Rất nhiều bà con họ Phí ở phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mình xuất thân của họ Lý và truyền từ đời này qua đời khác. Cho rằng họ Lý Việt Nam cách nay nghìn năm khởi nghiệp đế vương, để lại dấu son hào hùng trong lịch sử hơn 200 năm tồn tại (1009 - 1225). Khi nhà Trần lên ngôi trị vì đất nước, họ Lý (từ hoàng tộc đến những người mang họ Lý bình thường khác) đã phải phiêu bạt khắp nơi trong và ngoài nước, thay tên đổi họ để tránh sự trừng phạt (một điều thường xảy ra ở một số triều đại phong kiến). Họ Lý từ đó đổi sang nhiều họ, trong đó một bộ phận đổi sang họ Phí. Đây là họ hiểm, ít người chú ý. Lý giải việc đổi sang họ Phí, người ta giải thích rằng trong Hán tự, chữ “Phỉ” có bộ “phất” và bộ “bối”, bộ “phất” còn là một bộ trong chữ “Phật”, có ý nói triều Lý lấy Phật giáo làm quốc giáo. Vần “” trong chữ Phí ngầm hiểu cùng vần với âm “ý” trong chữ Lý, nhắc cho con cháu nhớ họ Lý.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cát trong một bài viết về “Hậu duệ họ Lý” ở Hàn Quốc (nói về trường hợp cháu 25 đời của hoàng tử Lý Long Tường) cũng nêu vấn đề hoài nghi, còn bỏ ngỏ mà các nhà sử học cần nghiên cứu “là một dòng họ lớn như vậy mà còn lại rất ít hậu duệ so với dòng họ con cháu”, và “dòng họ Phi đã truy tìm gia phả đã đưa đến kết luận khẳng định họ Phí là một chi nhánh của hoàng tộc họ Lý, kể từ Lý Công Uẩn là 35 đời” hay “trong các chi nhánh họ Phí, nổi bật có hai chi nhánh là Phí Văn và Phí Đình”; “Dòng họ Phí có nhiều người thành đạt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều nhà báo nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc” (1).
Tuy nhiên, qua xem xét một số tư liệu, thư tịch, chính sử, văn bia hay gia phả của các dòng tộc họ Phí, chúng tôi chưa thấy văn bản nào nói về những tình tiết trên đây một cách xác đáng. Đây chỉ là việc truyền miệng, mà sự truyền miệng thì khó thuyết phục bởi ít có căn cứ khoa học. Duy trường hợp, ông Phí Công Tín được vua Lý Thánh Tông ban cho họ Lý (họ vua) và sau đó xin trở lại họ cũ (họ Phí) chúng tôi viết về nhân vật này trong phần sau.
Mặc dù không có tư liệu làm căn cứ, ở miền Bắc, một số người đổi thành họ Lý, thành họ Phi (bỏ dấu sắc). Có thời gian, những người lớn tuổi ở một số chi, nhánh tại Thái Bình đã họp nhau lại định làm thủ tục Tư pháp xin Nhà nước đổi sang họ Lý. Họp, nhưng kết quả bất thành bởi bao loại giấy tờ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, khai sinh, giấy tờ tài sản, nhà cửa... phải đổi theo, gặp không biết bao nhiêu phiền toái. Thôi thì, cứ giữ nguyên vậy, có ảnh hưởng gì đâu.
Trong những năm gần đây, họ Phí đã có nhiều cuộc họp, quy tụ, tìm kiếm, kết nối các chi phái để đến năm 2006-2007 đã ra mắt được “Hội đồng Phí tộc Việt Nam” ở khắp miền Bắc và Thanh Hóa (gốc tích của họ Phí chỉ có ở miền Bắc và Thanh Hóa) ở Trung và Nam Bộ, họ Phí chỉ có thời gian khoảng cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Về hoạt động, Hội đồng Phí tộc có quy chế, quy định về tôn chỉ, mục đích, quyền lợi, nghĩa vụ, nhiệm vụ của Hội đồng, về tài chính và các ban chuyên môn rất rõ ràng. Ngoài ra, Hội đồng Phí tộc còn lập website về dòng họ với nhiều đề mục dễ dàng tra cứu và tìm hiểu. Tuy nhiên, nội dung còn nghèo nàn do mới thiết lập vào tháng 6 năm 2007. Đây là những nỗ lực rất đáng khích lệ.
Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là trong website của họ Phí, tại phần quy chế hoạt động và trong lời kêu gọi bà con họ Phí đóng góp xây dựng Từ đường chung có chi tiết đề cập đến nguồn gốc họ Phí: “Họ Phí đã xuất hiện ở Việt Nam ngay từ thời đầu vua Hùng Vương dựng nước với hai cụ Phí Quốc Sủng và Phí Quốc Ai. Đây là hai vị tiền tổ của dòng họ Phí Việt Nam” (2). Như vậy, nếu theo website này thì họ Phí đã có cách nay tới 4866 năm (tính đến năm 2007)? Điều này quả là khó tin và không thể chấp nhận.
Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, họ ở Trung Quốc hình thành khoảng 1.000 năm tr.CN và phát triển vào thời Đông Chu (770-256 tr.CN). Quá trình đô hộ ở nước ta, văn hóa “họ tộc” ở Trung Quốc cũng được Việt Nam tiếp nhận bằng cách áp đặt hay tự nguyện. Dù bằng cách này hay cách khác, họ tộc nước ta (Giao Châu) có thể bắt đầu từ thời Đông Ngô (220-280) khi mà chính sách cai trị vô cùng tàn ác với nhiều chiêu thức khác nhau trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và đặc biệt là chính sách đồng hóa, cưỡng bức theo văn hóa Trung Quốc, trong đó có vấn đề họ tộc. Tuy nhiên, trước đó ở Giao Châu cũng đã có một vài họ. Đây là những người Hán di cư vào nước ta từ thời Triệu Đà, Tây Hán hay những người gốc Trung Hoa và con cháu lai Hoa-Việt của binh lính, quan lại Trung Quốc mới có. Người Việt nước Âu Lạc chưa có họ. Đa số dân Việt bản địa chỉ được gọi bằng tên hay lấy những loại thảo mộc, lấy theo bộ lạc như bộ lạc “Trâu”, bộ lạc “Dâu” (cây dâu)... làm tên gọi (3). Những bộ lạc này có thể coi là tiền thân của tên họ. Một số sử sách chép xưa kia có sự nhầm lẫn và “hiện đại” hóa tên họ của tiền bối bằng những tên, họ rất đẹp, có ý nghĩa để tương đương với Trung Quốc. Họ ở Việt Nam ra đời chỉ khi có những điều kiện nhất định, đó là: các mặt về kinh tế, văn hóa, kỹ thuật phát triển đến mức độ khá phong phú, đòi hỏi chức năng cần phân biệt; hay sự phân hóa giai cấp ngày càng sâu sắc, các tầng lớp quan lại, lạc hầu, lạc tướng cần có phân biệt về chức vị, dòng tộc... (4). Để quản lý mọi mặt, nhà cầm quyền đô hộ lấy cớ phải có họ đi kèm trước cái tên, thành “tính danh” để chúng kiểm kê dân số Giao Châu, quản lý con người bằng hộ khẩu, nhân khẩu, lập danh sách gửi về triều đình Trung Quốc nhằm nắm rõ sổ đinh, sổ điền trong guồng máy cai trị, bóc lột tài nguyên và nhân lực của người Việt.
Như vậy, thông tin về họ Phí Việt Nam có từ thời xa xưa và hai ông tổ của họ Phí là Phí Quốc Sủng và Phí Quốc Ái cho đến nay cũng chưa thấy một tài liệu nào phản ánh điều này. Chúng tôi thấy trong thời gian gần đây, một số dòng họ đã ghi chép, “tạo dựng” gia phả có xu hướng đi tìm một huyền thoại, một Thần Thành hoàng nào đó và gán cho mang cái họ của nhà mình và cố gắng bằng mọi cách “đẩy” ông tổ của mình lên thật “cao” chỉ để phô trương trước thiên hạ hay các dòng họ khác. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho một số dòng họ đã có cách làm kể trên, dù sao, việc tôn trọng tổ tông cũng là một ý thức tốt trong tâm linh của cộng đồng người Việt, nhưng không vì thế mà có những việc làm, cách nghiên cứu thiếu cơ sở khoa học.
Dưới đây, qua một số tư liệu, thư tịch, kết hợp việc nghiên cứu địa - lịch sử, chúng tôi sẽ nêu ra những tư liệu về họ Phí ở Trung Quốc và Việt Nam để đông đảo bạn đọc và nhất là con cháu dòng tộc Phí tham khảo trong quá trình viết về lịch sử dòng họ mình.
Họ Phí ở Trung Quốc cũng là một dòng họ hiếm, ít người, địa bàn sinh sống chủ yếu ở khu vực bán đảo Sơn Đông (Đông Bắc Trung Quốc).
Sách “Trung Quốc Tính Thị” của hai tác giả Viên Nghĩa Đạt và Trương Thành, tác giả viết về 108 họ lớn ở Trung Quốc, tuy nhiên không có họ Phí (5).
Trong sách “Hoa Hạ Bách Gia Tính”, của Trương Học Hàm đề cập đến 515 họ lớn ở Trung Quốc, tác giả đã dành ba trang viết về lịch sử, danh nhân họ Phí và cho rằng họ Phí có mặt ở vùng Sơn Đông và Giang Hạ. Họ Phí đứng hàng thứ 206/515 với số dân khoảng 250.000 người. Theo tác giả, họ Phí là loại họ được lấy từ tên vùng đất được phong và đặt thành họ riêng của một dòng giống kể từ thời Xuân Thu; hay Phí là họ bắt đầu khởi nguồn ở bán đảo Sơn Đông Trung Quốc và có tổ tông là ông Phí Vô Cấp (6).
Theo sách "Thiên Gia Tính Tra Nguyên” (tra cứu gốc của nghìn họ), có hai thuyết giải thích về họ Phí như sau:
Thứ nhất, đây là họ có từ thời Xuân Thu (770 - 475 tr.CN) do ông Đại Phu tên là Phí Vô Cấp mở đầu dòng họ này vào dịp ông được vua nhà Chu phong cho ở đất Phí, về sau, con cháu ông đã lấy tên vùng đất (địa danh) lập thành họ Phí.
Thứ hai, đây là họ có từ thời Xuân Thu do một tể tướng nước Lỗ tên là Quý Hữu nhận phong Hầu ở đất Phí. Về sau, các thế hệ con cháu ông đã lấy tên vùng đất ấy để đặt ra họ Phí.
Như vậy, qua tư liệu trên, chúng tôi thấy có hai chi (hay ngành) của họ Phí:
Chi thứ nhất là hậu duệ, con cháu của ông Phí Vô Cấp đã lấy tên đất làm họ, mà đương thời gọi là ấp Phí. Vùng đất ấy, nay ở phía Tây - Nam huyện Ngư Đài, tỉnh Sơn Đông. Đồng thời, đây là nơi khởi nguồn ra một chi họ Phí (ấp Phí của nước Lỗ).
