Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Làng xã thời Trần, Nghiên cứu Lịch sử, số 4. 2009.

30/07/2023367

Làng xã - đơn vị cơ sở nền tảng kinh tế - xã hội - văn hóa thời Trần đã từng được nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều góc độ và vấn đề liên quan khác nhau, chẳng hạn như: Làng xã trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên của Phùng Văn Cường. Mỹ thuật làng xã thời Trần của Chu Quang Chứ trong Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, 1977, tập I; Chế độ quân chủ quý tộc đời Trần của Nguyễn Hồng Phong, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4-1986; hoặc Chế độ đất công làng xã, trong Chế độ ruộng đất ở Việt Nam, tập I của Trương Hữu Quýnh năm 1982. Thái ấp - điền trang thời Trần (thế kỷ XIII- XIV) của Nguyễn Thị Phương Chi, xuất bản năm 2002... Nhìn chung, những công trình trên đã đưa ra cách nhìn nhận khác nhau và cung cấp thông tin hữu ích giúp hiểu biết nhiều hơn mặt này hay mặt khác về làng xã thời Trần.

Trên cơ sở đó cùng những tài liệu thu được bài viết nhằm giới thiệu khái quát làng xã Việt Nam thời Trần về cơ cấu tổ chức hành chính trực thuộc (bộ máy xã quan và vai trò nhiệm vụ của xã quan); cùng một số chính sách của nhà nước Trần và vai trò của Trần Thủ Độ đối với làng xã. 

1. Tổ chức hành chính làng xã 

Theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng (đời Thanh) trong đó dẫn Nam Việt ngoại ký cho biết: Khưu Hòa, Thứ sử nhà Đường bắt đầu đem trong ngoài châu và huyện (ở Giao Châu) chia ra: huyện gồm có hương lớn, hương nhỏ, xã lớn, xã nhỏ. 

Xã nhỏ từ 10 đến 30 hộ. 

Xã lớn từ 40 đến 60 hộ. 

Hương nhỏ từ 70 đến 150 hộ. 

Hương lớn từ 160 đến 540 hộ. 

Khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (785- 804) Đô hộ là Triệu Xương bãi bỏ việc chia hương nhỏ hương lớn, chỉ gọi chung là hương. 

Đến giữa niên hiệu Hàm Thông (860- 870) Cao Biền chia đặt làm 159 hương thuộc. 

Giữa niên hiệu Khai Bình (907- 910) Tiết độ sứ Khúc Hạo giành được quyền tự chủ đã đổi hương làm giáp, cùng với số giáp có từ trước tất cả là 314 giáp. 

Khúc Hạo chia đặt ra các lộ, phủ, châu và xã ở các xứ; đặt ra chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng. Mỗi giáp đặt ra một Quản giáp và một Phó trị giáp để giữ việc đánh thuế. 

Chế độ giáp được duy trì cho đến thời Lý Trần. Vào năm 1292, nhà Trần cho đổi giáp làm hương. Từ đây giáp hầu như hoàn toàn được thay thế là hương. 

Suốt trong thời kỳ Lý đến cuối thế kỷ XIII hương - giáp, sau đó là hương đều nằm trong hệ thống đơn vị hành chính trực thuộc huyện (vùng đồng bằng), thuộc châu (vùng trung du, miền núi). Huyện, châu thuộc lộ. Năm 1222, nhà Lý chia cả nước làm 24 lộ. Sang thời Trần, 20 năm sau, năm 1242 chia cả nước làm 12 lộ, những năm sau đó là lộ, phủ. 

