời răn dạy của bà đều được vua Tự Đức chép lại thành một tập sách  mang tên Từ huấn lục và luôn mang theo bên mình để ghi nhớ lời mẹ dặn. 

Trong hậu cung, bà không chỉ là người trực tiếp hướng dẫn, xếp đặt công việc  của tam cung lục viện, mà còn tham gia ý kiến vào những việc trọng đại của hoàng  thất như việc vua Tự Đức chọn con nuôi, chọn đặt tên hay việc tấn phong phi, tần của  nhà vua. Do thể lực kém nên vua Tự Đức thường hay đau ốm và không có con nối dõi.  Vì vậy, được sự chấp thuận của bà, năm 1865, vua Tự Đức đã chọn người con trưởng  của Kiên Quốc công Hồng Cai (em thứ 26 của nhà vua) đưa về nuôi dạy ở trong cung  (sau này là vua Đồng Khánh). Năm 1868, vua lại chọn người con thứ 2 của Kiến Thụy  công Hồng Y (em thứ 4 của vua) đưa về ở nuôi nấng dạy dỗ (tên là Nguyễn Phúc Ưng  Ái, sau này là vua Dục Đức), năm 1869 được 18 tuổi, vua cho làm Dục Đức Đường  ở cạnh cửa Hiển Nhân để làm nơi ở riêng, mời thầy dạy và cắt cử người hộ vệ, lại  chọn con nhà tử tế để làm thiếp, hầu mong sớm có con nối dõi. Bà cũng chấp thuận  

(1) Nội Các triều Nguyễn. (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập 6. Nxb Thuận Hóa.  Huế. Tr. 233-234. 

(2) Trích Khiêm Cung ký. Bản dịch của nhà nghiên cứu Vĩnh Cao.

cho chọn một tên từ bộ chữ trong bài thơ về dòng dõi của nhà vua để đổi tên Ưng Ái  thành Ưng Chân, nhận làm hoàng tử, con nuôi của Trung phi Vũ Thị Duyên (sau này  là Hoàng Thái hậu Trang Ý) để được chính danh phận, yên lòng người.  

Một năm sau, năm 1870, cũng với sự chấp thuận của bà, Trung phi được vua Tự  Đức tấn phong Hoàng Quý phi. Cũng trong năm này, vua Tự Đức chọn nuôi con thứ  hai vợ thứ của Kiên Quốc công (sau này là vua Kiến Phúc), giao làm con nuôi của  Khiêm phi Nguyễn Thị Hương (sau đổi làm Học phi). 

Được nhà vua vô cùng tôn kính, giữ lòng thành chăm lo hết mực chu đáo, Thái  hậu Từ Dụ không vì thế mà chuyên quyền, tiêu xài hoang phí hoặc tìm cách vơ vét  của cải. Thấm nhuần đạo lý và hiểu rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu  hậu cung, cuộc sống vương giả đã không làm bà thay đổi đức tính cần kiệm, nghiêm  khắc với bản thân, khoan dung với kẻ dưới, quan tâm chăm lo cho bá tính. Bà vốn  không thích tổ chức lễ mừng thọ khoa trương, linh đình tốn kém, nên vào dịp khánh  tiết Thánh thọ của bà vào năm 1857, nhà vua chỉ làm lễ trong phạm vi gia đình, tổ  chức ở trong cung, hầu cơm dâng rượu để bà vui lòng, theo ý của Thái hậu đều miễn  các phiên chầu mừng của bá quan.  

Khi đất nước nguy nan, hậu cung cũng là nguồn an ủi, động viên và tiếp thêm  sức mạnh để quân vương giữ vững tinh thần. Hiểu rõ tầm quan trọng của hậu cung và  với tấm lòng của một người mẹ, Thái hậu Từ Dụ nhiều lần tỏ rõ sự quan tâm thiết thực  của mình bằng cách nêu gương cần kiệm, cùng lo cái lo của thiên hạ.  

Năm 1858, cửa biển Đà Nẵng xảy ra chiến sự. Quân Pháp đưa 12 chiến thuyền  tấn công, bắn phá các pháo đài, vây đánh thành An Hải, Điện Hải. Để đối phó với quân  địch, triều đình đã điều thêm quân và voi chiến, tăng cường phòng bị, thưởng tiền,  gạo để úy lạo binh sĩ, yêu cầu quan quân ở quân thứ Quảng Nam, ai ra trận chém, bắt  hoặc bắn chết được giặc, cùng là người chết trận, bị thương, thì lệ thưởng mức cấp  tiền tuất đều hậu đãi. Nếu ai nhút nhát rút lui, không cứ là tướng hay quân lính, đều  lập tức chém đầu cho mọi người biết răn. Mặt khác, vua Tự Đức sai Thân Văn Nhiếp  vận tải quân nhu để tiếp tế, ra điều kiện nếu để chậm lỡ việc thì theo quân luật xử tội,  đồng thời sai Ngự sử Nguyễn Sỹ Long hỏa tốc đến Quảng Nam, đốc sức dân phu xay  gạo, tải lương đến quân thứ, sai thị vệ đem quế Thanh, Nghệ, các thứ thuốc, thuốc viên  ban cấp cho và thầy thuốc đến chữa bệnh cho tướng sĩ ở quân thứ Quảng Nam, hoãn việc  chọn lính thu thuế của năm này cho các xã thôn ở Quảng Nam bị quân Pháp bắn phá.  

Sau khoảng 1 tháng, các thành bảo ở Đà Nẵng bị thất thủ, quân Pháp tấn công vào  xã Mỹ Thị, nhổ rào sách gỗ, phá đồn Thổ Sơn.(1) Các quan Thủ úy của thành An Hải và  Điện Hải đều bị cách chức. Triều đình cho thay tướng để đánh lại quân Pháp, lại lấy xích  

(1) Đến tháng 10 cùng năm, quân triều đình phục kích đánh thắng thuyền quân Pháp khi vào  Sông Hàn, sông Nại Hiên (Quảng Nam) (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực  lục. Sđd. Tập 7, tr. 593). Sau đó, Pháp chiếm thành An Hải, tiếp tục tấn công nhiều đợt nhưng  đều bị quân triều đình đánh lui, phải rút vào tấn công Biên Hòa - Gia Định.

sắt và dây sắt chắn ngang các cửa biển Thuận An, Tư Hiền để tăng cường phòng bị. Trong  bối cảnh ngọn lửa chiến tranh đang bùng lên và bắt đầu lan rộng, đe dọa sự an nguy của  đất nước, các thân vương, hoàng thân, Tôn Nhân Phủ và các quan văn võ tâu vua xin tấn  tôn huy xưng mỹ tự cho Thái hậu nhân dịp đại khánh tiết mừng thọ Hoàng Thái hậu 50  tuổi(1) (1859), bà đã dụ ngay trước mặt vua: “Hưởng sự phụng dưỡng của thiên hạ, phải  lo công việc của thiên hạ lo. Nay lúa thóc các nơi chưa được phong đăng cả, nhân dân  các nơi chưa được vui thích cả. Đó chính là ngày mà hoàng đế phải siêng năng kính cẩn.  Ta sao nỡ làm ngơ. Vả lại, tính ta vốn kiệm ước mộc mạc, không thích phù hoa. Không  ngờ ngày nay được nhận sự tôn vinh này, thường sợ hãi tu tỉnh, còn chưa rồi, nữa là lại  chuốc thêm hư danh để thêm nặng cái lỗi không có đức của ta ư? Về lời xin ấy, nên bãi  bỏ đi. Chỉ muốn… cho ta một ngày một thấy thiên hạ thái bình thịnh trị, thì còn vui gì  hơn.”(2) Nhà vua nghe lời, chỉ đem thân phiên, hoàng thân công, các quan văn võ làm lễ  chầu mừng ở lầu kết hoa cửa Thọ Chỉ, bỏ việc làm thêm 3 tòa lâu bằng (vốn hay dựng  trong dịp khánh tiết) ở Ngọ Môn và giao trả các loại vật phẩm vàng ngọc quý báu do các  quan dâng tiến, đồng thời lại thưởng bạc và tiền cho họ theo thứ bậc. 

Dịp Thánh thọ lục tuần đại khánh tiết (mừng thọ 60 tuổi) của Hoàng Thái hậu, bà  cũng dụ rằng: “…bờ cõi chưa yên, công việc còn bận, nhà vua cùng các quan, chính  đang lo nghĩ tu tỉnh, mưu hiệu quả sau, đền tội lỗi trước, ta cũng lòng nào mà vui một  mình, nếu viện lệ tâu xin, không hợp thời nghi rất trái ý ta, hãy tạm đình lại là hơn, chỉ  mong các quan hết lòng hết sức giúp đỡ nhà vua chấn chỉnh mọi việc, đưa nước nhà  đến thịnh vượng, thái bình, báo ơn vua, làm rạng rỡ nghiệp lớn, thì không phải đợi  tấn tôn mà lòng ta đã vui lắm. Sang năm khánh tiết, nghi lễ phải làm, nên hết sức tỉnh  giảm, cùng là lễ mừng cũng nên chước biện một vài thứ thổ sản, đủ tỏ lòng thành mà  thôi, chớ nên theo lệ mà quá xa xỉ, để hợp ý ta”.(3) Vua Tự Đức vì thế tuân theo ý chỉ  của Thái hậu, chỉ sai làm 2 rạp kết hoa để làm chỗ các quan tới chầu, rạp khác đều bỏ  bớt, đồng thời giảm bớt số quan chức các địa phương được chọn về kinh đô tham dự  chúc mừng Thái hậu để đảm bảo công việc ở địa phương không bị đình trệ. 

Bà cũng thường quan tâm đến việc nông tang, một lòng nghĩ đến đời sống của  dân. Vì thế, vua Tự Đức cũng động viên quần thần: “Nhờ ở mẹ ta một lòng vì dân lo  cho dân trước rồi sau mới vui cho mình sau, thần minh chắc đã soi xét cảm động. May  mà trời nghe thấy cũng gần, liền được mấy trận mưa to, ruộng hạn hán mấy tuần đều  được thấm khắp, hoa màu lúa muộn, cũng đều tốt tươi, nóng nực bớt dần, dịch lệ tiệm  khỏi, may cho dân ta mà trẫm cùng yên dạ, thỏa lòng thánh mẫu ta”.(4)  

Vào thời điểm nước nhà nguy cấp, tướng sĩ phải dốc sức chống trả quân Pháp,  bà cũng thường nghĩ đến quốc kế dân sinh, quan tâm đến việc phòng bị biên giới. Năm  1869, bà nói với vua Tự Đức cho xuất 300 lạng vàng ở kho trong cung, trong đó vàng 10  

(1) Cách tính theo tuổi ta (tuổi mụ). 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 7, tr. 575. (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 7, tr. 1143. (4) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 7, tr. 622.

tuổi 100 lạng, vàng 8 tuổi và 5 tuổi 200 lạng, giao cho Khâm sai đại thần Nguyễn Văn  Phong mang đến ban cho tướng sĩ 3 đạo quân thứ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang  và cho thêm các phẩm vật như hà bao gấm, nhẫn vàng khảm thủy tinh, sâm, quế… 

