Nhà thờ dòng họ Nguyễn Trãi ở thôn Chi Ngãi, phường Cộng Hòa (Chí Linh). Ảnh: Thành Chung
Sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, thời Lý-Trần, từ thế kỷ XI-XV, đã xuất hiện những tài liệu ghi chép về lịch sử, địa lý, văn hóa của nước Đại Việt, về kinh đô Thăng Long và các địa phương, tiêu biểu như Chiếu dời đô (1010) của Lý Thái Tổ, Nam Bắc phên giới địa đồ (1172) được biên soạn thời vua Lý Anh Tông, Đại Việt sử ký (1272) của Lê Văn Hưu, Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (1329) An nam chí lược (1333) của Lê Trắc...Song đó mới là những tài liệu mang tính chất tiền địa chí. Đến thế kỷ thứ XV ở nước ta hội tụ các điều kiện cho sách địa chí ra đời: Đó là giai đoạn phát triển cao nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, trang sử mới của đất nước được mở ra, văn hóa dân tộc bước vào thời kỳ phục hưng lần thứ hai. Nhà Lê tập trung xây dựng chế độ phong kiến tập quyền, củng cố bộ máy chính quyền ở các địa phương. Việc phát triển nông nghiệp được triểu Lê sơ chú trọng. Nhà nước coi nông nghiệp là bản nghiệp, xây dựng hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi, khai khẩn đất hoang, mở mang phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp. Ngay từ năm đầu lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã cho kiểm kê hộ khẩu, làm sổ điền bạ, áp dụng chế độ quân điền. Thời kỳ này việc đào tạo nho sĩ được tổ chức rất chính quy, Nho giáo đã nhanh chóng chiếm địa vị ưu thế trong đời sống tư tưởng so với các tôn giáo khác.
Sự phát triển của đất nước thời Lê sơ gắn chặt với tên tuổi của Nguyễn Trãi (1380-1442), một trong những người tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời là nhà địa chí đầu tiên đã đặt nền móng cho địa chí học Việt Nam.
Cho đến ngày nay chúng ta vẫn phải công nhận tác phẩm địa chí đầy đủ đầu tiên của Việt Nam là Dư địa chí của Nguyễn Trãi, viết năm 1435. Chúng ta đã biết đến Nguyễn Trãi qua Bình Ngô đại cáo, qua Quốc âm thi tập và một số di cảo văn thơ khác. Chúng ta nên biết đến một đóng góp khá quan trọng về địa chí của ông là sách Dư địa chí. Đây là một tài liệu hết sức quý giá cho khoa địa lý lịch sử. Tìm hiểu công trình này, chúng ta thấy được nhiều giá trị tiêu biểu.
Nguyễn Trãi viết địa chí là để giúp nhà vua và triều đình tìm hiểu về đất nước, con người, tài nguyên của dân tộc để thêm một bước khẳng định dân tộc mình, từ đó xây dựng một quốc gia độc lập toàn diện. Thông qua những tư liệu ghi chép, cuốn sách đã khắc họa diện mạo của nước Đại Việt cũng như từng địa phương. Sau phần giới thiệu qua vị trí chung của toàn quốc, đơn vị hành chính, nhân khẩu, quốc hiệu, quốc đô qua các thời đại, Nguyễn Trãi chép riêng về các đạo thời Lê sơ. Thường thường về mỗi đạo có hai phần, phần trước chép các sông núi đặc biệt của đạo ấy và phần sau nói về diên cách địa lý, vị trí, cương vực, số phủ huyện, châu rồi mới nói đến đất đai, sản vật phong tục tập quán và khí chất con người cùng các đồ cống tiến cho vua. Chẳng hạn, về đạo Hải Dương tác giả chép: Biển cùng Lục Đầu, Yên Tử ở về Hải Dương. Ở vùng này đất thì trắng, mềm, hợp với việc trồng thuốc hút; ruộng thì vào hạng thượng trung. Huyện Tiên Phong có lụa. Huyện Bất Bạt có dầu, rào chắn, gai, đay, và đồ nhung liệu. Huyện Mỹ Lương có ngà voi, sừng tê. Huyện Tam Nông có chè tai mèo, sáp vàng, sáp trắng. Làng Nguyên Thán có vải nhỏ. Sông Hát Giang có cá anh vũ. Huyện Sơn vĩ có trĩ trắng; sơn; tơ. Nhưng Dư địa chí không phải chỉ do một mình Nguyễn Trãi soạn mà nó là một công trình tập thể. Ngoài những câu chép đơn giản về các đạo của Nguyễn Trãi, sách này càng được sáng rõ hơn, đầy đủ hơn nhờ lời tập chú của Nguyễn Thiên Túng, lời cẩn án của Nguyễn Thiên Tích và lời thông luận của Lý Tử Tấn đều là người đồng thời với Nguyễn Trãi. Đọc Dư địa chí, chúng ta thấy được những sản phẩm phong phú của Tổ quốc. Đất nước ta từ xưa, theo Dư địa chí, đã có những khoáng sản dồi dào đồng thiếc ở Hưng Hóa; chì, đồng,bạc, vàng, sắt, đan sa, diêm tiêu ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn; tùng, bách, hòe, liễu của Hải Dương; quế, sa nhân ở Hưng Hóa, mây ở Tuyên Quang; gỗ, đồng của Cao Bằng; thuốc lá, hồ tiêu của Thuận Hóa… Ấy là chưa kể đến thổ sản khác, từ cá anh vũ ở sông Hát đến cá rô làng Thịnh Liệt; từ mật ong vàng tinh khiết, vị ngọt ở Tuyên Quang đến đá hoa có vân như sắc mây, có thể làm khánh ở Hải Dương; từ muối biển đến ngọc côn dao; từ gà chọi, thỏ trắng đến chim trĩ và voi rừng. Thủ công nghiệp cũng có địa vị của nó. Trước hết tác giả ghi chép về các nghề thủ công của Thượng Kinh (kinh đô Thăng Long). Ông đã kể ra phường Tàng Kiếm (nay là đoạn phố Lê Duẩn từ Cửa Nam đến ngã tư Khâm Thiên) làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm, võng, gấm trừu, dù lọng. Phường Yên Thái (vùng chợ Bưởi ngày nay) làm giấy. Phường Thụy Chương (vùng Thụy Khuê ngày nay) và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân (ở khu phố Hàng Cá ngày nay) nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất (có lẽ phố Hàng Quạt ngày nay) làm quạt. Phường Đường Nhân (có lẽ là phố Hàng Ngang ngày nay) bán áo diệp y…Trên thực tế ở Thăng Long chắc chắn những phường nghề này xuất hiện trước khi ghi chép và phản ánh trong tài liệu này. Dư địa chí còn khảo tả về các nghề thủ công và sản vật nổi tiếng ở các trấn như the Kim Bảng, lụa Thanh Oai, rượu sen, rượu cúc Hoàng Mai ở Sơn Nam; lụa Tiên Phong, đay Bất Bạt ở Sơn Tây; gấm; lĩnh Yên Bác ở Lạng Sơn; vải nhỏ ở các ấp Mao Điền, Bất Bế, Hội Am (Hải Dương). Những tên làng quen thuộc đã đi vào ca dao như Huê Cầu nổi tiếng với nghề nhuộm, Bát Tràng nổi tiếng với nghề gốm được chép vào tác phẩm địa lý đầu thế kỷ XV này. Những tấm vải thâm, những bộ bát đĩa của hai làng này là những đồ cống tiến cho vua phong kiến Trung Quốc.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo không chỉ giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc mà còn gương cao ngọn cờ văn hóa: Như nước Đại Việt ta thật là một nước văn hiến. Bờ cõi núi sông đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Dư địa chí vẫn tiếp tục tư tưởng trong Bình Ngô đại cáo, khẳng định nước ta là một nước có truyền thống lịch sử văn hiến, có núi sông bờ cõi riêng, có quốc đô, có phong tục tập quán riêng. Ngay trong phần đầu của cuốn sách, Nguyễn Trãi đã viết: Nước ta mới mở, gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía nam đến Chiêm Thành, phía bắc đến hồ Động Đình. Hùng Vương tiếp nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô tại Phong Châu. Vua Thục đặt tên nước là u Lạc, đóng đô tại Phong Khê ( nay là Cổ Loa). Tiền Lý gọi là nước Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Ngô gọi nước là Tiền Ngô đóng đô ở Loa thành. Đinh gọi nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Lý gọi nước là Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long. Trần đến triều Lê ta, quốc hiệu vẫn theo như Lý, mà cũng đóng đô ở đấy.
Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, bản sắc đó được thể hiện thông qua ngôn ngữ, cách ăn mặc. Do vậy trong tài liệu này, Nguyễn Trãi khuyến cáo: Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp đề làm loạn phong tục trong nước. Bởi vì, theo tác giả, tiếng Ngô (nhà Minh) nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân Lạp nói trong cổ như tiếng chim quẹt; nhưng đều không được bắt chước để loạn tiếng nói nước nhà. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy khôi phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường, nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn vào người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm lấy khăn che đùi để lộ hình thể. Người Xiêm La, người Chân Lạp lấy vải bọc tay và gối…Các tục ấy đều không nên theo để làm loạn phong tục của người Việt.
Nhằm đề cao chủ quyền dân tộc và đảm bảo an ninh trong nước, tác giả tuyên bố: các người ngoại quốc không được tự tiện vào trong nội trấn. Tất cả đều phải ở Vân Đồn, Vạn Ninh, Cần Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thông Lĩnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trúc Hoa. Nội trấn tức là 4 kinh lộ, còn gọi là kinh trấn bao gồm Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam. Ngoài nội trấn, các địa điểm trên chính là các cửa khẩu, nơi quy đinh để kiểm soát và làm thủ tục cho người ngoại quốc vào Đại Việt.
Các sách địa chí nước ta trước đây đều có phần nói về diên cách, về sự biến đổi không gian và tên gọi của mỗi đơn vị đó qua các thời kỳ lịch sử. Sự biến đổi ấy không phải ngẫu nhiên, nó phản ánh cách tư duy và cách nhìn của mỗi giai cấp, mỗi chế độ xã hội, mỗi thời đại về lãnh thổ. Dư địa chí vẫn là cuốn sách địa chí đầu tiên có giá trị về mặt địa lý học – lịch sử của dân tộc ta, trong đó xác định vị trí địa lý của mỗi địa phương và các địa danh. Dư địa chí chép rằng thời Lê chia nước ra làm 15 đạo: Thượng kinh (tức kinh đô), Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc, An Bang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam giới (tức Quảng Nam), Hưng Hóa, Lạng Sơn, Cao Bằng. Sách này ghi lại các núi sông đặc biệt cũng như tên gọi các đơn vị hành chính mỗi địa phương, xác định các mốc địa giới hiện tại và địa giới trong lịch sử nhất là vào thế kỷ XV. Dư địa chí còn nêu lên vị trí địa chiến lược của các đạo, trấn lấy Thượng kinh làm trung tâm. Chung quanh Thăng Long là 4 đạo trấn như Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và đều là các trấn đứng đầu các phên dậu các phía bao bọc che chở cho kinh thành Thăng Long. Tác giả xác định: Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và đứng đầu phên giậu phía đông. Sơn Tây là trấn thứ hai trong bốn kinh trấn đứng đầu phên giậu phía tây. Sơn Nam là trấn thứ ba, đầu các xứ nam. Kinh Bắc là trấn thứ tư trong bốn kinh trấn và đứng đầu phên giậu phía bắc.
Dư địa chí thể hiện phương pháp biên soạn địa chí vừa ngắn gọn vừa cô đọng, nhưng súc tích và khắc họa được diện mạo của đất nước, của dân tộc vào thế kỷ XV. Đây có thể coi là bộ quốc chí mẫu mực, vì từ đó trở đi, không ai viết địa chí mà lại không quan tâm đến hai vấn đề lớn là lãnh thổ và giống nòi. Người ta còn gọi Dư địa chí là An nam Vũ cống vì Nguyễn Trãi dùng thể văn của thiên Vũ cống trong Kinh Thư Trung Quốc để viết Dư địa chí. Vũ cống là một tác phẩm địa lý Trung Quốc cổ đại, trong đó mô tả sông núi đất đai, sản vật các châu thời vua Vũ và định lệ cống cho các châu (vì thế nên gọi là Vũ cống). Dư địa chí chính là công cụ tra cứu, công cụ quản lý cho nhà vua và các quan lại trong triều và các địa phương. Đối với quan lại ở các địa phương trước đây, ngoài lý do, yêu thích một vùng đất, một địa phương có thể là quê hương mình, còn là do yêu cầu phải tìm hiểu đến nơi đến chốn các địa phương mà mình đang trị nhậm để thi hành công vụ cho được thấu tình đạt lý.
Dư địa chí chứa đựng trăm ngàn vạn ước mơ, sự tâm đắc cũng như nỗi trằn trọc của dân tộc. Tâm đắc vì đất nước Đại Việt chúng ta giàu có về tài nguyên thiên nhiên lại có truyền thống lịch sử, văn hóa. Trằn trọc vì nguồn tài nguyên thiên nhiên và những sản phẩm do con người làm ra khi được khai thác phải cống nạp cho vua quan phong kiến. Tất cả những điều đó được phản ánh thông qua ngòi bút sắc sảo của tấm lòng nhân hậu, người anh hùng, nhà văn hóa lớn của dân tộc là Nguyễn Trãi.
Sách địa chí là bộ phận quan trọng trong vốn di sản văn hóa thành văn của dân tộc . Hơn sáu trăm năm đã trôi qua, kể từ khi Nguyễn Trãi soạn Dư địa chí, nhưng công trình của ông vẫn giữ nguyên giá trị. Hiện nay chúng ta rất cần những công trình địa chí mang tính quốc chí có tầm cỡ nhằm cung cấp kiến thức cho mọi người, là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để nâng cao chất lượng biên soạn các công trình địa chí, chắc chắn các nhà biên soạn cần tìm hiểu Dư địa chí của Nguyễn Trãi, vì tài liệu này mang đầy đủ những đặc trưng tiêu biểu của thể loại sách địa chí.
Nguyễn Văn Cần
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trãi toàn tập, Quyển 6, Quốc thư bảo huấn đại toàn, Dư địa chí, Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin, 2001, tr.725-857.
2. Hà Văn Tấn, Giới thiệu sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Tài liệu khóa tập huấn Lý luận và thực tiễn biên soạn sách địa chí, Hà Nội, 1999, tr.143-150.
Xem thêm: Địa chí Quảng Trị công trình bách khoa thư đặc biệt quan trọng
Ở cổng trời rừng cấm thuộc tỉnh Lâm Đồng có cây thông hai lá cổ thụ nghìn năm tuổi sừng sững vươn lên khỏi tán rừng. Đồng bào K'ho ở địa phương gọi là "cây thần linh", luôn bảo vệ cây đặc biệt.
Vấn đề thuế đinh tại đảo Phú Quý từ xưa đến nay vẫn còn ghi lại nỗi đau lòng của đồng bào. Các sắc thuế ở hải đảo này đã phải chịu qua 3 thời kỳ gồm có: Thuế vảy đồi mồi, thuế mắm cơm và thuế vải Hòn, tất cả đều được đặt dưới hình thức của thuế đinh (thuế thân) lấy bài chỉ.
Tuyên Vương Nguyễn Phúc Hạo 阮福昊, còn có tên là Hiệu, ông là con thứ 9 của đức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và bà Hữu Cung tần Trương Thị Hoàng. Tuyên Vương sinh vào ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Mùi (27/12/1739).