Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Nhân vật nội dung triều Nguyễn, Nghiên cứu và phát triển số 9 (163)

15/06/2023516

Bà Tống Thị Lan (còn có tên là Liên), người huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), con  gái thứ ba của Quy quốc công Tống Phúc Khuông,(2) mẹ họ Lê, quê gốc xã Bùi Xá,  huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa); sinh ngày 25 tháng Chạp năm Tân Tỵ  (19/01/1762).

I. HAI BÀ HOÀNG HẬU 

1. Hoàng hậu Tống Thị Lan (1762-1814) 

Thần vị tại Thế Miếu phần hãm trung đề: “越故簡恭齊孝翼正順元皇后姓宋 諱蘭字[王+連](1)第三行神主 - 辛巳年十二月二十五日…時聖誕 - 甲戌年二月初 三日戌時升遐” (Thần chủ của Hoàng hậu Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận  Nguyên đã mất, họ Tống húy Lan tự Liên, là con thứ ba - sinh giờ… ngày 25 tháng  Mười Hai năm Tân Tỵ - mất giờ Tuất ngày mồng 3 tháng Hai năm Giáp Tuất). 

Bà Tống Thị Lan (còn có tên là Liên), người huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), con  gái thứ ba của Quy quốc công Tống Phúc Khuông,(2) mẹ họ Lê, quê gốc xã Bùi Xá,  huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa); sinh ngày 25 tháng Chạp năm Tân Tỵ  (19/01/1762). Sau cuộc biến năm Giáp Ngọ (1774), quân Trịnh chiếm Phú Xuân, bà  theo cha vào Nam, đến ở Gia Định, rồi được tiến cung năm Mậu Tuất (1778), khi bà  18 tuổi, tấn phong làm Nguyên phi. Bà là người cung kính, cẩn thận, cử động có phép  tắc, lễ độ, vua rất quý trọng. Bà sinh được hai con trai, cả là Chiêu, mất sớm, thứ là  Cảnh, sau được phong Đông cung Thái tử, nhưng cũng mất trước khi Nguyễn vương  khôi phục Phú Xuân.  

(*) Thừa Thiên Huế. 

(1) Những chữ Hán mà phần mềm Hán Nôm chúng tôi đang sử dụng không có, xin mở ngoặc  ghi cấu tạo gồm bộ nào và chữ gì kèm theo như thế này cho tiện. 

(2) Thủy tổ họ Tống xứ Thuận Hóa là Tống Phúc Trị, người huyện Tống Sơn, xứ Thanh Hóa,  làm quan với nhà Lê, được cử vào Thuận Hóa giữ chức trấn phủ. Năm 1558, Nguyễn Hoàng  vừa đến nhậm chức Trấn thủ Thuận Hóa, ông đã đem sổ sách, bản đồ trong cõi dâng nạp, rồi  hết lòng giúp đỡ vị tổng trấn mới, bình định các nơi, rồi ốm chết tại chức. Về sau, ông được  xếp vào hàng Khai quốc công thần hạng nhì. Con cháu ông tiếp tục làm quan với các chúa  Nguyễn. Đến cuối thế kỷ XVIII, có Tống Phúc Hiệp, Trấn thủ dinh Long Hồ, Tống Phúc Hòa,  Chưởng dinh, quận công, là anh em chú bác. Lại có Tống Phúc Thành, không rõ quan hệ họ  hàng như thế nào, làm quan thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đến chức Nội thủy Chưởng cơ,  sau khi mất tặng Chưởng dinh, quận công, thụy Đôn Trực. Con ông là Tống Phúc Khuông,  tập ấm làm đến chức Chưởng dinh, lấy vợ người họ Lê ở Quảng Nam, sinh con gái là Tống  Thị Lan, rồi lại lấy công nữ Ngọc Cư (con gái thứ sáu của chúa), sinh con trai là Tống Phúc  Lương. Năm Ất Mùi (1775), ông đem gia quyến chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Gia  Định. Sau khi chúa bị Tây Sơn bắt giết, ông theo Nguyễn Phúc Ánh, cùng Đỗ Thanh Nhân tôn  làm Đại Nguyên soái (1778), rồi tôn lên ngôi vương (1780). Nguyễn vương cho ông làm Ngoại  tả Chưởng dinh kiêm Chưởng sử, cử đi chiêu dụ nước Chân Lạp. Ông ốm chết, Chưởng cơ  Hồ Văn Lân đem hài cốt về táng tại Gia Định. Năm Gia Long 3 (1804), cải cát về kinh, vua thân  đến đưa đám, cho dựng đền thờ, tặng Suy trung Dực vận Công thần, Đặc tiến Khai phủ Phụ  quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái bảo, Quốc công, thụy Trung Ý. Năm 1833,  vua Minh Mạng đổi tặng Đặc tiến Tráng vũ Thượng tướng quân, Tiền quân Đô Thống phủ  Chưởng phủ sự, Thái bảo, thụy Cung Mẫn; bà họ Lê gia tặng Quy Quốc nhất phẩm phu nhân.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 5 

Năm Quý Mão (1783), quân Tây Sơn (Nguyễn Huệ) vào đánh Gia Định, Nguyễn  vương phải lánh ra đảo Phú Quốc, giao Hoàng tử Cảnh cho Giám mục Bá Đa Lộc đem  đi Pháp cầu viện, rồi mình cũng từ giả sang Xiêm. Trước khi đi, vương lấy một dật vàng  (vàng 10 tuổi, 20 lượng) chặt đôi trao cho bà một nửa và dặn rằng: “Con ta đi rồi, ta  cũng đi đây. Phi ở lại phụng thờ quốc mẫu, chưa biết sau này gặp nhau ở nơi nào, ngày  nào, hãy lấy vàng này làm tin”.(1) Năm 1820, vua Minh Mạng ghép hai nửa thoi vàng  ấy lại, cho khắc dòng chữ: “世祖帝后癸卯百千時信物 Thế Tổ Đế, Hậu, Quý Mão, bá  thiên thời tín vật” (Tín vật muôn đời của Hoàng đế và Hoàng hậu vào năm Quý Mão)  và thờ tại điện Phụng Tiên làm kỷ niệm. Năm 1928, theo chỉ dụ của vua Khải Định, thoi  vàng cùng những tủ bảo vật được chuyển đến đại sảnh của điện Cần Chánh. 

Mùa xuân năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn vương trở về, bà vẫn theo hầu Quốc  mẫu (mẹ vua Gia Long, Nguyễn Thị Hoàn) ở lại đảo Phú Quốc. Mùa thu năm Mậu  Thân (1788), Nguyễn vương lấy được Gia Định, cho rước cả gia quyến về ở yên. Bấy  giờ đã có thêm bà Trần Thị Đương; cả hai bà đều lo việc hậu cần. Từ đó, mỗi khi  vương đi chinh chiến, bà đều theo bên để giúp đỡ. Bà “thờ Thái hậu đủ mọi gian khổ,  hiếu kính, cần kiệm, hiền hậu, yêu người, thường tự tay kéo dệt và may cắt quần áo để  cấp cho các tướng sĩ. Một hôm đi thuyền gặp giặc, vua liền đốc quân ra sức chiến đấu,  hậu cũng cầm dùi thúc trống. Quân sĩ nức lòng, tranh nhau phấn đấu, bèn đánh được  giặc”.(2) Ngày mồng 7 Kỷ Mão tháng Mười năm Bính Thìn (1796), Nguyễn vương tấn  tôn mẹ (Nguyễn Thị Hoàn) lên ngôi vị Quốc mẫu Vương Thái phi, sau đó sách lập bà  làm Vương phi. Hàng năm, Nguyễn vương theo gió mùa đánh ra Quy Nhơn, rồi theo  mưu “tượng kỳ khí xa”, ngày mồng 3 tháng Năm năm Tân Dậu (2/6/1801), ông khôi  phục được thành Phú Xuân, và để “chính danh” trước khi hoàn tất cuộc thống nhất  non sông, ông làm lễ đặt niên hiệu mới Gia Long ngày mồng 1 tháng Năm năm Nhâm  Tuất (31/5/1802). Ông tiếp tục tiến quân ra Bắc và ngày 17 tháng Sáu năm Nhâm Tuất  (16/7/1802) chiếm được Thăng Long, vua tôi nhà Tây Sơn lần lượt bị bắt giải về Huế  “tận pháp trừng trị”. Nhà Nguyễn chính thức được thành lập. Mặc dù Đông cung Cảnh  đã mất, ngày 21 tháng Ba năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long kính cáo Thái Miếu, rồi  ngày 22 Bính Thân tháng Ba năm Quý Hợi (12/5/1803) làm lễ sách lập bà làm Vương  Chính hậu (trước đó, đã tấn tôn mẹ làm Vương Thái hậu). Sách văn như sau: 

天道資陰養之功化醇萬物 

聖人設内輔之職表正六宮 

稱是懿章 

歸于令德 

眷惟元妃宋氏 

琚璜美業 

琬琰芳儀 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 218. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 553.

6 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

潜龍初天妺定祥貞靜嗣徽音於京室 

維鳩日邦媛表淑勤儉基王化於舟梁 

椒寔蕃而慶衍麟振 

樛蔭茂而寵延魚串 

洎遭屯步 

樂得坤朋 

艱關湯旆武旄其朕八九世先王之讎恥 

迢遞蜀城秦棧隨予三十年鄰國之風塵 

坎坷愈篤堅貞 

婉娩夙閑禮度 

助孝思於長樂親調御膳之珍甘 

分苦節於會稽自織同袍之絺綌 

永巷脫簪多資補衮 

明庭望燎屢贊求衣 

朕思九廟之蒸嘗香襪同懷於履露 

朕念六軍之勞苦翠蛾並蹙於聞鼙 

飽殷憂而淵塞秉心 

遵晦養而和柔著德 

當熊衛漢不愧馮姬 

走馬造周有光姜女 

乾坤再造既同濟於艱難 

日月並明宜共享其富貴 

載稽往典 

用錫徽稱 

奉王太后慈命特遣掌神武軍范文仁禮部鄧德超捧金冊琮寶立為王正后 夫惟肅恭可以事上 

夫惟仁兹可以接下 

后克勤人用弗怠 

后克約人用弗泰 

后其念玆以承宗廟之慶以綏子孫之庥(1) 

於戲 

(1) Đại Nam thực lục. Chính biên Đệ nhất kỷ. Quyển Nhị thập, tờ 22b-24a. So với bản chép trong  Đại Nam liệt truyện chính biên. Sơ tập. Quyển 1, tờ 11b-12a, có vài chữ khác: vũ mao 其 kỳ trẫm bát cửu thế / vũ mao 共 cộng trẫm bát cửu thế; thúy 蛾 nga tịnh súc / thúy 娥 nga tịnh  súc; nhân 茲 tư khả dĩ / nhân 慈 từ khả dĩ; dĩ thừa 宗 tông điện / dĩ thừa 尊 tôn điện, và không  có mấy câu cuối (từ “Ô hí…”).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 7 

帝座次星配帝者妃正乎内睹彝倫之敘 

家人初爻閑家為吉御于邦觀德化之成 

欽哉毋替厥命 

Tạm dịch 

Đạo trời nhờ công âm dưỡng mà hóa thuần muôn vật; 

Thánh nhân đặt chức nội phụ để nêu mẫu sáu cung. 

Ban tặng tên hay;  

Về cho đức tốt. 

Mến nghĩ Nguyên phi họ Tống: 

Cư hoàng nền nếp; 

Uyển diễm hình dung.(1) 

Buổi rồng chìm(2) trời sớm định duyên lành, trinh tĩnh nổi tiếng hay nơi kinh thất; Ngày cưu náu(3) nước đã khen nết thục, kiệm cần gây tục tốt chốn chu lương. Quả tiêu sai(4) mà phúc rủ tới cháu con; 

Bóng cù mát(5) mà yêu chung cùng hầu thiếp. 

Gặp trong bước gấp; 

(1) Cư, hoàng, uyển, diễm đều là các loại đá quý (ngọc), có thể làm trang sức trên áo quần và  cơ thể phụ nữ. 

(2) Rồng chìm: Hào Cửu nhất trong Dịch kinh: “潛龍勿用 Tiềm long vật dụng” (Rồng chìm, không  nên hoạt động), chỉ vua khi chưa lên ngôi, như rồng còn ẩn náu dưới hang sâu. Đây ý nói vua  Gia Long lúc còn là công tử Nguyễn Phúc Ánh, bôn ba trốn tránh trong dân gian ở Nam Bộ. 

(3) Cưu náu: Cưu là loài chim không biết làm tổ, mượn tổ chim khác mà đẻ trứng, khi con lớn rồi  thì bay đi. Chỉ Nguyễn vương khi phải nương nhờ ở nước Xiêm (Thái Lan) thời gian bị quân  Tây Sơn truy đuổi. 

(4) Quả tiêu sai: cây tiêu nhiều quả (tiêu thực phiền), chỉ người vợ sinh nhiều con, là hạnh phúc  trong gia đình xưa. Cháu con: nguyên văn “lân chân”, chữ trong Thi kinh, Quốc phong, thơ Chu  Nam, thiên Lân chi chỉ: 麟之趾/振振公子/于嗟麟兮 Lân chi chỉ / Chân chân công tử / Hu ta lân  hề. Lân là loại thú mình giống con mang, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có  lông; chỉ là chân, chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống; chân  chân là dáng nhân hậu; hu ta là tiếng than. Chu Hy giải thích: “Văn vương và Hậu phi lấy đức  hạnh tu thân, mà con cháu tông tộc đều hóa ra hiền lành. Cho nên nhà thơ mới lấy chân con  lân mà khởi hứng để nói về con của Văn vương và Hậu phi. Nói rằng tính con lân nhân hậu,  cho nên chân của nó cũng nhân hậu. Văn vương và Hậu phi nhân hậu, cho nên con của ngài  cũng nhân hậu. Nhưng lời nói không thể tả đủ, cho nên lại than thở khen tặng”. 

(5) Bóng cù mát: cù mộc, cũng có người phiên âm Cưu mộc, Giao mộc, không đúng. Nam hữu  cù mộc là tên một thiên trong Thi kinh, phần Quốc phong, thơ Chu Nam. Cù mộc là loài cây  gỗ lớn, để cho các loại cây nhỏ thân dây leo quanh mà sống, ví với người vợ cả yêu thương  đùm bọc các người vợ lẽ (chế độ đa thê ngày xưa); theo Chu Hy, thơ Nam hữu cù mộc ca  tụng ân đức bà Hậu phi của Văn vương đối với kẻ dưới. Chương mở đầu như sau: 南有樛 

木/葛藟累之/樂只君子/福履綏之 Nam hữu cù mộc / Cát lũy luy [lôi] chi / Lạc chỉ quân tử / Phú  lý tuy chi (Núi Nam cù mộc có cây / Cuốn leo quanh quất có dây sắn bìm / Mừng vui quân tử  một niềm / Chúc cho phúc lộc càng thêm dồi dào).

8 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Vui được vợ hiền. 

Dưới ngọn cờ Thang Vũ(1) khó khăn, cùng ta rửa tám chín đời tiên vương thù nhục; Trong đường hiểm Thục Tần(2) vất vả, theo ta ba chục năm lân quốc phong trần. Nhọc nhằn càng tỏ nết kiên trinh; 

Mềm mại vốn quen chiều lễ độ. 

Giúp việc hiếu ở cung Trường Lạc,(3) thân làm đồ ngon ngọt dâng cơm; Chia nỗi khổ ở núi Cối Kê,(4) tay dệt vải mỏng dày cho lính. 

Bỏ trâm nơi Vĩnh Hạng,(5) chính sự giúp nhiều; 

Trông đuốc chốn Minh Đình, văn thư lắm vẻ. 

Ta nghĩ lễ chưng thường dâng chín miếu, chân giày thơm cùng nhớ lúc dẫm sương; Ta thương tình lao khổ của sáu quân, vẻ mày biếc cũng cau vì tiếng trống. Đầy lo nghĩ mà cầm lòng vững chắc; 

Gặp vận đen mà tỏ đức nhu hòa. 

(1) Thang Vũ: ông Thành Thang diệt vua Kiệt nhà Hạ tàn bạo hoang dâm mà dựng nên nhà  Thương; ông Tây Bá Phát diệt vua Trụ tàn bạo hoang dâm nhà Ân (tức nhà Thương giai đoạn  cuối, đóng đô tại Ân Khư) mà lập ra nhà Chu, tức Vũ vương. 

(2) Thục Tần: xứ Ba Thục thời nhà Tần ở phía tây nam Trung Quốc, là nơi hiểm yếu, núi non  trùng trùng điệp điệp, người ta chỉ làm được một con đường bằng gỗ ván gọi là sạn đạo để  giao thông. Sau khi diệt Tần, Sở vương Hạng Vũ phong cho Lưu Bang làm Hán vương vào  đóng ở đất Ba Thục. Mưu sĩ Trương Lương đã bày kế đốt sạn đạo để tránh sự dòm ngó của  Sở vương, rồi ra sức xây dựng lực lượng, đến khi thực lực mạnh lên, ông lại nhanh chóng  tái thiết sạn đạo, bất ngờ đánh ra và cuối cùng tiêu diệt Hạng Vũ, dựng nghiệp nhà Hán.  

(3) Trường Lạc: Tên cung thời Hán, được xây dựng năm 200 TCN, đời Hán Cao Tổ (Lưu Bang),  nguyên tên Trường Môn, sau đổi Trường Tín, rồi Trường Lạc, nay ở trong di chỉ thành cũ  Trường An (huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Thời Hán, cung này dành cho  các bà thái hậu ở; Hán Huệ Đế hết lòng nuôi mẹ trong cung ấy. Thời Sơ Đường vẫn còn, đến  niên hiệu Thiên Bảo (742-755) thì bỏ. Thời Hán, cung là nơi bà thái hậu ở, rồi thái hậu chuyển  sang cung khác, bỏ không, dùng làm nơi ở cho những cung nữ, phi tần bị vua ruồng rẫy hay  xử phạt vì phạm lỗi; trong đó có nàng Tiệp dư họ Ban giỏi giang xinh đẹp, nên thi nhân thường  lấy làm đề tài cho thơ cung oán (nỗi oán giận trong cung), như Vương Xương Linh với các  bài Trường Tín oán, Trường Tín thu từ… Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng dùng lại tên  này để đặt cho nơi ở của các bà, như bà Nguyễn Thị Ngọc Huyên (con gái ông Nguyễn Văn  Lang, vợ vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Lê Hiến Tông). 

(4) Cối Kê: tên núi, thuộc nước Việt thời Chiến quốc, nay ở huyện Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang.  Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh bại, bắt giam lỏng rồi cho về Cối Kê ở. Câu  Tiễn chịu nhục, dùng Phạm Lãi và Văn Chủng làm mưu thần, ngầm khôi phục lực lượng, rồi  dâng hiến nàng Tây Thi cho Phù Sai, dùng kế mỹ nhân để lung lạc tinh thần đối phương, sau  đó bất ngờ tấn công đánh bại Phù Sai, chiếm cả nước Ngô. 

(5) Vĩnh Hạng: tên một ngõ xóm trong đô thành thời nhà Chu, để giam cầm các cung nữ phạm  lỗi hay bị ruồng bỏ. Khi Chu Tuyên Vương ham chơi, không chăm lo chính sự, bà Khương  hậu rút bỏ trâm, vào ở Vĩnh Hạng để can gián. Tuyên Vương tỉnh ngộ, từ đấy thức khuya dậy  sớm, chăm lo chính sự, nhà nước trở nên mạnh mẽ, bèn tổ chức đi săn để biểu dương lực  lượng, sai đẽo đá làm trống khắc thơ thị uy, gọi là “thạch cổ văn”.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 9 

Đón gấu giữ vua Hán, chẳng kém Phùng Cơ;(1) 

Chạy ngựa dựng nghiệp Chu, còn hơn Khương Nữ.(2) 

Càn khôn dựng lại, đã cùng gánh việc gian nan; 

Nhật nguyệt sáng đều, nên chung hưởng nền phú quý. 

Noi theo lễ trước; 

Cho được tiếng thơm. 

Vâng từ mệnh của Vương Thái hậu, đặc biệt sai chưởng Thần Võ quân Phạm  Văn Nhân và Lễ Bộ Đặng Đức Siêu bưng sách vàng và ngọc tông lập làm Vương  chính hậu. Ôi! Nghĩ rằng có nghiêm kính mới thờ được bề trên, có nhân từ mới tiếp  được kẻ dưới. Hậu hay siêng năng thì người ta không dám lười biếng; Hậu hay tằn  tiện thì người ta không dám xa hoa. Hậu nên nghĩ đó, để nối phúc cho tông miếu, để  thêm vui cho cháu con.  

Ôi! 

Vị thứ hai sao Đế tọa,(3) sánh ngôi vua là hậu, chính trong nhà bày tỏ di luân; Hào thứ nhất quẻ Gia nhân,(4) trọn đạo nhà là hay, trị việc nước xét xem đức hóa. Kính thay! Chớ coi thường sắc mệnh này.(5) 

(1) Phùng Cơ: Hán Thành Đế ra chơi vườn Thượng Lâm, chợt một con gấu sổng chuồng chạy  đến, nàng Tiệp dư họ Phùng xông tới đứng đón trước con gấu che đỡ cho vua khỏi bị hại. Do  việc ấy, Thành Đế tấn phong nàng lên bậc Chiêu nghi. 

(2) Khương Nữ: người đàn bà thuộc tộc Khương, vợ của Cổ Công Đản Phủ (đời sau tôn phong Thái  Vương), theo chồng rời bỏ ấp Mân, cùng ruổi ngựa đến vùng dưới Kỳ Sơn, xây dựng ấp mới. Bà  sinh ra Quý Lịch thì được vua Đế Ất nhà Ân (giai đoạn sau của nhà Thương) phong tước Mục  Sư; con là Xương được phong tước Tây Bá. Con Xương là Phát tập tước cha, nhưng vì vua Trụ  nhà Ân tàn bạo, hoang dâm, nên Tây Bá Phát cử binh với sự giúp sức của Lã Thượng và Chu  Công, lật đổ vua Trụ lập ra nhà Chu, đóng ở đất Cảo (nay phía tây tỉnh Tây An, Trung Quốc).  

(3) Đế tọa: hay đọc “Đế tòa”, tên một chòm sao trong thiên văn cổ Trung Quốc. Chúng tôi chưa  rõ xuất xứ điển tích này. 

(4) Gia nhân: Một quẻ trong Dịch kinh, quẻ thứ 37, gồm hai quẻ đơn, trên là Tốn (gió), dưới là  Ly (lửa). Thoán từ: 家人利女貞 Gia nhân, lợi nữ trinh (Người trong nhà, lợi ở chỗ đàn bà giữ  được chính đáng). Nói đàn bà chính đáng, nhưng thật ra đàn ông cũng phải chính đáng mới  được. Nói rộng ra là tất cả các thành viên trong nhà đều phải giữ được chính đáng, cha mẹ  và con cái, anh và em, vợ và chồng; nếu có một người không giữ được chính đáng thì gia  đình không thuận. Các hào của quẻ đều nói lên ý đó. Hào Sơ cửu (quẻ thứ nhất, dương) nói:  Nhàn hữu gia, hối vong 閑有家悔亡 (Phòng ngừa từ khi mới có nhà thì không phải hối hận),  giữ đúng đạo ngay khi mới lập gia đình thì sẽ tốt đẹp lâu dài. Hào Lục nhị: Vô du toại, tại trung  quỹ, trinh cát 無攸遂在中饋貞吉 (Không việc gì mà tự chuyên lấy thành công, ở trong nhà lo  nấu nướng, giữ đạo chính thì tốt), chỉ người nữ (hào âm) không nắm quyền lớn trong nhà mà  biết chăm lo nội trợ thì tốt. Hào Lục tứ: Phú gia, đại cát 富家大吉 (Làm cho nhà giàu lên, rất  tốt), chỉ người đàn bà ở địa vị cao, người mẹ (hào âm) có trách nhiệm tạo ra tiền bạc của cải  cho gia đình. Hào Cửu ngũ: Vương cách hữu gia, vật tuất, cát 王搿有家勿恤吉 (Chủ khéo giữ  việc nhà, không có gì phải lo, tốt), chỉ người chủ trong nhà (cha, như vua trong nước), khéo  xếp đặt việc nhà đâu ra đấy thì gia đình hạnh phúc. 

(5) Tham khảo bản dịch trong: Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục Sđd. Tập Một,  tr. 553-554; Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2014). Đại Nam liệt truyện. Tập 1-2. Bản dịch: Viện  Sử học. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 177-178.

10 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Sau khi đăng quang đế vị, ngày mồng 3 Mậu Thân tháng Bảy năm Bính Dần  (16/8/1806), vua Gia Long dâng kim sách tấn tôn mẹ (bà Nguyễn Thị Hoàn) làm  Hoàng Thái hậu, rồi ngày 14 Kỷ Mùi cùng tháng (27/8/1806), sách lập Vương hậu làm  Hoàng hậu. Bài văn sách phong không viết theo thể biền ngẫu tứ lục, mà theo lối văn  xuôi gọi là “biền tản kiêm thi”. 

Nguyên văn:  

朕惟純坤之體配乎乾元王化之始基於内治同尊並貴於禮為正睠惟王后宋 氏義問汪洽淑行純備司朕壺職穆然中饋曩在播越朕焦勞于外后勤相于内艱難共 濟夷險備嘗祁僮致敬甘旨盡孝恩施子姓澤被戎伍温柔恭儉以弘相朕珩瑀之懿式 範庭圍關睢之風化成天下修齊治平寔有助焉肆朕甫協廷臣奏請既正帝號言念后 位于内與朕同治宮中之職必本諸朝朕已上白皇太后領旨特遣掌神武軍兼監神策 軍謙郡公范文仁持節户部尚書積善侯阮奇計為副齎金冊金寶晉封為皇后以隆位 號后其膺此崇稱勖修内正恪事宗廟母儀臣庶祗勤于德每思儀而有光克篤其永承 庥於無斁(1) 

Dịch nghĩa:

Trẫm nghĩ: Thể Thuần Khôn sánh cùng Càn nguyên là mối đầu của vương hóa,  nền tảng của việc bên trong; tôn quý như nhau, theo lễ là đúng. Nghĩ đến Vương hậu  họ Tống: Tiếng hay rộng khắp, nết tốt vẹn toàn; giữ việc trong cung, bếp núc gọn ghẽ.  Ngày trước xiêu dạt khắp nơi, trẫm khó nhọc ở ngoài, hậu siêng năng ở trong, gian nan  cùng vượt, hiểm bằng từng qua. Cúng thờ hết kính, ngon ngọt thảo hiền; ơn huệ để cho  con cháu, đức trạch ban đến quân binh. Ôn hòa kiệm ước để giúp đỡ trẫm; thùy mị nết  na nêu phép khuôn nhà; phong thái Quan thư, giáo hóa ra dân chúng. Sửa mình, sắp  nhà, trị nước, bình thiên hạ, thật có giúp đỡ cho trẫm. Nay trẫm mới theo lời tâu xin  của đình thần đã lên ngôi Đế, nghĩ rằng ngôi Hậu ở trong, cùng trị với trẫm; chức vụ  trong cung, cũng gốc ở triều đình, nên trẫm đã tâu xin ý chỉ của Hoàng Thái hậu, đặc  biệt sai chưởng Thần Võ quân kiêm giám Thần Sách quân Khiêm quận công Phạm  Văn Nhân cầm cờ tiết, Hộ Bộ Thượng thư Tích Thiện hầu Nguyễn Kỳ Kế làm phó,  bưng sách vàng ấn vàng tấn phong làm Hoàng hậu để tôn vị hiệu. Hậu nên nhận lấy  danh hiệu vẻ vang này, gắng sức sửa sang việc nhà, kính thờ tôn miếu, tỏ khuôn phép  làm mẹ thần dân. Siêng năng việc đức, hằng nhớ điều nghĩa cho sáng thêm, để hưởng  phúc lành mãi mãi không cùng.(2)  

Ngày Ất Mùi mồng 3 tháng Hai năm Giáp Tuất (22/2/1814), Hoàng hậu Tống  Thị Lan băng, quan tài đặt tại điện Khôn Nguyên, nơi ở của bà trong Tử Cấm Thành,  và nghi lễ tang ma cũng tiến hành ở đó. Qua tháng Ba, “ngày Kỷ Hợi dựng điện Hoàng  Nhân (ở phía bắc bên ngoài tường Thái miếu. Năm Minh Mệnh thứ 10 [1829] đổi tên  làm điện Phụng Tiên; năm thứ 18 [1837] dời dựng ở phía bắc ngoài tường Thế miếu).  Sai vệ úy Tống Phúc Đặng trông coi công việc. Làm hai tháng điện xong. Thưởng  

(1) Đại Nam thực lục. Chính biên. Đệ nhất kỷ. Quyển 30, tờ 3b-4a. 

(2) Tham khảo bản dịch trong Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 679; Đại Nam liệt truyện. Sđd.  Tập 1-2, tr. 178-179.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 11 

cho đốc biện, giám tu và binh thợ hơn 4000 quan tiền”.(1) Đến tháng Bảy, “ngày Mậu  Tuất [mồng 10 tháng Bảy năm Giáp Tuất, Dương lịch: 24/8/1814], dâng sách đặt thụy  cho Đại hành Hoàng hậu Tống thị là Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên  Hoàng Hậu”.(2) Sách văn như sau: 

內治資內相詩先正始之章  

大行受大名禮重飾終之典  

永懷淑德  

宜賁徽稱  

大行皇后宋氏  

誕出名家  

肅閑義訓  

自天配合  

與朕修齊 

雲雷方屯 

風塵協濟  

海天艱險動相朕躬  

霸旅淒涼承歡母后  

夙夜匪懈儆戒相成  

廟社之讎思與朕復之  

黎元之苦思與朕拯之  

肆  

光復輿圖  

廓清海宇  

惟后 

奉天思孝  

接下思恭  

仁逮妃嬪  

愛均子姓  

惠同紳弁  

心注閭閻  

襄事瑞陵戚哀備至  

始終一德中外歸仁  

花甲未週  

翟軒返促  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 879. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 886.

12 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

靜思良佐  

載舉彝章  

是用請命宗廟茲特遣欽差掌右軍監神策軍謙郡公范文仁為正使禮部尚書 興讓侯范登興為副捧金冊金寶晉諡曰簡恭齊孝翼正順元皇后尚其  光受龍稱  

昭垂奕葉  

於戲  

行之迹功之表禮固宜然  

生也榮死也哀后其斯諒(1) 

Tạm dịch:

Việc nhà nhờ vợ đảm, kinh Thi có thiên “Chính thủy”(2) mở đầu; 

Nết tốt nhân tên to, kinh Lễ coi trọng tống chung làm phép. 

Nhớ hoài đức tốt; 

Nêu rõ hiệu hay. 

Đại hành Hoàng hậu họ Tống: 

Dòng dõi tiếng tăm; 

Vâng lời dạy bảo. 

Duyên trời chắp mối; 

Cùng trẫm sửa mình. 

Vất vả sấm mây; 

Dầm dề gió bụi. 

Biển trời gian hiểm, hết sức giúp ta; 

Đất khách lạnh lùng, vui lòng hầu mẹ. 

Ngày đêm chẳng mỏi; 

Công việc mới nên. 

Mối thù miếu xã nặng nề, quyết cùng ta báo phục; 

Nỗi khổ nhân dân đầy dẫy, quyết cùng ta cưu mang. 

Nay: 

Lấy lại đất đai; 

Dẹp yên bờ cõi. 

Nghĩ Hậu: 

Lấy hiếu thảo phụng thờ tiên tổ; 

(1) Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Sơ tập. Quyển 1, tờ 15a-16a. 

(2) Thiên “Chính thủy”: thiên đầu tiên trong Thi kinh, là thiên Quan thư, phần Quốc phong, thơ  Chu Nam, nói về trai tài gái sắc kết duyên vợ chồng.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 13 

Giữ khiêm nhường tiếp đãi nhân dân. 

Nhân hậu với phi tần; 

Mến yêu đều con cháu. 

Ơn cùng quan lính; 

Chăm khắp xóm làng. 

Tang chế thụy lăng, lòng đầy thương xót; 

Trước sau một đức, ai cũng mến yêu. 

Sáu chục chưa tròn, xe tiên đã rước; 

Nhớ người giỏi giúp;  

Mở giấy đẹp ban. 

Đã xin mệnh Tông miếu, nay đặc biệt sai Khâm sai chưởng Hữu quân giám  Thần Sách quân Khiêm quận công Phạm Văn Nhân làm chánh sứ, Lễ Bộ Thượng thư  Hưng Nhượng hầu Phạm Đăng Hưng làm phó, bưng sách vàng ấn vàng tấn phong là  Giản Cung Tề Hiều Dực Chính Thuận Nguyên Hoàng Hậu. Xin hãy: 

Nhận hiệu vẻ vang; 

Để thơm dằng dặc. 

Than ôi! 

Công thì nêu, hạnh thì thưởng, lễ hẳn nên làm; 

Sống ắt vinh, chết ắt thương, Hậu xin hãy xét.(1) 

Đầu năm Ất Hợi (tháng Giêng), vua Gia Long sai đình thần bàn việc tang nghi,  Ninh lăng và diễn tập binh sĩ, bố cáo khắp trong ngoài cho thần dân cùng biết. Đến  tháng Ba, ngày Kỷ Sửu cáo Khải kỳ (cáo thời gian đưa đám), ngày Tân Mão tế Khải  điện (cúng để đưa, dời quan tài đến đặt tại điện Hoàng Nhân), ngày Bính Thân tế Tổ  điện, ngày Canh Tý tế Khiển điện, bắt đầu rước quan tài rời điện lên lăng, ngày Quý  Mão (sau lại chép là ngày Nhâm Dần) an táng tại bên hữu huyền cung lăng Thiên Thụ  (núi Thụ Sơn, xã Định Môn, huyện Hương Trà), theo lối song táng (huyệt bên trái  dành cho vua Gia Long ngày sau). Ban đầu, Hậu được thờ ở điện Minh Thành, đến  ngày 19 tháng Ba năm Ất Hợi (28/4/1815], thần chủ rước vào thờ tại điện Hoàng Nhân  (sau đổi dựng điện Phụng Tiên), năm 1822 cũng rước vào thờ ở miếu Thế Tổ (sau là  Thế Miếu). Lễ rước thần chủ vào thờ tại điện, về Đế thì gọi là lễ Thăng phụ, về Hậu  thì gọi là Thăng phối. Nguyên trước, con trai bà Trần Thị Đương là Nguyễn Phúc Đảm  khi mới lên ba, vua Gia Long giao cho Hậu nuôi, sai Lê Văn Duyệt viết tờ khoán, Hậu  đưa cung tỳ Nguyễn Thị Lê cất giữ; “đến sau, hoàng trưởng tử là Cảnh, hoàng nhị tử  là Hy, hoàng ba là Noãn nối nhau chết đi, đến lúc có tang Hậu, các quan hặc có người  bàn đem hoàng tôn Đán giữ việc thừa tự. Vua dụ rằng: Hoàng tử là con của hoàng  

(1) Tham khảo bản dịch trong Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 886; Đại Nam liệt truyện. Sđd.  Tập 1-2, tr. 180.

