Kéo co là trò chơi dân gian truyền thống
Kéo co thường được tổ chức trong các lễ hội cầu mùa, thể hiện mong ước của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở. Không chỉ có dân tộc Kinh, mà ở nhiều dân tộc ít người khác ở Việt Nam như dân tộc: Thái, Tày, Nùng, Giáy… cũng có tục trò chơi kéo co dân gian với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trong cách chơi.
Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.
Kéo co là trò chơi có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.
Hình ảnh trò chơi kéo co đầu xuân
Giáo sư Ngô Đức Thịnh, thành viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, cho biết: “Đây không đơn thuần là một trò chơi thuần tuý, mà còn là cuộc tranh tài có tính chất tâm linh. Cuộc thi tìm bên thắng cuộc, sau đó họ còn được vào trong Đình, Đền để cúng thần linh và họ tin rằng ngoài phần thưởng, vinh dự thì còn có niềm tin tâm linh, họ tin rằng cả giáp (thôn) trong làng của họ, cá nhân họ được thần linh che chở, cho nên trò chơi dân gian trong lễ hội, ngoài việc thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí, còn mang ý nghĩa phong tục, tâm linh không thể thiếu được”.
Đặc điểm chung của kéo co ở Việt Nam là kéo trên cạn, diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, điểm khác biệt là ở cách kéo. Trò chơi kéo co ở Lào Cai là của cộng đồng người Tày và người Giáy, họ dùng dây song để kéo trong các lễ hội, điển hình là lễ hội Roóng Poọc ở Tả Van (huyện Sa Pa) vào tháng Giêng hằng năm. Kéo co ở Hà Nội và Vĩnh Phúc là của người Kinh. Người Vĩnh Phúc kéo co ngồi trên hố đào sẵn, dùng sợi dây song xuyên qua cột và kéo đi kéo lại. Cũng là kéo co ngồi, cũng kéo bằng sợi dây nhưng khi kéo, người dân Thạch Bàn (Long Biên) ngồi bệt xuống đất, chứ không ngồi trong hố. Kéo co ở Sóc Sơn (Hà Nội) lại khác, người dân Sóc Sơn dùng cây tre để kéo, còn gọi là kéo mỏ. Có thể nói, tục kéo co ở mỗi nơi tuy có những lối chơi khác nhau, nhưng đều thể hiện sức mạnh, tinh thần đoàn kết, gắn bó tập thể.
Khi trò kéo co diễn ra, không khí vô cùng náo nhiệt. Từ những người trực tiếp thực hành kéo co đến những người phục vụ cho đội kéo co và cả người dân đến dự, cổ vũ đều hồ hởi tham gia tự nguyện, không hề vụ lợi hoặc mang tâm lý thắng thua. Người xem đứng thành vòng tròn bên ngoài reo hò, khích lệ đội chơi, thậm chí có lễ hội còn dùng tiếng trống đánh dồn cổ vũ làm cho không khí thêm phần sôi động. Kéo co là môn thể thao dễ chơi và ai cũng chơi được vì không phải đầu tư nhiều cho dụng cụ và rất phù hợp với các lễ hội vui Xuân ở các bản làng. Môn thể thao này, ngoài sức khỏe, sự dẻo dai thì đòi hỏi người chơi cần có sự khéo léo, kỹ thuật, chiến thuật tốt cùng sự phối hợp nhịp nhàng với đồng đội để giành được chiến thắng.
Nghi lễ và trò chơi kéo co không chỉ là trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam, mà còn là di sản văn hóa truyền thống của một số nước khác như: Hàn Quốc, Campuchia, Phillippines… Vì vậy, năm 2013, Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc đã có lời mời Việt Nam và một số nước khác cùng tham dự xây dựng Hồ sơ di sản đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.
Hình ảnh trờ chơi kéo co trong tranh Đông Hồ
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt việc thực hiện, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử “Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống” trình lên UNESCO công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp các nước để làm một hồ sơ di sản theo hình thức đa quốc gia. Đến tháng 3/2014 , Hồ sơ “Nghi lễ và trò chơi kéo co” đã được hoàn tất và hiện nay, hồ sơ này được chuyển lên UNESCO để chờ đợt xét duyệt kết quả chính thức vào cuối năm 2015 này.
Kéo co là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng, nên nó được cộng đồng trao truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, trên thực tế, kéo co vốn là hoạt động nghi lễ lại đang có xu hướng phát triển thành trò chơi, thành môn thể thao, mà khi trở thành môn thể thao thì tính nghi lễ, sự gắn kết, giao lưu văn hóa giữa các thành viên trong cộng đồng sẽ giảm. Đó là thách thức không nhỏ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Hà Nội mới, bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa – đã đưa ra phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản kéo co trong xã hội đương đại. Theo bà, để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của kéo co, cần phải giữ cho được yếu tố nghi lễ, niềm tin tâm linh, coi đó là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng thay vì nghiêng sang hình thức trò chơi và phổ cập nó như trò chơi. Thứ đến, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản không nên đứng ra tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co theo cách có lễ khai mạc, bế mạc, có bài diễn văn, có mời quan khách, mà hãy để cho cộng đồng làm chủ và thực hành di sản một cách tự nhiên như nó vốn có. Nếu có hỗ trợ thì chỉ nên hỗ trợ bằng các biện pháp khách quan, không nên can thiệp trực tiếp.
Việc Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Phillipines cùng tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” không chỉ góp phần tôn vinh một nét văn hoá của Việt Nam, mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực.
Nếu được UNESCO tôn vinh, kéo co sẽ là di sản đa quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Đó là cơ hội cho các địa phương quảng bá di sản kéo co truyền thống, nhân lên niềm đam mê, yêu thích trò chơi kéo co dân gian, qua đó tăng cường sự gắn kết cộng đồng, góp phần làm nên bản sắc văn hiến quê hương, đất nước.
Nguồn: Làng Việt
Xem thêm: Ngắm kênh đào ở Amsterdam, Hà Lan
Dư địa chí, còn gọi là Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí, Đại Việt địa dư chí, An Nam vũ cống, Nam Quốc vũ cống hoặc Lê triều cống pháp, là sách địa chí do Ức Trai Nguyễn Trãi, danh thần của nhà Hậu Lê, biên soạn vào năm 1435. Cuốn sách viết bằng chữ Hán, ghi chép sơ lược về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ và văn hóa. Trong đó, người Kinh chiếm đại đa số nên tiếng Việt được xem là tiếng phổ thông, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng tộc người trong quốc gia đa dân tộc thống nhất. Vì vậy, vấn đề tiếp xúc và vay mượn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là phổ biến và tất yếu, hay nói cách khác, là một hiện tượng ngôn ngữ học-xã hội đặc biệt quan trọng.
Đời sống tâm linh của người Việt vô cùng phong phú và đa dạng. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cho nên trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều nghi thức cúng tế thần linh diễn ra với nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau...