Trước tiên, sau khi lập chính quyền ở đây, họ Nguyễn đã thi hành chính sách khá cởi mở với nhiều ưu đãi cho những người đến định cư ở vùng đất mới, mặt khác cho một số địa chủ giàu có người Việt chiêu mộ dân nghèo các tỉnh từ Thuận Hóa đến Phú Yên vào khai khẩn đất hoang. Lớp người thứ hai là những người tù tội bị lưu đày, trốn thuế, có số là những người trốn tránh binh dịch trong chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Công cuộc khai hoang lập làng được xúc tiến mạnh mẽ kể từ khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn chấm dứt vào cuối thế kỷ XVII.
Hà Ra, Nha Trang đầu thế kỷ XX.
Thực chất cuộc di cư của người Việt từ phía Bắc vào chủ yếu là để kiếm kế sinh nhai, để thoát khỏi ách áp bức bóc lột của các dòng họ phong kiến Trịnh, Nguyễn. Vì vậy, trong quá trình khai khẩn những vùng đất trống và định cư tại đây, cư dân Việt đã sống xen kẽ với cư dân bản địa một cách hòa bình, tiếp nhận văn hóa của nhau tạo thành một nền văn hóa mới. Những vùng đất đầu tiên in dấu chân của người Việt trải dài từ Vạn Ninh như Đại Lãnh, Vạn Giã, Vạn Lương, cho đến khu vực Hòn Khói và khu vực ven sông Dinh ở Ninh Hòa. Ở Diên Khánh có tứ thôn Đại Điền, Thành Diên Khánh và vùng phụ cận. Tại Nha Trang có vùng Vĩnh Điềm, Ngọc Hội, Lư Cấm. Tại khu vực Cam Ranh, quá trình di dân, khai hoang lập làng diễn ra muộn hơn rất nhiều so với các nơi khác trong tỉnh (mãi đến đầu thế kỷ XX). Nhìn chung, những vùng đất ven sông, đồng bằng thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp và dọc duyên hải thích hợp với nghề cá, nghề muối là nơi tụ cư đầu tiên và chủ yếu của người Việt.
Với số đất đai được khai khẩn như thế, cho ta thấy đó là kết quả của một quá trình lao động cần cù khó nhọc của hàng vạn nông dân Việt nối tiếp quá trình khai thác trước đó của người dân bản địa.
Chợ Thành, Diên Khánh. (Ảnh chụp năm 1940)
Cùng với quá trình di dân, khẩn hoang lập nghiệp là sự hình thành các cộng đồng làng xã. Theo “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì vào đầu thế kỷ XIX, ở Khánh Hòa đã xác lập được 2 phủ, 5 huyện, 18 tổng và 290 làng.
Làn sóng di cư lớn lần thứ 2 của người Việt từ phía Bắc vào Khánh Hòa diễn ra một cách tự phát nhưng ồ ạt vào giữa thế kỷ XIX trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Do chính sách cấm đạo của triều Nguyễn, những người theo đạo Thiên Chúa ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã vượt đèo Cả tìm chốn nương thân. Lớp người di cư này thường đi theo từng dòng họ lập nên các làng đạo. Một minh chứng cụ thể là vào cuối thế kỷ XIX, tại Nha Trang có một số nhóm người từ Bình Định đã vào định cư và lập nên làng Vĩnh Hội (1883), hoặc có 2 dòng họ Lê và họ Nguyễn cũng từ Bình Định vào lập thành một làng đạo trên 1 cù lao giữa sông Cái (Cồn Dê nay gọi là làng Ngọc Thảo) vào năm 1887.
Ngoài 2 làn sóng di cư lớn nói trên, từ năm 1653 đến đầu thế kỷ XX còn có nhiều cuộc di cư khác lẻ tẻ với quy mô nhỏ. Những cuộc di cư này đã bổ sung thêm lực lượng khai phá trên vùng đất mới Khánh Hòa. Làng xóm hình thành và phát triển không ngừng. Từ đó, đình làng Việt cũng mọc lên. Đình làng đánh dấu sự dừng chân của một dòng họ hay một cộng đồng cư dân của người Việt sau một quá trình thiên di gian khổ. Mỗi làng đều có một nghề riêng, một phong tục tập quán riêng. Kể từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, hàng loạt làng xóm và đình chùa được lập nên.
