Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Về yếu tố nước trong lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (76). 2009

14/08/2023577

Ok-om-bok là lễ hội lớn sau lễ hội Chol-chnam-thmay của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu như Chol-chnam-thmay là lễ hội mừng năm mới và diễn ra vào đầu mùa mưa (giữa tháng 4 dương lịch) thì lễ hội Ok-om-bok được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, thời điểm vừa thu hoạch vụ lúa mùa xong và là cao điểm của mùa nước lũ trong năm.

 

                                                                                                                 

Vào đêm rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer tụ tập trước sân chùa hoặc sân nhà chờ trăng lên. Khi trăng vừa lên thì lễ Ok-om-bok (đút cốm dẹp) (1) bắt đầu: người cao tuổi nhất trong gia đình hoặc ông Acha (thầy cúng) lấy thức ăn mỗi thứ một ít (nhưng bắt buộc phải có cốm dẹp) để vào nắm tay rồi đút thật nhiều vào miệng cho trẻ con ăn và hỏi xem chúng ước muốn gì vào mùa tới. Câu trả lời của đứa bé được coi là dự báo cho mùa sau. 

“Ok-om-bok” là phần lễ (nghĩa là “đút cốm dẹp”) còn đua ghe ngo” (tuk- ngo: ghe/thuyền cong) là phần hội. Tuy nhiên, lễ hội này không phải chỉ gồm lễ “đút cốm dẹp” và hội “đua ghe ngo” mà thường kèm theo lễ thả đèn nước (hoa đăng), đèn gió và các hoạt động vui chơi giải trí khác như múa lăm-thol, múa xà-dăm, diễn tuồng rô-băm, dù-kê và hát à-day... Ngoài hội đua ghe ngo buộc phải tổ chức ban ngày ra, hầu hết các nghi thức của lễ hội Ok-om-bok đều diễn ra ban đêm. Tổng hợp các yếu tố “ban đêm”, “nước lớn” và “trăng tròn” có ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố âm tính nhằm cảm tạ thần nước đã phò trợ cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi và đưa tiễn nước trở lại về nguồn (biển). Vì nước được người Khmer hình tượng hóa thành mặt trăng nên đây cũng gọi là lễ cúng trăng (Bund Thvai-pres-khe). 

Cũng như nhiều lễ hội khác của đồng bào Khmer, lễ hội Ok-om-bok tích hợp cả yếu tố nông nghiệp lẫn yếu tố Phật giáo bên trong nó. Tuy nhiên, trong lễ hội này, yếu tố nông nghiệp đậm nét hơn, thể hiện ở tính chuyển mùa của nó: đánh dấu cao điểm của mùa nước và là thời điểm chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa nắng (mùa khô), kết thúc một vụ mùa trồng trọt.

1. Về yếu tố nước trong đời sống đồng bào Khmer 

Cũng như người Việt, đồng bào Khmer là cư dân nông nghiệp lúa nước điển hình. Ở ĐBSCL trước đây có rất nhiều giống lúa của người Khmer như nàng thơm, nàng quớt, nàng châu, nàng tiều... Do đó, trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer có nữ thần lúa tay cầm bó lúa, cưỡi trên lưng con cá thát lát. Chính vì thế mà trong các cuộc đấu xảo lúa giống ở Sóc Trăng do Thống đốc Nam Kỳ tổ chức vào năm 1923, các nông gia bản xứ mang đến 280 giống lúa khác nhau, năm 1924 có tới 209 giống lúa. (2)

Do sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước nên sau đất thì nước là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với người Khmer. Khảo sát sơ bộ kho tàng tục ngữ Khmer cho thấy trong số 39 câu tục ngữ về giới tự nhiên thì có tới 18 câu nói về nước. (3) 

Đặc biệt, khi hệ thống thủy lợi và khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển thì mùa màng càng phụ thuộc vào lượng nước mưa, dẫn đến tín ngưỡng sùng bái nước. Tín ngưỡng này ở người Việt đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu thể hiện qua việc thờ tứ pháp (bốn vị thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp), còn ở đồng bào Khmer ĐBSCL là thần Neakta-tức (thần nước) và rắn thần Naga. (4)

Vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch hàng năm, liền sau lễ Chol-chnam- thmay là lễ cầu mưa. Lễ này trước hết diễn ra tại miếu Neakta-tức, chủ yếu là nghi thức tụng niệm. Ngày xưa còn có nghi thức chọc tiết heo xem máu chảy nhiều hay ít để đoán lượng mưa hay đấu võ, lên đồng đến khi toát mồ hôi để cầu mưa. Một số nơi còn lấy tượng thần Bà La Môn (được đồng nhất với Neakta) quẳng xuống nước để cầu mưa. (5) 

Do yếu tố nước giữ vai trò sống còn nên huyền thoại Khmer kể rằng từ buổi sơ khai, hoàng tử Prah Thong từ Ấn Độ sang cưới công chúa Thủy Tẻ là con gái của vua rắn 9 đầu, được vua cha uống cạn nước biển để lập ra quốc gia Cao Miên. Sau đó, nhà vua nào của vương quốc Cao Miên cũng phải cưới công chúa rắn để đền ơn. (6)

Công chúa rắn đó chính là hình tượng rắn thần Naga mà theo truyền thuyết thì nó luôn ngự trị bên trong ngôi tháp bằng vàng trong cung cấm. Mỗi đêm rắn thần biến thành người phụ nữ xinh đẹp và nhà vua phải đến ân ái với nó trước rồi mới có thể ngủ với hoàng hậu và cung phi. Nếu đêm nào nhà vua không đến ân ái với rắn thần thì ngài sẽ gặp tai họa. Ngược lại, nếu đêm nào rắn thần không xuất hiện tức là ngày chết của nhà vua đã đến. (7) 

                                                                                                                  

Môtip người kết duyên với rắn như trên lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong kho tàng truyện dân gian Khmer như các truyện Chú rắn có chiếc nhẫn thần, Sự tích rắn lấy người… (8) Các truyện này được sáng tác dựa vào môtip “Hoàng tử Thong lấy công chúa rắn” nói trên nhưng có thay đổi cho phù hợp với đà phát triển của chế độ phụ hệ: rắn đóng vai trò người chồng. 

Ngoài ra, môtip “Người cứu rắn - rắn đền ơn” cũng khá phổ biến như trong các truyện Châu Sanh, Hai anh em và con rắn thần… (9) Các môtip này thể hiện duyên nợ truyền kiếp của người Khmer với yếu tố nước mà thần rắn chính là biểu tượng. 

Do ảnh hưởng đạo Bà La Môn nên người Khmer thờ thần Siva với hình tượng chiếc linga mang đầu rắn. Đến khi Phật giáo xâm nhập vào xã hội người Khmer thì tín ngưỡng sùng bái nước được tích hợp vào với truyền thuyết kể chuyện rắn thần Naga nằm cuộn thân làm bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định bên sông và vươn cao 7 đầu (10) làm tán che mưa cho Đức Phật chống lại sự tấn công của Ma vương mưu phá đổ cái khoảnh khắc quyết định trên bước đường chứng ngộ của ngài. 

Sự tích hợp tín ngưỡng sùng bái nước vào Phật giáo có lẽ được thể hiện rõ nét nhất qua ghi nhận của Châu Đạt Quan trọng Chân Lạp phong thổ ký [năm 1296]: Giữa hồ nước trong kinh thành Ăng-co có một ngôi tháp, “trong tháp có một tượng Phật nằm bằng đồng, tại lỗ rún nước vọt ra không ngừng”. (11) Môtip này có lẽ bắt nguồn từ huyền thoại Bà La Môn kể về việc thần Visnu nằm ngủ trên mình rắn thần Naga, hoa sen hiện ra từ rún của thần và chính từ đây mà thần Brahma đản sinh để tiếp tục sự nghiệp sáng tạo thế giới. 

Nếu quan niệm rún là trung tâm của sự sống (12) thì hình ảnh dòng nước vọt ra từ lỗ rún của Đức Phật đã đồng hóa nước với sức sống của Phật pháp. 

Nếu quan niệm rún là trung tâm của sự sống 12 thì hình ảnh dòng nước vọt ra từ lỗ rún của Đức Phật đã đồng hóa nước với sức sống của Phật pháp. 

Tuy nhiên, nước - thể hiện qua hình tượng rắn thần Naga - cũng có hai mặt: vừa bảo hộ mùa màng (cũng như hộ pháp của Phật giáo) lại vừa phá mùa màng, vừa giúp người lại vừa hại người. Do đó, trong sử thi Ramayana có kể chuyện quỷ Ravana tung ra vũ khí là những con rắn quái gở phun ra lửa và nọc độc, với những cặp nanh dài đồ sộ và hoàng tử Rama phải dùng hàng ngàn con đại bàng (Garuda) để tiêu diệt rắn. Trong kho tàng truyện dân gian Khmer cũng có môtip diệt rắn/trăn/chằn cứu người như truyện Châu Sanh - Châu Thong, (13) Hai con quạ và rắn, Truyện con trăn... (14) 

Do tính hai mặt đó mà tại đền Ăng-co Thom, hình tượng rắn thần Naga 7 đầu được thể hiện nhiều nhất và đẹp nhất. Tại đền này, ở cửa nam có hình mấy vị thần nắm chặt lấy một đầu của rắn thần Naga, nó cuộn mình một cách tượng trưng xung quanh núi Meru (núi thiêng ở Ấn Độ mà ngôi đền này được coi như một biểu tượng), duôi nó vòng qua cửa bắc và bị mấy con quỷ túm lấy. Thần và quỷ luân phiên nhau kéo con rắn về phía mình và có thể làm xoay vòng hòn núi ở giữa, đánh nước biển lấy thức ăn của thần cho chúng sinh. (15) Phải chăng hình tượng này hàm nghĩa; nước vốn có hai mặt lợi hại nên để có miếng ăn thì con người phải đấu tranh giành giật từ nó? 

Đối với người Khmer xưa, rắn thần Naga là chiếc cầu huyền diệu để đi vào xứ sở của thần linh. Do dó, dọc hai bên chiếc cầu đá đi vào đền Ăng-co Wat xưa kia là các cặp tượng thần và quỷ ở mỗi bên ôm rắn thần Naga giành giật kéo về phía mình. Trước đây, tại chiếc cầu này có 54 tượng thần và 54 tượng quỷ ôm rắn thần Naga ở mỗi bên cầu nhưng hiện nay chỉ còn lại một vài tượng mà thôi. Con số 108 này là con số thiêng liêng trong Ấn Độ giáo (thần Visnu và Siva cũng chỉ xuất hiện đúng 108 lần) (16) 

2. Ok-om-bok: lễ hội nước 

Như trên đã nói, lễ hội Ok-om-bok diễn ra vào giai đoạn cao điểm của mùa nước nổi, vào lúc trăng tròn và con nước lớn nhất trong năm. Đây cũng là giai đoạn lập đồng, thời tiết bắt đầu chớm lạnh và nước chuẩn bị rút nên cao của cũng là cao điểm của mùa khai thác cá đồng. 

Đêm 15/10 âm lịch, sau khi làm lễ đút cốm dẹp, đồng bào Khmer làm lễ thả hoa đăng (dèn nước) được trang trí rực rỡ kèm nhiều thứ lễ vật trang trọng để tạ ơn thần nước (thần mặt trăng) qua một vụ mùa.

                                                                      

Sáng ngày 16/10 âm lịch là hội đua ghe ngo (tuk-ngo). Trong tiếng Khmer, “tuk-ngo” nghĩa là “ghe cong” do hình dáng thon dài (dài khoảng 24m, đoạn giữa rộng khoảng 1,2m) của thuyền độc mộc với hai đầu cong vút như hình con rắn. Theo quan niệm của người Khmer, chiếc ghe ngo chính là biểu tượng của rắn thần Naga, vị thần nước đem lại sự sống cho cộng đồng. Do đó, trên thân ghe ngo thường được trang trí các hình rồng rắn tiến về phía trước và đặc biệt là ở mũi ghe luôn được sơn ba vòng vàng đỏ biểu tượng cho cổ của rắn thần Naga. Thậm chí, nhà văn Sơn Nam còn cho biết, sau khi Đức Phật cảm hóa được rắn thần Naga, người Khmer bèn khoét thân cây sao theo hình rắn để làm ghe ngo. (17) 