Chi thứ hai do người con trai út của ông Lỗ Hoàn Công tên là Quí Hữu lập ra. Thừa tướng nước Lương là Phí Hoàn Bi cho con trai của Lỗ Hoàn Công tên là Quí Hữu làm chức Đại Phu, nhân đó đổi theo thành họ Phí. Vì lấy được ấp Phí, hiện nay nằm ở một vùng phía Tây - Nam huyện Phí thuộc tỉnh Sơn Đông. Chi họ Phí này không nhận cùng họ Phí kia ở huyện Ngư Đài, tỉnh Sơn Đông, vốn chẳng cùng một nguồn gốc. Sách cũng chép rằng: “Dòng họ Phí nổi tiếng là một vọng tộc ở quận Giang Hạ, nay thuộc về huyện Vân Mộng phía Đông Nam tỉnh Hồ Bắc (7).
Theo khảo cứu của chúng tôi từ các cụ cao tuổi có học thức, biết Nho học là người họ Phí sở tại, qua truyền thuyết ở vùng Kim Thành, Kinh Môn (2 huyện ở phía Đông tỉnh Hải Dương). Các cụ kể rằng: Cụ thuỷ tổ họ Phí nước Nam, vốn là một ông quan làm việc trong Giao Châu Đô hộ phủ đời Lục Triều, khoảng thời Tống Hiếu Vũ Đế từ năm 456 (Bính Thân), đến năm 465 (Ất Tỵ) cai trị nước ta. Sau cụ xin từ quan, lui về ở ẩn vùng non nước hữu tình thuộc huyện Kim Thành (sau này) và lập ra Phí Gia trang rất rộng lớn. Cụ chiêu mộ các lưu dân nghèo và đem họ hàng, con cháu từ Trung Quốc đến, khai hoang lập ấp nơi có cảnh sơn thuỷ và đất đai phì nhiêu gần cửa sông Kinh Môn chảy ra sông Bạch Đằng và cửa Cấm (lúc đó vùng Thuỷ Nguyên, An Hải, Kiến Thụy còn là cửa biển, đất cát, phù sa mới bồi đắp quanh các rặng núi đá vôi rất đẹp). Nhân dân trong trang ấp của cụ đều mang họ Phí và đều nhập tịch là dân Giao - Châu. Khi cụ mất có đền thờ ở đó, về sau trở thành một vị Phúc Thần Thành hoàng địa phương, được nhân dân thờ kính. Từ năm 1946. 1954 chiến tranh chống Pháp, huyện Kim Thành bị bom đạn tàn phá, nhưng nhân dân vẫn thờ phụng. Sử sách gọi huyện Kim Thành thời tự chủ ban đầu (từ năm 939- 1009) là huyện Phí Gia. Tên này đời Lý, đời Trần, Hồ vẫn còn gọi như vậy. Mãi đến thời Minh đô hộ (1414 - 1428) chúng đổi tên là huyện Cổ Phí để ghi dấu miễn đất do người họ Phí lập ra và sinh sống ở huyện ấy. Đời Trần, Hồ huyện Phí Gia nằm trong châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng, trấn Hải Đông (8). Đến đời Lê Trung Hưng trở đi, địa danh này mới đổi ra huyện Kim Thành và triều Nguyễn cũng dùng tên đó cho đến ngày nay. Tới triều Gia Long - Minh Mệnh (1802-1840), sách địa danh cổ về Đường - Ngoài là tập “Các Trấn, Phủ, Huyện, Tổng, Xã Danh Bị Lãm” (có lẽ soạn từ đời hậu Lê và đời Tây Sơn (thế kỉ 17 và 18), đầu đời Nguyễn mới bổ sung, sửa chữa, phát hành), chúng tôi đã liệt kê được tám địa điểm đơn vị tổng và xã ở 2 trấn Hải Dương và Sơn Nam Thượng (Hà Đông và Hưng Yên) mang tên có chữ Phí như sau:
- Tổng Phí Gia: thuộc huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
- Tổng Phí Xá: thuộc huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương.
- Xã Phí Gia, Tổng Phí Gia, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, Hải Dương.
- Xã Phí Trạch, tổng Đạo Tú, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, Sơn Nam - Thượng trấn.
- Xã Phí Xá, Tổng Canh Hoạch, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu (sau là Hưng Yên). - Xã Phí Xá, tổng Phí Xá, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng, Hải Dương.
- Xã Phí Xá, tổng Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, Hải Dương.
- Xã Phí Xá, tổng Bằng Quân, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, Hải Dương.
Một số địa danh có gắn với chữ “Phỉ” giải thích về ngữ nghĩa là: Phí Gia (gia đình của người họ Phí), Phí Xá (làng có nhà của họ Phí). Phải chăng, đây là các thổ quán, nguyên quán của những gia đình họ Phí? Các làng mang tên khác có người họ Phí cư trú, là nơi di cư đến về sau (có lẽ từ thế kỉ 17) như làng Mậu Hòa, Phú Diễn, Thượng Tầm, Thượng Trưng, Cửu Cao, Dương Liễu... đều có các gia đình họ Phí khoa bảng Nho học (tiến sĩ, cử nhân) sống ở đó hiển đạt, vẻ vang một thời. Còn sáu xã mang tên Phí nói trên, hầu như toàn nông dân họ Phí, hay có vài ông Sinh đồ, Tú tài, Hương cống đời Lê.