14 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

hậu, còn có khế khoán ở kia, nên sai làm chủ việc thờ cúng; việc lớn của nước không  thể nhất khái câu nệ lễ của nhà mọi người. Nguyễn Văn Thành lại cho là lời xưng hô  trong văn khấn khó nói. Vua bảo rằng: Con phụng mệnh cha để tế mẹ, danh chính  ngôn thuận, có gì là không được. Lời nghị mới quyết định”.(1) Hoàng tử Đảm thủy  chung vẫn kính thờ bà mẹ nuôi ngang với bà mẹ đẻ, hiếu nghĩa vẹn toàn. Sau khi lên  ngôi, ngày mồng 7 tháng Sáu năm Canh Thìn (16/7/1820), vua Minh Mạng dẫn quần  thần rước thần chủ Hoàng tỷ (tức bà Trần Thị Đương) phối với Hoàng khảo và bưng  kim sách, kim bảo truy tôn là Thừa Thiên Tá Thánh Hậu Đức Từ Nhân Giản Cung Tề  Hiếu Dục Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng Hậu, thường gọi tắt là Thừa Thiên Cao  Hoàng hậu. Đây là trường hợp thứ nhất thờ một Đế hai Hậu (trường hợp thứ hai là vua  Đồng Khánh). Sách văn như sau: 

禮莫大於尊名  

孝莫大於述德  

永懷懿範  

式賁徽稱  

欽惟皇妣簡恭齊孝翼正順元高皇后  

慈孝天資  

端莊義訓  

內治相艱難之業修齊首正王風  

上事敦婉順之容終始克成至孝  

母儀之化被于海宇  

子育之愛慶及宮庭  

雖雲軿先逝於帝鄉  

而彤管永垂於壺則  

肆藐德初承大統追崇既述於聖功  

惟坤儀上配乾元纘美載稽於鉅典  

謹率群臣請命宗廟恭奉冊寶加上尊諡曰承天佐聖厚德慈仁恭齊孝翼正順 元高皇后伏惟  

光膺顯諡  

陟配〇(2)宮 

於戲  

敬其所尊厚載難名於至德  

洋乎在上崇成永迓於繁禧 (3) 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Hai, tr. 28. 

(2) Nguyễn văn viết bộ THỊ 示 + chữ NHĨ 爾. Phần mềm chúng tôi dùng không có. Khang Hy tự  điển giảng là miếu thờ cha. 

(3) Đại Nam liệt truyện Chính biên. Sơ tập. Quyển 1, tờ 17b-18b.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 15 

Tạm dịch:

Lễ gì lớn kịp tôn danh; 

Hiếu gì trước hơn thuật đức. 

Nhớ luôn phép tốt; 

Tỏ rõ hiệu hay. 

Kính nghĩ: Hoàng tỷ Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng Hậu: Từ hiếu trời cho; 

Đoan trang nghĩa dạy. 

Đảm việc nhà giúp cơ đồ gian khổ, tu tề giữ đúng vương phong; 

Thờ đấng thân bày dáng vẻ dịu hiền, chung thủy vẹn lòng chí hiếu. Khuôn phép mẹ nêu gương ra hải vũ; 

Mến yêu con ban phúc đến cung đình. 

Tuy xe mây đã ruổi đến cõi tiên; 

Mà ngòi đỏ còn ghi nơi cửa cấm. 

Nay quả đức mới vâng đại thống, truy tôn đã thuật ở thánh công; Nghĩ Khôn nghi phải sánh Càn nguyên, nêu tốt nên dựa vào cự điển. Kính dẫn quần thần xin mệnh Tông miếu, kính đem sách bảo dâng thêm tôn thụy  

là: Thừa Thiên Tá Thánh Hậu Đức Từ Nhân Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận  Nguyên Cao Hoàng Hậu. Cúi nghĩ: 

Nhận cho thụy sáng; 

Lên cạnh cung cha. 

Than ôi! 

Kính trọng bề trên, đức dày dặn khó hình dung ra được; 

Khí thiêng cao vọi, phúc dồi dào dễ an hưởng về sau.(1) 

2. Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan (1904-1963) 

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, con độc nhất của vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc  (1890-1980), sinh ngày 23 tháng Chín năm Quý Sửu (22/10/1913). Thủa bé, ông học  chữ Hán và chữ Quốc ngữ trong cung với thầy Lê Nhữ Lâm, rồi được phụ hoàng ký  sắc (20/02/1920) ban cho cung An Định để làm chỗ ở. Ngày 28/4/1922, Vĩnh Thụy  được sách phong Đông cung; theo ý nguyện của vua Khải Định, triều đình Huế đã  làm lễ rước Đông cung từ Đại Nội về cung An Định. Cũng năm này, Khải Định sang  Pháp, đem Vĩnh Thụy theo, rồi cho ở lại du học, có vợ chồng Khâm sứ Charles đỡ  đầu. Năm 1925, vua Khải Định mất, Toàn quyền Monguillot ép Hội đồng Phụ chính  do Tôn Thất Hân cầm đầu, ký một hiệp ước, theo đó, viên Khâm sứ Trung Kỳ là Chủ  

(1) Tham khảo bản dịch trong Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Hai, tr. 67; Đại Nam liệt truyện. Sđd.  Tập 1-2, tr. 181.

16 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

tịch Hội đồng Nội Các cũng là Cơ Mật Viện của Nam triều, còn các quan lại đều trở  thành công chức của chính phủ Bảo hộ. Hiệp ước ký ngày 20 tháng Chín năm Khải  Định 10, Tây lịch ngày 06/11/1925, rồi ra thông tư cho các nơi biết. Sau đó, Vĩnh  Thụy về nước làm lễ tang hoàng khảo và làm lễ đăng quang vào ngày 8/01/1926, đặt  niên hiệu Bảo Đại lúc mới 13 tuổi. Lên ngôi rồi, sau lễ Ninh lăng, vua Bảo Đại trở qua  Pháp ngay để tiếp tục học, công việc trong triều do Hội đồng Phụ chính trông nom.  Năm 1932, tốt nghiệp xong, Bảo Đại “hồi loan” cùng vợ chồng Charles trên chuyến  tàu biển D’Artagnan (lấy tên nhân vật chính trong tác phẩm Les trois musquetaires của Victor Hugo) khởi hành từ bến cảng Marseille; cập bến Vũng Tàu, ông lại theo  chiến hạm Dumont Durville ra Đà Nẵng. Sau khi đến Kinh đô Huế, ngày 08/9/1932,  Bảo Đại tuyên bố chấp chính, hứa cải cách chính trị, mọi lời lẽ dĩ nhiên do Pháp sắp  đặt sẵn, và cả một số việc tiếp theo cũng vậy, như ra dụ tổ chức chính phủ quân chủ  lập hiến (10/9/1932), ra dụ xóa bỏ hiệp ước 1925 nói trên (10/1932), cho “về vườn”  một lúc năm “cụ Thượng thư” gồm: Lại Bộ Nguyễn Hữu Bài, Hình Bộ Tôn Thất Đàn,  Binh Bộ Phạm Liệu, Lễ Bộ Võ Liêm, Công Bộ Vương Tứ Đại. Tiếp đó, Bảo Đại thành  lập Hội đồng Thượng thư (02/5/1933), đặt các Bộ mới như Bộ Quốc dân Giáo dục,  Bộ Công tác kiêm Mỹ thuật và Lễ nghi, Bộ Tài chánh và Xã hội Cứu tế, rồi thêm Bộ  Xã hội Kinh tế, tổ chức Ngự tiền Văn phòng (Phạm Khắc Hòe từ Đà Lạt được gọi về  làm Tổng lý)...  

Trong một dịp đi chơi Đà Lạt, vua gặp cô Nguyễn Hữu Thị Lan, người tỉnh Gò  Công, Nam Bộ, con ông điền chủ phú hộ Nguyễn Hữu Hào (sau được phong tước Long  Mỹ quận công). Cô gái ấy sinh ngày 17 tháng Mười năm Giáp Dần (04/12/1904), theo  Thiên Chúa giáo, tên thánh là Marie Thérèse, năm Đinh Mão (1927) cũng đã từng  sang Pháp du học tại trường Couvent des Oiseaux, thủ đô hoa lệ Paris. Năm Nhâm  Thân (1932), cô về nước, nhân một chuyến lên Đà Lạt nghỉ mát, tình cờ gặp vua Bảo  Đại. Thế rồi ngày mồng 6 tháng Hai năm Giáp Tuất (20/3/1934), hôn lễ hoàng gia  được cử hành, vào ở điện Kiến Trung. Và ngày mồng 10 tháng Hai (24/3/1934), vua  làm lễ long trọng tại điện Dưỡng Tâm tấn phong ngay bà làm Nam Phương Hoàng  hậu. Sau khi Bảo Đại thoái vị (1945), bà đem các con sang Pháp rồi không về nữa, cho  đến khi mất năm Quý Mão (1963). Bà sinh được hai con trai (Bảo Long, Bảo Thăng)  và ba con gái (Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung).  

II. CÁC BÀ HOÀNG THÁI HẬU 

Ngoài hai bà Hoàng hậu được đương kim Hoàng đế sách phong ngay đã nói trên,  thì các bà khác có con nối ngôi mới tấn tôn danh vị Hoàng Thái hậu. Thế nhưng sau  khi các bà tạ thế, thần vị phối thờ với Hoàng đế vẫn ghi danh vị Hoàng hậu. Suốt triều  Nguyễn cũng chỉ có 9 bà, trong đó nội cung vua Đồng Khánh có đến 2 bà. 

1. Bà Nguyễn Thị Hoàn (? -1811) 

Bà Nguyễn Thị Hoàn, theo Đại Nam liệt truyện thì là người làng Minh Linh,  phủ Thừa Thiên (Nguyễn Phúc tộc thế phả chép: tỉnh Thừa Thiên, cũng thế), nhưng  cả tỉnh Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị xưa nay đều không có làng Minh Linh, chắc vốn 

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 17 

là huyện Minh Linh(1) mà ghi nhầm thành làng (xã). Bà là con gái của Diễn quốc công  Nguyễn Phúc Trung, sử sách triều Nguyễn cũng không xác định được ông vốn họ  Nguyễn Phúc hay được ban công tính Nguyễn Phúc, làm đến Chính dinh Cai cơ thời  Nguyễn Phúc Khoát, rồi mất, không có con thừa tự. Mẹ họ Phùng. Bà được nạp thiếp  không rõ năm nào, khi công tử Nguyễn Phúc Côn(2) (1733-1765) ở trong phủ Dương  Xuân phía nam sông An Cựu. 

Nguyễn Phúc Côn là con của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, còn có tên húy là  Gọ, do bà Trương Thị Dung sinh ngày 29 tháng Tư năm Quý Sửu (11/6/1733), lớn  lên giữ chức Chưởng cơ, tước Chưởng Vũ hầu, được chọn làm thế tử thay anh cả và  anh hai (Hạo, Chương) đã mất (1763), học tập với Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh và  Thị giảng Lê Cao Kỷ, lại cho cùng các quan các tướng bàn bạc việc quân việc nước.  Nhưng khi Võ vương mất, Trương Phúc Loan chuyên quyền, giết Hạnh và Kỷ, bắt  giam ông vào ngục rồi lập Nguyễn Phúc Thuần. Sau được tha, ông về phủ, do lo  buồn nên phát bệnh mất ngày 10 tháng Chín năm Ất Dậu (24/10/1765), khi bé Noãn  mới bốn tuổi.(3) Bà sinh được ba công tử Nguyễn Phúc Đồng, Nguyễn Phúc Ánh và  Nguyễn Phúc Diễn, một công nữ là Nguyễn Phúc Ngọc Tú. Sau khi ông bị bệnh mất,  không rõ bà ở đâu. Tháng Giêng năm Ất Mùi (1775), quân Trịnh chiếm đô thành Phú  Xuân, bà lánh ra ẩn náu tại làng An Du,(4) các công nữ cùng đi theo. Năm Kỷ Hợi  (1779), Nguyễn vương sai thủ hạ ra tìm đón bà vào Gia Định, tôn làm Quốc mẫu, “gặp  khi giặc Tây Sơn vào lấn cướp, Thế Tổ phải thiên đi nơi khác, Hậu và cung quyến lui  đóng ở đảo Phú Quốc. Thuyền của Thế Tổ ngự đi đảo Côn Lôn, gặp gió lớn, trôi dạt ở  ngoài biển 7 ngày, trong thuyền hết nước uống, bỗng chốc nước nhạt chảy ra, nhờ thế  mới đỡ. Tới khi thuyền của Thế Tổ trở về đảo Phú Quốc, Thế Tổ thuật lại tình trạng  

(1) Huyện Minh Linh: Nguyên là châu Ma Linh của Champa. Năm Thái Ninh 4 (1075), vua Lý  Nhân Tông đổi làm huyện Minh Linh. Thời thuộc Minh, đặt làm châu Nam Linh. Đầu thời Hậu  Lê, khôi phục tên cũ Minh Linh. Năm Quang Thuận 10 (1469), vua Lê Thánh Tông định bản  đồ thiên hạ, tách huyện Minh Linh sang phủ Tân Bình (nay Quảng Bình). Đầu thời Nguyễn,  năm Gia Long 5 (1806), cho thuộc dinh trực lệ Quảng Đức, nhưng vẫn thống hạt thuộc phủ  Quảng Bình; đến năm Minh Mạng 3 (1822) mới đổi thuộc phủ Triệu Phong. Năm Minh Mạng  13 (1832), chia đặt các tỉnh, huyện Minh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị (sau gọi là đạo Quảng  Trị, trực thuộc phủ Thừa Thiên). Đầu triều Hàm Nghi (1885), vì húy ngự danh (Nguyễn Phúc  Minh), nên đổi tên Chiêu Linh (nhưng Đồng Khánh địa dư chí vẫn ghi tên Minh Linh), rồi đầu  triều Thành Thái, lại húy ngự danh (Nguyễn Phúc Chiêu), đổi là Vĩnh Linh cho đến nay. Có lẽ  bà là người làng An Du, huyện Minh Linh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. 

(2) Tên này thuộc loại chữ hiếm, gồm bộ NHẬT và chữ LUÂN (hay LÔN): 日+侖, nên trước đây  người ta đọc LUÂN theo phép hình thanh của Lục thư, nhưng phiên thiết trong các vận thư  Trung Quốc thì phải đọc CỔN hay CÔN (古鈍切昆去聲日光也 CỔ ĐỘN thiết, CÔN khứ thanh;  nhật quang dã). 

(3) Năm 1780, Nguyễn vương truy tôn là Từ Tường Đạm Bạc Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang  Vương; năm 1806, sau khi đăng quang, vua Gia Long truy tôn là Nhân Minh Cẩn Hậu Khoan  Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang Hoàng Đế. Năm 1821, vua Minh Mạng tôn dâng miếu hiệu là Hưng Tổ.  Long vị thờ tại Hưng Miếu, mộ táng tại làng Cư Chánh (nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương  Thủy), lăng tên Cơ Thánh.  

(4) Làng (xã) An Du, sau chia làm hai giáp, giáp Nam xã An Du và giáp Đông xã Minh Du, đều thuộc  tổng Minh Lương, huyện Minh Linh, đạo Quảng Trị (nay thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

18 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

cay đắng khi ở giữa biển, Hậu than rằng: “Gió lớn ở đảo Côn Lôn, giữa biển có suối  nước ngọt, có thể biết lòng trời ngầm giúp cho, con ta chớ nên lấy sự khó nhọc ấy mà  tự nản chí”. Thế Tổ lạy tạ nói rằng: Xin kính cẩn vâng lời dạy. Mùa xuân năm Giáp  Thìn (1784), Thế Tổ sang nước Xiêm cầu viện, Hậu và cung quyến dời đi đóng ở đảo  Thổ Châu; mùa thu năm ấy, Thế Tổ đem quân di Xiêm về đánh nhau với giặc không  lợi [đại bại trận Rạch Gầm - Xoài Mút]. Mùa xuân năm Ất Tỵ (1785), Thế Tổ lại sang  nước Xiêm, bèn đóng tạm ở Long Khâu, sai người rước từ giá (mẹ vua) và cung quyến  đến nơi hành tại. Mùa thu năm Đinh Mùi (1787), Thế Tổ từ nước Xiêm về, thuyền ngự  tiến đóng ở Hà Tiên, sai Vũ Di Nguy, Phạm Văn Nhân hộ vệ từ giá và cung quyến lưu  lại ở đảo Phú Quốc. Mùa thu năm Mậu Thân (1788), quân ta lấy lại được thành Gia  Định, liền sai bọn Nguyễn Văn Nhân rước về Gia Định; mùa xuân năm Canh Tuất  (1790), dựng làm hậu điện rước đến ở”.(1) Từ thời điểm này, bà mới được thảnh thơi,  chấm dứt giai đoạn long đong khốn khổ. 

Yên nơi ăn chốn ở rồi, ngày mồng 7 Kỷ Mão tháng Mười năm Bính Thìn (1796),  Nguyễn vương tấn tôn bà lên ngôi vị Quốc mẫu Vương Thái phi. Tháng Năm năm  Tân Dậu (1801), Nguyễn vương khắc phục được Phú Xuân; sang tháng Tư năm Nhâm  Tuất (1802), sai Hoàng Viết Toản, Trịnh Ngọc Trí vào đón cả cung quyến ra, tháng  Sáu đến kinh đô. Sau khi thu phục Bắc Hà, vua Gia Long ra ơn cho làng họ ngoại, tức  làng An Du, được miễn tạp dịch và thế lính. Ngày mồng 8 Nhâm Dần tháng Ba năm  Quý Hợi (28/4/1803), vua đem bề tôi dâng sách vàng bửu vàng tấn tôn Quốc mẫu làm  Vương Thái hậu, lời sách rằng: 

蓋聞帝王至德要道莫先於孝故愛敬行於家而風化被於國所謂達孝者也恭 惟聖母陛下德閥流輝芳閨擅美粵事仁考內修壺政雖在顛危周還匪懈撫育藐質至 于有成繼遭國難愈篤勤斯郊外關河莫遑啟處宗國之憂夙夜儆戒以有今日仰荷列 先聖王在天之靈相佑其成亦惟聖母篤生教養所致至仁大德無得而名參考典章徽 稱敢後謹奉金冊上尊號為王太后以敘崇徽而揚懿鑠以教孝敬而答慈恩於戲尊其 所親景仰乾元之德綏之以福永綿履吉之祥(2) 

Tạm dịch:

Từng nghe: Đức của bậc đế vương, đạo cốt yếu không gì trước hơn hiếu. Thế  cho nên yêu kính thi hành trong nhà thì phong hóa mới lan ra cả nước; đó là cái gọi là  đạt hiếu vậy. Kính nghĩ Thánh mẫu bệ hạ: Thế phiệt đức ngời; khuê phòng thơm nức.  Giúp cho Nhân khảo, sửa việc bên trong. Tuy trải gian nguy, hầu quanh chẳng trễ. Vỗ  nuôi tuổi bé, cho đến lớn khôn. Gặp hồi nạn nước, càng gắng chăm nom. Ngoài cõi  quan hà, không hề ở rỗi; tấm lòng lo nước, canh cánh sớm khuya, mới có ngày nay.  Ngửa nhờ oai thiêng trên trời của các bậc tiên thánh giúp cho đến thành công, nghĩ  cũng do Thánh mẫu sinh đẻ dạy nuôi mới được như thế. Nhân to đức lớn khó hình  dung ra. Tham khảo điển chương, hiệu đẹp dám đâu chậm trễ. Kính cẩn đem sách  vàng dâng tôn hiệu là Vương Thái hậu. Để kể công cao mà nêu đức tốt; để sâu hiếu  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Sđd. Tập 1-2, tr. 172-173.  (2) Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Sơ tập. Quyển nhất, tờ 3b - 4a.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 19 

kính mà báo ơn từ. Than ôi! Tôn trọng người thân, vòi vọi Càn nguyên đức lớn; nối  theo phúc hậu, lâu dài Lý cát(1) điềm lành. 

Ngày mồng 10 Giáp Thìn tháng Ba (30/4/1803), vua ngự điện, hoàng thân  và đình thần dâng biểu chúc mừng, cho họ ăn yến, rồi ban chiếu bố cáo cho trong  ngoài biết. Tháng Ba năm Giáp Tý (1804), vua cho xây cung Trường Thọ, đến tháng  Mười lạc thành, rước Vương Thái hậu về ở đấy. Năm Bính Dần (1806), sau khi đăng  quang ngôi vị Hoàng đế và truy tôn liệt thánh, ngày mồng 3 tháng Bảy, vua bưng  sách vàng bửu vàng tôn Vương Thái hậu làm Hoàng Thái hậu, sách văn rằng: 

臣聞  

孝必先於立愛  

禮莫大於尊親  

緬考常經  

足徵盛典  

欽惟王太后陛下  

淑問博洽  

高邁前古  

厚德懿行  

夷險一致  

化式庭闈  

利施社稷  

福貽子姓  

澤被臣民  

積功累德以有今日肆臣甫協僉言既膺帝號深惟發育之功與天無極敢不推 崇徽美以答鴻慈謹奉金冊金寶恭上尊號為皇太后伏惟  

光受鴻稱  

永綏多祉  

名惟德稱長侔兩耀之輝  

福自天申益衍九如之壽(2) 

(1) Lý cát: quẻ Lý trong Dịch kinh, gồm hai quẻ đơn Càn trên (trời, ba hào dương), Đoài dưới  (chằm, một hào âm hai hào dương), trong đó hào Cửu nhị Hào từ rằng: 履道坦坦幽人貞吉 Lý  đạo thản thản, u nhân trinh cát (Đi trên đường phẳng, một mình giữ theo đường chính thì tốt  lành); hào Thượng cửu Hào từ rằng: 視履考祥其旋元吉 Thị lý khảo tường, kỳ tuyền, nguyên  cát (Xem cách ăn ở để đoán họa phúc, nếu được hoàn toàn không thiếu sót thì rất tốt). Nhà  nghiên cứu giảng rằng: Quẻ này tên Lý, có nghĩa là lễ, là dẫm lên, nhưng cả sáu hào đều nói  về cách ăn ở trong suốt đời người. Mới ra đời thì phải giữ tính chất phác trong trắng, rồi sau  giữ vững đường chính (hào 2), biết sức mình, đừng tự phụ để tránh nguy (hào 3), biết thận  trọng, sợ hãi thì tốt (hào 4), và ở địa vị cao nhất, đừng ỷ thế mà cương quyết quá (hào 5);  cách ăn ở như vậy cho đến cuối đời thì tốt không gì bằng.  

(2) Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Sơ tập. Quyển nhất, tờ 5a-b.

20 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Tạm dịch:

Bề tôi nghe rằng: 

Hiếu trước hết có lòng yêu mến; 

Lễ không gì hơn nghĩa tôn thân. 

Rộng xét phép thường; 

Đủ nêu điển lớn. 

Kính nghĩ Vương Thái hậu bệ hạ: 

Nết hiền rộng khắp; 

Tiếng vượt đời xưa. 

Đức hạnh tốt dày; 

Yên nguy một mực. 

Trong nhà dạy dỗ 

Ngoài nước mở mang. 

Phúc để cháu con; 

Ơn đều dân chúng. 

Dồn công chứa đức mới có ngày nay. Vừa rồi, bề tôi mới theo lời các quan, đã  lên ngôi Đế. Nghĩ sâu xa đến công sinh đẻ nuôi nấng như trời không cùng, đâu dám  không tôn sùng hiệu đẹp để đáp lại lòng từ lớn lao. Kính đem sách vàng bửu vàng  dâng tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Cúi nghĩ: 

Vinh nhận hồng danh; 

Mãi nhuần phúc tốt. 

Danh do đức xứng, sáng lâu như mặt nguyệt vừng dương. 

Phúc tự trời cho, sống mãi như núi sông gò đống.(1) 

Năm Đinh Mão, Gia Long 6 (1807), tháng Bảy, tiết Thánh Thọ của Hoàng Thái  hậu, “vua thân đem bầy tôi đến cung Trường Thọ làm lễ chúc mừng (Tôn Nhân phủ,  hoàng tử, hoàng tôn, tả hữu cung tần, văn ban, võ ban, mệnh phụ các quan văn võ,  công tính, quan thuộc cung Trường Thọ, các thành dinh trấn đạo, dòng dõi công thần  huyện Tống Sơn, con cháu họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ mừng). Sai nhạc công múa  

(1) Như núi sông gò đống: dịch thoát từ “cửu như”, chỉ tuổi thọ, do trong Thi kinh, phần Tiểu nhã có thiên Thiên bảo chúc vua dồi dào sống lâu, ở chương 3 và chương 6: “天保定爾以莫不興 如山如阜如岡如陵如川之方至以莫不增 / 如月之恒如日之升如南山之壽不騫不崩如松柏之茂無 不爾或承 Thiên bảo đính nhĩ, dĩ mạc bất hưng, như sơn, như phụ, như cương, như lăng, như  

xuyên chi phương chí dĩ mạc bất tăng/ Như nguyệt chi hằng, như nhật chi thăng, như Nam  Sơn chi thọ bất khiển bất băng, như tùng bách chi mậu vô bất nhĩ hoặc thừa” (Trời giữ gìn  người chắc chắn để không gì là không thịnh vượng, như núi, như gò, như đồi, như sườn non,  như sông chảy khắp miền, không gì không tăng thêm, như mặt trăng mọc, như mặt trời lên,  sống mãi như núi Nam không nghiêng không đổ, như tùng bách tốt tươi, cho người được đầy  đủ trọn vẹn). Đoạn này có 9 chữ “như”, nên người ta gọi là “cửu như”.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 21 

khúc Bát dật, hát các bài Vạn niên hoan, Thiên hạ lạc và Thái bình lạc. Lễ xong, vua  ngự ở điện Cần Chánh, ban yến và thưởng cho các quan văn võ từ tam phẩm trở lên,  theo thứ bậc khác nhau”.(1) 

Từ đầu tháng Chín năm Tân Mùi (1811), bà bắt đầu se mình, “Trước đây sao  chổi xuất hiện, người hầu đem tâu, Hoàng Thái hậu buồn rầu không vui; một hôm lẻn  ra xem, rồi vào bảo người hầu rằng: “Sao chổi chính ứng điềm vào thân già này”.  Đến nay se mình. Vua sớm chiều đến chầu ở cung Trường Thọ, sai hoàng tử, hoàng  tôn vào hầu. Các quan văn võ đều họp ở công thự bên hữu”.(2)  

Bà mất ngày 14 tháng Chín năm Tân Mùi (30/10/1811). Đây là lễ tang đầu tiên  của một Hoàng hậu triều Nguyễn, nên đình thần họp bàn rất kỹ về tang nghi, đặt ra  thể lệ tang phục, thành phục, kỳ hạn để chế đối với từng người từ thân đến sơ… Quan  tài đặt tại chính điện cung Trường Thọ. Ngày mồng 6 tháng Ba năm Nhâm Thân  (16/4/1812), vua dẫn hoàng thân và quần thần bưng sách vàng đến cử hành lễ thượng  tôn thụy hiệu. Sách văn rằng: 

臣聞  

易稱成物  

詩美生民  

惟厚德體于至元  

故徽音垂諸永世  

欽惟大行皇太后  

慈仁得乎天性  

弘大配于坤儀  

艱難居貞  

勵相仁考  

既乃遭罹國步暨臣于艱躬健順之儀型勛憂勤之機略俾臣得於再造邦家一 統海宇自非惠訓曷克臻此  

美成之化洽于群方  

大壽之年逾乎七〇(3) 

遽棄天下之養 

而為帝鄉之遊  

謂天蓋高欲酬恩而罔極  

如地之載宜述德於無疆  

謹率群臣請命宗廟恭奉金冊上尊諡曰懿靜惠恭安貞慈獻好康皇后伏惟  懋昭靈爽  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 705. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 822. (3) Chữ DẬT viết chữ THẤT (七) giữa bộ Y (衣). Phần nhiều viết chữ THẤT (失) giữa bộ Y (衣).

22 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

光受大名  

陟配〇(1)宮  

萃歆萬福(2) 

Tạm dịch:

Bề tôi nghe rằng: 

Kinh Dịch khen đất làm nên vật;(3) 

Kinh Thi tụng trời sinh được dân.(4) 

Nghĩ đức dày hợp với quẻ Khôn; 

Nên tiếng tốt truyền lưu muôn thủa. 

Kính nghĩ Đại hành Hoàng Thái hậu: 

Hiền hậu vốn là thiên tính; 

Lớn lao sánh với khôn nghi. 

Bền chí trong lúc khó khăn; 

Giúp cha đang thời chạy vạy. 

Từ khi vận nước nguy nan, bề tôi trải bao vất vả, mẹ đem mình làm mẫu khuôn  kiện thuận, lo toan giúp đỡ cơ mưu; nhờ đó bề tôi dựng lại nước nhà, thống nhất bờ  cõi. Nếu không có ơn mẹ dạy bảo thì sao được như thế?  

(1) Chữ trong dấu 〇 là chữ Nễ, gồm: 示 + 爾 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Sơ tập. Quyển 1, tờ 7b-8b. (3) Trong Dịch kinh, hai quẻ mở đầu là Càn và Khôn, cũng gọi là Thuần Càn và Thuần Khôn, vì  quẻ Càn gồm cả 6 hào dương, quẻ Khôn gồm cả 6 hào âm; lại cũng gọi là Càn nguyên và  Khôn nguyên, nguyên là lớn nhất, là đầu tiên. Càn là trời, có đức “nguyên” vì là nguồn gốc  của vạn vật, lại có đức “hanh” vì làm ra mây, mưa, sấm, chớp giúp vạn vật nẩy nở, thêm có  đức “lợi” và “trinh” vì biến hóa vô cùng, khiến cho mọi vật đều được bẩm thụ nguyên khí giúp  cho vũ trụ tuần hoàn không dứt. Khôn là đất, cũng có đủ bốn đức như Càn, chỉ khác ở chỗ  đức “trinh” là “tẫn mã trinh”, “trinh của con ngựa cái”, vì một mình Khôn không làm gì được,  phải có Càn giúp vào mới sinh ra và nuôi nấng vạn vật được. Càn cường kiện thì Khôn nhu  thuận. Càn tạo ra vạn vật ở thể vô hình, thuộc phần khí, phải nhờ Khôn vạn vật mới thành  hữu hình, mới sinh trưởng, phát triển, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn,  chỉ khác Khôn phải ở sau Càn, thuận theo Càn, bổ túc cho Càn. Vì thế Càn tượng Trời, đàn  ông, người chồng; Khôn tượng Đất, đàn bà, người vợ. 

(4) Trong Thi kinh, phần Đại nhã, thiên Chưng dân có những câu: 天生烝民/有物有則/民之秉彝/ 好是懿德 Thiên sinh chưng dân / Hữu vật hữu tắc / Dân chi bỉnh di / Hảo thị ý đức (Trời sinh  ra dân / Có vật có phép /Dân giữ tính thường / Thì có đức tốt). Phần Đại nhã cũng có thiên  Sinh dân, kể sự tích Hậu Tắc, thủy tổ nhà Chu, do bà Khương Nguyên sinh ra: 厥初生民/時 維姜嫄/生民如何/克禋克祀/以弗無子/履帝武敏歆/攸介攸止/載振載夙/載生載育/時維后稷 Quyết sơ sinh dân / Thì duy Khương Nguyên / Sinh dân như hà / Khắc ân khắc tự / Dĩ phất vô  tử / Lý đế vũ mẫn hâm / Du giới du chỉ / Tái chấn tái túc / Tái sinh tái dục / Thì duy Hậu Tắc (Người đẻ đầu tiên / Do bà Khương Nguyên / Sinh đẻ thế nào? / Thành khẩn cúng cầu / Trừ  nạn không con / Thấy vết chân trời ngón cái / Bèn dẫm lên trên / Động lòng có chữa / Rồi đẻ  rồi nuôi / Ấy là Hậu Tắc).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 23 

Thuần phong tốt đẹp lan khắp mọi nơi; 

Tuổi thọ lâu dài vượt hơn bảy chục. 

Vội bỏ sự chăm nuôi của con đỏ; 

Mà tìm nơi dong ruổi ở cõi tiên. 

Ơn tựa trời cao, muốn báo đền trong muôn một; 

Đức như đất chở, toan kể lể đến không cùng 

Kính đem các quan xin mệnh ở Tông miếu, kính bưng sách vàng dâng tôn thụy  là Ý Tĩnh Huệ Cung An Trinh Từ Hiến Hiếu Khang Hoàng Hậu. Cúi nghĩ: Hồn thiêng sáng suốt; 

Vinh nhận đại danh. 

Lên sánh Nễ cung;(1) 

Hưởng hoài vạn phúc. 

Tháng Tư, “ngày Quý Sửu an táng lăng Thụy Thánh. Trước mười ngày là ngày  Giáp Thìn, đem việc kính cáo các miếu. Ngày Kỷ Dậu tế Khải điện. Ngày Canh Tuất,  thuyền ra đi. Qua các tôn lăng đều sai quan đem việc kính cáo trước. Ngày ấy an táng.  Ngày Giáp Dần dâng tên lăng là Thụy Thánh. Rước thần chủ về để ở cung Trường Thọ.  Ngày Ất Mão, đem việc ninh lăng đã xong cáo ở các miếu như lúc đầu”.(2) Lăng Thụy  Thánh, tại làng Định Môn huyện Hương Trà phủ Thừa Thiên (trước thuộc xã Hương  Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương  Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách thành phố Huế khoảng 16km. Đây là khu vực bao  quát một quần sơn với 42 ngọn núi lớn nhỏ, rộng khoảng 28km2, gọi là quan phòng,  trong có lăng vua Gia Long và nhiều tẩm mộ của thân nhân hoàng gia, như lăng Trường  Phong (chúa Nguyễn Phúc Chú), lăng Quang Hưng (vợ chúa Nguyễn Phúc Tần), lăng  Vĩnh Mậu (vợ chúa Nguyễn Phúc Thái), lăng Hoàng Cô (chị ruột vua Gia Long)... Các  ngọn núi đều được ban tên, ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án lăng Thiên Thụ là Đại  Thiên Thụ Sơn. Sách Thực lục chép: “Ngày Tân Mão, xây lăng ở Định Môn (Ở phía  tả bảo thành dựng tẩm điện, nhà chính và nhà trước đều một; ở tả hữu phối điện đều  một; một nghi môn đằng trước; chu vi xây tường gạch, các núi trồng thông khắp). Sai  Sơn Lăng sứ là Tống Phước Lương và Lê Quang Định trông coi công việc, Trần Quang  Thái làm giám tu, thưởng cho các quân 3.000 quan tiền. Vua nhiều lần đến xem. Gặp  một hôm gió tây hơi mạnh, trên lăng có chiếc nhà tranh đổ, vua lánh xuống chỗ lõm,  bị thương ở chân. Quan quân không ai là không sợ hãi tái mặt. Hoàng tử và các đại  thần tranh nhau dắt đỡ. Vua yên ủi nói: “Không can gì. Quan quân được vô sự chứ?”.  Hoàng bảy Tấn, hoàng tám Phổ, hoàng chín Chẩn đều bị thương nặng. Quân nhân có  

(1) Nễ cung: chỉ miếu thờ cha, đây tức là Hoàng Khảo Miếu, do vua Gia Long xây dựng, sau vua  Minh Mạng trùng tu, đổi gọi là Hưng Miếu, ở góc tây nam trong Hoàng Thành Huế. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 837.

24 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

người chết. Bầy tôi đều nói Quang Thái vâng làm sơ suất, xin trị tội đại bất kính. Vua  nói: “Đó là tình cờ thôi. Quang Thái làm thế nào với gió được? Miễn tội cho”. Một  lát, vua cho vời những cụ già ở Định Môn hỏi thăm đời sống của dân, các cụ nói dân  ít ruộng. Ra lệnh cho dân 500 quan tiền, 500 phương gạo, lại sắc cho các quân không  được đi riêng xuống làng. Có ai đau ốm thì quan cho thuốc chữa”.(1) 

Nhà văn hoàng tộc Bửu Kế thuật lại, còn dẫn thêm đoạn văn trong cuốn hồi ký  về Huế của Michel Đức Chaigneau: “Khăn bịt của vua Gia Long sổ tung để lộ đầu tóc  bạc rối bù và ướt đẫm cả nước, trán của ngài vấy máu do vết thương chạm phải xà  ngang gây ra. Cặp mắt ngài trông rất dễ sợ, gương mắt như đang bị kích thích mạnh,  nhưng cũng may vua chỉ bị bầm tím ở bắp vế và thương tích nhẹ trên trán”. Nhà văn  kể thêm chuyện khác: “Lăng Thoại Thánh cũng như mấy lăng kia đều chung một lối  kiến trúc. Có một vài điểm cần nói đến là ngoài cái tử cung bằng gỗ lại có cả một tử  cung bằng đá chạm trổ trùm ra ngoài, trước sân chầu có một bể cạn một bề 73 thước  và một bề 88 thước, trồng sen, mặt có hai trụ biểu. Về việc xây lăng này, có một số việc  xảy ra. Tương truyền lúc đặt địa bàn xuống đất để nhắm phương hướng thì mặt gương  của địa bàn bỗng nhiên bị vỡ, vua Gia Long lớn tiếng bảo với thần núi: Quý gì mảnh  đất này mà Người lại cố giữ không cho trẫm chôn Mẫu hậu? Thế rồi vua bảo các  quan đặt lễ tam sinh cúng thần và xây lăng tại đó. Khi đào huyệt, người ta thấy dưới  đất có 5 màu khác nhau. Vua Gia Long cho là điềm lành. Các quan đều chúc tụng.  Riêng Nguyễn Văn Thành chỉ đứng im lặng. Vua Gia Long hỏi vì sao, thì Thành đáp:  “Việc ấy chẳng có gì lạ. Huyệt chọn thân mẫu của hạ thần đất cũng 5 màu như thế”.  Vua Gia Long vẫn yên lặng. Thành nói tiếp: “Tại Châu Ô có một huyệt rất tốt”. Phạm  Văn Nhân và các quan mới hỏi Thành: “Thế sao ông không tâu để Hoàng đế biết?”.  Thành đáp rằng: “chỗ đất thì tốt nhưng không nên chôn, vì quan tài đặt vào đó có thể  bị sét đánh”. Câu trả lời trên này đã khiến cho Gia Long bất bình”.(2) Chuyện này,  sách Thực lục cũng có kể lại vào tháng Hai năm Nhâm Thân (1812), còn thêm khi ấy,  Hoàng tử Đảm quay lại bảo: “Tây Sơn là bọn tiếm ngụy, tất gặp vạ sét đánh, còn nay  là đời thánh minh, được trời giúp đỡ. Đứng trước mặt vua, khanh sao vội nói những  câu như thế?”. Văn Thành tự biết mình nói sai rồi, xấu hổ sợ hãi, lùi đi nơi khác.(3) 

Tháng Một năm Quý Dậu (1813), sau ngày tiểu tường tế Đàm, theo lời nghị của  các quan Bộ Lễ, vua rước thần chủ của Hoàng Thái hậu vào phối thờ ở miếu Hoàng  Khảo; sau vua Minh Mạng trùng tu, đổi tên là Hưng Miếu.  

2. Bà Trần Thị Đương (1769-1846) 

Bà Trần Thị Đương (còn đọc là Đang), tên húy là Kính, người làng Võ Xá,  huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (sau đổi xã Văn Xá; nay thuộc  phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), con gái của Thọ quốc  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 832. (2) Bửu Kế. (1990). Chuyện triều Nguyễn. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 29-30. (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Một, tr. 837.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 25 

công Trần Hưng Đạt (lại có tên là Trọng),(1) mẹ là Lê Thị Kính,(2) sinh ngày 27 tháng  Mười Một năm Mậu Tý (14/01/1769). Cuối năm Giáp Ngọ (1774), quân Trịnh đánh  vào Phú Xuân, Quốc mẫu Nguyễn Thị Hoàn (1748-1811) lánh nạn về làng An Du  (Quảng Trị), bà mới 14 tuổi, được tiến theo hầu. Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc  Ánh chiếm được Gia Định, sai người ra tìm mẹ; mùa xuân năm Kỷ Hợi (1789), Quốc  mẫu vào đến Gia Định, bà cũng đi theo hầu hạ, rồi được tiến cung, phong Tá cung tần,  gọi là Nhị phi. Bấy giờ đang buổi chiến tranh với Tây Sơn, bà thường cầu nguyện: “ 方今國步斯頻君臣奔播未有定止倘蒙鴻慶一旦舉子恐當此亂離之際棄之不忍若 

攜負相從不免重煩主上關懷兩難區處如我命應有子願俟天下太平然後子寔惟荷 天之賜也”(3) [Đang lúc vận nước còn nhiều rối ren vua tôi phải bôn ba khắp nơi, chưa  có yên định hẳn. Ví như đội ơn lớn một mai mà sinh con sợ đang lúc gặp loạn li, bỏ  đi thì không nỡ, mang cõng theo lại không khỏi phiền chúa thượng phải bận lòng, cả  hai đều thật khó xử lý cho thỏa đáng. Nếu như ta được có con, xin đợi đến lúc thiên hạ  

thái bình, rồi sau đó mới có con thì thật là đội ơn trời ban cho vậy]. Sau khi Nguyễn Vương đặt vững chân ở Gia Định, năm Tân Hợi (1791), phi mới  hạ sinh Nguyễn Phúc Đảm.  

Các nhà viết Ngọc điệp kể câu chuyện sau đây: “夢見神人呈璽一印二璽正紅 色光潤鮮明如日印一紫色一色最淡順天高皇后皆允之及至生帝應其首兆誕生之 日適真臘將兵助順隸在駕前聞世祖生子相率拜賀世祖樂之命發賀砲九聲聖人應 運而生事出非偶我大南昌大之基文明之兆應于此矣”(4) ([Phi] nằm mơ thấy vị thần  

dâng một chiếc tỷ và hai chiếc ấn; chiếc tỷ màu hồng thắm, nhẵn bóng sáng tươi như  mặt trời, chiếc ấn thứ nhất màu tía, chiếc ấn thứ hai màu rất nhạt; Thừa Thiên Cao  Hoàng hậu đều thu giữ cả. Đến khi sinh ra vua, là ứng với chiếc tỷ đầu tiên. Vào ngày  sinh, gặp lúc người Chân Lạp đem binh giúp, đến trước xe vua, nghe Thế Tổ sinh  con trai, cùng nhau đến lạy mừng; Thế Tổ rất vui, sai bắn chín phát súng đại bác. Bậc  thánh ứng vào thời vận mà sinh ra, việc ấy chẳng phải là ngẫu nhiên. Nước Đại Nam  ta, cơ nghiệp lớn lao thịnh vượng, vận hội tiến bộ văn minh, là ứng vào việc ấy). 

Bấy giờ gia quyến đang ở nhờ nhà Tống phu nhân họ Lê tại ấp Tân Lộc, huyện  Tân Bình; về sau vua Minh Mạng sai người tìm lại vị trí cũ, cho xây chùa Khải Tường  để kỷ niệm…(5) Sau khi Đông cung Cảnh mất, cho đến khi khôi phục cựu cương và  

(1) Theo Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 16a. 

(2) Lê Thị Kính: không rõ năm sinh và năm mất, con gái của ông Lê Thăng (người làng Ba  Nguyệt, nay thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, làm đến chức Ký lục) và bà Nguyễn Thị  Trân (con gái thứ tám của ông Nguyễn Đăng Thịnh, người làng An Hòa, huyện Hương Trà,  tỉnh Thừa Thiên, con ông Trịnh Sử tức Nguyễn Đăng Tiên. Hương Danh hầu Nguyễn Đăng  Thịnh [1694-1755] là danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, anh chú bác của Tân Minh  hầu Nguyễn Cư Trinh [1716-1767]). 

(3) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 23a. 

(4) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 23a- 23b. 

(5) Tháng Tám năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mạng bảo Bộ Lễ: “Cố cung chỗ sinh Hoàng  khảo Thế tổ Cao Hoàng đế ta tại xã Dương Xuân, từ khi trải qua binh biến mất cả dấu tích.  Sau khi cả nước đã yên, tìm hỏi không ra, mỗi khi nghĩ đến thương cảm không nguôi! Nhân 

26 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

lấy cả đất nước, lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long vẫn chưa tính đến lập ngôi trừ nhị  mới, cho đến năm Canh Dần (1816) mới sách lập Nguyễn Phúc Đảm làm Đông cung  Thái tử, nhưng cũng không nói đến ngôi vị của bà Trần Thị Đương. Rồi Thái tử lên  ngôi năm Canh Thìn (1820), tháng Bảy sai xây dựng cung Từ Thọ cho mẹ ở, lại ban  ơn cho họ ngoại và làng ngoại. Các quan dâng biểu xin phong tôn hiệu. Bà nói: “Ta  xem tờ biểu văn đã biết lòng thành của Hoàng đế và các quan rồi. Nhưng ta nghĩ Tiên  đế ninh lăng chưa được bao lâu, ta còn thất ăn ngủ chưa ngon. Lại nay trời làm dịch  lệ, quân dân phần nhiều ốm đau, ta thấy Hoàng đế lo lắng siêng năng sớm trưa không  yên như thế, lòng ta thương xót không biết chừng nào. Tuy tai lệ ấy vị tất là bởi nhà  vua kém đức mà nên nỗi thế, nhưng người có thiên hạ phải chịu trách nhiệm về thiên  hạ mới phải. Vậy thì ta được thiên hạ phụng dưỡng, ta lo về sự lo của thiên hạ cũng  phải. Ta xin các lão tiên sinh cùng một đức, dốc một lòng giúp đỡ Hoàng đế những  điều không biết tới để hồi lại ý trời, để cho dân vui sống thì ta mừng lắm. Còn tờ biểu  xin tôn sùng bất tất cử hành”.(1) Đến tháng Chín, cung Từ Thọ làm xong (thuộc Tử  Cấm Thành, khu vực phía tây bắc Hoàng Thành), nhà vua rước Hoàng mẫu về nơi ở  mới, sau đó, các quan lại làm biểu xin tấn tôn, lần này thì bà xuống chỉ chịu nhận. Vua  rất mừng. Mùa xuân, ngày mồng 3 Quý Sửu tháng Ba năm Tân Tỵ (04/4/1821), sau  khi kính cáo Tông miếu, vua dẫn quần thần bưng sách vàng đến cung Từ Thọ dâng tôn  hiệu Hoàng Thái hậu. Bài sách văn như sau. 

Nguyên văn:

至元稱母資生參乾始之仁 

大德得名眷命介天申之祜 

彤書煒煒 

玉册煌煌 

欽惟皇母陛下 

仁厚天資 

賢明世德 

慈愛施于子姓 

đó nghĩ đến chỗ sinh ta ở nhà cũ của Tống quốc công phu nhân tại ngoại thành Gia Định, vậy  sai quan địa phương tìm hỏi xem” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập  Ba, tr. 374). Khi quan thành Gia Định tìm hỏi được, vẽ bản đồ dâng lên, vua ban dụ: “Lân Tân  Lộc ở phía hữu thành Gia Định, khi trước Hoàng thái hậu ta đi theo Hoàng khảo Thế Tổ Cao  Hoàng đế từng đóng lại ở nơi ấy. Thực là hợp với điềm tốt “Cầu vồng trôi ở bến hoa”. Nghĩ đến  đất quý phát phúc càng nên giữ mãi dấu tích, để khuyến khích sau này. Vậy nên xây dựng  ngôi chùa ở ngay chỗ đất ấy, gọi là chùa Khải Tường để ghi sự tốt lành to tát chứng tỏ nơi phát  phúc lâu dài” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Ba, tr. 374). Tiếp ngay  đó, vua cấp kinh phí 300 lượng bạc, sai quan địa phương thuê thợ xây dựng theo thiết kế của  Bộ Công, rồi chọn sư về ở lo Phật sự, hạn 20 người. Lại đặt ruộng thờ để chi dụng hàng năm.  Chùa Khải Tường nay không còn, nhưng pho tượng Phật tạc ở Huế bằng gỗ thếp vàng cao  chừng 1,98m ngồi trên tòa sen thì hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Hai, tr. 81.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 27 

福慶裕于邦家 

訓迪臣躬 

以有今日 

既享天下之至養 

宜膺天下之顯名 

肫誠纔俞允於僉言翹望謙謙之德 

鴻號庶敷揚於懿範式稽貴貴之文 

用是請命宗廟親率群臣恭奉册寶上皇太后尊號伏惟 

丕正鴻名 

茂膺繁祉 

怡愉溢一堂之慶化原丕式於自家 

壽考徵萬祀之祺福履永綏於奕世(1) 

Tạm dịch:

Gốc đầu là mẹ, hợp lòng nhân của cha trước sinh ra;  

Đức lớn nổi danh, được ơn mệnh của trời cao ban xuống.  

Chữ son rực rỡ;  

Sách ngọc rạng ngời.  

Kính nghĩ, Hoàng mẫu bệ hạ:  

Nhân hậu tính trời;  

Hiền minh dòng họ.  

Yêu mến đối cùng con cháu;  

Cơ may chung với nước nhà.  

Dạy dỗ tôi con;  

Ngày nay mới có.  

Đã được thiên hạ phụng dưỡng;  

Đáng được thiên hạ vinh danh.  

Chân thành chuẩn lời tấu của đình thần, ngửa trông đức từ khiêm tốn;(2) thận  trọng bày hiệu hay về phụ nữ, nên dùng lời lẽ quý tôn.(3) Đã xin mệnh Tôn miếu, thân  đem bề tôi kính mang sách ấn dâng tôn hiệu Hoàng Thái hậu. Kính nghĩ:  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Chính biên. Đệ nhị kỷ. Quyển bát, tờ 1b - 2a. (2) Khiêm tốn: nguyên văn “khiêm khiêm”, Dịch kinh, quẻ 15 Địa Sơn Khiêm, Hào từ: 初六謙謙 君子用涉大川吉 Sơ lục: Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát (Nhún nhường, nhún  nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn thì tốt), ý nói hễ nhún nhường thì gặp  hiểm nguy nào cũng vượt qua được. Lời giải của Tiểu tượng truyện: 謙謙君子擠以自睦 Khiêm  khiêm, quân tử ty dĩ tự mục (Nhún nhường, nhún nhường, người quân tử lấy đạo ấy để tự xử). (3) Quý tôn: Nguyên văn “quý quý”, sách Mạnh tử: 用下敬上謂之貴貴 Dụng hạ kính thượng vị chi  quý quý (Người dưới kính người trên gọi là quý quý).

28 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Chính đáng tên hay;  

Dồi dào phúc tốt.  

Lòng hớn hở một nhà đều vui vẻ, thói hay nguyên phát xuất từ đây;  Thọ dài lâu muôn thủa vững bền, phúc tốt hãy lưu truyền sau đó.  Hôm sau, vua ban ân chiếu cho trong ngoài, bắt đầu lấy ngày 27 tháng Mười  

Một hàng năm làm tiết Thánh thọ Hoàng Thái hậu. Tháng Mười Một năm Đinh Hợi  (1827), Thái hậu thọ 60 tuổi, triều đình tổ chức lễ mừng rất lớn (Lục tuần đại khánh  tiết), phải chuẩn bị trước từ khá lâu. Các quan Bộ Lễ tham khảo điển lễ, “cho rằng:  “Nhà nước ta đã được trời thương, phúc lộc rộng lớn. Hoàng Thái hậu khỏe mạnh,  

phúc tốt tuổi cao. Hoàng thượng kính vâng lòng mẹ, cử hành khánh điển, từ nay về  sau cứ mỗi năm làm một tiết, để cho cả nước đều mừng, sử sách thêm sáng. Đến như  khắc ngọc đúc vàng, tôn dâng huy hiệu, thì đợi thứ sau cử hành, để rõ đức sáng”.  Vua theo lời bàn. Sai Hữu ty làm rạp kết hoa ở tả hữu nhà Duyệt Thiện, dựng lầu hoa  ở trước sân trong cửa Tiên Thọ, ở tả hữu thì dựng rạp hoa; lại dựng rạp hoa ở sau  điện Cần Chính và nhà yến ở trước lầu Phu Văn (…). Chế bài ca nhạc, lại chọn hơn  60 người ca công ở Bắc Thành và Thanh Nghệ cùng các trò chơi, hơn 20 người nhạc  công Chân Lạp và Cam Lộ, đều đến họp ở cửa khuyết để diễn ca nhạc”.(1) Chốn kinh  kỳ treo đèn kết hoa và cấm sát sinh từ 5 dến 10 ngày, quan chức phải mặc áo đẹp đi  làm việc… Các địa phương trong nước và các thuộc quốc như Chân Lạp, Vạn Tượng,  Cam Lộ, Thủy Xá, Hỏa Xá… đều dâng lễ mừng. Ngày 24 tháng ấy, vua kính cáo điện  Hoàng Nhân, ngày 27, dẫn quân thần dâng tờ kim tiên chúc thọ Hoàng Thái hậu, rồi  đãi yến khắp lượt mấy ngày kế tiếp.  

Thái hậu tính cần kiệm, đặt nhà nuôi tằm dệt vải trong cung và thường đi lại để  tỏ ra mình khỏe mạnh, nói: “Ta biết hoàng đế chăm lo suốt ngày, há nỡ lấy cái tuổi  gần 70 mà lại làm lụy cho con, cho nên hàng ngày cố gắng ăn thêm, tự thấy tâm thần  thảnh thơi, hoàng đế nên chớ phải lo”.(2) Năm Đinh Dậu (1837), nhân tiết Thất tuần  đại khánh của Hoàng Thái hậu, vua sai Bộ Lễ định nghi tiết tấn tôn danh hiệu Hoàng  Thái hậu, các nơi trong Kinh Thành, Hoàng Thành làm lầu, rạp kết hoa, trên các tầng  Kỳ Đài treo 2.000 đèn lộ thiên, thắp sáng liên tục nhiều đêm (trước chính lễ 10 ngày,  sau 2 ngày); nhà quan, nhà dân trong ngoài Kinh Thành cũng treo đèn kết hoa; cấm sát  sinh nhiều ngày; lại xuống lệnh cho các địa phương cử đại biểu về kinh chúc mừng,  các thuộc quốc và các phiên phụ cũng thế… “Trước ngày Đại khánh 3 ngày, vua thân  đến điện Phụng Tiên đem việc ấy lễ cáo, trước ngày Đại khánh 2 ngày, Hoàng Thái  hậu thân đến điện Phụng Tiên làm lễ kính cáo, trước ngày Đại khánh 1 ngày, phái  tôn thất, đại thần đến cáo ở đền Hoa quốc công. Ngày chính lễ, vua thân đến làm lễ ở  cung Từ Thọ, hoàng tử, các công và ban văn từ thự tứ phẩm, ban võ từ thự tam phẩm  trở lên, theo lạy ở tiền điện, còn chức quan văn võ và ủy viên các địa phương đều lạy  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Hai, tr. 683. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Sđd. Tập 1-2, tr. 185.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 29 

mừng ở sân lầu kết hoa. Lễ xong, quan ở bộ bắt đầu dẫn các bề tôi ở nước phụ thuộc  và các đầu mục ở nơi phiên phụ mới mở mang theo bên hữu nghi môn vào trước sân  lầu kết hoa làm lễ 5 lạy chúc mừng, sau dẫn quan viên hưu trí cùng người chưa có đủ  phẩm phục và kỳ lão tôn thất, họ Trần ở Văn Xá đến trước lầu kết hoa, viên nhân xã  Văn Xá, họ Lê Xuân ở Ba Nguyệt và các cử nhân, hành tẩu ở 6 bộ, giám sinh ở Giám  đến phía ngoài cửa tả hữu nghi môn, xếp thành 2 hàng làm lễ 5 lạy, hộ vệ bắn mừng 9  tiếng. Vua ngự về cung, bách quan đi ra. Phi tần cho đến trưởng công chúa và hoàng  nữ, hoàng tôn, công nữ, thiếp của hoàng tử, các công, phụ nữ tôn thất, mệnh phụ văn  võ đều mặc phẩm phục do cung giám dẫn vào sân làm lễ chúc mừng 3 lần quỳ và 6  vái. Sau ngày làm lễ 1 ngày, vua ngự điện Thái Hòa ban ân chiếu. Sau ngày làm lễ 2  ngày, vua ngự điện Cần Chính, nhận lễ triều hạ, ban yến cho hoàng tử, các công và  bách quan”.(1) Ngày 16 Canh Dần, tháng Mười Một [13/12/1837], vua Minh Mạng  dâng sách tấn tôn danh hiệu Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái Hậu. 

Nguyên văn 

有德必得其名  

尊親之謂達孝  

是故 

思齋雅什 

美揭瑤編 

長樂隆儀 

光留彤史 

皆所以賁嘉釐而揚景鑠者也 欽惟聖母皇太后陛下  

含弘毓慶  

靜穆端型  

襄帝業于重光始基孚化  

勛冲人于嗣服啟迪垂慈  

八〇(2)薰流衍之和風 

七〇(3)薦康彊之壽祉  

歡逢慶典  

倍慰歡衷  

至哉坤元博厚難名夫懿德稽諸古典崇鴻用慰於芳徽謹奉金冊金寶恭上徽 號曰仁宣慈慶皇太厚伏惟  

光受崇稱  

永綏景嘏  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Năm, tr. 201. (2) Chữ HOÀNH viết chữ HOÀNH và bộ THỔ (土+宏), không thấy trong Khang Hy tự điển. (3) Chữ DẬT viết chữ THẤT (七) giữa bộ Y (衣). Phần nhiều viết chữ THẤT (失) giữa bộ Y (衣).

30 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

九州榮養長舒愛日之忱  

聖壽申祺僅獻如山之頌(1) 

Tạm dịch:

Có đức ắt được nêu danh; 

Tôn thân ắt là đạt hiếu. 

Thế nên: 

Nghiêm trang thơ Nhã;(2) 

Đẹp đẽ văn Dao.(3) 

Lễ trọng cung riêng; 

Lời khen sử đỏ. 

Đều là để tỏ phúc lành mà nêu phép tốt vậy. Kính nghĩ Thánh mẫu Hoàng Thái  hậu bệ hạ: 

Sâu xa phúc chứa; 

Tĩnh lặng phép nghiêm. 

Giúp nghiệp đế lại sáng tươi, dựng nền giáo hóa; 

Dạy con thơ tự gánh vác, mở mối từ nhân. 

Tám phương lồng lộng gió hòa; 

Bảy chục phây phây tuổi thọ 

Gặp vui lễ khánh; 

Cho đẹp lòng từ. 

Lớn thay đạo mẹ! Dày rộng khó lường đức tốt. Xét xem phép cổ, tôn tên lớn để  tỏ tiếng thơm. Kính đem sách vàng bửu vàng dâng hiệu đẹp là Nhân Tuyên Từ Khánh  Hoàng Thái Hậu. Cúi nghĩ: 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Sơ tập. Qyển Nhất, tờ 27a-b. (2) Thơ Nhã: phần Tiểu Nhã trong Thi kinh có thiên Tư trai (tư: tiếng đệm; trai: trang nghiêm, kính  cẩn, cũng như chữ “túc”), chương I là thơ khen ngợi các bà vợ của các lãnh tụ bộ tộc Chu  có đức hạnh và khéo dạy con lập nên sự nghiệp: 思齋大任/文王之母/思媚周姜/京室之婦/ 大姒徽音/則百斯男 Tư trai Thái Nhâm / Văn vương chi mẫu / Tư mị Chu Khương / Kinh thất  chi phụ / Thái Tự huy âm / Tắc bách tư nam (Thái Nhâm nghiêm kính / Là mẹ Văn vương /  Thái Khương yêu mến / Xứng vợ Chu vương / Thái Tự noi tiếng tốt / Con đông lạ thường).  Bà Thái Nhâm là vợ của Vương Quý, sinh ra Cơ Xương tức Văn vương; Bà Thái Khương là  vợ của Cổ Công Đản Phủ (ông nội của Văn vương); Bà Thái Tự là vợ của Văn vương, sinh  ra Cơ Phát tức Võ vương. Bà Thái Nhâm có đức hạnh nên được bà Thái Khương yêu mến,  rồi truyền đức tốt cho bà Thái Tự. 

(3) Văn Dao: chỉ sách chép việc trong Nội cung (cung của các bà gọi là Dao Cung, sánh với  cung của bà chúa tiên Tây Vương Mẫu trên núi Côn Luân). Trong Cấm thành, có chức nữ sử  chuyên chép những việc xảy ra hàng ngày, được dùng quản bút màu đỏ, gọi là đồng quản,  và sách ấy gọi là đồng sử (đồng: màu đỏ).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 31 

Vinh nhận tên to; 

Mãi nhờ phúc lớn. 

Chín châu vinh dưỡng, giải lòng yêu mến hàng ngày; 

Tuổi thọ tăng thêm, dâng tiếng ngâm nga như núi.(1) 

Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị đăng quang, ngày 24 tháng Ba (15/4/1841)  kính dâng tôn thụy cho Hoàng khảo tại miếu thờ (điện Hoàng Phúc); đến ngày 27  tháng Ba (18/4/1841), dẫn quần thần bưng sách vàng ấn vàng đến cung Từ Thọ tấn tôn  bà nội danh vị Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái Hậu. 

Nguyên văn:

道莫大於孝聖人端立教之元  

禮莫大於名王者重尊親之典  

故雅詠思齋盛稱京室 

而頌歌濬哲歸美商姬 

皆所以表淑垂鴻用揚景鑠者也欽惟聖祖母仁宣慈慶皇太后陛下  莊靜垂慈  

含弘敷化  

宣懿德而懋修壺教佐我世祖十有八年締造之基  

迪前徽而敷遺後人啟我先帝二十一載太平之治  

壽愷茂綏繁祉闓澤洽乎邦家  

昌蕃永裕慈釐福慶施于子姓  

怡預式孚榮養 

顯揚久賁崇稱 

俯紹 承受此丕基燕翼仰憑於厚廕  

肆繼述僅思達孝崇尊載舉於隆儀  

是用虔告宗廟奉金冊金寶恭上尊號曰仁宣慈慶太皇太后伏惟  丕正鴻名  

誕膺景嘏  

恆貞久炤宮庭長睦於徽音  

履吉凝祥社稷永孚于利(2) 

Tạm dịch:

Đạo không gì lớn hơn hiếu, thánh nhân dựng giáo dục làm căn nguyên; Lễ không gì lớn hơn danh, vương giả chuộng tôn thân làm phép tắc. 

(1) Tiếng ngâm nga như núi: tức là hát bài Thiên bảo trong Thi kinh để chúc thọ, trong có câu  chúc ý nói trời giúp yên vững mãi như tuổi thọ của núi Nam: 天保定爾如南山之壽 Thiên bảo  định nhĩ… như Nam Sơn chi thọ… (xem chú thích đã có). 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Sơ tập. Quyển Nhất, tờ 28a-29b.

32 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Nên thơ Nhã Tư trai khen đức Kinh thất;(1) 

Mà khúc Tụng Tuấn triết quy công Thương cơ.(2) 

Đều là để nêu nết hạnh lớn lao làm nên khuôn mẫu sáng tỏ vậy. Kính nghĩ Thánh  tổ mẫu Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái Hậu bệ hạ: 

Nghiêm lặng gương lành; 

Bao dung nếp dạy. 

Tỏ đức tốt mà sửa sang cung cấm, giúp Thế Tổ ta ba mươi tám năm gây dựng cơ đồ; Noi nết xưa mà nuôi nấng đời sau, giúp Tiên đế ta hai mươi mốt hạ mở mang  bình trị. 

Tuổi thọ dồi dào phúc tốt, ra ơn khắp cả nước nhà; 

Đàn đông dằng dặc ơn sâu, may mắn rũ cùng con cháu. 

Nhàn hạ vẻ vang phụng dưỡng; 

Kính yêu rực rỡ tôn xưng. 

Đã được vâng ngôi lớn thế này, che chở ngửa nhờ phúc tốt; 

Nay nghĩ nối hiếu sâu như vậy, tôn sùng kính cử lễ to. 

Vậy nên kính cáo nhà Tông miếu, đem sách vàng bửu vàng dâng tôn hiệu là  Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái Hậu. Cúi nghĩ: 

Đã đáng hồng danh; 

Nhận ngay phúc tốt. 

Hằng trinh(3) sáng dọi, cung đình mãi dậy tiếng hay; 

Lý cát(4) lành ngưng, xã tắc luôn nhờ lợi đẹp. 

(1) Nhã Tư trai: thiên Tư trai trong phần Đại nhã của Thi kinh (xem chú thích ở bài sách văn  trước). Kinh thất chỉ bà Thái Nhâm, vợ của Văn vương. 

(2) Tụng Tuấn triết: thật ra, “tuấn triết” là hai chữ mở đầu trong thiên Trường phát, mục Thương  tụng trong phần Tụng của Thi kinh. Bài này dài, nội dung chỉ nói về công lao của các vua nhà  Thương, kể từ ông Vũ trị thủy, quy công cho bà Hữu Tung (Giản Địch), mẹ ông Tiết, thủy tổ của  nhà Thương. Theo truyền thuyết, bà Giản Địch nuốt trứng chim én mà có thai, sinh ra ông  Tiết, nhưng thiên Huyền điểu trong Thương tụng chỉ nói Trời sai chim én xuống mà sinh ra  nhà Thương. 

(3) Hằng trinh: Quẻ Hằng trong Dịch kinh, gồm hai quẻ đơn trên Chấn gồm 2 hào âm trên và một  hào dương dưới (lôi: sấm), dưới Tốn gồm hai hào dương trên và một hào âm dưới (phong:  gió). Thoán từ: 恆 亨 无 咎 利 貞 利 有 攸 往 Hằng: hanh, vô cữu; lợi trinh, lợi hữu du vãng (Hằng:  hanh thông, không lỗi; giữ được đạo chính thì có lợi, làm việc gì cũng thành công). Thoán  truyện giải thích: “Cứng (Chấn) ở trên, mềm (Tốn) ở dưới; sấm gió giúp sức nhau. Chấn động  trước, tượng người chồng; Tốn theo sau, tượng người vợ; thế là thuận đạo, mà thuận đạo thì  bền vững, lâu dài. Lại thêm ba hào âm đều ứng với ba hào dương, cũng là nghĩa thuận nữa,  cả hai bên giữ được đạo chính lâu dài”. Trinh là tính chất chắc chắn, bền vững, cho nên lâu  dài. Đây chỉ đạo vợ chồng, như tục ngữ của ta: “Thuận vợ thuận chồng, tát Bể Đông cũng  cạn”. Mỗi hào lại mang một ý nghĩa khác nhau. 

