Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Nhận diện một địa chỉ giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh

24/07/2023902

Nhiều chục năm qua, vấn đề Đạo Mẫu ở Việt Nam, trong đó trung tâm là tín ngưỡng phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đã và đang là đối tượng quan tâm khảo sát, nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả, các nhà nghiên cứu khoa học, thể hiện qua hàng loạt bài báo, công trình khoa học được nối tiếp nhau công bố, từ Trung ương đến địa phương...

 

Nhiều chục năm qua, vấn đề Đạo Mẫu ở Việt Nam, trong đó trung tâm là tín ngưỡng phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đã và đang là đối tượng quan tâm khảo sát, nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả, các nhà nghiên cứu khoa học, thể hiện qua hàng loạt bài báo, công trình khoa học được nối tiếp nhau công bố, từ Trung ương đến địa phương. Thành tựu thu nhận được bước đầu đã làm sáng rõ một loại hình tín ngưỡng độc đáo, mang bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam. Những công trình tiêu biểu của các nhà khoa học như Nguyễn Văn Huyên, Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh, Đặng Văn Lung, Nguyễn Duy Hinh,... đã góp sức cho việc khẳng định một loại hình sinh hoạt văn hóa mang dáng dấp của một thứ tôn giáo bản địa , với hàng loạt các giá trị của nó trong đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội từ nhiều trăm năm qua của người Việt. 

Tuy nhiên, có một sự thật là, hầu hết các nhà nghiên cứu trong một không gian giới hạn, cho răng không gian tồn tại của hình thức tín ngưỡng - tôn giáo mang tính bản địa này gần như chỉ quẩn quanh ở phạm vi trung tâm Phủ Dầy và một số địa điểm thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng liên quan khác, với nhân vật trung tâm được phụng thờ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, như Tây Hồ - Hà Nội; Đồng Đăng - Lạng Sơn; Bắc Hà - Lào Cai; Đền Sòng - Thanh Hóa,... Trong khi đó, thực tế lịch sử nhiều trăm năm trôi qua đã và đang hiện tồn một địa chỉ được cộng đồng công nhận là nơi giáng sinh đầu tiên của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, có vai trò như một trung tâm khởi phát cho tín ngưỡng phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ở thôn Quảng Nạp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Trải hơn nửa thiên niên kỷ, biết bao thế hệ người dân địa phương đã đổ nhiều công sức bảo vệ, lưu tổn nguồn di sản văn hóa quý báu này, lãng quên hoặc may chăng chỉ nhắc qua di sản từ địa chỉ này một cách sơ sài, chiếu lệ ?!

Xuất phát từ sự khiếm khuyết hoặc vô tình thiếu hụt đó, chúng tôi muốn bước đầu giới thiệu những tư liệu cần thiết, ngõ hầu khả dĩ góp phần nhận diện một cách khoa học và xác định những giá trị văn hóa tâm linh nhất định, bổ sung cho việc nhận thức một cách có hệ thống loại hình sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo đặc sắc này của người Việt nói riêng, của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung. 

1. Từ một không gian địa linh, nhân kiệt vùng Sơn Nam Hạ 

Ôm trùm gần trọn phạm vi không gian địa linh, nhân kiệt của vùng Sơn Nam Hạ là địa giới hành chính huyện Ý Yên, một huyện vào loại lớn, nằm về phía Tây - Nam của tỉnh Nam Định. Là đất quần cư hiện tại của hơn 24 vạn dân, với 32 xã, thị trấn, Ý Yên từ bao đời này đã nằm giữa mối giao thoa như một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, nơi nối kết các địa phương trong khu vực bằng một mạng lưới giao thông đa dạng, từ đường bộ, đường thủy đến đường sắt, đặc biệt là con đường Thiên lý vốn phác lộ dần từ thời Trần, rõ mạch vào thời Nguyễn, kéo từ kinh đô Thăng Long xuôi vòng về phía Nam, kề ngang đất Yên Đồng, xuyên dọc vào Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh dọc miền Trung… gần trùng với quốc lộ 1A sau này, tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt cho công cuộc xây dựng và phats triển kinh tế - văn hóa - xã hội, Đó alf cùng đất được bao bọc bởi sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Sắt, đối diện với cố đô Hoa Lư phía Tây và cụm phòng tuyến Tam Điệp cùng dòng sông Đáy có Cửa Đáy giáp biển Đông ở phía Nam. Tất cả đã hình thành một cách tự nhiên cho vùng đất Ý Yên các yếu tố thiên thời, địa lợi, đủ sức tạo ra một vị thế văn hóa, vừa bản địa vừa có chiều hướng thích hợp cho mọi cơ hội tiếp thu, giao lưu và hội nhập kinh tế; văn hóa quanh vùng và từ nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà, suốt dòng lịch sử, đã từng có nhiều thời khắc đáng nhớ, vùng đất Ý Yên thường xuyên được các triều đình phong kiến quan tâm thăm nom và hướng tới như một vị trí quan trọng của vùng phụ cận đế đô, nhiều khi được đặt ngang hàng với những nơi được coi là địa linh nhân kiệt của quốc gia. Sử sách còn ghi: Vào thế kỷ X, trên đường kéo quân đi thu phục sứ quân tại khu vực từ làng Đại Nhuệ (Yên Đồng) đến làng Tam Đăng (Yên Thắng). Dưới triều Lý Nhân Tông, vua đích thân vi hành đất này, thấy địa vực làng Đồi (thuộc đất phía Nam xã Yên Đồng) có hình sông thế núi phong cảnh hữu tình, cảnh sắc hài hòa, đã ban lệnh chọn đất này lập làm thái ấp, sau đó cho dựng Phúc Lâm tự, trở thành một trung tâm Phật giáo lớn. Vùng đất Ý Yên này vào các năm 1107, 1114, 1117 tương truyền đã 3 lần có rồng vàng giáng hiện! (1); và cũng là nơi hiếm hoi được vua Lý nhiều lần vãng thăm: Tháng 6-1117, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem dân gặt lúa. Tháng Giêng năm 1124, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem dân cày ruộng. Tháng 11-1126, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem dân gặt lúa (2). Vào thời Trần, Trần Khánh Dư chọn đất Yên Đồng, Yên Nhân để lập điền trang. Vào thời Lê, vua cho tôn tạo và mở rộng Phúc Lâm tự lên đến hàng trăm gian để làm nơi sinh hoạt tâm linh nổi tiếng cho cả vùng Sơn Nam Ha... 

Và như vậy là, khu vực địa danh mang tên Yên Đồng, nơi được truyền tụng trong dân gian là đất giáng sinh lần đầu tiên của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được vua Lê Thánh Tông cho lập miếu thờ, rồi mở rộng, nâng cấp thành ngôi phủ thờ Mẫu uy nghi, mang tên Phủ Quảng Cung đệ nhất giáng sinh (1473) chính là trung tâm của thế đất sơn thuỷ hữu tình. Địa danh này, theo sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu, trong quyển 5 do Bùi Quỹ biên soạn, vốn từ xa xưa đã thuộc đất Nam Giao, đến thời Trần thuộc lộ Thiên Trường; sang thời Lê thuộc phủ Nghĩa Hưng và sau đó 2 thuộc vào vùng đất mang địa danh Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cũng chủ yếu từ quanh vùng đất này, trên bước đường công danh khoa bảng thời phong kiến, đã có gần 20 bậc đại khoa mang danh Tiến sĩ, Hoàng giáp, Phó bảng, được ghi danh tại Văn Miếu, Hà Nội và trở thành các danh nhân văn hóa Sơn Nam, trong đó có nhiều người nổi danh như Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, các Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Đỗ Huy Uyển, Đỗ Huy Liêu,... mà hầu hết đều được phụng thờ tại nhiều đình, đền ở đất Ý Yên. 

2. Đến Vỉ Nhuế (Quảng Nạp), nơi giáng sinh đầu tiên của Thánh Mẫu Liễu Hạnh 

Vỉ Nhuế, tên cũ của Quảng Nạp, theo nghĩa từ Hán Việt, là tên gọi một vùng đất có địa thế nhô cao ven nước, ven sông (3), “vỉ” là chỉ người con gái đẹp, hợp lại thành địa danh làng Vỉ Nhuế - vùng đất ven sông nước, nơi có người đẹp hiện sinh (4), xã Trần Xá (đến thời Lê là xã Vỉ Nhuế), tổng Vỉ Nhuế, huyện Vọng Doanh thời Trần, sang thời Lê đổi là Đại An, Phong Doanh, sang thời Nguyễn (Minh Mạng) đổi là Ý Yên. Nhìn về địa thế, Vỉ Nhuế nằm trên một thềm đất cao dần, trên dải đất có 3 gò đồi thấp, mang tên đồi Thượng, đồi Trung, đồi Hạ. Trấn ngự ngay phía Nam làng Vĩ Nhuế là dòng Trường Khê - dòng chảy nổi thông sông Ninh Cơ và sông Đáy. Tính theo thế bồi đắp lan dần của thềm đất phù sa bồi tụ qua nhiều trăm năm, có thể đoán định rằng, vào khoảng cuối đời Trần sang thời Hậu Lê, Vỉ Nhuế là nơi liền kề biển Đông, có thể nằm liền kề ngay cửa sông Đáy xô nước ra biển cả. Dấu tích vật chất từ những đống vỏ sò, vỏ hến và các lớp sú vẹt khô mục (vốn chỉ sống được trong nước mặn) được đào thấy trong quá trình khai mương làm thuỷ lợi tại 5 làng/thôn La Ngạn, Vỉ Nhuế, Cốc Dương, An Hạ và An Trung của xã Yên Đồng cùng nhiều cánh ruộng khác của các xã Yên Nhân, Yên Khang, Yên Thắng... vào những năm 60, 70 thế kỷ trước, là minh chứng cụ thể cho nhận định này. Và như vậy, dải đất mà trung tâm là làng Vỉ Nhuế hiện tồn như tấm bao lớn án ngữ chặng giao thoa giữa đường Thiên lý xưa và biển cả phía phụ cận chính Nam, áp theo dòng sông Đáy ôm vòng đế đô Hoa Lư. Từ thế phong thuỷ đắc địa đó, dân gian sớm nhận ra/chọn nơi giáng sinh lần đầu tiên cho một nhân vật vừa như có thật (có dòng dõi tên họ hẳn hoi), vừa mang màu sắc huyền thoại, hòa quyện phẩm chất, quyền năng của Tiên, của Thần, của Phật là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. 

Truyền thuyết dân gian kể về sự tích giáng sinh nhiều lần của Liễu Hạnh được lưu truyền khắp vùng châu thổ Bắc Bộ từ nhiều thế kỷ nay. Lần theo nội dung truyện kể, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được giáng sinh lần thứ nhất vào ngày mùng 6 tháng 3 năm 1434 trong vỏ bọc của cuộc đầu thai làm con gái họ Phạm (với họ tên đầy đủ là Phạm Thị Tiên Nga) ở thôn Quảng Nạp, xã Trần Xá (năm Thiệu Bình, triều vua Lê Thái Tông) và hóa năm 1473, niên hiệu Hồng Đức thứ tư-1473. Theo truyền ngôn, sau khi sinh ra và lớn lên, Phạm Tiên Nga là người rất mực hiếu nghĩa với cha mẹ cùng dân làng. Trong chặng giáng sinh đầu tiên này, Mẫu Tiên Nga mang vẻ thuần phác, nhân đức của một người con nhân hiếu, người phụ nữ đôn hậu, chuyên tâm chăm lo báo hiếu cha mẹ và giúp đỡ láng giềng. Khuôn mẫu nhân đức là nội dung trung tâm để dân gian ngợi ca và xây đắp cho biểu tượng tâm linh của mình. Đó là hình ảnh đẹp đẽ nhất tạo dựng cơ sở cho một khuôn mẫu được ngưỡng vọng từ cộng đồng, làm đà cho sự mở rộng tính cách và những ứng xử xã hội viên mãn cho biểu tượng Mẫu thông tuệ, đầy sức mạnh, quyền uy và kiệt xuất ở những lần luân hồi tiếp theo. 

Câu chuyện giáng sinh và chặng đời hiện trần lần thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được ghi lại trong một số tư liệu thành văn và chạm khắc vào nhiều bi ký ở các địa điểm phụng thờ. Với văn học thành văn, tập truyện Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748) được coi là những ghi chép sớm nhất (còn lưu lại) và nội dung tương đối trùng với truyền thuyết dân gian về Liễu Hạnh, hiện đời sau biết được, thể hiện trong phần Vân Cát thần nữ liệt truyện. Và sau đó gần 2 thế kỷ, Tiến sĩ Tế tửu Quốc tử giám Khiếu Năng Tĩnh đã căn cứ vào sự tích giáng sinh Mẫu Liễu ở Quảng Nạp để bổ sung cho tập Quảng Cung linh từ phả ký (vốn do Tiến sĩ Vũ Huy Trác khởi thảo từ thời vua Lê Cảnh Hưng), để soạn ra tài liệu Quảng Cung linh từ phả ký mới vào năm Thành Thái Quý Mão - 1903; và sau đó chục năm là tập sách Cát Thiên tam thế thực lục (bản khắc gỗ), với nội dung là lời của ông Đoàn Tử Duyệt (người Vỉ Nhuế, học trò của Khiếu Năng Tĩnh) nhập đồng phát lộ, rồi được Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển cùng một số nho sinh soạn khắc in năm Duy Tân lục niên (1912). Theo đó, sách này có cả lời Tựa của Nguyễn Bỉnh Khiêm, các lời tán dương Thánh Mẫu của các danh sĩ đương thời và lời Bạt của Đỗ Huy Liêu, Khiếu Năng Tĩnh. Hầu như các tư liệu thành văn này đều gặp nhau ở nội dung ghi lại các điều đã được dân gian truyền kể về 3 lần giáng sinh chính của Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Trần Xá-Yên Đồng (Ý Yên), Vân Cát-An Thái (Vụ Bản), và Tây Mỗ-Nga Sơn, bên cạnh những lần giáng sinh khác tại Phố Cát, Đền Sòng, Đèo Ngang... Riêng thời gian giáng sinh, giữa lần thứ nhất và thứ hai, là tròn một thế kỷ, với sự biến động dữ dội của đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội thời Hậu Lê. Điều đó cho thấy, cần có sự nhận diện một cách hệ thống quá trình hình thành và diễn trình tồn tại của loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng bản địa tiêu biểu bậc nhất trong đời sống văn hóa xã hội người Việt qua nhiều thế kỷ-mà nhân vật được tôn thờ cũng như đại diện phản ánh sự vật lộn và tiếp biến khuôn dạng, từ tên gọi (Tiên Nga-lần thứ nhất, Giáng Tiên-lần thứ hai, Liễu Hạnh-lần thứ ba) đến phong cách, tài năng. đức độ, thù tạc, giao tranh... qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể. 

3. Để nhận diện bước đầu dấu tích phụng thờ và lòng ngưỡng vọng trong cộng đồng xã hội 

Truyền thuyết dân gian được lưu trong các văn bản thành văn rằng, vào năm Quý Tỵ (1473), niên hiệu Hồng Đức năm thứ tư (Lê Thánh Tông), ngày 30 tháng 2, Phạm Thị Tiên Nga-Tức Liễu Hạnh, hóa về Thượng giới, người dân vùng Quảng Nạp nhớ ơn đức hạnh của bà đã cùng nhau xây đền miếu Quảng Cung, ngày đêm phụng thờ và tôn làm phúc thần. Các vua triều Lê và triều Nguyễn sau này đã có sắc phong, rồi cho dân mở rộng, tôn tạo nơi thờ tự Tiên nữ này thành Phủ Quảng Cung nguy nga, tráng lệ. Hiện tại, Phủ Quảng Cung đang lưu đôi câu đối ghi nhận sự việc này: “Hồng Đức tứ niên sơ lập miếu; Duy Tân ngũ tuế xưởng linh từ” - Nghĩa là: Năm thứ tư niên hiệu Hồng Đức (1743) lập miếu thờ; Năm thứ năm niên hiệu Duy Tân (1911) sửa lại đền thiêng. 

Như vậy là, Phủ Quảng Cung, mà người dân quen gọi là Phủ Nấp/Nạp, được xây dựng cách ngày nay chừng 6 thế kỷ và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Các bậc cao niên trong làng còn nhớ rõ, trước Cách mạng tháng Tám (1945), Phủ Quảng Cung vẫn còn là một nơi thờ tự vào loại đẹp và bề thế nhất vùng, tọa lạc trên một địa thế cao rộng, thoáng mát, vị trí không gian chính cung tương ứng với khu vực cung Đệ Nhị hiện nay, mang dáng dấp cổ xưa. Các dãy nhà thờ tự có bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh quen thuộc. Từ vòm cổng Tam quan đi vào là gian Tiền đường rộng rãi, nối liền là cung Đệ Tam với Ban thờ Công đồng Tứ Phủ và cung Đệ Nhị với 3 ban thờ Ngọc Hoàng - chính giữa, Vương phụ, Vương Mẫu-bên Tả, và bên hữu thờ Tam tòa Thánh Mẫu; liền sau là tòa Hậu cung uy nghi với 3 cung có tường ngăn cách. Phía trong cùng là Cẩm cung, nơi đặt tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Người vào lễ Thánh chỉ đi một cửa và ra cửa sau theo lối thông với hành lang bao quanh Hậu cung. Pho tượng Thánh Mẫu đúc bằng đồng hiện còn chính là một trong 3 pho được đúc vào năm Tân Sửu (1781) do các quan lại Hoàng Triều cung tiến (5). Ba bài vị được chạm khắc tinh vi và rất đẹp, mang các huý danh: Phạm Thái Ông hiệu Huyền viên, Phạm môn chính thất Đoàn lệnh thị hiệu Thuần Nhất, và Lê Triều hiển Thánh tầm thanh cứu khổ Phạm gia lệnh nữ húy Tiên Nga thần vị hiện bị mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong khuôn viên của Phủ có nhiều văn bia cổ. Chẳng hạn, tấm bia đề niên hiệu Lê Triều Cảnh Hưng thứ 22 (1761) khắc ghi: Việc thờ phụng Mẫu Liễu nơi đây vốn có từ lâu, đồng thời ghi việc dân chúng địa phương tu sửa phủ thờ cùng năm. Tấm bia tạc năm Tự Đức thứ 12 (1859) ghi việc Tri phủ Nghĩa Hưng Lê Huy Phan tôn tạo đền phủ hoành tráng, đẹp đẽ. Tấm bia do Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển và Đốc học Bắc Ninh cùng tạc, mang tên Thù ân bi ký vào năm 1912 ghi việc tri ân công ơn Mẫu Liễu và xây dựng mở mang cửa phủ... Ngoài ra, còn hàng loạt các thư tịch, bi ký, bút tích của các bậc danh khoa, các quan chức cao cấp của chính quyền phong kiến đã bộc lộ lòng ngưỡng mộ công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ca ngợi tài danh của một trong Tứ bất tử được nhân quần ngưỡng mộ. 

Không phải ngẫu nhiên mà, các triều đại từ Hậu Lê cho đến Nguyễn đều nhiều lần cấp sắc phong, ban tặng Thánh Mẫu Liễu Hạnh những danh hiệu cao quý. Theo Quảng Cung linh từ phả ký do Tiến sĩ Vũ Huy Trác (Triều Lê Cảnh Hưng) cung soạn (sau được Khiếu Năng Tĩnh bổ soạn), thì cho đến năm 1781, Phủ Quảng Cung đã nhận được 23 đạo sắc phong, sớm nhất là từ niên hiệu Hoằng Định (1601) thời Lê Kính Tông (1600-1619); nhưng hiện đến năm 1962, khi kiểm kê chỉ còn 4 đạo sắc phong của triều Thành Thái (1891), Duy Tân (1909), Khải Định (1924).

Nhìn vào thực trạng, “di sản” gắn với địa danh thờ tự Quảng Cung này, về gốc tích không còn nhiều, nhưng cũng đủ cho việc nhận điện bước đầu về một địa chỉ phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh Đệ nhất giáng sinh, về một nơi chốn có vị thế địa - văn hóa độc đáo của sinh hoạt tín ngưỡng, có ảnh hưởng sâu rộng đến tâm thức dân chúng đông đảo trong xã hội, trên tiến trình lịch sử tồn tại và phát triển. Bên cạnh ý thức gìn giữ, ngưỡng vọng tô đắp biểu tượng cho một khuôn mẫu đạo lý, nhân cách người Việt của dân chúng trong vòng sáu thế kỷ, còn là sự quan tâm, ngưỡng mộ của nhiều thế hệ các bậc đế vương, các quan đại thần, các nhà khoa bảng, danh sĩ với những lời tán dương, trí ân sâu sắc về một nhân vật vừa mang tính lịch sử vừa mang tính huyền thoại và chứa ẩn trong đó không ít những vấn đề xã hội phức tạp, khó/chưa thể hiểu biết cặn kẽ hoặc giải mã được. Trải qua những biến đổi do chiến tranh loạn lạc và nhiều lý do khác nữa, sự phục hồi của Phủ Quảng Cung như hiện nay nhờ công sức và niềm tin của công chúng gần xa. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho giá trị và sức hút tự nhiên của một nhân vật được thờ phụng trên mảnh đất của không gian văn hóa có địa linh nhân kiệt này.

4. Và gợi ra đôi điều suy nghĩ 

Một là, có sự thiếu hụt không, khi mà các công trình khoa học tiếp cận nghiên cứu về tín ngưỡng đạo Mẫu ở Việt Nam lâu nay chưa quan tâm tới hoặc chưa đi sâu vào một địa chỉ gắn với thời điểm giáng sinh lần thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh?! Nếu chỉ tính từ thời điểm xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đất Phủ Dầy với hàng loạt các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian được các nhà nghiên cứu quan tâm, khảo tả, giải mã để nêu ra sắc thái văn hóa tín ngưỡng bản địa, thì, khi ngược dòng lịch sử một thế kỷ nữa, tìm về thời điểm giáng sinh đầu tiên của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chắc sẽ còn không ít vấn đề hấp dẫn, bổ ích và có giá trị khác cần/chưa được phát hiện, minh giải. Chẳng hạn, tại sao dân gian (lại cho) tin Thánh Mẫu giáng sinh vào thời điểm lịch sử cụ thể đó (1443)? Tại sao sự giáng sinh của Thánh Mẫu lại gắn với địa chỉ Vỉ Nhuế (Quảng Nạp)vùng đất cao ven sông gần biển, mà lại không ở địa chỉ khác, như Phú Dầy cách đấy chưa đầy 10 km đường chim bay, với địa thế đắc địa hơn nhiều, sau đấy một thế kỷ? 

Hai là, nhìn vào tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc, trước khi Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, Đạo Giáo Trung Hoa đã du nhập vào nước ta từ rất sớm, ít nhất cũng từ thời Bắc thuộc, để đến các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, thì tôn giáo này đã cắm sâu, phát triển, trở thành một thành phần đồng đẳng trong “Tam giáo đồng nguyên”, và do vậy, lý thuyết Đạo giáo đã ăn sâu vào ý thức nhiều trí thức đương thời, cùng đó, nhiều hình thức ma thuật, bùa chú, pháp thuật, theo chân các đạo sĩ, đã ăn sâu vào môi trường sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và đời sống xã hội cộng đồng. Đến đời Hậu Lê, Đạo giáo đã được khoác vỏ hoặc được bản địa hóa thành một thứ tôn giáo bản địa manh nha là Nội Đạo Tràng ở vùng Quảng Xương, Thanh Hóa, được vua Lê Thần Tông cho phép hoạt động, trở thành “đối tác” tôn giáo-trong một khoảng thời gian nhất định- xung khắc với Đạo Mẫu, xảy ra “Sòng Sơn đại chiến" (với Liễu Hạnh) quanh khu vực Đền Sòng - Nga Sơn và Thánh Mẫu phải quy phục, đi đến hoà giải (6). Quy chiếu sự hiện tồn của 2 hiện tượng tín ngưỡng-tôn giáo là Đạo Mẫu và Nội Đạo Tràng trong một không gian tồn tại cận n kề nhau có thể làm sáng tỏ hơn sức sống của văn hóa bản địa trước khả năng đồng hóa hay ỉ tiếp biến văn hóa trong lịch sử văn hóa dân tộc. Cũng lại nhìn vào tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc, ngay từ thế kỷ XV, hàng loạt các thương thuyền phương Tây mang theo các giáo sĩ đã nhăm nhe cập bến Việt Nam qua đường biển, tiếp cận các cửa sông lớn để đổ bộ lên đất liền, đặc biệt là các vị trí thuộc Nam Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với ý đồ truyền giáo, xây dựng các tụ điểm Thiên Chúa giáo, mà thực tế, các giáo sĩ đó đã cắm chốt xây dựng nhà thờ, giáo đường và truyền giáo từ các địa phận của Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định); Kim Sơn (Ninh Bình); Nga Sơn (Thanh Hóa) vào các thế kỷ tiếp theo. Vậy thì, việc lựa chọn địa danh tại Quảng Cung -Vỉ Nhuế để cắm chốt cho “phòng tuyến" của văn hóa bản địa người Việt chắc là lý do thực tiễn có sức thuyết phục. 

Cạnh đó, có một thực tế lịch sử cũng cần được soi tỏ. Đó là, từ thời điểm giáng sinh lần thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở về trước, trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt chủ yếu mới là tục sinh hoạt thờ Nữ thần, thờ Thần, chứ chưa có việc thờ Thánh Mẫu, để rồi phát triển lên thành Đạo Mẫu sau đó. Ngay tại chùa Đồi, trước khi có sự hiện diện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người dân trong vùng đã thờ Man Nương và Bố Cái Đại Vương, nơi mà, trước khi tổ chức lễ hội ở Phủ Quảng Cung, đều phải đến dâng lễ tại đây để xin phép về cử hành nghi lễ thờ Mẫu Liễu Hạnh. Trong khi đó, ngay từ thế kỷ X, người Trung Hoa đã có hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một vị thần biển có nhiều công lao giúp đỡ ngư dân, thương gia bôn ba hải ngoại làm ăn, buôn bán. Ngay từ khi nước Đại Việt độc lập tự chủ đang tìm cách ra khơi mở đường giao lưu kinh tế, thì nhiều thương gia Trung Hoa đã đi tàu vượt biển sang Việt Nam buôn bán, đã cập bến vào những cửa biển Hội An, Khánh Hội,... đã xây dựng không ít nơi thờ tự Thánh Mẫu trên một số vùng đất ven biển miền Trung Việt Nam. Và như vậy, liệu có sự giao lưu văn hóa-tín ngưỡng nào giữa người Hoa và người Việt trong phạm vi thờ Mẫu này, chí ít là về mặt hình thức, lớp lang nghi lễ của loại hình tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu? 

Những vấn đề gợi mở được đặt ra trên đây, một mặt muốn bày tỏ ý định hướng đến giải quyết hoặc làm sáng rõ một số điều chúng tôi sẽ trình bày ở những bài viết mới. Mặt khác, cũng là ý định mong chờ được tiếp nhận những kiến giải của đồng nghiệp và các bậc thức giả!

PGS. TS. BÙI QUANG THANH*

Chú thích 

*VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VIỆT NAM 

1- Theo Việt sử lược, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1960, tr. 123.

2- Theo Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H, 1967, tập 1, tr. 247. Ứng Phong là địa danh cấp Phủ được đặt ra từ thời Lý, phạm vi tương đương với nửa phần phía Nam của huyện Ý Yên hiện nay. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được cung Ứng Phong nằm ở vùng giáp ranh giữa đất Ý Yên và Vụ Bản, cách tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi không xa. VÀ VĂN HOA 

3- Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển (giản yếu), Nxb. VHTT, 2005, tr. 546. 

4- Theo truyền thuyết do các bậc cao niên làng này kể lại: Vì Nhuế còn có tên là Vị Thuỷ, vốn là tên của vùng đất cư trú của các vị đế vương Trung Hoa cổ đại như Nghiêu, Thuấn. Tương truyền, từ những năm đầu Bắc thuộc, có một vị quan trẻ người Phương Bắc sang nước ta. Khi đi đến vùng đất Quảng Nạp, gặp một người con gái xinh đẹp đã cảm mến mà ở lại định cư và mang theo tên đất từ cố hương sang đặt cho làng Nấp là Vỉ Nhuế. 

