Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Ông Hoàng Mười Nghệ An: từ ngôi đền thờ ở làng Xuân Am đến điện thần Tứ phủ (1)

22/06/2023430

Trong tín ngưỡng Tứ phủ, ông Hoàng Mười được biết đến thông qua giá đồng là vị quan Hoàng trấn giữ đất Nghệ An có phong cách hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú, hay ban tài phát lộc, nhất là lộc học hành.

Tóm tắt

Trong tín ngưỡng Tứ phủ, ông Hoàng Mười được biết đến thông qua giá đồng là vị quan Hoàng trấn giữ đất Nghệ An có phong cách hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú, hay ban tài phát lộc, nhất là lộc học hành. Bài viết khảo sát các đối tượng thờ phụng và đặc điểm lễ hội tại đền ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, từ đó chỉ ra tính địa phương, tính lịch sử cũng như sự tích hợp văn hóa thông qua tục thờ ông Hoàng Mười ở Nghệ An. Trên cơ sở đó, bài viết tập trung làm rõ sự mô hình hóa, biểu tượng hóa nhân vật ông Hoàng Mười trong điện thần tín ngưỡng Tứ phủ cũng như qua ghế của các thanh đồng. Ông Hoàng Mười là một biểu tượng văn hóa đa nghĩa mang tính lịch sử; sự xuất hiện “Ông Hoàng Mười ở Nghệ An” trong điện thần Tứ phủ chính là kết quả của quá trình địa phương hóa các đối tượng thờ phụng của điện thần Tứ phủ nói chung và các vị thần thuộc hàng Ông Hoàng nói riêng.

Từ khóa: Thần Reahu, tín ngưỡng dân gian, người Khmer Nam Bộ

Abstract

Trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt, ông Hoàng Mười thường xuyên xuất hiện qua các giá đồng với hình ảnh là vị quan Hoàng trấn giữ đất Nghệ An có phong cách hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú. Trong điện thần Tứ phủ, tượng ông Hoàng Mười cùng hàng với các ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Bơ,... có mặt ở hầu khắp các đền, phủ hoặc điện thờ thuộc hệ thống Tứ phủ. Tuy nhiên, nơi thờ tự chính của ông được biết đến là ở Nghệ An và Hà Tĩnh với hai ngôi đền nổi tiếng nằm đối diện qua con sông Lam. Đó là ngôi đền ông Hoàng Mười (tên chữ là “Mỏ Hạc linh từ”) ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và đền Củi (tên chữ là “Khu Độc linh từ”) ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra còn có đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười (cũng là “Mỏ Hạc linh từ”) nằm ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Truyền thuyết dân gian Nghệ An cho rằng, ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình hóa thân thành các vị tướng từng cai quản vùng đất này như Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai của Lý Công Uẩn, cai quản châu Nghệ An và Nguyễn Xí - là một bậc quan khai quốc công thần, sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài ra, ông Hoàng Mười còn được gắn với tướng Lê Khôi - người đã giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh, khi đất nước thái bình, ông phụng mệnh vua làm Tổng trấn châu Hoan, cai quản vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông hóa thân về trời ở cửa Sót và được người dân lập đền thờ gọi là “Đức thánh minh”.

Vậy ông Hoàng Mười là ai, tại sao có tên gọi ông Hoàng Mười ở Nghệ An? Trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu ông Hoàng Mười ở đền làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (gọi tắt là đền Xuân Am) để qua đó làm rõ biểu tượng ông Hoàng Mười trong tục thờ của địa phương này qua mối liên hệ với ông Hoàng Mười của điện thần Tứ phủ.

1. Ông Hoàng Mười đền Xuân Am - từ đối tượng thờ phụng đến điện thần

Trước hết, có thể thấy, cả ba ngôi đền lớn thờ ông Hoàng Mười ở Nghệ An, Hà Tĩnh đều nằm ở vị trí sông nước, trong đó hai ngôi đền là đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười (thị xã Hồng Lĩnh) và đền Xuân Am đều có tên chữ là “Mỏ Hạc linh từ”. Sở dĩ có tên gọi này là vì cả hai ngôi đền đều tọa lạc ở vị trí giao nhau của các con sông lớn tạo hình thế phong thủy mỏ hạc. Cụ thể, đền Cả nằm ở vị trí giao nhau của sông Minh Giang, sông Lam và sông La, còn đền ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên) nằm ở địa thế trước mặt là sông Mộc, phía sau là sông Vĩnh uốn khúc, tạo thành hình thế con chim hạc. Điều đó cho thấy, có thể yếu tố sông nước hay là tục thờ thủy thần là xuất phát điểm của tục thờ ông Hoàng Mười.

Theo tác giả Thái Huy Bích, người trực tiếp dịch và chú giải các sắc phong của đền Xuân Am, thì hiện còn 12 đạo sắc phong cho các vị thần của làng được lưu giữ ở nhà thờ họ Nguyễn (là dòng họ của ông Nguyễn Duy Lạc, vốn là một trong bốn vị thần được sắc phong của làng). Sắp xếp các thần theo thứ tự trên dưới theo sắc phong như sau:

1/ Khâm sai Tiết chế Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hoá đẳng xứ, kiêm thuỷ bộ chư doanh, Bình chương quân quốc trọng sự, Thái uý, Vị Quốc công, (Trung đẳng thần) - thần Lê Khôi.

2/ Thái bảo Phúc Quận công, (tôn thần).

3/ Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ Thần Vũ, (tôn thần) - thần Nguyễn Duy Lạc.

4/ Song đồng Ngọc Nữ, (tôn thần) [2].

Đền thờ ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên được xây dựng vào thời Hậu Lê [4, tr.7], bị bốc dỡ vào năm 1961, đến năm 1995 mới được tôn tạo lại. Theo kết quả khảo sát hồi cố của Nguyễn Thị Thanh Giang, trước năm 1961 đền thờ ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am được bài trí như trong Sơ đồ 1.

Tuy nhiên, sau khi tôn tạo lại vào năm 1995, đền lại có bài trí điện thần như trong Sơ đồ 2.So sánh Sơ đồ 1 và 2 cho thấy, sự thay đổi lớn nhất của điện thờ hiện nay là việc hoán đổi vị trí thờ Đức Thánh Hai thành ông Hoàng Mười ở cung cấm; thêm bàn thờ và bài vị ông Hoàng Mười ở Thượng điện; đồng thời bổ sung thêm các ban thờ của điện thần Tứ phủ như bàn thờ Tứ phủ Quan Hoàng ở Trung điện; bàn thờ chính giữa gian Hạ điện được thay đổi là Vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế, tiếp phía trước là Ngũ vị Tôn quan, bên trái có thêm bàn thờ Thập nhị Tiên Cô, bên phải thêm Tứ phủ Trần triều...

Sơ đồ 1. Sơ đồ bài trí điện thờ đền Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am trước năm 1961 (Nguồn: [6])
Sơ đồ 1. Sơ đồ bài trí điện thờ đền Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am trước năm 1961 (Nguồn: [6])

Sơ đồ 2. Sơ đồ bài trí điện thờ đền Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am năm 1995 (Nguồn: [6])
Sơ đồ 2. Sơ đồ bài trí điện thờ đền Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am năm 1995 (Nguồn: [6])

 

Như vậy, cho đến sau năm 1995 đền thờ làng Xuân Am mới chính thức đặt tượng và bàn thờ cùng bài vị ông Hoàng Mười. Nếu căn cứ vào thứ tự các vị thần được sắc phong của làng thì “Đức Thánh Hai” tương ứng với thần Lê Khôi, “Đức Thánh Tư” là ông Nguyễn Duy Lạc. 

Như vậy “Đức Thánh Hai” chính là thần Lê Khôi và là ông Hoàng Mười.

Một câu hỏi đặt ra là nếu theo thứ tự sắc phong thì Song đồng Ngọc Nữ phải là vị thánh thứ tư, tuy nhiên ở đây ngôi vị này lại thuộc về ông Nguyễn Duy Lạc, đồng thời thiếu ngôi vị “Đức Thánh Cả”. Vậy phải chăng ngôi vị Thánh Cả là của Song đồng Ngọc Nữ? Để làm rõ điều này, dưới đây chúng tôi lần lượt tập trung phân tích về lai lịch của từng vị thần được thờ ở làng Xuân Am trong mối liên hệ với ông Hoàng Mười.

* Thần Song đồng Ngọc Nữ

Có nhiều cách giải thích khác nhau về Song đồng Ngọc Nữ. Theo Thái Huy Bích, căn cứ vào cuốn Bách thần sự tích (?) thì Song đồng Ngọc Nữ là con gái Cao Biền (giữ chức An Nam đô hộ sứ, thời nhà Đường, Trung Quốc). Ở Hưng Nguyên có nhiều nơi thờ Cao Sơn Cao Các và Song đồng Ngọc Nữ. Tương tự, trong sách Tục thờ thần và thần tích ở Nghệ An, tác giả Ninh Viết Giao cũng cho biết Song đồng Ngọc Nữ là con của thần Cao Sơn, thường lấy của riêng giúp người nghèo đói, mồ côi, đau ốm... [7, tr.260].

Ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An còn có một ngôi đền mang tên là Song đồng Ngọc Nữ nằm bên dòng sông Con nổi tiếng linh thiêng. Tương truyền, mỗi khi có người chết đuối khó tìm xác, nếu người thân đến đền cầu khẩn “hai Bà” thì xác sẽ trôi về, nổi lên ở khúc sông dưới chân đền... Sự tích của ngôi đền này gắn với câu chuyện hai chị em họ Trần bị chết đuối được hổ vùi xác dưới gốc cây thị thuộc vị trí ngôi đền hiện nay [11].

Theo cuốn Lý lịch di tích đền Ông Hoàng Mười lưu tại đền, trong tín ngưỡng dân gian, Song đồng Ngọc Nữ là con của Ngọc Hoàng Thượng đế, luôn được hầu hạ bên cạnh Thượng đế, khi đầu thai xuống trần gian thường được gửi vào nhà quyền quý để làm vua, làm tướng hoặc làm công chúa, dân làng nhiều nơi tin rằng làng mình có được Kim đồng (cậu bé Vàng), Ngọc nữ (cô bé Ngọc) và tôn làm Thành hoàng. Làng Xuân Am có nhiều con sông chảy qua, nhân dân từng phải chống chọi với mưa bão, lũ lụt, họ tôn Song đồng Ngọc Nữ làm đương cảnh Thành hoàng, làm bà chúa bản đền như Mẫu Thoải để cứu giúp nhân dân qua những trận cuồng phong. Đồng thời, Song đồng Ngọc Nữ còn đại diện cho tương lai, mầm mống của sự sinh sôi, nảy nở [6].

Tư liệu thực địa của Nguyễn Thị Thanh Giang còn cho biết: theo ông Trương Văn Thìn (người trước đây từng làm ông từ ở đền), Song đồng Ngọc Nữ có biệt tài chữa bệnh giúp dân [9].

Như vậy, theo quan niệm của địa phương này thì Song đồng Ngọc Nữ có nguồn gốc thiên thần, là con gái Vua cha Ngọc Hoàng được đầu thai ở trần gian, sinh ở vùng sông nước nên được tôn làm Mẫu Thoải với ngôi vị là Thành hoàng làng và là bà chúa bản đền, có công năng chống chọi cuồng phong, chữa bệnh giúp dân và đại diện cho sự sinh sôi nảy nở... Xét về tổng thể, lai lịch này có nhiều điểm tương đồng với lai lịch của Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dày (Nam Định).

Từ đây có thể đoán định, Song đồng Ngọc Nữ với tư cách là con của thần Cao Sơn có thể là lớp tín ngưỡng có trước của ngôi đền, được xây dựng theo phong thủy ở vị trí “mỏ hạc” của làng Xuân Am. Trong quá trình tồn tại, Song đồng Ngọc Nữ đã được địa phương hóa thành Mẫu Thoải với tư cách là bà chúa bản đền. Và vì là bà chúa bản đền nên Song đồng Ngọc Nữ chính là vị Thánh Cả với danh nghĩa là vị thần có trước, về sau mới lần lượt kết tập thêm các vị thần khác như Lê Khôi (Đức Thánh Hai), Đức Thánh Ba và Nguyễn Duy Lạc (Đức Thánh Tư), giống như là sự kết tập các vị thần trong Tứ phủ vào điện thần của Mẫu Liễu Hạnh. Và như vậy, nếu xét về vị thế trong Tứ phủ thì Song đồng Ngọc Nữ thuộc hàng Mẫu còn ông Hoàng Mười thuộc hàng Ông Hoàng.

Trong tôn giáo Trung Hoa ta thấy có cặp Kim Đồng và Ngọc Nữ hầu cận bên cạnh Ngọc Hoàng Thượng đế và có thể tiếp biến của nó là cặp Thiện Tài và Long Nữ xuất hiện cùng với Quán Thế Âm [14]. Như vậy, Song đồng Ngọc Nữ (phổ biến ở Nghệ An) có thể cũng là một biến thể của Ngọc Nữ và Long Nữ của văn hóa Trung Hoa rồi được bản địa hóa, địa phương hóa ở Nghệ An của Việt Nam.

 

* Thần Lê Khôi

Lê Khôi là vị thần có lai lịch khá rõ ràng. Ông có tên thụy là Vũ Mục, công thần khai quốc nhà Lê sơ, là cháu của Lê Lợi, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều công lao được Lê Thái Tổ lên ngôi phong cho là Kỳ Lân Hổ Vệ tướng quân, hàm Nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu và được điều làm trấn thủ Hóa châu (nay thuộc Thừa Thiên Huế). Năm 1446, ông làm tiền quân tiến đánh Chiêm Thành, đánh đến thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Bí Cai, lúc đem quân trở về, ông mắc bệnh, mất ở chân núi Long Ngâm, cửa biển Nam giới (tức cửa Sót), thuộc địa phận Hà Tĩnh ngày nay [9]. Sau khi ông mất, triều đình nhà Lê đã làm quốc tang và an táng thi hài ông tại chóp núi Long Ngâm. Đền thờ Lê Khôi được xây dựng năm Đinh Mão (năm 1477), ngay sau khi ông mất một năm. Hàng năm, lễ hội đền được tổ chức long trọng vào ngày giỗ của ông (3 tháng Năm) [8].

Vậy Lê Khôi là nhân vật lịch sử có thật, từng trấn thủ ở châu Hóa thuộc khu vực Thừa Thiên Huế, có đền thờ và mộ táng tại chính nơi ông mất ở cửa Sót thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Tại đây ông được thờ phụng với tên gọi là Chiêu Trưng Đại vương chứ không gắn với tên gọi ông Hoàng Mười như ở làng Xuân Am.

Ta biết rằng nằm sát ngôi đền thờ ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am còn có một ngôi mộ được xây cất bề thế gọi là “Lăng Đức Hoàng Mười”. Truyền thuyết ở đây kể về sự tích ngôi mộ theo một motip khá quen thuộc: Ông là tướng đi đánh giặc bị thương, đầu đứt gần lìa khỏi cổ, trên đường về quê rẽ vào hàng nước hỏi bà bán hàng “Tôi có về được quê không?”, bà bán hàng nước nói: “Nếu uống được nước thì về được quê”. Ông xuống ngựa uống được nước và tiếp tục phi ngựa về quê thì mất. Ngựa còn cất tiếng hí vang, dân làng nghe tin xuống đến nơi thì mối đã vùi ông thành mộ ở vị trí ngôi mộ ông Hoàng Mười hiện nay. Theo đó, ngôi mộ ông Hoàng Mười đã có từ xa xưa, dạng hình tròn bằng đất. Khu lăng mộ bề thế như hiện nay được xây dựng từ năm 1997 và đến năm 2000 được nâng cấp lại [6].

Có thể thấy, ngày giỗ ông Hoàng Mười (10 tháng Mười) và ngôi mộ ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am không có liên quan đến ngày giỗ cũng như ngôi mộ của Lê Khôi. Tuy nhiên, điểm chung giữa Lê Khôi và “Ông Hoàng Mười” trong truyền thuyết dân gian là cả hai đều là tướng đi đánh giặc và chết trên đường trở về quê. Phải chăng sự tồn tại ngôi mộ ông Hoàng Mười cạnh ngôi đền chính là lý do khiến ngôi đền “Mỏ Hạc linh từ” làng Xuân Am trở thành đền ông Hoàng Mười?

 

* Thần Nguyễn Duy Lạc

Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Xuân Am và thần tích của làng, ông Nguyễn Duy Lạc sinh năm1558, mất năm 1639, vốn là tướng giúp vua Lê chúa Trịnh dẹp loạn, được triều đình phong chức nhiều lần. Trước khi mất, ngài cống cho làng 100 quan tiền và 2 mẫu ruộng, nhân dân mến đức, phục uy, tôn làm hậu thần và thờ phụng tại đền [6].

Theo đó, trong số 4 vị thần được thờ phụng tại đền Ông Hoàng Mười hiện nay, ngoài Đức Thánh Ba chưa rõ lai lịch thì Nguyễn Duy Lạc là vị thần có nguồn gốc tại làng. Ông là tướng đánh giặc nhưng sống thọ và chết tại làng, trước khi mất có công đức cho làng. Có lẽ vì ông là một trong 4 vị thần của làng nên các sắc phong thần của đền được dòng họ Nguyễn của ông cất giữ; trong lịch trình lễ hội của đền hàng năm (10 tháng Mười) có tổ chức lễ rước sắc rất long trọng từ nhà thờ họ Nguyễn về đền, sau đó lại làm lễ rước sắc về nhà thờ như cũ. Đặc biệt, trước đây còn có lễ khai điển (15 tháng Ba) - là lễ kiểm tra bằng sắc, cũng có nghi lễ rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền với những hoạt động yết cáo, lễ đại lễ, lễ dâng hương, lễ tạ và các hoạt động vui chơi thể thao và văn nghệ, trò chơi dân gian (hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người, đua thuyền trên sông Mộc...) về cơ bản tương tự như hoạt động lễ hội dịp 10 tháng Mười. Qua đây cho thấy dòng họ Nguyễn đã cất giữ các sắc phong của đền từ lâu đời, có thể là liên quan đến vị trí quan trọng của thần Nguyễn Duy Lạc cũng như dòng họ Nguyễn ở làng Xuân Am trong quá khứ.

Như vậy, bài vị ông Hoàng Mười mới chính thức có ở đền làng Xuân Am sau năm 1995, còn trước đó, vị trí này thuộc về Đức Thánh Hai gắn với sắc phong của ngài Lê Khôi. Được biết, đền Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là ngôi đền thờ Mẫu có từ lâu đời, sau khi Lê Khôi mất người dân mới đặt bài vị Lê Khôi để phối thờ [5]. Có lẽ việc phối thờ bài vị Lê Khôi với tư cách ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am cũng tương tự như ở đền Củi, tuy nhiên, có thể vì làng Xuân Am có thần Nguyễn Duy Lạc là người làng, lại sở hữu nhiều đạo sắc phong, trong đó có sắc phong cho thần Lê Khôi, nên vai trò của nữ thần (Song đồng Ngọc Nữ) với tư cách là Đức Thánh Cả mờ nhạt hơn so với các vị nam thần? Có thể vì lý do này mà trong tâm thức người dân làng Xuân Am thì ông Hoàng Mười còn được đồng nhất với thần Nguyễn Duy Lạc, vốn cũng là vị tướng của làng.

2. Ông Hoàng Mười đền Xuân Am - nhìn từ lễ hội

Trong 4 vị được thờ tại đền, ông Nguyễn Duy Lạc có lễ kỵ vào ngày 10 tháng Hai; Đức Thánh Ba không có; Song đồng Ngọc Nữ kỵ ngày 26 tháng Chạp, còn ông Hoàng Mười (Đức Thánh Hai - Lê Khôi) kỵ ngày 10 tháng Mười gắn với lễ hội ông Hoàng Mười.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao lễ hội ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am lại không được tổ chức vào ngày 3 tháng Năm là ngày kỵ của Lê Khôi như ở đền chính của Lê Khôi bên Hà Tĩnh (đền Chiêu Trưng) mà lại tổ chức vào ngày 10 tháng Mười? Chúng tôi cho rằng mấu chốt của vấn đề chính là ở cái tên “Ông Hoàng Mười” gắn với việc tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng Mười trùng với dịp tết Cơm mới vốn rất phổ biến ở Việt Nam, còn được gọi là tết Song thập (hay tết Trùng thập, hoặc tết Hạ nguyên).

Trước hết, tết Cơm mới không chỉ phổ biến ở người Kinh (Việt) mà còn là một tết lớn ở các tộc người thiểu số với ý nghĩa mừng mùa lúa mới gắn với những nghi lễ riêng của từng tộc người. Chẳng hạn, người Xơ Teng (một nhánh của người Xơ Đăng) ở Tây Nguyên có hai nghi lễ liên quan là nghi lễ ăn lúa mới tổ chức vào khoảng tháng 9 dương lịch trước khi thu hoạch và nghi lễ mừng mùa thu hoạch tổ chức vào khoảng tháng 12 dương lịch) [16, tr.97-109]. Người Tày có tết Cơm mới tương ứng với tết mừng Cốm mới, gắn với nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Ở người Kinh, do tiếp thu văn hóa Trung Hoa nên tết Cơm mới còn có các tên gọi khác là tết Trùng thập, Song thập hoặc tết Hạ nguyên. Tết Hạ nguyên vào rằm tháng Mười, được cho là ngày vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh, nên còn gọi là “Hạ Nguyên Giải Ách Thuỷ Quan Ðại Ðế Thắng Hội”, hay còn gọi là “Hạ Nguyên Thuỷ Quan Thánh Ðản”, “Tết lúa mới”... [3]. Hạ Vũ là một vị vua huyền thoại cổ đại nổi tiếng với việc chống lũ lụt và xác lập chế độ cha truyền con nối bằng cách thành lập nhà Hạ cùng nhân cách đạo đức ngay thẳng của mình. Ông được Đạo giáo tôn là Thủy Quan Đại Đế, thần đản là ngày Tết Hạ Nguyên [12]. Như vậy, Hạ Vũ thuộc Thủy quan (Thoải phủ), có lẽ liên quan tới truyền thuyết Hạ Vũ là vị vua trị thủy sống ở vùng sông nước.

Phải chăng việc làng Xuân Am coi ngày 10 tháng Mười là ngày kỵ của ông Hoàng Mười - một vị thần cũng có nguồn gốc thủy thần, đối lập với ngày đản của Thủy Quan Đại Đế là có hàm ý về mối liên hệ về cội nguồn văn hóa giữa tục thờ ông Hoàng Mười ở đây với truyền thuyết về vua Hạ Vũ?

Ngoài ra, theo sách Dược lễ, ngày 10 tháng Mười là ngày cây thuốc tụ được khí âm dương, kết được sắc tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) trở nên tốt nhất, vì vậy các thầy thuốc rất coi trọng ngày tết này [13]. Cũng như vậy, theo Phan Kế Bính, tết Trùng thập “phần nhiều là của các nhà đồng cốt và nhà thầy thuốc mới ăn thôi... Các nhà thầy thuốc thì vì thu lễ thu tiền mà ăn Tết, một là để cung cấp, hai là để khoản đãi các đệ tử và các bạn hàng” [1, tr.56]. Vậy việc “các nhà đồng cốt” coi 10 tháng Mười là ngày lễ của họ có lẽ là liên quan đến nghề nghiệp chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần của họ. Trong thực tế, ở các gia đình có tổ nghề cúng Then của người Tày ở Tuyên Quang, hiện vẫn còn giữ tục cúng Cốm mới (người dân gọi nôm na là “làm cốm”), là dịp cúng mừng được mùa của người đứng đầu dòng họ Then với ý nghĩa làm lễ, “nộp thuế” cho Ngọc Hoàng.

Dù có các tên gọi khác nhau, nhưng theo truyền thống, tại các vùng quê nông thôn Việt Nam, vào ngày này, mọi nhà thường nấu các loại bánh làm từ gạo (tất cả sử dụng bằng loại thóc mới thu hoạch) như bánh bột lọc, bánh dầy, bánh dẻo... Ngoài ra còn có xôi chè (các loại đồ ăn gần giống với ngày lễ diệt sâu bọ mùng 5 tháng Năm), đến giờ hoàng đạo thì cúng gia tiên, thần linh, thổ địa [18].

Như vậy, sở dĩ tết Cơm mới ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau bởi lẽ ở nó tích hợp nhiều lớp nghĩa văn hóa từ tín ngưỡng nông nghiệp bản địa của người Việt cổ đến các yếu tố du nhập. Theo đó, lễ hội đền Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am tổ chức vào ngày 10 tháng Mười, với ý nghĩa là ngày kỵ của ông Hoàng Mười, chính là sự kết tập của các hình thức tín ngưỡng của địa phương như tín ngưỡng thờ thủy thần, tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ Mẫu (ở đây là Song đồng Ngọc Nữ với vị thế là Mẫu Thoải có vai trò điều hòa mưa gió, chữa bệnh, sinh sôi nảy nở), tín ngưỡng thờ phúc thần (người anh hùng trận mạc),... đã được biểu tượng hóa thông qua hình tượng ông Hoàng Mười mang đậm phong cách của người anh hùng xứ Nghệ.

3. Ông Hoàng Mười Nghệ An trong tín ngưỡng Tứ phủ

3.1. Ông Hoàng Mười Nghệ An trong điện thần Tứ phủ

Ta biết rằng điện thần Tứ phủ của các ông bà đồng được xây dựng trên cơ sở điện thần Tam phủ của các thầy pháp sư. Theo đó, bên cạnh các đối tượng thờ phụng chính của Tam phủ như Phật, Pháp (Vua cha Ngọc Hoàng, Trần triều, Đức ông Cửa Suốt), Nam Tào Bắc Đẩu, Hạ ban (Ngũ hổ), thì điện Tứ phủ còn bổ sung thêm các ban như: Tam tòa Thánh Mẫu, Vua cha Bát Hải, Tứ vị Chầu Bà, Ngũ vị Tôn quan, Tứ phủ Quan Hoàng, cung Sơn trang, hai ông Lốt và các ban Cô, Cậu [17]. Có thể thấy, điện thần Tứ phủ là sự thống nhất các hình thức tín ngưỡng của người Việt Nam trên cơ sở tập hợp một cách hệ thống các vị thần linh trong bốn cõi (bốn phủ) của người Việt Nam, xét theo cả chiều không gian (địa lý), thời gian (lịch sử) và tôn giáo tín ngưỡng gắn với bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội cụ thể. Có thể xem xét tập hợp đó theo hàng dọc từ trên xuống dưới như sau:

- Hàng Mẫu: Là hàng các Thánh Mẫu biểu trưng cho không gian, thời gian cư trú của người Việt, cùng sự hội nhập văn hóa qua các thời kỳ lịch sử. Căn cứ vào truyền thuyết và văn chầu thì Mẫu Thoải gắn với truyền thuyết Kinh Dương Vương kết hôn với con gái Long Vương ở vùng hồ Động Đình; Mẫu Thượng Ngàn tương ứng với Mẫu Âu Cơ gắn với thời kỳ vua Hùng dựng nước; Mẫu Thượng Thiên với hóa thân là Mẫu Liễu Hạnh gắn với thời kỳ Lê - Trịnh khoảng từ thế kỷ XVI, XVII.

Tương ứng với hàng Mẫu là hàng Vua cha, nổi bật là Vua cha Ngọc Hoàng (Thiên phủ) và Vua cha Bát Hải Động Đình (Thoải phủ), hóa thân là Đức Thánh Trần.

- Hàng Quan: Nếu xét về vị thế và lai lịch thì có lẽ hàng Quan trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt là thuộc về hàng thờ phụng các vị thánh có nguồn gốc vua chúa. Chẳng hạn như trong Ngũ vị Quan lớn thì Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị và Quan Đệ Tứ được coi là có nguồn gốc thiên thần (con vua ở thiên cung), còn Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ cũng đều là hoàng tử con vua Long Vương.

- Hàng Chầu: Tương ứng với việc thờ phụng các vị thánh nữ có công lao trong dựng nước và giữ nước, được coi là hóa thân của các mẫu, chẳng hạn như các vị công chúa, các tướng lĩnh đánh giặc (như chầu Lục, chầu Bé, chầu Bát Nàn, chầu Mười...).

- Hàng Ông Hoàng: Là hàng thờ phụng các vị thánh nam có công lao với dân với nước, chủ yếu là các tướng lĩnh có công đánh giặc, nhiều người trong số đó bị tử trận, chẳng hạn như tướng Lê Khôi ở Nghệ An.

- Hàng Cô: Là hàng thờ các thiếu nữ chết trẻ linh thiêng, tương ứng với các “Bà Cô” của các gia đình, dòng họ. Trường hợp hai cô gái họ Trần chết đuối ở đền Song đồng Ngọc Nữ (xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) là một ví dụ.

- Hàng Cậu: Là hàng thờ các cậu bé chết trẻ từ 1 - 9 tuổi linh thiêng, biểu tượng hóa thành bé Thánh, tương ứng với các “Ông Mãnh” thờ trong các gia đình, dòng họ.

Ngoài ra, sự hiện diện của Hổ (Ngũ Hổ) và Rắn (thường là đôi Thanh Xà, Bạch Xà) là tượng trưng cho các vị thần của rừng núi và sông nước vốn là địa bàn cư trú lâu đời của người Việt.

Như vậy, trong điện thờ của tín ngưỡng Tứ phủ, tính theo hàng dọc từ trên xuống thì ông Hoàng Mười thuộc hàng thứ tư (hàng Ông Hoàng) sau hàng Mẫu, Quan, Chầu và trước hàng Cô, Cậu. Hàng Ông Hoàng được gọi tên theo các thứ tự từ ông Hoàng Đệ Nhất tới ông Hoàng Mười, phần lớn các ông Hoàng đều có một lai lịch riêng gắn với công tích ở một địa phương cụ thể2

Về bài trí, trong điện thờ Tứ phủ, vị trí ở giữa là Tam tòa Thánh Mẫu, bên trái là Tứ vị Chầu Bà, bên phải là Tứ phủ Quan Hoàng. Ông Hoàng Mười thuộc hàng Địa phủ, mặc lễ phục màu vàng, rồi đến ông Hoàng Chín, ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Bơ.

Phong cách và đặc điểm tính cách của ông Hoàng Mười được miêu tả qua văn chầu và thể hiện thông qua giá hầu ông Hoàng Mười trong nghi lễ hầu đồng. Thường thì giá hầu ông Hoàng Mười luôn mang lại hứng khởi cho người tham dự với phong cách lịch lãm, giỏi thơ phú và đặc biệt là ban tài phát lộc, nhất là lộc học hành. Tương truyền, ông Hoàng Mười thường phù hộ cho việc học hành thi cử, nên mỗi khi ông nhập đồng, các con nhang thường dâng tiền và lễ vật xin ông ban lộc học hành và thi cử cho con cái. Qua đây có thể thấy, đã có sự mô hình hóa hình tượng ông Hoàng Mười trong điện thần Tứ phủ so với hình tượng ông Hoàng Mười trong điện thần làng Xuân Am.