Người ta chỉ thấy có họ Phí sống nhiều đời và đông nhân khẩu trong không quá 28 làng xã ở Bắc Bộ Việt Nam. Đa số họ Phí sống tập trung tại huyện Kim Thành, Hoàng Giang (Hải Dương), Đông Quan (Đông Hưng - Thái Bình) và ở huyện Từ Liêm, Đan Phượng (Quốc Oai - Sơn Tây cũ). Nếu còn có họ Phí ở các tỉnh thành khác, đấy là do di dân từ các huyện trên đến sinh sống từ khoảng 1 đến 5 thế hệ là cùng. Như vậy, nguồn gốc họ Phí ở nước Việt ban đầu ở làng Phí Gia, huyện Cổ Phí, phủ Kinh Môn (nay là huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Hiện giờ có hàng nghìn người họ Phí ở khoảng 9 xã (25 thôn, xóm) trong xã (25 huyện Kim Thành, gần đường số 5 và gần Thành phố Hải Phòng. Trải qua thời gian, lịch sử, đất nước biến động, chiến tranh và thay đổi thời đại, người họ Phí di cư đến gần Thăng Long (Gia Lâm, Từ Liêm, Đan Phượng) hay dời xuống vùng Thái Bình thời Mạc tàn, Lê - Trịnh (cuối thế kỷ 16). Sau đó, một số gia đình họ Phí đã dời nhà đến trấn Sơn Tây cũ, thành danh gia vọng tộc, có một số người họ Phí học giỏi, đỗ đạt và ra làm quan một thời.
Thật sự, chúng tôi thấy họ Phí đã xuất hiện ở nước ta trong sử sách từ thời Lý (1009 - 1225) và thời Trần (1226 - 1400). Có một số ông họ Phí làm quan to trong triều đình, cả về văn quan và võ chức. Chúng tôi sẽ có phần khảo cứu qua Quốc sử, thư tịch để chứng minh ở phần sau. Nhưng phải khẳng định họ Phí ở Việt Nam xưa, nay là những dòng họ tộc mang tính địa phương, thường chỉ sống ở một vài nơi thôi. Hơn thế, dân số không đông và không phổ thông trong toàn quốc bằng các họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm, Vũ (Võ)...
Theo lời các cụ già họ Phí gốc ở làng Phí Gia ở huyện Kim Thành (Hải Dương) kể có cụ Thủy tổ thời Lục Triều đến làm quan ở nước ta, giai đoạn Bắc thuộc thế kỷ V. Thực tế là các cụ và bà con họ Phí xưa không biết tên húy (cấm kị nói tên Thần Thành hoàng bản địa) vị Thủy tổ họ Phí đó. Khi chúng tôi đọc đến sách “Đại Việt Sử Ký Tiền Biên” của sử gia Ngô Thì Sĩ (đời Lê Cảnh Hưng 1740 -1786), tờ 19b, ngoại kỷ quyển IV, kỷ nội thuộc Lục Triều (tức Nam Bắc Triều). nhận thấy có chi tiết sau:
“Năm Bính Thân (456), niên hiệu Tống. Hiếu Vũ Đế, Hiếu Kiến năm thứ Ba, vua Tống cho Bắc Quân Trung Lang (tướng) là Phi Yêm làm Thứ Sử Giao Châu” (9). Đây là viên quan cao cấp nhất ở Giao Châu trong 9 năm (457-465). Sự nghiệp của Phí Yêm ra sao, ngày sau không rõ và nay hoàn toàn không biết gì hơn ngoài dòng cổ sử nói trên. Có thể Phí Yêm là Thủy tổ họ Phí ở nước ta sống cách nay đã hơn 1.550 năm? Khi không còn làm quan, ông chọn việc ở lại nước ta sinh sống và nhập tịch vùng xứ Hải Đông (sau là Hải Dương) nên con cháu ông, ba đời sau, thành người Việt bản xứ. Suốt 9 năm, nhân vật Thứ sử Giao Châu Phí Yêm cai trị nước ta, không thấy sử cũ chép có điều gì xấu và có loạn giặc gì cả. Như thế, Phí Yêm có thể là một viên quan tốt, có đạo đức? Thời Bắc thuộc (111 tr.CN đến 938), không mấy năm lại không có sự quật cường của nhân dân ta đứng lên chống quan Tàu đô hộ.
Qua một số tư liệu và sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng, ông Phí Yêm là người họ Phí đầu tiên được ghi trong cổ sử Việt Nam và là người khai sáng họ Phí. Vùng khởi đầu của họ Phí hơn 1.550 năm trước ở ấp Phí (Phí Gia trang) thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ngày nay. Chính địa danh Phí Gia trang, Phí ấp, Phí Gia huyện... được thành lập gắn liền với nhân vật họ Phí kể trên, đó cũng là điều hợp lý và là một thông lệ khá phổ biến trong lịch sử.
Như trên chúng tôi đã trình bày, họ Phí ở Việt Nam là một họ không lớn, thậm chí, tác giả Lê Trung Hoa trong trong cuốn sách “Họ và tên người Việt Nam”, trong phần thống kê Số lượng họ, tác giả đã “quên” họ Phí, và họ Phí đã không được ghi trong mục này (10). Tuy ít người, nhưng họ Phí có nhiều danh tài, hiền sĩ, các vị khoa bảng... và đóng góp nhiều công trạng to lớn trong lịch sử dân tộc được sử sách lưu danh. Ngoài nhân vật Phí Yêm (có thể coi là thủy tổ họ Phí ở Việt Nam) như đã nêu, chúng tôi xin trình bày một số nhân vật họ Phí có liên quan đến triều đình ở một số triều đại phong kiến Việt Nam qua các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, (Đại) Việt Sử lược (đời Trần), An Nam chí lược (của Lê Tắc, 2 bộ Quốc sử: Đại Việt sử ký tiền biên và Việt Sử tiêu án (của Ngô Thì Sĩ) và bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử Quán triều Nguyễn).
- Phí Sùng Đức đời Lê Đại Hành (980- 1005) là một ông quan người Việt thuần túy. Các bộ cổ sử đều chép đại cương như sau: “Năm Giáp Ngọ (994), niên hiệu Ứng Thiên thứ nhất. Mùa Xuân tháng Giêng, vua sai sứ sang nước Tống là viên Nha Hiệu tên Phí Sùng Đức đem sản vật qua biếu và đáp lễ việc Vua Tống trước đó (năm 993, Quí Tỵ) sai sứ đến nước ta phong cho Lê Hoàn làm Giao Chỉ Quận Vương” (11). Ông là người thông thạo tiếng Tàu và giỏi thơ, văn. Phí Sùng Đức là người họ Phí đầu tiên làm công việc ngoại giao thời Tiền Lê, cuối thế kỷ 10. Và ông cũng là người họ Phí đầu tiên làm quan, có sử sách ghi nhận. Không rõ, quê quán, lý lịch và sự nghiệp của ông ra sao.
- Phí Xa Lỗi xuất hiện trên trang sử năm 1009, là võ quan, thân cận phò Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, làm chức Tả Kim Ngô (như quan cận vệ gần kề bên vua, lo việc quân sự, an ninh, quốc phòng) (12).
- Phí Trí là quan Tăng Thống, chức cao cấp trông coi về đạo Phật trong nước bấy giờ (Tăng Thống không phải là nhà sư, mà là văn quan có học thức, giỏi về Thiền giáo). Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: “năm Canh Tuất (1010), sau khi Vua Lý Thái Tổ đời Đô từ Hoa Lư ra Đại La vào tháng bẩy. Nhà Vua sai quan Lý Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nhà Tống xin thỉnh kinh Tam Tạng, vào năm Canh thân (1020). Tháng 9 năm này, 2 ông về nước, vua ban Chiếu chỉ cho viên quan Tăng Thống là Phí Trí sang Quảng Châu để đón rước kinh Phật về" (13).
- Phí Gia Hựu là quan đời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) phụ trách về ngoại giao. Trong một lần thực hiện công việc đàm đạo với nhà Tống, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chi tiết đáng chú ý: “Dư Tĩnh đem nhiều của đút lót cho Phí Gia Hựu và gửi quốc thư nhờ Gia Hựu mang về nước, xin vua ta trả lại tên Dương Lữ Tài. Nhưng vua không xét” (14). Chúng tôi cho rằng: Phí Gia Hựu đàm phán với Dư Tĩnh của nhà Tống, tuy có được tặng quà cáp rất hậu, để nhờ Gia Hựu làm việc theo ý chúng, nhưng có lẽ viên sứ thần họ Phí của ta nhận và đem về nước, trình với nhà vua rõ ràng. Nếu dấu đi làm của riêng, thì không thể tránh khỏi tai mắt nhà vua trong phái đoàn qua Tống (Ung Châu), sẽ bị hạch tội. Chắc hẳn số quà biếu đã nộp công quỹ, thì quốc sử mới rõ mà chép ra như thế? Về lai lịch, của ông quan Phí Gia Hựu nay không rõ.
- Phí Nguyên giữ chức Quản giáp, “năm Canh tuất (1130) dâng chim sẻ trắng lên nhà vua” (15).
- Phí Công Tín là một quan chức cao cấp dưới thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) đã được bảy lần sử sách nhắc đến chức vụ và tên ông như sau: “Năm Mậu-thân (1128) niên hiệu năm thứ nhất Thiên Thuận đời vua Lý Dương Hoán (Thần Tông) mới lên ngôi... Tháng ba, vua cho Nội lệnh Thư gia tên Phi Công Tín làm Phụng Nghị Lang... Vua xem đại hội Linh Quang (ngày hội Phật giáo thuở đó, có lẽ mồng 8 tháng 4)? cho Phí Công Tín và Ngụy Quốc Bảo làm Nội Thường thị (như quan hầu cận, trợ lý thân tín). Năm sau “Kỷ Dậu (1129), mùa Hạ, cho Nội Thường Thị Phí Công Tín làm Tả Ty Lang Trung và Quốc Bảo làm Viên Ngoại Lang” (16). Có điều khá thú vị về nhân vật này, Đại Việt sử ký toàn thư chép ông Phí Công Tín mang họ Lý (được ban “quốc tính” - họ của vua) vì ông thăng quan tiến chức khá cao: Thiếu sư Lý Công Tín và ban nhiều đặc quyền. Tiếp đó, “Mùa hạ, tháng tư, năm Ất Mão (1135) vua ban chiếu phong cho chức Tả Ty Lang Trung là Lý Công Tín (tức họ Phí ) được ra vào cung cấm để tâu bày mọi việc nước, không ai được ngăn cản” (17). Năm sau, Bính Thìn (1136), tháng 6, cho Tả Ty lang Trung Lý (Phí) Công Tín làm Thiếu sư, trật Minh Tự. Ông Phí Công Tín mang họ Lý đã phục vụ suốt 11 năm dưới đời vua Thần Tông (1128-1138). Sang đến đời vua con Lý Anh Tông (1138 -1175), ông Tín còn tiếp tục làm quan to, ông đã được phong lên chức Thiếu Bảo. “Năm Mậu Dần (1158), vua Anh Tông sai quan Thiếu Bảo Lý (Phí) Công Tín đi tuyển dân đinh, định rõ các hạng và lấy người sung vào việc thờ cúng ở Thái Miếu và Sơn Lăng (ở Rừng Báng, làng Thái Đường và Đình Bảng xứ Kinh Bắc tức Bắc Ninh). Đặc biệt, Quốc sử chép: “Sau năm Mậu Dần, Công Tín đã xin trở lại họ Phí của ông” (18), từ năm 1160 trở đi, lại thấy sử chép rõ ông họ Phí, không còn họ Lý nữa. Ông Phí Công Tín là người họ Phí phục vụ cho nhà Lý lâu dài nhất, gần 40 năm làm quan (từ khoảng 1125-1164) và có chức tước cao nhất trong các quan mang họ Phí dưới triều Lý. Đây là một trung thần suốt đời tận tụy phò giúp hai triều vua Thần Tông và Anh Tông, đáng lưu ý ghi nhận trong họ Phí nước Đại Việt xưa. Sử cũ không cho biết ông quê quán ở đâu.
- Phí Lang cũng là viên võ quan cùng với Nguyễn Bảo Lương (thời Lý) rất căm giận nạn tham quan nhũng nhiễu đã khởi nghĩa để chống quan Thái phó Đàm Dĩ Mông (sử cũ chép hành động của Phí Lang là làm loạn, phản nghịch chống vua và triều đình lúc ấy). Chiến trận xảy ra ở sông Lộ Bố (nay là huyện Ý Yên, Nam Định) rất ác liệt vào năm 1023 và năm 1024 (19). Tuy nhiên sử nhà Lý không chép tiếp số phận người hào kiệt Phí Lang sau đó ra sao? Có lẽ ông không bị bắt tội mà còn có thể được vua phong cho chức tước, cho cai quản vùng Đại Hoàng và cả vùng Sơn Nam để triều đình yên ổn? Có lẽ con cháu nhiều đời của ông Phí Lang đã lập nghiệp ở vùng Sơn Nam Hạ (Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình), và cả ở Bắc tỉnh Thanh Hoá?
- Phí Liệt (có sách chép là Phí Lệ) là viên chức Hoả Đầu (một chức cận vệ sĩ, quan cấp thấp bảo vệ an ninh và hầu cận vua Huệ Tông) (20).
- Phí Thám là một tướng thân cận của thủ lĩnh Nguyễn Nộn (tước Hoài Đạo Vương đời nhà Trần), không rõ quê quán ở đâu. Sử chép: “Mùa Đông, tháng chạp năm Kỷ Mão (1219), ngày Canh Ngọ tướng của Nộn là Phi Thảm nộp Thái hậu và công chúa con vua cho Thái úy..” (21) (vợ Cao Tông, mẹ Huệ Tông, vốn theo Nguyễn Nộn chống gia đình họ Trần gốc ở Hải Ấp).
Thời kỳ này có một số nhân vật đặc biệt như sau:
- Phí Mạnh là viên quan biết trọng phép nước đã cải tạo bản thân từ chỗ là người đứng đầu một châu, quận (như tỉnh lớn nay), mang tiếng xấu, bị vua phạt, trở thành người trong sạch được khen. Sách viết: “Năm Nhâm Thìn (1292), mùa xuân, tháng giêng…. lấy Phí Mạnh làm An Phủ Diễn Châu. Giữ chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua triệu về đánh trượng, lại sai đi trấn trị. Sau được tiếng là công bằng, thanh liêm. Người Diễn Châu vì thế có câu rằng: “Diễn Châu An Phủ thanh như thuỷ” (22), nghĩa là: quan An Phủ Châu Diễn trong sạch như nước.
- Phí Mộc Lạc (hay Bùi Mộc Đạc) một nhân vật họ Phí quan trọng. Khi Trần Nhân Tông làm Thái Thượng Hoàng chỉ đạo cho con nối nghiệp là vua Anh Tông (1293 -1314) bắt viên quan thân cận phải đổi cả họ và tên theo ý riêng. Sự kiện này được sử quan nhà Trần nhắc lại vào năm Giáp Thìn (1304) như sau: Năm Giáp Thìn, tháng hai, cho lấy viên quan Bùi Mộc Đại làm Chi Hậu Bạ Thư Chính Chưởng, phụng thị Thánh Từ Cung (như quan đứng đầu phòng Văn thư Hành chính trong cung vua). Ông Mộc Đạc có tên là Minh Đạo, quê quán ở Hoàng Giang (có lẽ là vùng Bắc tỉnh Ninh Bình nay). Ông có họ và tên thật là Phí Mộc Lạc vốn có tài năng. Thượng hoàng Nhân Tông cho rằng họ Phí xưa không nghe thấy có! Mới đổi làm họ Bùi. Tuy nhiên, thực tế, đời Lý, Trần có nhiều người họ Phí. Vua còn bảo: “tên là Mộc Lạc có nghĩa: cây gẫy đổ, không tốt lành! Cho đổi tên là Mộc Đạc có nghĩa là cái Mõ gỗ” (23). Vua Nhân Tông cho ông quan Mộc Đạc này phải túc trực chầu hầu ngày đêm bên vua. Sau này, nhiều người họ Phí ở nước ta hâm mộ danh tiếng ông Mộc Đạc, bắt chước ông mà đổi sang họ Bùi.
Về sau, ông Bùi Mộc Đạc (tức Phí Mộc Lạc) được quốc sử nhắc đến tên ông thêm hai lần và giữ những chức vụ lớn: “Cuối năm Kỷ Dậu (1309), vua Anh Tông đã cho ông Bùi Mộc Đạc lên chức Trung thư Thị Lang” (24). Sau đó: “Năm Canh Thân, niên hiệu Đại Khánh thứ 7 (1320) được vua bổ nhiệm làm chức Thẩm Hình Viện Sự, kiêm chức Chuyển vận xứ lộ Hoàng Giang Hạ” (25) (tức là ngành toà án cao cấp xét xử Hình án và kiêm nhiệm giao thông vận tải, công chánh (vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình hiện nay). Đó là chức vụ lớn của ông từ 6 năm trước lúc mất.