Truyện cổ tích Khmer có kể về “Sự tích hội đua bơi” như sau: 

Vua Rồng và vua Người tổ chức bơi đua. Vua Người bơi không lại bèn rút gươm đâm ngang lưng vua Rồng, máu vua Rồng phun dính đầy vua Người. Vì vua Rồng bị thương nên thất bại, vợ vua Rồng thuộc về vua Người. Nhưng vì bị dính máu độc của vua Rồng nên vua Người bệnh cùi và chết. Sau đó vua Rồng được tiên cứu sống lại và đoàn tụ với vợ. Nhưng vợ vua Rồng nói đã trót thương vua Người nên xin vua Rồng tổ chức kỷ niệm ngày hai vua đã đua bơi. Vua Rồng đồng ý. Đó chính là nguồn gốc của hội dua ghe ngo.(18) 

Trong cốt truyện trên, vua Rồng chính là một biểu hiện khác của rắn thần Naga, tức thần nước. Vua Người tìm mọi cách để thắng vua Rồng chính là cách người Khmer thể hiện quyết tâm chế ngự nước. Riêng việc vua Người lấy vợ của vua Rồng còn thể hiện khát vọng chinh phục nước của người Khmer khi nước lũ ngập tràn và bắt đầu gây hại cho cuộc sống của họ. (Kiểu truyện này có phần giống với truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh” của người Việt). 

Nếu như trong lễ cầu mưa (tổ chức vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch), người Khmer có nghi thức bởi xuống trên cạn để cầu nước thì trong hội đua ghe ngo (dưới sông), các đội thi nhau bởi thật nhanh như để chiến thắng dòng nước là một cách đối phó với nước. 

Đối phó đi liền với tống tiễn nên song song với hội đua ghe ngo là lễ thả đèn gió vào đêm 15/10 âm lịch (ngay sau lễ đút cốm dẹp) nhằm thể hiện ước vọng xua tan sự ẩm ướt và bóng tối, hay nói cách khác là “cầu tạnh” và hướng đến thần mặt trời. 

3. Khai thác yếu tố nước trong lễ hội Ok-om-bok 

Trên trái đất của chúng ta, nước chiếm đến hơn 3/4. Trong cơ thể của sinh vật, nhìn chung thành phần cấu tạo chủ yếu là nước. Riêng ở con người và loài thú, trong giai đoạn mang thai của giống cái, bào thai hoàn toàn nằm trong khối nước ối trong tử cung của cơ thể mẹ. Do con người được sinh ra từ môi trường nước, lớn lên nhờ môi trường nước nên khi chết đi họ cũng quan niệm rằng chính là trở về với môi trường nước. Đó chính là nguồn gốc của quan tài hình thuyền và hò đưa linh (đưa đám tang) khá phổ biến ở cư dân Đông Nam Á (19)

Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chính là: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy và trung tâm tái sinh. (20) 

Nước là yếu tố quan trọng nhất của môi trường sống con người. Có lẽ không có gì gần gũi với con người bằng nước. Nhưng nước vừa tạo nên sự sống, vừa hủy diệt sự sống (nên gọi là “trung tâm tái sinh”). Do đó, con người vừa phải cần nước (thể hiện qua tín ngưỡng sùng bái nước, cầu mưa, tạ ơn nước) lại vừa phải đấu tranh với nước (thể hiện qua việc trị thủy, hội đua thuyền - thật ra chính là đua với nước). 

Như vậy, vượt lên trên ý nghĩa biểu dương tinh thần thượng võ và đoàn kết cộng đồng, lễ hội Ok-om-bok thực chất chính là lễ hội nước, trong đó con người thể hiện đầy đủ cả hai thái độ đối với nước: vừa tôn sùng, tri ân một cách thụ động lại vừa sẵn sàng đấu tranh để đối phó, thậm chí chinh phục nước một cách chủ động. Hai thái độ đó vừa giúp con người chủ động, sáng tạo trong cuộc sống, vừa đảm bảo tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ nó vì cuộc sống của chính mình. 