5- Theo Quảng Cung linh từ phả ký do Khiếu Năng tĩnh bổ soạn năm 1903. Theo Ngọc phả hiện còn truyền ở địa phương, hai pho tượng thân phụ mẫu của Thánh Mẫu cũng được đúc cùng, hiện đã thất lạc. Có người cho rằng hai bức tượng quý này đã bị đưa sang Pháp. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng, nếu xem kỹ khuôn dạng của bức tượng Thánh Mẫu hiện còn, có thể đoán định thời gian đúc sớm nhất cũng chỉ từ giữa thế kỷ XIX, nghĩa là bức này có thể được đúc lại, chênh nhau với bức ghi trong Quảng Cung linh từ phả ký khoảng một thế kỷ. 

6- Xin xem Bùi Quang Thanh, “Tìm hiểu Nội Đạo Tràng vùng Quảng Xương, Thanh Hóa", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5-2007, “Nghi lễ Nội Đạo Tràng vùng Quảng Xương Thanh Hóa", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Số 12-2007. 

BUI QUANG THANH: IDENTIFICATION OF A REBIRTH PLACE OF MOTHER GODDESS LIỄU HẠNH 

Based on field research and some information from ancient documents, the author gives some initial identification of a place of "rebirth of Mother Goddess Lieu Hanh in Quang Nap village, Yên Dong commune, ý Yên district, Hà Nam province. He also provides some thoughts on the appear- ance and position of the Mother Goddess Religion in the country's history.

Đọc thêm:  Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm hiểu về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu), nghiên cứu và Phát triển số 2 (85) 2011

Các bài viết khác

Xem thêm
Dư địa chí một số giá trị tiêu biểu
Địa chí14/06/2023

Dư địa chí một số giá trị tiêu biểu

(Consonkiepbac.org.vn) - Khi Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị gièm pha phải về ở ẩn tại Côn Sơn nhưng tấm lòng ông vẫn không quên việc nước. Sau khi Lê Thái Tông lên ngôi, ông lại được mời ra làm quan và được giao viết bộ Quốc thư bảo huấn, trong đó có Dư địa chí như là cuốn sách giáo khoa nhằm dạy cho nhà vua hiểu biết về đất nước, con người và các đặc sản của từng địa phương. Sách soạn xong, Nguyễn Trãi dâng lên, nhà vua rất tâm đắc, sai thợ khắc ván in để phổ biến.

Chùa Mèo Lang Chánh – điểm đến linh thiêng và sự tích “Miêu thần cứu Chúa”
Tin tức khác10/05/2024

Chùa Mèo Lang Chánh – điểm đến linh thiêng và sự tích “Miêu thần cứu Chúa”

Chùa Mèo Lang Chánh là một ngôi chùa cổ nằm tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Nay thuộc khu phố Chiềng Ban 1 thị trấn Lang Chánh sau sáp nhập đơn vị hành chính toàn bộ xã Quang Hiến vào thị trấn. Ngôi chùa này có một lịch sử lâu đời và nhiều câu chuyện tương truyền đầy ý nghĩa về sự kết hợp giữa tôn giáo, văn hóa và lịch sử của người dân trong vùng.

Nguồn: Internet
Lễ Hội24/09/2023

Múa lửa trong nghi lễ lên đồng, Nghiên cứu Tôn giáo, Số 04 (130), 2014, 126-131

Giống như nhiều hình thái tôn giáo dân gian khác ở Việt Nam, nghi lễ lên đồng thờ thánh chỉ được xem là một dạng diễn xướng dân gian mà chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng những giá trị của nó về thể thức và ý nghĩa. Cùng với công trình “Nghi lễ lên đồng: lịch sử và giá trị” xuất bản năm 2013 (Nxb. Văn hóa), tác giả bài viết này mong muốn làm rõ giá trị và ý nghĩa tôn giáo của nghi lễ lên đồng, một nghi lễ hiện vẫn còn những điều tồn nghi.