(4) Lý cát: quẻ Lý trong Dịch kinh, nói về cách ăn ở trong suốt đời người, xem chú thích bài sách  văn trước.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 33 

Một hôm, “Hiến Tổ thân đến hầu cơm. Thái hoàng Thái hậu dụ rằng: Hoàng đế  hầu cơm, đi bằng đầu gối dâng đũa, chính tay điều hòa nước canh, vui vẻ dâng chén,  nhất nhất đều tuân theo chí của người trước, tình lễ thực là đầy đủ cả. Hiến Tổ giơ  tay lên trán lạy tạ. Thái hoàng Thái hậu thường đến chơi vườn Thường Mậu, lên lầu  Kỷ Ân xa trông ruộng tịch điền, dụ Hiến Tổ rằng: Thánh Tổ yêu quý, chú ý đến Hoàng  đế, khác hẳn các con khác. Tổ mẫu già này biết rõ từ lâu. Năm trước Thánh Tổ Nhân  Hoàng đế dựng ra vườn này, vì sợ sự giàu sang dễ thành ra kiêu căng xa xỉ, không  biết lo cho dân, thương nhà nông, cho nên dựng nhà phủ đệ cho Hoàng đế ở trước  ruộng tịch điền, khiến cho Hoàng đế biết cày gặt khó nhọc. Hoàng đế nên nghĩ kỹ về  tiết kiệm, chớ xa xỉ về ăn uống, sửa sang cung nhà vườn tược để làm vui, thực không  phải là chí của người trước”.(1) Lại tháng Năm năm Giáp Thìn (1844), “Thái hoàng  Thái hậu đến chơi vườn Cơ Hạ. Hiến Tổ quỳ đón ở cửa vườn, đi trước dẫn đường, cho  võng Thái hoàng Thái hậu chơi xem khắp cả, nhân thể ngự coi ao Minh Giám, các  Quang Biểu, xem làm sóng gợn, thả câu được nhiều cá tốt. Thái hoàng Thái hậu dụ  rằng: Cá ở ao này không lo chài lưới, đầm ruộng cũng chẳng hơn thế. Xưa kia Chiêu  Liệt nhà Hán đối với Gia Cát Vũ hầu lấy cá nước tương đắc với nhau làm lời ví, thực  là câu nói hay. Vả đạo nhân quân làm chính trị, cốt nên thân người hiền xa kẻ gian,  răn xa xỉ, chuộng tiết kiệm. Hoàng đế nên nhớ kỹ đấy”.(2) 

Ngày mồng 5 tháng Bảy mùa thu năm Ất Tỵ, năm Thiệu Trị thứ 5 [07/8/1845],  nhân Dao cung (chỉ phi tần) có việc vui mừng “ngũ đại đồng đường”, vua dâng biểu  xin tấn tôn vị hiệu, bà sung sướng nhận lời. Ngọc điệp chép: “原皇子安豐公洪保 生庶長子原膺導(原膺福嗣德四年欽奉改著)八月初十日生庶二子原膺祥閱月五 天憲祖章皇帝連舉兩皇孫是為仁宣慈慶太皇太后之玄孫也皇元孫原膺導既週月 憲祖章皇帝親攜於慈壽宮前行抱見聖慈悅育之宮中初明命年間聖祖仁皇帝嘗為 五世蕃昌圖獻祝瑶宮以祈僊齡望八五代同堂旁稽史冊自三代及漢唐宋明以來諸 母后之賢皆未之得憲祖章皇帝思仰副聖孝顯揚慈徽乃命有司參考彝章親撰冊文 蠲吉以聖誕之月舉行晉尊”(3) (Nguyên hoàng tử An Phong công sinh thứ trưởng tử  Ưng Đạo (nguyên tên Ưng Phúc, năm Tự Đức thứ 4 [1851] kính vâng đổi tên), ngày  mồng 10 tháng Tám sinh thứ nhị tử nguyên tên Ưng Tường. Sau một tháng, Hiến Tổ  Chương Hoàng đế đích thân dẫn đến cung Từ Thọ làm lễ Bão kiến. Đức thánh từ vui  lòng, nhận nuôi trong cung. Trước kia, trong khoảng năm Minh Mạng, Thánh Tổ Nhân  Hoàng đế thường vẽ tranh năm đời phồn thịnh mà chúc Dao cung để cầu tuổi tiên dài  mãi [Thái hậu sống lâu] mong được Ngũ đại đồng đường [năm đời cùng sống]. Xem  khắp sử sách từ thời Tam đại Hạ, Thương, Chu cho đến Hán, Đường, Tống, Minh trở  lại, chưa có vị mẫu hậu hiền đức nào đạt được. Hiến Tổ Chương Hoàng đế ngưỡng mộ  cha hiếu, biểu dương mẹ hiền, sai Hữu ty tham khảo phép tắc, tự mình soạn bài sách  văn, chọn ngày tốt thánh đản cử hành lễ tấn tôn).  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Sđd. Tập 1-2, tr. 187. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Sđd. Tập 1-2, tr. 188. (3) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 18a-18b.

34 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Lễ tấn tôn cử hành ngày mồng 2 Kỷ Mùi tháng Mười Một (23/11/1845), danh  hiệu mới là Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu. Bài  văn sách do chính nhà vua làm như sau: 

臣聞聖善之德亶受多福天其申命用休身其康彊子孫其逢吉惟曾與玄而其 見曠古之所希聞刻玉範金以稱揚尊親之謂達孝正於今日者也欽惟聖祖母仁宣慈 慶太皇太后陛下 

思齊聖哲 

啟佑賢明 

佐重興一統山河化基肇始 

憑垂裕三朝文物曆服延鴻 

日受訓彝勖冲人於善述 

天錫純嘏啟邦國於明徵 

洛書開五福之祥 

神篋薦萬年之算 

望八僊齡益茂欣瞻五代同堂 

奉三天道咸孚榮養九州四海 

千方稱頌 

八表騰歡 

載舉隆儀行慶以彰其惠吉 

參諸古典徽稱用賁其崇鴻 

謹率群臣奉金冊晉尊曰聖祖母仁宣慈慶福壽康寧太皇太后伏惟 齊日得天 

順乾配地 

高明悠久之無疆 

博厚含弘之有永 

懿德宣昭海宇臚誠萬國之歡 

含飴普及會玄齊上九如之頌(1) 

Dịch nghĩa:

Bề tôi nghe rằng: Có đức thánh tốt lành, chắc nhận nhiều phúc. Trời ban mệnh  che chở cho, mình được khỏe mạnh, con cháu gặp điều may mắn. Duy có cả chắt lẫn  chút thì thấy từ xưa chưa từng nghe nói đến; cho nên khắc sách vàng chạm ấn ngọc  để xưng tụng tôn thân, gọi là đạt hiếu, chính ở ngày nay đấy. Kính nghĩ Thánh tổ mẫu  Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái Hậu bệ hạ:  

Ngang thánh triết trước; 

Mở hiền minh sau. 

(1) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ tam kỷ. Quyển Ngũ thập nhị. tờ 1b-3a.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 35 

Giúp phục hưng một dải sơn hà, mở đường tiến bộ; 

Nâng vận hội ba triều văn vật, gây nghiệp lâu dài. 

Khuyên dạy từng ngày, rèn con nhỏ thêm hay kế thuật; 

Chất chồng lắm phúc, cho nước nhà càng tỏ minh trưng. 

Sách Lạc(1) khai năm phúc điềm lành; 

Cỏ thần(2) tiến muôn năm tuổi thọ. 

Gần tám mươi mà vẫn khỏe, vui xem năm đại một nhà; 

Đủ ba đức(3) mà không riêng, vinh dưỡng chín châu bốn biển. 

Nghìn phương chúc tụng; 

Tám cõi mừng vui. 

Xếp đặt long nghi, bày lễ lớn để rạng ngời ơn tốt; 

Xét xem cổ điển, tôn tên hay mà sáng tỏ công to. 

Xin đem các quan dâng sách vàng tấn tôn là: Thánh tổ mẫu Nhân Tuyên Từ  Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu. Cúi nghĩ:  

Phát sáng ngang trời; 

Thuận càn sánh đất. 

Sáng cao soi dọi không cùng; 

Dày rộng bao trùm hết cả. 

Đức tốt lan tràn trời biển, mở rộng lòng muôn nước tươi vui; 

Ơn lành phủ rợp chắt chiu, dâng lên khúc “cửu như”(4) rộn rã. 

Năm Bính Ngọ (1846), ngày 12 tháng Tám, bà bắt đầu ốm: “初仁宣慈慶福壽康 寧太皇太后不豫奉憲祖章皇帝親詣慈壽宮左右侍疾朝夕問安竭誠懇禱天祖垂庥 是月二十九日聖躬稍得安和九月初一日憲祖章皇帝親率群公百執詣奉先殿行密 告禮”(5) (Khi Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu mới  

bắt đầu ốm, Hiến Tổ Chương Hoàng đế đích thân đến cung Từ Thọ chăm sóc hai bên,  sớm chiều hỏi thăm sức khỏe, hết lòng cầu khẩn xin Trời và Tổ phò hộ. Ngày 29 tháng  ấy, mình thánh lại được an hòa; ngày mồng 1 tháng Chín, Hiến Tổ Chương Hoàng đế  dẫn các Công và trăm quan đến điện Phụng Tiên làm lễ cáo kín…). 

(1) Lạc thư: Tương truyền thời vua Nghiêu, có con lân mã mang hòm sách hiện lên ở sông Lạc,  vua Nghiêu xem đó để làm ra lịch, gọi là Nghiêu lịch. 

(2) Cỏ thần: Chỉ lịch. Thời vua Nghiêu có loài cỏ thần mọc ở sân, hàng tháng cứ từ mồng 1 đến  ngày rằm, mỗi ngày nẩy thêm một lá, từ ngày 16 đến ngày 30, cứ mỗi ngày rụng bớt 1 lá;  tháng nào thiếu thì lại một lá không rụng; người ta nhân đó mới làm ra lịch, gọi là Giáp lịch. 

(3) Ba đức không riêng: Theo sách Lễ ký: 天無私覆地無私載日月無私照奉三者以牢天下 Thiên vô  tư phú, địa vô tư tái, nhật nguyệt vô tư chiếu, phụng tam giả dĩ lao thiên hạ (Trời không che  riêng ai, đất không chở riêng ai, mặt trời mặt trăng không soi riêng ai, vâng theo ba đạo ấy để  trị thiên hạ). Ý nói phải công bằng. 

(4) Cửu như: Thơ chúc thọ trong Thi kinh, xem chú thích ở phần trước. 

(5) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 19a.

36 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Các quan Thái Y Viện dâng thuốc, đã hơi bớt, nhưng rồi bệnh càng lúc càng nặng,  đến giờ Dậu ngày 18 tháng Chín (06/11/1846) thì mất tại cung Từ Thọ. “憲祖章皇帝 深追仁宣慈慶福壽康寧太皇太后功德宏鉅仰副聖祖仁皇帝尊親大孝自初喪凡一 切典禮必詳必審衷于至當諭示尊人府及在庭文武臣工會同議上尊諡僉稱大行仁 宣慈慶福壽康寧太皇太后中興之初協贊艱難共成内治寔與承天佐聖厚德慈仁簡 恭齊孝翼正順元高皇后功德比隆而其篤生聖嗣光受丕基又為國家億萬年篤慶鍾 祥之所自始禮宜祔廟請從廟諡憲祖章皇帝欽加裁定上尊諡曰順天興聖光裕化基 仁宣慈慶德澤元功高皇后”(1) (Hiến Tổ Chương Hoàng đế nghĩ sâu xa đến công đức  lớn lao của ngài Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu,  từng giúp Thánh Tổ Nhân Hoàng đế hầu hạ Quốc mẫu đại hiếu từ thủa đầu, điển lễ về  việc tang ma nhất thiết phải rõ ràng đầy đủ, từng dụ bảo Tôn Nhân Phủ và các quan  văn võ trong triều hội đồng đề nghị dâng tôn thụy, cho rằng Đại hành Nhân Tuyên Từ  Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái Hoàng Thái Hậu trong buổi đầu trung hưng, cùng  chung gian khổ mà tán thành nội trị, thực cùng Thừa Thiên Tá Thánh Hậu Đức Từ  Nhân Giản Cung Tề Hiếu Dực Chính Thuận Nguyên Cao Hoàng Hậu công đức lớn lao  như nhau, nhưng đã sinh ra bậc thánh nối dòng, nắm giữ ngôi cao, lại làm cho nước  nhà ức muôn năm đốc khánh chung tường bắt đầu từ đó. Vậy nghi lễ thờ phụ vào miếu  xin theo như miếu thụy [của Thánh Tổ]. Hiến Tổ Chương Hoàng đế kính xét định dâng  thêm tôn thụy là Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh  Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng Hậu).  

Ngày 20 Tân Sửu tháng Mười Một năm Bính Ngọ (06/01/1847), vua thân đem  các quan Tôn Nhân Phủ và văn võ đình thần mang sách vàng đến cung Từ Thọ dâng  tôn thụy Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức  Trạch Nguyên Công Cao Hoàng Hậu.(2) Sách văn viết: 

臣聞有天下之大德必受天下之大名故尊名之典著於經而述德之文垂諸策 欽惟皇祖妣大行仁宣慈慶太皇太后  

含弘表懿 

齊媚嗣徽  

德協坤元翊聖功于興夏  

(1) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 19b-20a. 

(2) Sách Thực lục chép: “Trước kia, vua dụ cho Tôn Nhân Phủ, các tước công và văn võ đình thần  rằng: Từ cổ, các bậc đế vương hiếu phụng, đối với lễ tôn đấng thân, tất có huy hiệu đẹp đẽ to  tát, để bảo rõ cho muôn đời, là điển lễ rất to. Kính nhớ Hoàng tổ Đại hành Thái hoàng Thái hậu  ta như mặt trời được khí sáng của trời, thuận trời sánh với đất, rộng giúp những lúc gian nan,  công rất cao, phúc thừa để thịnh về sau, đức rất là hậu, mặc áo vi y để dâng lễ tế. Đức hiếu  rất long trọng, khuôn phép đoan chính như ngọc cư ngọc vũ, cung kính dốc một lòng; gà gáy  dậy sớm, tỏ đức cần cù; thân làm việc nuôi tằm ươm tơ, tỏ đức tiết kiệm; rộng yêu mọi vật, tỏ  đức hiền lành. Ban ra sáu cõi, mở rộng ân trạch; cao như trời, muốn đền ơn mà không biết đâu  là cùng; dày như đất, nên thuật đức lâu mãi không cùng! [Các ngươi] nên tra xét điển lệ, bàn  việc đặt tên thụy, rồi tâu lên. Đến khi nghị dâng lên, vua nghe theo, sai quan cáo các miếu điện  và đền Thọ Quốc Công, đền họ Trần, ngày hôm ấy, vua thân đem các quan đến chỗ bàn thờ,  dâng sách và ấn” (Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Sáu, tr. 937).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 37 

祥呈神璽受帝命于生商  

垂裕之光施于社稷  

始基之化式于邦家  

仁能博愛而聖善周聞  

慈以凝和而福壽降貴  

三朝集慶  

四代同堂  

敷釐德洽垓埏  

篤祐功齊覆燾  

溯積慶鍾祥之所自感慕何窮  

仰至人大孝之難名答揚曷稱  

式稽彝典  

允協公忠  

是用請命列廟親率宗人府文武臣工奉金冊金寶上尊諡曰順天興聖光裕化 基仁宣慈慶德澤元工高皇后伏惟  

光正鴻稱  

懋揚懿鑠  

高明陟配齊悠久以無疆  

右饗孚馨篤翼承于有永(1) 

Tạm dịch:

Bề tôi nghe rằng: Có đức lớn trong thiên hạ ắt nhận danh lớn của thiên hạ, cho  nên phép tắc tôn danh chép trong kinh mà văn chương thuật đức ghi trong sách sử.  Kính nghĩ Hoàng tổ tỷ Đại hành Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái Hậu: Chất nêu bao rộng; 

Tiếng nổi tốt hay. 

Đức hiệp Khôn nguyên, giúp công thánh mà hưng nhà Hạ;(2) 

Điềm bày Thần tỷ, chịu mệnh trời mà mở nhà Thương.(3) 

Tỏ rõ đức huy lan ra xã tắc; 

(1) Đại Nam liệt truyện Chính biên. Quyển Nhất, tờ 24a-25b. 

(2) Hưng nhà Hạ: vợ ông Vũ là người con gái đất Đồ Sơn (vùng Cối Kê, nay thuộc tỉnh An Huy,  Trung Quốc), tên là Du, từ khi ông Vũ làm quan, được vua Thuấn sai đi trị thủy sông Hoàng  Hà, ông chỉ ở nhà với vợ bốn ngày rồi ra đi, suốt ba năm dù có đi qua nhà cũng không ghé  thăm, bà một mình chăm lo tề gia nội trợ. Nhờ đó, ông Vũ thành công, được vua Thuấn truyền  ngôi cho, lập nên nhà Hạ. 

(3) Mở nhà Thương: Bà Giản Địch ở trên lầu, được trời sai chim én (huyền điểu) xuống ban cho  trứng mà sinh ông Tiết, thủy tổ của nhà Thương. Thần tỷ: nhắc lại chuyện khi Hậu mang thai,  mơ thấy thần trao cho cái ấn tỷ màu tía, rồi sinh ra Nguyễn Phúc Đảm.

38 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Dựng đầu phong hóa sửa đến nước nhà. 

Lòng nhân yêu rộng mà tiếng tốt bay xa; 

Đức mẹ khí hòa mà phúc lành thọ mãi. 

Ba triều tập khánh; 

Bốn đại đồng đường. 

Đức dày ban khắp cõi bờ; 

Công lớn sánh ngang trời đất. 

Xét gốc chứa điềm lành phúc tốt, cảm mộ đâu cùng; 

Ngửa trông vời nhân tột hiếu to, báo đền sao xứng. 

Xét xem điển cổ; 

Hợp với lẽ chung. 

Bèn xin mệnh ở các miếu, thân dẫn Phủ Tôn Nhân, các quan văn võ, đem sách  vàng bửu vàng, dâng tôn thụy là Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân  Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng Hậu. Cúi nghĩ: Sáng tỏ hiệu to; 

Nêu cao đức tốt. 

Sánh trời cao sáng, cùng lâu dài đến chỗ vô cương; 

Hưởng tế thơm lành, mong giúp đỡ đời sau vĩnh viễn. 

Rồi vua Thiệu Trị “kính chọn ngày tốt, các miếu, lấy ngày mồng 2 tháng 12 mùa  đông năm nay, kính đến nơi bàn thờ dự cáo kỳ phát dẫn; ngày mồng 6 làm lễ Khải  điện, ngày mồng 7 rước linh giá tiến phát; ngày mồng 9, phụng an táng ở lăng Thiên  Thụ Hữu, theo dùng 9 lễ tế ngu, ngày 23 làm lễ Tốt khốc”.(1) Lăng Thiên Thụ Hữu ở  núi Thuận Đạo, gần lăng Thiên Thụ của vua Gia Long, là do vua Minh Mạng cho xây  dựng sẵn, “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế đã sai đại thần văn võ cùng đi với Thái sử đến  bên hữu lăng Thiên Thụ chọn sẵn đất lành muôn năm, gọi núi ấy là núi Thuận Sơn.  Phàm huyền cung, bảo thành, lăng tẩm, nhà cửa cần được sửa sang, đã có phép trước  cả. Đến đây, vua sai Đô Thống phủ Đô thống Tả quân là Ninh Lạc tử Nguyễn Tiến Lâm,  Thống chế dinh Thần Cơ là Kiêu Dũng tướng Dương Thai, quyền Thống chế dinh Kỳ  Võ là Nguyễn Doãn, quyền Hữu Tham tri Bộ Binh là Hoàng Tế Mỹ sung làm đổng lý  đại thần, 8 quản vệ, 50 suất đội, 2.500 biền binh và thuộc viên các nha môn ở bộ, viện  phụ để tùy sai phái. Công việc làm xong, dâng tôn hiệu: lăng gọi là lăng Thiên Thụ  Hữu, điện gọi là điện Gia Thành, cửa gọi là cửa Minh Ý. Thưởng cho từ đổng lý đến  quan quân, lại dịch, lính thợ; gia cấp Kỷ lục, lương bổng và tiền có thứ bậc”.(2) Thần  chủ đặt ở cung Từ Thọ, đến năm Mậu Thân (1848), tháng Mười Một, vua Tự Đức rước  thần chủ vào phối thờ với thần chủ Cao Hoàng đế ở án chính giữa Thế Miếu, phía tây  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Sáu, tr. 931. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Sáu, tr. 920.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 39 

(bên cạnh thần chủ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu), và ở án giữa điện Phụng Tiên, cũng ở  phía tây. Lễ rước thần chủ vào miếu hay điện gọi là Thăng phụ (Đế và Hậu) hay Thăng  phối (Hậu). Bà có ba con trai là Nguyễn Phúc Đảm, Kiến An vương Nguyễn Phúc Đài  (1795-1849), Thiệu Hóa quận vương Nguyễn Phúc Chẩn (1803-1824).  

3. Bà Hồ Thị Hoa (1791-1807) 

Hồ Thị Hoa người thôn Linh Chiểu Tây, huyện Bình An, trấn Biên Hòa,(1) con ông  Phúc quốc công Hồ Văn Bôi,(2) mẹ họ Hoàng. Bà sinh ngày mồng 5 tháng Mười Một  năm Tân Hợi (30/11/1791). Năm Bính Dần (1806), vua Gia Long và Tống Hoàng hậu  cho tuyển vào hầu hoàng tử Đảm ở tiềm để. Bà là người hiền thục, hiếu kính, vua Gia  Long ban cho tên mới, bảo: “Chữ “華 Hoa” chỉ lấy bốn chữ “hương thơm đưa lên”  làm nghĩa, sao bằng chữ “實 Thật” gồm có cả quả phúc”.(3)  

Năm Đinh Mão, Gia Long 6 (1807), bà sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Dung (sau  đổi Miên Tông, tức vua Thiệu Trị) tại tư dinh của ông bà Phúc Quốc công ở phường  Du Ninh, nên về sau, vua Thiệu Trị cho xây chùa Diệu Đế tại đó để kỷ niệm.(4) Mười  ba ngày sau khi sinh con, vào ngày 23 tháng Năm năm Đinh Mão (28/6/1807), bà mất;  táng tại sơn phận làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên (nay thuộc  xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tháng Sáu năm Tân Tỵ  (1821), vua Minh Mạng sách tặng Chiêu nghi, thụy Thuận Đức, hợp tế vào nhà thờ  Gia phi họ Phạm.(5) Năm Bính Thân (1836), vua sai Tiền quân Đô thống phủ chưởng  

(1) Theo Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 29b. Thôn Linh Chiểu nay thuộc quận Thủ Đức, TP.  Hồ Chí Minh. 

(2) Hồ Văn Bôi người huyện Bình An, trấn Biên Hòa, lúc đầu theo Nguyễn Phúc Ánh, làm Túc  Trực đội trưởng, hai lần theo đi Vọng Các. Năm Đinh Mùi (1878), về Gia Định, có quân công,  được thăng Thuộc Nội cai đội, thường đem quân Túc Trực Trung Ngũ theo Nguyễn vương  ra trận; năm Nhâm Tuất (1802), được thăng Vệ úy vệ Tả Nhất quân Thị Trung, rồi thăng tiếp  Khâm sai Thuộc Nội chưởng cơ. Năm Quý Hợi (1803), ông theo vua tuần miền Bắc, được  ban áo mũ, khi trở về, vì già cả, xin hưu trí, rồi mất. Sau, vua Minh Mạng tặng Nghiêm Uy  tướng quân, Thượng hộ quân thống chế (1826), vua Thiệu Trị gia tặng Đặc tiến Tráng Vũ  tướng quân, Tả quân Đô thống phủ Đô thống chưởng phủ sự, Thái bảo, thụy Trung Dũng,  phong Phúc Quốc công, vợ là Hoàng thị được phong Phúc Quốc nhất phẩm phu nhân (1841),  dựng đến thờ ở ấp Vạn Xuân; lại truy phong bốn đời trên, lập Hồ Tộc từ, vua Tự Đức đổi tên  Dụ Trạch từ (1852). 

(3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd, Tập Ba, tr. 15. Những chữ này, sách  Liệt truyện cũng như Thực lục viết theo lối mô tả, vì là những chữ húy, “Hoa” là một chữ gồm  trên theo chữ 〇 [không có chữ phù hợp], dưới theo chữ “thập”, nghĩa là mùi thơm bốc lên;  “Thật” [hay “Thực”] là một chữ gồm trên theo bộ “miên”, dưới là chữ “quán”, nghĩa là quả, trái;  thời Minh Mạng, chữ “Hoa” phải húy “kính khuyết nhất bút”, bỏ nét sổ giữa, còn chữ “thật”  hay “thực” thì đổi viết 寔 và đọc “thiệt”. 

(4) Chùa Diệu Đế nằm bên đường Bạch Đằng, phía đông sông Hộ Thành, thuộc phường Phú  Cát, thành phố Huế.  

(5) Gia Phi từ, lúc đầu có tên là Hồ Phạm nhị tần từ, được dựng ở phía đông sông Hộ Thành vào  đầu đời Minh Mạng để hợp thờ bà Hồ Thị Hoa và Gia phi Phạm Thị Tuyết (thân mẫu của Thọ  Xuân Vương). Qua năm 1839 lại làm nhà thờ riêng cho Gia phi ở bờ tây sông Hộ Thành, đến  năm 1849 Thọ Xuân Vương mới dời đến ấp Đông Trì (nay là phường Phú Cát, Huế).

40 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

phủ sự Phan Hữu Tâm làm chánh sứ, Lễ Bộ Thượng thư Phan Huy Thực làm phó sứ,  cầm cờ tiết, mang sách vàng đến từ đường tuyên phong tấn tặng Thần phi, vẫn thụy  Thuận Đức. Tháng Mười năm Mậu Tuất (1838), vua cho đổi dựng nhà thờ tại ấp Vạn  Xuân, bờ tây sông hữu Hộ Thành; tháng Sáu năm Kỷ Hợi (1839), làm xong, rước thần  chủ về thờ.  

Tháng Sáu năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng sách tặng Chiêu nghi, thụy  Thuận Đức. Chế văn như sau: 

禮乃理之宜然賜謚賁彰古典 

恩亦義之所在追褒載侈隆儀 

允協穀辰 

煥頒芝綍 

睠惟選侍胡氏 

簪紳令閥 

琬琰清標 

莊閒雅奉於閨儀勳無違節 

令淑夙徵於潛邸綽有遺徽 

熊占協吉恩寵方隆 

蟻夢乍醒天年遽嗇 

緬懷逝者深有惻然特命使臣齎銀冊贈為昭儀諡順德尚其 

服此徽章 

式欽成命 

用慰瓊瑤之懿 

永膺葩衮之榮(1) 

Tạm dịch 

Lễ là đúng lẽ tự nhiên, ban thụy sáng noi điển cổ; 

Ơn là bày niềm nghĩa khí, nêu khen tỏ rõ phép hay.  

Chọn được ngày lành; 

Ban cho tờ chế.  

Mến nghĩ nàng họ Hồ được tuyển vào hầu:  

Trâm anh dòng dõi;  

Ngà ngọc nết na.  

Đoan trang gìn giữ chốn khuê nghi, không hề trái đạo;  

Hiền hậu đảm đang nơi tiềm để, còn lại tiếng hay.  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện Chính biên. Nhị tập. Tập 1. Quyển nhất, tờ 1b.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 41 

Điềm hùng(1) mới ứng, ơn sủng vừa trao;  

Mộng kiến(2) chợt tàn, tuổi trời đã hết.  

Nhớ người đã khuất, thương xót tấm lòng; đặc biệt sai sứ vâng đi, dâng ban sách  bạc. Tặng: Chiêu nghi, thụy Thuận Đức. Mong hãy:  

Nhận lấy hiệu hay; 

Vâng theo mệnh lớn.  

Để thỏa dạ hồn thiêng tốt đẹp;  

Để hưởng lời khen ngợi vẻ vang. 

Năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836), vua sai Tiền quân Đô thống phủ  chưởng phủ sự Phạm Hữu Tâm làm chánh sứ, Lễ Bộ Thượng thư Phan Huy Thực làm  Phó sứ, cầm cờ tiết, bưng sách vàng đến từ đường bà Chiêu nghi tuyên phong tấn tặng  Thần phi, vẫn thụy Thuận Đức. Bài văn sách phong như sau: 

聖人因人情而制禮惇庸自有常經 

王者隆厚道以推恩褒表式彰異數 

穀辰亶協 

芝綍孔〇(3) 

睠惟原 贈昭儀胡氏 

軒綮名門 

瓊瑤秀質 

佩閨箴于潛邸珩〇(4) 揚徽 

(1) Điềm hùng: mộng thấy gấu là điềm sinh con trai. Thành ngữ “xà hủy hùng bi”, nói về điềm  mộng sinh con trai hay con gái. Thi kinh, phần Tiểu nhã, thiên Tư can, có hai đoạn: 6. 下莞 上簟/乃安斯寢/乃寢乃興/乃占我夢/吉夢維何/維熊維羆/維虺維蛇/ 7. 大人占之/維熊維羆/男 子之祥/維虺維蛇/女子之祥 6. Hạ quan thượng điệm / Nãi an tư tẩm / Nãi tẩm nãi hưng / Nãi  chiêm ngã mộng / Cát mộng duy hà / Duy hùng duy bi / Duy hủy duy xà. - 7. Thái nhân chiêm  chi / Duy hùng duy bi / Nam tử chi tường / Duy hủy duy xà / Nữ tử chi tường (6. Dưới chiếu  trên mền / Ở yên nơi ngủ / Lại ngủ lại thức / Đoán thử chiêm bao / Mộng tốt thế nào / Mộng  thấy gấu sao? / Mộng thấy rắn sao? 7. Thầy bói đoán rằng / Mộng thấy loài gấu / Là điềm sinh  trai / Mộng thấy loài rắn / Là điềm sinh gái). 

(2) Mộng kiến: “nghĩ mộng”, chiêm bao thấy kiến, cũng gọi là “giấc nam kha”, “giấc hòe”. Theo Dị  văn lục, Thuần Vu Phần đi chơi, nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mộng thấy mình bay lên không  trung, đến một nước có bảng đề “Đại Hòe An quốc”, được quốc vương kén làm phò mã, cho  làm Thái thú quận Nam Kha, giàu sang phú quý, vợ đẹp con khôn, rất sung sướng mấy chục  năm. Sau cầm quân đi đánh giặc, bị thua trận, rồi công chúa mất, ông bị vua ngờ ghét, đuổi  về. Tỉnh mộng, ông thấy mình nằm dưới bóng cành hòe bổ về phía nam, có một tổ kiến trên  ấy. Ông nghi rằng mình nằm mơ thấy mình lạc vào đó (nam kha: cành cây phía nam, nước  Hòe An chính là cây hòe). 

(3) Khổng dương: chữ “dương” viết chữ “易 dịch” và bộ “攵 phốc” bên phải, cũng là cách viết  khác của chữ “揚 dương”, thường thấy trong văn bản sắc phong, chế phong thời Nguyễn. (4) Hành củ: hay đọc “hành vũ”, chữ “củ” viết bộ “玉 ngọc” và chữ “禹 vũ”.

42 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

鐘茂蔭于芳枝麟螽衍慶 

久閟金鈿之彩 

尚留彤管之香 

撫年前恩恪有加贈典永孚於苾祀 

肆今日宮階初定榮名庸貴於潛馨 

再舉彝章 

用均渥澤 

茲特晉爾為宸妃仍諡順德尚其 

恪欽寵命 

祇受徽稱 

一字衮葩增賁重泉之爽 

千秋胖蠁長留奕葉之光(1) 

Tạm dịch:

Bậc thánh nương tình người mà đặt lễ, buộc ràng tự có thường kinh;  Bậc vương theo đạo lớn để ban ơn, khen thưởng tỏ ra đặc biệt.  

Ngày lành đã hợp; 

Tờ chiếu nên ban.  

Mến nghĩ nàng họ Hồ nguyên tặng Chiêu nghi:  

Sang quý tiếng nhà;  

Đẹp trong chất ngọc.  

Giữ đạo thường nơi tiềm để, đức hạnh thơm nêu;  

Rủ bóng mát ở phương chi, lân chung(2) phúc tỏ.  

Hoa tai vàng từ lâu đã khuất;  

Ngòi bút đỏ nay vẫn còn thơm.  

Những năm trước ân cách từng ra, điển tặng mãi còn nơi thờ cúng;  Đến ngày nay cung giai mới định, tên vinh cho thấm chốn âm hồn.  Lại cử lễ nghi;  

Để ban ơn thấm.  

Nay đặc biệt tấn phong nàng làm Thần phi, vẫn tên thụy là Thuận Đức. Nàng hãy:  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện Chính biên. Nhị tập. Quyển nhất, tờ 2a-b. (2) Lân chung: tức hai thiên “Lân chi chỉ” và “Chung tư” trong Thi kinh. Thiên “Lân chi chỉ” nói con  cháu, họ hàng của vua hiền hậu thì cũng hiền hậu, như con lân hiền hậu thì ngón chân của  nó cũng hiền hậu, không bao giờ đạp lên các loài sinh vật. Thiên “Chung tư” nói bà Hậu Phi  sinh nhiều con để nối dõi như loài châu chấu.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 43 

Kính tuân mệnh lớn; 

Nhận lấy tên hay.  

Một chữ sáng tươi, thêm đẹp hồn thiêng chín suối;  

Nghìn thu thờ cúng, càng dài hương khói muôn đời. 

Tháng Mười năm Mậu Tuất (1838), vua cho đổi dựng nhà thờ tại ấp Vạn Xuân,  bờ tây sông hữu Hộ Thành; tháng Sáu năm Kỷ Hợi (1839), làm xong, rước thần chủ  về thờ. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị lên ngôi. Tháng Ba nhuận, đình thần dâng  biểu xin truy tôn huy hiệu cho phi. Vua vào cung Từ Thọ thỉnh ý chỉ của Nhân Tuyên  Từ Khánh Hoàng Thái hậu. Bà ban dụ nói: “順德宸妃胡氏欽奉世祖高皇帝與老躬 

慎選功臣胡文盃之長女充作聖祖仁皇帝配思齊淑慎端謹賢貞素為仁皇帝所禮愛 焉又能善事世祖高皇帝及老躬克盡孝道故特賜之以嘉名玆積德鍾祥篤生元孫承 此大統其慶源固有自也嗟夫妃之嗇於壽不及見有今日豈不悲哉仁皇帝情懷元配 恩禮加厚諡之以順德封之以宸妃御治二十一年而宮中猶虛位以待非無意也玆僉 辭奏上帝后同尊禮之正而理之宜允合老祖母之心又可以慰仁皇帝不忘故劍之情 者矣準元孫皇帝傳諭諸臣知道”(1) (Thuận Đức Thần phi họ Hồ con gái trưởng của  

công thần Hồ Văn Bôi là do Thế Tổ Cao Hoàng đế với thân già này đã tuyển chọn cẩn  thận để làm vợ của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Chín chắn dịu hiền cẩn thận, đoan trang  kính cẩn hiền lành. Vốn được Nhân Hoàng đế kính yêu; lại khéo phụng sự hầu hạ Thế  Tổ Cao Hoàng đế và thân già này hết lòng hiếu thảo, cho nên mới được đặc biệt ban  cho danh tốt như vậy. Nay: Chứa nhiều đức tốt, tạo nên điềm lành, sinh ra cháu trưởng  kế thừa nghiệp lớn, phải biết là nguồn phúc từ đâu mà có vậy. Than ôi! Tiếc là phi mất  sớm, không kịp được thấy ngày nay, há chẳng buồn sao? Nhân Hoàng đế nhớ người  vợ cả, ân lễ thêm hậu. Ban cho tên thụy Thuận Đức, phong cho được làm Thần phi. Trị  vì hai mươi mốt năm, mà ngôi chính phi ở trong cung vẫn còn để trống đợi chờ không  phải là không có ý vậy. Nay quần thần đều tâu lên đế hậu cùng được tôn xưng thì mới  đúng với lễ mà hợp với lý; thỏa với lòng của lão tổ mẫu, lại có thể an ủi chút tình của  Nhân Hoàng đế không quên gươm cũ của mình vậy. Chuẩn cho Hoàng đế cháu trưởng  truyền dụ cho các quan biết rõ). Vua sai các quan họp bàn đặt thụy hiệu, sao cho Đế  và Hậu đều ngang nhau theo ý của Hoàng Thái hậu, rồi ngày 16 tháng Tư (05/6/1841),  làm lễ dâng kim sách kim bảo truy tôn là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa  Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức Nhân Hoàng Hậu. Bài văn sách như sau: 

資生參乎資始而天道成 

合親推以合尊而人道備 

故 

資父以事母 

本地以配天 

廟制之義同 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Chính biên. Đệ tam kỷ. Quyển Lục, tờ 1b - 2a.

44 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

孝子之心一也 

欽惟皇妣順德宸妃陛下 

含章應地 

履順承天 

勳臣之後亶協福徽 

惟德之行早孚篤眷 

奉聖祖皇考仁皇帝在潛邸辰皇祖有命聞定厥祥京室來嬪茂其始化 默贊維新之景命 

先符利見之德元 

其蘊於心也端以一志正以守恒 

其發於外也恭而有儀和而理義 

肇慶源于光大厥後克昌 

裕慈廕于含弘與仁同體 

徽音克嗣聖慈素諒其孝心 

壺教久虛皇考追尊其懿行 

上天孚鋻 

景貺允膺 

嗣廟鼎新發明馨于於穆 

妃階晉贈表賢譽于永貞 

積九而徵合坤之至順 

流行不息配乾之無疆 

厚德流光名必歸 

聖志先定終而顯 

臣 

承事尊廟 

永懷始生 

禮有追崇 

念存表顯 

以恩則尊親兼至 

以義則中外一辭 

迺先奏達慈壽宮欽奉聖祖母仁宣慈慶太皇太后俞旨謹用涓吉請命列廟几 筵親率尊仁府文武臣工恭奉金冊金寶上尊諡曰佐天儷聖端正恭和篤慶慈徽明賢 順德仁皇后伏惟 

光正鴻稱

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 45 

丕端懿範 

彰徽有廟齊伸右饗于億年 

長發其祥協錫繁禧于萬世(1)  

Tạm dịch 

Tư sinh ứng cùng tư thủy, đạo trời mới nên; 

Hợp thân do ở hợp tôn, đạo người mới đủ.  

Cho nên: 

Nương cha để thờ mẹ; 

Dựa đất để sánh trời.  

Cái nghĩa của miếu chế giống nhau; 

Tấm lòng của hiếu tử như một.  

Kính nghĩ Hoàng tỷ Thuận Đức Thần phi bệ hạ:  

Ngậm sáng mà sánh đất; 

Sửa thuận mà vâng trời.  

Huân thần nối dõi, hòa hiệp phúc lành; 

Đạo đức giữ nền, sớm nhờ yêu mến.  

Lúc Hoàng khảo Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ta còn ở tiềm để, Hoàng tổ ta đã có  lệnh chỉ sai nộp sính lễ, đón dâu về cung, phong hóa buổi đầu tốt đẹp: Ngầm giúp buổi đầu vận hội; 

Trước vầy đức cả bao dung.  

Chứa trong lòng thì bền để giữ chí; thẳng để theo thường; 

Phát ngoài mặt thì kính mà có nề, hòa mà hợp nghĩa.  

Gây nguồn phúc sáng ngời to lớn, lưu tốt về sau; 

Rủ bóng im rộng rãi sâu xa, tỏ nhân cùng thể. 

Tiếng hay nối trước, Thánh từ khen hiếu thảo xiết bao; 

Ngôi chính để không, Hoàng khảo ngợi nết na sẵn có. 

Trời cao soi xét;  

Phúc lớn ban cho. 

Tự miếu mới tinh, hương khói tỏa dâng ngào ngạt; 

Phi giai yêu tặng, tiếng hiền khen ngợi bấy chầy. 

Báo chứa càng tỏ bày, hợp với khôn rất thuận; 

Chuyển vần mà không nghỉ, sánh với càn thì không cùng.  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục Chính biên. Đệ tam kỷ. Quyển Thất, tờ 19b -  21b; Đại Nam liệt truyện Chính biên. Nhị tập. Quyển Nhất, tờ 7a-9a.

46 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Đức dày sáng tỏa, danh ắt về; 

Ý thánh định rồi, vinh ắt được.  

Bề tôi:  

Nối coi tôn miếu; 

Mãi nhớ thân sinh. 

Lễ có truy sùng;  

Nghĩa còn biểu hiển.  

Về ân thì kính tôn gồm cả; 

Về nghĩa thì trong ngoài giống nhau. 

Bèn trước hết tâu lên cung Từ Thọ, kính vâng dụ chỉ của Thánh tổ mẫu Nhân  Tuyên Từ Khánh Thái hoàng Thái hậu, kính xem ngày tốt, cáo yết bàn thờ các miếu  xin mệnh, thân dẫn Tôn Nhân Phủ và văn võ thần công, kính bưng sách vàng ấn vàng,  dâng tôn thụy là Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh  Hiền Thuận Đức Nhân Hoàng Hậu. 

Cúi nghĩ:  

Hiệu lớn rỡ ràng; 

Phép hay chính đáng.  

Sáng thay miếu mới, tế thờ hâm hưởng ức năm; 

Phát mãi điềm lành, được phúc dồi dào muôn thủa. 

Hôm sau, đề thần chủ để thờ và xuống chiếu bố cáo cho trong kinh, ngoài các  tỉnh đều rõ. Rồi, đặt tên mộ táng là lăng Hiếu Đông, hiệp tế ở điện Sùng Ân. Tháng  Năm, truy tặng các đời họ Hồ và cho ấm thụ thân nhân 4 người để coi giữ các đền  thờ. Ngày 20 tháng Tám năm Tân Sửu (04/10/1841), rước thần chủ vào phối tự ở điện  Hiếu Tư, dỡ bỏ từ đường cũ. Ngày mồng 9 tháng Giêng năm Quý Mão (7/2/1843),  rước thần chủ vào thờ chung ở gian tả nhất Thế Miếu, rước thánh vị vào thờ chung ở  gian tả nhất điện Phụng Tiên; rước thánh vị thờ chung ở điện Hiếu Tư. Năm Nhâm Tý  (1852), vua Tự Đức cho đổi Hồ Tộc từ làm Dụ Trạch từ, hàng năm chi cấp tiền công  để sung việc thờ cúng. 

4. Bà Phạm Thị Hằng (1810-1901) 

Vua Thiệu Trị có 29 hoàng tử và 35 hoàng nữ. Trong nhiều cung tần, thì bà Phạm Thị Hằng, thân mẫu vua Tự Đức, là người phụ nữ đặc biệt nổi tiếng về kiến  thức lẫn tư cách. Bà người gốc ấp Tân Niên Đông, giồng Tân Quy, huyện Tân Hòa,  hạt Gia Định (Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang),(1) con của Đức Quốc công Phạm  

(1) Theo gia phả và bài văn bia mộ Đức Quốc công do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng  viết, thì dòng dõi họ Phạm từ Bắc vào, chuyển địa bàn cư trú nhiều nơi. Ông tổ húy Đăng  Khoa, học rộng, nổi tiếng văn chương; trong khoảng niên hiệu Chính Hòa đời Lê, giận họ  Trịnh lấn quyền, không chịu ra làm quan, rồi đem cả họ theo trấn thủ Nguyễn Hoàng vào 

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 47 

Đăng Hưng,(1) sinh ngày 19 tháng Năm năm Canh Ngọ (20/6/1810)(2) tại Kinh đô  Phú Xuân, “小好讀書通經史大義有賢德至行年十二其母夫人病好獨卧凡家人 不得親近服侍后日夜奉侍膳藥不離左右迨夫人薨晝夜號哭不絕執喪哀毀若成 人遠近聞之咸嘖嘖稱異年十四順天高皇后聞其賢召選入宮命進侍憲祖潛邸后 思齊表德坤順持躬為帝所鍾愛辰荆門郡公阮文仁之女令妃亦同辰召進令妃以 父爵故位次居先一日聖祖仁皇帝賜金花紗平領衣各一至拜辭辰奉順天高皇后 賜金衣釦各一其一鏤鳳其一鏤花仍各用紙密封祝曰如誰取得鳳釦者則先有子 命女官遞頒令各取其一勿開仍將原封進后讓令妃先取及至遞進開封則令妃得 花釦后得鳳釦年十五生延福長公主隔歲又生次長公主自是寵命日加位轉居右 后於令妃特深友愛”(3) (Lúc nhỏ thích đọc sách, thông nghĩa lớn kinh sử, là người  

hiền đức. Đến đúng vào năm 12 tuổi, phu nhân là mẹ của Hậu bị bệnh, chỉ thích nằm  một mình, mọi người trong nhà không ai được gần gũi hầu hạ, Hậu ngày đêm hầu hạ  chăm lo việc ăn uống thuốc thang, không rời bên cạnh. Đến khi phu nhân mất, ngày  đêm kêu khóc mãi không thôi, chịu tang thương xót giống như đã thành người lớn,  xa gần nghe thấy đều nức nở khen là lạ. Đến năm 14 tuổi, Thuận Thiên Cao Hoàng  hậu nghe tiếng hiền lành cho gọi tuyển vào cung sai hầu Hiến Tổ lúc còn tiềm để.  Hậu nghĩ suy chín chắn, đức tốt sáng ngời, thuận thục cung kính được vua rất yêu  quý. Bấy giờ, con gái của Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân tức là Lệnh phi  cũng cùng lúc được gọi vào cung. Lệnh phi vì tước của cha, nên vị thứ ở trên. Một  hôm, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ban cho mỗi người một chiếc áo sa có hoa vàng, cổ  bằng. Đến lúc bái chào từ biệt, được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu ban cho mỗi người  một cúc áo bằng vàng, một cái có chạm hình con phượng, một cái có chạm hình cái  hoa nhưng đều dùng giấy phong kín lại và khấn rằng: “Nếu ai lấy được cái cúc có con  

Nam, trước ngụ ở Ái Tử, sau đến Phú Xuân. Đời thứ hai húy Đăng Tiên, do có văn học, được  bổ Huấn đạo phủ Tư Nghĩa, nên dời nhà vào Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay ở tỉnh Quảng  Ngãi). Đời thứ ba húy Đăng Dinh (Doanh), thông thạo cả nho y, tự lấy hiệu là Huyền Thông  đạo nhân, vì yêu mến cảnh núi sông Gia Định, nên làm nhà ở thôn Tân Niên Đông, huyện  Tân Hòa. Đời thứ tư húy Đăng Long, nổi tiếng về học thức lẫn đức hạnh, ẩn cư dạy học, kẻ  sĩ trong vùng tôn gọi là Kiến Hòa tiên sinh. Phạm Đăng Hưng là con ông Long. 

(1) Phạm Đăng Hưng, tự Khiết [Hiệt] Củ, gia phả ghi sinh ngày 24 tháng Ba năm Ất Dậu  (15/5/1765), văn bia thì ghi sau 10 ngày. Lúc bé ông học ở nhà, lớn lên được thầy giỏi Nguyễn  Bảo Trí (? -1800) truyền dạy rộng, nên hiểu biết nhiều. Khi Nguyễn Phúc Ánh làm chủ đất Gia  Định, mở hai khoa thi, ông bèn dự thi khoa Bính Thìn (1796), trúng cách ba trường, làm lễ sinh  ở phủ, rồi bổ vào Viện Cống Sĩ (chức năng như Viện Hàn Lâm), được ít lâu, đổi làm Tham  luận vệ Phấn Võ; tất cả phép tắc, luật lệ trong quân, ông đều biên chép không sót điều nào.  Từ đó ông theo Nguyễn vương đi chinh chiến cho đến lúc lấy lại Phú Xuân, dẹp yên đất Bắc,  rồi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, lập nhiều công trạng cho đến lúc mất, văn bia  ghi ngày 14 tháng Sáu năm Ất Dậu (29/7/1825), gia phả chép ngày mồng 4 tháng Sáu năm Ất  Dậu (19/7/1825), hưởng thọ 61 tuổi. Đang khi ông nằm trên giường bệnh, vua sai quan thái y  đến lo thuốc thang chăm sóc; ngày ông mất, vua rất thương xót, ban nhiều gấm lụa, tặng Vinh  Lộc Đại phu, Trụ quốc, Hiệp biện Đại học sĩ, cho thụy Trung Nhã, sai quan lo việc tang, đưa về  chôn tại làng cũ Tân Niên Đông. Năm 1849, vua Tự Đức truy tặng Đặc tiến Vinh Lộc Đại phu,  Thái bảo, Cần Chính Điện Đại học sĩ, tước Đức Quốc công, vẫn thụy Trung Nhã. 

(2) Sách Đại Nam liệt truyện ghi ngày mồng 9 tháng Năm năm Canh Ngọ (10/6/1810). (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Nhị tập. Quyển Nhị, tờ 1a - 2a.

48 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

phượng thì có con trước”, rồi sai nữ quan đem ban cho, bảo mỗi người lấy một cái,  nhưng đừng mở ra, cứ để nguyên phong dâng lên. Hậu nhường Lệnh phi lấy trước.  Đến khi dâng lên mở ra, thì Lệnh phi được cái cúc có chạm bông hoa, hậu được cái cúc  có chạm hình con phượng. Năm 15 tuổi, sinh trưởng công chúa Diên Phúc, cách một  năm lại sinh thứ trưởng công chúa. Từ đấy, ngày càng được yêu quý thêm, địa vị thành  ra ở trên. Hậu đối với Lệnh phi riêng có lòng yêu quý và hòa thuận với nhau lắm). 

Một đêm bà nằm mơ thấy: “一神人冠衣博帶白首皤眉捧將黄紙朱書璽迹一 幅並明珠一串各授之曰觀此即為後驗聖曾祖母皆久之既而誕生翼宗英皇帝其徵 應不凡如此嗣奉憲祖章皇帝光臨寶位節次晉封至一階位正六宮之首帝常以妃稱 而不名又奉常諭云妃性行端謹撫育眾子皆如已出有德必有福子孫必蒙其澤矣”(1) (Một vị thần mũ cao, áo rộng, đai to, tóc bạc, mi trắng cầm đưa một tờ giấy vàng viết  

chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu, trao hết cho và bảo: Xem đây để nghiệm  về sau. Thánh tằng tổ mẫu cất đi rồi ít lâu thì sinh Dực Tông Anh Hoàng đế; cái điềm  ứng không tầm thường như thế. Từ khi Hiến Tổ Chương Hoàng đế lên nối ngôi, nhiều  lần tấn phong đến bậc nhất, đứng đầu trong sáu cung. Vua thường gọi là phi chứ không  kêu tên, lại thường bảo rằng phi tính nết đoan trang, cẩn thận, nuôi nấng các con như  chính mình sinh ra. Có đức thì có phúc, con cháu tất được hưởng ơn vậy). 

Vua Thiệu Trị lên ngôi, năm đầu, Tân Sửu (1841), phong bà làm Cung tần. Năm  sau, vua ngự giá Bắc tuần làm lễ bang giao (thụ phong với nhà Thanh), bà được theo  hầu, giữ các ấn báu, vật tin. Thường ngày trong cung, bà coi giữ sáu chức thượng  (Thượng cung, Thượng nghi, Thượng phục, Thượng thực, Thượng tẩm, Thượng công),  nhiều khi thức suốt đêm để hầu vua đọc sách, nếu được ban ơn không tranh cạnh với  người, ai phạm lỗi thì tự nhận thay. Năm Quý Mão (1843), tháng Tư, vua sách phong  làm Thành phi, sách văn như sau: 

朕惟 

易繫家人久表閑貞之吉 

禮詳內則式彰敘秩之常 

谷旦載蠲 

芝綸誕播 

睠惟宮嬪范氏 

儀文令閥 

琬琰芳姿 

齋莊鞶帨之儀潛邸夙孚淑問 

繁茂螽麟之慶香閨悠穆和風 

端嫻遠媲徽音 

勤恪彌教雅行 

迨朕丕端遑範懋章基化之儀型 

(1) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 49a.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 49 

肆今申定宮階盖賁序賢之章袞 

載稽古典 

用侈殊褒 

茲特晉封爾為誠妃妃其 

光受嘉稱 

虔供內政 

恪循規範思服訓以弗違 

長荷寵光尚承休于無斁(1) 

Tạm dịch 

Trẫm nghĩ:  

Kinh Dịch có quẻ Gia nhân,(2) nêu nết tốt u nhàn trinh tĩnh; 

Kinh Lễ có thiên Nội tắc,(3) tỏ phép thường thứ bậc di luân.  

Chọn được ngày lành; 

Ban cho mệnh lớn.  

Mến nghĩ Cung tần họ Phạm:  

Nếp nhà quyền quý; 

Tính nết trắng trong. 

Nhẹ nhàng sửa túi nâng khăn, nơi tiềm để sớm hôm chăm sóc;  

Đông đúc ấp con ôm cháu,(4) chốn hương khuê mưa gió thuận hòa.  Đoan trang đã nổi tiếng hay; 

Cẩn thận thêm dày nết tốt.  

Kịp khi trẫm mới lên bảo vị, phải mở nền phong hóa thật cao xa;  

(1) Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Nhị tập. Quyển 2, tờ 3b-4a. (2) Gia nhân: quẻ thứ 37 trong Kinh Dịch nói về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xem chú  thích ở phần sách văn bà Tống Thị Lan. 

(3) Nội tắc: thiên thứ 12 trong Kinh Lễ, nói về công việc, bổn phận của con trai con gái trong nhà;  con gái thì khi xuất giá còn có bổn phận đối với gia đình nhà chồng, cha mẹ chồng. (4) Đông đúc ấp con ôm cháu: dịch thoát cụm từ “chung lân”, kết hợp hai điển tích “chung tư”  và “lân chỉ”. 1. “Chung tư” là một thiên trong Thi kinh (phần Quốc phong, Chu Nam), ca ngợi  người phụ nữ cao quý, sinh nhiều con cái như loài cào cào, châu chấu để nối dõi tông đường  (người xưa quan niệm sinh nhiều con là gia đình hạnh phúc, như bức tranh “tam đa” phúc,  lộc, thọ: nhiều con, nhiều của, nhiều tuổi): 螽斯羽詵詵兮/宜爾子孫振振兮/螽斯羽薨薨兮/宜 爾死孫繩繩兮/螽斯羽輯輯兮/宜爾子孫螫螫兮 Chung tư vũ sằn sằn hề / Nghi nhĩ tử tôn chân  chân hề / Chung tư vũ hoăng hoăng hề / Nghi nhĩ tử tôn thằng thằng hề / Chung tư vũ tập tập  hề / Nghi nhĩ tử tôn trập trập hề (Cào cào bay chụm lại chừ / Con cháu nó ắt đông ghê chừ/  Cào cào bay thành bầy chừ / Con cháu nó ắt nối dài mãi chừ / Cào cào bay nhóm lại chừ /  Con cháu nó ắt bộn bề chừ). 2. “Lân chỉ” cũng là một thiên trong Thi kinh, phần Quốc phong,  Chu Nam (thiên Lân chi chỉ), gồm ba chương nội dung nói con lân tính nhân hậu, nên ngón  chân nó cũng nhân hậu, không đạp lên bất cứ sinh vật gì, cũng như Văn vương và Hậu phi  vậy. Xem chú thích đã có.

50 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Đến lúc này lại định cung giai, nên nêu thưởng hiền tài cho rạng rỡ.  Xét xem điển cũ; 

Khen ngợi phong thêm.  

Nay đặc biệt tấn phong nàng làm Thành phi. Phi hãy:  

Nhận lấy tên hay; 

Gắng làm việc nội. 

Tuân theo khuôn phép, nhớ theo lời dạy chớ sai; 

Chịu mãi ơn vinh, đội mãi phúc lành không dứt. 

Tháng Giêng năm Bính Ngọ (1846) lại tấn phong Quý phi. Vua sai hai đại thần  Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cự bưng sách văn đến cung Khôn Nguyên tuyên phong.  Sách văn rằng: 

朕惟 

王化本原所自治國在齊家 

朝廷恩格之施由內以及外 

穀辰亶協 

芝綍孔〇(1) 

睠惟誠妃范氏 

儀禮名家 

齋莊懿行 

璜〇(2)肅雍雅範賢淑居九御之先 

螽麟洋溢和音風化贊二南之始 

歡奉懋敦壺則 

怡愉上慰慈寧 

正今四〇(3)開祥積羨仰弘于晉福 

嘉乃六宮表德榮褒洵稱于衮章 

彝典載稽 

嘉名誕錫 

茲特晉封爾為貴妃妃其 

祇承恩命 

益凜閨儀 

(1) Chữ “dương” (đưa lên, mở ra) gồm chữ “易 dịch” và bộ “攵 phộc” bên phải; thật ra đây là cách  viết khác của chữ “揚 dương”. 

(2) Chữ “vũ” (một loại đá quý dùng làm đồ trang sức) gồm bộ “玉 ngọc” và chữ “禹 vũ”. (3) Chữ “dật” (10 năm là 1 dật) gồm bộ “衣 y” và chữ “失 thất” ở giữa.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 51 

服訓惟虔丕式柔嘉之化 

承休無斁承申寵命之光(1) 

Tạm dịch 

Trẫm nghĩ:  

Vương hóa gây từ căn bản, làm việc nước tại sửa việc nhà; 

Triều đình ban xuống ân vinh, trước người thân sau ra người khác.  Ngày lành đã hợp; 

Tờ sắc nên ban.  

Mến nghĩ Thành phi họ Phạm: 

Nghi lễ tiếng nhà; 

Đoan trang nết tốt. 

Đẹp đẽ áo khăn khuôn phép, cung giai chín bậc đứng đầu; 

Sum vầy con cái thuận hòa, phong hóa hai Nam(2) gây mối. 

Vui vẻ phụng thờ hiếu đạo; 

Dịu dàng an ủi từ ninh.(3) 

Nay nhân bốn dật(4) lễ bày, sung sướng hưởng nhiều phúc lớn; 

Nên chọn sáu cung đức tốt, vẻ vang xứng với giấy khen. 

Đã xét điển thường; 

Nên ban tên đẹp. 

Nay đặc biệt tấn phong nàng làm Quý phi. Phi hãy:  

Kính vâng ân mệnh; 

Gắng giữ khuê nghi. 

Lời dạy chớ quên, giữ lấy đức hiền hòa thuận thảo; 

Phúc lành không dứt, vâng nhờ ơn yêu mến ban khen. 

Năm Đinh Mùi (1847), tháng Tám, vua Thiệu Trị bắt đầu lâm bệnh, qua tháng  Chín, bệnh trở nặng, bèn dặn dò: “後事皆奉囑托復面諭諸臣云貴妃係朕元配福德 賢明佐朕内治七年于玆朕意欲册立為皇后正位宮中惜乎事未及耳”(5) (Mọi việc  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện Chính biên. Nhị tập. Quyển nhị, tờ 4a-b.  (2) Hai Nam: Chu Nam và Thiệu Nam, hai nước chư hầu đều là dòng dõi vua nhà Chu. Phần  Quốc phong trong Thi kinh bắt đầu là ca dao của hai nước này. 

(3) Từ ninh: chỉ mẹ hay bà nội của vua. 

(4) Bốn dật: bốn chục tuổi (mỗi dật là 10 tuổi). Năm Bính Ngọ (1846) là năm tứ tuần đại khánh  của vua Thiệu Trị, nên triều đình tổ chức lễ mừng rất lớn, nhân đó, vua ban chiếu gia ân cho  thần dân khắp trong ngoài. 

(5) Đại Nam liệt truyện. Nhị tập. Quyển Nhị, tờ 6a.

52 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

về sau đều dặn dò ủy thác cho Hậu. Lại diện dụ các quan rằng: Quý phi là nguyên  phối của trẫm, là người phúc đức hiền minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã  bảy năm. Nay ý trẫm muốn sách lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc  không làm kịp mà thôi).  

Sau khi vua băng, tháng Chạp, tân Hoàng đế đem hoàng thân Phủ Tôn Nhơn và  các quan văn võ dâng biểu xin cử hành lễ tấn tôn theo lời căn dặn của Đại hành Hoàng  đế,(1) bà bảo: “余覽疏文已知皇帝及諸臣誠悃了然念先帝梓宮在殯未及百日悲戀 之衷不能自已復念皇帝尚屬冲齡未諳政體見其朝乾夕惕不暇寢食我殊深憐憫且 皇帝受天考眷命作民君師先天下之憂而憂後天下之樂而樂凡先帝之所訓皇帝之 所承要宜銘刻之於心以思圖繼述惟願諸親藩勳臣同夤協恭盡心竭力以匡輔皇帝 之天庥民安國泰余其何樂如之此皆皇帝既諸親勳元老當深思之余何必贅說哉至 如所請推尊一款不必舉行可也”(2) (Ta xem sớ văn, đã biết Hoàng đế và các quan đã  có lòng thành rồi. Nhưng nghĩ quan tài của Tiên đế còn quàn chưa đến trăm ngày, thật  lòng đau buồn luyến tiếc không thể nguôi được. Lại nghĩ hoàng thượng tuổi đang còn  trẻ, chưa am hiểu về chính thể, thường thấy buổi sớm chăm lo, buổi tối sợ hãi, không  có thời gian rảnh để nghỉ ngơi ăn uống ta rất thương xót. Vả lại, Hoàng đế nhận mệnh  lớn của trời, làm quân sư cho dân, phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau sự vui của  thiên hạ. Phàm những lời Tiên đế đã dạy bảo, mà Hoàng đế đã vâng theo, nên ghi vào  trong lòng để lo mưu toan kế tục nghiệp lớn. Chỉ mong các thân phiên công thần cùng  nhau hết lòng gắng sức giúp đỡ Hoàng đế để được hưởng phúc lâu dài, dân yên nước  thịnh thì ta còn gì vui hơn nữa. Đó là những việc mà các bậc công thần nguyên lão  nên phải suy nghĩ kỹ, ta chẳng phải nói rườm rà để làm gì. Còn như việc xin suy tôn  không nên cử hành là phải). Vị Hoàng đế trẻ tuổi phải vâng theo. 

Năm Mậu Thân (1848), tháng Giêng vua Tự Đức cho xây cung Gia Thọ làm  nơi ở của Hoàng Thái hậu (cung gọi là Gia Thọ, điện gọi là Thọ Ninh, đài tạ gọi là  Trường Du, cửa gọi là Thọ Chỉ); qua tháng Sáu, vua lại cùng các hoàng thân và đình  thần kêu xin, bà bảo hãy đợi tây cung khánh thành đã. Ngày 15 tháng Tư năm Kỷ Dậu  (7/5/1849), cung Gia Thọ khánh thành, vua rước từ giá đến nơi ở mới rồi ngày Canh  Thân 23 tháng Tư (15/5/1849), cử hành lễ tấn tôn Hoàng Thái hậu. Sách văn rằng: 

臣聞 

母道法坤德茂參夫資始 

聖人立教禮莫大於尊親 

自古帝王紹庥凝命慶善奉慈所以賁嘉釐而颺懿爍也欽惟皇母陛下 景胄流芳 

徽音允穆 

相皇考始基之化慶洽邦家 

(1) Vua mới chết mà chưa chôn thì gọi là Đại hành Hoàng đế, sau khi đã chôn (ninh lăng) mới  gọi bằng miếu hiệu hay thụy hiệu. 

(2) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 49b - 50a.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 53 

勖藐躬初政之勤利施社稷 

德邁塗山之翼夏 

望孚莘姒之熙周 

迺者 

億兆同辭 

再三 籲請 

仰惟慈懿 

彌篤謙光 

肆今長樂宮成永集天家之慶 

稽古歷朝典在亶膺太母之尊 

謹用請命廟殿親率臣工奉金冊金寶恭上皇太后尊號伏惟 

丕正嘉稱 

茂綏繁祉 

康彊迪吉億年晉紀僊齡 

昌大申祺奕世永熙純嘏(1) 

Tạm dịch 

Thần nghe:  

Đạo mẹ theo khôn, đức tốt mới tày tư thủy; 

Bậc vua lập giáo, lễ to gì sánh tôn thân. 

Từ xưa, đế vương nối ngôi chịu mệnh, dâng mẹ tên hay, là để tỏ rõ phúc lành mà  nêu cao phép tốt vậy. Kính nghĩ Hoàng mẫu bệ hạ:  

Dòng dõi họ to; 

Tiếng tăm đức tốt. 

Giúp Hoàng khảo thủa xưa sửa trị, phúc khắp nước nhà;  

Dạy trẻ thơ buổi mới siêng chăm, lợi cho xã tắc 

Công vượt Đồ Sơn phò Hạ; 

Danh ngang Sằn Tự(2) dấy Chu. 

Gần đây: 

Muôn kẻ một lời; 

Ba lần xin mãi. 

(1) Đại Nam thực lục Chính biên. Đệ tứ kỷ. Quyển Tứ, tờ 15a-17a; Đại Nam Chính biên liệt  truyện. Nhị tập. Quyển nhị, tờ 7b-8b. 

(2) Bà Thái Tự họ Tự, người ở đất Sằn, là vợ ông Cơ Xương (sau được con truy tôn là Văn  vương), sinh ra Cơ Phát, đều làm chức Tây bá nhà Thương (nên gọi là Tây bá Xương, Tây  bá Phát). Ông Phát diệt vua Trụ nhà Thương mà lập ra nhà Chu.

54 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Ngửa trông từ ý; 

Vẫn giữ khiêm nhường. 

Nay cung Trường Lạc làm xong, phúc thiên gia lâu dài tụ họp;  

Xét điển lịch triều để lại, hiệu thái mẫu thực đáng dâng lên.  

Kính cẩn xin mệnh ở miếu, điện, thân đem các quan bưng sách vàng, ấn vàng,  kính dâng tôn hiệu là Hoàng Thái hậu. Cúi xin:  

Nhận lấy tên hay; 

Hưởng nhiều phúc tốt. 

Khang cường càng khá, ức năm tuổi thọ dồi dào; 

Phồn thịnh thêm hay, nối thế phúc thuần chan chứa. 

Mùa đông năm Mậu Ngọ (1858), vua và các quan lại xin dâng tôn hiệu mỹ  tự. Thái hậu bảo: “覽奏情辭懇切已洞悉了第念享天下之奉者必憂天下之憂今年 穀未盡豐登方民未盡利樂此正當皇帝憂勤惕厲之日予心何忍恝然且予性本儉素 不尚浮葩不意今日受此尊榮每常恐懼修省之不暇况增飾虛名以重予不德乎其所 請宜罷之惟願諸公群臣靖共爾位贊襄政教使予日見太平之盛何樂如之”(1) (Xem  những lời trong bản tấu thật khẩn thiết ta đã rõ hết rồi. Nhưng nghĩ rằng được hưởng  sự phụng dưỡng của thiên hạ, nên lo cái lo của thiên hạ. Năm nay, lúa má các nơi chưa  được mùa cả, dân các địa phương chưa vui đủ cả. Đúng là lúc Hoàng đế phải chăm lo  cố gắng, lòng ta sao nỡ thản nhiên. Vả lại tính ta tiết kiệm, vốn không thích phù hoa,  không ngờ hôm nay nhận được sự tôn vinh ấy, luôn sợ hãi sửa mình không rỗi. Huống  chi tăng thêm hư danh, làm nặng nỗi bất đức của ta ư? Việc ấy xin nên bỏ đi. Chỉ mong  các vị quan lại quần thần giữ đúng chức vụ cùng mưu toan giúp việc chính giáo để ta  thấy được buổi thái bình thịnh trị, thì còn gì vui hơn).  

Mùa đông năm Mậu Thìn (1868), vua và các hoàng thân, quan lại xin nhân sang  năm gặp lễ Lục tuần đại khánh dâng tôn huy hiệu, Thái hậu vẫn khước từ: “據奏情辭 已洞悉皇帝與皇親諸臣誠悃矣第念我順天高皇后慈仁厚德慶衍邦家晉號表徽固 其宜矣老躬寡薄安敢仰企况今邊境未靖機務尚繁皇帝與臣工正切殷憂惕厲圖後 效補前過我亦何心獨樂哉若援例陳請不合辰宜甚乘予意姑且止之為妥其開年慶 節儀文宜大加省節與夫賀品亦酌辨土產一二足以表誠勿可過侈用合予意”(2) (Cứ  theo lời lẽ trong bản tấu, đã rõ hết lòng thành của Hoàng đế, hoàng thân cùng các  quan rồi. Nhưng nghĩ rằng Thuận Thiên Cao Hoàng hậu ta nhân từ đức độ, phúc tốt  khắp nước nhà, tấn phong huy hiệu cố nhiên là phải. Thân già này đức mỏng, đâu dám  ngóng cao được. Huống chi nay biên cương chưa yên, công việc bề bộn; Hoàng đế  cùng với các quan phải lo kính sợ gắng sức mưu toan, sau đó học theo những điều hữu  ích trước đây, ta còn lòng nào mà vui một mình được. Nếu vin theo lệ cũ mà tâu xin  thì không hợp thời, mà rất trái với ý ta. Hãy dừng việc đó lại thì thỏa đáng hơn. Còn về  khánh tiết sang năm, lễ nghi phải giảm bớt đi rất nhiều. Cả đến phẩm vật chúc mừng,  

(1) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 51a-51b. 

(2) Hoàng triều Ngọc điệp đệ nhị, tờ 52a - 52b.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 55 

cũng nên châm chước mà làm, dâng một hai thứ thổ sản là đủ biểu hiện lòng thành,  chớ quá xa xỉ, để hợp ý ta). Vì thế, trong lễ Lục tuần đại khánh ngày 19 (Canh Dần)  tháng Năm (Canh Ngọ) năm Kỷ Tỵ (28/6/1869), vua Tự Đức chỉ tổ chức đơn giản.  Vua sai Gia Hưng công Hồng Hưu kính đến điện Long An cáo yết, hôm sau rước từ  giá đến chiêm bái, lại sai Lễ Bộ Tả Thị lang Phan Đình Bình đến đền Đức Quốc công  kính cáo. Đến ngày chính lễ, vua thân suất hoàng thân, văn võ đại thần đến cung Gia  Thọ, sai Tuy Lý quận vương bưng kim tiên chúc mừng, Kiến Thụy công Hồng Y bưng  mâm rượu, Hoằng Trị quận công Hồng Tố bưng chén làm lễ thượng thọ.  

Năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức băng, trong di chiếu truyền ngôi lại cho Ưng  Chân, có đoạn căn dặn tự hoàng: “Tấn tôn Hoàng Thái hậu làm Từ Dụ Thái hoàng Thái  hậu, ngõ hầu báo ơn muôn phần được một phần. Tôn Trung phi làm Hoàng Thái hậu,  coi việc bên trong, dạy vua nối ngôi. Trẫm chỉ có một mẹ một con, ngày thường nương  nhờ nhau, nay không được tống chung mẹ, là trẫm đại bất hiếu. Mẹ con ngươi nên  khéo thờ Thái hoàng Thái hậu, cốt cho vui lòng, ngày càng mạnh khỏe, tiếng tốt tron  vẹn. Gia pháp bản triều rất nghiêm, từ trước không có lệ buông rèm nghe chính sự”.(1) Nhưng sau đó, trong triều xẩy ra sự cố “tứ nguyệt tam vương” (thay đổi bốn tháng ba  vua Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa, do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ  trương), mãi sau khi Ưng Lịch lên ngôi, niên hiệu Hàm Nghi, mới cử hành lễ tấn tôn  ngày mồng 3 tháng Ba năm Ất Dậu (17/4/1885). Sách văn như sau: 

臣聞 

成物惟坤德久符方厚載 

繼志謂孝禮莫大於尊崇 

蓋至厚配乎至高 

而大名歸于大德 

慶壽之尊光獻盛典可稽 

寶慈之奉宣仁隆儀斯賁 

雲霞並彩 

海宇垂輝 

欽惟皇祖母太皇太后陛下 

履順承乾 

含章應地 

贊我皇祖七年內治媲商莘周姒而有光 

奉我先皇一念孝誠備四海臼州之逮養 

卅六載母儀丕正重霄疑寶婺之輝 

億萬年天眷重申三慶誌僊桃之瑞 

福慶永垂于 孫子 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Tám, tr. 574.

56 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

利澤普施于邦家 

臣下鴻恩 

祇承先志 

皇考不忘孝深懷玉几之遺言 

小子未有知獨切瑤宮之歡奉 

發揚懿爍 

載考彝章 

茲欽奉遺詔涓吉請命廟殿几筵親率尊人府文武臣工等恭上金冊金寶晉尊 徽號慈裕太皇太后伏望 

光受鴻稱 

茂增遐祉 

履祥其還元吉愜萬方愛敬之同 

壽考以翼後生慰九廟投遺之重(1) 

Dịch nghĩa 

Bề tôi nghe rằng:  

Nuôi nên vật là khôn, đức ấy lâu nên hậu tải; 

Nối được chí là hiếu, lễ nào lớn bằng tôn sùng.  

Vì đất dày phải sánh với trời cao; 

Mà tiếng lớn ắt về người đức lớn. 

Cung Khánh Thọ tôn bà Quang Hiến, thịnh điển nên kê; 

Cung Bảo Từ thờ hậu Tuyên Nhân, long nghi khá sáng.(2) 

Dáng mây tỏ vẻ; 

Cõi biển tươi màu. 

Kính nghĩ: Hoàng tổ mẫu Thái hoàng Thái hậu bệ hạ: 

Đức thuận theo trời; 

Vẻ hay sánh đất. 

Giúp Hoàng tổ bảy năm nội trị, sánh Thương Sằn Chu Tự càng sáng tươi; Thờ Tiên hoàng một dạ hiếu thành, đem bốn biển chín châu mà nuôi nấng. Ba sáu tải cao treo gương mẹ, bóng sao Bảo Vụ rạng muôn tầng; Ức muôn năm từng thấm ơn trời, điềm quả tiên đào ghi ba cuộc.  Phúc nọ rủ cho con cháu; 

Lợi kia ra khắp nước nhà.  

(1) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 23a-25a. 

(2) Bà Quang Hiến ở cung Khánh Thọ và bà Tuyên Nhân ở cung Bảo Từ đều là Hoàng hậu về  thời nhà Tống.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 57 

Thần đội ơn to; 

Kính vâng chí trước. 

Cha kính không quên, ghế ngọc ghi sâu lời di chúc; 

Con thơ chưa biết, cung dao càng mến cuộc thừa hoan. 

Mở nêu đức tốt; 

Khảo xét phép thường.  

Nay vâng di chiếu, chọn lấy ngày lành, xin mệnh ở miếu, điện và bàn thờ, thân  đem quần thần văn võ, Phủ Tôn Nhơn, kính dâng sách vàng, ấn vàng tấn tôn huy hiệu  là: Từ Dụ Thái Hoàng Thái Hậu. Cúi mong:  

Nhận lấy tiếng khen; 

Hưởng thêm phúc lớn. 

Giữ trước cho tròn điềm tốt, để thỏa lòng kính mến muôn phương; Sống lâu để giúp người sau, được yên việc gửi trao chín miếu”.(1) 

Nguyễn Phúc Ưng Lịch, ngự danh Nguyễn Phúc Minh, con thứ năm của Kiên  Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, em của Ưng Đường (vua Đồng Khánh) và Ưng  Đăng (vua Kiến Phúc), mẹ là Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng Sáu năm Tân Mùi  (3/8/1871), được Tôn Nhân phủ Miên Định, Phụ chính phủ thần Hồng Hưu, các đại  thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật xin mệnh Thái hoàng  Thái hậu đưa lên ngôi ngày 12 tháng Sáu năm Giáp Thân (02/8/1884), đổi niên hiệu  năm sau (Ất Dậu) làm Hàm Nghi năm thứ nhất. Hội đồng Phụ chính không thông báo  cho Tổng trú sứ Pháp biết, nên họ phản đối, nhưng rồi chấp nhận với điều kiện vua  phải chịu làm lễ để họ tuyên phong như Trung Quốc trước đây. Triều đình Huế phải  nhận. Vì thế, ngày 27 tháng Sáu năm Giáp Thân (17/8/1884), khâm sứ Rheinart và  đại tá Guerrier vào cửa chính giữa Ngọ Môn, lên điện Thái Hòa, thực hiện lễ tuyên  phong. Sau đó, Pháp đòi đem quân vào đóng ở Trần Bình Đài, triều đình Huế buộc  phải chấp nhận. Tôn Thất Thuyết rất căm giận, chủ trương chống Pháp đến cùng, nên  đã ngấm ngầm chuẩn bị quân đội và chiến khu (Tân Sở, miền núi Quảng Trị), lập đội  Phấn Nghĩa để tự bảo vệ mình. Vì thế, quan hệ giữa Pháp và Việt càng thêm căng  thẳng. Đầu năm 1885, Thống tướng toàn quyền De Courcy đem quân vào Huế, ở tại  tòa sứ, mời Tường và Thuyết sang thương nghị. Thuyết cáo ốm, Tường cùng Phạm  Thận Duật đi. Y không chịu, đòi cho được Thuyết. Thuyết sợ có việc gì xảy ra chăng,  nên nhất quyết không sang, rồi “Đêm 22 tháng ấy [tháng Năm, năm Ất Dậu], Thuyết  ngầm chia quân các dinh vệ làm 2 đạo: 1 đạo sai em là Trị phòng tham biện (nguyên  ở phòng, Thuyết sức về) Tôn Thất Lệ cai quản, nửa đêm sang đò sông Hương hợp  cùng với bọn đề đốc Thủy sư và hiệp lý đánh úp tòa sứ. Thuyết tự cùng với bọn Phấn  Nghĩa chưởng vệ là Trần Xuân Soạn làm 1 đạo đánh úp đài Trấn Bình, doanh Nam  

(1) Tham khảo bản dịch trong Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Chín, tr.129-130; Đại Nam liệt truyện.  Sđd. Tập 3-4, tr. 52.

58 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Pháp, Nguyễn Văn Tường không biết gì hết. Thuyết phân bố xong, bèn ở lúc đầu trống  canh tư (tức ngày 23), bắt đầu nổ súng ở đài Trấn Bình, tiếng kêu càng động”.(1) Khi  nghe tiếng súng nổ, “Văn Tường ở bộ Lại đương ngủ. Thự tham tri bộ Binh là bọn  Hoàng Hữu Thường nghe tiếng súng nổ, tức thì đến gõ cửa báo Văn Tường biết”. Bấy  giờ, Tường mới hốt hoảng chạy vào cửa Hiển Nhân, đến Tả vu, “một lát xin mở cửa  Hòa Bình đến chỗ Thuyết điều khiển, nhìn trông biết là thất bại rồi, lại vào Tả vu tâu  xin vua xuất hành, trong khi vội vã, chỉ soạn được cái ấn ở ngự tiền văn lý mật sát và  ấn kiềm 2 quả với hạng để vàng bạc đồ đệ đem theo”, “Dùng Hữu quân đô thống là  Hồ Văn Hiển phù xe, giờ Thìn hôm ấy bắt đầu từ cửa tây nam ra. Văn Tường vâng ý  chỉ của Thái hoàng Thái hậu và lưu lại giảng hòa, tức thì đi tắt vào nhà thờ đạo Kim  Long. Thuyết ra sau gặp giá, bèn một mình hộ chuyển đi đến trường thi…”(2) Sự kiện  đêm 22 rạng 23 tháng Năm năm Ất Dậu (đêm 4 rạng 5/7/1885) ấy, đời sau gọi là cuộc  binh biến Ất Dậu, thất thủ kinh đô. Nguyễn Văn Tường vào nhà thờ Kim Long, nhờ  giám mục Lộc làm môi giới để về “đầu thú” với De Courcy; y đồng ý nhưng bảo ông  phải đưa vua và Tam cung về, hạn trong ba tháng. Bấy giờ Kinh Thành đã bị giặc tàn  phá và chiếm đóng, nên Tường phải ra làm việc tại Thương Bạc. 

Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi xuất bôn, ra sơn phòng Quảng Trị,  nhưng không đến được Tân Sở, nên phải vòng qua Lào ra miền núi Hà Tĩnh và Quảng  Bình, ban hịch Cần Vương ngày mồng 2 tháng Sáu năm Ất Dậu (13/7/1885) và tổ  chức kháng chiến. Trong lúc đó, xa giá Tam cung (Thái hoàng Thái hậu Phạm Thị  Hằng, Hoàng Thái hậu Vũ Thị Duyên, Hoàng Thái phi Phan Thị Điều) từ Quảng Trị  lên đường trở về Huế (14/7/1885), trú tất tại Khiêm Lăng vì Kinh Thành chưa ổn định  (16/7/1885). Ngày 18/7/1885, Tam cung chỉ định Thọ Xuân Vương Miên Định quyền  coi việc nước (nhiếp lý quốc chính). Ngày 27 tháng Sáu (1885), Pháp giao trả lại Kinh  Thành, Nhiếp chính vương Miên Định và Nguyễn Văn Tường mời Tam cung trở về  Đại Nội. Thái hoàng Thái hậu bảo: “玆聞大法國都統大臣欽使大臣好意還我城池 要迎我輩回宮甚是歡喜然我輩婦人非諸國政況我國家法從無垂簾之政須當先定 

帝位有以主之然後我輩還宮方為妥合宜商問如何回覆既”(3) (Nay nghe Đại Pháp  quốc Đô thống đại thần, Khâm sứ đại thần có ý tốt trả lại Kinh Thành cho ta, đón lũ ta  về cung, ta rất vui mừng. Nhưng lũ ta đàn bà không hiểu quốc chính. Hơn nữa, phép  nhà nước ta từ trước không có phép Hoàng hậu ngồi trong mành nghe chính sự, nên  trước định ngôi vua có người làm chủ, rồi sau chúng ta về cung mới là thỏa đáng. Nên  bàn nói thế nào trả lời cho biết). Vua Hàm Nghi vẫn kháng chiến ở vùng rừng nùi Hà  Tĩnh. Hết hạn, vẫn không “chiêu hồi” được vua, Nguyễn Văn Tường bị giải xuống  tàu đày đi Côn Đảo, đưa sang Tahiti ngày 5/9/1885, rồi ông chết ở đó. Triều đình  Huế vời hai đại thần từ Bắc Kỳ về là Võ Hiển Điện Đại học sĩ sung Cơ Mật Viện đại  thần Nguyễn Hữu Độ và Hộ Bộ Thượng thư sung Cơ Mật Viện đại thần Phan Đình  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Chín, tr. 138-139. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Chín, tr. 139.  (3) Đại Nam liệt truyện. Chính biên nhị tập. Quyển Tam, tờ 28b.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 59 

Bình, lãnh ý chỉ của Thái hoàng Thái hậu, hợp cùng Pháp là Toàn quyền đại thần De  Courcy, trú kinh Khâm sứ đại thần De Champeaux đưa Ưng Đường lên ngôi,(1) ngự  danh là Nguyễn Phúc Biện. Lễ đăng quang diễn ra ngày 11 tháng Tám năm Ất Dậu  (19/9/1885), niên hiệu Đồng Khánh (kể từ ngày mồng 1 tháng Mười năm Ất Dậu).  Tân Hoàng đế đem quần thần đón từ giá về cung như cũ, rồi năm Đinh Hợi, tháng Tư  nhuận ngày 20 (12/5/1887), dẫn các hoàng thân, đại thần bưng sách vàng ấn vàng đến  cung Từ Thọ tấn tôn huy hiệu Từ Dụ Bác Huệ Thái Hoàng Thái Hậu. Sách văn viết: 

竊聞  

因親教愛帝王之上儀  

榮號歸尊古今之鉅典  

蓋惟有天下之大德  

必宜受天下之大名  

欽惟聖祖母慈裕太皇太后陛下  

沙麓呈祥  

香蘭兆慶  

佐我憲祖七年之治化翼夏塗山  

啟我翼宗三紀之昇平熙周姜后  

美利施于社稷  

德化洽于邦家  

肆惟冲人嗣有丕緒  

坤元厚載寔多燕翼之留貽  

謙德尊光難罄鴻名之報稱 

謹率群臣奉金冊金寶上尊號曰慈裕博惠太皇太后伏惟  

徽稱丕正  

闓澤誕敷  

穀貽培仁厚之基樂天下亦憂以天下  

飴弄引康彊之祉燕文子以及于文 孫(2) 

(1) Nguyễn Phúc Ưng Thị (Thị hay Kỹ: bên tả chữ “豆 đậu”, bên hữu chữ “支 chi”), là con đầu  của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876), cháu nội vua Thiệu Trị, mẹ là Bùi  Thị Thanh (? - 1900), sau tấn phong Hoàng thúc mẫu. Ông sinh ngày 12 tháng Giêng năm  Giáp Tý (19/2/1864), lúc hai tuổi được vua Tự Đức chọn làm con nuôi, gọi là Hoàng nhị tử  (1865), đổi tên Ưng Đường, giao cho bà Thiện phi Nguyễn Thị Cẩm (con ông Nguyễn Đình  Tân) chăm sóc. Năm 1879, ông được xuất các, ra ở học tại Chính Mông Đường trong Thị Vệ  Xứ, rồi dời dựng ở phía tả Dục Đức Đường (1881); tháng Giêng năm Quý Mùi (1883) được  phong Kiên Giang quận công (1883). Tháng Chín năm Giáp Thân (1884), ông có lỗi, bị giáng  Kiên Giang hầu.  

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập.Quyển tam, tờ 21a-22a.

60 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Tạm dịch 

Trộm nghe: 

Mẹ cha yêu dạy, phép tốt của đế vương; 

Tên hiệu tôn xưng, điển hay từ cổ đại. 

Cho nên có đức lớn trong thiên hạ, 

Ắt cũng có tên to ở quốc gia. 

Kính nghĩ Thánh tổ mẫu Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu bệ hạ: 

Sa Lộc bày điềm lành;(1) 

Hương Lan gây phúc tốt. 

Giúp Hiến Tổ ta bảy năm trị hóa, đỡ Hạ Đồ Sơn; 

Mở Dực Tông ta ba kỷ thăng bình, dấy Chu Khương Hậu. 

Đẹp đẽ vun bồi đền miếu; 

Sáng tươi nhuần gội nước nhà. 

Nay con trẻ này được nối nghiệp lớn: 

Khôn nguyên dày chở, giúp cho con cháu rất nhiều; 

Khiêm đức sáng tôn, báo đáp tiếng thơm khó xứng. 

Kính dẫn các quan mang sách vàng bửu vàng dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bác Huệ  Thái Hoàng Thái Hậu. Cúi nghĩ: 

Tên hay chính đáng; 

Ơn lớn dẫy đầy. 

Ăn cơm nghĩ bồi nền nhân hậu, vui dân rồi lại phải lo dân nữa. 

Ngậm đường chơi nuôi sức khang cường, giúp con trước rồi lại đỡ cháu sau. 

Sau khi lên ngôi, gặp lễ Bát tuần khánh thọ của Thái hậu, vua Thành Thái dẫn các  quan Tôn Nhơn Phủ và các đại thần đến cung Gia Thọ xin dâng thêm tôn hiệu. Thái  hậu từ chối, bảo nay chỉ mong cho nước thịnh dân yên mà thôi. Phải sau mấy lần nài nỉ,  Thái hậu mới chịu. Ngày 15 tháng Tư năm Kỷ Sửu (14/5/1889), vua Thành Thái tấn tôn  thêm huy hiệu Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái Thái Hoàng Thái Hậu. Sách văn rằng: 

巽中正以介福協眷佑於三靈 

坤光大而應天寓包涵於萬有 

蓋有天下之大德 

宜受天下之崇名 

於赫昌期 

(1) Sa Lộc: tên núi, Hán thư, Nguyên Hậu truyện chép: núi Sa Lộc lở là điềm có thánh nữ (chú  của sách Đại Nam thực lục); núi Sa Lộc lở, sau 80 năm có thánh nữ sinh. Xem Bộ văn vận  phủ, chữ lộc (chú của sách Đại Nam thực lục).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 61 

賁玆茂典 

欽惟聖曾祖母慈裕博惠太太皇太后陛下 

岳曜靜德 

淵塞芳猷 

襄 治化於七年塗山興夏 

啟憂勤於三紀文母隆周 

方天步之多艱 

仰聖心之默運 

大計既定臣民有主 

至誠所發社稷以安 

家用平康 

民皆仁壽 

是惟懋九疇而斂福曰康曰壽 

攸兼普八表以揚庥其寔其名 

備至况玆藐質祗受丕基 

值八秩之晉祺 

切萬安之尊奉 

雖謙謙自牧讓大美而弗居 

顧蕩蕩難名諒徽稱之宜襲 

謹率皇親文武廷臣奉金冊金寶恭上尊號曰慈裕博惠康壽太太皇太后伏惟 鴻名丕正 

茂教對揚 

久道化成歷四世為天下母 

安貞薦祉合四海為一家春 

庶乎曾孫篤之 

俾以茀祿康矣(1) 

Tạm dịch 

Quẻ Tốn thẳng ngay gần với phúc, cùng yêu mến giúp ba linh; 

Quẻ Khôn lớn sáng sánh với trời, ngụ bao trùm khắp muôn vật 

Hễ có đức dày trong thiên hạ; 

Ắt được thiên hạ cùng tôn danh. 

Rạng rỡ thời lành; 

Vẻ vang điển lớn. 

(1) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Quyển nhất, tờ 36b-37b; Đại Nam Chính  biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 33a-34a.

62 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Kính nghĩ Thánh tằng tổ mẫu Từ Dụ Bác Huệ Thái Thái Hoàng Thái Hậu bệ hạ: Đức như núi sáng; 

Trí tựa vực sâu. 

Giúp việc trị hóa bảy năm, Đồ Sơn dấy Hạ; 

Mở tính ưu cần ba kỷ, Văn Mẫu hưng Chu. 

Vừa rồi quốc bộ khó khăn; 

May được thánh tâm giúp đỡ. 

Kế lớn định xong, thần dân có chủ; 

Lòng thành tỏ rõ, xã tắc đã yên. 

Nhà được an lành; 

Dân đều khỏe mạnh. 

Ấy chỉ nhờ tốt chín loài mà thu phúc, vừa khang vừa thọ; 

Lại còn gồm vui tám cõi mà ra ơn, có thực có danh. 

Huống chi nay tuổi còn thơ ấu mà nhận ngôi to: 

Gặp lúc tuần thọ tám mươi; 

Nên đặt lễ tôn muôn phúc. 

Tuy khiêm nhường tự hạ, để tiếng tốt không màng; 

Mà rộng lớn khôn lường, chọn tên hay phải tiến. 

Kính dẫn hoàng thân, văn võ đình thần đem sách vàng bửu vàng kính dâng tôn  hiệu là Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái Thái Hoàng Thái Hậu. 

Cúi nghĩ: 

Hồng danh chính đáng; 

Đức tốt cao nêu. 

Đạo dạy đã nên, trải bốn đời làm mẹ trăm họ; 

Trinh an được phúc, họp bốn biển làm xu4. bàân một nhà. 

Hầu để tằng tôn cố gắng; 

Mong cho lộc vị an khang. 

Năm Kỷ Hợi (1899), ngày 19 tháng Năm (26/6/1899), lễ Cửu tuần đại khánh,  đồng thời mừng Ngũ đại đồng đường (hoàng tử thứ ba Vĩnh Trân chào đời ngày 11  tháng 11 năm Kỷ Hợi (13/12/1899), vua Thành Thái đích thân dẫn hoàng thân, đại thần  văn võ và đại diện chính phủ Bảo hộ tới cung Gia Thọ dâng lễ mừng. Ngày mồng 5  tháng Tư năm Tân Sửu (22/5/1901) bà ốm rồi mất, quan tài đặt tại cung Gia Thọ; ngày  27, bắt đầu xây dựng sơn lăng (theo quy mô của lăng Hiếu Đông) trong Vạn niên đại  cát cục bên trái Xương Lăng (ở sơn phận xã Cư Chánh, huyện Hương Trà). Ngày mồng  10 tháng Năm Tân Sửu (25/6/1901), vua Thành Thái làm lễ tấn tôn thụy là Nghi Thiên 

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 63 

Tán Thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai Túc Huệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng  Hậu (thường gọi tắt là Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu. Ngày 22 cùng tháng, cử hành  lễ Ninh lăng: “丁丑 (十三日)帝具衰杖親率群臣詣几筵行啟告禮癸未(十九日)題 神主于尊宮綵殿是日行啟奠禮前二日有司放筒七聲靈駕發嘉壽宮帝步送至彰德 蘆殿御車(各塗青色)隨後皇太后御軟輿先至御舟恭俟靈駕至京城南門津次登舟 由水程進二十一日抵居正尋起陸至日庚寅刻奉安玄宮于昌陵之左恭上陵名曰昌 壽陵奉安聖位于謙陵良謙殿奉翼尊英皇帝遺囑也”(1) Ngày Quý mùi (ngày 19) đề  thần vị ở thái điện tôn cung, hôm ấy khải cáo trước án cúng. Hôm sau hữu ty phóng bảy  tiếng pháo, linh giá ra cung Gia Thọ, vua đi bộ đưa tới điện cỏ Chương Đức thì lên xe  (đều sơn màu xanh) theo sau, Hoàng thái hậu ngự kiệu mềm tới ngự chu trước kính chờ  linh giá. Tới bến Nam Môn ngoài kinh thành lên thuyền theo đường thủy đi, ngày 21 tới  Cư Chính lên bộ. Đến giờ Canh Dần hôm ấy kính an huyền cung bên trái Xương lăng,  kính dâng tên lăng là Xương Thọ, kính an thánh vị ở điện Lương Khiêm trong Khiêm  lăng, là theo di chúc của Dực tông Anh hoàng đế.(2) 

Bà là người phụ nữ sắc sảo, thông minh và có đức độ. Trong đời sống hàng ngày,  bà luôn dè sẻn, không bao giờ xài phí, “后自居嘉壽宮以來雖尊極域中養以天下而 自奉儉約一切服用皆尚樸素不異昔辰常謂自省不能有所作為以益國家況敢侈於 自奉故凡事節儉取足而已不有妄費”(3) (Từ khi Hậu đến ở cung Gia Thọ đến nay,  mặc dù đã tôn lên đến bậc cao quý ở trong nước được thiên hạ phụng dưỡng, nhưng vẫn  kiệm ước, tất cả quần áo đồ dùng đều còn mộc mạc vốn không khác lúc trước. Thường  bảo rằng: tự xét thấy không thể làm được gì ích lợi cho nước nhà, sao dám tự xa xỉ.  Cho nên mọi việc tiết kiệm đủ dùng mà thôi, không có lãng phí bậy). Sáp vàng đốt hà  tiện, còn thừa cất vào kho, ví như máu mỡ của dân, để lại cho nhà nước dùng. Những  đồ ngự dụng chỉ toàn quạt giấy nan tre, chén bát nứt rạn, túi đựng hạt thủy tinh xoa mặt  đã cũ, người hầu xin đổi cái mới, bà không cho, vì “若換新項久置之亦舊不如仍舊何 必換”(4) (Nếu đổi cái mới, để lâu nó cũng cũ đi, chẳng như cái cũ, hà tất phải đổi). Đến  việc thờ cúng nơi từ đường, tôn miếu, bà cũng khuyên nên vừa phải, cốt thành kính mà  thôi. Đối với hoàng thân, công chúa thường kêu xin vì thiếu thốn, bà bảo; “此由不能節 儉所致若能儉得一分則有一分之益蓋俸禄足以度用量入以為出隨辰豐嗇稱家所 有至匱乏失體乃狃於奢侈雖家資已乏而專事浪費其用常豐乃妄加干貸以快目前 一受債則息日生終無了期安得不乏”(5) (Đấy là do không biết tiết kiệm mới đến như  vậy. Nếu tiết kiệm được một phân thì có thêm một phân. Bởi bổng lộc đủ chi dùng, liệu  thu mà chi, tùy lúc cân nhắc thiếu đủ. Nhà có thế nào tiêu thế ấy, làm gì đến thiếu thốn  thất thể. Mà quen thói xa xỉ, tuy nhà đã thiếu thốn mà chỉ lo việc phung phí, muốn cho  đầy đủ bèn đi vay để tiêu cho sướng trước mắt. Đã mắc nợ rồi thì lãi đẻ ra không bao  

(1) Đại Nam thực lục. Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Quyển Thập tam, tờ 28a-29a. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2011). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Cao Tự  Thanh dịch. Nxb Văn hóa Văn nghệ. TP. Hồ Chí Minh, tr. 370-371.  

(3) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 11b. 

(4) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 12b. 

(5) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 13b-14a.

64 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

giờ trả xong, làm sao chả thiếu?). Đối với họ ngoại, bà không cho “thỉnh thác” dựa thế  để chạy chọt làm quan, như: “有不好學者求為侍衛后聞之曰戚里中人不患不達惟 患不才故已優給粮錢定其家室使之專心學問幸登科第以振家聲不謂朽木難雕怠 於進修喜於奔兢誠負作成至意且侍衛必有職事無故豈應濫居況戚里縱有補官亦 只奉朝請而已豈可率爾拔擢從政預事若徇其所請則戚里中人皆可官之乎殊失老 躬之意”(1) (Có người không thích học, xin làm thị vệ. Hậu nghe thấy, bảo rằng: Người  trong thích lý, không lo không hiển đạt, chỉ lo không có tài. Cho nên đã ưu cấp tiền  gạo, làm cho cửa nhà, khiến chuyên tâm học hỏi, may mà thi đỗ, làm nổi tiếng nhà, chứ  không như cây gỗ mục chẳng đục chạm gì được, lười việc tu tiến, thích đi cầu cạnh, phụ  ý tác thành. Vả lại chân thị vệ vốn có chức có việc, vô cớ há nên bổ bừa. Hơn nữa, thích  lý nếu được bổ quan cũng chỉ vâng chầu hầu mà thôi, há được tự dưng đưa lên cho dự  vào chính sự à! Nếu cứ theo như lời xin thì những người trong thích lý ai cũng cho làm  quan ư? Thực là trái ý thân già này). 

Đối với bản thân, bà không ham thích danh vọng, không ưa dùng đồ trân quý,  không bao giờ “có mới nới cũ”. Mỗi lần các Hoàng đế xin tôn phong huy hiệu, bà  thường từ nhượng, không chỉ từ khi đất nước gặp khó khăn về sau, mà cả khi đang  hồi thịnh vượng. Đối với Hoàng đế cũng vậy, bà luôn luôn khuyên con ăn uống cẩn  thận, cốt đủ chất dinh dưỡng, không cần phải cao lương mỹ vị. Trong dịp Ngũ tuần đại  khánh tiết (lễ Vạn thọ) của con năm Mậu Dần (1867), bà dụ: “惟予與女同病相憐惟 

疾之憂獨是家中相識維憂用老喜同天下貴年計十載始遇一年國有大慶禮當行也 合萬心亦同一理人共尊親情可已乎是謂合萬心以事親斂五福以錫庶幾和平致福 允宜勉彊而行若夫從來尚紛葩與爾亦同質樸家物有何珍貴是示肴奇慶年非比尋 常豈應忽略食雖彊體未表吾顧復之深懷物以將情正望子康彊之如願且爾飲食素 少嬴瘦增多肴羞經飭益精恐非爽口鹹萊亦為便用可助加餐爾宜領此至真予自笑 其近野”(2) (Chỉ ta và con cùng bệnh thương nhau. Chỉ lo đau ốm là việc trong nhà biết  

với nhau; chỉ cứ lo lắng mà già đi. Vui cùng với thiên hạ quý trọng tuổi tác. Cứ mười  năm mới gặp một năm, nước có lễ mừng to, đáng làm như vậy. Hợp muôn người cũng  cùng một lẽ; người ta cùng nhau tôn thân, tình há thôi được sao? Thế là hợp muôn lòng  để thờ đấng thân, thu lấy năm phúc để ban cho thần thứ. May ra được phúc hòa bình,  cũng nên miễn cưỡng mà làm. Còn như từ trước ta không thích xa hoa, cũng chất phác  giống mọi nhà. Vật có gì là quý báu, ấy là để tỏ ra lạ lùng; lễ mừng tuổi không phải  tầm thường, há lại sơ sài ư? Ăn cho khỏe người, chưa tỏ lòng ta coi sóc; vật để tỏ tình,  chính mong con được khỏe mạnh. Vả con ăn uống vốn ít ỏi, gầy còm thêm nhiều. Thịt  thà vẫn sai làm kỹ càng, sợ chưa ngon miệng; dưa muối cũng là tiện dụng, giúp cho  ăn thêm cơm. Con nên lĩnh lời ta đó; ta cũng tự cười mình quê mùa).  

Vua Tự Đức cũng là người con rất hiếu nghĩa, trả lời mẹ bằng một bài văn, có  đoạn: 有云 介福受于餘慶知命屆茲正上欲慰夫歡奉下重拂夫輿情斟酌長宜撙節 浮費有成典在臣何心哉想家庭樂以天真忽珍品特蒙慈惠有云嘉言拜受變色祇承 

(1) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 14b-15a. 

(2) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tam, tờ 1a-b.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 65 

水陸萃一筵洵稱富有四海酸鹹和五味豈惟美擅八珍有云惟是鹹功潤下萊氣寬中 其味彌長其香彌後食之所急雖貴不可不須蓄以禦冬居官不可不識臣因增玉飯誠 若綸音(1) (Có câu rằng: Phúc lớn mới nhờ được ơn thừa. Từ tuổi năm mươi đến nay  chính thọ, trên muốn vui lòng mẹ, dưới để thuận tình dân, nên châm chước cho hợp  thời, bỏ bớt tổn phí vô ích, làm thành phép tắc vậy. Con đâu có lòng nào khác. Tưởng  nghĩ gia đình vui bởi tính trời chân thực, bỗng lại được mẹ đặc biệt cho vật quý báu. Lại  có câu rằng: Lời hay lạy nhận, sắc đổi kính vâng. Đồ dưới nước và đồ trên bộ họp lại  một mâm, thực là giàu có bốn biển; chua mặn hòa năm vị, há chỉ cần đủ bát trân. Lại có  câu rằng: Chỉ là vị muối nhuận trường, khí rau mát ruột, vị ấy ngon lâu, hương ấy càng  đậm; thức ăn cần kíp, dù quý không thể không dùng; ăn để chống rét, làm quan không  thể không hay. Bề tôi nhân ăn thêm cơm, thực là theo lời mẹ dặn). 

Bà cũng rất thích đọc sách lịch sử, mỗi khi nhàn rỗi thường đem ra đọc để “biết  điều thiện điều ác, điều thiện làm gương, điều ác làm răn”, ông vua con mỗi lần đến  chầu hầu, cũng đều đọc cho mẹ nghe “nhị thập tứ sử” của Trung Hoa. Bà luôn có  những nhận định sâu sắc về những sự kiện hay dở, và lấy đó làm bài học để khuyên  con cẩn thận trong chính sự, như “讀齊魏相問有寶否句云得此四臣勝珠寶十倍故 

謂所寶惟賢信夫讀至秦事云秦專用刑法不修仁德又殺扶蘇蒙恬信用趙李斯故不 長久可見立國惟尚仁義乃可久遠矣”(2) (Đọc đoạn vua Tề vua Ngụy hỏi nhau có gì  quý không, câu nói: được bốn bề tôi giỏi quý hơn mười lần châu báu. Cho nên bảo  rằng: chỉ người hiền là quý, thật như thế. Đọc đến chính sự đời Tần thì nói rằng: nhà  Tần chuyên dùng hình pháp, không làm điều nhân đức. Lại giết Phù Tô, Mông Điềm,  tin dùng Triệu Cao, Lý Tư, cho nên không được lâu dài. Xem như thế thì biết dựng  nước phải chuộng nhân nghĩa mới lâu dài được).  

Bà không bao giờ “buông rèm thính chính”, và cho đó không phải là việc làm  của đàn bà, nhưng những khi con vào cung Gia Thọ chầu hầu, bà thường nhỏ to nhắc  nhở con về việc đắc thất trong đường lối trị nước, về việc “dụng nhân như dụng mộc”  (dùng người như dùng gỗ) sao cho thích hợp để họ phát huy hết tài năng: “為政在 

乎得人得人則吏稱職民安其業今朝廷恩澤屢加而民瘼猶聞非貪官所致乎若官得 其人則國家無憂矣又曰官職雖有大小之殊而無賢庸之別一縣雖小而得公正一人 治之則恩威所加亦足以濟用人可不慎歟”(3) (Làm chính trị cốt có được người giỏi,  người giỏi thì quan được tôn chức, dân được yên ổn làm ăn. Nay, triều đình luôn ban  ân trạch, mà sự đau khổ của dân vẫn thường nghe thấy. Chẳng phải do quan tham nên  mới như vậy sao? Nếu được người quan tốt thì nước nhà không gì phải lo. Lại nói:  quan tuy có lớn nhỏ khác nhau, còn quan tốt hay quan hèn thì không phân biệt lớn nhỏ.  Một huyện tuy nhỏ mà có được một người công chính để cai trị thì ân uy cũng đủ khắp  nơi. Dùng người há chẳng lẽ không nên cẩn thận ư?). 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 2. Quyển 3, tờ 1b-2a.  (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 2. Quyển 3, tờ 15b-16a. (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 2. Quyển 3, tờ 20a.

66 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

5. Bà Vũ Thị Duyên (1828-1902) 

Vũ Thị Duyên là con gái ông Ngự tiền đại thần Thái tử Thái bảo Đông Các Đại  học sĩ Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc Đại phu Lệ quốc công Vũ Xuân Cẩn,(1) mẹ là Lệ  Quốc nhất phẩm phu nhân họ Trần. Người làng Hòa Luật, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng  Bình (nay là làng Hòa Luật Nam, thuộc xã Cẩm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng  Bình). Bà sinh ngày 12 tháng Năm năm Mậu Tý (23/6/1828), bà vốn húy danh là Hài,  ngự danh là Duyên.(2) Lúc bé được học hành, thích đọc sử sách, tính nết dịu dàng, đoan  trang. Năm Quý Mão (1843), bà được tuyển vào hầu hoàng tử Hồng Nhậm nơi tiềm  để, vua Thiệu Trị và Hoàng Thái hậu khen ngợi yêu thương vì đức hạnh. Năm Mậu  Thân (1848), vua Tự Đức lên ngôi, phong bà làm Cung tần. Năm Canh Tuất (1850),  vua định lại cung giai, phong lên Cần phi, bậc ba, sách văn viết: 

奉若天道次星式列于宸垣御于家邦內宮寔襄夫王化  

宮階有序  

禮命宜加  

睠惟宮嬪武氏  

喬閥標芳  

瓊姿表淑  

內洽式修齊之化婦道恪循  

上事嫻婉娩之儀慈心允慰  

式稽彝典  

用侈殊恩  

茲特晉封為勤妃爾其  

祇 佩 恩 榮  

彌敦素履  

陳圖顧史思弼佐夫王風  

議福論仁尚長膺于寵渥(3) 

(1) Vũ Xuân Cẩn (1772-1852) người xã Hòa Luật, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Bình, xứ Thuận  Hóa (nay là làng Hòa Luật Nam, thuộc xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), trước  thi đỗ Cống sĩ, năm Tân Dậu (1801), Nguyễn vương khôi phục kinh thành Phú Xuân, ông  vào cửa quân yết kiến và được thu dụng. Ông làm quan trải 4 đời vua Gia Long, Minh Mạng,  Thiệu Trị và Tự Đức, có chính tích tốt, nhiều lần được vua khen ngợi, thăng dần đến thự Đông  Các Đại học sĩ, lĩnh Hình Bộ Thượng thư, gia hàm Thái tử Thái bảo. Năm Nhâm Dần (1852),  ông về nghỉ hưu, rồi mất vào tháng 4 (âm lịch) năm ấy, vua chuẩn cấp tiền tuất ưu hậu, sai  quan đến tế, ban tên thụy Văn Đoan, sai Bộ Lễ lập đình dựng bia ở cửa làng, biển ngạch đề “ 

四朝元老 Tứ triều nguyên lão”, khắc bài thơ và bài minh của vua làm. Năm 1858, vua Tự Đức  cho thờ ông trong đền Hiền Lương tại Kinh đô Huế.  

(2) Theo Hoàng triều Ngọc điệp. Đệ nhị tờ 101a. 

(3) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tứ, tờ 1b-2a.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 67 

Tạm dịch 

Kính vâng theo đạo Trời, ngôi sao thứ bày trong vườn vua, quan hệ đến nước  nhà, ở trong cung thực giúp cho vương hóa. 

Cung giai có bậc; 

Lễ mệnh nên thêm. 

Mến nghĩ Cung tần Vũ thị: 

Dòng lớn ngát thơm; 

Dáng quỳnh nêu tốt. 

Giúp trong nội cung nghi sửa đặt, đạo vợ siêng năng; 

Thờ bề trên cử chỉ dịu dàng, lòng từ vui vẻ. 

Dựa theo điển cũ; 

Tỏ rõ ơn to. 

Nay đặc biệt tấn phong làm Cần phi. Nàng hãy: 

Kính đội ơn vinh; 

Càng chăm nết tốt. 

Bày đồ xem sử, để giúp đỡ cho vương phong; 

Bàn phúc luận nhân, mà cưu mang mãi sủng mệnh. 

Tháng Giêng năm Canh Thân (1860), vua bảo các quan Bộ Lễ: “去年恭遇我聖 慈五旬大慶節奉慈諭云内庭妃嬪善事老躬十二年于玆宜晉擢以勸勤事而肅宮儀 欽奉玉音不敢違越第以戎事未遑姑且緩之今又奉慈旨詢及適因春韶布令慶澤均 行正可推恩用弘慈惠乃晉封為純妃”(1) (Năm ngoái kính gặp lễ Ngũ tuần đại khánh  

tiết của Thánh Từ ta, kính vâng từ dụ rằng: “Phi tần nội đình phụng dưỡng thân già  này rất tốt. Đến nay đã mười hai năm, nên tấn phong để khuyến khích sự siêng năng  công việc mà giữ nghiêm phép tắc trong cung”. Kính vâng lời ngọc không dám trái,  nhưng việc quân chưa rỗi, tạm hoãn. Nay vâng từ chỉ, gặp lúc tiết xuân sáng sủa, ban  bố phúc trạch đều khắp, cũng nên suy ân để tỏ rõ lòng mẹ. Bèn tấn phong làm Thuần  phi). Sách văn rằng: 

天文次星妃位寔為之佐宸宮內職寵秩用褒其賢  

穀旦載諏  

祇音誕播  

睠惟勤妃武氏  

勳賢令閥  

淑慎貞姿  

端莊茂著芳徽內治迪修齊之化  

勤恪彌敦善行上事嫻婉順之儀  

(1) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tứ, tờ 2a-2b.

68 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

怡愉上慰慈寧  

嘉獎稠蒙厚眷  

奉 

 聖壽襄逢盛典  

推恩先自近周  

諄祇奉於玉音肆韶光恰值元辰  

施惠始於春首褒寵宜弘夫湛闓  

茲特晉爾為純妃爾其  

榮承恩遇  

佩服訓彝  

壺教協修愈穆柔嘉之範  

衮章榮耀永覃渥澤之霑(1) 

Tạm dịch 

Ngôi sao thứ hai [của chòm Tử Vi](2) trong thiên văn là ngôi Phi, chức bên trong  giúp đỡ cung vua, phong cho bậc cao để khen đức độ giỏi giang. 

Chọn được ngày lành; 

Ban ra giấy quý. 

Mến nghĩ Cần phi họ Vũ: 

Vốn nhà dòng dõi; 

Bẩm tính hiền hòa. 

Đoan trang rõ rệt tiếng thơm, việc trong nội khéo khôn xếp đặt; 

Chăm chỉ tràn trề nết tốt, thờ đấng thân ngoan thuận chăm nom. 

Giúp cho lòng mẹ yên vui; 

Đã được nhiều lần khen thưởng. 

Thánh thọ nay làm lễ lớn; 

Suy ân trước ở nơi gần. 

Đinh ninh lời ngọc dặn dò, ánh sáng đẹp chan hòa trời đất;  

Rạng rỡ đầu xuân ân ái, ơn móc nhuần dào dạt cung vi. 

Nay đặc biệt tấn phong nàng làm Thuần phi. Nàng hãy: 

(1) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tứ, tờ 2b. 

(2) Ngôi sao thứ hai: chỉ người vợ thứ (vợ lẽ) trong nhà theo chế độ đa thê ngày xưa (một  chồng nhiều vợ). Bài Tiểu tinh trong mục Thiệu Nam phần Quốc phong, Thi kinh, có hai đoạn  (chương), đoạn thứ nhất: 彗彼小星/三五在東/肅肅宵征/夙夜在公/實命不同 Huệ bỉ tiểu tinh /  Tam ngũ tại đông / Túc túc tiêu chinh / Túc dạ tại công / Thực mệnh bất đồng (Kia những sao  nhỏ / Năm ba ngôi đông / Đêm đi gọn ghẽ / Sớm hôm việc công / Phận chẳng tương đồng  [với bà chính]).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 69 

Vinh vâng ơn hậu; 

Kính giữ lời khuyên. 

Khuôn phép sửa sang, luôn giữ nếp nề mềm dịu; 

Giấy tờ rạng rỡ, mãi nhuần mưa móc nồng nàn. 

Năm Tân Dậu (1861), cải phong Trung phi, sách văn như cũ, chỉ đổi chữ huy  hiệu. Năm Kỷ Tỵ (1869), vua giao con nuôi Hoàng trưởng tử Ưng Chân cho phi  trông nom. Ưng Chân vốn là con thứ hai của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y  (1833-1877), cháu nội vua Thiệu Trị, mẹ là Trần Thị Nga (1832-1911), nguyên tên là  Ưng Ái, sinh ngày 4 tháng Giêng năm Quý Sửu (11/02/1853), được vua Tự Đức chọn  làm dưỡng tử. Tháng Chín năm Kỷ Tỵ, Tự Đức 22 (1869), vua xuống dụ: “朕以涼 

德冲齡早承大統柰稟薄命蹇事繁過重疾病牽纏又不識黄老岐扁之術嗣續遲艱無 以慰主鬯之屬含飴之樂罪莫大焉深自悚恧日月斯邁老將至矣深念社稷至計不敢 少有躊躇堯舜之公宋仁之懿誠可式也爰於十八年先請揀取朕二十六弟堅國公洪 [亻+亥]之長子膺豉育于宮中辰方二歲今已六歲矣向來膝下歡奉教之誦習頗蒙 色笑屆今馬齒日長氣血日衰惟夫國有長君社稷之福去年又請揀取朕四弟建瑞公 洪依之第二子膺 [香 + 蓋] 許居于宮城之左原集賢院育之教之今年十有八學行稍 進節經趨拜多蒙賞賜乃營育德堂于顯仁門之旁以居之設官屬以教習護衛焉期成 德安宅”(1) (Trẫm đức bạc, tuổi trẻ, sớm nối nghiệp lớn, khốn nỗi tư bẩm bạc nhược,  vận mệnh kiển bỉ, việc nhiều lỗi nặng, bệnh tật liên miên, lại không biết cách tu luyện  

của Hoàng đế, Lão Tử, Kỳ Bá, Biển Thước, nên con nối muộn hiếm, không được yên  lòng về việc lập Thái tử và sự vui vẻ giữa bà chơi với cháu, tội ấy không còn tội gì  to hơn! Rất tự lấy làm sợ hãi, hổ thẹn. Ngày tháng trôi qua, tuổi già sắp đến, rất lo về  kế lớn xã tắc, không dám trù trừ chút nào, lòng công như Nghiêu Thuấn, đức tốt như  Tống Nhân Tôn, thực đáng bắt chước, bèn đến năm thứ 18 [1865], đầu tiên xin chọn  lấy người con trưởng của Kiến quốc công Hồng Cai, em thứ 26 của trẫm, là Ưng Thị,  nuôi ở trong cung, khi đó mới 2 tuổi, nay đã 6 tuổi, từ trước đến nay, hầu hạ dưới gối,  dạy cho học tập, rất được vui vẻ. Đến nay tuổi ngựa ngày một thêm, khí huyết ngày  một suy, chỉ nghĩ nước có vua lớn tuổi là phúc của xã tắc, nên năm ngoái [1868] lại  xin chọn lấy người con thứ 2 của Kiến Thụy công Hồng Y, em thứ tư của trẫm, là Ưng  Ái, cho ở Viện Tập Hiền cũ ở phía tả cung thành, nuôi nấng dạy dỗ, năm nay đã 18  tuổi, học hành dần tiến, nhiều lần đã vào chầu hầu, được ban thưởng luôn, bèn làm  Dục Đức Đường ở cạnh cửa Hiển Nhân để cho ở, đặt quan, thuộc để giảng dạy và hộ  vệ, mong cho được nên đức ở yên...).(2) 

Sau đó, vua lại chọn con nhà tử tế cho Ưng Ái lấy làm thiếp để sớm có con nối  dõi, và cho đổi tên Ưng Ái thành Ưng Chân, rồi gọi là Hoàng trưởng tử, đến tháng Bảy  năm Kỷ Tỵ (1869), cho làm con nuôi bà Trung phi Vũ Thị Duyên, dụ rằng: “Hoàng tử  Ưng Chân đã ban cho tên mới ấy sung làm hoàng tử. Kìa như trời đất sinh nuôi, lẽ đó  không thể thiếu được. Vậy Ưng Chân cho sung làm con nuôi Trung phi họ Vũ cho tiện  

(1) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ tứ kỷ. Quyển 42, tờ 12a-13a. 

(2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Bảy, tr. 1200.

70 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

trông nom dạy dỗ, xây dựng gia thất cho. Về hoàng tử ấy và hai người phủ thiếp, các  lệ được cấp lương bổng, quan có trách nhiệm phải xét ngay mà làm...”(1) Mùa xuân, tháng Giêng năm Canh Ngọ (1870), bà được tấn phong Hoàng Quý  phi, vua dụ: 宮圍之内風化之原不可無佐以率其屬執成婦道忠妃武氏名家之子欽 奉選賜藐頗有德行久宜晉擢其晉封為皇貴妃率攝六院(2) (Chốn cung vi là gốc của  phong hóa, không nên không có người đứng đầu để dẫn dắt cung nhân bên dưới, giữ  trọn đạo của người làm vợ. Trung phi họ Vũ: con nhà gia thế, kính vâng tuyển chọn,  tốt đẹp mà có đức hạnh từ lâu nên phong lên. Vậy tấn phong làm Hoàng Quý phi, nắm  giữ sáu viện). Sách văn như sau: 

紫微帝坐五星其次為妃  

風火家人六二居中則吉  

懋惟令德 

允稱彝章  

咨爾忠妃武氏  

淑慎貞姿  

勳賢令閥  

家亭素教詩書圖史之箴  

禮法夙閑珩[玉 + 禹]琚璜之節  

選賜允孚聖旨  

齋莊式表儀型  

年來歡奉慈徽巽順彌敦夫素行  

節次疊蒙厚眷謙恭不弛夫初心  

徽音以久而徵  

顯號有加 已  

茲特晉爾為皇貴妃爾其  

恪遵成 命相予一人  

益懋閨儀率攝六尚  

慎終如始迪孝敬勤儉之風  

惟理而和裕子姓宮闈之福(3) 

Tạm dịch 

Năm vị Tử Vi Đế Tọa, sao thứ là Phi;(4) 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Bảy, tr.1201. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục Chính biên. Tập 2. Quyển 4, tờ 3a. (3) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tứ, tờ 3a-4a. 

(4) Tên chòm sao gồm 15 ngôi, phía đông 8 ngôi, phía tây 7 ngôi, nằm về phía đông bắc sao Bắc  Đẩu, lấy Bắc Cực làm trung khu (cũng gọi là Tử Cung, Tử Viên, Tử Vi Cung, Tử Vi Viên, Tử  Cung Viên), ví như triều đình trăm quan chầu quanh vua, nội cung các phi tần mỹ nữ hầu hạ  vua, muôn dân đều trông cậy vào đó. Cũng chỉ một khoa bói toán xưa.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 71 

Sáu hào Phong Hỏa Gia Nhân,(1) âm hai thì tốt. 

Bởi có đức lớn; 

Nên được tờ phong. 

Nay nàng là Trung phi họ Vũ: 

Tính tình thục thận; 

Dòng dõi huân hiền. 

Gia đình sẵn dạy, thi thư đồ sử chăm xem; 

Lễ phép đã quen, hành vũ cư hoàng giữ nết. 

Ý thánh chọn cho rất hợp; 

Mẫu khuôn nêu rõ càng hay. 

Bấy lâu hầu hạ từ vi, Tốn thuận(2) càng trau dồi nết hạnh; 

Lắm bận ban khen hậu quyến, Khiêm cung không sao nhãng lòng xưa. Tiếng hay từ trước đã vang; 

Hiệu lớn có thêm không dứt. 

Nay đặc biệt tấn phong nàng làm Hoàng Quý phi. Nàng hãy: 

Khá vâng thành mệnh, giúp đỡ một ta; 

Gắng giữ khuê nghi, trông coi sáu thượng. 

Trước sau cẩn thận, dõi nếp hay nơi hiếu kính kiệm cần; 

Tình lý hợp hòa, để phúc tốt cho họ hàng con cháu.  

Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (1882), tình hình trong nước rất rối rắm, cơ vụ bộn  bề, vua không được thong thả, có khi quá trưa mới ăn. Một hôm, vua se mình đang  uống thuốc, cung nhân dâng ngự thiện chậm trễ. Vua phật ý, giáng bà xuống nguyên  giai Trung phi quản nhiếp Thượng nghi, không cho suất nhiếp sáu viện. Đã thế, trong  quá trình nuôi dạy Hoàng trưởng tử, bà gặp nhiều điều bất như ý vì “anh chàng” này  không học tập nghiêm túc, lại có những hành động trái lễ độ hoàng gia, nhiều lần bị  vua Tự Đức trách phạt. Ưng Chân có lần vào chầu, mặc quần đỏ (tháng Ba năm Tân  Mùi, 1871), vua phạt bổng 6 tháng, treo lại việc tấn phong tước Xuân Trường công,  rồi cử Thượng thư Phạm Phú Thứ và Trực học sĩ làm giáo đạo (trước cử Nguyễn Tri  Phương và Nguyễn Văn Phong, nhưng cả hai vị xin từ vì tuổi già). Tháng Bảy năm  

(1) Gia nhân: Quẻ thứ 37 trong Kinh Dịch nói về vai trò của người phụ nữ và các thành viên khác  trong gia đình, xem chú thích phần sách phong Hoàng hậu Tống Thị Lan. (2) Tốn thuận: Quẻ Tốn trong Kinh Dịch, gồm hai quẻ Tốn đơn chồng lên nhau, có nghĩa là hai  luồng gió cùng thổi, do đó Tốn có nghĩa là thuận, gọi là Thuận Tốn. Thoán từ viết: 巽小亨利 有攸往利見大人 Tốn: tiểu hanh, lợi hữu du vãng, lợi kiến đại nhân (Thuận thì hơi được hanh  thông, làm thì có lợi; theo bậc đại nhân thì có lợi). Đại tượng truyện giảng rằng trên là gió,  dưới cũng gió, hai luồng gió cùng theo nhau; người quân tử tiếp tục phát xuất mệnh lệnh để  thi hành chính sự mà thiên hạ tuân phục, cũng như muôn vật ngả theo chiều gió.

72 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

này, vua lại sai Phủ Tôn Nhân và đình thần xét chọn con của thân công vài người để  nuôi làm hoàng tử (vì hai người trước do vua tự chọn, sợ chưa được tốt về mọi mặt).  Đến tháng Mười Một, đình thần đệ lên một danh sách 12 công tử, nhưng nói rằng họ  “ngày thường tính hạnh và học vấn thế nào, lũ chúng tôi không ở chung, không cùng  đi lại, khó lòng biết đích xác được.”(1) Vua “quở” họ sao lại “nỡ lòng nào xem xét qua  loa như thế”, và bảo họ phải chọn kỹ lại lấy một người. Tháng Tư năm Nhâm Thân  (1872), vua Tự Đức sai Bộ Lễ xét định phép dạy học ở Dục Đức Đường, sao cho thật  nghiêm minh và có hiệu quả (cách trải chiếu ngồi của các nhân viên giảng tập và của  hoàng tử, chương trình ngày lẻ giảng ngũ kinh và sử, ngày chẵn giảng tứ thư và Tính  lý đại toàn; ngũ kinh và tứ thư phải học thuộc lòng).(2) Thế rồi không rõ Tôn Nhân Phủ  và đình thần có chọn thêm cho vua được người nào không nhưng ông vẫn có thêm  một người con nuôi nữa. Tháng Mười Một năm Giáp Tuất (1875), vua nói: “Trẫm tư  chất yếu, hiếm con nối, rất nghĩ đến kế hay của xã tắc phải giữ lòng rất công; trước  đã chọn nuôi hai con, đã từng giáng dụ bá cáo rõ, sau lại nuôi thêm con thứ hai của  Kiến quốc công là Ưng Đăng, khi ấy mới 2 tuổi, các hoàng thân Tôn Nhân phủ và các  quan đều biết cả; vì nghĩ em ta tâm tật khó khỏi, rất thương các cháu nghèo thiếu,  cho nên đặc biệt gia hậu, không phải là thiên ái. Nay Ưng Thị đã 11 tuổi, Ưng Đăng  đã 6 tuổi, Hoàng Thái hậu vui chơi với cháu quanh dưới gối và cùng với Ưng Chân  thương yêu như một, người lớn thì bọn quan sư phó sớm hôm giảng dạy, người bé thì  cũng dạy đọc sách, đều mong cho đức tiến nên tốt. Trẫm nếu may mà có con, thì bọn  ấy rút xuống phong làm phiên vương, ban nhiều bổng lộc, thảng hoặc điềm sinh con  trai vẫn không có, bóng câu không lường được thì tất chỉ người hiền là cho, vì thiên  hạ được người là khó, trẫm có dụng tâm gì đâu”.(3) Nhân đó, vua cử Hiệp biện Đại  học sĩ lãnh Lễ Bộ Thượng thư sung Cơ Mật Viện đại thần Lê Bá Thận kiêm sư phó  ở Dục Đức Đường (tháng Hai năm Đinh Sửu, 1877), rồi tăng thêm lương bổng cho  Ưng Chân (tháng Giêng năm Nhâm Dần, 1878), có vẻ như ông quyết tâm trau dồi để  trao “gánh nặng” cho Ưng Chân. Tháng Giêng năm Quý Mùi (1883), Ưng Chân được  phong Thụy quốc công (đồng thời, Ưng Kỷ được phong Kiến Giang quận công). 

Vua Tự Đức biết Ưng Chân không tốt, lại ngầm giao du với Pháp, nhưng vì lớn  tuổi hơn hai em nên khi lâm chung ngày 16 tháng Sáu năm Quý Mùi (19/7/1883) ở  điện Càn Thành, vua trao di chiếu cho nối ngôi. Trước mặt các hoàng thân và đình  thần, Ưng Chân khóc lạy nhận mệnh, rồi vào điện Hoàng Phúc cư tang. Nhưng ba  ngày sau, trong buổi lễ Đăng quang, hai vị Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn  Văn Tường nghe Trần Tiễn Thành tuyên di chiếu, ngang đoạn: “Ưng Chân cố nhiên  là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mặt hơi có tật, giấu kín không rõ  ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi  việc lớn. Nhưng nước có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì  

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Bảy, tr. 1310. (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Bảy, tr. 1332. (3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Tám, tr. 79-80.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 73 

dùng ai?”(1) thì Thành đọc ấp a ấp úng, Thuyết tức giận, sai vị khác đọc lại cho rõ, rồi  lập tức vin vào đó tuyên bố truất phế.(2) Các quan im phăng phắc, chỉ viên Hình khoa  chưởng ấn Phan Đình Phùng nói: “Vua nối ngôi nếu có lỗi, chưa thấy can ngăn đã vội  bàn như thế, việc bỏ vua dựng vua là việc to, lại dễ dàng quá thế”.(3) Thuyết quát sai tả  hữu bắt trói ông đem giam ở trại quân Cẩm Y, bảo sẽ nghiêm trị (nhưng sau chỉ “đuổi”  ông về quê). Ai nấy đều răm rắp ký tên vào bản tâu xin ý chỉ của Thái hậu ở cung Gia  Thọ, bà nói: “Hiện nay, trong thì lo về vua mới mất, ngoài thì lo có giặc ngoại xâm,  người ít tuổi thực không đương nổi, nhưng thân này già cả, sao biết được, phần nhiều  nhờ Tôn Nhân, Phụ chính, đình thần, cùng nhau chọn các hoàng đệ, ai nên lập thì lập  lên làm vua”.(4) Thuyết chọn em út vua Tự Đức là Văn Lãng công Hồng Dật, đem bàn  với Phủ Tôn Nhân, Hội đồng Phụ chính, đình thần, họ đều nhất trí. Ông giáng Ưng  Chân làm Thụy quốc công, quản thúc ở Dục Đức Đường, sau lại giáng làm công tử,  chuyển qua giảng đường Viện Thái Y,(5) rồi đưa vào nhà ngục phủ Thừa Thiên, giam  đói cho đến chết vào ngày mồng 6 tháng Chín năm Giáp Thân (24/10/1884). Về sau,  năm 1885, vua Đồng Khánh tôn là Thụy Nguyên quận vương, tên thụy Trang Cung;  năm 1892, vua Thành Thái dâng tôn thụy là Huệ Hoàng Đế, miếu hiệu là Cung Tông,  mộ tôn tạo thành An Lăng. Sử gọi ông là vua Dục Đức, lấy theo tên nhà học của ông. 

Tháng Năm năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức băng hà, để di chúc tấn phong  bà làm Hoàng hậu, nhưng sau đó, triều đình bất ổn, xẩy ra việc phế lập do Tôn Thất  Thuyết, Nguyễn Văn Tường chủ trì. Sau khi Ưng Chân bị phế, Văn Lãng công Nguyễn  Phúc Hồng Dật lên ngôi, niên hiệu Hiệp Hòa; “其年秋尊人廷臣奉遺詔請晉尊后詣 

嘉壽宮(儀天章皇后所居)拜辭曰奉詔嚴訓嗣君今嗣君如此亦預有過請從謙宮奉 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Tám, tr. 574. Nguyên trước đó,  ngày 16 tháng Sáu năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức chọn Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất  Thuyết, Trần Tiễn Thành làm Phụ chính đại thần, hai ông hoàng Thọ Xuân Vương Miên Định,  Tuy Lý Vương Miên Trinh làm Phụ đạo. Tường, Thuyết và Thành xin bỏ đoạn văn này, nhưng  vua bảo cứ để như thế để răn dè Ưng Chân. Ngày 16 tháng Sáu, Ưng Chân họp triều đình tại  điện Văn Minh, cũng đề nghị bỏ để tránh ảnh hưởng xấu về sau trước nhân dân và đặc biệt  là trước người Pháp. Triều đình nói: “Hội đồng Phụ chính đã tâu, nhưng tiên đế không chịu”.  Trong lễ Đăng quang ngày 19 tháng Sáu, khi tuyên đọc di chiếu, đến đoạn này, Trần Tiễn  Thành hạ giọng lí nhí, ấp a ấp úng. Tường và Thuyết bất bình đàn hặc, rồi cử Nguyễn Trọng  Hợp đọc lại cho rõ ràng. Tường và Thuyết không muốn lập Ưng Chân, vì biết ông giao du  nhiều với Pháp, sợ sẽ không hay, nên làm sớ tâu lên Lưỡng cung (Thái hậu Phạm Thị Hằng và Hoàng hậu Vũ Thị Duyên) kể các tội, xin bỏ. Hai bà đành chấp thuận. 

(2) Thật ra đoạn văn ấy chỉ là cái cớ, chứ Tường và Thuyết đã có ý định trước rồi. Theo Đại Nam  thực lục, Tường vốn coi thường Ưng Chân, vì ông ta hay lầm lỗi, thường bị vua quở mắng,  chắc sẽ không được nối ngôi, nào ngờ việc xảy ra như vậy, nên lòng không yên; Thuyết cũng  không bằng lòng, vì mình thì chống Pháp mà Ưng Chân thì thích giao du với Pháp. Lại trong  mấy ngày ở điện Hoàng Phúc, Ưng Chân đem người riêng vào hộ vệ, chế thẻ bài riêng cho  đeo, để chúng ra vào tự do, rồi các tờ tâu từ các quân thứ và các tỉnh gởi về, để qua đêm mà  không giao ra, đến khi lễ điện, mặc áo sắc lục cũ và dùng đồ riêng không theo khuôn phép.  Do vậy, hai ông Phụ chánh hội ý với nhau, quyết định phế truất. 

(3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Tám, tr. 579-580. (4) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Tám, tr. 580. (5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Sđd. Tập Tám, tr. 594-595.

74 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

侍辰廢帝又請后御高明殿躬詣拜謁並親進玉飯后固辭不受尋駕往謙宮于温謙堂 奉侍良謙殿帝乃命尊人廷臣詳議如何務合禮制群臣乃參酌成典請以宮名美字晉 尊為謙皇后”(1) (Mùa thu năm ấy, Tôn Nhân, đình thần vâng di chiếu xin tấn tôn. Hậu  đến cung Gia Thọ (nơi Nghi Thiên Chương Hoàng hậu ở), lạy và từ chối rằng: [Tôi]  vâng chiếu dạy dỗ tự quân, nay tự quân như thế cũng có lỗi, [tôi] xin đến Khiêm Cung  để hầu. Lúc bấy giờ, Phế đế lại xin Hậu ngự điện Cao Minh để đến bái yết và thân  dâng cơm. Hậu cố từ chối không nhận, liền đi xe đến Khiêm Cung vào Ôn Khiêm  Đường kính chầu hầu ở Lương Khiêm Điện. Vua bèn sai Tôn Nhân, đình thần bàn thế  nào hợp lễ chế. Quần thần bèn tham chước hết điển lễ, xin lấy tên cung làm mỹ tự tấn  tôn làm Khiêm Hoàng hậu). 

Vua sai làm sách vàng ấn vàng, tâu vào cung Gia Thọ, Hoàng Thái hậu bảo đình  lại chờ khi nào Trung phi trở về. Mãi sau khi Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, niên  hiệu Hàm Nghi, tháng Ba năm Ất Dậu (1885), lễ tấn tôn Nghi Thiên Chương Hoàng  hậu xong, Tôn Nhân Phủ và đình thần lại xin tấn tôn Hoàng hậu, bà vẫn từ chối. Rồi  tháng Năm, Kinh Thành thất thủ, từ giá Hoàng Thái hậu lánh lên Kim Long, rồi ra  Quảng Trị, bà đi theo. Vua Hàm Nghi vượt đường núi qua Lào ra Hà Tĩnh kháng  chiến, còn từ giá lại trở về Huế, lên Khiêm Lăng tạm ở, vì Kinh Thành đã bị Pháp  chiếm đóng. Ít lâu sau, Pháp giao trả Kinh Thành, Hoàng Thái hậu về ở cung Gia Thọ,  còn bà thì vẫn ở tại điện Ôn Khiêm. 

Tháng Tám năm Ất Dậu (1885), Nguyễn Phúc Ưng Đăng lên ngôi, niên hiệu  Đồng Khánh, rước bà về ở cung Trường Ninh. Tháng Ba năm Đinh Hợi (1887), vua  Đồng Khánh xin dâng tôn hiệu Trang Ý Hoàng Thái hậu, lời dụ có đoạn giải thích: “Cái  gốc thì sâu, lại thêm hiền lành cẩn thận, chẳng phải là “trang” ư? Trông xa thì ngờ hơi  đẹp, tời gần thì thấy sâu dày, chẳng phải là “ý” ư?”. Toàn văn tờ dụ viết:  

自古英君合辟孝奉東朝既合天下之養以為養必極天下之尊以為尊漢有明 德宋有宣仁皆以表鴻崇而彰景爍遮也欽惟我聖母含弘毓慶靜穆端型相我皇考翼 宗英皇帝三十有六年嗣徽姜摯維德之行德化洽于家邦美利施于社稷奉我皇考彌 留之際遺詔晉封為皇后大禮未及舉行偶遭變故仰賴我九廟之靈我聖祖母暨我聖 母之積慶式克至于今日休是惟乾元坤厚流光其蘊於心而發於外也本之塞淵加之 淑慎非莊者乎望之疑秀即之深冲非懿者弧朕光受丕基獲以天下親奉溫省尊親共 協普率攸同昨經尊仁廷臣籲請晉加尊號欽奉慈旨謙抑之受寔惟尊光之德莫能名 狀者也因念精璆玉冊代有徽稱情也亦禮也所應虔奉徽章以彰國慶茲尊仁廷臣再 三敦請朕即以事奏聞幸蒙俞允其晉尊合行事宜著準有司各炤例以慰予一人歡奉 之虔合萬姓尊親之念(2) (Từ xưa, bậc vua chúa sáng suốt hiền lành, lấy hiếu thảo thờ  phụng Đông triều,(3) lấy sự nuôi dưỡng cả trong thiên hạ để nuôi dưỡng, lấy cái suy  

(1) Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Nhị tập. Quyển Tứ, tờ 4a-4b. 

(2) Đại Nam liệt truyện. Chính biên. Tập 2. Quyển 4, tờ 7a-8b. 

(3) Đông triều: triều đình ở phía đông, tức khu vực Tử Cấm thành thời Hán, chỉ nơi hoàng hậu,  phi tần ở. Thời Hán, thái hậu và hoàng hậu ở tại cung điện Trường Lạc, nằm về phía đông cung điện Vị Ương, là nơi vua ngự, hội họp đình thần. Tại Kinh đô Huế, thì khu vực này ở  phía tây bắc trong Hoàng Thành, các cung đều có tên riêng và thay đổi qua từng triều vua.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 75 

tôn nhất trong thiên hạ để suy tôn, như bà Minh Đức thời Hán,(1) bà Tuyên Nhân thời  Tống(2) đều là nêu đức lớn để tỏ rõ khuôn mẫu tốt đẹp vậy. Kính nghĩ Thánh mẫu ta:  sâu rộng phúc lành, lặng nghiêm khuôn phép; giúp đức Hoàng khảo Dực Tông Anh  Hoàng đế ta ba mươi sáu năm, nối gương sáng của bà Khương bà Chí,(3) chỉ một niềm  giữ tròn nết hạnh; đức hóa khắp cả nước nhà, lợi ích tràn đầy xã tắc. Hoàng khảo ta  lúc lâm chung để di chiếu tấn phong làm Hoàng hậu, lễ lớn chưa kịp cử hành vì gặp  cơn biến cố. May nhờ chín miếu ta thiêng liêng, Thánh tổ mẫu và Thánh mẫu ta chứa  phúc mà yên được đến ngày nay. Đó thực là Càn nguyên đức nhóm, Khôn hậu sáng  ngời. Tất cả chứa ở bên trong mà phát ra bên ngoài vậy. Cái gốc thì sâu, lại thêm hiền  lành cẩn thận, chẳng phải là “trang” ư? Trông xa thì ngờ hơi đẹp, tời gần thì thấy sâu  dày, chẳng phải là “ý” ư? Trẫm nối nghiệp lớn vẻ vang, được lấy cả thiên hạ phụng thờ  chăm sóc; tôn thân chung mối, cả nước(4) giống nhau. Trước đây, các quan Tôn Nhân  Phủ và đình thần xin phong thêm tôn hiệu, kính vâng từ chỉ nhún nhường không nhận;  đó thực là cái đức cao sáng không thể hình dung được. Nhân nghĩ: sách ngọc quý báu  vô ngần, các đời đều có tôn xưng; đó là tình mà cũng là lễ. Vậy nên kính dâng tên đẹp  để tỏ phúc nước. Nay, các quan Tôn Nhân Phủ và đình thần ba lần cố xin, trẫm đem  ngay việc ấy tâu lên, may được ơn vui lòng y cho; còn nghi thức tấn tôn thì chuẩn giao  Hữu ty chiếu lệ mà làm, để riêng trẫm yên lòng thành khẩn phụng dưỡng hợp một  người với nguyện vọng tôn thân của cả nước).  

