Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Lễ thức tế thần của người Việt Quảng Trị - Nhìn từ góc độ tín ngưỡng tâm linh

22/06/2023247

Đời sống tâm linh của người Việt vô cùng phong phú và đa dạng. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cho nên trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều nghi thức cúng tế thần linh diễn ra với nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau...

Với người Việt ở các làng quê vùng Quảng Trị nói riêng thì nghi thức cúng tế thần linh là lệ thường đã được nhiều người chấp nhận qua cả một quá trình dài lâu và đã trở thành phong tục. Trên thực tế, trong một năm, có rất nhiều nghi lễ cúng tế thần linh tồn tại trong đời sống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng làng xã, có thể kể đến đó là lễ Đại tự kỳ an/Kỳ phước, lễ Cánh/Cảnh quân, lễ cúng đất/tá thổ, tảo mộ cô hồn, tế đông chí, tế thần Nông, lễ tất niên, minh niên... Đây là những nghi lễ quan trọng của cộng đồng làng xã trong một năm.

Hội rước Thần trong Lễ cầu mùa ở làng Tùng Luật, Vĩnh Giang - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

“Đất có lề quê có thói”, lệ làng mỗi nơi mỗi khác nhau về thời gian thực hiện, lễ vật dâng thần và nghi tiết tế tự... nhưng từ trong cốt lõi của vấn đề mục đích và ý nghĩa của các lễ tế đều hướng đến thần linh. Tế thần linh trước hết chính là biểu hiện của sự tạ ơn thần linh đã mang đến những điều tốt đẹp, may mắn; mặt khác thì tế thần linh là để nghinh phước lành, để cầu xin thần linh phù hộ sự yên bình, không gặp phải bất trắc tai ương trên hành trình sống và lao động, điều này thể hiện rất rõ trong văn tế khi tiến hành nghi lễ. Có thể nói rằng lễ tế thần linh là tín ngưỡng văn hoá đặc trưng của làng xã người Việt, phản ánh một cách hết sức chân thực và sinh động về một niềm tin rằng có một thế giới siêu thực tồn tại trong đời sống của con người.

Trong số những nghi lễ cúng tế thần linh của người Việt vùng Quảng Trị thì lễ Đại tự kỳ an/Kỳ phước được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất, được tổ chức tại đình làng. Nghi lễ này được dân gian thường gọi là việc làng. Đây là một nghi lễ đặc biệt quan trọng đối với mỗi làng quê cho dù về mặt quy mô tổ chức và hình thức thể hiện mỗi nơi mỗi khác nhau. Nguồn gốc ra đời của nghi lễ cúng tế thần linh này cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào chỉ rõ nhưng có thể khẳng định rằng đây là một tục lệ đã có từ rất lâu đời, vốn được định hình từ trong quá trình sống và lao động. Để lý giải về nguồn gốc ra đời của các nghi lễ cúng tế thần linh của người Việt nói chung và lễ Đại tự kỳ an/Kỳ phước nói riêng có lẽ phải bắt đầu suy luận từ trong lịch sử. Văn hóa người Việt vốn thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu sản xuất canh tác nông nghiệp, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn khắc nghiệt, người Việt đã sớm thích nghi với điều kiện hoàn cảnh như vậy và đã cùng nhau sinh sống, lao động để rồi định hình nên làng quê, thôn xóm từ đó sản sinh ra một hệ thống tín ngưỡng tâm linh, lễ nghi tôn giáo, luật tục... mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Chính bởi địa hình cư trú, tập quán lao động và sinh hoạt là bản lề, là xuất phát điểm giúp con người có cơ hội và điều kiện để nghiệm sinh và rồi hình thành nên những nghi lễ cúng tế này. Nghi lễ cúng tế thần linh là nghi lễ mang tính cộng đồng bởi đối tượng tổ chức thực hiện là cộng đồng làng xã. Đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và trở thành tập quán xã hội một cách tự nhiên từ khi nào không rõ. Chỉ biết rằng, lẽ thường này được dân gian gọi bằng một từ hết sức ngắn gọn mà bao chứa đầy đủ mọi ý nghĩa đó là lệ. Nghi lễ cúng tế thần linh tại đình làng là một nghi lễ mang tính tâm linh, là nghi lễ quan trọng hàng đầu và không thể thiếu đối với cộng đồng làng xã của người Việt vùng Quảng Trị, được dân làng tổ chức hết sức trang nghiêm và quy củ.