Không phụ công lao dạy dỗ của Thái hậu, vua Tự Đức là người con hết mực hiếu  thảo. Dịp lễ kỵ của Đức Quốc công (cha của Hoàng Thái hậu), vua đích thân rước bà  đến đền thờ Đức Quốc công làm lễ. Khi quan Khoa đạo khuyên ngăn vua với lý do  “Đức Quốc công dẫu tôn quý nhưng là bề tôi, ngày kỵ Đức Quốc công là việc riêng về  họ ngoại. Nay Hoàng thượng rước Từ giá đến đó, đình thần văn võ, đều theo hầu và  làm lễ bái yết, sợ đối với lễ, hoặc có quá hậu…”. Đáp lại, vua Tự Đức cho rằng “Trẫm  nhớ lại triều trước, ngự giá đến đền Dụ Khánh làm lễ. Lại ngự giá đi thăm quê hương  họ ngoại, cũng chưa lấy gì làm quá hậu. Nay trẫm rước thánh từ đến làm lễ, do ở lòng  hiếu không thiếu, sự thể tất phải thân hành, kính cẩn đi theo Từ giá, là để tỏ ý hầu vui.  Các quan tùy giá, đó là phận sự phải thế, ví thử các viên ấy có vào bái yết, là do tự lòng  thành của người ta phát ra, trẫm chưa từng bắt ép họ phải vào làm lễ” và phạt bổng 9  tháng đối với viên Khoa đạo bàn bậy.(1) 

Trong suốt thời gian vua Tự Đức trị vì, bà thường được cùng nhà vua tham gia  các buổi duyệt tập trận hoặc đi chơi, nghỉ mát ở cửa biển Thuận An, hoặc ở hành cung  Thúy Vân (thuộc địa phận huyện Phú Lộc ngày nay), đi săn ở vườn cấm hoặc đi đến  các tôn lăng làm lễ bái yết… Mỗi ngày, vua vào chầu vấn an mẹ một lần. Thực lục của  triều Nguyễn mô tả: “Đến cung bà mẹ thì sửa mình nín hơi, quỳ xuống hỏi thăm sức  khỏe, rồi lại bàn luận sách vở, cùng sự tích nhân vật xưa nay, hoặc đồng hồ xuống đến  4 - 5 khắc chưa từng trễ nải”.(2)  

Nhà vua cũng biết tính bà thích đọc sách, không thích nghe nhạc nên vua cho bãi  bỏ lệ nghe nhạc sau buổi ăn yến vào dịp cuối năm và cho làm lầu nghỉ mát cho thuyền  của Thái hậu tại hành cung Thuận Trực ở sông Lợi Nông mỗi khi đi chơi về đây. 

Bà thường được vua tham vấn ý kiến về các vấn đề trọng đại của quốc gia. Tuy  nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực mà nhà vua thừa hưởng được từ những lời giáo  huấn của mẹ như việc chăm lo giữ gìn lễ nghĩa, am hiểu nhiều điển tích trong sử sách,  đặc biệt là sử sách Trung Hoa, ông lại không đủ sáng suốt để phân định lúc nào nên  giữ “thiên đạo”, lúc nào nên nỗ lực để giành lấy chủ quyền, chiến đấu vì độc lập dân  tộc. Vì thế, nhà vua đã thiếu minh tường trong việc đưa ra những quyết sách chống  xâm lược, khi các tỉnh phía Nam đã bị Pháp chiếm thì trông chờ vào sự “hồi tâm” của  người Tây để được “giao trả” hoặc “chuộc lại” đất đai đã mất, mong “trời đất đoái  thương, thần linh ban ơn giúp đỡ” (Từ huấn lục. Quyển 3), khi Pháp phải đối phó với  Đức trong giai đoạn 1870 - 1871 thì không tranh thủ thời cơ để giành lại lãnh thổ đã  mất, thay vào đó lại lập luận “thừa lúc người ta gặp nguy, lợi dụng cái tai họa của  người thì chẳng uy võ” (Từ huấn lục. Quyển 4). Tư tưởng trông chờ vào “thiên đạo”,  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr. 320. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 8. Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr. 576.

“duy chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của trời” hoặc “Mọi việc duy chỉ nhờ trời đất thực thi  lòng nhân” luôn xuất hiện ở nhiều tình huống, nhiều sự kiện trong những ghi chép của  nhà vua về lời dạy của Thái hậu.  

Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, vua Tự Đức là người có thời gian trị vì lâu nhất  với 36 năm, nhưng lại được xem là vị vua bất hạnh nhất khi không có con nối dõi. Bản  thân ông tuy là người nổi tiếng vì tài thơ phú nhưng lại không phải là vị vua giỏi trị  nước. Dù ông đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống lại thực dân Pháp nhưng cuối  cùng vẫn phải đi đến hết thất bại này đến thất bại khác. Trong cuộc đời đầy bi kịch của  mình, có lẽ người mà vua Tự Đức luôn tìm đến để được chia sẻ, để được an ủi, để bàn  luận sách vở và được quan tâm, thương yêu chính là Thái hậu Từ Dụ - bậc từ mẫu mà  ông hết lòng kính trọng, thương yêu cho đến phút cuối của cuộc đời. 

