Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có tổng diện tích 1.146.079ha, gồm cả vùng biển, đất liền và hải đảo với vùng lõi thuộc các khu vực: Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Bảo tồn biển, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Kiên Lương và rừng ngập mặn ven biển. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có 6 hệ sinh thái đặc thù (thuộc 3 khu vực U Minh Thượng, Quần đảo Phú Quốc và Kiên Lương-Hà Tiên) gồm: Rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh; rừng trên núi đá vôi; rừng ngập chua phèn; rừng ngập mặn, rú bụi ven biển; rạn san hô, cỏ biển. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang có khoảng 2.340 loài động, thực vật. Trong đó có 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ và 57 loài đặc hữu. Trong 860 loài động vật, có 78 loài quý hiếm, như: Dugong, sếu đầu đỏ, vọoc bạc, rái cá lông mũi, đại bàng đen, già sói, sóc đỏ… và 36 loài đặc hữu như chìa vôi vàng, thạch sùng ngón…
Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang còn là vùng đa dạng về di sản văn hóa của nhiều thế hệ, dân tộc. Có 38 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng cấp tỉnh, quốc gia; hàng năm diễn ra khoảng 389 lễ hội dân gian, tôn giáo, lịch sử cách mạng của người Kinh, Khmer, Hoa. Đặc biệt, Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn là trung tâm của Di tích cách mạnh U Minh Thượng với 21 di tích nổi tiếng. Hà Tiên như bức tranh thủy mặc đầy uy nghi với nhiều địa danh đẹp nổi danh như Núi Bình San, đầm Đông Hồ, Mũi Nai, Lăng tẩm dòng họ Mạc. Phú Quốc được ví như Đảo Ngọc với sự trong lành của khí hậu và nhiều bãi biển đẹp.
Đa dạng sinh học (ĐDSH) là nguồn tài nguyên quý giá nhất, đóng vai trò rất lớn đối với tự nhiên và đời sống con người. ĐDSH là một dạng tài nguyên đã và đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ngành du lịch đang là một trong những ngành khai thác và có những tác động tới những giá trị ĐDSH. Nhìn một cách tổng thể, phát triển du lịch luôn có những tác động tích cực và tiêu cực đến ĐDSH. Theo đó, nếu phát triển du lịch đúng với các nguyên tắc phát triển bền vững sẽ góp phần tích cực, tạo nguồn thu cho hoạt động bảo tồn, nâng cao nhận thức của du khách đối với sự cần thiết phải bảo vệ sinh thái...; song bên cạnh cạnh đó sự tập trung khách quá giới hạn “sức chứa” về sinh thái ở điểm đến du lịch, hoạt động săn bắt, khai thác các loài sinh vật quý hiếm phục vụ nhu cầu du lịch… sẽ có tác động tiêu cực đến bảo tồn ĐDSH.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của các hoạt động du lịch ở Kiên Giang đã tạo các sức ép lên tài nguyên, môi trường tự nhiên và ĐDSH. Nếu như vào những năm 2000, lượng khách du lịch đến địa bàn Phú Quốc - Hà Tiên - U Minh Thượng mới chỉ là trên 30 nghìn lượt khách thì đến nay con số này đã lên đến hàng triệu lượt khách. Cùng với lượng khách tăng là sự thay đổi về cảnh quan thiên nhiên, sự suy giảm về tài nguyên rừng do nhu cầu xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; sự gia tăng về nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải từ du lịch…
Sự gia tăng về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch luôn đi liền với tình trạng đầu cơ đất và khi quỹ đất dành cho xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu thì việc xâm hại đất rừng là tất yếu. Điều này đã và đang xảy ra trên đảo Phú Quốc. Những yếu tố trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến môi trường cư trú của nhiều loài sinh vật. Bên cạnh đó, nhu cầu lớn về nước sinh hoạt (đối với khách du lịch nội địa, nhu cầu này thường lớn hơn nhu cầu của người dân bình thường từ 2,0-2,5 lần; đối với khách du lịch quốc tế là từ 4,5-5,0 lần) và nhu cầu năng lượng cũng tăng nhanh nhanh chóng đã và đang tác động đến tài nguyên nước, gia tăng tình trạng ô nhiễm mặn đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày một tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Bên cạnh tác động của hoạt động du lịch, tác động của sự gia tăng dân số và tình trạng đói nghèo, đặc biệt của cộng đồng sống ở vùng đệm VQG Phú Quốc, VQG U Minh Thượng và Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hòn Chông - Kiên Lương - nơi sinh kế của họ chủ yếu dựa vào hoạt động khai thác sản vật rừng và biển cũng tạo nên những “sức ép” rất lớn đến hoạt động bảo tồn ĐDSH ở Khu DTSQ này. Thực tế cho thấy, ở Phú Quốc đã từng xảy ra nhiều trường hợp người dân đánh bắt dugong, xẻ thịt bán như những loài hải sản thông thường. Ở VQG U Minh Thượng, tình trạng người dân vào rừng săn bắt thú, các loài bò sát, lấy mật ong… vì mưu sinh cuộc sống cũng diễn ra ngày một phức tạp, ảnh hưởng đến nỗ lực bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm ở khu vực này. Vụ cháy rừng U Minh vào tháng 2/2002 làm mất đi trên 3.000 ha rừng nguyên sinh mà thiệt hại về sinh thái và ĐDSH là không thể kể hết, cũng có nguyên nhân từ việc xâm hại rừng trái phép vì mưu sinh của người dân sống trong vùng đệm và đặc biệt là những áp lực tác động môi trường rất lớn của hoạt động khai thác đá vôi để sản xuất xi măng đối với bảo vệ cảnh quan và ĐDSH vùng núi đá vôi ở Kiên Lương - Hòn Chông.
Như vậy có thể thấy, việc bảo tồn các giá trị ĐDSH ở Khu DTSQ Kiên Giang đã và đang chịu những tác động không nhỏ từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, tác động từ chính cộng đồng dân cư bởi cuộc sống mưu sinh khi sinh kế của người dân sống trong vùng đệm chủ yếu hiện vẫn dựa vào khai thác các giá trị sinh thái ở khu vực này. Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận vào tháng 10 năm 2006. Là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
Phương Điền – Thạch Thảo
Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 18/09/2022
Xem thêm: Khám phá dãy núi Alps dãy núi cao nhất của Châu Âu
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tính đến năm 2023, Ấn Độ đã trở thành nước đông dân nhất thế giới với dân số hiện tại là 1.425.782.975 người, Trong khi đó, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với số dân 1.425.748.032 người.
Ngày 19/5/2016, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.