Thời gian tổ chức nghi lễ cúng tế thần linh tuỳ thuộc vào lệ của từng làng quê, không đồng nhất nhưng cũng có sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Ví như có một số làng chọn ngày ١٥ tháng ٢ hoặc ١٥ tháng ٨ âm lịch để tổ chức theo lệ xưa “xuân tự thu thường”. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thì thấy đa phần các làng quê đều có ngày tế lễ cụ thể từ trước truyền lại và thường là lấy ngày huý kỵ của ngài Tiền khai khẩn để tổ chức lễ tế. Mặc dù đây là lễ tế thường niên đã được ấn định từ trước nhưng cứ mỗi năm gần đến ngày tế lễ thì Hội chủ làng cùng với Hội đồng tộc trưởng và các bậc hào lão của làng đều có sự hội bàn về công tác chuẩn bị và tiến trình tổ chức.

Ở các làng xã, thần linh bao giờ cũng được thờ tự trong những ngôi miếu nằm trong địa phận của làng. Đình làng chỉ là nơi thờ vọng và mỗi lần tổ chức lễ thức tế thần thì dân làng tiến hành nghinh rước sắc phong và thần vị của các vị thần về đình để dự tế. Đình làng của người Việt vùng Quảng Trị có hai loại, đó là đình có nhà và đình trần. Đình có nhà thì được xây dựng kiên cố còn đình trần thì chỉ bố trí các án thờ lộ thiên. Do vậy, nếu là đình trần thì hàng năm vào dịp cúng tế dân làng thường dựng rạp che để thực hiện nghi thức cúng tế. Đến ngày tổ chức nghi lễ, theo thường lệ thì từ chiều hôm trước, ban điều hành làng dưới sự chủ trì của Hội chủ làng sẽ huy động toàn thể dân làng tập trung tại đình để bắt đầu những công việc cụ thể trong nghi lễ tế thần. Từ việc thiết lập bàn tế, bày soạn hương hoa, thiết trần lễ vật cho đến nghinh rước thần linh đều được thực hiện một cách hết sức trang nghiêm. Khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, ban trị sự làng sẽ tổ chức nghi thức nghinh rước thần linh từ các ngôi miếu về đình để dự tế. Thông thường nghi lễ tế thần bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “yết” (揭) được hiểu là báo cáo với thần linh về sự việc sắp diễn ra; giai đoạn thứ hai là “tế” (祭) tức là cúng tế, tạ ơn. Như thường lệ, sau khi làm lễ nghinh rước sắc phong và thần vị từ các ngôi miếu về sở hội tại đình làng để dự tế thì tiến hàng làm lễ sơ yết. Trong bất kỳ nghi lễ cúng tế nào có liên quan đến thần linh thì lễ đầu tiên và trước hết phải là lễ cáo giang sơn. Trong tâm thức của người Việt thì thế giới thần linh không hiện diện trong đời sống hiện thực nhưng luôn tồn tại vô hình trong trời đất núi sông. Do vậy lễ cáo giang sơn chính là nghi lễ báo cáo với các vị thần linh ở trong cõi rằng dân làng sẽ tổ chức nghi lễ. Lễ vật trần thiết để dâng tế thần là những sản vật nông nghiệp do cha ông lưu truyền lại như trái cây, chuối, cau, trầu, rượu, vàng mã, trầm, trà... Đến lễ tế chính thì lễ vật dâng tế thần được thiết trần tùy thuộc vào tục lệ và tiềm lực kinh tế của từng làng quê nhưng nhìn chung thì trên bàn lễ của đại đa số làng quê vùng Quảng Trị đều thường được thiết bày 5 mâm lễ phân bố theo nguyên tắc thượng - trung - hạ - tả - hữu.

Như đã đề cập ở trên, mục đích của lễ thức tế thần là để cầu mong cho một năm sức khỏe, chân cứng đá mền, làm ăn thuận lợi gặp nhiều may mắn. Tùy theo từng làng quê khác nhau mà cách thức thực hiện nghi lễ này có sự khác nhau. Điều này ít nhiều bị chi phối bởi văn hóa vùng miền nhưng có thể nói rằng tính chất và mục đích hướng đến cuối cùng là tạ ơn thần linh và cầu mong được ban phước lành. Cũng vì lẽ đó mà lễ cúng này luôn được mọi người rất coi trọng và chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Ngày thực hiện lễ thức tế thần ở các làng quê vốn được truyền từ đời này qua đời khác nên không chọn ngày giờ tốt (ngày giờ hoàng đạo) theo nguyên tắc của lịch vạn niên. Đối tượng hướng đến trong lễ cúng là các vị thần ngự trị trong không gian sinh sống và lao động của làng/xã. Điều này được thể hiện rất rõ trong văn sớ tế tự.

Lễ thức tế thần thường năm của người Việt vùng Quảng Trị mang một ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Đây chính là biểu hiện của sự giao cảm giữa con người với thần linh, thể hiện sự khao khát của con người về một cuộc sống trường tồn, sự hài hòa trong quan niệm Thiên - Địa - Nhân. Thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan vũ trụ về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với làng xóm dòng họ và gia đình trong tính cố kết cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng và cao cả trong đời sống tín ngưỡng văn hóa tâm linh. Thông qua nghi lễ này cho thấy rằng trong ý thức sinh tồn của người Việt luôn có sự hiện hữu của thế giới thần linh và niềm tin vào sức mạnh của thần linh, của thiên nhiên mà con người không thể giải thích được. Chính bởi niềm tin đó đã hình thành nên nghi thức cúng tế nhằm cầu mong sự phù hộ, giúp rập, che chở, bảo vệ của thần linh để cuộc sống được bình yên, vạn sự như ý. Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người được mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt…


Các cụ bô lão trong làng làm lễ cúng tại đình làng Bích La - Ảnh: Trần Đức Lợi

Ngày nay, đứng trước xu thế phát triển của lịch sử xã hội, sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa diễn ra một cách mạnh mẽ đã khiến cho không gian văn hóa bản địa đã có những thay đổi nhất định. Các nghi lễ truyền thống ít nhiều đã bị mai một hoặc giản lược đáng kể. Cũng vì thế mà tính nguyên bản của nhiều nghi lễ không còn như trước đây. Tuy nhiên, đó đây trong nhiều làng quê của người Việt vùng Quảng Trị thì lễ thức tế thần vẫn tồn tại và được cộng đồng làng xã thực hiện một cách bài bản và khá quy củ. Điều này cho thấy trong ý thức sâu thẳm của cộng đồng dân cư thì vấn đề tín ngưỡng tâm linh hay nói đúng hơn là niềm tin và việc thờ cúng thần linh vẫn luôn được người dân coi trọng từ bao đời nay.

__________

Tài liệu tham khảo:

- Đào Duy Anh - Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1992.

- Thiều Chửu - Hán Việt tự điển, NXB Thanh Niên, 2013.

- Phan Kế Bính - Việt Nam phong tục, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1992.

- Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo Dục.

TÙY PHONG

Xem thêm: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: Khẳng định cương vực quốc gia trong bộ địa chí của triều Nguyễn

Các bài viết khác

Xem thêm
Hải cảng miền đông bắc và hệ thống thương mại đàng ngoài thế kỷ XVII
Địa chí14/06/2023

Hải cảng miền đông bắc và hệ thống thương mại đàng ngoài thế kỷ XVII

Doméa đơn thuần là một bến neo đỗ tàu (anchoring place) hoặc bến cảng (harbor), đồng thời là nơi lưu trú tạm thời của thủy thủ đoàn (đa số sống và sinh hoạt trên boong tàu mặc dù có đôi khi lên bờ sinh sống) trong khoảng 2-3 tháng để chờ nhận hàng và khởi hành đi Nhật Bản hoặc các cảng Đông Nam Á. Doméa đồng thời là nơi bốc hàng hóa xuất khẩu (tơ lụa, gốm sứ Đàng Ngoài) lên tàu và dỡ hàng hóa nhập khẩu (hương liệu, vải vóc, bạc, đồng.....) xuống ghe thuyền địa phương để đưa lên Kẻ Chợ/Phố Hiến.

Lâu đài tuyết trắng Pamukkale – vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ
Tin tức khác17/02/2024

Lâu đài tuyết trắng Pamukkale – vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ

Khi bước chân đến “lâu đài bông” Pamukkale ở Thổ Nhĩ Kỳ, du khách không chỉ bị quyến rũ bởi vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng mà còn mê mải tìm hiểu về câu chuyện đằng sau những tầng tầng bảng trắng như tuyết. Đó là một tuyệt tác của sự hòa quyện giữa nước nóng khoáng và thạch anh, tạo nên một khung cảnh huyền bí, làm say đắm lòng người từ cái nhìn đầu tiên. Hãy cùng chúng tôi khám phá hành trình kỳ diệu đến với điểm đến này, nơi mà thiên nhiên hội tụ để tạo ra một bức tranh đẹp như mơ.

Nguồn: Internet
Địa chí30/07/2023

Làng xã thời Trần, Nghiên cứu Lịch sử, số 4. 2009.

Làng xã - đơn vị cơ sở nền tảng kinh tế - xã hội - văn hóa thời Trần đã từng được nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều góc độ và vấn đề liên quan khác nhau, chẳng hạn như: Làng xã trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên của Phùng Văn Cường. Mỹ thuật làng xã thời Trần của Chu Quang Chứ trong Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, 1977, tập I; Chế độ quân chủ quý tộc đời Trần của Nguyễn Hồng Phong, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4-1986; hoặc Chế độ đất công làng xã, trong Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, tập I của Trương Hữu Quýnh năm 1982. Thái ấp - điền trang thời Trần (thế kỷ XIII- XIV) của Nguyễn Thị Phương Chi, xuất bản năm 2002... Nhìn chung, những công trình trên đã đưa ra cách nhìn nhận khác nhau và cung cấp thông tin hữu ích giúp hiểu biết nhiều hơn mặt này hay mặt khác về làng xã thời Trần.