Địa chí hay còn gọi là địa phương chí là bản ghi chép lại một cách trung thực và hệ thống những gì liên quan tới một cộng đồng sinh sống ở một địa phương cụ thể với những giai đoạn lịch sử cụ thể. Trong di sản thư tịch Việt Nam hiện nay vẫn còn lưu trữ những bộ địa chí có giá trị: Dư địa chí do Nguyễn Trãi (1380-1442) biên soạn bằng chữ Hán; Gia Định thành thông chí (hay Gia Định thông chí) do Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết bằng chữ Nôm...
Chính vì thế, một dự án có tên “Trung tâm khảo cứu và biên soạn địa chí Việt Nam” ra đời, với sứ mệnh tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí. Dự án do ông Cao Văn Thi - Chủ tịch Trường Doanh nhân Top Olympia sáng lập và chủ trì, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Theo ông Cao Văn Thi, địa chí thời hiện đại nói chung và trong các sản phẩm khảo cứu và biên soạn của Trung tâm gồm: Tổng quan về địa phương (tên gọi, địa lý, dân cư, đất đai, kinh tế, giáo dục, văn hóa); Các dòng họ sinh sống trên địa phương đó (gia phả, nhà thờ họ, nghi lễ); Tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương đó (cơ sở thờ tự, nghi lễ); Nhân vật; Sản vật; Phụ lục ảnh tư liệu và các văn bản lưu trữ những nội dung sử dụng trong nghi lễ tại các cơ sở thờ tự trong các dịp lễ tết...
Ông Cao Văn Thi - Người sáng lập và chủ trì dự án Trung tâm Khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam
Ông Thi cho rằng, biên soạn địa chí là tổng hợp của một quá trình công phu từ khảo cứu tư liệu thư tịch liên quan tới cộng đồng (gia phả, thần tích, bi ký, ngọc phả…); điền dã khảo sát các di sản hiện còn tại cơ sở thờ tự (đình, chùa, miếu, từ đường, đền, phủ…); quan sát tham dự các nghi thức, lễ hội tại địa phương; phỏng vấn hồi quy những vị trưởng thượng, những người chăm sóc cơ sở thờ tự, các trưởng họ, trưởng chi, những nhân vật liên quan tới những nhân vật tiêu biểu của nơi đó; sau khi triển khai bản thảo, cần có sự hiệu đính của các chuyên gia về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, cần có sự duyệt đọc của các vị đại diện cho địa phương…
Ông Cao Văn Thi - Người sáng lập và chủ trì dự án Trung tâm Khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam
“Bản địa chí sau khi hoàn thành là hoa trái của một dòng chảy địa văn hóa bắt nguồn từ cội gốc huyết thống, tâm linh khởi tạo bởi các thủy tổ, những người dựng làng lập ấp, chảy liên tục cho tới các thế hệ mai sau”. Do vậy, theo ông Cao Văn Thi, địa chí thời hiện đại không chỉ là nơi lưu trữ những thông tin về cội gốc, là tài liệu lưu giữ những thông tin di sản cần tra cứu, mà còn chứa đựng những nguồn cảm hứng cho nếp sống hiền thiện, đời sống thực hành phẩm chất tâm linh cao quý của cộng đồng lưu trú và có nguồn gốc từ địa phương đó.
Ngoài dịch vụ khảo sát và biên soạn địa chí, Trung tâm khảo cứu và biên soạn địa chí Việt Nam còn dự định cung cấp các dịch vụ Thiết kế và phục dựng lễ hội truyền thống; Thiết kế gia phả dòng, họ tộc; Biên soạn lịch sử cho cá nhân, gia đình, dòng họ, đền, chùa, miếu mạo (cấp tỉnh, huyện, xã, phường, làng...).
Hoạt động của Trung tâm khảo cứu và biên soạn địa chí Việt Nam hiện còn được ông Cao Văn Thi dự định lồng ghép với hoạt động đào tạo, sinh hoạt cộng đồng của giới doanh nhân, chủ doanh nghiệp… Ông thậm chí còn hy vọng trong tương lai Trung tâm có thể tổ chức những hội thảo khoa học chuyên sâu ở từng khu vực với sự tham gia của các nhà khoa học cùng các doanh nhân từ các địa phương.
Doãn Phong
(GDTĐ) - Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam ra đời nhằm tiếp nối truyền thống biên soạn địa chí, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tình yêu gia đình, dòng tộc, quê hương.