Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Quảng trường La Grand Place: Viên ngọc quý trong kho di sản

04/03/2024114

(HNMCT) - Khởi công xây dựng từ thế kỷ XII, rồi bị tàn phá hầu như hoàn toàn trong cuộc chiến ở thế kỷ XVII, nhưng quảng trường La Grand Place (thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ) vẫn được hồi sinh như một câu chuyện thần kỳ. Thành công vượt trội trong nỗ lực phục dựng, bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản là những lý do giúp La Grand Place được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 1998.

Nhận xét về La Grand Place, các chuyên gia của UNESCO cho rằng, đây là một ví dụ đặc biệt về sự pha trộn phong cách kiến trúc Gothic, Baroque (bắt nguồn từ Italia) và Phục hưng (được xem là sự hồi sinh của văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại). Qua thời gian, La Grand Place vẫn tồn tại một cách thần kỳ và trở thành biểu tượng cho sự thịnh vượng của Vương quốc Bỉ cũng như khu vực Tây Bắc Âu.

Nhiều tài liệu ghi lại, từ đầu thế kỷ XII, La Grand Place có diện tích chừng 2ha, nguyên là một khu chợ dọc theo con đường thương mại quan trọng kết nối các khu vực thịnh vượng của Rhineland và quận Flanders. Xung quanh chợ, tức quảng trường ngày nay, là trụ sở các nghiệp đoàn như Nhà bánh mì (Broodhuis), Nhà của công tước (Duke’s House), Nhà của vua (Maison du Roy)... Vào đầu thế kỷ XIII, 3 khu chợ trong nhà được xây dựng ở rìa phía bắc của La Grand Place, gồm chợ thịt, chợ bánh mỳ và chợ vải. Những tòa nhà này thuộc về công tước Brabant, nó cho phép hàng hóa được trưng bày ngay cả khi thời tiết xấu. Nó cũng cho phép công tước theo dõi việc lưu trữ và bán hàng hóa để thu thuế. 

Từ năm 1402 tới 1455, nhiều công trình tiếp tục được xây dựng xung quanh khu vực này. Nổi bật nhất là Tòa thị chính do kiến trúc sư Jacob van Thienen thiết kế và xây bên cánh trái. Sau đó, kiến trúc sư Jean van Ruysbroeck kế thừa và xây tiếp một tòa tháp cao 96m, tạo thành một điểm nhấn đặc biệt của tòa nhà. Trên đỉnh tháp là một bức tượng Thánh Michael cao 5m, làm bằng kim loại mạ vàng. Đây được cho là vị thánh bảo hộ cho Brussels.

Tháng 8-1695, dưới quyền chỉ huy của Thống chế Francois de Neufvill, 70.000 quân Pháp đã nã đạn vào trung tâm thành phố liên tục trong 3 ngày nhằm giảm áp lực cho thành phố Namur đang bị quân Liên minh Augsburg vây hãm (trong cuộc chiến tranh 9 năm giữa vua Louis XIV của Pháp với Liên minh Augsburg). La GrandPlace bị biến thành bình địa, chỉ còn sót lại những bức tường bằng đá của Tòa thị chính và vài nhà khác. 

Bốn năm sau đó, khu vực quảng trường được xây dựng lại nhờ sự hợp lực của các nghiệp đoàn. Dưới sự điều phối Hội đồng thành phố, các công trình xây dựng lại tương đối hài hòa, mặc dù mang nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. UNESCO cho rằng, chiến dịch “hồi sinh” La Grand Place gây ấn tượng ngoạn mục không chỉ bởi tốc độ thực hiện mà còn bởi sự phong phú về thẩm mỹ và sự gắn kết về mặt kiến trúc.

Kể từ khi được phục dựng vào thế kỷ XVII, La Grand Place được gìn giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Lượng du khách tới thăm quảng trường này khoảng 4 triệu lượt người/năm. Trong cái nhìn của du khách, đến đây, người ta như lạc vào câu chuyện sống động của những quý tộc châu Âu thời kỳ tiền hiện đại.

Để thu hút khách du lịch, chính quyền Brussels đã tổ chức nhiều sự kiện độc đáo, như lễ hội văn hóa Ommegang. Điểm nhấn của lễ hội là cuộc diễu hành của hàng nghìn tình nguyện viên trong trang phục truyền thống, tái hiện một nghi thức tôn giáo kỷ niệm chuyến viếng thăm của vua Charles Quint tới thành phố này vào năm 1549. Đức vua cũng chính là người đã đưa Brussels trở thành thủ đô đế chế của mình. Tham gia lễ hội, người xem được thưởng thức những vũ khúc dân gian, những màn biểu diễn cùng với những lá cờ khổ lớn đủ màu sắc.

