Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Hành tích của Lý Long Tường, hậu duệ Vương Triều Lý, Việt Nam

26/07/2023778

Hàn Quốc và Việt Nam có không ít điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Thử nhìn vào những biến động chính trị làm ví dụ, vào năm 918, ở bán đảo Hàn, triều Cao Ly được dựng lên thì chẳng bao lâu sau, vào năm 939, Việt Nam giành lại nền độc lập từ ách thống trị của Trung Quốc sau gần một nghìn năm. Lại nữa, vào năm 1392, vương triều Triều Tiên diệt Cao Ly thì 36 năm sau, tức năm 1428, tại Việt Nam, nhà Lê đánh đuổi thế lực nhà Minh lập triều đại mới. Về phương diện văn hóa cũng vậy, vương triều Cao Ly sùng bái Phật giáo thì cùng thời kì này, dưới triều Lý (1009-1225) và triều Trần (1225-1400), ở Việt Nam, ảnh hưởng của Phật giáo là tuyệt đối. Mặt khác, đồng thời với sự thành lập vương triều Triều Tiên và triều Lê, Phật giáo suy yếu dần, Nho giáo trở thành hệ ý niệm chi phối.

Tuy Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa như vậy nhưng vào thời kỳ tiền cận đại, giữa hai nước không hề có quan hệ một cách chính thức. Nếu gọi là có tiếp xúc thì giữa hai nước cũng chỉ có những cách phi chính thức, một là các sứ thần lưỡng quốc đi Trung Quốc và gặp nhau tại đó, còn một cách khác là trong lúc vượt biển bằng thuyền bị trôi dạt khiến người Hàn Quốc đến Việt Nam hoặc người Việt Nam tới Hàn Quốc. Ví dụ điển hình cho cách sử thần hai nước gặp gỡ nhau là vào năm 1597, sứ thần triều Triều Tiên, Yi Su- gwang và sứ thần triều Lê, Phùng Khắc Khoan gặp gỡ và trao đổi thơ văn tại Bắc Kinh, thủ đô nhà Minh (1). Còn thực dụ về việc trôi dạt đường biển thì có thể kể vài trường hợp như sau, vào năm thứ 13 thời Suk-jong (1687) triều đại Triều Tiên, người dân đảo Jeju tên là Go Sang-yeong gặp bão trôi dạt đến bến Hội An, Trung Bộ của Việt Nam (2) và một trường hợp khác là Lý Long Tường, chú của vua Huệ Tông (tức Sảm hay Hạo Sảm (3), vua đời thứ 8 của triều Lý Việt Nam, 1211-1224), sau khi triều Lý bị diệt vong đã rời nước chạy ra biển, theo luồng gió tới cập bến vào Cao Ly, thời Go-jong năm thứ 13 (1226), tại đảo Changrin, Ongjin-hyeon, Haeyang-do tức Hwasan-ri, Masan-myeon, Ongjin-gun, Hwanghae-do ngày nay. 

Vào tháng 12 (Âm lịch) năm 1225, triều Lý để mất nước vào tay nhà Trần, Lý Long Tường liền ôm đồ tế khí cùng với tôn thất là Bình Hải Công Quân Tất chạy ra biển, lên tàu rời nước, gặp gió mùa nên vào mùa Thu năm 1226 dừng lại tại Hwanghae-do, Ongjin. Cao Ly vừa lúc đó đang ở vào thời kì quan võ họ Choe hành quyền, về đối ngoại thì đang phải đương đầu với các cuộc xâm chiếm của Mông Cổ. Theo tương truyền thì Lý Long Tường sau khi cập bến tại Ongjin, vua Cao Ly biết là hoàng thân An Nam nên đã phong cho làm Hwasangun (Hoa Sơn quân). Lại một giả thuyết khác cho rằng Lý Long Tường nhờ đánh thắng quân Mông Cổ nên được phong làm Hwasangun. Dù Lý Long Tường được phong chức vị đó vào lúc nào đi nữa thì kể từ khi đó Lý Long Tường đã trở thành thủy tổ của dòng họ Yi (Lý) ở Hwasan. 

Vấn đề đặt ra quanh Lý Long Tường là ông ta vốn xuất thân từ một vương tử Việt Nam, không những đã vì triều Cao Ly mà giao chiến và lập công hàng phục quân Mông Cổ mà còn được phong tước Hwasangun nhưng không chỉ Goryeo sa (Sử Cao Ly) đến ngay cả chính sử hay dã sử của triều Triều Tiên cũng không hề thấy có một ghi chép nào cả. Ngay cả trong các kí lục phía Việt Nam cũng không phát hiện thấy dấu vết nào về Lý Long Tường. Duy chỉ có Go Sang-yeong, người dân đảo Jeju, như đã nhắc tới ở trên, khi trôi dạt tới Việt Nam, quan Việt Nam nói rằng sẽ trả thù cho Thái tử đã mất tại Triều Tiên, nên theo đó mà phán đoán tới khả năng lưu truyền việc Lý Long Tường lưu vong tới Cao Ly có lẽ là có thực (4). Ngày nay, nếu có ghi chép về Long Tường thì đó chỉ là tộc phả truyền lại từ hậu duệ của ông ta và truyền thuyết về một vài di tích ở khu vực Ongjin. Do đó các nhà nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc hầu như không biết gì về Lý Long Tường và giả dụ có biết thì cũng không có mấy quan tâm. 

Người đầu tiên đưa chuyện Lý Long Tưởng ra giới thiệu là Kim Yeog-geon, người từng làm việc một thời gian nhất định tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École Francaise d'Extrême-Orient). Mùa Hè năm 1936, ông ta đã đi điền dã vùng Ongjin, dựa vào chuyện truyền thuyết nghe được và các tài liệu như Hwasangun gabo (Hoa Sơn quân gia phổ), Hwasan Yi ssi sebo (Hoa Sơn Lý thị thế phổ), Hwasangun bonjeon (Hoa Sơn quân bản truyện) (5) và Ongjin-bu eupji (Ủng Tân phủ ấp chí)... (6) để vào năm 1943 cho đăng bài nghiên cứu nhan đề “An nam Hoa Sơn quân Lý Long Tường chi sự tích”. Trong bài viết này, ông ta cho rằng Lý Long Tường là nhân vật có thật, khi triều Lý bị nhà Trần cướp mất xã tắc, ông ta đã theo gương Bá Di và Thúc Tề người Trung Quốc rời tổ quốc ra đi, thuyền của ông ta có lẽ gặp gió mùa nên đã cập bến tại Ongjin (7). 

Hai mươi năm sau bài viết của Kim Yeong-geon, có một người nữa cho đăng bài viết về Lý Long Tường, đó là Choe Sang-su, một nhà nghiên cứu về dân tộc học. Vào khoảng năm 1939, ông ta cũng đi điền dã vùng Ongjin để khảo cứu tư liệu dân tộc học, nhân đó xem xét lại sự tích về Lý Long Tường bằng các tài liệu mà bản khắc khác với các tài liệu mà Kim Yeong- geon đã dẫn dụng như là như là Hwasan Yi ssi sebo, Hwasangun bonjeon (in trong Hwasan Yi ssi gajeon silrok [Hoa Sơn Lý thị gia truyền thực lục]) (8) và Suhangmun gijeokbi (Thụ hàng môn kỉ tích bia)... (9). Theo ông ta thì Lý Long Tường lúc đầu có lẽ định sang Trung Quốc nhưng do gặp dông gió mà trôi dạt tới Cao Ly. Tiếp đó, ông ta dựa theo các tài liệu nói trên mà giải thích về thế hệ nhà Lý, từ ông tổ của Lý Long Tường, tức thủy tổ nhà Lý, Thái tổ Lý Công Uẩn (1009-1028) đến đời vua thứ 8 là Huệ Tông và hành tích của Lý Long Tường từ khi đặt chân tới Cao Ly (10). 

Các bài viết về Lý Long Tường thì ngoài Kim Yeong-geon và Choe Sang-su ra còn có di thảo chưa kịp công bố khi còn sống của Giáo sư Yi Sang-baek như đã đề cập ở phần chú thích số 8, nhưng nội dung của nó sở sài hơn so với các bài viết của hai tác giả nói trên. Chỉ có điều là đã kể khá rõ về hậu duệ của Lý Long Tường, nhất là về Yi Maeng-ye (Lý Mạnh Nghệ), cháu đời thứ năm, người sống vào thời kì cuối Cao Ly đầu Triều Tiên. 

Bài viết này căn cứ vào những nghiên cứu nói trên dự định xem xét lại một cách cụ thể “một lần nữa” xem Lý Long Tường là nhân vật nào và làm thế nào tới được Cao Ly cũng như những hoạt động của ông ta tại Cao Ly. Vì giữa những tài liệu được dẫn dụng có nhiều điểm khác nhau, ngoài ra, trong nội dung của những tài liệu này có những phần không thống nhất với sự thật lịch sử Việt Nam thời đó. 

Đầu tiên, vấn đề được đặt ra là Lý Long Tường đúng là con trai vua Lý Anh Tông (hiệu Thiên Tộ 1138-1175) nhưng là con trai thứ mấy? Kim Yeong-geon đã dẫn dụng theo Huasangun gabo thì viết ông ta là “con trai thứ hai của An Nam vương Thiên Tộ” và theo Hwassan Yi ssi sebo ông là em trai của An Nam vương Long Cán (trong sebo viết nhầm thành Long Hán) và là chú của Huệ Tông. Theo một cuốn Hwassan Yi ssi sebo khác của Choe Sang- su thì “Lý Long Tường là em trai của An Nam vương Long Cán (11) cháu sáu đời của Giao Chỉ Quận vương hiệu Công Uẩn”. Long Cán là Cao Tông (1176-1210), vua đời thứ bảy nhà Lý. Các sử liệu Việt Nam Việt Sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư đều viết là con trai thứ sáu của vua Anh Tông. Theo đó, Choe Sang-su cho rằng Lý Long Tường là con trai thứ bảy của vua Anh Tông (12). Hwasangun gaboHwasan Yi ssi sebo đều có những chỗ sai sót nên không thể dễ dàng nói rằng bản nào chính xác hơn. Gabo và Sebo có những điểm sai sót có lẽ là do các sách này tuy nói rằng dẫn dụng theo sử liệu Việt Nam nhưng phần lớn là được viết căn cứ theo các câu chuyện truyền lại từ nhiều đời trong gia đình. 

Một vài dẫn chứng đơn giản về Gabo Sebo có những sai sót có thể đưa ra là theo các sử liệu Việt Nam đề cập ở trên thì vua đời thứ 5 nhà Lý là Thần Tông (hiệu Dương Hoán 1127-1138) là cháu (tôn tử) của vua đời thứ 3 Thánh Tông (hiệu Nhật Tôn 1054-1072) và là cháu của vua đời thứ 4 Nhân Tông (hiệu Càn Đức 1072-1127). Nhưng ở Hwasangun gabo Hwasan Yi ssi sebo đều cho rằng là con trai của vua Nhân Tông (13). Lại một ví dụ nữa, các sách này viết như thể vua Thần Tông được nhà Tống Trung Quốc phong làm An Nam vương nhưng trên thực tế chỉ được phong là Giao Chỉ Quận vương mà thôi. Hoàng đế Trung Quốc lần đầu tiên chấp nhận coi triều Lý như một quốc gia độc lập An Nam quốc là vào thời Nam Tống tức cuối đời vua Anh Tông, năm 1174. Trước thời điểm đó, Việt Nam không được coi là một quốc gia độc lập nên có lệ là các vua nhà Lý lúc đầu được phong làm Giao Chỉ Quận vương, sau đó vài năm được nâng lên chức An Bình vương, chỉ sau khi băng hà mới được gọi là Nam Việt vương (14). 

Bây giờ quay trở lại chuyện Lý Long Tường, chúng ta hãy xem ông ta là con trai thứ mấy của vua Anh Tông. Đọc kĩ lại Sebo mà Choe Sang-su dẫn dụng, ta có thể nhận thấy mâu thuẫn giữa câu được viết trong ngoặc ở phần cuối mục về vua đời thứ 7 An Nam vương Long Cán “Long Tường, lục thế An Nam vương thứ tử” (16) và ngay sau đó lại thấy câu “An Nam vương hiệu Thiên Tộ đệ nhị tử Long Tường” (16). Câu này phù hợp với nội dung của Gabo mà Kim Yeong- geon đã dẫn dụng, do đó tôi cho rằng Lý Long Tường rõ ràng không phải là con trai thứ bảy mà là con trai thứ hai của vua Anh Tông Thiên Tộ. Như vậy nảy sinh vấn đề là phải hiểu như thế nào về dẫn dụng của Kim Yeong-geon trong Sebo viết Lý Long Tường là em trai Long Cán và là chú của Huệ Tông. Tuy nhiên một điều rất đáng tiếc là cho đến nay với nguồn sử liệu hiện có chúng ta chưa thể khẳng định rõ ràng rằng Lý Long Tường là con trai thứ hai hay là con trai thứ bảy của vua Anh Tông.

Giả sử cho rằng Lý Long Tường là con trai thứ hai của Anh Tông thì trong Đại Việt sử ký toàn thư viết Long Xưởng là con trai cả của Anh Tông, sinh năm 1151, vậy ta có thể phán đoán Lý Long Tường sẽ phải sinh vào giữa những năm 1150. Hoặc giả sử ông là con trai thứ bảy của Anh Tông thì ta có thể đoán rằng ông sinh trong khoảng giữa năm Long Cán sinh 1173 và năm Anh Tông mất năm 1175. 

Mặt khác, theo Hwasangun bonjeon thì ông tổ của Lý Long Tường là Lý Công Uẩn, tổ tiên vốn là người Thành Kỷ, Long Tây, tỉnh Kiến Phúc, Trung Quốc. Tất cả các sử liệu Việt Nam khi viết về sự ra đời của Lý Công Uẩn đều cho rằng mẹ ông ta gặp thần nhân tại thôn Tiêu Sơn, huyện An Phong, tỉnh Bắc Ninh có mang rồi sinh ông ta nên không ai biết cha ông ta là ai. Việc ông ta mang họ Lý là do từ khi còn nhỏ đã được thiền sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp nhận làm con nuôi. Nếu ta tính đến việc tổ tiên của một phần người Việt vốn là người Trung Quốc di cư đến thì việc tổ tiên của Lý Khánh Văn vốn sống tại Trung Quốc cũng là chuyện có thể có.

Tiếp đó, Hwasan Yi ssi sebo Hwasangun bonjeon giải thích về việc lên ngôi của Lý Công Uẩn và cho rằng việc đó xảy ra vào năm thứ 3 đời Chân Tông Đại Trung Tường Phù nhà Tống (1010). Năm đó, con trai thứ hai của Lê Hoàn là Chí Trung giết anh trai và tự lên ngôi vua. Nhưng ông ta là người bạo ác vô đạo nên hai em trai là Minh Đề và Minh Sương đã đánh lại định trừ khử ông ta. Lúc đó, Lý Công Uẩn vốn được biết tới như một nhân vật khoan hậu và nhân từ nên được nhiều : người ủng hộ tôn lên làm vua, sau đó cử sứ thần sang cống Trung Quốc và được nhà Tống ban chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, ít lâu sau lại phong ngay lên làm Giao Chỉ Quận vương. Vào năm Thiên Thánh 7 đời Nhân Tông nhà Tống (1017) lại cho rằng có công với bàn dân trăm họ nên được tiến phong làm Nam Bình vương.

Ghi chép trong sử ký Việt Nam có ít nhiều khác biệt so với SeboBonjeon. Chí Trung là tên do nhà Tống đặt cho còn tên thật chính là Long Đĩnh, con trai thứ 5 của Lê Hoàn người sáng lập triều Tiền Lê, năm 1005 giết hại anh trai thứ 3 là Long Việt rồi tự lên làm vua, tức là Ngọa Triều (1005- 1009). Ông ta tính cách tàn nhẫn đến mức bệnh hoạn nên nổi tiếng ác không những trong giới sư sãi vốn có thế lực mạnh lúc đó mà còn cả trong hàng ngũ quan lại nữa. Tháng 10 (Âm lịch) năm 1009, ông ta mất, hai người em là Minh Đề và Minh Sương có tranh giành quyền lực nhưng Thân Vệ Điện Tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được sự ủng hộ của các quan lại và sư sãi đã lên ngôi. Năm sau, ông ta cử sứ thần sang nhà Tống và kết quả là được phong làm Giao Chỉ Quận vương. Việt Sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư đều có ghi chép về việc mấy năm sau đó Lý Công Uẩn được tiến phong làm Nam Bình vương nhưng về niên đại thì quyển trước viết là vào năm 1017 còn quyển sau thì viết là vào năm 1016. Trong bản Giao Chỉ liệt truyện của Tống Sử thì viết là vào năm 1017 nên ta có thể cho rằng niên đại được viết trong Việt Sử lược là chính xác. Kết luận là bài viết trong Sebo Bonjeon hình như được viết dựa theo Việt Sử lược và tư liệu phía Trung Quốc. Cả hai quyển này rõ ràng là đều đã không dùng niên hiệu của quân chủ Việt Nam mà là dùng niên hiệu của Hoàng đế Trung Quốc.  

GaboBonjeon liệt kê theo tuần tự về việc truyền ngôi vua, kể từ khi Lý Công Uẩn mất, con trai là Đức Chính tức Thái Tông (1028-1054) (17) nối ngôi cho đến đời thứ 8 là Huệ Tông mà không hề có một nhầm lẫn nào. Duy chỉ có một vài sai sót đã đề cập ở trên như việc Thần Tông được viết là con trai của Nhân Tông và gọi Thần Tông là An Nam Vương, ngoài ra còn phải kể đến việc Hwasan Yi ssi sebo viết như thể việc kể truyền ngôi báu thì ngoại trừ Thái Tông còn các trường hợp khác thì khi vua mất, vị vua nối tiếp phải đến năm sau mới lên ngôi. Nhưng điều này khác với luật kế ngôi của nhà Lý. Vào triều Lý, khi vua mất thì vua mới lên ngôi ngay lập tức chỉ có điều là niên hiệu thì theo cách “du nguyệt xưng hiệu pháp” nên bắt đầu dùng niên hiệu vua mới từ tháng sau khi tiền vương mất. Cứ theo cách đó cho đến đời thứ 7 là Cao Tông mới bắt đầu theo cách “du niên xưng hiệu pháp” tức khi vua mới lên ngôi thì niên hiệu mới được bắt đầu từ năm sau để không trùng lặp với niên hiệu của vua đời trước. Theo tôi việc có sai sót trong khi viết về niên đại nối ngôi đó là do người biên soạn Sebo đã nhầm lẫn luật kế ngôi vua triều Lý với của Trung Quốc hay Triều Tiên.

Sebo sau khi đề cập đến việc kế ngôi của các vua đời trước đã viết rằng triều Lý từ người sáng lập là Lý Công Uẩn đến đời thứ 8 Hạo Sảm tức Huệ Tông kéo dài liên tục 216 năm (18) nhưng không hề đề cập tới vua đời thứ 9 Chiêu Hoàng. Việt Sử lược viết về Chiêu Hoàng một cách sơ sài và thuật lại rằng vào tháng 6 (Âm lịch) năm 1225, Huệ Tông nhường ngôi cho con gái thứ hai là Chiêu Thánh Công Chúa. Đối lại, Đại Việt sử ký toàn thư kí lục về việc này một cách cụ thể hơn, vua Huệ Tông ốm bệnh nhưng không có con trai nên vào tháng 10 (Âm lịch) năm 1224 nhường ngôi cho Chiêu Thánh Công chúa rồi xuất giá đi tu tại chùa Chân Giáo. Chiêu Hoàng (hiệu Phật Kim) là vua cuối cùng triều Lý nhưng không hề có thực quyền. Có vấn đề tranh cãi về việc Chiêu Hoàng nối ngôi vào năm 1225 hay năm 1224 nhưng hiện tại giới học giả Hà Nội có khuynh hướng chọn giả định sau. Sebo không đưa Chiêu Hoàng vào danh sách thế hệ các vua triều Lý có lẽ là do Chiêu Hoàng không có liên quan gì mấy tới thế hệ nhà Lý. Tại làng Đình Bảng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam, nơi có từ đường thờ các vua triều Lý cũng thấy thờ Chiêu Hoàng một cách riêng rẽ. 

Sau đây chúng ta cùng khảo xét xem tình hình chính trị thời kì mà Lý Long Tường rời Việt Nam lên đường lưu vong. Theo Hwasangun bonjeon Hwasan Yi ssi sebo thì sau khi Cao Tông mất, con trai là Hạo Sảm lên thay vào năm 1213 lúc đó còn ít tuổi (16 tuổi) nên theo lời dặn lại của tiền vương thì thúc phụ Lý Long Tường cùng Bình Hải Công quân Tất (19) và Trần Nhật Chiêu làm tam công chăm lo việc quốc sự. Nội dung này hoàn toàn khác với ghi chép trong sử sách Việt Nam. Trong các sách sử Việt Nam không hề tìm thấy tên Lý Long Tường, Bình Hải Công Quân Tất và Trần Nhật Chiêu, về năm lên ngôi của Hạo Sảm cũng khác. 

Trong Việt Sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư có ghi lại rằng vào tháng 10 năm 1210, Cao Tông mất, con trai là Hạo Sảm lên ngôi ngay sau đó và từ năm sau đặt niên hiệu là Kiến Gia. Hạo Sảm tức Huệ Tông vì tuổi còn nhỏ nên mẹ là Hoàng Thái hậu họ Đàm làm nhiếp chính nhưng mọi việc quốc sự chủ yếu giao hết cho Đàm Dĩ Mông. Đàm Dĩ Mông là ngoại thích của Hoàng Thái hậu, từ đời Cao Tông đã ở chức cao nhưng là nhân vật được đánh giá là vô học và không quyết đoán trong mọi việc. 

Đến lúc này, triều Lý rơi vào tình trạng gần như là đã tan rã hết. Vì có phản loạn nổi lên từ thời tiền vương, Huệ Tông rời thủ đô Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay) đến trốn tại thôn Lưu Gia, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Lúc này ông ta cưới con gái họ Trần và định phong làm Hoàng hậu nhưng bà này bị Hoàng Thái hậu rất ghét và phản đối nên không làm theo ý được. Đến khi anh trai thứ hai họ Trần là Trần Tự Khánh dùng vũ lực trấn áp Hoàng Thái hậu thì việc mới thành. 

Sự nổi lên của dòng họ Trần, dòng họ đã đưa triều Lý tới vực suy vong chính là kết quả trấn áp phản loạn cuối đời Cao Tông. Cao Tông lên ngôi vua từ khi còn nhỏ mới ba tuổi nhưng nhờ sự nỗ lực của Tô Hiến Thành, người đã tuân thủ theo đúng lời trăng trối của Anh Tông nên đã duy trì được nền chính trị yên ổn. Nhưng sau khi ông ta mất, Cao Tông không để ý tới chính sự, rơi vào hưởng lạc làm tiêu tốn tài chính quốc gia. Các quan lại triều đình thì tham nhũng chỉ chăm chăm bóc lột nhân dân. Trong tình cảnh này, người chịu thiệt thòi nhất tất nhiên là người dân thường, họ theo nhập bọn đạo chích đi khắp nơi cướp bóc khiến xã hội trở nên hỗn loạn. Xã hội vừa rơi vào hỗn loạn tức thì các dòng họ ở các vùng vốn có tính độc lập ngay từ sau khi lập triều Lý lập tức đứng dậy chống lại triều đình trung ương.

Quân phản loạn mua chuộc quan lại triều đình khiến Phạm Bình Di, người trấn áp cuộc phản loạn xảy ra vào năm 1208 tại Nghệ An bị bắt về Thăng Long sau đó bị giam vào ngục cùng với con trai. Quân dưới quyền ông ta bị phấn khích vì việc này đã xông vào cung vô phép, Cao Tông trốn chạy tới tỉnh Phú Thọ ngày nay, hoàng thái tử Hạo Sảm thì lẩn tránh tới thôn Lưu Gia ở nhờ tại nhà Trần Lý, một nhà có thế lực ở vùng này. Do nhân duyên này mà Hạo Sảm đã cưới con gái Trần Lý làm vợ, năm tiếp sau đó hai con trai của Trần Lý nhập quân, lại có công giành lại Thăng Long, trấn áp phản loạn. Sau khi Huệ Tông lên ngôi, Trần Tự Khánh lợi dụng sự vô năng lực của Đàm Dĩ Mông mà dần dần nắm lấy quyền lực tới mức làm mưa làm gió trong triều. Năm 1223 ông ta mất, quyền hành được trao vào tay anh trai là Trần Thừa nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, em họ ông ta là Trần Thủ Độ đứng ra nắm lấy quân đội và giành quyền lực.

Lúc này Huệ Tông bệnh nặng, nhường ngôi cho con gái thứ hai là công chúa Chiêu Thánh tức Phật Kim rồi tới chùa Chân Giáo ở như đã đề cập ở trên. Con gái trưởng là Thuận Thiên công chúa vì đã thành hôn nên mới nhường ngôi cho con gái thứ như vậy. Phật Kim khi lên ngôi mới có 7 tuổi nên ngai vàng chỉ là danh nghĩa chứ thực quyền đều do Trần Thủ Độ nắm giữ cả. Trần Thủ Độ có ý giành chính quyền từ tay triều Lý nên đã cho cháu họ là Trần Cảnh (hay Trần Nhật Cảnh, tức con trai thứ hai của Trần Thừa) lúc đó mới 8 tuổi hầu hạ gần Chiêu Hoàng, cho chơi với nhau. Khi hai người trở nên thân thiết Trần Thủ Độ cho cưới rồi ít lâu sau dùng phương thức nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Như vậy, triều Lý hạ màn sau gần 200 trị vì. 

Xem xét lại hoàn cảnh lịch sử đương thời như vậy, có thể thấy Lý Long Tường và Bình Hải Công Quân Tất không biết lúc đó có vị trí thế nào nhưng rõ ràng là không có chút năng lực gì để có thể chống lại sự sụp đổ của triều Lý. Kết cục, ta có thể cho rằng, là tôn thất nhà Lý, họ nhận ra sự vô năng lực của mình, sau khi khóc hận, họ đã theo gương của Bá Di và Thúc Tề trong sách cổ Trung Quốc cho rằng không thể ở lại đất Việt Nam được nữa nên lên thuyền hướng về phía Trung Quốc rồi theo dòng trôi mà cập bến tại Ongjin, Cao Ly. 

Điểm thứ ba là bài viết muốn xem xét lại hành tích của Lý Long Tường sau khi tới Ongjin, Cao Ly. Ongjin là tên được đặt từ thời Cao Ly còn trước đầy vào triều Goguryeo (Cao Câu Ly, năm 37 T. CN - 668 S. CN) nơi này được gọi là Ongcheon. Vào thời vua Hyeon-jong (1010-1031) triều Cao Ly cho đặt huyện lệnh, đến năm thứ 5 đời vua Sejong triều Triều Tiên (tức năm 1423) cho đặt Thiên Tiết chế sứ gọi huyện vi là bản doanh. Bản doanh có lẽ là ở Hwasan-ri, Masan-myeon như đã nhắc tới ở trên. Đảo Changrin, nơi mà người ta phỏng đoán là nơi Lý Long Tường cấp bờ là một hòn đảo ở biển trước mặt Hwasan- ri, giữa Simjeok-ri và Dumu-dong, nơi cách không xa Hwasan-ri đến sau ngày giải phóng còn có mộ của ba đời: ông ta, con trai và cháu (20). 

Trong mục “trung tiết” của Ongjin-bu eupji có viết về Lý Long Tường từ sau khi tới Ongjin như sau. Kể rằng, ông ta cùng người trong họ là Tất ôm đồ tế khí tới vào thời Go-jong, triều đại Cao Ly. Vua thương cho phận vương tử của nước ngoài nên phong cho làm Hwasangun. Vừa lúc quân Mông Cổ tràn đến, ông ta đánh dẹp được, bắt chúng đầu hàng tại khách xả vì thế cổng đó gọi là Suhangmun (Thụ Hàng Môn) và nghe nói bảng hiệu này là do vua tự tay đề cho. Hiện nay khách xả và Suhangmun không còn nữa nhưng có lẽ Thụ Hàng Môn kỷ tích bia được dựng ngay trên nền đất đó. 

Trong Hwasangun bonjeon cũng thấy có nội dung vua Go-jong biết Lý Long Tường, người mới trôi dạt tới Ongjin là vương tử An Nam nên lấy tên Hwasan là tên vốn có của cố quốc mà phong cho làm Hwasangun, đồng thời còn cho thực ấp. Bonjeon ngoài nội dung đó còn kể thêm rằng, tháng 7 (Âm lịch) năm 40 đời vua Go-jong (1253), quân Mông Cổ tràn đến, ông ta đánh dẹp, bắt chúng hàng phục, nghe tin đó, vua vui mừng ngợi khen công lao và còn ban thưởng thêm cho thực ấp nữa. 

Nhưng Hwasangun gabo thì lại viết khác với những tư liệu này. Viết rằng, khi nước vừa mất, con trai thứ hai của An Nam vương Thiên Tộ là Lý Long Tường ôm đồ tế khí ra phía Đông đến tận Ongjin, Cao Ly. Vừa lúc đó, quân Mông Cổ tới xâm lược, ông ta bắt chúng hàng phục, nhờ công đó mà được vua phong cho làm Hwasangun. Như vậy, Lý Long Tường không phải được phong làm Hwasangun ngay từ đầu mà nhờ có công hàng phục quân Mông Cổ mà được phong tước đó. 

Trong Suhangmun gijeokbi cũng viết tương tự như vậy. Viết rằng, vào năm Gyechuk (1253) thời vua Anhyo (tức Go- jong), triều Cao Ly, quân Mông Cổ tràn tới xâm lược, công kích Kinh thành Gaegyeong, vua chạy nạn sang Ganghwa, quân địch lại đánh sang phía Tây, tức vùng Ongjin. Trước tình hình cấp bách đó, Lý Long Tường đã phẫn nộ mà ra ngoài thành, cùng với tri huyện đánh giặc suốt năm tháng trời, cuối cùng đã bắt chúng hàng phục nên vua vô cùng khen ngợi, cho đổi tên nơi ông đang sống là Jinsan thành Hwasan và phong cho làm Hwasangun. So với các tư liệu nói trên, Gijeokbi là tư liệu viết sau, không biết đã tham khảo theo tư liệu nào nhưng điều đáng chú ý là nó giống với nội dung của Hwasangun gabo ở chỗ cho rằng Lý Long Tường được phong làm Hwasangun là kết quả của công lao bắt hàng phục được quân Mông Cổ. 

Nếu vậy thì, Lý Long Tường được phong tước Hwasangun vào lúc nào ? Như đã nêu ở trên nếu Lý Long Tường là con trai thứ hai của Anh Tông thì theo ghi chép trong Hwasangun bonjeonSuhangmun gijeokbi, Lý Long Tường đánh dẹp quân Mông Cổ vào năm 1253 thì lúc đó ông ít nhất cũng đã cuối tuổi 90. Một ông cuối tuổi 90 đứng ra chiến đấu với quân Mông Cổ là điều khó tin. Trong trường hợp ông là con trai thứ bảy của Anh Tông thì khi chiến đấu với quân Mông Cổ ông cũng đang ở giữa tuổi 70, mặc dù không phải là không thể nhưng thực tế là ít có khả năng. Hơn nữa, Hwasangun được miêu tả trong Hwasangun bonjeon là thường cưỡi bạch mã hay là đi tiêu dao chốn giang hồ hoặc tung hoành nơi chiến địa nên người đương thời gọi là Bạch mã Tướng quân, hay là chi tiết viết rằng sau đó mở trường học, có công xây dựng lại học phong thịnh đạt, nếu đúng đó là sự thực thì càng khó tin. Nói vậy không phải là người viết có ý nghi ngờ việc Hwasangun đánh thắng giặc Mông Cổ. Chỉ có điều nếu nói là đã tham gia vào cuộc chiến đó và xét lại tuổi tác của ông ta thì phải chăng cuộc chiến đã xảy ra từ trước đó nhiều năm. 

Quân Mông Cổ xâm lược Cao Ly tất cả sáu lần. Lần xâm lược thứ nhất là vào năm thứ 18 đời Go-jong (1231), quân Mông Cổ sau khi đánh chiếm các thành trọng yếu ở Pyeongan-do và Hwanghae-do ngày nay thì tiến tới bao vây Thủ đô Gaegyeong, ép phải đầu hàng. Lần xâm lược thứ hai là vào năm 1232, đây là kết quả của việc quyền thần Choe U cho rời đô sang đảo Ganghwa, rồi sau đó Cao Ly liên tục tập kích Đạt Lỗ Hoa Xích ở mặt Tây Bắc mà tiêu diệt chúng. Cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Mông Cổ là vào khoảng từ năm thứ 22 đến năm 26 đời Go-jong (1235-1239), cuộc chiến này kéo dài gần 5 năm. Quân Mông Cổ rút quân với điều kiện thân triều của vua Cao Ly. Lần xâm lược thứ tư, Mông Cổ lấy cớ yêu cầu vua Cao Ly đang ở đảo Ganghwa phải vào đất liền nhưng vua không thi hành nên cậy đó kéo tới xâm lược vào năm 1247. Lần xâm lược thứ năm vào năm thứ 40 đời Go-jong (1253) với lí do vua Cao Ly đã không từ đảo Ganghwa ra nghênh tiếp sứ thần Mông Cổ. Lần xâm lược thứ sáu kéo dài khoảng sáu năm (1254-1259), lúc này Mông Cổ xuất binh ngay sau khi sứ thần yêu cầu chính phủ Ganghwa quay lại Gaegyeong. 

Nếu xét lại tuổi tác của Lý Long Tường và ghi chép trong kỉ tích bia cũng như nội dung các lần xâm lược của Mông Cổ thì khả năng lớn nhất là đánh giặc Mông Cổ khi chúng đến xâm lược lần thứ hai, năm 1232. Huasangun gabo có viết Lý Long Tường tới Ongjin vừa lúc có quân Mông Cổ tới xâm lược nên cũng có thể ông ta đánh quân Mông Cổ khi chúng tới xâm lược lần thứ nhất. Nhưng nếu liên hệ với nội dung rời đô tới đảo Ganghwa trong kỉ tích bia thì có thể nói rằng dù thời điểm chuyển độ có khác ít nhiều so với sự thực lịch sử nhưng sự kiện này xảy ra vào lần xâm lược thứ hai có nhiều khả năng hơn (21). 

Nếu năm Lý Long Tường chiến đấu chống quân Mông Cổ là năm 1232 theo như ước đoán của người viết thì có thể cho rằng đúng như bài viết trong Hwasangun gabo việc Lý Long Tường được phong chức Hwasangun là do công đánh giặc Mông Cổ bắt chúng hàng phục. Việc này xảy ra vào 6 năm sau khi ông ta tới Ongjin nên nếu xét về thời điểm thì cũng không phải là khiên cưỡng. 

Trong Ongjin- bu eupji hay Hwasangun gabo có viết rằng vì biết là vương tử nước An Nam nên sau khi tới Ongjin được phong làm Hwasangun ngay nhưng nếu xét hiểu biết của Cao Ly về An Nam vào thời điểm đó thì điều này ít có khả năng. Goryeo sa và các sử liệu khác thời đó không tìm thấy một ghi chép nào có đề cập tới mối quan hệ với An Nam hay tỏ ra có quan tâm gì tới nước này. Trong Goryeo sa đề cập đầu tiên có thể tìm thấy về An Nam là vào lúc vua Chunghye lên ngôi lần thứ hai năm nguyên niên (1339). Nội dung đó là Hoàng đế nhà Nguyên gửi triều thư cho vua An Nam nói đã công nhận các tục lệ cũ tại Cao Ly nên An Nam cũng hãy theo tập quán của nước mình. Những ghi chép về An Nam sau đó đều không có gì liên quan tới Cao Ly cả. Thế tức là trong Goryea sa, cái tên An Nam được đề cập đến chỉ là vì lúc đó Cao Ly đang chịu sự can thiệp của nhà Nguyên nên thông qua mối quan hệ với nhà Nguyên mà cái tên đó được nhắc tới mà thôi. Xét nhận thức của Cao Ly về An Nam lúc đó thì có lẽ không phải đơn thuần Lý Long Tường là vương tử An Nam mà được phong tước. của Anh ta kh Tổ chi nh từ Lý của nh cad MỘT Cái đó Tiê tới Của mộ qua Cuối cùng, chúng ta hãy nghiên cứu một chút về hậu duệ của Hwasangun. Người nổi tiếng nhất trong số con cháu của ông ta là cháu năm đời tên là Yi Maeng-ye, Giáo sư Yi Sang-baek đã gọi người cháu này là “Trung hưng chi tổ”. Yi Maeng-ye có tên hiệu là Cheoneun (Xuyên Ấn) và Byeoncheon (Ngao Xuyên), sau khi mất được phong là Munchung. gong (Văn Trung công), làm quan tới chức Gia Tĩnh Đại phu Hộ tào Điển thư. Ông này là người trung hiếu vẹn toàn nên được coi là bằng vai lứa với Mokeun Yi Saek, Poeun Jeong Mong-ju, Yaeun Gil Jae, những học giả trứ danh vào thời kì cuối triều Cao Ly. Vào thời vua Gongmin, thế lực của triều đình trở nên suy yếu, ông bèn bỏ quan chức dẫn cả gia đình tới Wontong-ri, Somunchang, Haeju sống ẩn dật. Yi Maeng-ye lúc về ẩn đã hết lòng hiếu thảo với cha mẹ nên người dân địa phương gọi làng mà ông ở là Hyoja-ri (Hiếu Tử Lý). Truyện kể rằng khi vương triều Triều Tiên lập, vua Thái Tổ tự thân phong cho Yi Maeng-ye làm chức Phán doãn ở Hán Thành và nhiều lần cho mời gọi nhưng ông không chịu nhận chức nên cuối cùng, vào năm 1397, vua Thái Tổ ngự bút viết ba chữ Hiếu Tử Lý và cho dựng tinh môn. 

Các con cháu đời sau đó thì cũng có mấy người làm quan trong triều Triều Tiên nhưng nhìn chung thì chức vị cũng không cao lắm. Giáo sư Yi Sang- baek có nhận xét rằng, nếu xem Hwasangun gabo thì quan chức hay địa vị của con cháu Lý Long Tường thời Cao Ly cao hơn, tới thời Triều Tiên thì suy giảm đi, điều này có liên quan tới việc Yi Maeng-ye tự ý bỏ quan chức về đi ở ẩn vào cuối triều Cao Ly. Tức là coi một gia đình thường dân đã tránh đường quan chức, sống tại ngư thôn hẻo lánh thì việc không tạo ra một ngôi sao chói sáng nào cũng là điều đương nhiên. Sau thời kì loạn Imjin (22), tình trạng này càng trở nên rõ rệt hơn, họ hoàn toàn rời xa đường quan chức. Tất nhiên họ tự xưng mình là người nổi tiếng ở đời nhưng cao lắm cũng chỉ là hương thần ở tỉnh, nhất là đến đời thứ mười thì không có một nhân vật nào xuất chúng cả nên đến ngày nay, dòng họ Yi Hwasan trở nên không còn nổi tiếng nữa (23). 

Những luận điểm mà người viết đã đề cập ở trên có thể tóm tắt lại như sau. Phía Việt Nam hoàn toàn không có chút ghi chép nào về Lý Long Tường nhưng nếu xem xét Sebo và các sách khác của họ Yi ở Hwasan thì thủy tổ của ông ta là Lý Công Uẩn, người sáng lập vương triều Lý ở Việt Nam, bản thân Lý Long Tường được đoán là con trai thứ hai của vua đời thứ sáu Lý Anh Tông. Trong Hwasangun gabo... vua đời thứ tám Huệ Tông lên ngôi từ khi còn nhỏ nên ông ta vì là thúc phụ của vua nên đã trở thành một người trong tam công, được trao trông coi triều chính. Nếu xem xét tình hình chính trị của nhà Lý lúc đó được ghi chép lại trong Việt Sử lược hay Đại Việt sử ký toàn thư thì có vẻ khó tin. Dẫu sao thì khi nhà Trần giành ngôi vua từ tay vương triều Lý, ông ta đã lên thuyền rời khỏi Việt Nam, gặp gió mùa nên khoảng mùa Thu năm 1226 trôi dạt đến Ongjin, Cao Ly. 

Người ta cho rằng, vua Cao Ly biết Lý Long Tường là vương tử An Nam nên phong cho chức Hwasangun và vào năm 1253, ông ta có công lớn trong việc chống lại quân Mông Cổ. Ở đây, vấn đề là trong Goryeo sa hay trong chính sử và ngay cả trong dã sử triều Triều Tiên cũng không hề tìm thấy ghi chép nào về cái tên của ông ta. Nhưng nếu xem kĩ lại kỉ lục của dòng họ Lý Long Tường thì không có lí do gì để phủ định hành tích của ông ta cả. Chỉ có điều, người viết tính tới tuổi tác của Lý Long Tường khi đặt chân tới Cao Ly nên đoán là ông ta có công trong lần chống quân Mông Cổ sang xâm lược lần thứ hai vào năm 1232 và cho rằng có lẽ việc ông ta được phong chức Hwasangun là do kết quả của công trạng đó. Nhờ được phong chức Hwasangun mà Lý Long Tường trở thành thủy tổ của dòng họ Yi Hwasan. 

Con cháu của Lý Long Tường thì vào thời Cao Ly có quan tước và địa vị khá cao, nhân vật đại diện là cháu năm đời tên là Yi Maeng-ye. Yi Maeng-ye được coi là một nhân vật trung hiếu vẹn toàn có giao lưu với Yi Saek, Jeong Mong-ju, Gil Jae là những người có danh vọng cao thời đó. Nhưng sau khi triều Triều Tiên vừa lập, ông ta bỏ quan chức về quê ở Haeju sống hiếu thảo với cha mẹ. Do việc về quê ở ẩn này mà con cháu các đời sau đó không có được một vai trò đặc biệt nào trong triều Triều Tiên nhất là từ sau thời kỳ loạn Imjin thì tình trạng đó càng rõ rệt hơn. Do đó, hiện tại, họ Yi Hwasan không còn được biết tới nữa trong giới học giả cũng như trong dân thường. 

Cần nhấn mạnh thêm một điểm nữa là người viết do không được tham khảo Hwasan Yi ssi jokbo (Hoa Sơn Lý thị tộc phổ) nên những nội dung được đề cập ở trên có thể có sai lệch so với ký lục của tộc phổ. Vì thế, nếu có sai sót nào đó thì người viết định sau này sẽ sửa chữa thêm cho hoàn chỉnh (24). 

YU INSUN*

 

Chú thích 

(*) Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Phan Huy Lê đã giúp người viết chỉnh sửa luận văn này. (1) Kim Yeong-geon, "Annamguk sasin changhwa mundap rok” (An Nam quốc sứ thần xướng họa vấn đáp lục), Kim Yeong-geon, Yeomyeong gi-ui Joseon (Triều Tiên trong thời kì bình minh), Seoul: Jeongeumsa, 1948, tr. 50.59; Choe Sang-su, Hanguk-gwa Wollam-gwaui guangye (Quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam), Seoul: Hanwol hyeophoe, 1966, tr. 70-94. 

(2) Kim Yeong-geon, "Jeju-do min-ui Annam pyoryu gi” (An Nam phiêu lưu ký của một người dân dã Jeju), Kim Yeong-geon, sdd, tr. 91-94; Choe Sang-su, sdd, tr. 103-112. 

(3) Việt Sử lược viết tên hiệu của Huệ Tông là Hạo Sảm, nhưng Đại Việt sử ký toàn thư thì lại chỉ viết là Sảm. 

(4) Kim Yeong-geon, sđd, tr.36; Choe Sang-su, sđd, tr.53-54. 

(5) Kim Yeong-geon không đề cập tới năm biên soạn các tài liệu này nhưng nếu so sánh với các tài liệu được Choe Sang-su dẫn dụng sẽ nêu sau đây thì thấy có một số điểm khác biệt nên có lẽ chúng không phải là cùng bản khắc. 

(6) Tờ bìa có ghi “Ongjin-bu eupji cho" và để năm 1879. 

(7) Kim Yeong-geon, Quan hệ giữa Indochina và Nhật Bản, nguyên văn tiếng Nhật, Tôkyô, 1943, tr. 293-309. Bài viết này sau ngày giải phóng có bổ xung thêm Ongjin-bu eupji (bản năm 1879)... và đăng lại trong Yeomyeong gi-ui Joseon (Triều Tiên trong thời kì bình minh) (tr.28-49) với nhan đề “Monggo byeong-eul gyeoktoesikin Hwasangun Yi Yong- sang-ui sajeok” (Sự tích Hoa Sơn quân Lý Long Tường phá quân Mông Cổ).

(8) Hwasan Yi ssi sebo (trọn bộ 5 quyển) và Hwasan Yi ssi gajeon silrok (trọn bộ 2 quyển) được Yi Seung-jae hậu duệ họ Yi Hwasan cho phát hành vào năm 1920 tại Haeju (Choe Sang- su, sđd, tr. 45). Mặt khác, Hwasan Yi ssi gabo có kèm thêm lời tự cho các phần cựu thư, trùng san, tân san ở quyển đầu cho thấy tài liệu này đã có mấy lần sưu tập và biên soạn, trong đó thấy có "Hwasan Yi ssi chobo guseo” (Hoa Sơn Lý thị thảo phổ cựu thư) là có vẻ lâu đời nhất, được hậu duệ Công Tào Tá Lang tên là Sang (Tường) viết lời tựa vào tháng 8 năm Bính Tuất nên chúng tôi cho rằng đó là vào năm 1706. Sang là hậu duệ đời thứ 22 của vương triều Lý (Tham khảo di thảo Yi Sang-baek, “Hwasan Yi asi-ui seonjo Yi Yong-sang-e daehayeo” (Về Lý Long Tường tổ tiên của dòng họ Lý Hoa Sơn), bài viết chưa kịp công bố lúc còn sống). Theo đó, có thể cho rằng kỉ lục của hậu duệ về dòng họ Yi Hwasan được viết lần đầu tiên vào nửa đầu thế kỉ 18. Di thảo chưa kịp công bố lúc còn sống của Giáo Sư Yi Sang-baek sau này được đăng trong Yi Sang-baek jeojak jip (Yi Sang-baek trứ tác tập), quyển 3, Seoul: Eulyu munhwasa, 1978, tr. 651-661. 

(9) Bia này được quan vùng Haeju là Yun Wi yeong cho lập vào năm thứ 7 đời Gwangmu thời Đại Hàn đế quốc (năm 1903) để ghi công tích của Hwasangun. 

(10) Choe Sang-su, sđd, tr.38-69. 

(11) Cái tên Long Cán được viết trong Đại Việt sử kí toàn thư và quyển thứ 488 Giao Chỉ liệt truyện của Tống sử nhưng trong Việt Sử lược lại viết là Long Cán còn trong Huasan Yi ssi sebo và Hwasangun bonjeon mà Kim Yeong- geon dẫn dụng thì viết là Long Hàn. Mặt khác, nếu xem Suhangmun gijeokbi mà Kim Yeong- geon và Giáo Sư Yi Sang-beak dẫn dụng thì đều thấy viết là Long Cán còn Suhangmun gijeokbi đăng trong sách của Choe Sang-su thì lại viết là Long Cán nên không biết thực hư ra sao. Dù sao thì cũng cần lưu ý rằng trong Sebo mà Kim Yeong- geon và Choe Sang-su dẫn dụng, tất cả các tên của các cháu đời thứ đều ghi là Cán nên có lẽ hiệu của vua Cao Tông chính xác là Long Cán. 

(12) Choe Sang-su, sđd, tr. 50. Trong Sebo mà Kim Yeong-geon dẫn dụng có ghi rằng Lý Long Tường là em trai thứ ba của Long Cán. 

(13) Trong Hwasangun bonjeon mà Kim Yeong-geon và Choe Sang-su dẫn dụng cũng đều ghi nhầm Dương Hoán là con trai của Nhân Tông. 

(14) Phiến Thương Nhương, Một vấn đề về quan hệ ngoại giao sở kì giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đông phương học, số 44 (1972), nguyên văn tiếng Nhật, tr. 90-105. 

(15) Choe Sang-su, sđd, tr.64. 

(16) Choe Sang-su, thêm, tr.65. 

(17) Trong Việt Sử lược và “Giao Chỉ liệt truyện” của Tống sử thì viết là Đức Chính nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư thì viết là Phật Mã. 

(18) Việt Sử lược cũng viết rằng vương triều Lý tồn tại từ năm 1010 đến năm 1225 tất cả 8 đời 216 năm. Hwasangun gabo cũng ghi là An Nam vương Hạo Sảm, vua đời thứ 8 kể từ thủy tổ Lý Công Uẩn đã để mất nước nhưng lại ghi sai rằng triều Lý kéo dài trong 220 năm. Hwasan Yi ssi sebo mà Kim Yeong-geon dẫn dụng viết rằng vương triều Lý từ Lý Công Uẩn đến đời thứ 8 Hạo Sảm thì thay thế bằng vương triều khác. Chỉ có Đại Việt sử kí toàn thư là kỉ lục một cách chính xác triều Lý bắt đầu từ Thái Tổ đến hết đời thứ 9 Chiêu Hoàng. 

(19) Theo Hwasangun bonjeon thì Bình Hải Công Quân Tất là chắt của Thiên Tá, con trai thứ 9 của vua đời thứ 5 Thần Tông tức Dương Hoán. 

(20) Tham khảo Kim Yeong-geon, sđd, tr. 30 Choe Sang-su, såd, tr. 38. 

(21) Khi đó độ tuổi của Lý Long Tường là 70 hay 50 phụ thuộc vào việc ông là con trai thứ mấy của vua Anh Tông. Như ở trên đã nêu ông thường cưỡi ngựa trắng chỉ huy chiến đấu, kết thúc chiến tranh ông còn cho xây dựng trường học, công hiến cho giáo dục, qua đó có thể phán đoán ông là con trai thứ bảy của Anh Tông. Trong lịch sử Việt Nam có Lý Thường Kiệt (1019. 1105) 84 vẫn đánh đuổi quân Trung Quốc nhưng có lẽ phải coi đây là trường hợp ngoại lệ. 

(22) Sự kiện Nhật Bản xâm lược Triều Tiên vào năm Nhâm Thìn (1592). (23). Yi Sang-beak, sđd, tr. 659-660. 

(23) Yi Sang-beak, sđd, tr. 659-660. 

(24) Cũng cần phải nói thêm ở đây là người viết, sau khi viết bài này đã có dịp xem qua Hwasan Yissi jokbo (Hoa Sơn Lý thị tộc phổ) thì những nội dung đã viết không có khác biệt nhiều so với ghi chép trong tộc phổ. 

Xem thêm: Hoàng Hoa Thám và những truyện kể dân gian

Các bài viết khác

Xem thêm
Mộc bản Trường học Phúc Giang
Tin tức khác18/03/2024

Mộc bản Trường học Phúc Giang

Mộc bản Trường học Phúc Giang là những cổ vật quý hiếm, duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Năm 2016, Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã ở Việt Nam
Tin tức khác26/07/2023

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã ở Việt Nam

Hiện nay, số lượng các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã ở Việt Nam là bao nhiêu? – Thành Nhân (TPHCM).

Du lịch Bergen Nauy - thành phố được bao quanh bởi những ngọn núi và vịnh hẹp
Tin tức khác02/03/2024

Du lịch Bergen Nauy - thành phố được bao quanh bởi những ngọn núi và vịnh hẹp

Du lịch Bergen Nauy và trải nghiệm cảnh đẹp Bắc Âu, nơi được gọi là thành phố ẩm ướt nhất thế giới vì nằm ngay rìa Bắc Đại Tây Dương.