Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Lễ hội và di tích Phủ Dầy, 10 năm nhìn lại, Tạp chí Di sản Văn hóa số 7 (năm 2004)

29/07/2023708

Năm 1994, trong khung cảnh đổi mới đất nước, lễ hội Phủ Dầy sau nhiều năm bị gián đoạn, được thể nghiệm hồi phục. Đến nay, sau 10 năm, chúng ta đã có đủ điều kiện cần thiết để nhìn nhận lại những gì đã và đang làm, nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, để lễ hội và di tích Phủ Dầy xứng đáng là một trong những di tích và lễ hội lớn nhất và tiêu biểu nhất của đời sống tín ngưỡng - văn hóa của nhân dân ta. 

1. Trước nhất là về nhận thức

Có lẽ mọi hành động và việc làm của chúng ta đều xuất phát từ nhận thức, vậy sau 10 năm chúng ta đã có những nhận thức mới gì về tín ngưỡng, lễ hội và di tích Phủ Dầy? 

Mười năm qua, có khá nhiều công trình nghiên cứu về hiện tượng Đạo Mẫu nói chung và tín ngưỡng, di tích và lễ hội Phủ Dầy nói riêng, trong đó đặc biệt phải kể tới hai cuộc hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Mở đầu, năm 1991, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Viện Văn học và Hội Văn nghệ dân gian phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sau đó đúng một thập kỷ, năm 2001, trong một quy mô rộng lớn hơn nhiều, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Đạo Mẫu và Lễ hội Phủ Dầy, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trong nước và Quốc tế thuộc hơn mười nước khác nhau. Kết quả của các hoạt động khoa học và thực tiễn của giới nghiên cứu và quản lý ở trung ương và địa phương đã đi đến một số nhận thức mới sau:

a) Trên bình diện lý luận và thực tiễn, đã có sự nhận thức hợp lý hơn về mối quan hệ giữa di tích và lễ hội Phủ Dầy. Di tích Phủ Dầy và lễ hội Phủ Dầy là sự thống nhất biện chứng giữa văn hóa vật thể, và văn hoá phi vật thể, giống như giữa thân xác và linh hồn, cái là tiền đề cho по sự tồn tại và phát triển của cái kia. Bảo tồn và phát huy lễ hội không thể tách rời việc trùng tu, tôn tạo di tích và ngược lại. Trước thập kỷ 90, không ít người cho rằng Phủ Dầy được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia chỉ là về phương diện di tích kiến trúc thôi, chứ tín ngưỡng thờ Mẫu và đặc biệt là vị thần Thánh mẫu Liễu Hạnh không được thừa nhận. Nay, sau 10 năm không biết còn ai băn khoăn như vậy nữa không? Di tích, tín ngưỡng và lễ hội Phủ Dầy là một sự thống nhất hữu cơ, là di sản văn hóa tiêu biểu của không chỉ Nam Định mà còn của cả nước. Đó là một khẳng định cả trên phương diện nhận thức và thực tiễn. 

b) Từ thập kỷ 90 tới nay, chúng ta đã có bước tiến khá dài trong việc nhận thức về Đạo Mẫu. Đạo Mẫu là một hệ thống các tín ngưỡng dựa trên nền tảng thờ nữ thần, rồi trên cơ sở đó tiếp thu những giao lưu ảnh hưởng từ bên ngoài để hình thành các lớp thờ Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đạo Mẫu lấy biểu tượng người Mẹ (Mẫu) với thiên năng sản sinh, nuôi dưỡng và bảo trợ, nó phản ánh trên bình diện tín ngưỡng, tâm linh, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu, trong xã hội và sáng tạo văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đạo Mẫu sản sinh và tích hợp vào nó những giá trị văn hóa, giá trị đạo đức, nó sớm được lịch sử hoá và trở thành một trong những biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Cặp biểu tượng Vua Cha - Thánh Mẫu, chính là sự nối tiếp và phát triển của trục biểu tượng cội nguồn Cha Lạc Long - Mẹ Âu Cơ, khiến Đạo Mẫu trở thành một trong những tín ngưỡng cổ xưa và mang tính bản địa nhất, cũng giống như thờ cúng Tổ tiên, Thành Hoàng, thờ cúng các Anh hùng dân tộc... 

c) Trước kia, không ít người lầm tưởng nghi lễ Hầu bóng là một tín ngưỡng độc lập, riêng rẽ và nhìn nhận nó với con mắt đầy ác cảm. Trong những năm qua chúng ta cũng dần làm rõ hơn nghi lễ Hầu bóng này. Trước nhất, Hầu bóng là một trong các nghi lễ của Đạo Mẫu, thậm chí nó là nghi lễ tiêu biểu và quan trọng nhất của đạo này. Bản chất của Hầu bóng là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của thần linh Tứ Phủ, Tam Phủ vào thân xác các ông đồng, bà đồng để cầu mong sức khoẻ, tài lộc. Để thực hiện chức năng đó, nghi lễ Hầu bóng đã sản sinh và tích hợp nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, khiến có người vì nó như là thứ bảo tàng sống của văn hóa cổ truyền Việt Nam. Nó đóng vai trò như là sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng. Về phương diện ngoại hình, Hầu bóng là hình thức Shaman giáo, phổ biến ở hầu khắp các nước, các dân tộc trên thế giới và cùng với quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá, nó không những không mất đi như một số hình thức tín ngưỡng khác, mà có cơ hội phát triển, nhất là ở đô thị và mang các sắc thái vô cùng đa dạng.

d) Lễ hội Phủ Dầy nằm trong trục nghi lễ tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ của Đạo Mẫu nói riêng và trục lễ tiết Xuân thu nhị kỳ của lễ hội Việt Nam nói chung. Gốc rễ của hệ thống lễ hội này từ khởi thuỷ nó gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ nông nghiệp: Gieo cấy vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu, sau này, trải qua hàng nghìn năm, do hòa mình vào dòng chảy lịch sử dân tộc, do tiếp thu các nhân tố lịch sử, xã hội và tôn giáo khác nên nó đã biến dạng đi nhiều và mang các sắc thái phong phú đa dạng như ngày nay. Lễ hội Phủ Dầy cũng như các lễ hội cổ truyền khác, chứa đựng các giá trị nhân văn sâu sắc: Hướng về cội nguồn, biểu dương và cố kết sức mạnh cộng đồng, thoả mãn và cân bằng nhu cầu đời sống tâm linh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật, do vậy lễ hội thực sự trở thành bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. 

2. Về phương diện thực tiễn 

a) Phủ Dầy là một quần thể di tích của Đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ với khoảng trên 20 di tích liên quan chặt chẽ với nhau, có thể coi các di tích ấy như là một điện thần đạo Mẫu hoàn chỉnh, tựa như một thứ Bạch Vân Quán của Đạo giáo Trung Quốc. Từ trước tới nay, người ta thường nhìn và cư xử với các di tích của quần thể này một cách riêng rẽ, chứ chưa thấy tính hệ thống của nó, và đây mới chính là nét riêng, nét độc đáo của Phủ Dầy, khiến nó khác với các di tích khác và đóng vai trò là một trung tâm của đạo Mẫu ở nước ta. 

Mười năm trở lại đây, các di tích Đạo Mẫu ở Phủ Dầy từ chỗ bị xuống cấp, thậm chí có di tích bị đổ nát, phá hoại hoàn toàn (như phủ Bóng), thì nay phần lớn đã được tu bổ, tôn tạo, thậm chí được xây lại hoàn toàn mới. Nội thất trong mỗi di tích, như tượng và các đồ thờ cúng được tu sửa, sắp đặt lại ... Điều đáng nói là việc tu sửa, tôn tạo ở các di tích này thường do nhân dân tự bỏ tiền đóng góp, có nơi nguồn kinh phí khá lớn. Thí dụ Phủ Tiên Hương, mười năm qua số kinh phí tôn tạo đã lên tới gần 8 tỷ đồng, làm cho bộ mặt di tích khang trang hẳn lên. 

