Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: Khẳng định cương vực quốc gia trong bộ địa chí của triều Nguyễn

05/09/2023266

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là một thư tịch chính thống khẳng định cương vực quốc gia, tỏ rõ ý thức độc lập của dân tộc Việt Nam tự cường đầu thế kỷ XIX.

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Bộ sách được viết từ khi hoàng đế Gia Long vừa đăng quang, đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau mấy thế kỷ nhân dân phải trải qua nạn binh đao, cát cứ.
Diện mạo đất nước khi ấy đã có nhiều biến chuyển. “Tất cả 31 trấn - dinh - đạo lớn nhỏ đều về với thanh giáo, đất đai rộng rãi bao la đó, thực mà nói, từ xưa đến nay chưa bao giờ có được”, Nguyễn Gia Cát viết trong Lời tựa của sách.
Theo dịch giả Phan Đăng, sự ra đời của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. “Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX”, ông nhận định.
Phan Đăng cho rằng hình thức bề thế, nội dung phong phú, nghiêm túc của bộ sách cho thấy lòng quyết tâm và tầm nhận thức của vua Gia Long, trí tuệ và công phu của tác giả Lê Quang Định.

 

1. Tôn vinh nền văn hiến lâu đời


Kế thừa những công trình địa chí có từ trước, bộ sách lần này tiếp tục làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến từ lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được Lê Quang Định soạn nên. Ông sinh năm 1759, mất năm 1813, tự là Tri Chỉ, hiệu là Tấn Trai và Chỉ Sơn, quê ở huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong thời gian làm việc ở Bộ Binh, Lê Quang Định được vua Gia Long cử biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Bộ sách hoàn thành và dâng lên vua vào năm 1806, tồn tại ở dạng chép tay, tổng cộng 10 quyển, 638 tờ.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được sắp xếp thành 3 phần chính:
- Phần 1 gồm Quyển I, là phần Mục lục, Lộ trình từ Kinh sư đến các dinh trấn và Thời gian đi đường giữa các dinh trấn.
- Phần 2 gồm Quyển II, III, IV, là phần Dịch lộ, chép phần đường chính từ kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy.
- Phần 3 gồm Quyển V, VI, VII, VIII, IX, X, là phần Thực lục, ghi chép về đường bộ và đường thủy ở các dinh trấn, kể từ đường chính bắt đầu ở lị sở đi đến các nơi.
Dịch giả Phan Đăng cho rằng so với quy chuẩn ngày nay, bộ sách còn nhiều hạn chế, mang nét sơ lược, sắp xếp chưa thực sự khoa học, tuy nhiên, quy mô Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cho thấy sự công phu, tài năng, trí tuệ và tình cảm của người soạn.
Ưu điểm của bộ sách là ở lối mô tả chi tiết và chính xác, cho phép người đọc hình dung được tương đối toàn diện về hình dáng đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Vì lẽ này, công trình được đánh giá rất cao, đồng thời trở thành công cụ tra cứu cho các công trình sau, như bộ Đại Nam nhất thống chí.

 

2. Khát vọng và vấn đề thống nhất


Ông Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế nhận xét bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí nổi bật khát vọng thống nhất đất nước trên nhiều phương diện.
“Thống nhất quốc gia không chỉ là việc xóa bỏ chiến hào, thành lũy quân sự mà quan trọng và sâu xa hơn, là sự thống nhất từ đường đi lối lại cho đến luật pháp, chế độ đo lường, tiền tệ, phong tục tập quán lễ nghi, ăn mặc…, thực sự thu giang sơn về một mối”, ông chia sẻ.
Khát vọng thống nhất này thể hiện rõ hơn cả qua cách tác giả Lê Quang Định viết về lãnh thổ - lãnh hải trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí.
Theo Đại Nam thực lực, đích thân vua Gia Long, trong suốt quá trình tái lập vương triều Nguyễn giai đoạn 1801-1802, đã “sai Thượng thư Binh bộ Lê Quang Định kê cứu sách vở bản đồ cả nước, các thành dinh trấn đạo từ Kinh Sư vào Nam đến Hà Tiên, ra Bắc đến Lạng Sơn”. “Phàm sông núi hiểm hay dễ, đường đi xa hay gần, giới hạn bờ cõi thế nào, sông biển nguồn lạch, cho đến cầu cống chợ điếm, phong tục thổ sản, hết thảy ghi chép lấy, soạn làm 10 quyển”.
Trong biểu dâng sách, Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định khẳng định Tứ cực - Cửu châu, cương giới phải rõ ràng, ghi tạc trong lòng và biên chép thành văn đề rộng truyền cho hậu thế.
Đi kèm những trang chép những con đường, dịch trạm, đền miếu… là vô số câu chuyện mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa từ mọi miền đất nước Đại Nam. Những câu chuyện này vẫn còn lưu giữ giá trị vẹn nguyên cho tới ngày nay.
Theo giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, ở ấn bản lần này, Phan Đăng đã cố công tu chỉnh, khơi gợi, khẳng định mạch nguồn lịch sử - văn hóa trong khát vọng thống nhất qua mỗi cung đường, thủy trình, vốn gắn chặt xuyên suốt chiều dài đất nước.
Trong đó, mọi sắc thái vùng miền, biên giới địa phương như được nối liền, gắn bó bởi những huyết mạch đường bộ, đường sông, phong tục và địa danh… Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là một công trình có giá trị tham khảo quan trọng cho những ai muốn hiểu rõ hơn về đất nước ta.

Theo Minh Hùng (zing)

(Nguồn: sachkhaitri.com)

Xem thêm: Thánh địa Mỹ Sơn

Các bài viết khác

Xem thêm
Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản

Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản

Thú vị là trong câu chuyện mà Tâm kể, có xuất hiện một người là thầy ở Việt Nam (trước khi Tâm lên đường tới Nhật, người thầy này dặn là cần đến viếng mộ cụ Trần Đông Phong), và một nữ đồng nghiệp lớn tuổi gốc Hà Nội đang ở Tokyo (người đã sống ở Nhật trong 20 năm cùng với con trai), thì đó chính là hai người đàn anh đàn chị thuộc nhóm đầu 1990

Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang
Tin tức khác12/03/2024

Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang

Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm 10 huyện, thị, thành phố (U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Hà Tiên, Phú Quốc và Kiên Hải) với không gian rộng, kết nối các vùng là Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Phú Quốc, khu bảo tồn biển Phú Quốc; khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương và đai rừng ngập mặn ven biển Tây. Trong đó có ba vùng lõi là VQG U Minh Thượng, VQG Phú Quốc và Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương.

Rạn Nam Ô - Thiên đường được tạo nên từ đá
Tin tức khác13/05/2024

Rạn Nam Ô - Thiên đường được tạo nên từ đá

Rạn Nam Ô là địa điểm du lịch nổi lên như một hiện tượng và thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Nơi đây với cảnh vật độc đáo, chắc chắn sẽ cho bạn những góc check-in thú vị.