Cho đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu ở đồng bằng Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh và ven các dòng sông lớn đã được khai phá. Quá trình hình thành làng xã cùng với các thiết chế chính trị - xã hội ở Khánh Hòa coi như tạm ổn định. Do ảnh hưởng của quá trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, ở Khánh Hòa đã xuất hiện một kết cấu xã hội mới bên cạnh cấu trúc làng xã. Đó là sự ra đời của các thị trấn và trung tâm đô thị Nha Trang.
Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, bên cạnh làng xóm Việt đang tiếp tục hình thành và phát triển thì xuất hiện các trung tâm kinh tế văn hóa lớn đầu tiên ở Khánh Hòa là Ninh Hòa, Diên Khánh và Nha Trang với một hệ thống: miếu - đình - chùa - chợ - thành (Thành Diên Khánh) - thị cảng (thị cảng Vĩnh Điềm - Nha Trang). Hiện tượng lịch sử này làm cho cảnh quan văn hóa làng xóm có sự thay đổi lớn. Trong các trung tâm kinh tế - văn hóa nói trên thì Diên Khánh trở thành tỉnh lỵ của Khánh Hòa, Vĩnh Điềm trở thành trung tâm sinh hoạt kinh tế - thương mại - văn hóa của tỉnh.
Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa không dừng lại ở đó. Sẽ chưa đầy đủ nếu như không đề cập đến một hiện tượng lịch sử mới, đó là quá trình đô thị hóa Nha Trang - Trung tâm kinh tế chính trị xã hội và văn hóa mới của Khánh Hòa đầu thế kỷ XX.
Nông dân Khánh Hòa đầu thế kỷ XX
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, khi mà khu thị tứ Vĩnh Điềm Hạ đã có tuổi thọ trên dưới một thế kỷ và trở thành trung tâm thương mại quốc tế của Khánh Hòa, các địa danh quen thuộc như chợ Thanh Minh, Thành Diên Khánh, Ninh Hòa, Vĩnh Điềm, Ngọc Hội, Lư Cấm, Vĩnh Hội… đã trở nên quen thuộc với những làng xóm sầm uất trù phú thì Nha Trang vẫn còn là một bãi cát mênh mông, chỉ có dăm ba nóc nhà ngói của người Pháp bên mé biển và vài dãy nhà tranh lụp xụp của ngư dân người Việt chen chúc nhau ở xóm Cồn. Đường sá chưa có, phố quán cũng không. Đường liên lạc duy nhất với Huế và Sài Gòn chỉ là con đường biển. Con đường đi lên Diên Khánh lúc này chỉ mới là con đường rải đá sơ sài, còn giao thông chủ yếu vẫn là con đường thủy qua sông Cái. Trung tâm buôn bán, sinh hoạt kinh tế, văn hóa vẫn tập trung tại Vĩnh Điềm Hạ.
Năm 1885, quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang, phong trào Cần Vương lan tới Khánh Hòa. Do lực lượng địch quá mạnh, nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của các ông: Trịnh Phong, Trần Đường và Nguyễn Khanh (được nhân dân ca tụng là Khánh Hòa tam kiệt) đã phải chịu thất bại vào năm 1886.
Nông dân Khánh Hòa đầu thế kỷ XX
Nền đô hộ của thực dân Pháp tại Nha Trang chính thức bắt đầu từ đây. Cũng như các tỉnh khác ở Trung Kỳ, Khánh Hòa nằm dưới ách cai trị của hai thế lực: Chính phủ Bảo hộ (Pháp) và Chính phủ Nam triều (triều Nguyễn). Cấp chỉ huy tỉnh thuộc Nam triều đóng tại Diên Khánh (còn gọi là cơ quan tỉnh). Cơ quan lãnh đạo của Chính phủ Pháp đóng ở Nha Trang (gọi là Tòa Sứ). Từ đó Nha Trang trở thành tỉnh lỵ của Khánh Hòa. Nhằm phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp không ngừng từng bước xây dựng và mở rộng khu vực Nha Trang, làm cho nơi đây trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Nha Trang có địa thế đẹp, là một vịnh kín gió nên đây là vị trí chiến lược phòng thủ quân sự quan trọng và an toàn trước thiên tai. Nha Trang cũng là nơi có khí hậu ôn hòa, bờ biển sâu, rất thuận lợi cho việc nghiên cứu động thực vật và thủy văn. Vì thế khi đặt được nền cai trị lên đất Nha Trang, Chính phủ Pháp đã xây dựng ở đây 2 cơ sở nghiên cứu khoa học lớn. Đó là Viện Pasteur và Viện Hải dương học.
Quá trình Nha Trang được hình thành và phát triển thành một trung tâm đô thị của Khánh Hòa trong vòng 40 năm kể từ năm 1886 đến năm 1924 không chỉ đơn thuần là sự đầu tư của Chính phủ Pháp mà chủ yếu là sự tham gia đắc lực của nhân dân Khánh Hòa. Để kiến thiết Nha Trang từ một bãi cát mênh mông bên bờ biển Đông thành một đô thị sầm uất nhất tỉnh Khánh Hòa phải cần đến bàn tay lao động và khối óc của ngư dân người Việt và vật liệu xây dựng cần thiết nhất là gạch, ngói, vôi. Những nghề thủ công truyền thống như nghề gốm ở Lư Cấm, Diên Khánh, Ninh Hòa, nghề vôi ở Phương Sơn, nghề hồ ở Ngọc Hội… đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân lực và vật lực cho quá trình đô thị hóa Nha Trang. Những tòa nhà công sứ, công sở, khách sạn ven biển bắt đầu xuất hiện. Rồi cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, đường sá hình thành. Chợ búa, phố xá, hàng quán thi nhau mọc lên mà trung tâm là chợ Vuông ở vùng đầm Xương Huân.
Khi nhận thấy Nha Trang ngày càng trở nên sầm uất và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - văn hóa - chính trị của Khánh Hòa, ngày 11-6-1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập “Thị xã Nha Trang”. Đạo dụ này được Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y ngày 30-6-1924. Như thế, suốt 40 năm, những người lao động ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang đã phải đổ biết bao mồ hôi, để cho ra lò những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của một thành phố du lịch xinh đẹp và hiện đại như ngày nay.
Sự ra đời của trung tâm đô thị Nha Trang khiến cho Vĩnh Điềm dần dần mất đi vai trò trung tâm thương mại của nó. Đầu thế kỷ XX, khi Nha Trang đang trong quá trình hình thành, con đường bộ từ Nha Trang lên Diên Khánh cũng được kiến thiết. Con sông Cái qua Vĩnh Điềm không còn là đường giao thông duy nhất ở Nha Trang. Cảng Cửa Bé, cảng Cầu Đá, cảng Xóm Bóng trở thành những tụ điểm của những hội buôn. Bóng dáng tàu buồm trong và ngoài nước từ cửa biển Nha Trang lên Vĩnh Điềm càng thưa dần. Do mực nước thủy triều của sông Cái thấp dần nên lòng sông Cái hẹp lại, quá trình đô thị hóa đã biến một phần xóm làng thành những dãy phố đông đúc. Do đó, trung tâm thương mại Vĩnh Điềm được thay thế bởi chợ Vuông ở Đầm Xương Huân. Năm 1971, chợ Tròn được xây dựng ngay bên cạnh chợ Vuông. Người ta gọi khu chợ Vuông - Tròn này là chợ Đầm vì cả 2 chợ đều được xây dựng trên Đầm Xương Huân. Chợ Đầm trở thành khu vực chợ lớn nhất Nha Trang. Từ đó, chợ Đầm đóng vai trò trung tâm thương mại của tỉnh, còn Nha Trang ngày càng được tô điểm thêm bởi bàn tay lao động cần cù và sự thông minh, sáng tạo của các cộng đồng trên đất Khánh Hòa qua nhiều thế hệ.
Theo thống kê của Quốc sử quán triều Nguyễn thì năm 1726, ở Dinh Thái Khang đã lập thêm một số thuộc miền núi, gồm có: Diên Ninh: 14 thuộc, Bình Khang: 20 thuộc. Năm 1764, tổng số ruộng đất từ Quảng Nam đến Gia Định là 27 vạn dặm, trong đó:
Bình Khang: 6.148 mẫu 0 sào 8 thước 5 tấc.
Diên Ninh: 5.920 mẫu 0 sào 1 thước 1 tấc.
Xem thêm: Tài liệu địa chí cổ với việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Nabataea, một vương quốc Arab cổ đại, đã xây dựng hệ thống thu gom và phân phối nước vẫn còn sử dụng được sau hàng nghìn năm.
Địa danh gắn liền với quá trình lịch sử, truyền thống văn hóa, nguồn gốc cư dân của từng địa phương. Qua nghiên cứu địa danh, chúng ta có được nguồn tư liệu gốc để nghiên cứu lịch sử hình thành, biến đổi và phát triển của mỗi địa phương, của từng tộc người.