Núi Tản Viên – núi Ba Vì thuộc dãy núi Ba Vì, đây là một dãy núi đất và đá vôi rộng đến 5000ha. Dãy núi Ba Vì bao gồm địa phận của 2 huyện là huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Dãy núi Ba Vì có hình dạng như bó đuốc khổng lồ, là phần núi cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn và tiếp giáp với đồng bằng Bắc Bộ.
Núi Ba Vì nhìn từ xa
Núi Tản Viên là ngọn núi nổi tiếng nhất của dãy núi Ba Vì, nằm cùng khối với nó còn có 2 đỉnh núi khác. Đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m. Đỉnh Ngọc Hoa được đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ XVIII, theo truyền thuyết bà là người được gả cho Đức Thánh Tản tức Sơn Tinh. Đỉnh Tản Viên còn được gọi bằng những cái tên khác như Phượng Hoàng Sơn, Ngọc Tản, Tản Sơn. Chữ Tản ở đây là bởi hình dáng kì lạ của núi, đến gần đỉnh thì núi thắt lại và đến đỉnh núi lại phình ra như một chiếc ô khổng lồ.
Núi Tản Viên – núi Ba Vì được coi là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước ta. Nơi đây được coi là nơi ngự trị của Đức Thánh Tản Viên, được biết đến rộng rãi trong tín ngưỡng truyền thống bởi truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Sơn Tinh là vị thần đứng đầu “Tứ Bất Tử”, còn được gọi là Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, là vị thần mang theo ngưỡng kính và niềm tin bất diệt của những người con đất Việt qua hàng nghìn năm lịch sử, đại diện cho linh hồn và sức mạnh của dân tộc.
Ba Vì còn có các ngọn núi khác là Tương Miêu, U Bò, Ghẹ Đùng, Ngọc Lĩnh, Núi Tre, Trăm Voi… Núi Nghĩa Lĩnh vốn là cố đô của nước Văn Lang, theo quy luật phong thủy thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo đối xưng hai bên Nghĩa Lĩnh, tạo thành thế tay ngai. Cùng với đó, thượng nguồn là nơi đổ về của 3 con sông lớn (sông Đà, sông Lô, sông Thao), tập trung về Ngã Ba Bạch Hạc tạo nên vùng đồng bằng Bắc Bộ màu mỡ, trù phú. Chân núi Ba Vì, nơi có những làng mạc thôn xóm đã sản sinh ra nhiều nhân tài của nước ta. Từ các danh tướng anh hùng, các danh nhân quan lại, các nhà thơ nhà văn nổi tiếng.
Ca dao có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì. Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế chiều cao của núi Tam Đảo còn cao hơn núi Ba Vì nhưng núi Ba Vì có một vị trí đặc biệt linh thiêng và quan trọng trong lòng người Việt. Dù không phải là ngọn núi cao nhất về địa lý nhưng lại cao nhất trong tâm thức người dân. Đây là nơi ngự của thánh thần, là ngọn núi được nâng lên cao bởi sức mạnh của thánh thần theo truyền thuyết Sơn Tinh đắp núi ngăn lũ, chống Thủy Tinh.
Du lịch tâm linh đền Thượng
Núi Ba Vì được vua Đường xem là đầu rồng mà thân rồng chính là dãy Trường Sơn ngày nay. Với âm mưu đô hộ nước ta vĩnh viễn, vua Đường lệnh cho Cao Biền đến đào một trăm cái giếng quanh chân núi, triệt long mạch, trấn iểm để nước ta không thể phát vương. Kế hoạch này sau đó đã thất bại bởi giếng cứ đào xong là sập, lấp kín yếu điểm của long mạch. Sự linh thiêng và ý nghĩa của núi Ba Vì đối với sự trường tồn của dân tộc từ đó mà càng được củng cố thêm.