Sự kiện hút khách tiếp theo là triển lãm thảm hoa được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 8. Tấm thảm màu sắc rực rỡ phủ kín quảng trường được làm từ hàng vạn bông hoa. Đây cũng là thời điểm La Grand Place nhộn nhịp nhất. Du khách có thể mua hàng lưu niệm, hoặc vừa tắm nắng vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nơi này. Tất cả không gian quanh quảng trường đều dành cho khách bộ hành. Không một loại phương tiện di chuyển nào được phép chạy qua, ngoại trừ xe công vụ, xe cảnh sát, xe cứu thương và cứu hỏa trong trường hợp khẩn cấp.

Để hiểu hơn về lịch sử của La Grand Place, du khách có thể viếng thăm Nhà bánh mì hoặc Nhà của Vua, giờ đây đã được sử dụng làm bảo tàng. Tại đây, du khách sẽ thấy các bức tranh, đồ vật, chạm khắc và hình ảnh minh họa lịch sử của quảng trường từ thế kỷ XII đến ngày nay. Thành phố cũng mở những chuyến tham quan có hướng dẫn vào trong tòa Thị chính vào thời điểm quy định.

Ngoài công việc bảo tồn được thực hiện nghiêm ngặt, chính quyền Brussels cũng ban hành nhiều quy định về xây dựng quanh La Grand Place để bảo vệ vùng lõi di sản. Cụ thể, vùng trong vòng bán kính từ 1,5 - 2km tính từ trung tâm quảng trường được coi là vùng đệm, các công trình xây dựng trong khu vực này sẽ bị giới hạn về chiều cao để không làm ảnh hưởng tới hậu cảnh của La Grand Place.

Sau 25 năm được công nhận là di sản thế giới, La Grand Place luôn được UNESCO đánh giá cao về công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Quảng trường này cũng liên tục được bình chọn trong danh sách những di sản đẹp nhất thế giới.

Nguồn: hanoimoi.vn

Xem thêm: Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng

Các bài viết khác

Xem thêm
Nguồn: Internet
Gia phả26/07/2023

Hành tích của Lý Long Tường, hậu duệ Vương Triều Lý, Việt Nam

Hàn Quốc và Việt Nam có không ít điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Thử nhìn vào những biến động chính trị làm ví dụ, vào năm 918, ở bán đảo Hàn, triều Cao Ly được dựng lên thì chẳng bao lâu sau, vào năm 939, Việt Nam giành lại nền độc lập từ ách thống trị của Trung Quốc sau gần một nghìn năm. Lại nữa, vào năm 1392, vương triều Triều Tiên diệt Cao Ly thì 36 năm sau, tức năm 1428, tại Việt Nam, nhà Lê đánh đuổi thế lực nhà Minh lập triều đại mới. Về phương diện văn hóa cũng vậy, vương triều Cao Ly sùng bái Phật giáo thì cùng thời kì này, dưới triều Lý (1009-1225) và triều Trần (1225-1400), ở Việt Nam, ảnh hưởng của Phật giáo là tuyệt đối. Mặt khác, đồng thời với sự thành lập vương triều Triều Tiên và triều Lê, Phật giáo suy yếu dần, Nho giáo trở thành hệ ý niệm chi phối.

Tìm ra bãi biển xanh nhất thế giới
Tin tức khác07/06/2024

Tìm ra bãi biển xanh nhất thế giới

Dựa trên hình ảnh thu thập được từ bản đồ vệ tinh và đối chiếu với mã màu xanh lam YInMn Blue, CV Villas tìm ra bãi biển có màu xanh hoàn hảo nhất thế giới.

Nguồn: Internet
Địa chí09/08/2023

Côn Đảo những năm 20 của Thế kỉ XVIII qua bức thư của một giáo sĩ Pháp, Nghiên cứu Lịch sử, số 6.2005

Theo giới nghiên cứu sử học, từ thế kỷ XVII tư bản Pháp đã có ý đồ chiếm Côn Đảo nhưng không thực hiện được, vì bị lép vế trước thế lực của tư bản Anh. Năm 1702, Công ty Anh ở Ấn Độ đem quân đến chiếm Côn Đảo nhằm xây dựng một căn cứ chiến lược và sử dụng 200 quân Mã Lai canh giữ pháo đài ở Cỏ Ống.