Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Liệt Phi Nguyễn Thị Kim (1765-1804), Người đàn bà bất hạnh, Nghiên cứu và phát triển, số 5 (88), 2011

10/08/2023269

Đọc lịch sử thời đại Tây Sơn chúng ta thấy có ba mối tình khá nổi bật. Cuộc hôn nhân được nhiều người chú ý nhất và cũng nhiều người khai thác nhất là Nguyễn Huệ-Lê Ngọc Hân. Mối tình trai tài gái sắc này đã trở thành một đề tài để ca tụng và thêu dệt theo mẫu anh hùng sánh với thuyền quyên, mặc dầu sự kết hợp của hai người có thể bao gồm nhiều ẩn ý chính trị hay đổi chác. Mối tình thứ hai thơ mộng hơn. Đó là mối tình của một tiểu thư khuê các với một văn nhân mang chí lớn: Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, được biết đến vì đã xuất hiện trong một tiểu thuyết thời tiền chiến, Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng. Vì bị ép duyên, Trương Quỳnh Như đã tự tử chết khi tuổi còn rất trẻ. Mối tình Phạm Thái-Quỳnh Như được Sở Cuồng Lê Dư thuật lại tương đối kỹ lưỡng trong Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập (Hà Nội: Nam ký, 1932, tr. 1-5).

Trong bài này chúng tôi nói đến một mối tình thứ ba, ít người để ý hơn. Đó là cuộc hôn nhân bất hạnh của một ông vua cuối trào và một vương phi khốn khổ: Lê Duy Kỳ [tên thụy Mẫn Đế, niên hiệu Chiêu Thống] và Nguyễn Thị Kim. 

Đại Nam chính biên liệt truyện [ĐNCBLT] quyển XXIX [trang 9-10], chép như sau:

阮氏金北寧良才人, 黎召統之宮人也。己酉初, 黎主援清兵復國爲西賊所敗, 黎

主奔清。氏弗及從, 潛匿村邑, 人莫之知。嘉隆三年, 黎主櫬自清還至北城, 氏赴喪慟

哭語家人曰:吾事畢矣。隧仰藥死。總鎭阮文誠給之錢錦殮塟。具事以聞請旌。表下

禮部議。請賜扁額。乃命北城臣建石碑于其鄕鐫曰。安貞殉節阮氏金之門。給墓夫

二人。祀田二十畝, 令黎族監其祀。

Nguyễn Thị Kim, người Lương Tài, Bắc Ninh, là cung nhân của Lê Chiêu Thống. Đầu năm Kỷ Dậu, Lê chúa cầu viện quân Thanh lấy lại nước, bị Tây Sơn đánh bại. Lê chúa chạy sang Thanh, thị không theo kịp nên trốn ở trong thôn xã, không ai hay biết. Năm Gia Long thứ 3 [1804], đưa quan tài Lê chúa từ Thanh trở về đến Bắc thành, thị đến để tang, khóc nói với người nhà rằng: “Việc tôi đến đây là xong”. Sau đó uống thuốc độc tự tử. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cấp cho tiền bạc, vải vóc khâm liệm mai táng rồi tâu lên. Vua cho Bộ Lễ bàn định, [Bộ Lễ] xin ban cho biển ngạch. Vua sai quan ở Bắc thành dựng bia đá ở làng trên viết “An trinh tuẫn tiết Nguyễn Thị Kim” (1). Lại cấp cho hai người coi mộ và 20 mẫu tự điền, bắt người họ Lê trông coi thờ cúng.

Tổng cộng bao gồm 9 dòng 140 chữ. 

Trong phạm vi hạn chế của ĐNCBLT, những chi tiết đó chỉ cho chúng ta một hình ảnh tương đối mờ nhạt, tuy đã là hậu hĩ đối với những người của tiền triều. Điểm lại những sách vở khác, chúng ta có thể biết được nhiều hơn về vị vương phi này. 

Tiểu sử 

Tuy ĐNCBLT chỉ chép Nguyễn Thị Kim là một cung nhân [[黎召(昭) 統 之宮人也 - Lê Chiêu Thống chi cung nhân dã] nhưng thực ra bà là chính thất của vua Chiêu Thống. Trong sử chúng ta không thấy có một người nào khác ngoài bà vợ này, chỉ biết rằng Lê Duy Kỳ lấy Nguyễn Thị Kim khi còn là tự tôn [cháu nội nhưng sẽ được truyền ngôi], đến khi lên làm vua thì thăng lên vương phi rồi lại định lập bà làm chính hậu. 

Tuổi trẻ 

Nguyễn Thị Kim (hậu nhân gọi là Liệt phi) người làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc [nay là thôn Tỳ Bà, xã Phú Hòa, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh]. Theo bài thơ Tỳ Bà phu nhân tuẫn tiết hành của Nguyễn Huy Túc, bà sinh năm Ất Dậu [1765], tính ra lớn hơn chồng là Lê Duy Kỳ [1766-1793] một tuổi. 

Tuy không có tài liệu nào nói rõ nhưng dường như bà là cháu của thái hậu (2) (mẹ vua Chiêu Thống) và là em của Phượng Thái hầu Nguyễn Quốc Đống. Cả ba người cùng quê ở làng Tỳ Bà nên những người đối nghịch đã đem việc anh em họ lấy nhau này để dè bỉu Lê Duy Kỳ là “sát thúc dâm muội” (giết chú lấy em). Thực ra việc ba hoàng thúc nhà Lê bị giết là do tranh chấp quyền hành từ trước chứ không phải khi vua Lê được quân Thanh đưa về Thăng Long mới dựa thế người ngoài “ân đền oán trả” như Hoàng Lê nhất thống chí đã bịa đặt. Dù sao chăng nữa, việc hôn nhân của hai người [có thể là con cô, con cậu hay cháu cô, cháu cậu] cũng không đến nỗi loạn luận như chế độ nội hôn thời Trần. Việc vu cáo về thông dâm, về bất hiếu để hại người khác là những tội danh rất thường được sử dụng ở đời Lê và đầu đời Nguyễn.

Nhập cung 

Cũng theo bài thơ của Nguyễn Huy Túc, bà nhập cung năm 17 tuổi, tính ra là năm Tân Sửu [1781]. Tuy nhiên, theo sử sách, từ năm Tân Mão [1771] khi Thái tử Lê Duy Vĩ [con trai vua Hiển Tông, cha của vua Chiêu Thống] bị Trịnh Sâm giết hại, vợ và ba con [anh em Lê Duy Kỳ, Lê Duy Lứu, (3) Lê Duy Chỉ] đều bị giam vào ngục, đến năm Quý Mão [1783] mới được tha. Cho nên sớm lắm cũng phải năm này hai người mới sánh duyên. Tính ra khi đó Lê Duy Kỳ đã 18, Nguyễn Thị Kim 19 tuổi. 

Năm Bính Ngọ [1786], vua Hiển Tông mất, Lê Duy Kỳ lên nối ngôi [tức vua Chiêu Thống], thì vương phi cũng có thai sinh ra con trai đầu là Lê Duy Thuyên. 

Theo lời truyền, người ta gọi bà là Hậu Tỳ Bà (hoàng hậu người làng Tỳ Bà). Khi ở trong cung, bà được mệnh danh là Đức Cô [德姑] nghĩa là người có đức hạnh. Bà là người được vua Chiêu Thống yêu quý nhất ở trong cung [寵冠後庭 - sủng quán hậu đình], lại sinh ra nguyên tử [con trai đầu lòng của nhà vua nhưng chưa được phong thái tử], vua Lê cũng đã định lập bà làm hoàng hậu nhưng chưa kịp thì đã phải bỏ chạy khỏi kinh thành (4) 

Bôn tẩu 

Cuối năm Đinh Mùi [1787], tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm [Chưởng Nhậm] đem quân ra Bắc giết cha con Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Chiêu Thống bỏ kinh đô lưu vong, các em ông cũng mỗi người một ngả, một số quốc thích thì hộ tống mẹ, vợ và con nhỏ chạy lên phía bắc, trong khi đang bị quân Tây Sơn truy kích. 

Theo lời khai của nhóm người này với quan quân nhà Thanh, tháng Chạp năm ấy họ đến được xã Bác Sơn, huyện Võ Nhai [thuộc Thái Nguyên] ẩn trốn ở đó. Cũng thời gian này, vua Lê chạy lên Lạng Giang, được Trường Phái hầu Lê Quýnh [黎囧] đem gia nhân và hương binh hộ vệ, tiếng là điều binh khôi phục nhưng thực ra bôn tẩu mỗi lúc một nơi, khi thì ở Chí Linh (Hải Dương), khi thì ở Vị Hoàng (Nam Định). Khi biết tin gia đình, vua Chiêu Thống bèn sai Lê Quýnh đi cùng với Nguyễn Quốc Đống lên Võ Nhai để bảo vệ mẹ, vợ và con. 

Tháng tư năm Mậu Thân [1788], bọn Lê Quýnh lên đến Võ Nhai thì bị một số thổ mục định bắt giữ gia quyến vua Lê để lập công với quân Tây Sơn sắp đuổi đến. Đốc trấn Cao Bằng là Nguyễn Huy Túc [ K là ] nghe biết đón gia quyến chạy lên Mục Mã [Cao Bằng] nhưng bị quân Tây Sơn đuổi theo, phần lớn bị giết. Ngày mồng 4 tháng Năm [7/6/1788], truy binh đến gần, phiên mục Hoàng Ích Hiểu lấy thuyền đưa gia quyến vua Lê xuôi dòng đến cửa Thủy Khẩu, giáp với Long Châu của nhà Thanh là một trong ba cửa thông sang Trung Hoa.]

Ngày 12 [Bắc hành tùng ký viết là mồng 9] [15/6/1788], binh Tây Sơn đuổi đến, họ chia ra hai mặt chống giữ còn gia quyến vua Lê được đưa sang một cồn cát ở giữa sông Phất Mê. Tối hôm ấy, quân Tây Sơn vây lại, nhưng may là mưa to gió lớn nên nương theo ánh chớp mà lội được qua sông sang đất nhà Thanh. 

Hôm sau họ tìm được nhau tạm trú trong một cái hang, ăn rễ cây rừng và xin được mấy cái bắp ngô của thổ dân nhưng mãi mấy hôm sau nữa quan nhà Thanh mới nghe báo nên sai người đến tra hỏi rồi đưa tất cả về Long Châu. 

Tóm lại, việc gia quyến vua Lê chạy sang đất Thanh là một cuộc phiêu lưu sinh tử khi bị quân Tây Sơn đuổi giết. Từ một đoàn người hơn 200 [chưa kể số binh lính của Nguyễn Huy Túc đưa đến để bảo vệ], số người sống sót còn được 62, tính ra 4 người chết 3, gian nan hơn bất cứ một cuộc đào tẩu nào mà chúng ta có thể hình dung được. 

Cũng nên thêm rằng sử nước ta hầu như không thấy nhắc đến việc vương phi, vương tử cùng chạy sang Trung Hoa mà chỉ nhấn mạnh vào việc thái hậu [mẹ vua Chiêu Thống] “gào khóc xin cứu viện”.

Cầu viện 

Khi biết được việc thân quyến nhà Lê chạy sang tị nạn, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã tâu lên vua Càn Long để tình nguyện đem quân sang cứu viện. Vua Thanh lấy chiêu bài “tự tiểu tồn vong, hưng diệt kế tuyệt” [nuôi kẻ nhỏ cho khỏi mất, dựng dậy kẻ đã bị diệt, nối dòng đã đứt) sai Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, Đề đốc Hứa Thế Hanh và Đề đốc Ô Đại Kinh đưa hai đạo quân Lưỡng Quảng, Vân-Quý sang đánh Tây Sơn. 

Chỉ chưa đầy một tháng, quân Thanh từ Lạng Sơn tiến xuống lấy lại Thăng Long. Ngày 22 tháng Mười một năm Mậu Thân [19/12/1788], Tôn Sĩ Nghị vào thành tuyên đọc sắc phong Lê Duy Kỳ làm An Nam quốc vương. Vua Chiêu Thống cho anh vợ là Nguyễn Quốc Đống sang Trung Hoa để đón gia quyến, thân nhân. 

Theo Khâm định An Nam kỷ lược, thái hậu, vương phi, nguyên tử... về đến Thăng Long đúng vào tối ba mươi Tết năm đó [25/1/1789]: 

Lê Duy Kỳ sau khi tập phong lập tức sai bồi thần tiến quan, đón mẹ và quyến thuộc về nước được Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh sai Tri phủ Nam Ninh Cố Quỳ trên đường lo liệu mọi việc. Ngày trừ tịch tháng Chạp đến Lê thành, nghe nói mẹ con y tại bờ sông gặp nhau, cảm kích thiên ân của hoàng thượng, tình hình vừa buồn vừa vui, những người chứng kiến, ai cũng cảm động. (5) 

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, trong Tết Nguyên đán, vua Quang Trung kéo quân ra đánh tan quân Thanh trong một chiến thắng thật vang dội. Tôn Sĩ Nghị phải chạy về Quảng Tây, các tướng lãnh dưới quyền đều tử trận. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển XLVII (bản dịch Viện Sử học, Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1998) thì: 

Bấy giờ, đương ở nơi màn tướng, thình lình được tin quân giặc (quân Tây Sơn) đã tiến sát Thăng Long, Sĩ Nghị không biết xoay trở ra sao, bèn nhổ đồn lũy, vượt qua sông chạy. Cầu gãy người chết vô số kể.

