Tượng Ngọc Hoàng, gỗ, đầu thế kỷ XVII - Ảnh: Quang Vinh
Trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa Hương Tích cũng có nhiều đổi thay. Năm Ất Dậu (1885) chùa bị hoả hoạn tàn phá nặng nề, Phật phả, bi ký của chùa không còn, do đó chúng ta không biết chính xác năm tháng xây dựng chùa, cũng như các nhà tu hành đầu tiên và các thời kỳ tiếp theo. Qua một số hiện vật còn lại trong chùa như gạch chỉ có hoa văn thời Trần, di đất nung, quả , vật đã chuông lớn đúc vào thời Lê mạt, một số bài của các nhà thơ thế kỷ XVIII, XIX, vịnh chùa Hương Tích, một số giai thoại, truyền thuyết về chùa Hương, chúng ta tạm có thể biết chùa Hương Tích trên đỉnh núi Hồng Lĩnh có thể được xây dựng từ đời nhà Trần, thế kỷ XIII-XIV, cùng thời với chùa Yên Tử ở Quảng Ninh (thế kỷ XIII). Thuở ấy và bây giờ, chùa Hương Tích vẫn là một trong những đại danh lam ở miền Hoan Châu (Nghệ Tĩnh), mặc dù các công trình kiến trúc chính như chùa, am, đền thờ Đại vương núi Hồng v.v... mới được tôn tạo lại vào năm Thành Thái thứ 13 (1917) mang dáng dấp kiến trúc đẩu thế kỷ XX. Bằng vào một số cứ liệu lịch sử và qua kết quả nghiên cứu của một số nhà sử học, đặc biệt là ý kiến của cố GS. Từ Chi và cổ GS. Trần Quốc Vượng, thì: Cuộc chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt đã khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt sau nghìn năm nô lệ dưới ách thống trị của ngoại bang, nhưng đương thời sự quy tụ về triều đình của các địa phương còn quá lỏng lẻo, nên khó có thể tìm được dấu tích văn hoá chung của dân tộc tại các vùng xa Trung ương. Đến thời Trần, nhất là vào nửa cuối thế kỷ XIII, nửa đầu thế kỷ XIV, sức mạnh của triều đình đã buộc các tù trưởng phải quy thuận Trung ương mạnh hơn. Đồng thời tình thế đất nước luôn bị đe dọa bởi sự xâm lược của quân Nguyên Mông, buộc nhà Trần phải quan tâm nhiều tới vùng xa Trung ương, nhất là những tuyến mà quân địch có thể xâm nhập. Chúng ta đã tìm thấy nhiều bia ký của thời Trần ở tận Hà Giang, Tuyên Quang... Và, ở phía Nam cũng cần phải có tiền đồn để canh phòng quân Ô Mã Nhi từ Chiêm Thành tiến ra. Đó là một trong những lý do để dấu tích văn hoá thời Trần có mặt trên đỉnh núi Hồng Lĩnh, một tiền để về sự ra đời của chùa Hương Tích.
Chùa Hương Tích ở trên đỉnh núi có độ cao trên 800m, con đường lên chùa quanh co theo dòng suối trong vắt, lối đá mấp mô, có chỗ phải vin cây mà đi, với tiếng gió đại ngàn, vi vút tán thông reo. Ngày xưa ở đây là cả một quần thể kiến trúc cổ kính: Chùa gồm 2 tòa trong và ngoài, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương, nền Trang Vương, nhà Tăng... Theo sách Thiên Lộc huyện phong thổ chí của Lưu Công Đạo viết vào năm 1811 mô tả: “Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành có 99 cái nền, cái nào cũng ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng, gọi là nền Trang Vương... người ta lấy đá xây thành am, trong am đặt tượng Quan Âm và một số tượng bằng đá. Bên phải am có chùa Phật, bên trái chùa có đền thờ Đại vương núi Hồng (hay đền Thiên Vương). Trong đền có tấm biển vua ban chữ thếp vàng... một dãy suối xanh, sóng tùng vạn khoảnh, theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại một cảnh sắc khác nhau, lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở miền Hoan Châu..”
Xung quanh sự tích chùa Hương có rất nhiều truyền thuyết, chuyện kể và giai thoại như chuyện vua Sở Trang Vương sinh được 3 người con gái là Diệu Ân, Diệu Duyên, Diệu Thiện. Khi họ trưởng thành hai người chị theo ý vua cha lấy chồng làm quan trong triều. Vua muốn gả cô con gái út Diệu Thiện cho một quan võ để làm chỗ dựa khi về già. Thấy hắn là kẻ độc ác, nàng không tuân theo, nên bị vua cha ruồng rẫy, phẫn chí nàng bỏ ra ở chùa. Viên quan võ kia được vua sai đi trừng trị nàng. Hắn phóng hoả đốt chùa, nhưng Diệu Thiện và các tăng ni đều được Phật che chở, Phật lại sai Bạch Hổ đưa nàng sang nước Việt Thường Thị. Đến trước hang động một ngọn núi cao, mà ngày nay là dãy núi Hồng Lĩnh, nàng ở lại dựng am tu hành. Chẳng bao lâu nàng nổi tiếng là vị ni cô từ bi bác ái. Giữa lúc ấy Trang Vương bị bệnh nặng, thầy thuốc bảo phải có tròng mắt và cánh tay một người con gái tự nguyện hiến dâng lên mới khỏi. Hai người chị gái không ai chịu hy sinh. Nghe tiếng ni cô ở Việt Thường, vua liền sai người sang cầu cứu. Diệu Thiện biết cha mình là kẻ độc ác, nhưng do độ lượng, từ bi, sẵn sàng cứu vớt chúng sinh, nàng vui lòng móc mắt, chặt cánh tay của mình dâng cho cha. Trang Vương được thuốc khỏi bệnh, sai người sang chùa Hương - Hồng Lĩnh để tạ ơn, mới biết người cứu mình chính là Diệu Thiện. Phật cảm thông vì Diệu Thiện đã có ý thức sâu sắc về “Tứ đại vô lượng tâm” nên hoá phép cho mắt nàng lại được sáng, tay nàng mọc trở lại... Sau khi hoá, nàng Diệu Thiện trở thành Phật Quan Âm.
Một truyền thuyết khác hợp lý hơn: “Xưa kia, người ta thường đến am Thánh Mẫu chùa Hương để cầu tự. Ông Hiệp trấn họ Trần cũng cầu tự ở đây, sinh được 3 người con, đặt tên là Hồng, Hương và Tích. Chúa Trịnh (chưa rõ chúa Trịnh nào) cũng vào cầu tự, sinh được thế tử. Hàng năm chúa sai người vào làm lễ tạ ơn, sau thấy vùng Hương Sơn Hà Tây phong cảnh cũng đẹp, lại gần kinh đô nên cho dựng chùa để tiện đi về lễ Phật, vì vậy chùa Hương Hà Tây cũng có tên như chùa ở Hồng Lĩnh - Hương Tích tự - Có thể thấy rõ chứng tích này qua các hiện vật của chùa, như các tượng Phật và các tượng cấp Vương mà pho xưa nhất ở nơi đây là tượng một vương tử (?). Theo các nhà nghiên cứu tạo hình truyền thống thì tượng còn mang phong cách Mạc, với niên đại không muộn hơn nửa đầu thế kỷ XVII. Ngoài ra còn nhiều tượng Phật, Bồ Tát và Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu có niên đại từ cuối thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX với những nét chạm mẫu mực, trong đó nhiều pho mang vẻ đẹp đột ngột của dòng nghệ thuật nhiều yếu tố dân gian. Qua niên đại và nghệ thuật của tượng, thì ít nhất vào đầu thế kỷ XVII, nơi đây đã có một tổ đình Hương Tích tự, một ngọn tuệ đăng rọi chiếu vào tâm hồn nhân thế. Thắng cảnh chùa Hương Tích từ xưa cũng như ngày nay đã trở thành một đề tài văn học của các bậc tao nhân mặc khách. Trong bài thơ Nhớ chùa Hương, Thái Thuận Phó nguyên suý của vua Lê Thánh Tông (giữa thế kỷ XV) đã viết:
Bỗng nhớ chùa Hương Tích
Khe suối đá gập ghềnh
Dấu Quan Âm ẩn náu
Am Thánh Mẫu tu hành
Biết gì ngoài mây rủ
Muôn thuở tiếng Hoan Châu.
Còn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, một nhân vật lịch sử nổi tiếng thế kỷ XVIII, cũng đã viết:
Đời nhà Trần xây chùa Hương Tích
Cảnh Hồng Sơn thanh tịnh là đây.
Nhưng ngôi chùa thời Trần, nay chỉ còn là phế tích với vài mảnh gạch hoa chìm trong lòng đất - chúng ta đành phải chờ những nhát cuốc của các nhà khảo cổ học. Tuy nhiên, không phải các gạch này hiện nằm đúng trong khuôn viên chùa, mà chúng đã được tìm thấy ở vị trí như của một kiến trúc khác. Chúng tôi ngờ rằng, đây là dấu vết nền của một đài quan sát ít nhiều gắn với việc quân sự nhằm bảo vệ đất nước ở đương thời.
Hàng năm đến ngày 18 tháng 02 âm lịch (ngày mất của Diệu Thiện) là ngày lễ hội chính của chùa Hương, nhưng hội lớn thì 3 năm mới mở một lần, dân gian có câu ca: “Tháng Giêng Đô Đài, tháng Hai Hương Tích” (đền Đô Đài thờ Bùi Cầm Hổ, một danh nhân thế kỷ XV quê ở xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh). Những ngày lễ hội có đến hàng vạn thiện nam tín nữ và du khách khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc đến dự hội. Nhiều năm nay lễ hội kéo dài hàng tháng từ sau Tết Nguyên Đán.
Hiện nay di tích danh thắng chùa Hương Tích đã được đầu tư tu bổ tôn tạo khang trang. Ngôi chùa chính đã được trùng tu toàn diện. Đập nhà Đường dưới chân núi đã được nâng cấp đắp đập dâng nước lên cao hình thành tuyến du lịch tham quan bằng thuyền rất thú vị. Các bậc tam cấp lên chùa được tu bổ lát đá tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn. Công tác tổ chức quản lý lễ hội chùa Hương cũng dần dần đi vào nề nếp, gây được cảm tình của du khách xa gần. Có thể nói rằng, chùa Hương Tích ở tỉnh Hà Tĩnh với thắng cảnh tươi đẹp, khí hậu trong lành, ngôi chùa cổ kính và am thờ thiêng liêng, tất cả đã tạo nên ở nơi đây - Hương Tích cổ tự - một địa chỉ du lịch văn hóa sinh thái rất có ích và đầy ý nghĩa./.
Nguyễn Trí Sơn*
*TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ DI SẢN, SỞ VĂN HÓA - THÔNG TIN HÀ TĨNH
Xem thêm: Các vị La Hán chùa Thánh Duyên, Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (84). 2011.
Nếu kinh đô Thăng Long xưa từ trong cung phủ đã có một lối hát cửa quyền có nguồn gốc dân gian - Hát cửa đình phát tán thành một thành phần cổ truyền chuyên nghiệp là hát Ả đào vẫn thịnh đạt dưới thời vua Lê chúa Trịnh, thì kinh đô Phú Xuân sau này, hoặc là đã từ trong dinh phủ của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phát tán thành một lối gọi là Ca Huế (gồm cả ca và đàn). Vậy cũng có thể gọi Ca Huế là một lối hát Ả đào của người Huế, một lối chơi của các ông hoàng bà chúa xét trên quan điểm tiếp biến trong tiến trình của một lối hát truyền thống và tiến trình lịch sử từ Thăng Long đến Phú Xuân-Huế...
Các cánh đồng điện gió là biểu tượng cho công nghiệp năng lượng sạch. Với các tín đồ du lịch, đây là điểm check-in không nên bỏ lỡ trong các chuyến đi.
Giethoorn được bao quanh bởi những dòng kênh xanh biếc, không có lối đi cho xe cộ, người ta di chuyển bằng thuyền hay đi bộ.