Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Ngọn núi cao nhất Hải Phòng ẩn chứa vô số hang động, măng đá hình thù kỳ lạ như rồng chầu, hổ phục

04/11/202444

Núi Voi cao nhất Hải Phòng (thuộc huyện An Lão) có nhiều hang động đẹp như: hang Họng Voi, hang Chiêng, hang Cá Chép, hang Bể... Phía nam núi Voi có động Nam Tào, phía bắc có động Bắc Đẩu. Trong hang động có nhiều nhũ đá, măng đá với muôn hình kỳ lạ như rồng chầu, hổ phục...

Núi Voi là một trong những quần thể danh lam thắng cảnh sở hữu nhiều giá trị văn hóa lịch sử lâu đời không chỉ riêng Hải Phòng mà của cả nước.

Vào dịp hè, nơi đây là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt là trải nghiệm leo núi, khám phá thiên nhiên.

Với độ cao 143m, núi Voi là ngọn núi cao nhất Hải Phòng trong một quần thể trải dài qua 3 xã: Trường Thành, An Tiến, An Thắng, thuộc huyện An Lão và cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 20km về hướng Tây Nam.

Núi Voi bao gồm núi đá, núi đất xen lẫn nối đuôi nhau và có hình dáng như một ông voi khổng lồ, được Nhà nước xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào ngày 28-4-1962.

Mang trong mình nét đẹp tự nhiên, ghi dấu lịch sử hào hùng, nơi đây còn lưu truyền những truyền thuyết bí ẩn được rất nhiều người dân truyền tai nhau.

Núi Voi có nhiều hang động đẹp như: hang Họng Voi, hang Chiêng, hang Cá Chép, hang Bể... Phía nam núi có động Nam Tào, phía bắc có động Bắc Đẩu.

Trong hang động có nhiều nhũ đá, măng đá với muôn hình kỳ lạ như rồng chầu, hổ phục... Trên đỉnh núi Voi còn có một khoảng đất tương đối bằng phẳng gọi là bàn cờ tiên.

Không chỉ kỳ thú với những nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, núi Voi còn là cái nôi của những người tiền sử và sơ sử.

Núi Voi đã được các nhà khảo cổ Pháp chứng minh là một di tích khảo cổ học với nhiều di vật tồn tại cách đây khoảng 3.000 năm như : rìu đá, bôn đá, quả cân đá, bàn mài đá hay những vũ khí là giáo đồng và dao găm đồng.

Bên cạnh đó, khu quần thể di tích, thắng cảnh núi Voi còn nổi tiếng với các công trình kiến trúc văn hóa cổ từ lâu đời như Đình Chi Lai, Đình thờ Cao Sơn Đại Vương - một bộ tướng tâm phúc của Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18).

Hành trình lên tới đỉnh núi Voi đem lại cho du khách nhiều điều thú vị. Muốn lên tới đỉnh núi, du khách sẽ phải chinh phục con đường bằng cách leo thang bộ.

Hiện nay để phục vụ cho một lượng du khách lớn, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một hệ thống bậc thang rộng rãi, phát triển dựa trên địa hình thang đá có sẵn. Điểm đầu tiên mà du khách đặt chân tới sau quãng đường leo núi là hang Họng Voi.

Để vào trong hang du khách sẽ phải đi lên một dãy bậc thang dựng thẳng. Vì từng bậc thang khá nhỏ và trơn nên du khách cần phải cẩn thận, đặc biệt là trẻ em.

Ngay khi bước vào hang, không khí mát lạnh sẽ bao trùm toàn bộ không gian. Hệ thống đèn điện ngũ sắc càng khiến hang động trở nên huyền ảo, vách đá cẩm thạch hai bên nhỏ giọt, đôi chỗ rủ xuống tạo thành những dải băng lớn, đẹp tuyệt mỹ.

Đi sâu vào bên trong là một chiếc giếng lớn và đây chính là nét độc đáo tạo nên sự khác biệt của khu di tích núi Voi.

Người nơi đây gọi đó là giếng thần với nhiều giai thoại được truyền từ nhiều thế hệ. Giếng sâu hun hút chảy trực tiếp ra sông Đa Độ. Giữa lưng chừng khu di tích núi Voi có riêng một chòi nhỏ để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi trước khi tiếp tục hành trình khám phá.

Tại vị trí này du khách có thể ngắm nhìn được khung cảnh mênh mông, rộng lớn của đồng nương, thôn xóm, dòng sông Đa Độ uốn khúc quanh co.

Người địa phương gọi đây là điểm tình vì nhiều đôi trai gái thường đến đây để trao duyên hay gặp gỡ nhau và tìm hiểu. Đây cũng là địa điểm yêu thích của các cặp đôi để chụp ảnh cưới.

Từ chòi gác lên tới đỉnh khu di tích núi Voi không còn bao xa tuy nhiên đường đi khó khăn hơn chặng trước. Đường đá sắc nhọn, trơn lại nhỏ và dốc.

Đây có thể được coi là chặng khó khăn dành cho những ai gan dạ, thích cảm giác mạnh. Tuy nhiên nếu đặt chân tới đỉnh khu di tích núi Voi, du khách sẽ nhận được rất nhiều những giá trị mà không thứ gì có thể mua được.

Đó là cảm giác chinh phục, được tận hưởng không gian rộng lớn, được chạm tay gần tới bầu trời, được nhìn ngắm những gì quen thuộc nhất, giản dị nhất của bản làng, thôn xóm Việt Nam.

Hàng năm khu di tích núi Voi đón một lượng khách du lịch lớn từ thập phương đổ về. Thời gian lý tưởng nhất để khám phá ngọn núi này là vào những ngày tháng giêng âm lịch, chính xác là ba ngày 13,14 và ngày 15. Đây là khoảng thời gian diễn ra lễ hội núi Voi với nhiều hoạt động hấp dẫn và thú vị.

Trong quá trình diễn ra lễ hội du khách sẽ được hòa mình vào những trò chơi, mua sắm, thưởng thức âm nhạc và tiến hành thử thách chinh phục núi.

Hiện nay chính quyền địa phương đã thay đổi chút ít một chút về mặt thời gian. Lễ hội kéo dài ra một tuần nhưng vẫn nằm trong ba ngày quan trọng trước đó giúp du khách có dịp thu xếp thời gian du xuân sau những ngày Tết bận rộn của dân tộc.

Nguồn: Lan Phương (An ninh Hải Phòng)

Xem thêm: Thung lũng Mặt trăng: địa điểm kỳ lạ nhất ở Argentina

Các bài viết khác

Xem thêm
Sequoia – “Nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh
Tin tức khác24/10/2024

Sequoia – “Nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh

Cách đây hơn 4.000 năm, tại đất nước Ai Cập, các pharaon đang xây các Kim tự tháp thì tại vùng đất ẩm ướt ở California nảy mầm những hạt giống sequoia đầu tiên. Cây lớn lên, phát triển… tới 2.000 năm sau, khi đế chế La Mã đến hồi cực thịnh, sequoia đã trở thành loài cây khổng lồ - gần như vĩnh cửu.

Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm hiểu về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu), nghiên cứu và Phát triển số 2 (85) 2011
Địa chí09/07/2023

Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm hiểu về quê hương Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu), nghiên cứu và Phát triển số 2 (85) 2011

Khuông Việt Ngô Chân Lưu (932-1011)(1) được coi là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vị trí của ông đối với Phật giáo Việt Nam cũng như sự nghiệp dựng nước và giữ nước trải suốt hai triều Đinh Lê đã không ngừng được khẳng định đời này qua đời khác trong các tài liệu văn hiến Việt Nam. Tuy vậy, xung quanh thân thế và sự nghiệp của ông vẫn còn rất nhiều điểm bị che mờ bởi sương khói lịch sử và sự ngộ nhận chồng chất qua các đời.

Sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ và nghi lễ hầu đồng
Lễ Hội22/06/2023

Sự hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ và nghi lễ hầu đồng

Tín ngưỡng Tam/ Tứ phủ và nghi lễ hầu đồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của một bộ phận người dân Việt Nam hiện nay. Ngày 1/12/2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó cho thấy tín ngưỡng này có một giá trị vô cùng quan trọng. Bởi vậy, nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ nhằm phản ánh quá trình hình thành, phát triển của tín ngưỡng; phản ánh đời sống xã hội, nhu cầu tâm linh của con người là việc làm cần thiết. Bài viết tìm hiểu sự hình thành của tín ngưỡng này thông qua nghiên cứu truyền thuyết và tư liệu thành văn cùng lịch sử giao lưu, tiếp biến văn hóa, như một đóng góp vào công việc có tính chất học thuật và thực tiễn này.