Giữ vẹn nếp nhà, giữ gìn hậu cung ổn định qua 6 đời vua Nguyễn 

Tháng 7 năm 1883, giữa lúc đất nước đang ở trong tình thế nguy nan trước gót  giày xâm lược của thực dân Pháp, vua Tự Đức băng hà. Trước khi mất, nhà vua đã lập  di chiếu cho Hoàng Trưởng tử (tức vua Dục Đức sau này) lên nối ngôi. Tuy nhiên, sự  sắp xếp của vua Tự Đức đã sớm đổ vỡ khi nội bộ triều đình đã rạn nứt trước áp lực của  các quyền thần với những chủ kiến trái ngược nhau. Chỉ trong 3 ngày sau khi Hoàng  Trưởng tử Thụy Quốc công Nguyễn Phúc Ưng Chân(1) nhận di chiếu truyền ngôi, vào  điện Hoàng Phúc cư tang, hai Phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất  Thuyết đã phế vua nối ngôi (Ưng Chân), lập em út vua Tự Đức là Lãng Quốc công  Hồng Dật (tức vua Hiệp Hòa) lên thay, nhưng chỉ được 4 tháng cũng bị phế bỏ và bị  giết, thay bằng Nguyễn Phúc Ưng Đăng, người con nuôi thứ 3 của vua Tự Đức (tức  vua Kiến Phúc). Trước tình hình đất nước đang phải đối phó với thực dân Pháp, những  biến cố nghiêm trọng này càng khiến nội bộ triều đình trở nên bất đồng. Để hợp thức  hóa các quyết định phế-lập vua, các phe cánh trong triều phải có được sự đồng ý của  bà Từ Dụ(2) - người vẫn giữ ngôi cao nhất ở hậu cung theo lời căn dặn dành cho người  kế vị của vị vua mới băng hà: “Tấn tôn Hoàng Thái hậu làm Từ Dụ Thái hoàng Thái  hậu, ngõ hầu trẫm báo ơn muôn phần được một phần. Tôn Trung phi(3) làm Hoàng  Thái hậu, coi việc bên trong, dạy bảo vua nối ngôi. Trẫm chỉ có một mẹ một con, ngày  thường nương nhờ nhau, nay không được sống chung mẹ, là trẫm đại bất hiếu. Mẹ  con ngươi nên khéo thờ Thái hoàng Thái hậu, cốt cho vui lòng, ngày càng mạnh khỏe,  tiếng tốt trọn vẹn. Gia pháp bản triều rất nghiêm, từ trước không có lệ buông rèm  nghe chính sự.”(4) Vì thế, trước áp lực của các quyền thần, các quan không dám trái ý,  cùng ký tên tâu xin ý chỉ của Thái Hoàng Thái hậu.  

(1) Chưa kịp đặt niên hiệu, nên thường được gọi là vua Dục Đức (lấy theo tên gọi chỗ ở trước đó  là Dục Đức Đường), tháng 9 năm Kiến Phúc thứ 1 (1884) chết trong ngục, năm Thành Thái  thứ 4 được truy tôn làm Cung Huệ Hoàng Đế. 

(2) Lúc này, Thực lục vẫn chép là Từ Dụ. 

(3) Sau là Trang Ý Hoàng Thái hậu. 

(4) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 8, tr. 574 

Hoàn cảnh đã đặt Thái hậu Từ Dụ vào tình thế buộc phải tham gia vào công việc  của triều đình. Tuy nhiên, bà khéo léo giao Tôn Nhân Phủ cùng các Phụ chính và đình  thần cùng nhau bàn bạc: “Hiện nay trong thì lo về vua mới mất, ngoài thì lo có giặc  ngoại xâm, người ít tuổi thực không đương nổi, nhưng thân này già cả, sao biết được,  phần nhiều nhờ Tôn nhân, Phụ chính, đình thần, cùng nhau chọn các hoàng đệ ai nên  lập thì lập lên làm vua.”(1) 

Những thăng trầm của lịch sử dân tộc đã khiến khói lửa chiến tranh lan cả vào  nơi cung cấm, ngai vàng trở thành vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhất. Sau cái chết  của vua Tự Đức, triều đình Huế bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc trước khi trở  nên suy tàn và hoàn toàn đánh mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp. Tính từ khi vua  Tự Đức băng hà, Thái hậu Từ Dụ lần lượt trải qua 6 đời vua: Dục Đức (chưa kịp chính  thức lên ngôi), Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Cứ mỗi  vị vua nối ngôi là hậu cung lại một phen xáo trộn: người cũ ra đi, người mới đến ở,  kéo theo sự can dự của nhiều thế lực trong triều thông qua các mối quan hệ vô cùng  phức tạp và nhiều cạm bẫy. Trong suốt thời gian ấy, đặc biệt là trong bối cảnh rối ren  của triều đình lúc bấy giờ, ngôi vị cao nhất hậu cung của Thái Hoàng Thái hậu cũng là  ngôi vị khiến bà có quyền quyết định cao nhất - nếu xét về vai vế, thứ bậc trong hoàng  tộc trước những biến cố dồn dập và sự tranh đấu giữa các phe phái trong triều. Trong  hoàn cảnh ấy, bà vẫn sáng suốt khi tự xác định giới hạn cho mình trong những lần  can thiệp đối với công việc của nội bộ Hoàng tộc. Đồng thời, bà cũng làm tốt vai trò  là người giữ vững gia đạo, không để hậu cung can thiệp vào những biến cố của chốn  triều đình, trở thành chỗ dựa tin cậy cho con cháu hoàng thất. 

Tháng 10 năm 1883, vua Hiệp Hòa (7/1883 - 11/1883) bị phế và bị giết. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã bí mật sắp xếp kế hoạch, một mặt tập hợp văn võ  đình thần đến công đường Bộ Hộ để bàn về việc phế ngôi vua, lập hoàng tử thứ 3  (sau là vua Kiến Phúc) lên nối nghiệp lớn, lập tờ tấu lấy chữ ký của bá quan để tâu  lên Thái Hoàng Thái hậu, một mặt cử người đón hoàng tử thứ 3 lúc bấy giờ đang chịu  tang vua Tự Đức ở nhà Quan xá tại Khiêm Lăng, đưa về Kinh Thành. Từ Dụ Thái  Hoàng Thái hậu trước tình thế đã rồi, cũng chỉ biết làm theo lời tấu của các quan. Cứ  như vậy, bà lần lượt chứng kiến 3 vua lần lượt lên - xuống ngai vàng chỉ trong vòng 4  tháng - thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” đầy bất trắc trong lịch sử triều Nguyễn. Mặc dù  trong thực tế, bà không tránh được sức ép ngầm từ các thế lực quyền thần trong triều  mỗi khi được tâu xin ý chỉ, nhưng về thứ bậc trong hoàng thất, bà trở thành người đưa  ra quyết định cuối cùng để phê chuẩn mọi sự kiện trọng đại của triều đình như: chọn  tên trong Đế hệ thi cho vị vua mới, kính cáo ở Giao, Miếu, Xã Tắc, tổ chức lễ đăng  quang, định ngày giờ Ninh lăng (lễ tang) vua Tự Đức và sau này là các nghi thức tang  lễ dành cho vua Kiến Phúc (12/1883 - 7/1884), lập công tử Ưng Lịch (con thứ 5 của  Kiên Thái Vương lên ngôi sau khi vua Kiến Phúc mất, tức vua Hàm Nghi, trị vì từ  8/1884 - 11/1885) hoặc cho đưa vị vua yêu nước Thành Thái (02/1889 - 9/1907) đến  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 8, tr. 580.