Sách chính sử từng viết về ngọn núi này chính là núi tổ của nước ta. Trong một ngôi đền cổ ở trên núi Ba Vì có câu đối “Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không. Hạo khí quan mang vạn cổ tồn”. Dịch nghĩa ra là “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng. Hạo khí mênh mang vạn thuở còn”. Ngọn núi linh thiêng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử tựa như một niềm tin hữu hình, nhận được sự trọng vọng, hương khói, cúng bái quanh năm của triều đình và dân chúng. Quanh núi Ba Vì có gần 100 ngôi đình, đền thờ lớn nhỏ thờ Đức Thánh Tản như Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Vật Lại, Đền Đá Đen, Đền Măng Sơn, đình Mỗ Lao, đình Quất Động, đình Phú Thứ, đình Đông Viên, đình Quan Húc,…
Núi Tản Viên - ngọn núi linh thiêng
Vùng núi Ba Vì có nhiều danh lam thắng cảnh và đặc biệt là các di tích văn hóa – lịch sử độc đáo. Điểm thu hút khách du lịch đến vùng núi Ba Vì đầu tiên phải kể đến thiên nhiên trong lành, mát mẻ. Ba Vì được phủ một màu xanh ngút ngàn, Vườn Quốc gia Ba Vì là minh chứng cho một hệ sinh thái đa dạng, độc đáo. Với độ cao từ 400-600m so với mặt nước biển, nằm ở phía Tây và chỉ cách thủ đô sôi động ồn ào khoảng 60km nhưng không khí ở vùng núi Ba Vì rất khoan khoái, dễ chịu.
Bức tranh thiên nhiên được kết hợp bởi non nước hữu tình, sự đa dạng của thảm thực vật tự nhiên và sự phong phú của hệ sinh thái đặc sắc. Cũng vì thế mà vùng núi Ba Vì sở hữu nhiều trang trại dựa vào tự nhiên để phát triển những sản phẩm nông sản của quê hương. Ngoài ra, những thắng cảnh xinh đẹp cũng sớm được phát hiện và đưa vào khai khác như: Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên, Khu du lịch Tản Đà, Hồ Tiên Sa, Thiên Sơn – Suối Ngà, Thác Đa, Thác Mơ, Thác Ngà, Thác Hương, núii Đá Chẹ, rừng thông Đá Chông (K9), hồ Xuân Khanh, hồ suối Hai, hồ Đồng Mô – Ngải Sơn, hồ Suối Cả, hồ suối Bóp, hồ suối Mít, đồi cò Ngọc Nhị, khu Đầm Long v.v…… Đứng từ trên đỉnh Tản Viên, nhìn xuống, thu vào tầm mắt là thành phố rộng lớn phía xa, những làng mạc đồng ruộng yên bình và hồ Suối Hai tĩnh lặng, dòng sông Đà quanh co uốn lượn.
Hồ suối Hai - địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ khi tham quan núi Ba Vì
Bên cạnh vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, đây là vùng đất tâm linh với nhiều di tích văn hóa – lịch sử. Có thể kể đến ở đây như: Cụm di tích Đền Thượng – Đền Trung – Đền Hạ thờ Đức Thánh Tản, khu du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn bậc nhất với những kiến trúc cổ và những lễ hội truyền thống; Khu di tích lịch sử K9 nơi từng giữ thi hài Bác trong giai đoạn 1969-1975 còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị; Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Ba Vì_một trong 3 địa điểm mà lúc sinh thời Bác Hồ từng mong đặt tro cốt của mình ở đây,…
Cùng với Sa Pa, Đà Lạt, Ba Vì cũng là một địa điểm mà thực dân Pháp lựa chọn làm nơi nghỉ mát lý tưởng. Những phế tích thuộc thời Pháp như Trại tù (cốt 1100), trại cô nhi viện (cốt 800), khu hành chính (cốt 400), nhà thờ đạo, khu quân sự và khu sinh hoạt của sĩ quan Pháp (cốt 600 – 700) … vẫn còn cho đến ngày nay.
Núi Ba Vì - điểm săn mây lý tưởng
Núi Ba Vì – núi Tản Viên là địa điểm linh thiêng, nhiều di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành và có nhiều điều hấp dẫn khác mà cần chính bạn tự mình khám phá. Những dấu tích của truyền thuyết, của lịch sử mãi còn đó như một minh chứng về các thời kì hào hùng của dân tộc. Khám phá Ba Vì núi Tản để được củng cố tình yêu quê hương, đất nước, con người và niềm tin vững vàng vào sự vững mạnh của tinh thần dân tộc.
Nguồn: dulichkhatvongviet.com
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Những doi đất ở vùng hạ lưu sông Gianh (Quảng Bình), tức Linh Giang, chỉ giới tự nhiên phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài trong quá khứ, giờ đang ôm ấp hàng vạn mảnh đời. Trên sông Gianh có nhiều cồn, dài nhất khoảng 3,8 km, rộng nhất khoảng 0,8 km. Giữa bốn bề sóng nước, cư dân vẫn kiên cường bám trụ hết đời này sang đời khác và không thôi ấp ủ những giấc mơ.
Nhìn lại xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, không chỉ mấy ngàn năm vừa qua mà còn cả trong tương lai lâu dài mãi mãi về sau của nước nhà, làng của người Việt luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là biểu hiện cho sức sống của đất nước.