Lễ hội Ok-om-bok giúp con người giao cảm với nhau và quan trọng hơn là cùng giao cảm với thiên nhiên. Giao cảm với thiên nhiên tất sẽ tôn trọng và bảo vệ nó. Đó chính là ý nghĩa to lớn của lễ hội này. 

Đặc biệt, từ năm 1992, Liên Hiệp Quốc quyết định chọn ngày 23/3 hàng năm làm “Ngày thế giới về nước”. Do đó, lễ hội Ok-om-bok càng thêm ý nghĩa thời sự và mang tầm vóc nhân loại. Nó đã chọn đúng điểm đột phá trong công hết là bảo cuộc bảo vệ môi trường sinh thái: trước hết là bảo vệ môi trường nước. 

Mặc dù hội đua thuyền vốn rất phổ biến ở cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á nhưng lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer vẫn có nét đặc sắc thật hấp dẫn vì nó đã tích hợp được khá đầy đủ các phong tục và tín ngưỡng để thông qua đó có thể giải mã được toàn bộ đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ. Hơn nữa, bản thân chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer cũng hơn hẳn thuyền đua của các nhóm cư dân khác ở Đông Nam Á ở chiều dài của nó, khoảng 24m. Do đó, thiết nghĩ cần phát triển lễ hội Ok-om-bok thành lễ hội nước để thu hút khách du lịch và qua đó vận động mọi người phát huy ý thức bảo vệ môi trường nước. 

Lê Công Lý*

*Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh  

CHÚ THÍCH 

(1) Cốm dẹp được làm bằng lúa nếp vừa mới gặt về, chưa phơi. 

(2) Tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu IA.3/252. Dẫn theo Nguyễn Phan Quang, Việt Nam cận đại - những sử liệu mới, Tập 3: Sóc Trăng (1867 - 1945), Nxb Văn nghệ TPHCM, 2000, tr.190-191. 

(3) Theo Chu Xuân Diên (chủ biên), Văn học dân gian Sóc Trăng, Nxb TPHCM, 2002, tr.320-322. 

(4) Naga (tiếng Phạn) nghĩa là "rắn lớn", chỉ rắn hổ mang. 

(5) Theo Nguyễn Xuân Nghĩa, “Lễ hội nông nghiệp cổ truyền ở người Khmer vùng ĐBSCL”, tạp chí Văn hóa dân gian, số 4/1987. 

(6) Chú thích của Lê Hương trong Chân Lạp phong thổ kỷ [1296], Nxb Văn nghệ, 2007, tr. 33. 

(7) Chân Lạp phong thổ kỷ, sđd, tr.33. 

(8), (9) Theo văn bản trong Văn học dân gian Sóc Trăng, sđd. (10) Có nơi hình tượng rắn thần Naga có 3, 5 hoặc 9 đầu. 

(11) Chân Lạp phong thổ ký, sđd, tr.29. 

(12) Vì trong giai đoạn mang thai của người và loài thú, bào thai nhận chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ thông qua cuống rún. 

(13) Theo văn bản trong Truyện cổ Khmer Nam Bộ, Huỳnh Ngọc Trảng, Nxb Văn hóa, 1983. 

(14) Theo văn bản trong Văn học dân gian Sóc Trăng, sđd. 

(15) Theo Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (chủ biên). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002, tr.623. 

(16) Theo “Ăng-co xưa và nay", Bản thảo chưa công bố của Nguyễn Đức Hiệp.

(17) Theo truyện ngắn “Chiếc ghe ngo" trong Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 1993, tr.92. 

(18) Theo Văn học dân gian Sóc Trăng, sđd, tr.124. 

(19) Tín đồ Cao Đài (phái Tây Ninh) có tục như sau: người chết được mai táng khoảng 25 năm thì bốc cốt thiêu, một phần tro bỏ vào lọ hoa sen nhỏ, phần còn lại đem rải xuống sông Vàm Cỏ Đông. 

(20) Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, sđd, tr.709. 

