Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Đền Đồng Bằng - Một di sản văn hóa nổi tiếng

13/07/2023525

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vùng đất Đào Động xưa, thời Hùng Vương thuộc về bộ Thang Tuyền; thời Lý - Trần thuộc phủ Long Hưng, cuối thời Trần thuộc Hà Côi, phủ An Tiêm; thời Lê thuộc tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng, phủ Thái Bình. Từ năm 1890, thuộc về huyện Phụ Dực. Năm 1969, theo quyết định phân chia lại làng xã của UBND tỉnh, Đào Động thuộc về xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Vào thời Trần, Đào Động nằm trong trung tâm lưu vực sông Hóa, trong vùng đất của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương. Vương sai tướng Phạm Ngũ Lão và phò mã Nguyễn Chế Nghĩa về đắp thành ở thôn Đào, thôn Lãng (Đào Động), nay đền thờ của hai ông và cả dấu vết chiến lũy vẫn còn. Đây là hậu cứ vững như thành đồng nên làng Đào Động còn có tên là Đồng Bình - bức chắn bằng đồng trong sự nghiệp chống quân xâm lược Nguyên. Sau này do đồng âm nên chữ Bình (bức chắn) bị viết nhầm thành chữ Bình - Bằng. Vì thế mà Đào Động còn có tên gọi là Đồng Bằng như hiện nay.

Đền Đồng Bằng năm nằm ở cách bờ sông Đại Nẫm (sông Diêm) chỉ độ vài trăm mét. Sông này gặp sông Tam Kỳ (sông Vĩnh, sông Đào Động, sông Đồng Bằng) ở ngã ba Tam Kỳ (cách đền khoảng 2km). Trước năm 1945, hai con sông này còn rất rộng, thuyền bè đi lại tấp nập. Phía Đông Bắc của Đào Động có Lộng Khê, phái Đông Nam có Tô Hồ, Tô Hải, Vạn Đường lại có các phường thủy cơ An Bài, Kiến Quan. Gần đền Đồng Bằng có chợ lớn thu hút khách thập phương xuôi ngược về đây buôn bán. Phía Bắc lại còn có Kẻ Sài, Kẻ Ón. Như vậy, Đồng Bằng không chỉ nơi giao lưu giữa các cư dân nông nghiệp và cư dân sông nước, mà còn còn là nơi giao lưu của luồng bán buôn. Ngày nay, dọc bên bờ sông Nẫm, sông Vĩnh vẫn còn tìm thấy nhiều phế tích gạch Hán - Tùy - Đường. Căn cứ vào phế tích gạch Hán còn tìm thấy trong và ngoài làng có thể khẳng định vùng đất này có sự quần cư khá sớm. Thời Lý và Trần, đền Đào Động đã được xếp vào 1 trong “tứ cố cảnh thời Lý” của huyện Phụ Phượng gồm: Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào (theo sách: Ngàn năm đất và người Thái Bình). Theo đó thì dưới thời Trần đền miếu đã lộng lẫy, uy nghi được Điện tiền Phạm Ngũ Lão khen “Đây chốn thần tiên nhất nước nhà”. Nhưng hiện tại tất cả đều được phục dựng lại vào thời Nguyễn.

Đền Đồng Bằng có tên chữ là “Bát Hải động đình” - ngôi đền chung của 8 động (trang) vùng cửa biển. Nhưng dân gian vẫn quen gọi là đền Đồng Bằng (theo địa danh) hoặc đền Đức vua. Vị thần được thờ ở đền có tên là “Vĩnh Công đại vương”. Theo thần tích, đó là một ông lái đò trên dòng sông Vĩnh, vợ chồng tuổi tác đã cao mà chưa có người nối dõi. Một lần ông bà bắt được bào thiêng trong có một ổ trứng trắng liền mang về nhà. Trải 9 mùa trăng đi qua, vào một ngày trời đầy mưa giông, sấm giật, 9 quả trứng nứt vỏ, 9 con rắn ra đời, ngày tháng thoi đưa, lũ rắn cũng lớn dần lên. Năm ấy, vào đời Hùng Vương thứ 18, đất nước có giặc, vua Hùng phải lập đàn khấn cầu các thần linh giúp sức, lại sai sứ giả đi chiêu tập hiền tài huấn luyện binh nhung. Nghe tiếng loa truyền, 9 rắn hóa thành 9 chàng trai, cùng vào yết kiến nhà vua xin ra quân tiễu trừ giặc. Anh em họ nhất hô, bách ứng kéo theo cả thuồng luồng, thủy quái ra trận. Chỉ một ngày giặc tan, đất nước trở lại thành bình. Vua Hùng truyền lệnh phong cho 9 chàng trai là 9 ồng Hoàng. Họ cưỡi thuyền rồng về làng, kính lạy mẹ cha, rồi bỗng một vầng hào quang chói lòa, 9 chàng trai lại trở thành 9 con rắn trở về với dòng sông Tam Kỳ. Đó là ngày 22 tháng 8 năm Bính Dần. Từ đó dân làng truy ơn lập 9 ngôi đền thờ các dũng tướng đã giúp vua trừ giặc ở dọc hai bờ sông, từ bến đò Tranh đến tận cửa Diêm Điền. Còn đền Đồng Bằng là nơi thờ người cha chèo đò trên bến sông thuở ấy, với duệ hiệu “Trấn Tam Kỳ giàng linh ứng, Vĩnh Công đại vương, Bát Hải động đình”.

Trong ý thức hệ của người nông dân Việt Nam có 3 bị đức vua cha khai sáng và chiếm lĩnh 3 vùng của vũ trụ, là:

- Đức vua cha Ngọc Hoàng, sáng tạo ra miền trời.

- Đức vua cha Diêm Vương, sáng tạo ra miền đất.

- Đức vua cha Bát Hải, sáng tạo mọi miền thủy phủ.

Thành tích đền Đồng Bằng cho biết, người cha chèo đò ấy có công nuôi dưỡng và thu phục thủy quái nên thần gắn với việc chống lụt, được dân khắp nơi tôn sùng dưới dạng một hóa thân của các vua cha sáng tạo kể trên. Hoành phi trong đền có bốn chữ Hán “Bát Hải động đình”, ngoài nghĩa là ngôi đền chung của tám động (trang) vùng cửa biển, còn phải hiểu là nơi dừng hoặc ngự của vua cha Bát Hải.

Hiện tại, đền Đào Động mở hướng Tây Nam, nằm trên một miền đất cao, rộng 6.574m2, tựa lưng vào gò Đồng Hưng, gò Voi Phục, gò Ông He (cá he), trước mặt là dòng sông Đại Nẫm, xa nữa là Đầm Bà, bên tả có Trại Cúi, bên hữu Trại Cầu, gò đống lô xô. Hậu cung đền có giếng thiêng, mạch ngầm chảy ra tận sông Đồng Bằng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Hướng Tây Nam rất thích hợp với kiến trúc mang nặng yếu tố tâm linh dân dã, vừa cầu cho thần yên vị, vừa cầu thần ban ân huệ (hướng Tây là hướng cầu cho thần yên vị, hướng Nam là hướng của màu đỏ, màu của sinh khí, màu của trí tuệ bát nhã).

Phía trước đền, từ xưa có một hồ bán nguyệt lớn. Hồ này kết hợp với tòa điện chính và 2 tòa tả, hữu vu để trở thành một biểu hiện của hổ phù đang nhả mặt trăng (điện chính là đầu hổ phù; tả, hữu vu là 2 cánh tay hổ đang vận động để nhả mặt trăng ra). Hình ảnh hổ phủ nhả mặt trăng được xem là gần gũi với hình ảnh nguyệt thực một phần - điềm báo hiệu được mùa lớn trong nhận thức của người xưa. Chính vì thế, ở trước đền Đồng Bằng (cùng như nhiều di tích khác) người ta đã làm những hồ bán nguyệt lớn. Đó là một sự cầu mong, nhắc nhở với thần linh “hãy đem hạnh phúc đến cho cư dân ở đấy”. Hiện nay, trong lòng hồ đã được xây dựng thêm một tòa thủy đình tạo lên hệ thống hang động giả. Công trình mới này không những phá vỡ, làm méo mó lòng hồ mang đầy ước nguyện của người xưa mà còn không ăn nhập, cân xứng với diện mạo vốn có của đền.

Ngăn cách giữa hồ và sân đình là một tòa nghi môn, tòa này được xây dựng lại (không cùng với thời điểm xây dựng lại đền). Nghi môn được làm theo dạng tam môn: Trung môn, Đông môn và Tây môn. Bên trái lại mở thêm một cửa nhỏ để thuận tiện cho việc ra vào.

Trung môn được làm hai tầng khá cao, mang dáng dấp như cổng thành. Tầng thượng đắp 2 chữ “Thuận Thiên”. Tầng hạ đắp 4 chữ “Bát Hải động đình”. Đông môn và Tây môn được ngăn cách với Trung môn bằng 2 phù điêu đắp võ sĩ (Kim Cương). Hai tòa này cũng được xây theo kiểu cổng thành, trên có lầu canh, dưới có tường vây bọc, cửa cuốn vòm, cánh đóng then cài, thượng sơ hạ mật. Cổng đền tuy mới, nhưng trên mái vẫn đắp những con giống theo tinh thần cổ truyền, với những đầu kìm dạng thủy quái Makara, lân, hoa lá cách điệu… đó là những biểu tượng liên quan đến việc cầu mưa, cầu nước, cầu nguồn hạnh phúc no đủ. Trên đỉnh hai trụ ở hai bên cuối tường có hai con lân ngồi trong tư cách kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.

Từ nghi môn, vượt qua một sân lớn lát gạch Bát Tràng vuông đến khu điện thờ chính, gồm các tòa: Bái đình, tòa đệ nhị, đệ tam, hậu cung và tả, hữu hành lang.

Hai bên cánh gà trước cửa, đó là ban thờ quan mãnh hổ - vị thần linh cai quản mặt đất. Đồ thờ đặt ở đây thường chỉ là gạo và trứng sống (trứng mang ý nghĩa là linh hồn của các kiếp đời đã qua) có thể hiểu: Bàn thờ mãnh hổ là nơi người sống cầu mong thần linh cai quản mặt đất hãy bảo trợ cho những kiếp đời đã qua, đồng thời chống tà khí thổi vào điện Thánh/Thần.

Trong khu điện thờ ở đền Đồng Bằng chỉ có tòa Bái đình (cung thờ công đồng) và Cung Cấm là có hệ thống cửa đóng mở, các cung khác chỉ có cửa phía đầu hồi xuống sân hành lang, các tòa mở thông nhau thành một không gian lớn rộng gần 500m2. Việc phân cung, phân tòa là căn cứ vào cấu trúc bộ mái, còn nền nhà là một nền phẳng thuận lợi cho việc đi lại lễ bái, tạo điều kiện cho khách hành hương từ một điểm có thể bao quát hết 6 phủ, 18 tòa cửa võng rực rỡ vàng son…

Bái đình đền Đồng Bằng rộng 5 gian, đầu hè và tam cấp được lát bằng những tấm đá lớn, ngưỡng và cột tiền cũng được sử dụng những tấm đá xanh nguyên khối chạm “tứ linh, tứ quý”. Bái đình được lợp ngói mũi hài rồng “kìm” ngậm bờ nóc, trổ thủng hoa thị,  nghê thần đứng tại khúc khuỷnh nơi bờ cánh, rồng chầu, phượng mớm bờ cong, vì kèo làm kiểu chồng đấu hoa sen, đầu dư chạm lá lật, đầu bảy chạm “tứ quý, tứ linh”.

Cửa giữa có 4 cánh lớn sơn son thếp vàng; cánh bên trái chạm rồng cuốn thủy, cánh bên phải chạm phượng hàm thư. Hai canh giữa chạm lân đang trong thế động và rùa nằm dưới lá sen (hình ảnh rùa dưới lá sen ngoài yếu tố cầu nước còn mang tư tưởng nhà Phật, búp sen, hoa sen nở tượng trưng cho thế giới Niết bàn, lá sen với những đường gân đã biểu tượng như 8 vạn tư pháp môn chảy về một cuống hoa, đưa dòng nước cam lồ xuống trần gian để thanh lọc những điều xấu xa của cõi thế). Ngoài những hình ảnh trên ở bộ cánh cửa này còn được khắc thêm hình tứ quý: Mai, cúc, trúc, tùng mà mai, trúc đã biểu thị cho sự sum họp, hàm ý nhắc nhở chúng sinh khi đã bước qua cửa này (dù ở thập phương) đã là con nhà Thánh thì phải có ý thức đoàn kết sum họp, thương yêu lẫn nhau.

Tòa đệ nhị của đền cũng được làm nguy nga, lộng lẫy. Vì kèo kiểu chồng rường, mái lợp ngói mũi hài. Ba gian giữa tòa đệ nhị được trang trí bằng hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự và cửa võng, ở đây còn lưu lại một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của ngôi đền, khắc trên bức hoành phi hình lý ngư (tương truyền là thơ của tướng quân Phạm Ngũ Lão).

Tòa đệ tam, gồm 3 gian, vì kèo làm kiểu chồng rường. Hia gian ở hai bên hồi đặt cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu ở bên trái và cung thờ Hội đồng các quan ở bên phải. Hai cung này mới được “cấy: thêm vào và được bài trí không theo nguyên tắc cổ (theo quan niệm của người Việt xưa thì bao giờ cũng là tả nam hữu nữ).

Tòa hậu cung: Được làm theo kiểu thượng quang hạ kẻ, trồng đấu hoa sen, dưới thềm có một giếng nhỏ (tương truyền nước giếng rất trong, không bao giờ cạn lại có mạch ngầm chảy ra tận sông Đồng Bằng). Hiện tượng này tương đồng với các quán Đạo nổi tiếng (Văn Quán, Hưng Thánh Quán - Hà Tây), đó là điều đáng suy nghĩ. Tòa này là nơi đặt long ngai, long thể của Đức vua cha “Bát Hải động đình”. Vì thế hậu cung xưa được coi là nơi linh thiêng nhất của đền Đồng Bằng, quanh năm cửa đóng, then cài, chỉ có rằm tháng giêng mới được vào làm lễ “mộc dục”, tuần rằm ông từ vào quét dọn và thắp hương, ngày chỉ một lần vào thêm dầu cơi bấc.

Hiện nay, ở đền Đồng Bằng, tượng đức Vua Cha được làm thêm một pho đặt ở tòa đệ tam ngay trước cung cấm; đây là hiện tượng đưa “Vua Cha” tiếp cận với đời, đó cùng là một cách để con nhang đệ tử về đền được kiến diện Vua Cha.

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, việc phân tòa, phân cung ở đền Đồng Bằng hiện nay là dựa trên kết cấu bộ mái, còn nền nhà là một nền phẳng rất thuận tiện cho việc đi lại. Sở dĩ không gian được mở rộng như thế là do người ta đã làm các tòa nhà phụ, gà lắp vào giữa các tòa chính, để các tòa nhà phụ, gá lắp vào giữa các tòa chính, để các tòa có một không gian nội tự thống nhất liên hoàn. Lối kiến trúc này gặp rất nhiều ở kinh thành Huế. Những điều kiện khác biệt là: Ở kinh thành Huế, các tòa gá lắp Ở kinh thành Huế, các tòa gá lắp thường được làm theo kiểu mái vòm vỏ cua, còn ở đền Đồng Bằng chúng vẫn được làm hai mái như tất cả các kiến trúc cổ khác dựa trên các vì “ván mê” gá lên đầu cột quân của các tòa chính.

Hệ thống tượng ở đền Đồng Bằng: Qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy trong cung cấm chỉ có tượng đức Vua Cha, ngay sát cung cấm cũng là tượng Vua Cha tiếp cận với đời, ngoài tượng Tam tòa Thánh Mẫu ở gian bên tả tòa đệ tam ra, các tòa khác đều chỉ bày tượng nam thần (kể cả thị giả cũng là các cậu bé). Có thể nói rằng, đây là một kiến trúc mà thoạt đầu chỉ thờ “Vĩnh Công đại nương - Bát Hải động đình”, còn Tứ phủ Chầu Bà đã được cấy ghép vào sau. Vì vậy hiện tượng hầu đồng ở đền Đồng Bằng ban đầu chắc hẳn chỉ đi theo hệ thanh đồng với những đồng cậu hầu bóng mà thôi.

Về lễ hội: Hội chính ở đền Đồng Bằng diễn ra vào tháng 8 âm lịch hàng năm, cùng thời điểm với nhiều đền thờ các Vua Cha khác trong cả nước.

 

+ Lịch trình lễ hội.

Khách về lễ ở đền Đồng Bằng kéo dài từ 15 tháng 7 đến hết tháng 8, đông nhất là từ 15 tháng 7 đến hết tháng 8, đông nhất là từ 15 đến 30 tháng 8. Song chương trình lễ hội ghi trong hương ước điển lệ bản đền chỉ gồm 7 ngày: Từ 10-26 tháng 8.

Ngày 20: Treo cờ kết hoa, dựng cột cờ đại, kéo cờ hội, đem cờ ngũ hành dàn hàng cắm trước cửa đền, hương lão vào đền dâng lễ cáo yết.

Ngày 21: Làm lễ nghinh giá, rước kiệu từ đền ra đình Bơi, tổ chức hạ trải thì vòng loại bơi trải.

Ngày 22, 23, 24: Thi tứ kết, bán kết, chung kết bơi trải.

Ngày 25 Thi giao chạ bơi trải với làng Cao Nội - Hải Dương và tổ chức đại tế ở đền

Ngày 26: Lễ tạ.

 

+ Lễ vật dùng trong hội đền.

Trong 7 ngày lễ, nghi thức bày lễ đơn giản, chỉ có một mâm ngũ quả. nhất thiết phải có: Chuối, cam, hồng, bưởi, nhãn. Chỉ khác là đền lớn, mâm bồng to nên phải chọn quả to, sắm nhiều nải, nhiều chùm, nhiều quả, Riêng bưởi chỉ chọn 1 quả thật lớn.

Hoa thờ dùng toàn huệ trắng, không nhận loại khác.

Lễ vật của con công đệ tử không bắt buộc phải tuân theo như nhà đền.

 

+ Lễ tế thần làng Đào Động.

Tương truyền Đào Động là “quốc miếu linh từ” nên bộ Lễ phải cử quan về tế, bộ Lễ không về được thì cũng ủy quyền cho các quan hàng phủ về làm chủ tế. Tiếng là bộ Lễ, quan Trấm, quan Phủ về tế, song các quan chỉ đi người không còn đồ lễ đều do dân sở tại phải sắm. Sau do việc quan trên về dân phải cung đốn phục dịch vất vả, quà đưa, cỗ biếu tốn kém, nên từ năm 1937 lý dịch làng Đào Động đã trình tri huyện Phục Dực, tri phủ Thái Ninh và tổng đốc Thái Bình xin để bản xã tự tế.

Quan viên tế gồm có 12 thành viên gồm: 1 quan mạnh bái, 1 độc chúc, 1 thông xướng, 1 họa xướng và 8 bồi tế viên, tất cả đều mặc áo thụng, buộc khuy, may bằng gấm đoạn màu xanh đậm, riêng quan mạnh bái thêm bức bối tử đính trên ngực áo.

Ngày 21 quan viên tế khai tịch và thỉnh Thánh về đền với hàm ý như báo cáo khai mạc.

Các ngày 22, 23, 24 tế chầu đủ cả 3 tuần: Tiến tửu, tiến lễ, tiến tước.

Riêng ngày 25, tổ chức đại lễ có tế tam sinh. Quan viên trải 3 chiếu dọc, 2 chiếu ngang, bầy nhang án đặt trâu (hoặc bò thui), lợn, dê (để cả con, chỉ bỏ lòng) lên bàn làm lễ tế trọng thể.

Sau khi tế thần thịt trâu (hoặc bò) dê lợn được nhà đền cắt chia theo định mức thứ bậc đem đến tận nhà cho các hương lão, chức sắc và trai đinh toàn xã.

Trong ngày đại lễ này ở đền Đồng Bằng cũng có tục tế mao huyết. Nhưng lông và máu huyết của con vật sau khi tế xong không đem chôn xuống đất như ở nhiều nơi khác, chúng được đem ra “nhập thủy” vào dòng sông ngay trước cửa đền.

 

+ Nghi lễ rước thánh làng Đào Động.

Tục rước thần ở Đào Động cũng khác có tục rước 9 vị quan Trấn Nam thủy quan về bái yết “Vua Cha Bát Hải”. Làng chỉ tổ chức rước kiệu thành từ đền ra đình Bơi đề thần chứng giám cho lễ hả trải (thuyền đua), khai mạc hội đua thuyền.

Từ ngày 21 đình Bơi đã được trang hoàng lộng lẫy, án thờ công đồng, đồ bát bửu, chấp kích được dàn hai bên bàn thờ. Trước sân kéo một là cờ đại, dọc bờ sông cắm cờ ngũ hành và bày sẵn 6 trải của 6 giáp.

Giờ Mão khởi kiệu từ đền chính. Kiệu Thánh là một cỗ long đình lớn, trên đặt kiệu bát cống, tám lính mặc áo nâu, đội nón chóp đồng, đi giày “kí long” khiêng kiệu. Hai bên kiệu có 2 lính hầu che lọng. Theo sau là một dàn bát âm, 8 người mặc áo the, khăn xếp vừa đi vừa cử nhạc. Sau đoàn quan viên đội mũ, mặc áo tế là một đội múa kỳ lân, sư tử.

 

+ Các trò thi trong lễ hội đền.

- Đua thuyền (tính thiêng liêng xưa đã bị cạn mòn, nay chỉ mang nặng tính thi đấu thể thao).

Hội đua thuyền ở làng Đào Động nổi tiếng khắp cả vùng, được tổ chức trong suốt 5 ngày lễ. Để chuẩn bị cho hội thi, trai bơi của các giáp phải luyện tập trước đó hàng tháng. Lịch trình thi trong ngày hội đã được ghi ghi thành điển lệ:

Ngày 22: Buổi sáng bốc thăm chia bảng. Buổi chiều hạ trải bắt đầu bơi thao diễn.

Ngày 23: Thi trải thuộc bảng 1.

Ngày 24: Thi trải thuộc bảng 2.

Mỗi bảng chọn ra một trải nhất, nhì vào chung kết.

Ngày 25: Bốn trải nhất, nhì của 2 bảng thi tiếp để chọn ra trải nhất, nhì, ba.

Ngày 26: Ba trải thắng sẽ được đi giao đấu với 3 trải của làng Cao Nội, huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương.

Tục giao đấu giữa hai làng này được giải thích là nó có bắt nguồn từ thời Trần với lời kể là: “Vào thời Trần, có 2 người trong đội quân đánh giặc ở vùng cửa biển, khi giặc tan họ chia tay ở quán nước làng Nuồi. Một người ở lại phủ Nội chiêu dân lập ấp, một người trở về Đào Động khai khẩn đất đai lập lên 8 trang ở vùng cửa biển. Để ghi nhớ tình chiến hữu nơi trận mạc, 2 người kết nghĩa anh em, sau dân 2 làng kết họ với nhau, hàng năm 2 làng tổ chức đua thuyền trong dịp hội…”. Theo một số nhà nghiên cứu thì ý thức người dân trong việc đưa câu chuyện gắn với nhà Trần vào đền là tạo sự linh thiêng hơn cho di tích. Đó cũng là sự hội nhập tất nhiên của lịch sử.

- Thi vật.

Sới vật làng Đào Động đặt cạnh cầu Vật, trên khoảng đất rộng gần 200m2, trước cửa đền Quan lớn đệ Bát, Theo quy định, sới hình tròn, đường kính khoảng 4m, xung quanh đắp đất thành bệ, cao 0,4. Khách xem vật có thể đứng xung quanh sân hoặc trên đê Đại Nẫm nhìn vào.

Không thành quy định, song các thôn đều vận động trai tráng khỏe nhất ra thi thố tài năng, đô thiên hạ ít về giao đấu trong hội, vì sợ oai “trai Đào Đọng, gái Lộng Khê”. Hội đền Đồng Bằng còn nhiều trò chơi khác như múa gậy, đánh cờ tướng, thi tổ tôm điếm, múa kỳ lân, sư tử… như nhiều làng khác.

Năm 1986, đền Đồng Bằng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa”, kể từ đó Ban quản lý di tích chính thức được thành lập. Ban có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các tiểu ban dưới quyền thực hiện chức năng: Bảo vệ, huy động vốn, tổ chức lễ hội và phát huy tác dụng của di tích dưới sự lãnh đạo của ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh Thái Bình.

Nhưng cho đến nay hội xuân, mùng 10 tháng Giêng, ở đền Đồng Bằng vẫn chưa được phục hồi. Ngày ngày chỉ có những người cao tuổi trong làng nhớ lệ sửa lễ ra đền làm lễ đầu năm.

Hội chính vào tháng 9 cũng được đơn giản đi nhiều, lễ tế tam sinh đã bị bỏ, các trò chơi đấu gậy, chọi gà…. chưa được phục hồi (vị trí đình Bơi - địa điểm tổ chức thi đấu vật đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp). Tục thi bơi trải trong hội đền bước đầu đã được khôi phục nhưng tục thi giao chạ với làng Cao Nội không còn. Chỉ có tục hát văn, lên đồng thì có phần sôi nổi hơn xưa, không chỉ trong lễ hội mà ngày thường vẫn có các chiếu hầu đồng… Để tín ngưỡng của người dân không đi lệch khỏi quan điểm của Đảng, của Nhà nước và cũng giảm bớt yếu tố mê tín dị đoan, mượn lời đồng cô, bóng cậu lừa bịp quân quần chúng… lễ hội đền Đồng Bằng cần được tổ chức dưới sự quản lý của Sở Văn hóa - Thông tin. Trong những dịp lễ hội, Ủy ban nhân dân huyện, Phòng văn hóa huyện Quỳnh Phụ đều cử cán bộ nghiệp vụ về trực tiếp theo dõi. Tuy nhiên theo chúng tôi cũng cần:

- Khôi phục lại các trò truyền thống ở lễ hội đền Đồng Bằng.

- Giám định lại nội dung bài hát của các cung văn để hợp với nội dung đền Vua Cha, nên hạn chế các chiếu đồng để tránh tình trạng khách thập phương về lễ phải đứng chen chúc từ xa, người nọ vái lưng người kia làm giảm sự tôn nghiệp của các nghi lễ thờ phụng.

- Cần tuyên truyền tốt hơn để đền Đồng Bằng phát huy hết giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của mình.

B.T.H.Y

Xem thêm: Thời điểm dựng Tiên Y Miếu ở Huế qua sử liệu triều Nguyễn, Nghiên cứu và Phát triển số 1

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet
Gia phả18/07/2023

Hoàng Hoa Thám và những truyện kể dân gian

Hoàng Hoa Thám là một nhân vật lịch sử xuất hiện trong giai đoạn dân tộc Việt Nam đối đầu với thực dân Pháp khi thời kỳ bình định quân sự sắp đi vào kết thúc.

Thung lũng Mặt trăng: địa điểm kỳ lạ nhất ở Argentina
Tin tức khác01/11/2024

Thung lũng Mặt trăng: địa điểm kỳ lạ nhất ở Argentina

Thung lũng Mặt trăng hay Valle de la Luna ở Argentina là một xứ sở thần tiên về địa chất dường như đã bẻ cong các quy luật của thực tế. Với các thành tạo đá độc đáo, hồ sơ hóa thạch đặc biệt và ý nghĩa văn hóa hấp dẫn, địa điểm hấp dẫn này sẽ thu hút các giác quan và khiến bạn có cảm giác như đang bước vào phim trường "Chiến tranh giữa các vì sao".

Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống
Tin tức khác27/02/2024

Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống

Kéo co - một trong những trò chơi dân gian truyền thống có ở nhiều nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương - được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của cộng đồng từ lâu đời. Năm 2013, Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc đã có lời mời Việt Nam và một số nước khác cùng tham dự xây dựng Hồ sơ di sản đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.