Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Làng Việt - quá trình hình thành và biến đổi trong lịch sử

21/06/2023607

Làng của người Việt đã có quá trình hình thành và biến đổi hàng ngàn năm nhưng luôn luôn có vị trí đặc biệt đối với lịch sử đất nước trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa…

Làng là không gian đặc biệt quan trọng kiến tạo, bảo tồn giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc; là địa bàn rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa hiện nay của đất nước.

Làng Việt ra đời từ lúc nào?

Theo nghiên cứu của nhiều học giả thì từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 4.000 năm, trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc và thay vào đó là quá trình hình thành công xã nông thôn - tức là quá trình hình thành làng Việt.


Tuy nhiên, đó là điểm khởi đầu hình thành làng Việt ở Bắc bộ. Còn ở Trung bộ và Nam bộ thì muộn hơn theo lịch sử mở mang bờ cõi đất nước. Ở Trung bộ có thể tính từ thế kỷ XVI, đặc biệt từ khi các chúa Nguyễn cai quản Đàng Trong. Ở Nam bộ, muộn hơn, có thể là từ đầu thế kỷ XVIII khi chúa Nguyễn xác lập quyền cai trị ở vùng đất này mặc dù người Việt đã có mặt ở đây từ thế kỷ XVII.

Làng là đơn vị cư trú, kinh tế, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân; là một kết cấu chặt chẽ nhiều thành tố thành một đơn vị hoàn chỉnh và bền vững. Mỗi làng Việt đều có: Cương vực địa lý nhất định; có lịch sử hình thành và phát triển; có những quan hệ xã hội chi phối dân cư trong làng; có những đặc trưng văn hóa đặc thù của làng.

Làng không chỉ hình thành từ sự tan rã và chuyển hóa công xã thị tộc mà còn từ quá trình khai phá đất hoang lập xóm dựng làng, từ các điền trang, đồn điền, trang trại… Sự hình thành làng Việt là một quá trình lâu dài, về mặt hình thái nó tồn tại cho đến tận nay.

Do những điều kiện địa lý, sinh kế và ảnh hưởng của các cộng đồng dân cư/tộc người bản địa nên dù muốn hay không làng người Việt ở Trung bộ hay Nam bộ có những đặc điểm riêng trên nền tảng những đặc trưng chung của làng Việt đã được định hình từ lâu, khi bắt đầu từ địa bàn truyền thống là Bắc bộ.

Thuở làng Việt mới hình thành, theo GS Nguyễn Quang Ngọc: “Mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý - láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam. Lúc này toàn bộ ruộng đất cày cấy cùng với rừng núi, sông ngòi, ao đầm trong phạm vi làng đều thuộc quyền sở hữu của làng.

Ruộng đất của làng được phân chia cho các gia đình thành viên sử dụng theo những tục lệ mang tính chất bình đẳng, dân chủ của cộng đồng làng và có thể là phân chia một lần rồi có kết hợp điều chỉnh khi cần thiết. Đơn vị sản xuất chủ yếu trong làng là gia đình nhỏ. Ngoài những ruộng đất phân chia cho các thành viên cày cấy, làng có thể giữ một phần ruộng đất để sản xuất chung nhằm sử dụng hoa lợi thu hoạch vào những chi phí công cộng.

Công việc khai hoang, làm thủy lợi và các hình thức lao động công ích khác đều được tiến hành bằng lao động hợp tác của các thành viên trong làng. Làng Việt như thế, là một loại hình của công xã phương Đông, trong đó nông nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp, làng xóm gắn liền với ruộng đất, nên tự nó mang tính ổn định cao. Tính ổn định cao này đã hóa thân thành tinh thần công xã, thành truyền thống xóm làng nên nó trở thành nguồn sức mạnh tiềm tàng trong cuộc đọ sức nghìn năm với các mưu đồ nô dịch và đồng hóa của phương Bắc”.

Các nhà nghiên cứu đã phân loại làng Việt theo các tiêu chí như: Phân theo vùng địa lý có làng Bắc bộ, làng Trung bộ, làng Nam bộ; phân theo cảnh quan địa lý, có làng trung du, làng đồng bằng, làng miền núi, làng ven sông, làng ven biển, làng đảo, làng đồi gò.

Phân theo thời gian hình thành, có Làng cổ là các làng hình thành từ trước và đầu Công nguyên đến thế kỷ X (các làng này thường có tên gắn với từ “Kẻ”); Làng thời Lý - Trần; Làng thời Lê Sơ (1428 - 1527); làng thời Lê - Trịnh được hình thành chủ yếu ở miền Trung, gắn với công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn; làng thời Nguyễn gắn với chế độ khai hoang của nhà nước do các quan lại đứng ra tổ chức.

Phân loại theo cơ sở kinh tế, có làng nông nghiệp, làng nghề (thủ công chuyên nghiệp), làng buôn bán, làng chài.

Phân loại theo đặc điểm xã hội, có làng nho học và khoa bảng, làng lại viên.

Phân theo tôn giáo, có làng lương và làng Công giáo, làng Cao Đài, làng Hòa Hảo...

Biến đổi của làng Việt

Trong lịch sử, làng Việt đã và đang có nhiều biến đổi trên nhiều phương diện. GS Phan Đại Doãn cho rằng, ít ra cũng có ba lần biến đổi lớn là thế kỷ XV, cuối thế kỷ XIX, và Cách mạng tháng Tám (1945) - cải cách ruộng đất.

Thế kỷ XV, Lê Thái Tổ ban hành chế độ quân điền (năm 1428) là một đòn giáng khá mạnh vào tính tự trị của làng Việt. Để triệt để khai thác sức dân, phục hồi kinh tế, Lê Thái Tổ đã chia lại ruộng đất, phá bỏ nguyên tắc ruộng đất làng nào dân làng đó hưởng mà quy định: “xã nào có nhiều ruộng nhưng người ít để bỏ hoang thì cho phép các quan nơi đó cho những người không có ruộng ở các xã khác đến cày cấy, người chủ ruộng xã đó không được chiếm giữ rồi bỏ hoang. Ai vi phạm sẽ bị xử theo tội cưỡng bức, chiếm đoạt”.

Lê Thánh Tông lên ngôi, với chính sách quân điền, đã tước quyền tự do đo đạc ruộng đất công và phân chia định kỳ cho các thành viên công xã theo tục lệ của làng xã mình, biến làng xã thành người quản lý ruộng đất công cho nhà vua. Chính sách này đã tạo ra một biến động lớn trong cuộc sống làng xã. Việc chia ruộng đất của làng xã cho dân trong làng vốn có từ xa xưa, nay được quy định lại thành luật lệ với định kỳ là 6 năm.

Nếu trước đó làng xã tương đối tự trị thì bây giờ trở thành một đơn vị kinh tế phụ thuộc nhà nước, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm, lao dịch, binh dịch cho nhà nước, vừa cung cấp đất đai để nhà nước ban cho những quan chức của mình.

Ruộng công và chế độ quân điền càng buộc chặt người nông dân với làng. Đói khổ, tha phương cầu thực vào lúc mất mùa đói kém, nhưng rồi vẫn phải/muốn quay trở về làng cũ vì vẫn được làng chia ruộng cho. Chính sách ruộng đất này là một ngọn nguồn của tâm lý làng xã.

Cuối thế kỷ XIX, khi thống trị Việt Nam, người Pháp đã nhận thấy vai trò to lớn của làng xã trong quản lý nông dân và nông thôn nên họ vẫn duy trì bộ máy quản trị làng xã nhưng tổ chức lại. Một cuộc cải lương hương chính được tiến hành trên phạm vi cả nước. Lợi dụng truyền thống quản lý làng xã của người Việt thông qua hương ước, người Pháp đã khôn khéo lệ làng hóa phép nước, đưa pháp luật của nhà nước bảo hộ vào trong lệ làng khi buộc tất cả các hương ước vào một khuôn mẫu chung có lợi cho chính sách thực dân.

Cách mạng tháng Tám (1945) và cải cách ruộng đất làm thay đổi hẳn cơ chế làng xã. Nông thôn miền Bắc đã tập thể hóa sức lao động và tư liệu sản xuất. Năm 1960, cả miền Bắc có 85,8% tổng số hộ vào hợp tác xã bậc thấp, năm 1975, 97% số hộ nông dân vào hợp tác xã với 88% là hợp tác xã bậc cao, phần lớn trong đó là quy mô liên thôn và toàn xã. Chưa bao giờ trong lịch sử hàng nghìn năm của đất nước, Nhà nước có thể nắm được ruộng đất và nông dân chặt chẽ như lúc này.

Việc tách hay gộp các làng xã (thường bằng hai hoặc ba xã hồi trước năm 1945) chỉ thuần túy theo quy mô diện tích và dân số mà hầu như không tính đến nền tảng truyền thống của làng xã. Cơ cấu tổ chức của làng xã cũ với hàng loạt thiết chế văn hóa làng truyền thống bị thay đổi mạnh mẽ.

Hiện nay chúng ta phải nhận thức lại vấn đề nông dân, nông thôn và nông nghiệp để đổi mới mô hình tổ chức và quản lý. Sự nghiệp đổi mới từ cuối thế kỷ XX đến nay ở khu vực này đã có nhiều thành tựu nhưng phía trước vẫn còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu, nhiều việc phải làm.

Theo: https://kinhtedothi.vn/lang-viet-qua-trinh-hinh-thanh-va-bien-doi-trong-lich-su.html

Xem thêm: Giới thiệu về vịnh Hạ Long

Các bài viết khác

Xem thêm
Cảm ơn báo VIETNAMNET - Đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông viết về chúng tôi:
13/07/2023

Cảm ơn báo VIETNAMNET - Đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông viết về chúng tôi:

Dự án Trung tâm khảo cứu và biên soạn địa chí Việt Nam ra đời với mục tiêu tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tình yêu gia đình, dòng tộc, quê hương.

Cảm ơn báo GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI - Cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tin về Trung tâm
13/07/2023

Cảm ơn báo GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI - Cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa tin về Trung tâm

(GDTĐ) - Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Cảm ơn báo THỂ THAO VĂN HOÁ trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin về chúng tôi
11/07/2023

Cảm ơn báo THỂ THAO VĂN HOÁ trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin về chúng tôi

Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam ra đời nhằm tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tình yêu gia đình, dòng tộc, quê hương.