(21) Trong truyện ngắn “Chiếc ghe ngo” (Sđd), nhà văn Sơn Nam có miêu tả chiếc ghe ngo cũ từ năm sáu trăm năm về trước được đào thấy dưới đất dài đến hơn 50 thước". Nếu đây là thước ta (mỗi thước ta bằng 0,4664m) thì nó cũng dài khoảng 24m, nhưng nếu đây là thước tây (mét) thì quả thật là đặc biệt. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. American Chemical Society [Hội Hóa học Hoa Kỳ], Nguồn nước và chất lượng nước, Nguyễn Văn Sang dịch, Nxb Trẻ, 2002. 

2. Châu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký [1296], Lê Hương dịch, Nxb Văn nghệ, 2007. 

3. Chu Xuân Diên (chủ biên), Văn học dân gian Sóc Trăng, Nxb TPHCM, 2002. 

4. Đào Xuân Quý dịch, Ramayana - sử thi Ấn Độ, Nxb Đà Nẵng, 1985. 

5. Huỳnh Ngọc Trảng, “Dòng nước thanh xuân và ngọn nguồn thanh tịnh", Nguyệt san Giác ngộ, số xuân Đinh Hợi 2007. 69 

6. Huỳnh Ngọc Trảng, Truyện cổ Khmer Nam Bộ, Nxb Văn hóa, 1983. 

7. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (ch). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư (chủ biên) dịch, Nxb Đà Nẵng, 2002.  

8. Lê Công Lý, “Nghề đóng thuyền đua truyền thống ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”,  Kỷ yếu hội thảo Vai trò của văn hóa dân gian trong quá trình phát triển ở Đông Nam Bộ, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, Biên Hòa, 9/2008. 

9. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1969. 

10. Lý Lan, “Đi tìm chiếc ghe ngo". Báo Tuổi trẻ, 17/10/2008. 

11. Nguyễn Chí Bền, “Lễ hội và nguồn truyện dân gian của người Khmer ở Nam Bộ". Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số 5/1992. 

12. Nguyễn Đăng Vũ, “Lễ hội đua thuyền trên huyện đảo Lý Sơn”, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1/2003. 

13. Nguyễn Hiến Lê, Đế Thiên Đế Thích (1943), Nxb Văn hóa Thông tin tái bản, 1993. 

14. Nguyễn Phan Quang, Việt Nam cận đại - những sử liệu mới, Tập 3: Sóc Trăng (1867- 1945), Nxb Văn nghệ TPHCM, 2000. 

15. Nguyễn Xuân Nghĩa, "Lễ hội nông nghiệp cổ truyền ở người Khmer vùng ĐBSCL", Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4/1987.

16. Nhiều tác giả, Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, 1994. 

17. Phạm Đức Dương, Có một vùng văn hóa Mekong, Nxb Khoa học xã hội, 2007. 

18. Phan Anh Tú, “Truyền thuyết về rắn Naga trong văn hóa Khmer", Thông báo khoa học - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, số 5/2004. 

19. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, 1993. 

20. Sơn Phước Hoan (chủ biên), Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb Giáo dục, 1999. 

21. Sorya, Lễ hội Khmer Nam Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998. 

22. Trần Hồng Liên (chủ biên), Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng, Nxb Khoa học xã hội, 2002. 

23. Trần Ngọc Thêm, "Nước, văn hóa và hội nhập", trong Khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nxb TPHCM, 2003. 

24. Trần Văn Bổn, Một số lệ tục dân gian của người Khmer ĐBSCL, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999. 

25. Trần Văn Bồn, Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002. 

26. Trịnh Hiểu Vân, Văn hóa nước, Nguyễn Minh Đức dịch, Nxb Thế giới, 2008. 

27. Trường Lưu (chủ biên), Văn hóa người Khmer ở ĐBSCL, Nxb Văn hóa dân tộc, 1993. 

28. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía nam), Nxb Khoa học xã hội, 1984. 

29. Viện Văn hóa, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp An Giang. 1998. 

30. Võ Quang Nhơn, "Thần thoại rồng trong cộng đồng văn hóa Đông Nam Á", Tạp chí Văn hóa dân gian, năm 1982. 

TÓM TẮT

Ok-om-bok là lễ hội lớn của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, thời điểm vừa thu hoạch xong vụ lúa mùa và là cao điểm của mùa nước nổi trong năm. Ngoài phần lễ chính thức Ok-om-bok (đút cốm dẹp) còn có phần hội đua ghe Ngo kèm theo lễ thả đèn nước, đèn gió và các hoạt động vui chơi giải trí khác. như múa lăm-thol, múa xà-dăm, diễn tuồng rô-băm, dù-kê và hát à-day. Ngoài hội đua ghe Ngo phải tổ chức ban ngày, hầu hết các nghi thức của lễ hội Ok-om-bok đều diễn ra ban đêm. Tổng hợp các yếu tố “ban đêm”, “nước lớn", "trăng tròn" có ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố “âm tính” nhằm cảm tạ thần nước đã phò trợ cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi và đưa tiễn nước trở lại về nguồn (biển). Vì nước được người Khmer hình tượng hóa thành mặt trăng nên lễ hội Ok-om-bok cũng được gọi là lễ cúng trăng (Bund Thvai-pres-khe).

 

ABSTRACT 

WATER IN OK-OM-BOK FESTIVAL OF KHMER PEOPLE IN MEKONG DELTA 

Ok-om-bok, a great festival of the Khmer people in the Mekong Delta, is held annually on October 15 (Lunar calendar), which is the time point for the main harvest of the year as well as the climax of the annual flood in the area. Beside the official ritual of Ok-Om-Bok (đút cốm dẹp) there is also a boat race, a show of floating lanterns and flying lanterns and other recreations for the people such as "lămthol" dance, "xà dăm" dance, "rô-băm" and "dù kê" plays, "à-day" singing. Except the race of "Ngo" boats that should be organized in the day time, almost all the other recreations are held at night. The choice of the factors "night time", "rise of the river", "full moon", are to emphasize the element "yan", which consequently express the people's gratitude to the Goddess of Water who has helped the crops to be in a good condition, animals and plants to grow well, and lead water back to its source (the sea). Since water is symbolized by the Khmer people in the form of the moon, Ok-om-bok festival is also called "Bun Thvai-pres-khe"

Xem thêm: Ý nghĩa lễ tế giao xưa và nay, Nghiên cứu và Phát triển số 2 (79), 2010

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet
Tin tức khác11/01/2024

Báo cáo khoa học về tôn giáo tín ngưỡng của CECRS - cơ sở lý luận giàu giá trị về tư vấn chính sách

Đây là nội dung nhận được sự quan tâm thảo luận của các nhà khoa học hàng đầu tại Tọa đàm khoa học và góp ý báo cáo tư vấn chính sách do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại (CECRS) thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN tổ chức ngày 26/12/2023 vừa qua.

Thời điểm dựng Tiên Y Miếu ở Huế qua sử liệu triều Nguyễn, Nghiên cứu và Phát triển số 1

Thời điểm dựng Tiên Y Miếu ở Huế qua sử liệu triều Nguyễn, Nghiên cứu và Phát triển số 1

Về mục “Đền tiên y”(1), sách Đại Nam nhất thống chí, bản dịch (Tập 1) của Viện Sử học, xuất bản các năm 1969 (Nxb KHXH. Hà Nội, tr. 66), 1992 (Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 75), 2006 (Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 88) đều ghi nhận: “Ở phường Ninh Viễn trong kinh thành, đầu niên hiệu Gia Long, đền ở phường Dưỡng Sinh. Năm Minh Mệnh dời đến xã Yên Ninh về phía tây, ngoài kinh thành

Biên soạn sách địa chí làng xã: chuyện xưa không cũ
Địa chí13/06/2023

Biên soạn sách địa chí làng xã: chuyện xưa không cũ

(QBĐT) - Cứ vào thư tịch cổ để lại thì từ thời Trung đại, ở nước ta đã xuất hiện một loại sách gọi là Địa chí ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế, văn hoá... của một địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh...), hình thành và phát triển với những phạm vi và tầm mức khác nhau, do các trí thức đương thời biên soạn.