Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về con đường cứu nước ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, Nghiên cứu Lịch sử, số 4. 2009

16/08/2023699

Cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ là một sự nỗ lực học hỏi và tìm tòi. Phương châm của ông là nghiên cứu kỹ “quốc sử” (lịch sử dân tộc) và “quan sát thế giới”, “chịu khó nghiên cứu cho sâu, học cho hết” rồi "đem những điều đã đọc được trong sách nghiệm ra việc đời”. Với phương châm và mục đích nghiên cứu ấy, Nguyễn Trường Tộ cho rằng: nước Đại Nam muốn bảo vệ độc lập thì phải thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương và tiến hành canh tân đất nước.

1. Nguyễn Trường Tộ - người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam với tư cách là một bộ phận của lịch sử thế giới

Nguyễn Trường Tộ - người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam với tư cách là một bộ phận của lịch sử thế giới, tức là ông nghiên cứu quá trình phát triển của lịch sử dân tộc trong sự tiến hóa của lịch sử nhân loại. Từ một lịch sử quan như vậy, Nguyễn Trường Tộ đã nghiên cứu lịch sử thế giới trong vòng 500 năm trở lại đây để hiểu thêm lịch sử dân tộc và tìm con đường cứu nguy cho dân tộc. Vì theo ông, con đường cứu nguy cho dân tộc lúc đó “không phải tìm ở trong nước mà phải tìm trong thiên hạ" (1). 

Khi nghiên cứu lịch sử thế giới trong thời kỳ chuyển biến từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản đại, Nguyễn Thưởng Tổ đã nhận ra là: “Hiện nay thiên hạ buôn tẩu như điên chỉ gấp rút tranh thế mạnh yếu và lợi nhuận, đường lối xưa vĩnh viễn không còn thấy lại nữa, khắp thế giới chỗ nào sinh sống được, chỗ nào canh tác được thì người Tây đã tìm kiếm hết rồi... đã chia nhau hết rồi” (2) và “người Tây phàm đến xứ nào thì trước hết để chiếm thị trường... để kinh doanh khai thác” (3).Trong Di thảo “Bàn về các tình thế lớn trong thiên hạ” (Thiên hạ đại thế luận, năm Tự Đức thứ 16, 1863), Nguyễn Trường Tộ viết: “Ngày nay, các nước phương Tây đã bao chiếm từ Tây Nam đến Đông Bắc, toàn bộ lãnh thổ châu Phi... ở lục địa, tất cả chỗ nào có ghe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người châu Âu đều đặt chân tới” (4). Nhìn lại các nước phương Đông và trong khu vực, đặc biệt là khi thực dân Anh chiếm Ấn Độ, Nguyễn Trường Tộ cho rằng: “Miến Điện, Xiêm La là thân cá chậu, còn nước ta và Nhật Bản coi như đô thị lớn ở I vùng biển Đông. Triều Tiên bên cạnh như một con phố nhỏ cho chúng điểm tâm buổi sáng”, “Trung Quốc như một cái chợ lớn để các nước phương Tây đánh chén”. Còn nước ta và Nhật Bản là hai con đường lớn của hai đầu chợ ấy, chắc chắn sẽ là nơi chúng buông gánh nghỉ vai. Điều đó sớm muộn sẽ xảy ra không sao tránh khỏi” (5). 

Vì vậy, nước Đại Nam bị xâm lược là một điều dễ hiểu. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để bảo vệ được độc lập dân tộc. 

2. Nguyễn Trường Tộ đã nghiên cứu kỹ “vận hội trong thiên hạ”, “sự thế xa nay dời đổi ra sao”

Nguyễn Trường Tộ đã nghiên cứu kỹ “vận hội trong thiên hạ”, “sự thế xa nay dời đổi ra sao”, đặc biệt là sự đổi thay của các quốc gia trong khu vực và sự thay đổi, sự chuyển biến của Nhật Bản. Từ một quan điểm lịch sử đúng đắn, Nguyễn Trường Tộ đã phân tích và khẳng định, tất yếu các quốc gia phương Đông và Việt Nam phải tiếp thu văn minh phương Tây, tiếp thu khoa học - kỹ thuật phương Tây. Ông viết: “Xem thế thì thời thế vận hội trong thiên hạ đã tiến dần đến thời kỳ tráng thịnh, tung hoành bốn phương. Giá như có một nước nào đó ngày nay muốn đóng cửa không tiếp khách để hưởng yên vui một mình cũng không thể được. Bởi vì ta không đến với người, người cũng đến với ta" (6). Do vậy, để bảo vệ độc lập, vấn đề không phải là đóng cửa mà phải luôn làm cho đất nước cường tráng và phải có chính sách ngoại giao khôn khéo. Vừa khôn khéo với Pháp, “vừa giao thương với các nước khác để bổ kế liên hoành”. Điều đó Nhật Bản cũng đã làm và đặc biệt là Xiêm La... “Nước ấy trước đây vốn chẳng có thế lực to lớn hùng mạnh gì nhưng từ khi người phương Tây khuấy động khiến họ chợt thức tỉnh bèn lấy Anh, Pháp làm bạn, lấy Ý (Y Pha Nho), Bồ Đào Nha làm khách, mời hết các nước trên thế giới buôn bán, du lịch, còn nước ấy nghiễm nhiên trở thành một ông chủ nhà lớn đàng hoàng khiến nước lớn thì làm khách, nước nhỏ thì làm bạn, chẳng cần đua đuổi cao xa mà vẫn chia quyền lợi với thiên hạ” (7). 

Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình phải có kế ngoại giao khôn khéo để vừa kiềm chế Pháp, điều đình với Pháp để lấy lại sáu tỉnh đã mất và giữ được những vùng đất còn lại; mặt khác phải “âm thầm” giao thiệp “dùng thuật liên hoành” với các nước khác trước hết là các nước “có mối hận thù với Pháp” để chống lại Pháp và cô lập Pháp; phải tìm nước bạn làm trung gian dàn xếp mâu thuẫn Việt- Pháp. 

Chủ trương hòa với Pháp mà Nguyễn Trường Tộ nêu ra là một sách lược để tiến hành canh tân đất nước, chuẩn bị các điều kiện và khi có thời cơ thì đánh đuổi Pháp. Thời cơ mà theo ông dự báo là khi chiến tranh Pháp, Phổ diễn ra. 

3. Nguyễn Trường Tộ nhận thức lịch sử đã đưa các quốc gia văn minh trên thế giới vào “lý thế tung hoành bốn biển”

Từ sự nghiên cứu thế giới trong vòng 500 năm qua, Nguyễn Trường Tộ đã nhận thức được điều quan trọng là lịch sử đã đưa các quốc gia văn minh trên thế giới vào “lý thế tung hoành bốn biển”, tức là cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nước Đại Nam muốn phát triển không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh ấy. Nhưng muốn cạnh tranh để phát triển thì phải có thể và lực, nghĩa là phải tự cường dân tộc. Mà muốn tự cường dân tộc thì phải canh tân đất nước. Theo Nguyễn Trường Tộ, canh tân, đổi mới đất nước vừa là điều kiện, vừa là thể hiện của việc đưa nước Đại Nam lên ngang tầm phát triển của thế giới. Canh tân là con đường duy nhất để bảo vệ độc lập và phát triển. 

4. Theo Nguyễn Trường Tộ, để đổi mới cần phải tiếp thu những thành tựu của văn minh phương Tây, tiếp thu khoa học - kỹ thuật phương Tây

Theo Nguyễn Trường Tộ, để đổi mới cần phải tiếp thu những thành tựu của văn minh phương Tây, tiếp thu khoa học - kỹ thuật phương Tây. Nhưng như vậy không có nghĩa là bỏ hết cái cũ mà mưu cầu cái mới. “Phải lấy cái hay của mình sẵn có, còn phải lấy cái hay trong thiên hạ mới sáng tạo ra. Như thể cái mới trong thiên hạ có thì ta cũng có, cái hay ta có thì thiên hạ lại không có. Lấy hai điều biết mà địch lại một điều biết. Như thế ai dám khinh rẻ nước mình” (8). 

5. Thực tế trong lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX

Một thực tế trong lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX là, khi tiếp xúc với nền khoa học, kỹ thuật phương Tây thì một bộ phận nho sĩ đã cho rằng: “Bá ban kĩ xảo tề thiên địa, duy hữu tử sinh tạo hoá quyền”, đã khiếp nhược trước kẻ thù và từ đó đi đến kết luận ta không thể chống lại Pháp. Trong khi đó thì Nguyễn Trường Tộ lại tìm mọi cách tiếp thu nhanh nhất những thành tựu của nền văn minh ấy. Ông đã ra sức học “cái cao siêu như thiên văn, cái sâu như địa lý, cái phiền toái như nhân sự cho đến luật dịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số” (9). Và ông tin rằng, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể tiếp thu được văn minh nhân loại, văn minh phương Tây để bằng người và vượt người. Vì theo Nguyễn Trường Tộ, người Việt Nam “nhiều tài trí lại khéo bắt chước kỹ xảo của người khác, không tự kiêu, tự mãn... Cho nên các nhà thông thái các nước khi bàn về đại thế trong thiên hạ đều cho rằng nước ta có địa thế tốt, lại có nhân tính tốt, ngày nay ắt hẳn sẽ phồn vinh vô cùng. Nhưng chỉ tiếc là người mình còn chấp nể tập tục cũ, bị lối học từ chương bó buộc nên chưa thể tung hoành nơi bốn bể”. Với những lợi thế đó, nếu người Việt Nam quyết tâm chỉnh đốn thói cũ, nghĩ làm lợi cho công, làm lợi cho tư thì người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể vươn lên bằng người và vượt người, thế giới không ai dám khinh rẻ mình. Quan điểm đó thể hiện tinh thần dân tộc chân chính của Nguyễn Trường Tộ và là một biểu hiện mới của tinh thần dân tộc Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XIX. 