Bấy giờ nhà vua (tức Lê Chiêu Thống) đang hội kiến với Tôn Sĩ Nghị ở nơi màn tướng, có tám người theo hầu là Hoàng Ích Hiểu (黃益曉), Nguyễn Quốc Đống (阮國棟), Lê Hân (黎昕), Phạm Như Tùng (范如松), Nguyễn Viết Triệu (阮曰肇), Phạm Đình Thiện (范廷僐), Lê Văn Trương (黎文張) và Lê Quý Thích (黎貴適) thì chợt được tin bại trận đưa đến. Sĩ Nghị rút chạy. Nhà vua cũng cưỡi ngựa cùng đi với Sĩ Nghị lên phía bắc. Riêng Viết Triệu cầm cương ngựa đi theo nhà vua. Nhà vua sai bọn Hoàng Ích Hiểu gấp về nội điện, hộ vệ thái hậu và nguyên tử vượt qua sông. Hoàng đệ Duy Chi (6) (維祗) hộ vệ bọn hoàng phi và cung tần đến bến sông thì cầu gãy, không qua sông được, phải hướng về phía tây mà chạy trốn. (7)

Lưu vong 

Về phần vua Chiêu Thống, ông và một số người thân chạy được qua Trung Hoa, trong đó có thái hậu và nguyên tử nhưng vương phi bị lạc không theo kịp. Khi nhà Thanh chấp nhận phong vương cho Nguyễn Huệ, vua tôi nhà Lê bắt buộc phải nhập tịch làm con dân Trung Hoa, thắt đuôi sam, mặc y phục nội địa và bị chia ra an tháp ở nhiều nơi.

Theo sử nhà Thanh, lúc đầu Lê Duy Kỳ, mẹ và con tổng cộng 54 người cùng đồng tộc là Lê Duy Án 10 người đưa sang Quế Lâm, Phan Khải Tích 5 người đi Tầm Châu, Bế Nguyễn Cung 53 người đi Uất Lâm, Bé Nguyễn Doãn 36 người đi Tầm Châu, Đinh Nhã Hành 24 người đi Toàn Châu, những người khác đi Bình Lạc, Liễu Châu mỗi nơi một ít.(8) 

Đến tháng Chạp năm Kỷ Dậu, vua Càn Long nghe tin Lê Duy Chỉ [em vua Chiêu Thống] vẫn còn khởi binh tại Cao Bằng, Na Lữ, Bảo Lạc nên sợ nếu để nhóm Lê Duy Kỳ ở Quế Lâm gần biên giới, hai bên có thể liên lạc đồng mưu nên truyền cho Phúc Khang An đưa vua Chiêu Thống và các nhóm Đinh Nhã Hành, Phan Khải Đức, Nguyễn Đình Bái lên kinh đô, cho vào kỳ binh người Hán thành một tá lãnh do vua Lê đứng đầu, hàm tam phẩm thế tập. (9) 

Chỉ có nhóm Lê Quýnh [mà Phúc Khang An dụ qua sau nhằm triệt tiêu những chống đối ở trong nước để cho vua Quang Trung an tâm mà sang dự lễ Bát tuần vạn thọ của vua Càn Long] nhất định không chịu cắt tóc nên đều bị tống giam hơn 10 năm sau mới được thả. 

Vua Lê và những người đi theo cũng nhiều lần vận động để nhà Thanh nếu không ép Tây Sơn cắt cho một mảnh đất ở Thái Nguyên, Cao Bằng làm chỗ dung thân thì cũng cho họ về Đồng Nai sống trong vùng đất của chúa Nguyễn [Nguyễn Ánh). Tuy nhiên, Thanh triều không muốn gây thêm những rắc rối mới trong chính sách ngoại giao với phiên thuộc nên đều bỏ qua không lý đến. Theo Khâm định Việt sử, đến tháng Năm năm Nhâm Tý [1792], nguyên tử bị bệnh mất. Năm sau, vua Lê u uất qua đời (16 tháng Mười năm Quý Sửu) [1793]. Năm Kỷ Mùi [1799], thái hậu cũng từ trần.(10)

An trinh thủ tiết 

Tết năm đó khi đoàn người chạy loạn đến Lương Tài thì người đưa đường bị lạc nên vương phi không theo kịp, phải ẩn trốn nơi thôn xóm sống nhờ thân thích, làm nghề dệt vải kiếm ăn, không dám ra nơi thành thị. Theo lời chú thích của Nguyễn Huy Túc trong Tỳ Bà phu nhân tuẫn tiết hành thì Nguyễn thị ở ẩn tại xã Võng La [網羅] trong tỉnh Sơn Tây. Một số tài liệu lại viết rằng bà đi tu tại một ngôi chùa ở quê nhà. 

Bà sống lẩn lút như thế từ năm Kỷ Dậu [17891 đến năm Nhâm Tuất [1802] là năm nhà Tây Sơn bị diệt, tính ra gần 14 năm trời. Khi nghe tin vua Chiêu Thống và nguyên tử qua đời ở Bắc Kinh, bà nhiều lần cho người lên Nam Quan dò xét hư thực, lại tính đường đích thân đi qua Tàu để dò tìm tung tích vua Lê. Khi được tin đích xác Lê hoàng đã qua đời, bà nhiều lần toan lấy cái chết để xuống suối vàng gặp chồng nhưng có người khuyên là nên chờ mọi việc sắp xếp xong hãy tính lại cũng chưa muộn.

Năm Nhâm Tuất [1802], khi nhà Tây Sơn bị diệt, các di thần nhà Lê xin vua Gia Long cho đem di thể vua Lê, thái hậu, nguyên tử và những người đi theo đã chết ở Trung Hoa về nước. 

Ngày 24 tháng Ba năm này [tức năm Giáp Tý, 1804], Doãn Hữu [tức Lê Quýnh] lấy áo mão của mình [triều phục nhà Lê, Lê Quýnh mang theo khi sang Trung Hoa, nay đã rách bươm] liễm di cốt quốc mẫu và nguyên tử vua Lê, cùng các người nhạ vệ theo vua Lê lưu vong lớn nhỏ cộng 18 cỗ quan tài. 

...Tháng 7, Doãn Hữu cùng các toán người kể trên về đến cửa Nam - quan, rồi vào trấn Lạng-sơn. Doãn Hữu đặt Hương án cúng lễ vua Lê ở ngoài thành. Quan Hiệp trấn Lạng-sơn là Nguyễn-duy-Thản (người làng Hương-la, đỗ Tiến-sĩ) cùng các cựu thần nhà Lê và các Phiên tù đều tới khóc trước linh-cữu vua Lê. (11) 

Khi nghe tin quan tài vua Lê được đưa về nước, bà lên tận Nam Quan đón rồi từ đó tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống vài chén nước cơm cầm hơi, kề cận bên linh cữu. Ngày 23 tháng Chín năm Giáp Tý [1804], linh cữu về đến Thăng Long, đưa vào nhà của Diên Tự công [延嗣公] Lê Duy Hoán [là con của Lê Duy Chỉ] để tế. Từ hôm đó mỗi ngày hoàng phi chỉ nhai vài lóng mía. Ngoại sử kể rằng ngày 20 tháng Mười, khi đổi áo quan cho vua Lê thì thấy trái tim [nguyên văn là tâm miêu 心苗] vẫn còn tươi như khi ở Bắc Kinh. (12) 

Hoàng phi Nguyễn Thị Kim uống thuốc độc tự tử. (13) Sau khi Liệt phi qua đời, các bầy tôi cũ của nhà Lê - kể cả những người đã từng cộng tác với Tây Sơn - đã để lại nhiều văn thơ ca tụng 

Các quan ở Bắc thành có viếng đôi câu đối:

五八旬祝地損身, 千古倫常照宇宙

十六載移夫没子, 一腔義烈答君王

Ngũ bát tuần chúc địa tổn thân, thiên cổ luân thường chiếu vũ trụ. 

Thập lục tải di phu một tử, nhất xoang nghĩa liệt đáp quân vương. 

Tạm dịch: 

Bốn mươi tuổi (14) bỏ thân về đất, mãi mãi luận thường soi vũ trụ. 

Mười sáu năm xa chồng con chết, một lòng nghĩa liệt báo quân vương.

Về cuộc đời của bà, Nguyễn Huy Túc có soạn một bài văn nhan đề Tiêu cung tuẫn tiết hành (椒宮殉節行) nguyên văn như sau:(15) 

順安良才來天德。古人命邑號琵琶。

琵琶古曲知何意。大堤軋彼貌如花。

英華悉嗶萃簪纓。景興乙酉佳時節。

望門誕育女中豪。言行工容無玷闕。

越從十七入青宮。纔登丙午夢呈熊。

日高影照天恩重。海潤星輝福氣濃。

丁未猖獗西山賊。卷地風塵驚不測。

羽葆隨鑾出鳳城。御林星散長安北。

落慌匹馬文峯還。別跟慈幔武崖山。

湘裙羅襪悲踰險。槨質蒲姿苦耐寒。

遠徼望龍音寂寞。閒庭泣虺淚闌干。

忽然何處淵淵鼓。高平閫將拜迎鑾。

駕回牧馬暫休歇。御舟隨進弗迷關。

賊兵聞信來追躡。箭落火飛鋒刃接。

數株夭竹過危灘。蕩覆顛傾還利涉。

緣崖攀木上高巔。雨沱瘴重色迷天。

土人踴躍前途送。山觜崎嶇小徑穿。

路盡有山山有洞。洞中香井水清漣。

想來此洞何年鑿。早知今日有神仙。

泉水山芝將度日。烏啼花落撩愁鬱。

信通內地判上司。詳門根由聲詰屈。

上司火速撥輿檯。送到龍州權駐蹕。

供需品物既豐盈。守護兵丁尤慎密。

撫擡旋派進南寧。內外莊嚴廠旅亭。

南北辛酸經幾度。不曾造次錯儀型。

維承慈訓嚴規範。自是椒宮禮度明。

越從上國允來援。萬里凱歌聞捷信。

翠花仙仗指南還。上苑春融故宮殿。

友琴樂鼓奏新聲。擁翠看花酬風願。

無端虐焰更焚穹。憂喜喜憂翻手變。

萬媲急擁六龍歸。少海慈宮著緊隨。

提携轉眼成相錯。隆謫交迷可奮飛。

覓條西上綱羅貫。幽獨一方腸欲斷。

媚珠虞草豈無時。何苦流離空匿怨。

誰云夏鼎久微煙。旅成再造在遺編。

上國同袍修戟日。君王嘗腑臥薪年。

假使雄才憂復社。能無遺恨一嬋娟。

迨夫癸丑能髯絕。底事疑信聞傳說。

豈其民望舊君深。此謀恐墜西山謫。

漢皇興運命更新。封使來時語亦云。

若把連城先碎了。未必香魂伴紫雲。

一十六年會鄭重。肯輕孫妹漢江身。

會使一二袍兄弟。直來北塞叩原因。

內投誓到三陵所。便將性命委羅巾。

從古營生勞且苦。誰知謀死更艱辛。

詎意天機相巧湊。宰臣扈蹕先題奏。

大清皇帝準南還。序逢甲子中秋候。

初聞皇遽便親迎。常餐頓減花容瘦。

迢迢舟楫渡瀘江。轎傘笙鏞入祀堂。

士庶凝愁瞻鹵簿。臣僚拭淚獻瓊觴。

閨中況味描難盡。薄將禮物澣香湯。

啟廞一覩冠袍樣。歛衽凝眸拜上床。

帳裡回身辭女主。甘將鴆毒沃肝腸。

說閙黄髫皆駭異。唁聞省署亦姿傷。

紅錦青蚨榮賵賻。艷辭綺句送稱揚。

妙哉一死求而得。死得聲名萬古香。

繄彼春閨如玉好。暮雨朝雲無足道。

黄金橫帶為何人。諂媚平生恣奸狡。

一朝世變鍾簴移。拜虜獻諛如故套。

醉中一唱覺寒心。冷處加鞭應靦貌。

幾會粉黛弼臯刑。怪得琚璜裨契教。

上比葩詩樛逮葛。旁稽湘嶺竹生班。

既有古人行所易。詎無今日得其難。

Phiên âm 

Thuận An Lương Tài lai Thiên Đức. Cổ nhân mệnh ấp hiệu Tỳ Bà. 

Tỳ bà cổ khúc tri hà ý. Đại đê yết bí mạo như hoa. 

Anh hoa tất tất tụy trâm anh. Cảnh Hưng Ất Dậu giai thì tiết. 

Vọng môn đản dục nữ trung hào. Ngôn hành công dung vô điếm khuyết. 

Việt tòng thập thất nhập thanh cung. Tài đăng Bính Ngọ mộng trình hùng. 

Nhật cao ảnh chiếu thiên ân trọng. Hải nhuận tinh huy phúc khí nùng. 

Đinh Vị xương quyết Tây Sơn tặc. Quyển địa phong trần kinh bất trắc. 

Vũ bảo tùy loan xuất phượng thành. Ngự lâm tinh tán trường an bắc. 

Lạc hoảng thất mã văn phong hoàn. Biệt cân từ mạn Vũ Nhai san. 

Tương quần la miệt bị du hiểm. Quách chất bồ tư khổ nại hàn. 

Viễn kiểu vọng long âm tịch mịch. Nhàn đình khấp hủy lệ lan can. 

Hốt nhiên hà xử uyên uyên cổ. Cao Bằng khổn tương bái nghênh loan. 

Giá hồi Mục Mã tạm hưu yết. Ngự chu tùy tiến Phất Mê quan. 

Tặc binh văn tín lại truy niếp. Tiễn lạc hỏa phi phong nhận tiếp. 

Sổ chu yêu trúc quá nguy than. Đăng phúc điên khuynh hoàn lợi thiệp. 

Duyên nhai phàn mộc thượng cao điện. Vũ đà chướng trọng sắc mê thiên. 

Thổ nhân dũng dược tiền đồ tống. Sơn chủy kỳ khu tiểu kính xuyên. 

Lộ tận hữu san, san hữu động. Động trung hương tỉnh thủy thanh liên. 

Tưởng lai thử động hà niên tạc. Tảo tri kim nhật hữu thần tiên. 

Tuyền thủy san chi tương độ nhật. Ô đề hoa lạc liêu sầu uất. 

Tín thông nội địa phán thượng ty. Tường môn căn do thanh cật khuất. 

Thượng ty hỏa tốc bát dư thai. Tống đáo Long Châu quyền trú tất. 

Cung nhu phẩm vật ký phong doanh. Thủ hộ binh đinh vưu thận mật. 

Phủ dài toàn phải tiến Nam Ninh. Nội ngoại trang nghiêm xưởng lữ đình. 

Nam bắc tân toan kinh kỷ độ. Bất tằng tạo thứ thác nghi hình. 

Duy thừa từ huấn nghiêm quy phạm. Tự thị tiêu cung lễ độ minh.

Việt tòng thượng quốc duẫn lai viện. Vạn lý khải ca văn tiệp tín. 

Thúy hoa tiên trượng chỉ nam hoàn. Thượng uyển xuân dung cố cung điện. 

Hữu cầm nhạc cổ tấu tân thanh. Úng thủy khán hoa thù phong nguyện. 

Vô đoan ngược diễm canh phần khung. Ưu hỉ hỉ ưu phiên thủ biến. 

Vạn bễ cấp ủng lục long quy. Thiểu hải từ cung trứ khẩn tùy. 

Đề huề chuyển nhãn thành tương thác. Long trích giao mê khả phấn phi. 

Mịch điều tây thượng cương la quán. U độc nhất phương tràng dục đoạn. 

Mị Châu ngu thảo khởi vô thì. Hà khổ lưu ly không nặc oán. 

Thùy vân hạ đỉnh cửu vi yên. Lữ thành tái tạo tại di biên. 

Thượng quốc đồng bào tu kích nhật. Quân vương thường phủ ngọa tân niên. 

Giả sử hùng tài ưu phục xã. Năng vô di hận nhất thiền quyên. 

Đãi phu Quý Sửu năng nhiễm tuyệt. Để sự nghi tín văn truyền thuyết. 

Khởi kỳ dân vọng cựu quân thâm. Thử mưu khủng trụy Tây Sơn trích. 

Hán hoàng hưng vận mệnh canh tân. Phong sử lại thì ngữ diệc vân. 

Nhược bả liên thành tiên toái liễu. Vị tất hương hồn bạn tử vân. 

Nhất thập lục niên hội trịnh trọng. Khẳng khinh Tôn muội Hán giang thân. 

Hội sử nhất nhị bào huynh đệ. Trực lai bắc tắc khấu nguyên nhân. 

Nội đầu thệ đáo tam lăng sở. Tiện tương tính mệnh ủy la cân. 

Tòng cổ doanh sanh lao thả khổ. Thùy tri mưu tử canh gian tân.

Cự ý thiên ky tương xảo thấu. Tể thần hỗ tất tiên đề tấu. 

Đại Thanh hoàng đế chuẩn nam hoàn. Tự phùng giáp tử trung thu hậu. 

Sơ văn hoàng cự tiện thân nghênh. Thường xan đốn giảm hoa dung sấu. 

Điều điều chủ tiếp độ lô giang. Kiệu tán sanh dong nhập tự đường. 

Sĩ thứ ngưng sầu chiêm lỗ bộ. Thần liêu thức lệ hiến quỳnh thương. 

Khuê trung huống vị miêu nan tận. Bạc tương lễ vật cán hương thang. 

Khải hận nhất đổ quan bào dạng. Liễm nhẫm ngưng mâu bái thượng sàng. 

Trưởng lý hồi thân từ nữ chủ. Cam tương chậm độc ốc can tràng. 

Thuyết náo hoàng thiều giai hãi dị. Nghiễn văn tỉnh thự diệc tư thương. 

Hồng cẩm thanh phù vinh phúng phụ. Diễm từ khi cú tống xưng dương. 

Diệu tai nhất tử cầu nhi đắc. Tử đắc thanh danh vạn cổ hương. 

Ế bỉ xuân khuê như ngọc hảo. Mộ vũ triều vân vô túc đạo. 

Hoàng kim hoành đái vi hà nhân. Siểm mị bình sanh tử gian giảo. 

Nhất triêu thế biến chung cự di. Bái lỗ hiến du như cố sáo. 

Túy trung nhất xướng giác hàn tâm. Lãnh xử gia tiên ứng điến mạo. 

Cơ hội phấn đại bật cao hình. Quái đắc cư hoàng bì khế giáo. 

Thượng bị ba thi cù đãi cát. Bàng kê tương lĩnh trúc sanh ban. 

Ký hữu cổ nhân hành sở dịch. Cự vô kim nhật đắc kỳ nan. 

Bản dịch sau đây trích trong Hoàng Lê nhất thống chí (Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, Hà Nội, Nxb Văn học, 2002) từ trang 425 đến 430 (các cước chú trong bài đều lấy từ cuốn sách này).

Đất Thuận An cạnh sông Thiên Đức, (16) 

Người đời xưa gọi ấp Tỳ Bà. 

Khúc tỳ mượn ý đặt ra, 

Trời sinh người đẹp sánh hoa Đại-đề (17) 

Khí tươi tốt nhóm về khuê tú, 

Năm Cảnh Hưng Ất-Dậu (1765) mừng sao, 

Nhà sang sinh bậc nữ hào, 

Công, dung, ngôn, hạnh vẻ nào kém đâu.

Tuổi mười bảy kén vào cung khuyết, 

Bính Ngọ (1786) liền sớm biết điềm hùng (18) 

Ơn trên cao cả muôn trùng, Đượm nhuần mưa móc phúc hồng chứa chan,

Năm Đinh Vị (1787) Tây Sơn khởi biến. 

Cảnh phong trần chợt đến khôn lường. 

Ngoài thành giong ruổi xe hương,

Quân hầu tan tác, bàng hoàng bên sông. 

Vó ngựa lạc văn phong mấy độ, 

Theo từ vi (19) đến Võ Nhai sơn.

Quần hồng lận đận núi ngàn

Liễu bồ phải chịu muôn vàn long đong, 

Xa trông đợi tin rồng vắng bặt, 

Chốn nhân đình nước mắt chứa chan. 

Bỗng đâu tiếng trống nổi ran, 

Tướng Cao Bằng rước xe loan lên đường. 

Tới Mục Mã vội vàng nghỉ lại,

Thuyền vua giong lên ải Phất Mê. 

Địch nghe tin, kíp đuổi kề, 

Tên bay đạn lạc bốn bề rối ren. 

Bè một mảng qua phen kinh hãi, 

Bao hiểm nghèo rồi lại bình yên. 

Vin cây giẫm đá trèo lên, 

Mưa mù lam chướng đầy trên một trời. 

Dân sở tại chào mời, đưa dắt, Gập ghềnh theo lối tắt đường ngang. 

Hết đường, tới núi, vào hang, 

Giếng thơm trong suốt, nước đang dạt dào. 

Biết động ấy thuở nào đào đục? 

Mà hôm nay hưởng phúc thần tiên! 

Nước ngàn rau núi cũng yên, Chim kêu, hoa rụng, nỗi buồn tạm khuây. 

Trong nội địa (20) tin đầu bay đến, 

Quan trên liền sai khiến người sang. 

Trước sau căn vặn tỏ tường, 

Long Châu tạm đón dọc đường nghỉ chân. 

Cấp phẩm vật mọi phần tươm tất, 

Lính đưa đường cẩn mật, tận tình. 

Rồi cho đến ở Nam Ninh, 

Cửa nhà rộng rãi quán đình nghiêm trang. 

Dù Nam, Bắc, đôi đường chua xót, 

Lễ nghi thường chưa chút đơn sai, 

Một niềm từ huấn vâng lời, 

Tiêu phòng (21) giữ lễ trong ngoài phân minh. 

Nhờ thượng quốc đề binh cứu viện, 

Muôn dặm xa đưa đến tin vui, Về Nam cờ quạt rợp trời,

Vườn xưa điện cũ sáng ngời vẻ xuân. 

Tiếng đàn, trống muôn phần rộn rã, 

Cảnh cỏ hoa thỏa dạ lâu nay. 

Nào ngờ vạ gió tại bay, 

Buồn vui chốc lát đổi thay khôn lường 

Trên ngự giá vội vàng ra ải, 

Từ vi và cháu dại cùng đi. 

Não lòng thay lúc biệt ly, 

Bỗng dưng kẻ ở người đi rã rời. 

Sang phía tây tìm nơi lẩn tránh, 

Cảnh chơ vơ, cô quạnh, đau thương. 

My, Ngu xưa cũng một phường, (22) 

Ai làm nên nỗi dặm đường gian truân. 

Xưa nhà Hạ có lần suy bại, 

Một lữ, thành dấy lại cơ đồ. 

Giáo gươm thượng quốc giùm cho, 

Nằm gai nếm mật vua lo đủ điều.

Vị xã tắc có nhiều người giỏi, 

Phận thuyền quyên đầu phải gian nan. 

Khoảng năm Quý Sửu (1793] đồn sang, 

“Chầu trời” tin ấy bàng hoàng một phen. (23) 

Nghĩ vì lẽ dân đen mong mỏi, 

Nền Tây Sơn kia nói sai ngoa, 

Đến khi vận mở nước nhà, 

Sứ thần sang, mới biết là không sai. 

Vi ngọc nát, về nơi chín suối, 

Hương hồn khôn bạn với tiên quân. (24) 

Mười sáu năm, biết mấy lần, 

Rắp theo Tôn muội làm thân chết chìm. (25) 

Khiến gia thuộc dò tìm mấy độ, 

Lên ải quan hỏi rõ nguyên nhân. 

Thề sang tới mộ cổ quân, 

Quyết liều tính mệnh với khăn lụa là. 

Sống là khó, xưa đà có biết, 

Nào hay đâu muốn chết cũng gay. 

Cơ trời sao khéo vần xoay, 

Quan trên đã lấy việc này tâu lên. 

Cho về nước, vua liền có chỉ, 

Tiết Trung thu, Giáp Tý [1804] vừa qua. 

Vội vàng lên đón linh xa, 

Cháo cơm biếng nuốt, mặt hoa võ vàng. 

Thuyền đủng đỉnh Lô Giang qua bến, 

Kiệu toàn che, rước đến từ đường. 

Thần liêu dâng chén quỳnh tương, 

Trông lên, trăm họ đôi hàng lệ sa. 

Tình khuê phụ thật là khó vẽ, 

Rửa nước thơm làm lễ gọi là.

Mở quan, cái mặt nhìn qua, 

Chắp tay vái lạy lệ nhòa hai mi. 

Cầm thuốc độc thầm thì từ tạ 

Lui vào màn uống cả một hơi, 

Trẻ già ai nấy rụng rời, 

Triều đình nghe tiếng bồi hồi tiếc thương. 

Ban gấm vóc bạc vàng phúng viếng, 

Bao vần thơ lên tiếng ngợi khen. 

Khen thay! một chết phỉ nguyền, 

Thơm tho muôn thuở con thuyền thanh danh, 

Kìa khuê các ngọc lành hiếm có, 

Sá chi luống mộ vũ triều vân (26) 

Đai vàng nọ đứa nịnh thần, 

Một đời ton hót làm thân gian tà. 

Kịp đến lúc sơn hà biến đổi, 

Trước quân thù quỳ gối, chắp tay. 

Lạnh lòng khi đọc thơ này,

Khác nào roi quất, mặt dày mày ê. 

Thân khuê các giúp bề Tiết giáo, 

Mặt phấn son phụ đạo Cao hình.(27) 

So thơ Cù, Cát đã đành, (28) 

Trúc Tương vằn đẹp lưu danh muôn đời. (29) 

Người xưa làm việc dễ rồi. 

Nay làm việc khó không người đó sao?(30) 

Vua Tự Đức có thơ trong Việt sử ngự chế tổng vịnh như sau: 

Nguyên văn

羈靮匆忙痛莫追。

釵鈿荆布久迷離。

朝朝絕粒朝歸殯。

一盞砒霜更與隨。

Phiên âm 

Ky đích thông mang thống mạc truy, 

Thoa điền kinh bố cửu mê ly. 

Triều triều tuyệt lạp triều quy tẫn, 

Nhất trản tỳ sương cánh dữ tùy.

Dịch thơ 

Lật đật không theo kịp vó câu, 

Ấm nồng tình nghĩa bỗng xa nhau. 

Nhịn ăn bỏ uống chờ thân chúa, 

Tỳ sương một chén cũng đi sau.

Kết luận 

Tính ra từ cuối năm Đinh Mùi [1787] khi hoàng phi 21 tuổi cho đến năm Giáp Tý [1804] là năm bà qua đời (39 tuổi), hai vợ chồng Lê Duy Kỳ - Nguyễn Thị Kim chỉ được ở cạnh nhau đúng 4 ngày [30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến sáng mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu]. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh phải chia lìa, hai người vẫn giữ được trọn tình trọn nghĩa. 

Tháng Chín năm Canh Tuất (1790), vua Càn Long nghĩ thương tình Lê Duy Kỳ sống cô độc ở kinh đô, vợ còn lưu lạc ở quê nhà nên có cho phép ông tìm trong số những người đàn bà đi theo lấy một, hai người làm vợ kế nhưng ông tấu lên là những người đi theo ông cũng bị thất lạc thân nhân, trong cảnh hoạn nạn, không nỡ nào vui sướng một mình. (31) 

Vua Quang Trung cũng tuân theo yêu cầu của nhà Thanh cho người đi tìm thân quyến vua Lê nhưng chỉ kiếm được một cô em gái, không đưa được hoàng phi sang đoàn tụ. 

Tuy văn chương nhắc đến đôi uyên ương vương giả ấy đều dùng những từ quyền quý, tưởng như cảnh lầu vàng điện ngọc nhưng thực tế bi đát hơn nhiều. Cuộc đời hai người - nếu không lâm vào cảnh tù dày thì cũng bị săn đuổi - sống lẩn lút long đong vất vả nơi thôn xóm. Điều an ủi sau cùng của vua Lê và vương phi họ Nguyễn có lẽ là việc được mai táng bên cạnh nhau ở làng Bố Vệ, tỉnh Thanh Hóa. 

Nguyễn Duy Chính*

CHÚ THÍCH

*California, Hoa Kỳ. 

(1) Trong Ngự chế tổng vịnh thì chép là An trinh tuẫn nghĩa [安貞殉義].

(2) Theo lời khai khi sang đất Thanh thì mẹ vua Chiêu Thống tên là Nguyễn Thị Ngọc Tố còn vương phi tên là Nguyễn Thị Ngọc Thụy (Khâm định An Nam kỷ lược, q. I]. Đây là những tên chữ, có thể đặt cho hay, còn sử nước ta đều gọi tên bà là Nguyễn Thị Kim. 

(3) Chữ này bộ Kỳ [礻] + Do [由], theo cụ Hoàng Xuân Hãn phải đọc là Lứu. Nhiều sách chép nhằm bộ Y [衣] + Do [由] nên đọc thành Tụ [由]. 

(4) Vũ Huy Tấn [武煇瑨], Hoa nguyên tùy bộ tập [華原隨步集], YHVH, q. 6/340. 

(5) Khâm định An Nam kỷ lược, quyển 12, tr. 23-4. 

(6) Đúng ra phải đọc là Chỉ. 

(7) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển XLVII, tập II, (1998), tr. 847-8. 

(8) Trang Cát Phát, Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu (Đài Bắc: Cố cung tùng san, 1982), tr. 390. 

(9) Trang Cát Phát, sđd, tr. 396. 

(10) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 853. 

(11) Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1973, tr. 140-1. 

(12) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 47, Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 17. 

(13) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, quyển 27, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 47. 

(14) Ngũ bát tuần: 5 tuần, mỗi tuần 8 năm (5x8=40). 

(15) Về nguyên văn bài này, chúng tôi sưu tầm được ba bản, bản thứ nhất nhan đề Tỳ Bà phu nhân tuẫn tiết hành (琵琶夫人殉節行), trích trong Nam thiên trung nghĩa thực lục (南天忠義實錄), phần về thơ văn và tiểu sử Nguyễn Huy Túc. Bản thứ hai nhan đề Tiêu cung tuẫn tiết hành trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực (Hương Cảng Trung Văn đại học, 1965) trang 43-4. Bản thứ ba phụ theo Hoàng Lê nhất thống chí (là bản chúng tôi trích lại nơi bài này) ở cuối hồi 70 (bản của École Française d’Extrême-Orient, do Chan Hing-ho [Trần Khánh Hạo] biên tập, Paris-Taipei 1986). Ba bản có một số khác biệt. 

(16) Tức sông Đuống.

(17) Tên một khúc ca trong Cổ nhạc phủ, ca ngợi người con gái đẹp như hoa. Ở đây để chỉ người con gái đẹp. 

(18) Điềm con gấu; thơ Tư can, Kinh Thi nói nằm mộng thấy con bị con hùng (gấu) là điểm sinh rút. 

(19) Chỉ mẹ vua. 

(20) Chỉ Trung Quốc. 

(21) Phòng ở của cung phi có trát hồ tiêu vào vách cho ấm; đây chỉ vợ vua. 

(22) Mỵ Châu, vợ Trọng Thủy; Ngu Cơ, vợ Hạng Võ; cả hai người con gái đều chết trong cảnh loạn lạc, rồi Mỵ Châu hóa thành viên ngọc, Ngu Cơ hóa thành cỏ thơm. 

(23) Chỉ vào tin Chiêu Thống chết. 

(24) Hai câu này ý nói, nếu hoàng phi chết trước đi thì hương hồn không được làm bạn với vua Lê, lúc đó thi hài còn ở Trung Quốc. 

(25) Tôn muội tức em gái Tôn Quyền và là vợ Lưu Bị đời Tam quốc. Tôn muội bị anh bắt về ở bên Giang Đông; lúc Lưu Bị đánh Giang Đông bị hại, có tin đồn Lưu Bị đã chết, Tôn muội bèn nhảy xuống sông tự tử. Ở đây ý nói hoàn cảnh chưa cho phép Lê hoàng phi chết được như Tôn muội. 

(26) Mộ vũ triều vẫn có nghĩa là chiều mưa sớm mây. Nguyên ở tịch Sở Tương Vương đi chơi Vân Mộng, nằm mơ thấy một thần nữ chung chăn gối với mình, khi từ biệt có nói rằng: Nhà thiếp ở phía nam non Vu, sớm làm mây chiều làm mưa... Sau người ta thường dùng chữ “mây mưa" để chỉ việc trai gái giao hoan. Ở đây ý nói không thiết gì đến chuyện ái ân nữa. 

(27) Tiết giáo, Cao hình là việc giáo dục của ông Tiết và việc hình án của ông Cao Dao; hai ông này đều là những danh thần mẫu mực đời vua Thuấn. 

(28) Thơ “Cù mộc” và thơ “Cát đàm" trong Kinh Thi, nội dung đều ca ngợi các bà hậu phi nhà Chu. 

(29) Tương truyền vua Thuấn chết ở núi Thương Ngô, hai vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh đến viếng, khóc lóc thê thảm, nước mắt thấm vào các khóm trúc ở xung quanh, thành ra các cây trúc có vằn rất đẹp. Tục gọi là “trúc Tương phi” hoặc “trúc Tương". Sau hai bà nhảy xuống sông Tương để chết theo chồng. 

(30) Hai câu này ý nói, chết ngay theo chồng như hai bà vợ vua Thuấn xưa đã làm, là một việc dễ; còn chịu đựng đau khổ trong một thời gian dài rồi mới chết theo chồng như bà Lê hoàng phi, là việc khó. 

(31) Nguyên văn:

...前因黎維祁失國內投, 念其祖宗世守, 藩封職貢百有餘年不忍致令廢絕。是以降旨加恩, 令其來京編

入漢軍世襲佐領。今黎維祁到京供職後頗屬謹愼守法, 因念伊妻未曾隨同進關, 令於隨從女子中挑擇一

二人以為側室而黎維祁以跟隨屬下人等妻孥俱已散失, 伊不忍一人獨有家室... Tiền nhân Lê Duy Kỳ thất quốc nội đầu, niệm kỳ tổ tông thế thủ, phiên phong chức cống bách hữu dư niên bất nhẫn chỉ lệnh tuyệt vời. tập miêu tả lãnh đạo. ồng nữ tử trung khinh trạch nhất nhị nhận bừa vi trác thất. Nhi Lê Duy Kỳ ngân hà tùy thuỳ hạ nhân đẳng thê nô [noa] câu thuận tán thất, y bất nhẫn nhất nhân độc hữu gia thất.. 

Thượng dụ ngày Quý Mùi, tháng Chín năm Càn Long thứ 55. Thanh thực lục, q. 1.362 (tr. 263). Lê Duy Kỳ cũng tâu thêm ngoài vợ ra hiện còn một người em trai là Lê Duy Chỉ và một cô em gái, ba người lưu lạc không biết trong hai năm qua sống chết thế nào. Thái độ của Lê Duy Kỳ đã khiến cho vua Cao Tông cảm động nên đã yêu cầu Nguyễn Huệ phải tìm gia quyến nhà Lê đưa sang Trung Hoa đoàn tụ.

TÓM TẮT 

Vương phi Nguyễn Thị Kim là vợ của vua Lê Chiêu Thống. Bà là người nổi tiếng đức hạnh lại sinh được con trai đầu lòng nên vua Chiêu Thống yêu quý nhất trong cung. Trong cuộc chiến năm Kỷ Dậu (1789), vì không theo kịp vua Chiêu Thống trong cuộc bên đào sang Trung Hoa, bà đành trốn về ẩn náu nơi thôn xóm. Mãi đến năm 1804, khi vua nhà Thanh cho đưa linh cữu chồng con mình về nước, bà lên đón tận ải Nam Quan, rồi theo về làm lễ tại Hà Nội. Xong bà uống thuốc độc tự tử. Vua Gia Long thương tiếc cho dựng bia tưởng niệm và ban cấp tự điền để thờ cúng. Các bầy tôi cũ của nhà Lê cũng sáng tác nhiều thơ văn ca ngợi.

ABSTRACT

IMPERIAL CONCUBINE NGUYEN THI KIM (1765-1804), AN UNFORTUNATE LADY

Imperial concubine Nguyễn Thị Kim was one of King Lê Chiêu Thống’s wives. It was her well-known virtue and her first-born child, who was a boy, that she gained King Lê Chiêu Thong's most favour in his inner palace. During the war year of the Rooster (1789), because the she did not keep pace with Chiêu Thống on the way of fleeing to China, she escaped to the an isolated hamlet. It was not until 1804, when the Qing Emperor had her husband's and son's coffins returned home, she went to Nam Quan pass, then accompany the coffin convoy to Hà Nội to hold funeral ceremonies. Then she committed suicide with poison. Deeply regretting for her death, Emperor Gia Long had a memorial stele set up and awarded land grants to worship her. The old officials of the Lê dynasty also composed poetry to praise her. 

Xem thêm: Hồ sơ về đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, hy sinh tại vùng biển Phú Yên khi chiến đấu với Phỉ Thanh năm 1864, Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (77). 2009

 

Các bài viết khác

Xem thêm
Hát xoan Phú Thọ - Truyền thuyết & Lịch sử
Tin tức khác13/01/2024

Hát xoan Phú Thọ - Truyền thuyết & Lịch sử

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay còn bảo lưu một số truyền thuyết về hát Xoan: Ở làng Phù Đức xã Kim Đức thành phố Việt Trì còn kể lại rằng: " Từ thuở Vua Hùng dựng nước, một hôm vào buổi trưa ngày 13 tháng chạp, ba anh em vua Hùng đi tìm đất mở mang kinh đô có đi qua thôn Phù Đức và An Thái dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng gần thôn. Trong khi ngồi nghỉ, ba anh em Vua Hùng nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy có một đám trẻ chăn trâu vừa chơi các trò chơi như đánh vật, kéo co lại vừa hát những khúc ca nghe rất hay. Thấy vậy, người anh cả nhà họ Hùng liền bảo hai em dạy các trẻ mục đồng hát một số điệu mà họ mang theo. Về sau, để tưởng nhớ công lao của ba anh em vua Hùng, hàng năm cứ đến ngày 13 tháng chạp âm lịch, dân làng lại làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và cúng thịt bò vào buổi chiều để thờ anh Cả vua Hùng được nhân dân suy tôn là đức Thánh Cả. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 tháng giêng âm lịch, dân làng Phù Đức mở hội cầu để cầu Đức Thánh Cả phù hộ cho "Dân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt". Trong hội cầu, họ diễn lại cảnh hát xướng để nhớ lại sự tích các vua Hùng dạy dân múa hát và chơi các trò chơi dân gian. Do vậy, hội cầu đã trở thành lệ làng hàng năm và bao giờ cũng có trò hát xướng mở đầu...".

Nguồn: Internet
Lễ Hội29/07/2023

Lễ hội và di tích Phủ Dầy, 10 năm nhìn lại, Tạp chí Di sản Văn hóa số 7 (năm 2004)

Năm 1994, trong khung cảnh đổi mới đất nước, lễ hội Phủ Dầy sau nhiều năm bị gián đoạn, được thể nghiệm hồi phục. Đến nay, sau 10 năm, chúng ta đã có đủ điều kiện cần thiết để nhìn nhận lại những gì đã và đang làm, nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, để lễ hội và di tích Phủ Dầy xứng đáng là một trong những di tích và lễ hội lớn nhất và tiêu biểu nhất của đời sống tín ngưỡng - văn hóa của nhân dân ta. 

Nguồn: Internet
Lễ Hội20/07/2023

Lễ hội Phật giáo Huế - Những giá trị văn hóa đặc trưng

Lễ hội tôn giáo vốn có những nét riêng được hình thành và gắn liền với mỗi tôn giáo trong mối quan hệ khăng khít, dung hợp với văn hóa truyền thống bản địa. Vì vậy, đối với lễ hội của Phật giáo cũng không là ngoại lệ, khi Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc từ những thế kỷ đầu Công nguyên cho đến hôm nay như một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, phong phú và đa dạng từ lễ thức đến lễ tiết, mang dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng miền. Chính từ đó, Phật giáo Huế trong dòng chảy văn hóa này đã tạo nên những nét đặc trưng, khi nơi đây từng là “kinh đô Phật giáo”, thấm đẫm tinh thần Phật giáo trong lối sống, ứng xử của con người Huế...