điện Hoàng Phúc để an dưỡng, về sau đưa đến điện Bồng Dinh hồ Tịnh Tâm nghỉ ngơi  (năm 1893) với lý do tình hình sức khỏe của vua “can hỏa thất hòa”.(1) 

Trong việc dâng tôn thụy cho vua Kiến Phúc - người mới nối ngôi chưa được  bao lâu (2/12/1883 - 31/7/1884) thì đã qua đời, ý chỉ của bà cho thấy sự am hiểu kinh  sử và điển chế: “Hiếu Định hoàng đế, Hiếu Khang hoàng đế triều ta công đức to lớn  mà huy xưng đều có tám chữ, nay Đại hành hoàng đế (Giản tông Nghị hoàng đế) nối  ngôi không bao lâu mà huy xưng cũng tám chữ, nghĩ thấy chưa ổn, nên chước lượng  giảm đi hai chữ để phù hợp.”(2) Tương tự, triều đình cũng phụng ý chỉ của bà để dâng  tôn thụy cho vua Đồng Khánh (Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế) chỉ có sáu chữ và dựa  vào ý chỉ của bà để cân nhắc khi vua Thành Thái giao đình thần bàn chọn tôn hiệu cho  cha là vua Dục Đức - người chỉ mới nhận di chiếu của vua Tự Đức để nối ngôi được 3  ngày thì đã bị phế truất, chưa kịp lên ngôi và sau đó chết trong ngục. Lời bàn của đình  thần dựa trên “việc tôn vương nối ngôi đã có thành mệnh nhưng chưa kịp lên ngôi thì  khác với các vua đã chính thức lên ngôi”, đồng thời tra cứu việc đã từng diễn ra khi  chọn tên thụy cho vua Kiến Phúc - nên cuối cùng vua Thành Thái đã xây dựng tẩm  miếu riêng trong Kinh thành (tức Hoàng Khảo Miếu, sau đổi gọi là Cung Tông Miếu  hoặc Tân Miếu)(3) cho vua cha chứ không thể rước vào thờ ở Thế Tổ Miếu, năm 1901  làm lễ dâng kim sách, kim bảo, tôn thụy cho cha làm Cung Huệ Hoàng Đế, miếu hiệu  là Cung Tông, thụy hiệu là Khoan Nhân Duệ Triết Tĩnh Minh Huệ Hoàng Đế. 

Trong biến cố Thất thủ Kinh đô, bà cùng Trang Ý Hoàng Thái hậu và Hoàng  Thái phi(4) (tức bà Học phi, vợ vua Tự Đức, mẹ nuôi của vua Kiến Phúc) - sử triều  Nguyễn chép về giai đoạn này thường gọi chung ba người nói trên là “ba cung” – rời  khỏi Kinh thành cùng với vua Hàm Nghi, xa giá đến Quảng Trị, nhưng do kế hoạch  của lực lượng yêu nước Cần vương đã lâm vào tình thế bị động ngay từ khi khởi phát  cuộc binh biến chống Pháp ở Kinh Thành Huế nên chỉ sau một thời gian ngắn đoàn xa  giá của ba cung phải quay trở lại, nghỉ tạm ở Khiêm Lăng (lăng vua Tự Đức), mãi đến  khi có vua mới nối ngôi mới quay trở về hoàng cung. Trong hoàn cảnh bức bách nguy  nan ấy, Thái Hoàng Thái hậu Từ Dụ vẫn sáng suốt phân tích hoàn cảnh để có cách xử  trí không trái lẽ: “Trước nên định lấy ngôi vua, có người làm chủ, rồi sau bọn ta về  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sđd,  mục 0435. 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sđd,  mục 1024. 

(3) Miếu này xây dựng từ năm 1890 đến 1892, bị triệt giải năm 1946. 

(4) Thực lục về Giản Tông Nghị Hoàng Đế (Kiến Phúc) chép bà Học phi tên là Nguyễn Văn Thị  Chuyên (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 9, tr. 16), nhận  nuôi người con thứ 3 hàng vợ lẽ (phủ thiếp Bùi Thị Thanh, sau tấn phong Hoàng thúc mẫu  Kiên Thái vương phi) của Kiên Quốc công Hồng Hợi là Nguyễn Phúc Ưng Hỗ (sau đổi là Ưng  Đăng) làm Hoàng thiếu tử năm mới lên 2 tuổi. Năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), nhà vua  cho chế tạo trước kim sách, kim bảo, đợi sau khi mãn tang vua Tự Đức sẽ cử hành lễ tấn tôn  bà làm Hoàng Thái phi. Năm Đồng Khánh Ất Dậu (1885), việc này bị đình lại vì “đình thần  cho tấn tôn ấy là tự quyền thần, không phải là di mệnh của tiên triều” (Quốc Sử Quán triều  Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 9, tr. 180). 

cung, mới làm thỏa hợp”.(1) Trong thời gian vua Hàm Nghi còn ở sơn phòng Quảng  Trị, ba cung phải giao cho Thọ Xuân Vương Miên Định làm nhiếp chính, tạm quyền  trông coi việc nước, mọi việc đều phải tâu xin ý chỉ của ba cung. 