Hương - giáp là đơn vị cấp dưới châu, huyện đồng thời trên xã. Tài liệu lịch sử cho thấy, thời kỳ thuộc Đường một hương thường lớn hơn xã (hương nhỏ gồm 2 đến 3 xã, lớn 8 đến 9 xã), tương đương với đơn vị tổng từ thời Mạc về sau này. Những tài liệu thời Lý, Trần cho thấy đơn vị hương thường chỉ gồm địa hạt một xã. Hương lớn có thể gồm 2 xã - Trần Khát Chân ở hương Cổ Mai (gồm hai xã Hoàng Mai và Tương Mai). Trần Quốc Chân ở hương Kiệt Đặc, một xã thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương, thậm chí hương nhỏ gồm 1 làng (thôn). Chế độ thời Trần hương ấp là nơi đóng phủ đệ, đất phân phong của các vương hầu; có quyền thu thuế và tổ chức hương binh giúp vua khi đất nước có chiến tranh. Trần Hưng Đạo ở hương Vạn Kiếp, Trần Thủ Độ ở Quắc Hương. Dưới hương, giáp là đơn vị xã ở đồng bằng, sách hay động ở thượng du, đứng đầu là Động chủ, Tù trưởng thường giữ chức Động chủ. Ở những nơi biên viễn Nhà nước Lý - Trần còn cho lập trại. Đứng đầu là các chủ trại - là thủ lĩnh hoặc các phụ đạo người dân tộc thiểu số cai quản vùng đó. Hà Khuất, Hà Bổng là chủ trại Quy Hóa (Tuyên Quang).

Đơn vị xã thường bao gồm một số thôn (làng); trang hoặc ấp hợp thành. Xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở trong hệ thống cơ quan hành chính thời Lý - Trần. Cho đến nay tư liệu ghi chép về bộ máy hành chính cấp xã thời Lý - Trần mà chúng ta có được rất ít, chính sử ghi chép rất sơ lược, vì thế việc tìm hiểu về tổ chức bộ máy quản lý làng xã gặp không ít khó khăn. 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: 

“... tháng 12 (năm 1242) chia nước làm 12 lộ đặt chức An phủ hoặc Trấn phủ chánh phó 2 viên để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức Đại, Tiểu tư xã, từ ngũ phẩm trở lên là Đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là Tiểu tư xã, hoặc có người kiêm 2, 3, 4 xã, cùng Xã chính (Xã trưởng sau này), Xã sử, Xã giám, gọi là Xã quan..” (1). 

Sau này, sử gia Phan Huy Chú khi khảo về quan chức đời Trần cho biết thêm chức trách của Xã quan giữ việc làm hộ tịch, chức vụ cũng xem là quan trọng. Các đời sau noi theo không đổi, trong đời Quang Thái (Trần Thuận Tông 1388-1398), vào tháng 4 năm 1397 nhân việc đổi tên một số trấn ở trong nước mới “bãi bỏ chức Đại Tiểu tư xã, riêng chức Đại toát Quản giáp vẫn để như cũ” (2). 

Trong Bia chùa Hưng Phúc (3) có bài minh và lời tựa về bia Hưng Phúc, thuộc hương Yên Duyên (nay là làng Trường Tân, xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa); bia dựng vào ngày tốt tháng 12 mùa Đông năm Giáp Tý đời vua Khai Thái (1324) (mặt 1) và bài bia về tướng công (họ Lê) do hội Vũ thôn Trường Tân khắc lại ngày 8 tháng 6 năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1859) (mặt 2) cho biết: 

Thượng tướng Minh Tự (người bản thôn) thời Trần xưa là Lê An, sinh con là Đại Toát Lê Bào Tử, Đại toát Lê Bằng; đã bỏ tiền của xây dựng chùa Hưng Phúc. Chùa chưa xây xong thì Lê Bằng mất. Con của ông bà là Đại toát Đại Liêu ban Lê Mạnh bèn cùng anh Nguyên Đại toát ký ban Lê Nam tử, Đại toát ký ban Lê Quảng... Lê Khả Lỗi cùng với con cháu tiếp tục xây dựng ngôi chùa và hoàn thành vào năm 1324. 

Trong bia có chép sự kiện khoảng niên hiệu Thiệu Bảo (1278-1285): Cánh quân của Toa Đô tiến xuống phía Nam theo đường biển, quân giặc đi tắt đường Cổ Khê dẫn vào hương (Yên Duyên) Ông (Lê công) đã đốc suất mọi người trong hương ra phòng ngự ở bến Cổ Bút, đánh nhau với giặc. Quân giặc bị đánh hầu như không còn đường lui chạy... Sau có kẻ phản bội đã dẫn đường cho giặc vào triệt phá thôn, gây tổn hại lớn. 

Như vậy tư liệu từ tấm bia trên cho biết, ngoài chức Xã quan - Đại tư xã, Tiểu tư xã, Xã chính, Xã sử, Xã giám còn tồn tại chức Đại toát và Tiểu toát (theo bia chùa Hưng Phúc). Giáo sư Phan Đại Doãn cho rằng Đại toát, Tiểu toát dân gian còn gọi là Đại loát, Tiểu loát. Chức Đại toát tương đương chức Đại tư xã và chức Tiểu toát là Tiểu tư xã. Phải chăng đây là cách gọi khác của dân gian về chức phẩm ở làng xã thuộc hàng Xã quan. Lê Tắc khi viết An Nam chí lược cũng ghi “chức quan lãng đời đời kế tiếp. 

Quản giáp (có thượng, trung, hạ, ba bậc, lấy các quan Đại liêu, Lang tướng làm chức ấy). Đại toát 

Chủ đô 

Tiểu toát” (4).

Xã quan ngoài việc lập sổ hộ tịch ở làng xã còn có nhiệm vụ tự quản, tự vệ - tổ chức nhân dân trong hương chiến đấu chống giặc như Lê An ở hương Yên Duyên mà bia đã ghi. Người có tấm lòng trung cần và tinh thần chiến đấu chống giặc Mông - Nguyên quả cảm như ông và nhân dân hương Yên Duyên đã được vua Trần Thánh Tôn khuyến khích khen ngợi. Các con cháu của ông kế tiếp được giữ chức Đại toát Lê bào tử, Đại toát Đại liêu ban Lê Mạnh, Đại toát ký ban Lê Nam tử, Đại toát Lê Quảng. Đó có thể coi là điển lệ riêng của triều Trần đối với chức Xã quan. Chế độ thế tập không chỉ dành cho vương hầu quý tộc mà còn mở rộng đến chức Xã quan ở các làng xã. Chính điều đó cũng được Lê Tắc người đương thời thừa nhận. Chính sách đó đã tạo ra được cơ sở xã hội ổn định, vững chắc, để làm kế “sâu rễ, bền gốc” làm nên sức mạnh tổng thể của triều Trần. 

Điển lệ là thế, tất nhiên không loại trừ người có công vẫn có thể được bổ chức Xã quan. Trường hợp Tiểu tốt Trần Lại dâng cơm gạo xấu cho vua Trần trong lúc đang chạy giặc sang lộ Hải Đông trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 (1284-1285); được khen là trung và ban cho tước Thượng phẩm, kiêm chức Tiểu tư xã, xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng. 

Những tài liệu lịch sử cho thấy Xã quan triều Trần gồm Xã chính, Xã sử, Xã giám; hoặc Đại toát, Tiểu toát, Đại tư xã, Tiểu tư xã (nhiệm vụ của từng chức danh chưa rõ), đều do nhà nước bổ nhiệm, công nhận. Xã quan thuộc ngạch bậc quan lại của nhà nước cũng được hưởng chế độ lương bổng theo quy chế ban hành năm 1244 (rất tiếc là chưa biết mức lương cụ thể của họ?). Việc xét để thăng giáng quan lại thời kỳ đầu nhà Trần diễn ra sau 15 năm; sau đó khoảng cách được rút ngắn dần, theo đà tổ chức bộ máy nhà nước quy củ hơn của nhà Trần. Chưa biết được thời hạn của Xã quan dài ngắn là bao lâu?

Duy Xã quan, nếu là người do triều đình cử về theo nhận xét của Ngô Thì Sĩ sẽ rất hạn chế. Họ chỉ là người thực hành thu thuế ruộng, thuế thân ở làng xã. Các mặt khác liên quan đến đời sống của dân làng như tệ bè phái, kiện cáo, nhũng nhiễu rất khó giải quyết. Nếu Xã quan có năng lực mà thanh liêm thì dân làng được nhờ; Xã quan tham bỉ và tư lợi về hùa với bọn cường hào thì dân mắc họa. Xã quan là kẻ hèn kém, vô tích sự thì bọn cường hào ở làng xã càng được dịp thả sức đục khoét, hãm hại dân lành... Có lẽ vì thế chế độ Xã quan không thể tiếp tục duy trì, đến đời Quang Thái (đã nêu) đã phải trừ bỏ chế độ Xã quan do nhà nước áp đặt. Xã trưởng sau đó thay thế Xã quan do dân bầu, nhà nước công nhận; bắt đầu thịnh hành từ thời Lê Thái Tổ (1428-1433). 

Thông qua đội ngũ Xã quan thế tập để nhà nước quản lý các làng xã; đồng thời ban hành một số chính sách quan trọng nhằm tăng cường quản lý, thu phục làng xã trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vương triều Trần. 

2. Một số chính sách của nhà nước

Lập sổ dinh 

Sau khi nhà Trần thiết lập được hai năm vào tháng 10- 1227 theo chế độ nhà Lý đã tiến hành xét định số định ở phủ Thanh Hóa. 

Hàng năm vào đầu mùa Xuân triều đình sai Xã quan khai báo nhân khẩu gọi là đơn số, lập thành sổ định. Sau đó cứ theo sổ mà định. Trong đó kê khai rõ các hạng tôn thất, quan văn, quan võ, quan tùy tùng, quân nhân, tạp lưu hoàng nam, già yếu, người tàn tật bất cụ, người biên tên trong sổ phụ, người phiêu tán... Ai có quan tước mà con cháu tập ấm mới được ra làm quan. Người giàu khỏe mạnh mà không có quan tước thì xung quân, đời đời làm lính. 

Vào tháng 2 năm 1238, vua Trần sai Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ duyệt định số dinh phủ Thanh Hóa. Ngoài ra triều đình sai Phùng Tá Chu đi duyệt các ấp có tiếng ở phủ Nghệ An. Chỉ riêng phủ Thanh Hóa làm trước và làm kỹ sổ định. Có thể do triều trước (triều Lý) việc quản lý hai phủ Thanh Hóa, Nghệ An còn sơ lược lỏng lẻo. Nên triều đình Trần phải chỉnh đốn lại và làm sổ đinh cẩn thận. Từ đấy lấy làm bài học, kinh nghiệm quản lý các vùng khác trong nước. 

Việc làm sổ hộ khẩu ở các lộ khác trong nước mãi đến năm 1242 mới tiến hành. Trong đó quy định con trai lớn gọi là Đại hoàng nam, nhỏ gọi là Tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm gọi là long lão. 

Việc làm hộ khẩu sau đó vẫn được duy trì. Khoảng 5 đến 6 năm nhà nước lại tổ chức kiểm tra hộ khẩu. Việc lập sổ hộ khẩu để nhà nước nắm được số nhân định nhằm quản lý và thu thuế, tuyển lính; nhằm duy trì bộ máy nhà nước triều Trần. Dựa vào đó nhà Trần đã thực thi thành công chính sách “Ngụ binh ư nông”- một quốc sách đưa đến binh cường, nước mạnh vượt qua thử thách ác liệt đánh thắng đế quốc Mông - Nguyên hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo tồn được non sông đất Việt. 

Như vậy, thông qua việc lập sổ hộ khẩu nhà Trần đã quản lý được nhân dinh và kịp thời đưa ra chính sách hợp lý đối với các hạng người trong xã hội, nhằm tranh thủ sức dân. Tuy nhiên, để giữ cho cuộc sống của nhân dân được yên ổn, nhà Trần đã thực thi nhiều biện pháp và chính sách tích cực. Sớm định luật lệnh điều lệ trong nước vào tháng 2 năm 1226 và ban hành những quy định liên quan đến ruộng đất. 

Một số chính sách quy định liên quan đến ruộng đất. 

Mùa Xuân, tháng Giêng năm Đinh Dậu (1237) nhà vua xuống chiếu quy định: “Phàm làm chúc thư, văn khế nếu là giấy tờ về ruộng đất hoặc vay mượn thì người làm chứng in tay ở ba dòng trước, người bán in tay ở bốn dòng sau” (5). Sau này vào tháng 3 năm 1292 quy định bổ sung thêm: “... phàm văn tự bán đoạn hay cầm đợ ruộng đất phải làm hai bản giống nhau, mỗi bên cầm một bản” (6). 

Các quy định đó tạo cơ sở pháp lý tin cậy, bảo vệ quyền lợi của người làm chúc thư, đặc biệt đối với văn khế (bên mua bán) ruộng đất hoặc vay mượn, đều phải tôn trọng quy định mang tính pháp chế đó. Điều này cũng chứng tỏ trước đó tình hình mua bán ruộng đất đã diễn ra tự do mà nhà nước chưa kiểm soát được. Trong quá trình mua bán ruộng đất không tránh khỏi sự rủi ro đối với người mua, kẻ bán. Việc đưa vào quy định sẽ đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía. Vì làm văn khế đúng như quy định trên mới hợp pháp. Nếu có xảy ra tranh chấp, kiện cáo thì quan xử kiện mới có căn cứ pháp lý để phân xử; bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người bị hại. Chính quy định mang tính pháp chế cho việc mua bán ruộng đất đã tạo cơ sở pháp chế cho việc mua bán ruộng đất; mở đường cho chế độ ruộng đất tư đời Trần phát triển. 

Vào tháng 6 năm Giáp Dần (1254) cho phép “bán ruộng công mỗi một diện là 5 quan tiền (đương thời gọi mẫu là diện) cho nhân dân mua làm của tư” (7). 

Quy định này thêm một lần nữa mở đường cho nhân dân có thể mua ruộng công làm ruộng tư. Quy định không hạn chế việc mua bán ruộng công, khiến hào cường và địa chủ và nhân dân các làng xã càng có dịp để mua thêm ruộng đất công, mở rộng ruộng đất tư. 

Một khi ruộng đất được mở rộng, quy mô sản xuất tăng lên, tất tăng cường thêm khả năng kinh tế của nhân dân các làng xã. 

Việc mua bán ruộng đất thường diễn ra dưới hai hình thức hoặc mua đứt hay bán đoạn. Nhưng vào thời điểm những năm mất mùa đói kém như năm Canh Dần (1290) và năm Tân Mão (1291) nhiều người phải bán con làm nô tỳ cho người khác. Giá một người 1 quan tiền, thậm chí phải cầm cố ruộng đất để cứu đói. Sau những tình huống cấp bách đó nếu việc mua bán ruộng đất và nô tỳ theo định lệ sẽ đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh càng khó khăn hơn vì đã cầm cố hết ruộng đất không còn kế sinh nhai. Bởi vậy, triều đình đã ban chiếu nhằm giải quyết tình thế cho dân vào năm 1299, cho phép “phàm bán ruộng đất và mua người làm nô đều được chuộc lại, nếu để quá năm nay thì không cho chuộc nữa” (8). 

Quy định này nhằm nới lỏng sức dân, tạo điều kiện để người dân cố gắng khôi phục lại cuộc sống bình thường sau nạn đói kinh hoàng. 

Triều Trần đặc biệt quan tâm đến chế độ sở hữu ruộng đất, những quy định trên đều nhằm bảo vệ quyền lợi của người sở hữu ruộng đất. Tháng 10 năm Canh Thân (1320), triều đình tiếp tục ban chiếu: “phàm tranh nhau ruộng đất, khám xét ra không phải là của mình mà cố tranh bậy thì phải phản tọa, tính số tiền về giá ruộng đất ấy, bắt phải bồi lại gấp đôi. Nếu làm văn khế giả mạo thì chặt một ngón tay bên trái” (9). 

Quy định trên nếu được thực hiện nghiêm minh chắc chắn đã góp phần ngăn chặn tệ kiêm tinh ruộng đất của địa chủ, quan lại, bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất tư của người dân trong các làng xã; mở đường cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Kết quả thực tế cho thấy chế độ ruộng tư thời Trần phát triển, hợp với xu thế lịch sử. Biểu hiện vào cuối thế kỷ XIV khi nhà Trần suy mạt, quyền hành tập trung trong tay Hồ Quý Ly đã cải cách hạn điền vào năm 1397. Đã có nhiều nghiên cứu về chính sách này. Hạn điền chủ yếu nhằm vào giới quý tộc Trần. Đối với nhân dân các làng xã mỗi người sở hữu không quá 10 mẫu... Họ Hồ đã giành lại ruộng đất một cách bất chính; đó là một trong những thất sách lớn nhất, sớm nhất dẫn đến thất bại nhanh chóng của họ Hồ trước lịch sử. 

Nhưng cũng phải thấy rằng những chính sách quy định tích cực của triều Trần về ruộng đất và liên quan đến ruộng đất dẫn trên đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện kế sách chiến lược “Sâu rễ bền gốc" tạo ra một hợp lực “Vua tôi đồng lòng, cả nước góp sức” đã đánh tan quân Mông - Nguyên ba lần xâm lược Đại Việt; tạo nên hào khí Đông A hiển hách đến muôn đời. Những chiến thắng vang dội đó bắt nguồn từ việc xây dựng cơ sở xã hội Trần vững mạnh, từ cơ sở các làng xã, trong đó ghi nhận phần đóng góp quan trọng của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. 

3. Đóng góp của Trần Thủ Độ đối với làng xã 

Lịch sử đã ghi nhận công lao của Trần Thủ Độ mở ra triều Trần và việc xây dựng vương triều Trần vững mạnh, cùng vai trò của ông trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ nhất (1258). Chỉ xin nêu ra ở đây đóng góp của Trần Thủ Độ đối với việc xây dựng làng xã cơ sở. Làng xã là nền tảng của xã hội quân chủ. Làng xã có vững chắc thì nước - vương triều mới có thể tồn tại lâu dài. 

Khi Trần Thái Tông lên ngôi chưa đầy 2 năm (1227), bấy giờ mọi quyền hành đều thuộc về tay Trần Thủ Độ. Ông đã cho xét định sổ đinh phủ Thanh Hóa. Mục đích để nắm được các hạng quân dân của phủ Thanh Hóa, rút kinh nghiệm để làm sổ đinh các phủ lộ khác trong nước. Nắm được sổ đinh quan trọng như thế nào đối với nhà nước đã phân tích ở trên. Lập sổ đinh, sổ hộ khẩu sau đó, được coi như một quốc sách của nhà nước Trần.

 Đến tháng 2 năm 1238, đích thân Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ duyệt định sổ đinh ở phủ Thanh Hóa. Có thể do lần trước (1227) làm sổ đinh ở đó chưa được kỹ (chưa đạt yêu cầu đặt ra) do đó lần này chính Trần Thủ Độ trực tiếp xét định làm kỹ sổ định ở phủ Thanh Hóa; rút ra bài học thực tế khi lập sổ đinh ở các nơi khác sẽ tiến hành sau đó. 

Trong quá trình Trần Thủ Độ kinh lý xét định hộ khẩu (có lẽ ở vùng ngoại vi Kinh đô Thăng Long) chính sử có chép một sự kiện khá điển hình. “Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, quốc mẫu (Linh Từ quốc mẫu - vợ Trần Thủ Độ) xin cho riêng một người được làm Câu đương (chức dịch trong xã - xưa coi việc tuần phòng giữ gìn trật tự trị an; thời Nguyễn sau này chuyên lo việc đăng cai tế lễ của làng xã). Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người ấy. Khi xét duyệt đến xã ấy ông hỏi tên ấy đâu. Người ấy mừng chạy đến. Thủ độ nói: Người vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không ví như người Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người ấy kêu van xin thôi (chức Câu đương), hồi lâu mới tha cho; từ đấy không ai dám đến nhà thăm riêng nữa” (10). 

Câu chuyện trên thể hiện tính nghiêm khắc, công tâm của Trần Thủ Độ người làm quan giữ trọng trách lúc bấy giờ. Ông luôn luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân, từ chối quyền lợi bất chính cho riêng mình. Chính việc làm của Trần Thủ Độ đã góp phần tạo dựng được niềm tin gắn kết ngay trong hàng ngũ quan lại, trong nhân dân và giữa dân với quan; tạo nên sức mạnh vô địch của quốc gia Đại Việt thời Trần. 

VŨ DUY MỀN*

Chú thích 

*TS. Viện Sử học 

(1) Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư). Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972. Tập II, tr 18. 

(2) Đại Việt sử ký tiền biên. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr 503. 

(3) Xem Phùng Văn Cường, Phạm Văn Kính. Một tấm bia đời Trần mới được phát hiện. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 156 tháng 5-6 năm 1974, tr. 60- 69, 84.

(4) Lê Tắc. An Nam chí lược. Nxb. Thuận Hóa. Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr. 254. 

(5), (6) Toàn thư, sđd, tr. 15, 75. 

(7), (8) Toàn thư, sđd, tr. 26, 87. 

(9), (10) Toàn thư, sđd, tr. 121, 36-37. 

Xem thêm: Nhận diện một địa chỉ giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Các bài viết khác

Xem thêm
Bài học về tự quản làng, xã thông qua hương ước, quy ước
Địa chí13/06/2023

Bài học về tự quản làng, xã thông qua hương ước, quy ước

Hương ước đã xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông, nó tồn tại tương đối phổ biến trong các làng Việt ở đồng bằng trung du Bắc bộ. Đây là nguồn sử liệu quý giúp chúng ta nghiên cứu về phương thức quản lý nông thôn truyền thống khá hiệu quả của cha ông để suy nghĩ các biện pháp đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa hiện nay. Hương ước gồm các điều ước về nhiều mặt của đời sống làng xã: sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội, bảo vệ an ninh, thờ cúng, khuyến học, đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, những quy ước đã được tuân thủ qua nhiều thế hệ để trở thành thông lệ phương hướng, luật tục của từng cộng động cư dân ở nông thôn.

Chùa Mèo Lang Chánh – điểm đến linh thiêng và sự tích “Miêu thần cứu Chúa”
Tin tức khác10/05/2024

Chùa Mèo Lang Chánh – điểm đến linh thiêng và sự tích “Miêu thần cứu Chúa”

Chùa Mèo Lang Chánh là một ngôi chùa cổ nằm tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Nay thuộc khu phố Chiềng Ban 1 thị trấn Lang Chánh sau sáp nhập đơn vị hành chính toàn bộ xã Quang Hiến vào thị trấn. Ngôi chùa này có một lịch sử lâu đời và nhiều câu chuyện tương truyền đầy ý nghĩa về sự kết hợp giữa tôn giáo, văn hóa và lịch sử của người dân trong vùng.

Núi Tản Viên – núi Ba Vì, địa điểm du lịch linh thiêng, hấp dẫn
Tin tức khác19/10/2024

Núi Tản Viên – núi Ba Vì, địa điểm du lịch linh thiêng, hấp dẫn

Nhiều người còn hay bị nhầm lẫn giữa khái niệm núi Tản Viên và núi Ba Vì. Tản Viên thực chất là một trong ba đỉnh núi thuộc ngọn núi Ba Vì, đỉnh Tản Viên là đỉnh nổi tiếng nhất nên nhiều người thường gọi núi Ba Vì là núi Tản Viên. Đây là địa điểm tham quan du lịch rất nổi tiếng, bên cạnh vẻ đẹp của non nước hữu tình, núi Tản Viên còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp của những truyền thuyết lịch sử và tín ngưỡng dân gian truyền lại từ ngàn đời.