Nguyễn Trường Tộ một mặt đã phân tích đầy đủ những mặt “sở trường” của người Việt Nam, nhưng mặt khác ông cũng phân tích những điều “sở đoản” thậm chí là thiếu sót khi so sánh, đối chiếu với thế giới. Ông đã trình bày với triều đình Huế phương pháp khắc phục những điều “sở đoản” của người Việt Nam mình là phải “quan sát thế giới”, sau đó “chịu khó nghiên cứu cho sâu, học cho hết” rồi hoạch định kế hoạch mới và phương pháp mới. 

6. Nguyễn Trường Tộ  âng lên triều đình Huế một chương trình canh tân đất nước

Khi xác định con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam chỉ là con đường canh tân, đổi mới đất nước, Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên triều đình Huế một chương trình canh tân đất nước phong phú, trên nhiều lĩnh vực thể hiện trong 58 bản điều trần. Và ông cũng thường xuyên nhắc nhở triều đình thực hiện chương trình canh tân ấy. Cho đến những ngày cuối đời, Nguyễn Trường Tộ vẫn còn trăn trở trước số phận, với vận mệnh đất nước. Tháng 9 năm 1871, tức là 2 tháng trước khi qua đời, Nguyễn Trường Tộ vẫn còn giục giã triều đình thực hiện chương trình canh tân đất nước mà ông đã đề xuất từ năm 1863, mà theo ông, “nếu đem ra thực hành trăm năm cũng không hết. Thế mà bảy, tám năm nay chưa thực hành tí nào, chả lẽ đợi đến một trăm năm sau mới thực hành được sao. Nay có thể làm được rồi, thời cơ đã đến, thế đã có, mở cửa để xem của cải thiên hạ đến, chấn hưng phương pháp mới để làm hưng thịnh nguồn lợi trong nước. Tiến hành cả hai thì mọi cái hỗ trợ nhau, lợi ích sẽ ùn ùn đưa đến. Tôi tính toán cái thời hạn 20 năm chỉ một ngày có thể hi vọng được” (10). “Thời đã đến, thế đã có” được Nguyễn Trường Tộ xác định căn cứ vào sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước tư bản, đặc biệt là sự kiện Pháp thất bại trước Phổ và tình hình nước Pháp trong năm 1870 . 1871. Nguyễn Trường Tộ đã theo dõi, nắm bắt, phân tích kĩ và kịp thời những sự kiện của nước Pháp và giục triều đình khẩn thiết lợi dụng thời cơ ấy. Ông nói: “Nếu để thời cơ bối rối của họ (thực dân Pháp- N.T.V) đi qua thì còn làm chi được nữa, hiện nay hết sức khẩn cấp. Hãy đứng dậy nhảy xổ ra bắt tay thực hiện ngay. Thời đã đến rồi, thời khó mà dễ mất. Chớ nên nói hãy để sang năm” (11). 

7. Quan điểm của Nguyễn Trường Tộ

Quan điểm của Nguyễn Trường Tộ là quý trọng quá khứ nhưng không nên chỉ có ngoảnh lại với quá khứ. “Thời đại nào có chế độ ấy, con người sinh ra thời đại nào cũng chỉ đủ làm công việc của thời đại ấy mà thôi. Vậy thì sinh vào thời xa, làm xong công việc của thời xa, rồi dần dần thời thế đổi dời, làm sao có thể cứ nhất nhất ôm giữ phép xa mãi được” (12). 

Từ đó Nguyễn Trường Tộ khẳng định sứ mệnh của người Việt Nam, của triều đình Huế ở cuối thế kỉ XIX là canh tân đất nước, làm cho đất nước phú cường để bảo vệ độc lập dân tộc và đưa đất nước phát triển ngang hàng với các nước văn minh trên thế giới lúc bấy giờ.

Nguyễn Trường Tộ qua đời cách đây gần 140 năm, nhưng ngày nay đọc lại những đề nghị canh tân đất nước của ông để lại, chúng ta không chỉ khâm phục tinh thần dân tộc cao cả, tri thức khoa học uyên thâm của ông mà chúng ta còn ngạc nhiên về lịch sử quan và phương pháp nghiên cứu của ông. Chính từ ý thức dân tộc cao cả ấy, lịch sử quan và phương pháp nghiên cứu ấy mà những tác phẩm, tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ đã vượt lên tất cả những người có học thức và muốn cứu nước đương thời, phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với yêu cầu của lịch sử dân tộc lúc bấy giờ. Cho đến hôm nay, những vấn đề mà Nguyễn Trường Tộ nêu ra, những giá trị tư tưởng của ông vẫn còn có ý nghĩa thời sự sâu sắc. 

NGUYỄN TRỌNG VĂN*

CHÚ THÍCH 

*PGS.TS. Đại học Vinh 

(1) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 3, Xem Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ - Con người và di thảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 123. 

(2) Trích theo Nguyễn Trọng Văn trong bài: Phương pháp nghiên cứu của Nguyễn Trường Tộ, Tạp chí Triết học, số 2, 1993, tr. 63. 

(3) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 9, sđd, tr. 168. 

(4) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 1, sđd, tr. 107. 

(5), (6) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 27, sđd, tr. 229.

(7) Trích theo Nguyễn Trọng Văn trong bài Tư tưởng ngoại giao đa phương của Nguyễn Trường Tộ, Tạp chí Triết học, số 3, 1992, tr. 52. 

(8) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 18, sđd, tr. 193. 

(9) Trích theo Nguyễn Trọng Văn trong sách Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999, tr. 13. 

(10) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 52, sđd, tr. 193. 

(11), (12) Nguyễn Trường Tộ, Di thảo số 27, Sdd, tr. 230, 235. 

Xem thêm: Liệt Phi Nguyễn Thị Kim (1765-1804), Người đàn bà bất hạnh, Nghiên cứu và phát triển, số 5 (88), 2011

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet
Gia phả26/07/2023

Hành tích của Lý Long Tường, hậu duệ Vương Triều Lý, Việt Nam

Hàn Quốc và Việt Nam có không ít điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Thử nhìn vào những biến động chính trị làm ví dụ, vào năm 918, ở bán đảo Hàn, triều Cao Ly được dựng lên thì chẳng bao lâu sau, vào năm 939, Việt Nam giành lại nền độc lập từ ách thống trị của Trung Quốc sau gần một nghìn năm. Lại nữa, vào năm 1392, vương triều Triều Tiên diệt Cao Ly thì 36 năm sau, tức năm 1428, tại Việt Nam, nhà Lê đánh đuổi thế lực nhà Minh lập triều đại mới. Về phương diện văn hóa cũng vậy, vương triều Cao Ly sùng bái Phật giáo thì cùng thời kì này, dưới triều Lý (1009-1225) và triều Trần (1225-1400), ở Việt Nam, ảnh hưởng của Phật giáo là tuyệt đối. Mặt khác, đồng thời với sự thành lập vương triều Triều Tiên và triều Lê, Phật giáo suy yếu dần, Nho giáo trở thành hệ ý niệm chi phối.

Nguồn: Internet

Thánh mẫu Liễu Hạnh, từ vị chúa đến thần chủ đạo mẫu Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2010

Có lẽ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Nữ thần - Thánh Mẫu được dân gian truyền tụng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết và cũng là vị thần linh được các nhà văn, thơ Nho học để công san định thần tích, thần phả, thể hiện trên các bi ký, các tác phẩm viết bằng chữ Hán Nôm. Theo thống kê sơ bộ, đến nay có gần 100 đầu sách và tư liệu viết về Bà, trong đó có các tư liệu Hán Nôm, chữ quốc ngữ và các thứ ngôn ngữ nước ngoài, nhiều nhất là tiếng Pháp, Anh, trong đó đặc biệt quan trọng là các nguồn tư liệu cổ Hán Nôm (1).

Tài liệu địa chí cổ với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội
Địa chí14/06/2023

Tài liệu địa chí cổ với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội

Trong kho thư tịch cổ viết về Thăng Long - Hà Nội hiện còn một mảng tư liệu đặc biệt quý giá dùng để nghiên cứu địa lý lịch sử, diên cách địa danh và nhiều mặt khác. Đó là các sách địa chí.