Năm 1885, sau khi từ Quảng Trị trở về Khiêm Cung, vua Hàm Nghi đã xuất bôn,  ngai vàng còn bỏ trống, Thái Hoàng Thái hậu Từ Dụ đã có một quyết định quan trọng,  cho phép những con cháu hoàng thất bị giáng chức và đưa đi an trí ở các tỉnh vào năm  1884 do bị liên lụy trong sự biến phế vua Hiệp Hòa được tha tội, trở về kinh đô. Đó là  Tuy Lý huyện công Miên Trinh, Hoằng Hóa hương công Miên Duyện, Hải Ninh Kỳ  Ngoại hầu Miên Tằng và con của Phế đế(2) là Ưng Hiệp, Ưng Bác, con nguyên Gia  Hưng Vương (đã chết bệnh) là Ưng Huy, Ưng Chân, Ưng Dũng, Ưng Linh, Ưng Suất,  Ưng Vệ (trừ Ưng Diễn bị bệnh chết). Đến 1886, các công tử cũng đều được cho về,  các vương công cũng đều được khai phục và truy phục. Động thái này của Hoàng Thái  hậu hẳn là xuất phát từ lương tâm day dứt khi bà phải chứng kiến con cháu hoàng thất  lâm vào cảnh hoạn nạn, oan khuất chỉ vì những mưu đồ chính trị, nên đã tranh thủ thực  hiện việc này trong khoảng thời gian các thế lực trong triều còn chưa kịp quyết định  ai sẽ ngự trị ngai vàng thay vua Hàm Nghi, và Hoàng Thái hậu còn có thể thực hiện  ý nguyện nhân hậu của mình mà không lo phạm tội tham chính, chuyên quyền. Cũng  trong khoảng thời gian này, bà quan tâm, dụ hỏi Nguyễn Văn Tường về tình trạng của  Phủ hạt Thừa Thiên cũng như các địa phương Nam - Bắc và quân dân gặp nạn, ai đã  chôn cất, hòa nghị đã bàn định xong chưa.  

Khi việc chính sự trong triều đình đã trở lại ổn định, vai trò của bà vẫn rất quan  trọng đối với Phủ Tôn Nhân và đình thần. Thậm chí, bà phải lên tiếng về việc người  Pháp chiếm đóng và ở lại trong điện Hiếu Tư(3) – một trong ba nơi (gồm điện Hiếu Tư,  Long An(4) và Quốc Sử Quán) bị quan quân Pháp chiếm đóng trong biến cố Thất thủ  kinh đô và đã được Pháp giao trả sau khi vua Đồng Khánh đăng quang.(5)  

Sau khi vua Đồng Khánh băng hà, việc chọn người kế vị ngai vàng, chọn ngày  đón vào điện Đông Các… đều có sự tham khảo ý chỉ của bà và Trang Ý Thái Hoàng  Thái hậu (vợ vua Tự Đức), cùng kết quả thương nghị với Khâm sứ Pháp.(6) Năm 1892,  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 9, tr. 157.  (2) Tức vua Hiệp Hòa. 

(3) Điện Hiếu Tư thuộc cung Khánh Ninh, xây dựng năm 1825, sau này là nơi quàn thi hài vua  Minh Mệnh trong 7 tháng trước khi an táng tại Hiếu Lăng vào năm 1841, rồi trở thành nơi thờ  vọng nhà vua.  

(4) Điện Long An thuộc cung Bảo Định, xây dựng năm 1845, sau này là nơi quàn thi hài vua  Thiệu Trị trong 8 tháng trước khi an táng tại Xương Lăng vào năm 1848, rồi trở thành nơi thờ  vọng nhà vua. 

(5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 9, tr. 181. Có lẽ trên thực  tế, sau thời điểm này quân Pháp vẫn còn đồn trú ở điện Hiếu Tư nên tháng 2 năm 1886 Viện  Cơ Mật có bản tấu phụng ý chỉ của Từ Dụ Bác Huệ Thái Hoàng Thái hậu hỏi về việc người  Pháp đến cư trú ở Tôn điện Hiếu Tư (tài liệu của TTLTQG 1). 

(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sđd,  mục 0012.

bà cho dựng đàn chay ở chùa Thiên Mụ để tụng kinh trong 3 ngày cho Cung Huệ  Hoàng Đế (Dục Đức), Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế (Đồng Khánh) và Giản Tôn Nghị  Hoàng Đế (Kiến Phúc). Năm 1896, bà đã ban dụ để yêu cầu Phủ Phụ chính trù tính  biện pháp khi có việc dân Thừa Thiên “kéo nhau theo đạo, nghe có người cậy thế làm  bừa để quyết oán thù, công nhiên họp bọn cướp giật, thế mà không nghiêm khắc bắt  xét trị tội, ắt sẽ còn quá hơn”.(1) 

Năm 1898, bà sai Tôn Nhân Phủ và đình thần bàn việc truy phục và khai phục  tôn tịch cho An Phong công Hồng Bảo(2) và con cháu, ân phong cho công tử Ưng Tinh  phòng Thái Thịnh công làm Phụng quốc lang để giữ việc thờ cúng:  

“Trước là công can tội bị tước tôn tịch, đổi theo họ mẹ (họ Đinh) cấm cố, sau  biết tội thắt cổ tự tử. Năm Tự Đức thứ 17 chuẩn tha cho các con trai con gái, kế can  việc nghịch Trưng(3) phạm cửa khuyết,(4) con cháu đều bị xử giảo. Trước đã chuẩn cho  dựng đền thờ, cấp ruộng thờ (năm Tự Đức thứ 29 dựng đền thờ, năm Đồng Khánh thứ  1 cấp ruộng thờ). Năm Thành Thái thứ 1 Toàn quyền đại thần Rheinart bàn khôi phục  tôn tịch cho phòng ấy nhưng việc chưa xong, đến lúc ấy vâng ý chỉ của Từ Dũ Bác huệ  Khang thọ Thái Thái Hoàng Thái hậu sai Tôn nhân đình thần nghĩ bàn ổn thỏa có nên  chước lượng truy phục và khai phục tôn tịch cho phòng ấy và chọn trong hoàng phái  một người giữ việc thờ cúng hay không giao cho đình nghị, đều xin truy phục nguyên  tước (đại lược nói công trước kia can trọng tội chưa được đội ơn khoan xá vì Dực tông  Anh Hoàng đế không làm sao được)”.(5) 

Năm 1899, dịp Cửu tuần đại khánh tiết (mừng thọ 90 tuổi), bà ban ý chỉ lấy vải  vóc vật liệu trong kho làm bảo tháp Phúc Duyên và cúng một tòa tháp vàng, ba tòa tháp  bạc, đặt đàn chay tụng kinh ba ngày ở chùa Thiên Mụ,(1) cầu mong thiên hạ thái bình. 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sđd,  mục 0688. 

(2) Con của vua Thiệu Trị và bà Quý tần họ Đinh. Xét về thứ bậc, An Phong công Hồng Bảo là  anh của vua Tự Đức. Trước khi băng hà, vua Thiệu Trị căn dặn “Hồng Bảo tuy lớn, nhưng  là con vợ thứ, mà lại ngu độn, ít học, chỉ ham vui chơi, không thể để cho kế thừa nghiệp lớn  được. Hoàng tử thứ hai là Phúc Tuy công thông minh, nhanh nhẹn, chăm học, giống như ta,  có thể nối ngôi Hoàng đế” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập  6, tr. 1074). Sử liệu triều Nguyễn chép: An Phong công Hồng Bảo vì không được lập lên làm  vua, nên để lòng mưu phản, toan thông ngầm với người Tây dương. Việc bị phát giác,  nhưng vua vẫn ưu đãi, khoan dung cho Hồng Bảo. Sau đó, Hồng Bảo lại ngầm sai thuộc hạ  ở phủ là Trần Tuấn Đức thông ước với nước Cao Miên nổi loạn. Kinh lược Đại sứ là Nguyễn  Tri Phương bắt được Đức giải về kinh, tra xét quả là sự thực. Năm 1854, Hồng Bảo tự tử ở  nơi giam. Vua ra lệnh bắt đổi theo họ mẹ là họ Đinh (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại  Nam thực lục. Sđd. Tập 7, tr. 303). 

(3) Đoàn Trưng. 

(4) Ý nói việc Đoàn Trưng mưu phản, đem quân tấn công vào tận Tử Cấm Thành (năm 1866).  (5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sđd,  mục 0877. 

(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Sđd,  mục 0919.

Bà mất ngày 5 tháng 4 năm Tân Sửu (nhằm ngày 22/5/1901), được triều đình  Hoàng đế Thành Thái dâng thụy hiệu “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc  Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng Hậu” (儀 天 贊 聖 慈 裕 博 惠 齋 肅 慧 達  壽 德 仁 功 章 皇 后) và thờ cùng Hoàng đế Thiệu Trị tại Thế Tổ Miếu. 

Lăng mộ của bà nằm gần bên lăng của Hoàng đế Thiệu Trị, tên gọi là Xương  Thọ Lăng. Ngoài ra, bà cũng được thờ ở điện Phụng Tiên (Hoàng Thành Huế) - nơi  hoàng gia làm lễ trong phạm vi gia tộc và điện Lương Khiêm (Khiêm Lăng - lăng của  Hoàng đế Tự Đức).  

Hoàng Thái hậu Từ Dụ là vị Thái hậu duy nhất của triều Nguyễn được thờ vọng  trong cùng một khu lăng tẩm của con trai mình, mặc dù bà tạ thế sau con mình 18 năm.  Việc thờ vọng này được chính Hoàng đế Tự Đức căn dặn trước khi băng hà: “…điện  Lương Khiêm để làm chỗ thờ vọng mẹ ta, sau cũng đặt một án không, không có bài vị,  bọn ngươi cũng sớm tối dầu chè, thờ phụng cho cẩn thận”.(1) Điều này hẳn xuất phát từ  việc bản thân ông không có con nối dõi nên vẫn muốn linh hồn Thái hậu sau khi mất  được sớm tối thờ phụng, mẹ con gần gũi, an ủi.  

Số phận đã chọn Thái hậu Từ Dụ làm nhân chứng lịch sử cho suốt 10 đời vua  Nguyễn. Bà sinh ra vào thập niên đầu của thế kỷ 19 khi vua Gia Long đang ra sức xây  dựng và củng cố triều đại của một đất nước mới được thống nhất toàn vẹn sau hàng  thế kỷ bị phân tranh; trải qua những tháng năm huy hoàng thịnh vượng nhất của triều  đại; rồi lại phải chứng kiến những thảm cảnh bi thương của dân tộc khi nước mất nhà  tan, chủ quyền đất nước rơi vào tay ngoại bang với ba miền ở ba chế độ cai trị khác  nhau: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ; và ra đi vào thập niên đầu của thế kỷ 20 dưới triều  vua Thành Thái. Hoàn cảnh lịch sử đã đặt lên vai bà sứ mệnh của một người phụ nữ  kiên cường, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù xuất phát từ ý muốn chủ quan hay do hoàn  cảnh khách quan thúc đẩy, bà đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn ổn định  hậu cung, nêu tấm gương mẫu mực của một bậc mẫu nghi thiên hạ trong suốt chặng  đường hơn nửa cuộc đời mình.  

Hiện nay, các di tích gắn với cuộc đời của bà từ khi còn sống cho đến khi tạ thế  như: cung Diên Thọ, lăng Xương Thọ, điện Lương Khiêm… đều đã được công nhận  là Di sản Văn hóa Thế giới. Tên của bà cũng được chọn để đặt tên cho bệnh viện đầu  ngành về sản phụ khoa của Việt Nam - Bệnh viện Từ Dũ.(2) Di tích lăng mộ của dòng  họ Phạm Đăng ở Gò Công (Tiền Giang) cũng được công nhận Di tích Lịch sử Văn  hóa cấp Quốc gia. 

Huỳnh Thị Anh Vân*

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Sđd. Tập 8, tr. 575 . (2) Tiền thân của bệnh viện Từ Dũ là một khu chuyên khoa sản trực thuộc Bệnh viện Lalung  Bonnaire (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy) ra đời vào năm 1923. Sau nhiều lần thay đổi tên gọi,  năm 1948, bệnh viện được mang tên của Thái hậu Từ Dụ, đọc chệch là Từ Dũ. Bổ chú của BBT: Đây là trường hợp kiêng húy theo âm, vì mẹ của Thái hậu Từ Dũ là bà Đức  quốc nhất phẩm phu nhân Phạm Văn Thị DỤ (1768-1821). Lưu ý thêm, chữ Hán 裕, đa số sử  sách ở miền Nam đều phiên âm là DŨ, ví dụ: Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế Nguyễn Hoàng. BBT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Dực Tông Hoàng Đế Tự Đức. Khiêm Cung ký (nguyên bản chữ Hán, bản dịch của NNC  Vĩnh Cao). 

2. Nội Các triều Nguyễn (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập 6. Nxb Thuận Hóa. Huế. 3. Phạm Đức Thành Dũng, Vĩnh Cao và nhóm tác giả. (2000). Khoa cử và các nhà khoa bảng  triều Nguyễn. Nxb Thuận Hóa. Huế. 

4. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc. (1995). Nguyễn Phúc Tộc thế phả. Nxb Thuận Hóa. Huế. 5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập VI-IX. Nxb Giáo dục. Hà Nội. 6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Nxb Văn hóa - Văn Nghệ. TP. Hồ Chí Minh 

7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2013). Đại Nam liệt truyện. Tập 3-4. Viện Sử học Việt Nam.  Nxb Thuận Hóa. Huế. 

 

ĐÍNH CHÍNH

Trong bài “Sơ khảo về tẩm mộ phi tần triều Nguyễn” của tác giả Đỗ Minh Điền đăng trên  tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 8 (162).2020, do sơ suất nên còn một vài sai sót, xin  được đính chính như sau:

- Bảng 3: Bảng lược kê một số tẩm mộ phi tần nhà Nguyễn ở Thừa Thiên Huế (Trang 115 - 117)

Đã in Xin sửa lại
07 Tiền triều Tiệp dư Du Văn thị... Tiên triều Tiệp dư Du Văn thị...
19 Tiền triều Tài nhân Cửu giai Nguyễn Duy  thị... Tiên triều Tài nhân Cửu giai Nguyễn Duy  thị...
22 Tiền triều Cung nhân Hồ thị... Tiên triều Cung nhân Hồ thị...
29 Đại Nam tiền triều Cung nga Nguyễn Thị  Hân... Đại Nam tiên triều Cung nga Nguyễn Thị  Hân...

- Phần chú thích (Trang 103), xin sửa lại chú thích (1):

(1) Trong bài viết này chúng tôi tạm sử dụng cụm từ “tẩm mộ phi tần” để gọi chung  cho đối tượng nghiên cứu và khảo sát trực tiếp bao gồm các tẩm mộ từ Nhất giai đến hàng  Cung nga.

Xin chân thành cáo lỗi cùng tác giả và bạn đọc.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển

Xem thêm: Nhân vật nội dung triều Nguyễn, Nghiên cứu và phát triển số 9 (163)

Các bài viết khác

Xem thêm
Một ngôi chùa dát vàng cực hút khách ở Nhật Bản, có lịch sử hơn 600 năm, tượng trưng cho thiên đường hạnh phúc
Tin tức khác26/07/2024

Một ngôi chùa dát vàng cực hút khách ở Nhật Bản, có lịch sử hơn 600 năm, tượng trưng cho thiên đường hạnh phúc

Vẻ đẹp của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng bậc nhất ở Nhật Bản khiến bao du khách thổn thức.

Nguồn: Internet

Đền Đông Cuông - Một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt, Số 3 (16) - 2006 - Di sản văn hóa vật thể

Vượt qua “thời gian chiêm bao” mà tư duy con người còn chìm trong không gian hoang dã với hiện tượng thờ các lực lượng "hồn nhiên" như cây cỏ, đất đá, một khúc của ngã ba sông,... để rồi con người tiến lên xây dựng một tổ chức mang tính xã hội. Trên đường đi đó dần dần con người định hình nhân dạng cho các thần linh mà trong đó một vị thần linh cơ bản đầu tiên là nữ thần. Có thể tin được điều đó, bởi trong buổi hồng hoang, sự phân công lao động sớm nhất là phân công lao động nam - nữ. Nam thì săn bắn/bắt, công việc này bấp bênh, hôm được hôm không, thiếu tính chất thường xuyên để đảm bảo cuộc sống. Còn nữ giới với hái lượm rau củ trong rừng, đó là lương thực cơ bản để nuôi sống gia đình. Mặc nhiên vai trò của nữ trở nên cực kỳ quan trọng, do đó đã dẫn đến một hiện tượng khi nhân dạng hóa thần linh thì vị thần đó tất yếu mang dạng nữ. Khởi đầu, người Việt trông cậy vào của cải được thu lượm từ rừng nên người ta tôn trọng thần rừng, hội các điều kiện lại thì vị thần nhân dạng đầu tiên có thể nghĩ được là bà chúa rừng với nhiều chức năng khác nhau - Trước hết là thần của cải - Trong quá trình tồn tại, người ta hội dần vào bà nhiều chức năng, đầu tiên là bà “mẹ Thiêng liêng" với quyền năng vô bờ bến; một bà “mẹ Thế gian”, bởi người ta coi từ bà mà muôn loài nảy sinh và phát triển. Đồng thời bà là một thần linh đứng đầu bách thần nên bà còn mang tư cách là một đấng “vô cùng” - người Việt đã dần hội tất cả những gì linh thiêng liên quan vào chính bà Đông Cuông - một bà mẹ vũ trụ khởi nguyên của người Việt.

Vũ Lăng Nguyên - Tiên cảnh nơi trần thế
Tin tức khác08/01/2024

Vũ Lăng Nguyên - Tiên cảnh nơi trần thế

TTO - Vũ Lăng Nguyên được ví như “cảnh tiên giới thu nhỏ” nhờ khung cảnh mê hoặc của các cột đá và vẻ đẹp tự nhiên của thung lũng, rừng, hang động, hồ nước và thác nước.