3.2. Ông Hoàng Mười qua ghế thanh đồng

Trong đội ngũ thanh đồng thường phổ biến khái niệm “căn” để chỉ tính cách của các thanh đồng tương ứng với các vị thánh trong hệ thống Tứ phủ. Thường nam giới có “căn cô”, “căn chầu” như “căn cô Chín”, “căn chầu Lục”; nữ giới có căn quan, căn ông hoàng như “căn ông Hoàng Bảy”, “căn ông Hoàng Mười”... Khoảng mấy thập niên gần đây còn xuất hiện hiện tượng một số vị thánh trong hệ thống Tứ phủ nhập đồng thông qua ghế các thanh đồng để trực tiếp chỉ đạo các việc tìm mộ, chữa bệnh,... mà điển hình là sự xuất hiện nhân vật ông Hoàng Mười qua ghế thanh đồng Trần Ngọc Ánh ở Hà Nội và ông Hoàng Bảy qua ghế thanh đồng Hằng ở thành phố Biên Hòa... Đặc biệt, qua ghế thanh đồng Trần Ngọc Ánh, ngoài việc chỉ bảo tìm kiếm mồ mả các liệt sĩ, chữa bệnh cho dân,... thì trong những trường hợp cần thiết, cô Ánh còn được ông Hoàng “sang tai” để cung cấp thông tin hoặc chỉ vẽ công việc cho các gia chủ.

Dưới sự chỉ đạo của ông Hoàng Mười, cô Ánh đã giúp họ Hà ở Hà Tĩnh tìm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (năm 2009) và tìm mộ tướng quân Hà Mại (năm 2010), một danh tướng thời Trần, đồng thời là cụ thủy tổ của họ Hà ở Hà Tĩnh. Cuốn sách Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập của tác giả Hà Huy Lợi là một tập ghi chép chân thực và chi tiết về quá trình con cháu dòng họ Hà đi tìm mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, thể hiện vai trò chỉ đạo tích cực của ông Hoàng Mười, qua đó tái diễn lại một phần tâm tư nguyện vọng của các chiến sĩ tiền bối cách mạng (Hà Huy Tập, Võ Văn Tần...) đối với người đương đại.

Khảo sát ông Hoàng Mười qua ghế cô đồng Trần Ngọc Ánh cho thấy, cách giao tiếp của ông với người trần là nhập đồng ghế cô Ánh để giao tiếp một cách tự nhiên giống như giữa người trần với người trần. Ngoài ra, ông còn “điều” vong các gia chủ về để gia chủ hỏi han việc nhà, thường là các vong cậu bé (không thấy trường hợp nào là cô bé) và các vong tổ tiên của gia chủ. Về ngôn ngữ, ông Hoàng Mười nói tiếng Nghệ có pha giọng Bắc; về tính cách, ông thể hiện sự hài hước, dí dỏm, nhã nhặn, thân thiện; về học vấn, ông thể hiện là người học thức cao, hiểu biết uyên thâm, biết nhiều ngoại ngữ và tự giới thiệu bản thân là “mệnh quan triều đình”; về sở thích, ông thích hút thuốc lá, uống nước lọc... Với những đặc điểm như vậy, ông Hoàng Mười trong nghi lễ hầu đồng của cô Ánh thể hiện một phong cách tự nhiên, độc đáo hơn so với các giá khác. Từ đó gợi cho người tiếp xúc liên tưởng về một biểu tượng “Ông Hoàng Mười” mới, gắn với các nhà hoạt động cách mạng của Nghệ An nửa đầu thế kỷ XX.

Từ trường hợp ông Hoàng Mười qua ghế cô đồng Trần Ngọc Ánh cho thấy, một mặt, ông mang điểm chung trong tính cách của ông Hoàng Mười trong truyền thống; mặt khác, lại thể hiện những đặc điểm riêng mang tính thời đại, qua đó thể hiện sự vận động biến đổi mang tính lịch sử trong biểu tượng của các vị thánh trong điện thần Tứ phủ nói chung.

Như vậy sự xuất hiện “Ông Hoàng Mười ở Nghệ An” trong điện thần Tứ phủ chính là kết quả của quá trình địa phương hóa các đối tượng thờ phụng của điện thần Tứ phủ nói chung và các vị thần thuộc hàng Ông Hoàng nói riêng. Có thể nhận thấy, ông Hoàng Mười là một biểu tượng văn hóa đa nghĩa mang tính lịch sử. Tuy nhiên, có một điểm chung khá thống nhất về nhân vật này là ở mối liên hệ với vùng đất Nghệ An mà ta có thể nhận ra qua truyền thuyết, văn chầu và kể cả qua ghế các thanh đồng.

N.T.Y (PGS.TS, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXHVN)

 

Chú thích

1 Bài viết thuộc đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số Hợp đồng 190/ HĐKH-KHXH: Thực hành tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt từ sau vinh danh do PGS.TS Nguyễn Thị Yên làm chủ nhiệm đề tài.

2 Theo Ngô Đức Thịnh, trong Đạo Mẫu Việt Nam, ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi; ông Hoàng Đôi (Đệ Nhị) với hai nơi thờ mang những gốc tích khác nhau: Ông Hoàng Đôi ở Cẩm Phả là người Mán có công chống giặc bảo vệ dân lành, còn ông Hoàng Đôi ở Xứ Thanh thì lại đồng nhất với Quan Triệu Tường, người có công mở mang đất đai giúp dân sinh sống; ông Hoàng Bơ (Ba) thờ ở đền Lảnh (Hà Nam) có công phò vua đánh giặc; ông Hoàng Lục tức tướng Trần Lựu có công chống giặc Minh; ông Hoàng Bảy (ông Hoàng Bảy Bảo Hà) là viên quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái; ông Hoàng Bát là người Nùng, còn ông Hoàng Mười là một quan văn thời Lê, gốc Nghệ An [15, tr.75].

Tài liệu tham khảo

1. Phan Kế Bính (1999), Việt Nam phong tục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

2. Thái Huy Bích, “Những sắc phong tại đền Hoàng Mười - xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên”, http://hungnguyen.gov.vn/ hungnguyen/default/explorer/news

3. Trí Bửu, “Ý nghĩa ngày Rằm tháng Mười, Rằm Hạ nguyên”, http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/22309-y-nghia-ngay-ram- thang-muoi-ram-ha-nguyen.html.

4. Đền Ông Hoàng Mười (2009), Nxb. Nghệ An, Nghệ An.

5. “Đền thờ Ông Hoàng Mười ở đâu?”, https://gianganh.net/den-tho-ong-hoang-muoi-o- dau-2045.html

6. Nguyễn Thị Thanh Giang (2015), Đền thờ Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Ninh Viết Giao (2000), Tục thờ thần và thần tích ở Nghệ An, Nxb. Nghệ An, Nghệ An.

8. “Khai hội lễ hội đền Lê Khôi”, https:// hatinh.gov.vn/tintucsukien/tintrongtinh/Pages/ KhaihộiLễhộiđềnLêKhôi.aspx?curpage=15

9. “Lê Khôi”, https://vi.wikipedia.org/wiki/ Lê_Khôi

10. Hà Huy Lợi (2010), Cuộc tìm kiếm hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh.

11. “Ngôi đền ‘níu’ hàng trăm xác chết đuối”, http://ngoisao.net/tin-tuc/thoi-cuoc/chuyen-la/ngoi-den-niu-hang-tram-xac-chet- duoi-2964195.html

12. “Tết cơm mới Hạ Nguyên là gì và cách cúng tết cơm mới”, http://www.mangtinmoi.com/tet-com-moi-ha-nguyen-la-gi-va-cach- cung-tet-com-moi-d28123.html

13. “Tết Trùng Thập - Ngày mồng 10 tháng 10âm lịch”, http://lichvansu.wap.vn/phong-tuc-tap- quan/tet-trung-thap-ngay-mong-10-thang-10-am-lich-26850.html

14. “Thiện Tài đồng tử”, https://vi.wikipedia. org/wiki/Thiện_Tài_đồng_tử 

15. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

16. A Tuấn (2015), Nghi lễ nông nghiệp của người Xơ Teng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

17. Nguyễn Thị Yên (2014), “Mẫu Thượng Ngàn: Sự tham gia của tín ngưỡng các tộc người thiểu số vào điện thần Tứ phủ”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1 (151), tr.23-32.

18. “Ý nghĩa Tết Trùng Thập ngày 10-10 Âm lịch”, http://vansu.net/y-nghia-tet-trung-thap- ngay-10-10-am-lich

Xem thêm: Hương danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh – vị công thần trứ danh thời chúa Nguyễn và hai văn bia trên mộ ông

Các bài viết khác

Xem thêm
Sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ và nghi lễ hầu đồng
Lễ Hội22/06/2023

Sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ và nghi lễ hầu đồng

Tín ngưỡng Tam/ Tứ phủ và nghi lễ hầu đồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của một bộ phận người dân Việt Nam hiện nay. Ngày 1/12/2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó cho thấy tín ngưỡng này có một giá trị vô cùng quan trọng. Bởi vậy, nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ nhằm phản ánh quá trình hình thành, phát triển của tín ngưỡng; phản ánh đời sống xã hội, nhu cầu tâm linh của con người là việc làm cần thiết. Bài viết tìm hiểu sự hình thành của tín ngưỡng này thông qua nghiên cứu truyền thuyết và tư liệu thành văn cùng lịch sử giao lưu, tiếp biến văn hóa, như một đóng góp vào công việc có tính chất học thuật và thực tiễn này.

Nguồn: Internet
Lễ Hội15/07/2023

Ca Huế qua một số ý kiến của các nhà nghiên cứu xưa và nay

Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền có nguồn gốc dân gian - Hát cửa đình phát tán thành một thành phần cổ truyền chuyên nghiệp là hát Ả đào vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế...

Nguồn: Internet
Lễ Hội14/08/2023

Về yếu tố nước trong lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (76). 2009

Ok-om-bok là lễ hội lớn sau lễ hội Chol-chnam-thmay của đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu như Chol-chnam-thmay là lễ hội mừng năm mới và diễn ra vào đầu mùa mưa (giữa tháng 4 dương lịch) thì lễ hội Ok-om-bok được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, thời điểm vừa thu hoạch vụ lúa mùa xong và là cao điểm của mùa nước lũ trong năm.