Tuy nhiên, từ sự đổi mới này, cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ trong khâu quản lý di tích. Trước nhất, tôi không rõ, với quần thể di tích Phủ Dầy, ngoài cơ quan bảo tồn bảo tàng của tỉnh Nam Định ra, thì còn có một tổ chức nào có trách nhiệm quản lý điều phối trong việc bảo quản, tôn tạo và kể cả hoạt động lễ hội hay không? Bởi vì, như tôi quan sát và tiếp nhận các thông tin từ địa phương, thì các di tích đều bị xé lẻ và việc quản lý, tôn tạo một cách độc lập. Tình trạng này dẫn đến việc tu bổ, tôn tạo, xây cất một cách vô tổ chức, mạnh ai nấy làm, làm biến dạng đáng kể một số di tích của quần thể Phủ Dầy. Việc tô vẽ lại tượng, việc xếp đặt thờ tự ở các đền, việc “công hữu" nhà thờ tự của gia tộc, dòng họ, việc thay đổi tuỳ tiện tính chất nơi thờ tự ... là một thực tế đã và đang diễn ra ở Phủ Dầy. Phải chăng, đã đến lúc địa phương, nên thành lập một Ban quản lý quần thể di tích Phủ Dầy, có chức năng điều phối việc bảo vệ, tôn tạo, sử dụng một quần thể với hơn 20 di tích này. Dù thế nào chăng nữa thì tôi cũng xin nhắc lại là, giá trị của Phủ Dầy một phần là ở tỉnh quần thể của nó chứ không chỉ một vài di tích được coi là tiêu biểu, dù nó là Tiên Hương hay Vân Cát. Nếu phá vỡ tính hệ thống của quần thể này thì chính chúng ta đã làm suy giảm giá trị của toàn bộ khu di tích với tư cách là trung tâm thờ Mẫu ở Việt Nam. 

b) Vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội lâu nay đã được các ngành các cấp ở trung ương và địa phương quan tâm. Chủ trương của nhà nước là xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đã được thực hiện khá tốt ở nhiều địa phương. Ở Phủ Dầy, mặc dù đây đó có việc tu bổ, tôn tạo một cách “tuỳ tiện", "mạnh ai nấy làm”, nhưng ít nhất, nhân dân đã tự đóng góp, tu sửa, tự quản lý mà chưa cần tới sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước. 

Hiện nay, người ta đang bàn tới mô hình quản lý di tích và hoạt động lễ hội. Nếu không kể tới các di tích mang tính quốc gia như Đền Hùng, thì thường là có hai mô hình chính: 1) Cộng đồng dân cư (thôn hay xã) đứng ra quản lý di tích và hoạt động nghi lễ, đó là trường hợp của đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và 2) Tư nhân đứng ra quản lý và điều hành và tất nhiên phải dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, có trách nhiệm đóng góp cho công quỹ địa phương và các công việc phúc lợi khác, như trường hợp Phủ Dầy. Theo tôi, mỗi mô hình đều có mặt mạnh và mặt yếu và hơn thế nữa nó còn phụ thuộc vào thực tế mỗi địa phương. Chúng ta nên đa dạng hoá các hình thức, mô hình quản lý, tổ chức lễ hội dân gian, miễn sao, thông qua các cơ quan chức năng của mình, nhà nước định hướng, giám sát để di tích và hoạt động lễ hội đi đúng hướng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, để nhân dân thực sự là người làm chủ, được thể hiện những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình thông qua các sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng và tất nhiên, nhân dân được hưởng những lợi ích vật chất một cách hợp lý mà di tích và lễ hội mang lại. 

c) Lễ hội Phủ Dầy sau nhiều năm vắng bóng, từ 1994 đến nay đã được mở lại. Đó là bước đột phá cả về nhận thức và hành động của chính quyền địa phương, của nhân dân và của cả các nhà khoa học và hoạt động văn hóa nữa. Cái gì “làm lại” bao giờ cũng có sự chuệch choạc, lúng túng, có cái tốt và cái chưa tốt, do vậy mới có sự nhìn nhận lại sau 10 năm phục hồi lễ hội Phủ Dầy. 

- Thực ra, lễ hội Phủ Dầy là một hệ thống các nghi lễ và lễ hội kéo dài gần hết ba tháng xuân, mà tập trung nhất từ ngày mồng một đến mồng chín tháng ba âm lịch, mở đầu bằng nghi lễ Chợ Viềng hội Phủ vào mồng tám tháng giêng và kết thúc vào ngày mồng chín tháng ba, ngày rước Mẫu lên chùa và mở hội Hoa trượng. Về phương diện thời gian, hội Phủ Dầy có nét giống với hội Chùa Hương, một trong những lễ hội mùa xuân điển hình của người Việt. Đấy là chưa kể, hơn cả Chùa Hương, Phủ Dầy còn là nơi người hành hương từ muôn nơi đổ về thực hiện các nghi lễ suốt cả năm. 

Như đã nói, nét độc đáo của hội Phủ Dầy là kết hợp giữa hội chợ với hội Phủ - chợ Viềng hội Phủ, mỗi năm duy nhất chỉ có một phiên mà theo phong tục là dịp người ta đến đây để mua may bán rủi. Chắc còn có nguyên nhân sâu xa khác nữa về sự gắn bó giữa Đạo Mẫu với vai trò buôn bán chợ quê của những người phụ nữ Việt. Mấy năm qua chúng ta đã khôi phục được nét tốt đẹp và độc đáo này của Phủ Dầy. 

- Nói đến lễ hội Phủ Dầy là nói tới đám rước Mẫu lên chùa Gôi thỉnh Phật Bà Quan Âm vào ngày 6 tháng giêng. Phong tục này nói lên nhiều điều về mối quan hệ giữa Đạo Mẫu và Phật giáo dân gian, khiến cho ngày nay, trong Mẫu có Phật và trong Phật có Mẫu. Tôi không rõ xưa kia cha ông ta rước như thế nào, nhưng tham dự mấy đám rước được phục hồi lại trong những năm gần đây thì nghi lễ rước Mẫu của hội Phủ Dầy thật hoành tráng, uy nghiêm, khiến cho nó trở thành tâm điểm của hội Phủ Dầy, thu hút hàng vạn khách thập phương. Quả thực, trong lễ hội nước ta, tôi chưa từng dự đám rước nào gây ấn tượng mạnh mẽ đến như vậy. Các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo đã hết lời ca ngợi và khâm phục. 

Nghi thức Hoa trượng - xếp chữ có ở nhiều nơi, tuy nhiên, không có ở đâu hội Hoa trượng lại quy mô, hoành tráng và mang tính nghệ thuật cao như ở hội Phủ Dầy. Đặc biệt, nghi thức này lại được gắn với sự tích Vương phi của Chúa Trịnh là Trịnh Thị Ngọc Đài, người gốc Phủ Dầy, vì có công lớn với dân làng nên được thờ làm thành hoàng làng Bảo Ngũ. Mấy năm qua, mỹ tục này đã được phục hồi khá thành công, góp phần không nhỏ vào việc tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của Hội Phủ Dầy, khiến bạn bè quốc tế đánh giá rất cao trình độ dân trí của nông thôn Việt Nam, mà trước đó họ cứ nghĩ đó chỉ là nơi sinh sống của những người nông dân mù chữ, vô học. 

Trong nghi lễ và lễ hội Phủ Dầy, chúng ta không thể không nhắc tới nghi lễ hầu bóng. Nghi lễ này là một hình thức của shaman giáo, phổ biến ở hầu khắp các tộc người trên thế giới. ở nước ta, sau một thời gian dài bị cấm, nay đã và đang hoạt động trở lại, ở cả thành thị và nông thôn, trong đó sôi động hơn cả là ở đô thị. Phủ Dầy cũng không nằm ngoài thực tế đó. Tình trạng hiện nay là, trong các văn bản cũ của nhà nước không cho phép lên đồng vì coi nó là hành động mê tín dị đoan, nhưng nếu làm thì hầu hết các nơi đều không ngăn cản và nghiễm nhiên nó diễn ra một cách công khai trước sự tò mò, thích thú của mọi người. Như nhiều lần chúng tôi đã phân tích, hát văn - hầu bóng là sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ của một lớp người có những lệch chuẩn nào đó về tâm sinh lý, mà thông qua nghi lễ hầu bóng họ khắc phục những khiếm khuyết về sức khoẻ và cân bằng hơn về tâm lý, khiến họ có niềm tin và hoà nhập tốt hơn với cộng đồng. Nếu không có những lợi dụng nào đó về tư lợi hay các mục đích cá nhân khác, chúng tôi thấy đây là những sinh hoạt tín ngưỡng bình thường, nằm ngoài phạm trù "mê tín dị đoan" mà Nhà nước ngăn cấm. 

- Lâu nay người ta đã bàn nhiều tới việc dùng hương, vàng mã, tràn lan trong nghi lễ và lễ hội, khiến dư luận xã hội khá bức xúc và không ít lần lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước hết hương hoa và vàng mã là một trong những phương tiện mà theo quan niệm dân gian, nó giúp con người thông quan với trời đất, thần linh để trời đất, thần linh thấu rõ những lời cầu xin của họ, giúp họ giải thoát khỏi các oan nghiệt, rủi ro trong đời sống trần tục. Ở một khía cạnh nào đó, vàng mã còn là một sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, thể hiện tài năng, sự khéo léo của con người, nó trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu tâm lĩnh lại vừa tạo ra công ăn việc làm nuôi sống, thậm chí làm giàu cho khá nhiều làng, nhiều gia đình ở nông thôn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, so với xã hội trước kia, ngày nay, không rõ vì lý do gì, con người đã lạm dụng hương hoa, vàng mã một cách quá mức, khiến nó từ một sản phẩm văn hóa trở thành thứ phi văn hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và tiêu tốn nhiều tiền bạc một cách không cần thiết. 

Có lẽ chúng ta không thể và không nên cấm đoán hương hoa, vàng mã, mà chỉ nên hạn chế việc sử dụng nó ở mức độ cho phép. Đó là việc của những người quản lý các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Trong thực tế, chúng tôi thấy có nhiều nơi đã làm khá tốt việc hạn chế này. Với các di tích ở Phủ Dầy, những người đang quản lý các đền phủ cũng cần nghiêm khắc hơn trong việc I hạn chế sử dụng hương hoa, vàng mã. Nhìn trên những nét tổng quan, theo ý kiến của chúng tôi, sau 10 năm khôi phục lễ hội Phủ Dầy, tuy còn không ít hạn chế trong khâu tổ chức, quản lý các di tích và lễ hội, nhưng về cơ bản chúng ta đã khôi phục lại được một quần thể di tích và lễ hội với quy mô lớn, hoành tráng với nhiều sắc thái văn hóa độc đáo và lành mạnh, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã đề ra. 

GS.TS. NGÔ ĐỨC THỊNH*

*VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA 

SUMMARIZE: FESTIVALS AND MONUMENT SITES OF PHU DAY - LOOKING BACK AFTER 10 YEARS

By re-assessing the development of Holy Mother cult in the past ten years and addressing the close rela- tions between festivals and monuments, the author tells of the natural aspect of the practice of possession by spirits, and the use of paper objects as offerings. The author notes that this is not a superstitious phe- nomenon, but rather an expressive form of folk religious culture. He also proposes ideas on how to inte- grate and manage festivals and monuments.

(PROF. DR. NGO DUC THINH)

Xem thêm: Lễ hội Phật giáo Huế - Những giá trị văn hóa đặc trưng

Các bài viết khác

Xem thêm
Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản

Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản

Thú vị là trong câu chuyện mà Tâm kể, có xuất hiện một người là thầy ở Việt Nam (trước khi Tâm lên đường tới Nhật, người thầy này dặn là cần đến viếng mộ cụ Trần Đông Phong), và một nữ đồng nghiệp lớn tuổi gốc Hà Nội đang ở Tokyo (người đã sống ở Nhật trong 20 năm cùng với con trai), thì đó chính là hai người đàn anh đàn chị thuộc nhóm đầu 1990

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: Khẳng định cương vực quốc gia trong bộ địa chí của triều Nguyễn
Tin tức khác05/09/2023

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: Khẳng định cương vực quốc gia trong bộ địa chí của triều Nguyễn

“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” là một thư tịch chính thống khẳng định cương vực quốc gia, tỏ rõ ý thức độc lập của dân tộc Việt Nam tự cường đầu thế kỷ XIX.

Biên soạn sách địa chí và xây dựng tài liệu địa chí ở Việt Nam
Địa chí08/06/2023

Biên soạn sách địa chí và xây dựng tài liệu địa chí ở Việt Nam

“Địa chí” là thuật ngữ chỉ việc ghi chép về một vùng địa lý nào đó. Thuật ngữ “Địa chí” gồm hai từ “Địa” và “chí”. Chí, nghĩa chữ Hán là ghi chép, Địa trong chữ Hán có nhiều nghĩa khác nhau.