Rõ ràng ông quan Mộc Đạc gốc họ Phí là một vị quan to của triều Trần Anh Tông và Minh Tông mới được trọng vọng như thế. Đây là vị minh quan tiêu biểu cho triều nhà Trần suốt 40 năm phục vụ (từ 1286 - 1326). Có một chi tiết là: Từ nhân vật Phí Mộc Lạc đổi ra Bùi Mộc Đạc từ cuối thế kỷ 13 đã làm cho một số người Việt họ Phí lúc đó bắt chước đổi từ họ Phí ra họ Bùi không ít. Hiện tượng này đã được các nhà nghiên cứu về họ tộc Việt Nam mách bảo cho biết một chi tiết lý thú rằng: họ Bùi gốc ở làng Phất Lộc, xưa thuộc tổng Thượng Liệt, huyện Đông Quan (tức Thanh Quan), phủ Thái Bình - Sơn Nam Hạ Trấn (nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là một dòng họ Bùi to lớn và có tiếng. Đời Lê có một nhánh di cư ra Thăng Long, lập thành ngõ (xóm) Phất Lộc (từ Hàng Bè, cầu Gỗ xuyên ra phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, có cả Đình thờ vọng về làng). Họ Bùi này còn có một nhánh ở vùng Bưởi, Thụy Khuê, có một số Nho gia đậu Hương cống, Cử nhân. Chính họ Bùi gốc làng Phất Lộc là hậu duệ (con cháu xa đời nối dõi) của си tổ đời Trần là Bùi Mộc Đạc từ họ Phí đổi ra. Người xưa chiết tự chữ Phí gồm chữ Phất và chữ Bối, mà cụ Bùi Mộc Đạc, là vua ban họ Bùi, nên chữ Phí bỏ chữ bối, thành chữ Phất, tức bỏ gốc họ cũ (bối = đằng sau, phía dưới) nhưng được vua Trần ban cho họ Bùi, được quyền cao chức trọng, danh vọng một thời, tức là được “quan lộc”. Về sau, ẩn ý dùng chữ Phất Lộc là muốn ám chỉ họ Bùi ở làng này là “họ Phí mất gốc, nhưng được lộc”.
- Phí Trực là quan Hình bộ lang trung kiêm chức An phủ phủ Thiên . Trường. Năm Định Tỵ, niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317) cũng là một viên quan tài giỏi, có tiếng xử án hay và điều tra rất nhiều vụ án một cách thông minh, được vua khen (26).
- Có một điều khó hiểu và khó giải thích lý do tại sao dưới thời Lê sơ (1428-1527) các nhân vật họ Phí được ghi trong sử sách giảm hẳn từ cuối đời Trần, suốt 7 năm thời nhà Hồ và 20 năm thời hậu Trần đến thời Minh xâm lược (1407-1427). Chúng tôi đã tra cứu nhiều bộ sử nhưng chưa tìm thấy một anh hùng hào kiệt, nhân vật thời đại và văn nhân khoa bảng, quan chức triều đình họ Phí trong suốt 150 năm (1326 1475). Mặc dù thời cuối nhà Trần và thời kháng chiến chống quân Minh 20 năm, đã có hàng trăm nhân vật lịch sử nước ta xuất hiện. Đặc biệt cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh của các hào kiệt Lam Sơn, có đến gần 200 danh nhân “Bình Ngô”. Ngay trong các cuộc khởi nghĩa ở quanh địa bàn huyện Cổ Phí thời Minh thuộc, tuyệt nhiên không thấy họ tên nhân vật Phí tộc nào cả? Mặc dù các làng xã họ Phí ở đây có khá đông nhân khẩu.
Mãi đến năm Ất Mùi (1475), vua Lê Thánh Tông ra ngự giá ở Điện Kính Thiên coi việc thi Đình vào ngày 11 tháng năm (Âm lịch). Vua chọn thành phần ban tổ chức giám khảo thi, mà vua đích thân ra đề thi Văn Sách. Có ông Trịnh Công Lộ là Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Phò mã Đô úy, cùng Thượng Thư Bộ Lại là Hoàng Nhân Thiêm làm Đề Điệu, cùng khá nhiều các quan to có học lực cao. Trong đó thấy có một ông Binh - Khô Đô Cấp sự Trung tên là Phí Bá Khang làm Giám thị. Đây là một nhân vật họ Phí có danh tính rõ xuất hiện đầu tiên triều Lê sau gần 50 năm trị vì (1428-1475). Ba năm sau, khoa thi Mậu Tuất (1478), thấy có ông Phí Mẫn người làng Cửu Cao, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc đậu Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân và ra làm quan đến chức Thừa Chính sứ .
- Thời nhà Mạc, họ Phí đã góp mặt với các nhân tài khoa bảng và làm quan được ba ông Tiến sĩ. Đó là các ông Phí Thạc (đỗ tiến sĩ năm 1529 đời Mạc Đăng Dung), ông Phí Vạn Toàn (đỗ năm 1535) và ông Phi Lân (đỗ năm 1586). Cả ba ông đều làm quan cho nhà Mạc rất tận tình.
- Trong thời gian dài, từ năm 1593 đến 1788, có lẽ cũng có một số người họ Phí đỗ Hương Cống, Sinh đồ ra làm quan cấp thấp? nên không được Quốc sử đời Hậu Lê ghi chép. Chúng tôi thấy có 3 ông tiến sĩ họ Phí là các ông: Phí Văn Thuật (1640), Phí Đăng Nhậm (1661) và Phí Quốc Thể (1683). Cả 3 ông Nghè họ Phí này đều làm quan cỡ “trung cấp”. Ngoài ra riêng ông quan Phí Đăng Nhậm làm đến chức Hiến sát sứ năm Ất Tỵ (1665). Không có ông tiến sĩ họ Phí nào trong 3 ông trên làm đến chức Tả, Hữu Thị Lang hay Thượng thư, Đông các Đại học sĩ,... Phải chăng nhân tài họ Phí cũ đã chuyển đổi qua họ Bùi và họ khác từ thời nhà Lê, nhà Mạc rồi sao? Bởi thời Lý, Trần có số người thành đạt như vậy (Xem bảng 1).
Họ Phí ở nước Đại Việt xưa tuy số người ít và chỉ phân bố trong phạm vi đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Như đã trình bày ở phần mở đầu, thực tế chỉ có 28 thôn, xã ở miền Bắc từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trở về trước là có các gia đình mang họ Phí đã sinh cơ, lập nghiệp ở đó. Qua sử sách và điền dã, chúng tôi cho rằng nguồn gốc họ Phí của người Việt phát xuất ở vùng huyện Kim Thành và Kinh Môn. Chính tên của hai huyện đó, từ thế kỷ 15 trở về trước có tên cũ là huyện Phí Gia và Cổ Phí, từ đó về sau có sự di cư của một số cá nhân và gia đình đến các địa phương khác bởi nhiều lý do. Từ đó, các trấn, tỉnh, miền Bắc mới phát sinh thêm các chi phái họ Phí mới theo dòng lịch sử biến động ở nước ta.
Họ Phí đã có nhiều nhân vật quan trọng góp mặt với các triều đại, các thời kỳ lịch sử. Ngoài các nhân vật chính trị, quân sự, tăng sĩ họ Phí, còn có một số người trí thức Nho học, mang dòng họ Phí đã có bảng vàng bia đá đề danh khá vẻ vang, trong suốt thời nho học còn thịnh hành. Họ Phí tuy ít nhân khẩu so với “trăm họ của Đại Việt xưa, nhưng so sánh tỉ lệ khoa bảng lại là một họ xưa kia nổi bật và học giỏi, đậu cao và có một số người làm quan to. Đến thời Nguyễn và đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng 8-1945 đến nay, họ Phí đã và đang có nhiều người giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước, trên nhiều lĩnh vực như quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế,... họ đang góp phần làm rạng danh họ Phí trong cộng đồng các họ tộc Việt Nam.
NGỌC TUYẾN*
VŨ HIỆP **
*TS. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Tp. Hồ Chí Minh
** Nhà nghiên cứu-Tp. Hồ Chí Minh
(57). C. Poncet, L’un des premiers Annamites convertés au Catholicisme. BAVH 1941 (1), tr. 89.
(61), (62), (63), (64), (67), (76), (79). Phạm Đình Hổ, sdd, tr. 26-61; 54-55; 62-170; 45, 64, 43-46, 23, 64.
(68). Đinh Gia Khánh (Chủ biên). Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Hà Nội, 1991, tr. 138.
(78). Trương Vĩnh Ký. Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876). Sài Gòn, 1881, tr. 17-18.
(81). Marini, Relations nouvelles et curieuses desroyaume de Tunquin et de Lao. Paris 1666, tr. 68.
(82). Phan Đỉnh Khuê. Relation d’un voyage au Tonkin (1688) Annam kỷ du (Bản dịch Vissière) BGHD-t.IV, n°2. Paris 1890, tr. 82.
(83). Bissachere. Etat actuel du Tonkin, de la Conchinchine et des royaumes de Cambodge, Laos et Lactho (2 tập) Paris 1812, tr. 11-46.
(85). Ngô Cao Lãng. Lịch triều tạp kỷ, 2 tập, Hà Nội, 1975, tr. 76.
(86). Thượng kinh phong vật chí. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 1971 (7-8).
(87). Đại Nam hội điển sự lệ. Nội các triều Nguyễn.
(88). Imbert le Tonkin Industriel et commercial. Paris 1885, tr. 86.
(91). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, 38 tập, Hà Nội 1968-1972, tập XXIII, tr. 132.
VỀ DÒNG HỌ PHÍ Ở VIỆT NAM
(Tiếp theo trang 41)
CHÚ THÍCH
(1). Nguyễn Đình Cát (1998). Hậu duệ họ Lý. Giáo dục và Thời đại, số 2 (160), tr. 27.
(2). www.phitocvietnam.net.
(3), (10). Lê Trung Hoa. Họ và tên người Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 16, 36.
(4). Trần Ngọc Thêm. Về lịch sử hiện tại và tương lai của của tên riêng trong người Việt, Tạp chí Dân tộc học, số 3-1976, tr. 14-15.
(5). Viên Nghĩa Đạt, Trương Thành. Trung Quốc Tính Thị, Nxb. Hoa Đông Sư phạm Đại học, Thương Hải, 2003.
(6). Trương Học Hàm. Hoa Hạ Bách Gia Tính, Nxb. Nam Kinh Đại học, 2000, tr. 215 - 217.
(7). Thiên Gia Tính Tra Nguyên (không rõ tác giả) tr. 216.
(8). Đào Duy Anh. Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 125.
(9). Đại Việt Sử Ký Tiến Biên, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 97.
(11), (12), (13), (14), (15), (16), (19). Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 228, 239, 206, 272, 304, 322, 332.
(17), (18). Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoan học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 273, 290.
(20). Đại Việt sử lược. (bản dịch Nguyễn Gia Tường. Đại học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh). Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 258 - 261.
(21). Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch). Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 197.
(22). Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 5, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 74.
(23), (24), (25), (26). Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 68, 94, 107, 102.
Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông, có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 mét, các miệng núi lửa, thác nước…, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Ngày 19/5/2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo 阮福昊, còn có tên là Hiệu, ông là con thứ 9 của đức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và bà Hữu Cung tần Trương Thị Hoàng. Tuyên Vương sinh vào ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Mùi (27/12/1739).