Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Cồn bãi giữa dòng Gianh: Những 'cái nhất' ở Cồn Sẻ

22/04/202484

Những doi đất ở vùng hạ lưu sông Gianh (Quảng Bình), tức Linh Giang, chỉ giới tự nhiên phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài trong quá khứ, giờ đang ôm ấp hàng vạn mảnh đời. Trên sông Gianh có nhiều cồn, dài nhất khoảng 3,8 km, rộng nhất khoảng 0,8 km. Giữa bốn bề sóng nước, cư dân vẫn kiên cường bám trụ hết đời này sang đời khác và không thôi ấp ủ những giấc mơ.

So với những cồn bãi khác ở giữa dòng Linh Giang, Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) sở hữu nhiều cái nhất, có cái đáng tự hào nhưng cũng có cái không. Đây là nơi có nhà cao tầng nhiều nhất, sinh con đẻ cái nhiều nhất và… vay ngân hàng nhiều nhất.

Phố trên cồn

Đứng bên ni nhìn qua bên kia sông, Cồn Sẻ gây choáng cho người viết ngay từ những hình ảnh đầu tiên. Đó là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau với kiểu dáng, kiến trúc hiện đại và đắt đỏ, không thua gì thành phố. Điều này hoàn toàn khác với tưởng tượng ban đầu về những xóm cồn bãi của dân vạn chài nghèo xác xơ… Nối với cồn có cây cầu nhỏ, rộng chỉ 3 m, dài chưa đầy 100 m, là món quà của Đoàn thanh niên Tập đoàn Dầu khí VN tặng năm 2014. Tưởng như chỉ cần bước qua cây cầu này thì khách lạc vào một thế giới khác, đầy hào nhoáng.

Ông Nguyễn Cương, 63 tuổi, Trưởng thôn Cồn Sẻ, khiêm tốn ước đoán rằng thôn chỉ có khoảng 50% nhà cao tầng, nhưng chúng tôi đếm kỹ có lẽ tỷ lệ tăng lên ít nhất phải 70%. Cũng dễ hiểu, vì dù mang tiếng là vùng cồn bãi nhưng cả thôn chỉ có vỏn vẹn 17 hộ nghèo.

Ông Nguyễn Anh Thêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc giai đoạn 2004 - 2011, nhìn nhận Cồn Sẻ bây giờ và thời ông đương nhiệm khác nhau một trời một vực. "Ngày xưa Cồn Sẻ là "10 không", nôm na là cái gì cũng không có. Nay thì như anh thấy đấy, nhà cửa của bà con khang trang, có khi còn đẹp hơn nhà tôi", ông Thêm nói.

Ông Thêm không quá lời. Dù hệ thống hạ tầng đường sá chưa phát triển nhưng nhà cao tầng trị giá tiền tỉ cứ thế mọc lên ở xứ cồn bãi này, cái sau đẹp và to hơn cái trước. Kể cả lúc này, khi tình kinh tế nói chung đang trầm lắng thì nhiều gia đình ở Cồn Sẻ vẫn mải miết làm nhà lớn. Có vẻ như suốt nhiều đời khổ cực, phải sống trong những túp lều lụp xụp đã thôi thúc họ phải xây được nhà lớn khi có chút tiền trong tay.

Tuy nhiên, sự hào nhoáng đó ở Cồn Sẻ cũng có lý do, mà theo ông trưởng thôn tặc lưỡi so sánh nếu tính tỷ lệ hộ dân thì người dân Cồn Sẻ có số nợ ngân hàng… nhiều nhất TX.Ba Đồn. "Bà con vay nợ rất nhiều. Có người vay để đóng tàu, mua ngư lưới cụ, cho con đi xuất khẩu lao động. Nhưng cũng có người vay để xây nhà to hay làm những điều mà họ cho là cần thiết. Nên nhìn bề ngoài là vậy, nhưng không biết bên trong ruột có ổn không?", ông Cương thoáng lo lắng.

"Làng siêu đẻ"

Cồn Sẻ có 868 hộ dân nhưng có đến 4.068 nhân khẩu. Đây là số liệu có vẻ "sai sai" về quy mô dân số nếu tính bình quân từng gia đình. Đi quanh cồn, đâu cũng thấy con nít. Nhiều đến mức chính quyền phải xây riêng một trường tiểu học lớn trên cái cồn bé nhỏ này.

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Quảng Lộc, cười ý nhị nói rằng đã có thời Cồn Sẻ được gọi là "làng siêu đẻ". Bà con đẻ "thả phanh", đẻ cho "hết trứng". "Trước đây mỗi nhà 6 - 7 đứa con là thường. Bây giờ chính quyền vận động khản cổ, cũng kéo về được tỷ lệ mỗi nhà đẻ 3 - 4 đứa", ông Cảnh nói.

Lý do dân Cồn Sẻ sinh đẻ giỏi là từ xa xưa, khi những người đến đây khai khẩn tầm 300 năm trước, họ hành nghề biển giả. Họ cần con trai để có người đi biển, càng nhiều càng tốt. "Trước đây, bà con cũng không sống trên bờ, mà ở dưới đò. Vợ chồng đi vào đi ra cũng vấp nhau, thế là… sinh chuyện. Cũng nào ai biết "kế hoạch" là cái chi chi", ông Cương trưởng thôn vui miệng.

Giờ đây, ở Cồn Sẻ, những gia tộc hùng mạnh như họ Nguyễn, Mai, Phạm, Cao… với rất nhiều trai đinh. Hễ có việc gì, chỉ cần hô một tiếng thì con cháu lũ lượt kéo về. Nhưng cũng vì đẻ nhiều nên Cồn Sẻ bỗng trở nên chật chội. Cồn chưa đầy 1 cây số vuông mà chứa ngần ấy con người, báo hiệu một tương lai sẽ phải thay đổi rất nhiều trong quy hoạch dân cư, hoặc người Cồn Sẻ phải rời xa nơi này để có đủ đất sống.

Mưu sinh giữa tứ bề sóng nước

Từ những chiếc thuyền nan chỉ đủ để chài cá ven sông, ngày nay Cồn Sẻ đã có một đội tàu đánh bắt xa bờ với hơn 60 chiếc. Mỗi lần vươn khơi, những chiếc tàu của Cồn Sẻ hoàn toàn có thể hỗ trợ nhau trên biển khi trúng luồng cá lớn hay khi gặp hoạn nạn. Đánh cá ở vùng biển VN chưa đủ, người Cồn Sẻ còn xuất ngoại. Khoảng 600 người Cồn Sẻ đang "kiếm cơm" ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… với nghề đi biển.

Dù vậy, vẫn có người không muốn rời quê. Họ chọn một nghề gần gũi với đời sông nước: nuôi cá lồng bè. Khoảng 40 hộ dân đang theo nghề này, trong đó có anh Nguyễn Xuân Hoàn (45 tuổi), người đầu tiên tốt nghiệp đại học ở Cồn Sẻ, nay là Bí thư chi bộ thôn Cồn Sẻ, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình. "Tôi vốn học về ngành xã hội nhân văn nhưng lại thích nuôi cá. Cũng chả có gì sai đâu nhỉ, vì cha ông tôi cũng nuôi lớn tôi nhờ con cá, con tôm. Tôi thì nuôi cá hồng và cá chẽm, nhiều hộ khác còn nuôi thêm cá mú. Nói chung nghề ni sống được, không phải lưu lạc xứ người", anh Hoàn nói.

Có một nghề nữa cũng phát triển rực rỡ ở Cồn Sẻ. Ông Cương trưởng thôn nói đầy tự hào rằng, dân Cồn Sẻ đan và sửa lưới cho rất nhiều thuyền bè từ nam chí bắc. "Hôm nay mưa, bà con không giăng, chứ ngày thường anh vào sẽ thấy lưới giăng treo khắp ngõ xóm. Ở đây có những nhà thầu như ông Mai Xuân Hiệp, Phạm Sơn, Phạm Đào… rất có tiếng với nghề này", ông Cương khoe.

Cho đến tận bây giờ, với sự hào nhoáng ở Cồn Sẻ, nhiều người vẫn bảo rằng sự giàu có dường như chưa thực sự bền vững. Nhưng cũng cần nhìn thấy ở đó một sự trỗi dậy mạnh mẽ. Bởi từ một làng chài nghèo khổ mọc lên giữa cồn bãi, với những con người chân chất, Cồn Sẻ như đang rũ bùn, mang khát vọng làm giàu bước ra với thế giới hiện đại. (còn tiếp)

Nguồn: thanhnien.vn

Xem thêm: Cuốn nhật ký tiết lộ cách người Ai Cập xây kim tự tháp

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet
Gia phả16/08/2023

Quan điểm của Nguyễn Trường Tộ về con đường cứu nước ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, Nghiên cứu Lịch sử, số 4. 2009

Cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ là một sự nỗ lực học hỏi và tìm tòi. Phương châm của ông là nghiên cứu kỹ “quốc sử” (lịch sử dân tộc) và “quan sát thế giới”, “chịu khó nghiên cứu cho sâu, học cho hết” rồi "đem những điều đã đọc được trong sách nghiệm ra việc đời”. Với phương châm và mục đích nghiên cứu ấy, Nguyễn Trường Tộ cho rằng: nước Đại Nam muốn bảo vệ độc lập thì phải thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương và tiến hành canh tân đất nước.

Bảo tồn Hàu “khổng lồ” ở Cồn Cỏ
Tin tức khác02/05/2024

Bảo tồn Hàu “khổng lồ” ở Cồn Cỏ

Đảo ngọc Cồn Cỏ (Quảng Trị) sắp bước vào mùa du lịch mới đầy hứa hẹn, sẵn sàng đón du khách gần xa. Và một trong những điều thu hút du khách tới đảo chính là được thưởng thức các món hải sản đặc biệt của Cồn Cỏ, trong đó không thể thiếu hàu Răng cưa. Điều này đặt ra cho kế hoạch khai thác phù hợp cũng như bảo vệ loài được phong là “hàu Vua” những nhiệm vụ quan trọng. Bởi đặc trưng loài hàu này còn có giá trị lớn về môi trường, có thể tạo nên “bờ kè tự nhiên” vững chắc bao quanh bờ kè nhân tạo, góp phần giữ phần nổi của đảo được lâu dài.

Mộc bản Trường học Phúc Giang
Tin tức khác18/03/2024

Mộc bản Trường học Phúc Giang

Mộc bản Trường học Phúc Giang là những cổ vật quý hiếm, duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Năm 2016, Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.