Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, nghi lễ mở đầu cho Lễ hội khai ấn Đền Trần dịp xuân hằng năm.
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ diễn ra ngày 11 tháng Giêng, với ý nghĩa rước hương linh của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông từ Chùa Phổ Minh sang bái yết tiên tổ Trần triều và chứng kiến các nghi lễ thờ thủy tổ tại đền Thiên Trường. Nghi lễ biểu hiện sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân tộc và tôn giáo (đạo Phật) của Việt Nam.
Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần. Với đời, ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, lãnh đạo, đoàn kết quân dân đánh giặc Nguyên-Mông xâm lược. Với đạo, ngài là vị thiền sư đắc đạo, là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng của Phật giáo Việt Nam.
Nghi lễ được thực hiện với ý nghĩa rước hương linh Phật hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Thiên Trường để bái yết tiên tổ Trần triều.
Tại lễ rước kiệu Ngọc Lộ, đám rước hàng trăm người, có đầy đủ cờ, nghi trượng, dàn bát âm, khởi hành từ đền Thiên Trường sang chùa Phổ Minh. Đội múa rồng đi đầu đoàn rước kiệu, biểu diễn trong tiếng trống hội rộn rã, náo nức của ngày xuân. Nổi bật giữa đám rước là kiệu Ngọc Lộ rất lớn, chạm khắc tinh xảo, được gánh bởi các trai tráng khỏe mạnh.
Khi đoàn rước kiệu trở về đền Thiên Trường, nơi cách chùa Phổ Minh khoảng 500m, bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông được thỉnh từ trong kiệu ra, với ý nghĩa về bái tổ, tri ân công đức các bậc tiền nhân. Các vị cao niên, thủ nhang đền Thiên Trường làm lễ kính cáo với các vị vua Trần.
Đội múa rồng dẫn đầu đoàn rước kiệu hàng trăm người, với đầy đủ cờ, nghi trượng, dàn bát âm...
Trong không gian linh thiêng, rất nhiều người dân đã đến để chứng kiến một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội khai ấn Đền Trần. Từng có thời gian dài lễ rước kiệu Ngọc Lộ bị mai một, trước khi được phục dựng đầy đủ vào năm 2015.
Ngày 12 tháng Giêng xuân Giáp Thìn, tại Đền Trần tiếp tục diễn ra nghi lễ rước nước, tế cá. Nghi lễ này có ý nghĩa tôn vinh nghề chài lưới vốn là xuất thân của nhà Trần, và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ rước nước, tế cá có ý nghĩa tôn vinh nghề chài lưới vốn là xuất thân của nhà Trần, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Đoàn rước có đầy đủ đội rước rồng, lân; chiêng, trống, đội bát âm, kiệu rước nước, kiệu rước cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ như vó, giậm, nơm; kiệu thánh, đội tế nam quan, đội tế nữ quan…
Đầu tiên, đoàn lễ thực hiện nghi thức rước nước ở giếng Rồng ở phía đông đền Cố Trạch. Sau đó, đoàn tổ chức đánh bắt hai loại cá “triều đẩu” (cá quả) và “long ngư” (cá chép), chuyển đến kiệu Rồng, rước về đền Thiên Trường. Kết thúc nghi lễ, các vị cao niên thực hiện nghi thức dâng nước, tế cá.
Đoàn lễ sẽ chọn những con cá đẹp nhất, khỏe nhất để làm lễ rước nước, tế cá trước khi phóng sinh chúng ra sông Hồng.
Cũng như lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước, tế cá từng có thời gian bị mai một trước khi được phục dựng từ năm 2014 dựa trên việc nghiên cứu các thư tịch cổ, sự tìm tòi trong dân gian và những ý kiến đóng góp của các bô lão địa phương.
Cùng lễ khai ấn sẽ diễn ra đêm 14 tháng Giêng, các nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá đậm đà màu sắc truyền thống đang được gìn giữ, phát huy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương, cũng như ước mong giữ mãi hào khí Đông A chói lọi của vương triều Trần.
Nguồn: nhandan.vn
Xem thêm: Hành trình về nguồn Pác Bó, vùng đất thơ mộng và giàu lịch sử
Đến thăm Pác Bó Cao Bằng, bạn không chỉ được hiểu hơn về nơi Bác Hồ sinh sống, làm việc một thời mà còn được thư giãn và thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh sắc đẹp tuyệt tác của miền sơn cước.
(QBĐT) - Cứ vào thư tịch cổ để lại thì từ thời Trung đại, ở nước ta đã xuất hiện một loại sách gọi là Địa chí ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh...), hình thành và phát triển với những phạm vi và tầm mức khác nhau, do các trí thức đương thời biên soạn.
Quần thể kiến trúc này đã gây nhiều tranh cãi trong suốt hơn 30 năm qua vì giới chuyên gia chưa thể lý giải được cách nó hình thành dưới đáy biển Thái Bình Dương ra sao.