Bấy giờ, đình thần bàn: “… Lại vâng xét việc tấn tôn Hoàng Thái hậu là do  chiếu chỉ để lại, sau vì loạn lạc chưa kịp cử hành; tháng Tám năm Đồng Khánh, Ất  Dậu [1885] lại xin gia tôn làm Trang Ý Hoàng Thái hậu, được ý chỉ từ chối, thần đẳng  hai ba lần kính xin, lại được ý chỉ, việc tấn tôn giao cho Tôn Nhân, đình thần chọn  ngày tốt, tấn tôn Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu xong, rồi sau sẽ cử hành. Thần đẳng bàn  

(1) Minh Đức Hoàng hậu, con gái út của Phục Ba Mã Viện (người từng đem quân sang Giao  Châu đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng), là vợ của Hán Minh Đế. Bà 13 tuổi được  tuyển vào tiềm để Thái tử, sau khi vua đăng quang, bà được phong Hoàng hậu, sử thường  chép là Minh Đức Mã Hoàng hậu. Bà đoan trang hiền thục, sinh hoạt giản dị, giúp vua có  công, tuy không sinh con, nhưng bà vẫn được vua sủng ái, phong làm Chính cung. Qua thời  Chương Đế, bà vẫn được tấn phong Hoàng Thái hậu, tuy không phải là mẹ đích của vua.  Trong lúc mẹ đích của vua là bà họ Giả chỉ được phong Quý nhân. Bà không tham gia triều  chính (có tài liệu nói bà “buông rèm nghe chính” giúp vua nhỏ xử lý việc nước), và không cho  ngoại thích được phong quan tước. 

(2) Tuyên Nhân Hoàng hậu, họ Cao, là vợ của Tống Anh Tông, từng nhiều năm giữ quyền nhiếp  chính cho cháu trai là Tống Triết Tông, được người ta khen là “nữ trung Nghiêu Thuấn”  (Nghiêu Thuấn trong giới đàn bà). 

(3) Bà Khương bà Chí: Bà Khương là Khương hậu, vợ của Chu Tuyên Vương. Vì vua hay ngủ trưa  (không dậy sớm thị triều), bà rút bỏ trâm và đồ trang sức, vào cung Vĩnh Hạng là nơi cung nữ  bị tội ở, nói: Vì thiếp không có tài để vua thất lễ ngủ trưa. Vua hối hận, bỏ tật ngủ trưa. Bà Chí  là Thái Nhâm, người đất Chí Trù, về làm vợ Vương Quý, sinh ra Cơ Xương (Chu Văn Vương). 

(4) Cả nước: nguyên văn “phổ suất”, do câu thơ trong thiên Bắc sơn, phần Tiểu nhã trong Kinh  Thi: “溥天之下莫非王土率土之津莫非王臣 Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ; suất thổ chi  tân mạc phi vương thần” (Khắp dưới gầm trời đâu chẳng là đất đai của vua; khắp nơi trong  nước ai chẳng là bề tôi của vua).

76 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

xét: Hiện nay việc đương bề bộn, chia làm 2 lễ sợ có chưa tiện, việc gia tôn hai chữ  “Trang Ý”, xin vâng dụ thi hành; còn như sách và ấn đều xin cho hợp làm một việc.  Sắc văn đại khái nói các ý vâng chiếu để lại, tấn phong Hoàng Thái hậu và xin gia tôn  Trang Ý; về ấn thì khắc “Trang Ý Hoàng Thái hậu chi bảo” ngõ hầu được giản tiện  cả, vua đem việc ấy tâu lên, được ý chỉ bằng lòng y cho, bèn xuống dụ cho thi hành”.  Nhưng đang lúc Nam Bắc chưa yên, kho tàng chưa dư dật, nên kim sách, kim bửu đổi  làm kim ngân sách, kim ngân bửu, nghĩa là vàng mạ bạc; hòm gỗ đem theo sách bửu  đổi làm bằng gỗ cẩm vân, khảm xà cừ bốn góc, chỗ để khóa sơn son thếp bạc, hộp đổi  dùng bằng thiếc; hòm bạc đem theo sách, đổi chế bằng hộp lồng gỗ cẩm vân… Lễ tấn  tôn cử hành ngày 27 tháng Tư (19/5/1887), sách văn như sau: 

竊聞 

大德必得其名 

尊親之謂至孝 

商祥長發源仍溯於有○(1) 

周烈不瑕盛必推於京室 

皆以揚景爍而賁嘉釐也欽惟聖母皇太后陛下 

壼範夙閑 

徽音克嗣 

溯當日垂裳之化輔佐功多 

追晚年憑几之言褒崇典在 

屬儀章之未舉 

因變故之偶遭 

仰賴聖慈每洞懷於廟社 

肆惟小子迄粗定其家邦 

雖盛美而弗居彌著尊光之雅 

顧鋪揚其曷罄用彰崇報之彝 

謹率群臣奉金冊金寶上尊號曰莊懿皇太后伏惟 

丕正徽稱 

茂揚淑聞 

寸草寓春徽之報惟曲諒夫孝心 

六旬臨壽甲之初獲長依于慈廕(2) 

Tạm dịch 

Trộm nghe rằng: 

Đại đức ắt được tên to; 

(1) Chữ trong dấu ○ là chữ TUNG, gồm: 女 + 戎 (theo phiên thiết dẫn trong Khang Hy tự điển,  nhưng có người đọc là NHUNG, có lẽ vì cho chữ 戎 NHUNG là bộ phận hài âm). (2) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Chính biên Đệ lục kỷ. Quyển 7, tờ 4b-5b.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 77 

Tôn thân mới là hiếu lớn. 

Thương hưng mãi phát, căn nguyên đầu bởi Hữu Tung;(1) 

Chu dấy không suy, thịnh vượng trước do Kinh Thất.(2) 

Ấy đều là nêu đức tốt mà sáng tỏ phúc lành vậy. Kính nghĩ Thánh mẫu Hoàng  Thái hậu bệ hạ: 

Nề nếp giữ nghiêm; 

Tiếng hay nối khéo. 

Đương buổi ấy rũ xiêm dạy việc, giúp đỡ công nhiều; 

Lúc tuổi già dựa ghế để lời, thưởng khen điển lớn. 

Mà nghi chương chưa đặt được; 

Bởi biến cố bỗng xảy ra. 

Ngửa cậy thánh từ luôn nặng lòng thờ miếu xã; 

Giúp cho tiểu tử hơn để sức sửa gia bang. 

Dầu không chịu nhận tên vinh, mà lễ tôn quang càng nhã; 

Nên hãy cứ nêu chớ thiếu, để niềm sung báo thêm sâu. 

Kính đem các quan bưng sách vàng bửu vàng dâng tôn hiệu là Trang Ý Hoàng  Thái Hậu. Cúi nghĩ: 

Chính đáng tên hay; 

Tỏ bày đức tốt. 

Tấc cỏ ngụ ánh xuân báo đáp,(3) chút chi bày tỏ lòng con; 

Sáu tuần tròn chu giáp đầu tiên, mãi được nương nhờ bóng mẹ. 

(1) Hữu Tung: tức bà Giản Địch, con gái nước Hữu Tung, kết hôn với Đế Cốc (tương truyền Đế  Cốc dùng trứng huyền điểu làm sính lễ), sinh ra ông Tiết (tổ của nhà Thương). (2) Kinh Thất: chỉ bà Khương Nguyên (không phải nghĩa đen là nhà ở kinh đô), họ Khương, tên  Nguyên, người Hữu Thai Thị, dòng dõi Viêm Đế, làm vợ vua Cao Tân, dẫm vết chân người  khổng lồ mà có thai, sinh ra ông Khí (sau được vua Thuấn cho làm chức Hậu tắc nên gọi là  ông Tắc), tổ của nhà Chu. Cũng có người giải Kinh Thất là bà Thái Khương, vợ ông Cổ Công  Đản Phủ, mẹ của Vương Quý, bà nội của Văn Vương. Lại có người cho Kinh Thất là bà Thái  Nhâm, vợ của Vương Quý, sinh ra Văn Vương. Nói chung là những người vợ đảm đang nết  hạnh giúp chồng lập nên sự nghiệp lớn lao (sau đây, chúng tôi sẽ có chú thích thêm). Có lẽ  là từ chỉ chung vợ của các đế vương, không riêng chỉ người nào. 

(3) Tấc cỏ ánh xuân: chỉ lòng mẹ đối với con ấm áp, dịu dàng, giúp con trong cuộc sống như ánh  sáng mùa xuân, thuận lợi cho cây cỏ phát triển. Thơ Mạnh Giao (751-814) thời Đường, bài  遊子吟 Du tử ngâm: 慈母手中線/遊子身上衣/臨行密密縫/意恐遲遲歸/誰言寸討心/報得三春 暉 Từ mẫu thủ trung tuyến / Du tử thân thượng y / Lâm hành mật mật phùng / Ý khủng trì trì  quy / Thùy ngôn thốn thảo tâm / Báo đắc tam xuân huy (Tạm dịch: Áo ấy thân con mặc / Chỉ  này tay mẹ khâu / Con đi mẹ nhíp kỹ / Mẹ sợ con về lâu / Ai rằng lòng tấc cỏ / Đền được ánh  xuân đâu?). Ý nói lòng hiếu của người con đi xa quá ít ỏi, nhỏ bé (như cọng cỏ), khó mà báo  đáp được tình yêu thương chăm sóc của mẹ rộng lớn (thể hiện trong công việc may vá áo  cho con) như ánh sáng cả ba tháng mùa xuân.

78 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Năm Kỷ Sửu (1889), sau khi lên ngôi, đến tháng Mười, vua Thành Thái ban  dụ: “大德必得其名尊親之謂至孝自古人君紹休受命因親教愛玉冊精璆典至鉅 也欽惟莊懿太皇太后陛下端貞雅範淑慎芳型贊我翼尊英皇帝成内治之美事我慈 裕博惠康壽太太皇太后敦孝奉之誠美利所施社稷攸賴式至于今日休久宜盛德播 于詩聲尊名光於史冊者也粵同慶初年奉我景尊純皇帝恭上徽稱茂隆孝治仰惟常 貞坤后久而愈徵朕以冲齡入承大統仰賴瑤宮慈福以濟辰艱寔天之惠以無疆也乃 者恭遇我慈裕博惠康壽太太皇太后八旬大慶節奉行晉尊禮大禮既成群情允惬猗 歟休哉重念道隆京室音嗣周姜以順而光大含弘以孝而耆敬色養尤宜範金刻玉宣 播鴻猷以形容於萬一近據皇親尊人輔政廷臣等合辭籲請晉加尊號朕經以事奏達 聖懷冲挹抑而弗受仍奉親率群臣再三趨庭陳懇幸蒙兩宮懿旨俯賜俞允合敬同尊 載稽彝典玆奉晉加徽稱曰莊懿順孝太皇太后以伸一人榮養之忱孚億萬姓尊親之 願”(1) (Đức lớn ắt được nêu tên, tôn thân gọi là rất hiếu. Từ xưa bậc làm vua thiên hạ  

nối ngôi nhận mệnh, nhân được yêu mến dạy dỗ thì việc dâng sách ngọc bửu vàng là  phép tắc lớn vậy. Kính nghĩ Trang Ý Thái hoàng Thái hậu bệ hạ: Đoan trinh nết tốt,  thục thận khuôn thơm. Giúp Dực Tông Anh Hoàng đế ta việc trong cung tốt đẹp; thờ  Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái Hoàng Thái hậu ta thật trọn đạo hiếu. Việc làm  tốt đẹp, xã tắc cậy nhờ. Cho đến ngày nay nếp lâu còn hợp; đức thịnh truyền khắp  trong lời thơ, tên tôn rạng rỡ trong sử sách. Đến Đồng Khánh năm đầu, Cảnh Tôn  Thuần Hoàng đế ta kính dâng hiệu đẹp, đạo hiếu lớn lao. Kính nghĩ: quẻ Hằng(2) chắc  bền,quẻ Khôn dày dặn, càng lâu càng sáng tỏ. Trẫm tuổi còn thơ ấu vâng nối ngôi cao,  ngửa nhờ phúc lành Dao Cung mà qua khỏi thời kỳ khó khăn, thật là ơn trời không  bờ bến vậy. Nay kính gặp lễ lớn thọ tám mươi của Từ Dũ Bác Huệ Khang Thọ Thái  thái Hoàng Thái hậu ta, kính vâng cử hành đại lễ đã xong, tình người rất thỏa, đẹp đẽ  lắm thay! Lại nghĩ đạo cao Kinh Thất, tiếng nối Chu Khương;(3) lấy thuận mà tỏa sáng  chứa sâu, lấy hiếu mà kính già nuôi mẹ; càng nên đúc vàng khắc ngọc truyền rộng  ơn to để hình dung trong muôn một. Gần đây, căn cứ vào lời cùng xin phong thêm  tôn hiệu của hoàng thân, Phủ Tôn Nhân, Phủ Phụ Chính và đình thần, trẫm đã đem  việc tâu lên, lòng thánh nhún nhường gạt đi không nhận. Trẫm vẫn thân dẫn các quan  đến sân kêu xin mấy lần, may được Lưỡng cung ban ý chỉ ra ơn ưng thuận, bèn cùng  

(1) Đại Nam thực lục. Chính biên. Đệ lục kỷ Phụ biên. Quyển 1, tờ 49b-51a. (2) Quẻ Hằng: nguyên văn chép “Thường”, vì tị húy (tên bà Thái Thái Hoàng Thái hậu). Nói về  đạo vợ thuận tùng thì được lâu bền (đã có chú thích trước). 

(3) Kinh Thất, Chu Khương: Kinh Thất là bà Thái Nhâm, vợ của Vương Quý, sinh ra Văn Vương.  Bà là người họ Nhâm (viết 任 hay 妊, có người đọc Nhậm), đời sau tôn xưng Thái Nhâm (hay  Đại Nhâm), Vương Quý đón về làm vợ, bà chú trọng dạy con ngay khi còn mang thai (thai  giáo) bằng cách giữ gìn cẩn thận trong phép nói năng, cử chỉ, mắt không nhìn tà sắc, miệng  không nói điều xấu, tai không nghe dâm thanh, đêm nằm nhẩm đọc thơ hay, kể chuyện chính  đáng; sau sinh ra Cơ Xương (Văn Vương). Chu Khương là bà họ Tự, người đất Sằn, đời sau  tôn là Thái Tự; Cơ Xương mến đức, kết thuyền làm cầu qua sông Vị đón về làm vợ, được mẹ  chồng yêu thương dạy dỗ, giữ đạo dâu con ngoan ngoãn, cần mẫn sớm hôm vun đắp nhà  chồng, sinh mười người con, trong đó nổi tiếng nhất là Cơ Phát (Vũ Vương), Cơ Đán (Chu  Công). Bà Thái Nhâm có đức lớn, truyền cho bà Thái Tự, hai bà đều giúp chồng, chăm lo nội  chính. Kinh Thi, phần Đại nhã, mục Văn Vương, thiên Đại minh, chương II nói về bà Thái Nhâm,  chương VI nói về bà Thái Tự.

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 79 

nhau kính tôn. Xét xem điển cũ, nay kính thêm hiệu đẹp là Trang Ý Thuận Hiếu Thái  Hoàng Thái Hậu, để bày tỏ tấm lòng một người vinh dưỡng, thỏa ước nguyện muôn  họ tôn thân).  

Rồi ngày 18 tháng Mười (10/11/1889), vua suất lãnh hoàng thân, đình thần bưng  sách vàng ấn vàng vào cung Trường Ninh làm lễ dâng tôn hiệu Trang Ý Thuận Hiếu  Thái Hoàng Thái Hậu. Hôm sau, vua lâm triều, hạ chiếu bố cáo cho thần dân cả nươc  biết rõ. Bài văn sách như sau: 

竊聞 

應天其順乎含弘裕在中之美 

元吉有慶也褒讚揚至德之光 

蓋誠以久則徵 

而寔與名克副 

欽惟皇祖母莊懿太皇太后陛下 

星軒耀釆 

蘭掖流芳 

垂女則于唐宮安貞協吉 

奉慈歡于漢殿耆敬彌殷 

順德洽于邦家 

孝道篤乎終始 

在昔精璆玉冊未足形容 

顧今彤史青編愈彰盛美 

藐玆冲子 

仰藉鴻慈 

惟化懋于宮圍 

肆利施于社稷 

聖懷謙挹方殷深遠之圖 

景爍鋪揚倍切尊親之願 

粵稽鉅典亶協昌辰恭率皇親文武廷臣奉金冊金寶恭上尊號曰莊懿順孝太 皇太后 

伏惟 

丕正徽稱 

弘宣壺訓 

受玆晉福共瞻寶婺之輝 

至哉坤元益引金甌之固(1) 

(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên. Quyển 1, tờ  51b-52b; Đại Nam liệt truyện Chính biên. Tập 2. Quyển 4, tờ 10b-11b.

80 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

Tạm dịch 

Trộm nghe rằng: 

Ứng thiên là được xuôi thay, chứa đầy giấu nết hay lòng tốt; 

Nguyên cát thì có phúc vậy, khen ngợi nêu vẻ sáng đức dày. 

Bởi tháng năm đã tỏ lòng thành; 

Mà danh tiếng cùng theo sự thật. 

Kính nghĩ Hoàng tổ mẫu Trang Ý Thái hoàng Thái hậu bệ hạ: 

Tinh Hiên(1) rực sáng; 

Lan dịch(2) nồng thơm. 

Để Nữ tắc(3) chốn cung Đường, an trinh đều tốt; 

Thờ từ hoan nơi điện Hán, cung kính rất chăm. 

Đức xuôi hợp với nước nhà; 

Đạo hiếu giữ bền sau trước. 

Thủa trước ấn vàng sách ngọc, chưa đủ hình dung; 

Đến nay sử đỏ tre xanh,(4) càng phô thịnh mĩ. 

Cháu đang tuổi nhỏ; 

Ngửa cậy ơn to. 

Giáo hóa tốt ở cung vi; 

Ích lợi nhiều cho xã tắc. 

Nhún nhường lòng thánh, đã hay tình ý sâu xa; 

Rõ rệt phép hay, thỏa nguyện tôn thân tha thiết. 

Trải xem điển lớn; 

Cũng hợp thời lành. 

Kính dẫn Tôn Nhân Phủ và văn võ đình thần bưng sách vàng bửu vàng kính  dâng tôn hiệu là Trang Ý Thuận Hiếu Thái Hoàng Thái Hậu. Cúi nghĩ: Chính đáng tên hay; 

Rộng nêu đức đẹp. 

(1) Tinh Hiên: Hiên là tên sao, cũng có nghĩa là xe. Sao Hiên Viên, theo quan niệm thiên văn cổ,  là sao tượng trưng cho phụ nữ sang quý, chỉ xe của phụ nữ khi xuất giá vu quy, sau dùng để  chỉ hậu phi trong cung vua. 

(2) Lan dịch: vườn lan, chỉ cung cấm, nơi ở của phụ nữ trong cung vua.  

(3) Nữ tắc: lễ phép, bổn phận của đàn bà con gái. Nữ tắc cũng là tên sách, do Văn Đức Hoàng  hậu (họ Trưởng Tôn, vợ của vua Đường Thái Tông) soạn. Bà là con gái ông Trưởng Tôn Vô  Kỵ, biết khuyên răn vua trọng dụng các đại thần chính trực. 

(4) Sử đỏ tre xanh: sách chép sử. Sử đỏ tức đồng sử, là sách chép việc trong hậu cung của vua,  nữ quan được dùng quản bút màu đỏ. Tre xanh là sách chép việc vua quan, vì xưa chưa có  giấy, những cuốn sử đầu tiên được chép trên thẻ tre màu xanh đã hơ trên lửa cho toát mồ hôi  mà khô đi (nên cũng gọi là “hãn thanh”, mồ hôi xanh).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 81 

Nhận niềm tấn phúc, cùng xem sao Nữ(1) sáng ngời; 

Lớn thật khôn nguyên, lại chúc âu vàng vững chắc. 

Ngày Bính Ngọ mồng 5 tháng Năm năm Bính Thân (15/6/1896), gặp lễ Thất  tuần đại khánh tiết, vua sai Tôn Nhân Phủ soạn định nghi thức, rồi đích thân dẫn các  quan Tôn Nhân Phủ và văn võ đình thần đến cung Trường Ninh chúc mừng Hoàng  Thái hậu, rồi ban ân chiếu 10 điều cho thần dân trong ngoài. Ngày mồng 5 tháng Tư  năm Tân Sửu (22/5/1901), Từ Dũ Thái thái Hoàng Thái hậu băng hà; ngày 22 tháng  Năm (7/7/1901), cử hành lễ Ninh lăng. Sau đó, Hoàng Thái hậu lên điện Ôn Khiêm  ở để lo hương khói phụng thờ (nguyên Ôn Khiêm đường, vì bà lên ở lại đó, vua mấy  lần xin trở lại cung Gia Thọ để tiện phụng dưỡng, nhưng bà không ưng, nên đổi làm  Ôn Khiêm điện). Ngày Kỷ Tỵ 27 tháng Tư năm Nhâm Dần (3/6/1902), bà mất, thọ  75 tuổi, đặt tử cung ngay tại điện Ôn Khiêm để trị tang. Qua tháng Năm, vua sai xây  dựng thọ phần bên Khiêm Lăng, sau đó ban dụ:  

“自古莫大之粹行斯有莫大之徽稱故誄以述行謚以尊名玉冊精璆垂之無窮 布之海內典至鉅也仰惟我聖祖母大行莊懿順孝太皇太后軒星表采望閥儲光德 備莊誠行純懿美坤元茂順承之德易美化光京室敦孝奉之誠詩歌斯媚偶值雲雷 辰節重光翼軫山河默運一心圖回庶政美利施于社稷仁恩洽于邦家淑問徽音嗣 我皇曾祖妣儀天章皇后蓋女中堯舜而今世之妊姒也同慶初年奉我景宗純皇帝 遵遺詔上尊孝治茂隆鴻名丕揚朕纘承大統祇紹前猷責鉅德凉深惟弗克負荷是 懼是賴聖慈明保式克至于今日休殷懷孺慕虔式母儀即位之年親率群臣百執恭 捧冊寶加上徽稱尤已播盛洌于聲詩光尊名于典冊也矣去年四月日奉我儀天章 皇后遺世上僊欽惟懿旨遵翼宗英皇帝遗囑寧陵後恭迎神主于良謙殿奉安皇祖 母御于溫謙堂以便祀事奉見蘋藻盡有齋之美夙夜敦匪懈之虔方期鶴算八旬長 信引靈飴之樂蟠桃千歲瑤池濃稱壽之杯鉅意本年四月日又奉靈駕升遐號攀莫 逮慨慕何窮嗚呼痛哉追惟大德至仁非名言之可盡祇此揚徽表淑宜報稱之有加 惟我祖母大化儷天徽猷輔聖之齋莊懿美需順孝誠早朝則戒進雞鳴待下則恩推 樛木何其勤以恕也子姓和集于宮闈母儀式型于邦域何其溫以慈也利社稷而無 遺聖慮非所謂賢而且明乎保太和而誕晉僊齡又非所謂靜而致壽乎經尊人廷臣 文商同議請恭上尊謚曰儷天輔聖莊懿順孝勤恕溫慈賢明靜壽英皇后諒因諒因 懿行而上尊稱朕詳加恭閱想當有合經以事恭達寧壽宮皇太后洞鋻用是仰遵俞 旨俯採僉言謹以六月初四日合吉行事宜由有司遵辨務得衷諸情禮明示將來朕 將預齋〇(2)請命列廟祇捧冊寶恭詣几筵奉上尊謚庶表崇鴻而彰禎典以長垂於無 既矣”(3) (Từ xưa người có nết tốt không ai lớn bằng thì có tên đẹp không ai sánh  được. Cho nên có bài lụy(4) để thuật nết, có hiệu thụy để tôn tên. Sách ngọc bửu  

(1) Sao Nữ: sao Bảo Vụ hay Vụ Nữ, một trong chòm bảy ngôi Huyền Vũ (Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư,  Ngụy, Thất, Bích) trong thiên văn cổ, là biểu tượng phụ nữ, được thần thoại hóa bằng nhân  vật Chức Nữ, cháu gái Trời (Thiên Tôn), gả cho chàng chăn trâu (Ngưu Lang, tức sao Ngưu). 

(2) Một chữ gồm bộ THỊ 示 + chữ 異 DỊ, Khang Hy tự điển chú là giống chữ 祀 TỰ. (3) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tứ, tờ 14b-18a. 

(4) Bài lụy: gần như bài văn tế, nội dung thuật lại hành trạng, sự nghiệp, đức độ, nết hạnh của người  chết, hình thức thường theo thể tán (như thể nói lối trong dân gian Việt Nam, thể tứ ngôn).

82 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 

vàng để lại không cùng, công bố rộng rãi khắp trong nước, là phép tắc rất lớn vậy.  Ngửa nhớ Hoàng tổ mẫu Đại hành Trang Ý Thuận Hiếu Thái hoàng Thái hậu ta:  Sao Hiên nêu vẻ, dòng lớn sáng ngời. Đức đủ tinh ròng, nết thuần tốt đẹp. Đức nối  Khôn Nguyên tính thuận, Dịch khen giáo hóa rõ ràng; hiếu noi Kinh Thất tâm thành,  thơ ngợi tác phong đẹp đẽ. Thời buổi sấm mây bỗng tới; nước nhà dực chẩn lại yên.  Ngầm giúp một lòng, sửa sang mọi việc. Lợi tốt đem về xã tắc, nhân lành thấm đến  bang gia. Nết hiền tiếng tốt nối được Hoàng tằng tổ tỷ Nghi Thiên Chương Hoàng  hậu ta, ấy là Nghiêu Thuấn trong giới phụ nữ, cũng là bà Thái Nhâm, Thái Tự đời  nay vậy. Đồng Khánh năm đầu, vâng Cảnh Tông Thuần Hoàng đế ta tuân theo di  chiếu dâng tôn hiệu, hiếu trị dồi dào, hồng danh sừng sững. Trẫm vâng theo nghiệp  lớn, nối dõi mưu xưa, trách nhiệm nặng nề mà tâm đức mỏng manh, suy nghĩ sâu xa  sợ không gánh vác nổi. May nhờ Thánh từ sáng suốt giữ gìn mới yên lành đến ngày  nay. Cho nên lòng con trẻ kính yêu chân thành bậc mẫu nghi, ngay năm lên ngôi, đích  thân dẫn quần thần trăm quan, kính bưng sách bửu dâng thêm tên đẹp, để rộng truyền  công lớn vào lời thơ, ghi tiếng to vào điển sách vậy. Năm ngoái, vào ngày tháng Tư,  vâng Nghi Thiên Chương Hoàng hậu ta lánh đời lên tiên, kính vâng ý chỉ, tuân theo  di chúc của Dực Tông Anh Hoàng đế, sau khi Ninh lăng, kính rước thần chủ vào điện  Lương Khiêm an vị; Hoàng tổ mẫu ngự nhà Ôn Khiêm để tiện việc hương khói. Vâng  thấy niềm tần tảo(1) nghiêm túc tốt đẹp, chăm sóc sớm hôm không mỏi. Đang mong  hạc giá tám tuần, cung Trường Tín ngậm viên đường vui vẻ, đào tiên nghìn tuổi, cõi  Dao Trì dâng chén thọ nồng nàn; nào ngờ tháng Tư năm nay lại vâng xe tiên thăng  hà, van níu chẳng kịp, đau xót xiết bao! Than ôi! Thương thay! Nhớ lại đức lớn nhân  sâu, không lời nào nói hết được. Chỉ có khen hiền nêu đẹp, nên báo đáp thêm vào cho  xứng đáng. Nghĩ Tổ mẫu ta, hóa lớn cùng trời, mưu hay giúp thánh, nghiêm trang  tính tốt, nhu thuận hiếu chăm; chầu buổi mai thì gà gáy dâng khuyên,(2) đối kẻ dưới  thì cây cao ơn phủ;(3) xiết bao siêng năng lại rộng rãi như vậy. Con cháu họ hàng tụ  tập trong cung; mẫu khuôn phép tắc nêu ra khắp nước; xiết bao hiền hậu mà ôn hòa  như thế. Lợi xã tắc mà không để lo cho thánh, ấy gọi là vừa giỏi giang vừa sáng suốt  vậy; giữ thái hòa mà càng thêm tuổi cho tiên, lại gọi là lặng lẽ mà sống lâu vậy. Vừa  qua, các quan phủ Tôn Nhân và văn võ đình thần bàn bạc với nhau, cùng xin kính  dâng tôn thụy là Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền  Minh Tĩnh Thọ Anh Hoàng Hậu, hẳn là xét theo nết tốt mà dâng tôn xưng. Trẫm kính  xem lại kỹ càng, tưởng cũng rất hợp, bèn đem việc tâu lên cung Ninh Thọ xin [hương  

(1) Niềm tần tảo: hai loại rau sản sinh từ dưới nước (tảo) và bãi sông (tần), ý nói dùng những  thứ rất bình thường để cúng tiền nhân, nhưng với tấm lòng hiếu thảo tin thành mới quý. Chỉ  người phụ nữ lo việc cúng giỗ tổ tiên. 

(2) Gà gáy dâng khuyên: Bài thơ Kê minh thuộc Tề phong phần Quốc phong trong Kinh Thi, nói  trời sắp sáng, lần thứ nhất nghe gà gáy, bà hiền phi đánh thức vua dậy ra họp triều, vua bảo  đó là tiếng ruồi xanh; lần thứ hai thấy phương đông rạng sáng, bà lại gọi chồng dậy, vua bảo  đó là ánh trăng; cuối cùng bà khuyên vua đừng vì mình mà để lỡ công việc. 

(3) Cây cao ơn phủ: Nam hữu cù mộc là tên một thiên trong Thi Kinh, phần Quốc phong, thơ Chu  Nam. Cù mộc là loài cây gỗ lớn, để cho các loại cây nhỏ thân dây leo quanh mà sống, ví với  người vợ cả yêu thương đùm bọc các người vợ lẽ (chế độ đa thê ngày xưa).

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163) . 2020 83 

linh] Hoàng Thái hậu soi xét, cho nên ngửa tuân chỉ dụ, cúi nhận lời quan, kính lấy  ngày tốt mồng 4 tháng Sáu cử hành, nghi thức do Hữu ty xếp đặt, cốt hợp tình hợp  lễ, để bảo rõ về sau. Trẫm sẽ giữ chay tịnh xin mệnh các miếu, kính bưng sách bửu  kính đến trước bàn thờ, kính dâng tôn thụy, để nêu tên lớn mà tỏ điển hay, truyền lại  lâu dài đến không dứt vậy).  

Ngày Nhâm Thìn mồng 4 tháng Sáu (8/7/1902), cử hành lễ dâng thụy hiệu. Bài  sách văn truy tôn thụy hiệu như sau: 

臣聞  

芳儀粹行千秋之彤管流輝  

表淑揚徽萬〇(1) 之精璆有耀 

稱天以誄 

法月之明  

欽惟皇祖母莊懿順孝太皇太后  

麗水鐘靈  

高門挺淑  

贊我翼宗英皇帝三紀昇平之化內治以成  

奉我儀天章皇后九旬壽考之歡徽音克嗣  

瞻仰含孚于臣庶 

儀型雅重于邇遐  

尤且 

大化儷天 

徽猷輔聖 

禔躬勤恕  

秉德溫慈 

賢而且明民瘼無遺於聖慮  

靜能致壽天和誕保乎僊齡  

惟盛德至善之難忘形容不盡  

溯垂裕流徽之所自感慕何窮  

迺奉奏達寧壽宮皇太後俞旨敬用涓吉請合列廟恭詣几筵奉金冊金寶追上 尊謚曰儷天輔聖莊懿順孝勤恕溫慈賢明靜壽英皇后伏望  

保受鴻稱  

默孚玄爽  

來恪有廟長歆毖祀之虔  

長發其祥申錫純常之嘏(1) 

(1) Một chữ gồm bộ THỊ 示 + chữ 異 DỊ, Khang Hy tự điển chú là giống chữ 祀 TỰ. (2) Đại Nam Chính biên liệt truyện. Nhị tập. Quyển tứ, tờ 18b-19b.

 Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Công Trí* 

Xem thêm: Dấu tích cảng bến - Thương mại và đặc điểm kinh tế, tín ngưỡng vùng hạ lưu sông Thái Bình thế kỷ XVII-XVIII (Qua các kết quả khảo sát thực địa và tư liệu văn hóa) (Tiếp theo và hết)

Các bài viết khác

Xem thêm
Đôi nét về sự hình thành làng xã ở Khánh Hòa từ 1653 đến đầu thế kỷ XX
Địa chí14/06/2023

Đôi nét về sự hình thành làng xã ở Khánh Hòa từ 1653 đến đầu thế kỷ XX

Khác với sự hình thành làng xã ở miền Bắc, làng của người Việt ở Khánh Hòa hình thành trong một bối cảnh khá đặc biệt, gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, cụ thể là thời kỳ Nam tiến của người Việt.

Khu sinh thái Ngầm Đôi Đà Nẵng
Tin tức khác29/08/2024

Khu sinh thái Ngầm Đôi Đà Nẵng

Khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi là địa điểm du lịch Đà Nẵng lý tưởng cho những cuộc tham quan, dã ngoại, tìm về thiên nhiên khiến du khách quên đi những giờ phút làm việc căng thẳng. Cách trung tâm thành phố 30 km về hướng Tây Nam thuộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, du khách sẽ bắt gặp một nơi vui chơi giải trí đầy thú vị, một địa điểm dã ngoại tuyệt vời cho những ngày hè nắng nóng.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm
Tin tức khác15/04/2024

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm

TMO - Với diện tích khoảng 15 km2, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) không chỉ là nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm, nơi đây còn là di tích văn hóa lịch sử gắn với sự phát triển của thương cảng Hội An. Năm 2009 Cù Lao Chàm chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG).