Từ lâu, Suối Mỡ là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc. Đây là dòng suối mát lành uốn quanh thung lũng núi Huyền Đinh, Yên Tử. Điểm du lịch này thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đến đây, du khách như bước vào một không gian sơn thủy hữu tình, hòa vào không khí tâm linh với bao huyền thoại được kể từ ngàn xưa.
Cư dân địa phương vẫn kể cho du khách nghe câu chuyện vì sao địa danh này được đặt tên là Suối Mỡ. Chuyện kể rằng, thuở xa xưa, vào đời Vua Hùng Vương thứ IX có một công chúa tên là Quế Mỵ Nương. Nàng có dung nhan xinh đẹp, nết na, thùy mị và thương yêu dân lành. Dù đã đến tuổi nhưng nàng vẫn không chịu lấy chồng mà chỉ thích ngao du sơn thủy khắp mọi vùng để vãn cảnh đẹp nơi núi non, sông suối.
Một hôm, Quế Mỵ Nương dừng chân ở vùng Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, nàng thấy đất đai ở đây khô cằn, mùa màng thất bát, người dân đói kém. Thương cho cuộc sống của người dân nơi đây, nàng đã dùng 5 ngón tay ấn xuống các tảng đá dọc con suối trên đỉnh Huyền Đinh làm cho các tảng đá túa ra những dòng nước trong mát đổ thành dòng suối chảy xuống thung lũng. Từ đó, ruộng đồng, đất đai vùng này không bị khô hạn, mùa màng bội thu, dân làng quanh vùng ấm no. Vì thế, người dân nơi đây tôn công chúa là Thánh Mẫu Thượng Ngàn, đặt tên cho dòng suối là Suối Mẫu, sau này đọc thành Suối Mỡ với ý nghĩa là màu mỡ, tươi tốt.
Đúng như trong lời kể của câu chuyện xưa, dòng Suối Mỡ không đơn thuần là dòng chảy duy nhất từ trên cao xuống mà được kết thành muôn dòng suối nhỏ tỏa ra trắng xóa từ những hẻm đá, tảng đá lớn. Vì thế, đứng từ trên cao nhìn xuống, muôn vàn dòng chảy như những đường cong tuyệt đẹp tỏa ra từ đá, khiến cho con người cảm giác như những tảng đá đang nở hoa.
Có những đoạn, dòng chảy hội tụ thành những thác nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống đẹp như những dải lụa mềm mại, tạo nên những thanh âm trong trẻo giữa đại ngàn. Ở những đoạn này, thác đổ xuống tạo thành những ao nước trong vắt, rộng lớn, là không gian để du khách thỏa sức tắm mát, vẫy vùng. Giữa lưng chừng suối là địa điểm Giếng Mẫu, tương truyền nơi đây công chúa Quế Mỵ Nương dừng chân để tạo nên những dòng suối trong mát mang nước đến cho dân làng. Giữa bốn bề ao là đá tảng bao bọc và những cây cổ thụ xanh tốt buông mình là là mặt nước, phía trên là dòng thác đổ xuống tuyệt đẹp.
Dọc đường khám phá, du khách sẽ bắt gặp những tảng đá lớn với muôn hình muôn vẻ gợi lên bao điều tưởng tượng về thiên nhiên kỳ thú và những câu chuyện từ trong huyền thoại. Những cụm cây cổ thụ soi bóng xuống dòng thác tạo nên vẻ đẹp giao hòa giữa cỏ cây, non nước. Hai bên ven suối là thảm thực vật nguyên sinh xanh tốt, tự nhiên với muôn hoa đua nở. Con người như lạc vào một bức tranh thủy mặt. Tiếng suối chảy khi thì róc rách, khi thì ào ạt như thác đổ từ nơi thượng nguồn tạo nên một dàn âm thanh vừa êm ái, vừa mạnh mẽ. Từ ven suối, du khách sẽ lần lượt khám phá đỉnh Rông Khế, thác Thùm Thùm, vọng Ngắm Trăng, đỉnh Thượng Ngàn với bao điều hấp dẫn đang đón đợi. Dừng chân khám phá Suối Mỡ, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn bản địa như rau măng rừng, cá suối nướng, xôi ngũ sắc, khau nhục, bánh đa cua, bánh đúc…
Suối Mỡ không chỉ mang vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên mà còn nhuốm màu sắc tâm linh. Nơi đây, hòa vào màu xanh của núi rừng,suối ngàn là ba ngôi đền cổ kính, trầm mặc, đó là đền Hạ, đền Trung, đềnThượng. Nơi đây lưu giữ bao huyền thoại về công chúa thời Hùng Vương, là khônggian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Sơn thần, tổ chức các hoạt động sinh hoạt tâm linh Trong không gian tựa như chốn bồng lai giữa đại ngàn, con ngườinhư quên đi bao ưu phiền, hòa mình với thiên nhiên đất trời, để có thêm nhữngtrải nghiệm thi vị về vẻ đẹp non nước quê hương.
Baodantoc.vn
Xem thêm: Pha Luông - "Nóc nhà" của Mộc Châu
Ngôi làng đặc biệt này chỉ có tổng cộng 27 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà sẽ có khoảng 7-8 người sinh sống. Người dân ở nơi đây cũng vô cùng khác lạ khi hầu hết họ đều mắc chứng sa sút trí tuệ nghiêm trọng.
(ĐCSVN) - Cách trung tâm huyện Mộc Châu khoảng 10 km, cầu kính Bạch Long (cầu kính Mộc Châu Island) thuộc khu du lịch Mộc Châu Island, một tổ hợp khu vui chơi nghỉ dưỡng phức hợp trong không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Cầu kính Bạch Long có thiết kế hiện đại, đường đi bộ bằng kính dài 632 m, đón du khách tham quan, trải nghiệm đúng vào dịp diễn ra SEA Games 31.
Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền có nguồn gốc dân gian - Hát cửa đình phát tán thành một thành phần cổ truyền chuyên nghiệp là hát Ả đào vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế...