1.1. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ và văn hóa. Trong đó, người Kinh chiếm đại đa số nên tiếng Việt được xem là tiếng phổ thông, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng tộc người trong quốc gia đa dân tộc thống nhất. Vì vậy, vấn đề tiếp xúc và vay mượn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là phổ biến và tất yếu, hay nói cách khác, là một hiện tượng ngôn ngữ học-xã hội đặc biệt quan trọng. Các từ mượn là nguồn bổ sung quan trọng cho vốn từ tiếng Việt cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng, điều này không đồng nghĩa với sự tùy tiện. Vay mượn từ vựng có nguyên tắc chung, phổ quát cho mọi ngôn ngữ và có nguyên tắc riêng gắn với đặc thù ngôn ngữ-xã hội của từng ngôn ngữ. Các dân tộc và ngôn ngữ thường có những quy tắc vay mượn, du nhập các từ ngoại lai cho phù hợp với những quy tắc ngữ âm-âm vị học, ngữ nghĩa, ngữ pháp và các quy tắc chữ viết, cũng như các quy tắc hình âm vị học của tiếng mẹ đẻ để những từ “phi bản địa” ấy vừa không làm xáo trộn hệ thống ngôn ngữ vốn có của dân tộc, vừa đảm bảo nhu cầu thông tin nhanh chóng, chính xác, phù hợp với tập quán, thói quen tri nhận ngôn ngữ của dân tộc mình. Vấn đề vay mượn tên riêng trong tiếng Việt, trong đó có địa danh, không nằm ngoài quy luật phổ biến nói trên.
1.2. Có thể tiếp cận và xử lý hiện tượng vay mượn giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên nhiều phương diện khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét, đặt vấn đề phiên chuyển(1) các địa danh dân tộc sang tiếng Việt, cụ thể là các địa danh từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi, ngôn ngữ của một trong những dân tộc sinh sống lâu đời nhất trên miền đất A Lưới, dân tộc Ta Ôi, cư dân nói ngôn ngữ dòng Môn Khơme, thuộc ngữ hệ Nam Á. Qua hệ thống địa danh dân tộc ghi ở dạng nguyên ngữ, chúng tôi tiến hành phiên chuyển và bước đầu rút ra một số đề xuất có tính giải pháp, giúp cho việc giao tiếp, tiếp nhận thông tin cũng như tri nhận mọi loại hình văn bản tiếng Việt một cách chuẩn xác.
Vấn đề phiên chuyển tên riêng nói chung, địa danh nói riêng, từ tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt đã được các nhà nghiên cứu đề cập từ lâu.
* Trường Đại học Phú Xuân, Huế.
Đáng chú ý là những đề xuất của các tác giả Hoàng Thị Châu, Tạ Văn Thông, Võ Xuân Quế, Đoàn Văn Phúc, Nguyễn Văn Khang, Lê Trung Hoa… Tuy nhiên, ở những tác giả khác nhau và vào những thời kỳ khác nhau, cách phiên chuyển các địa danh dân tộc sang tiếng Việt lại không giống nhau.(2) Điều này cho thấy sự không thống nhất trong cách ghi các địa danh dân tộc trên bản đồ và các văn bản tiếng Việt. Đây là một thực trạng đáng lo ngại cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đòi hỏi một giải pháp thống nhất trong việc chuẩn hóa chính tả địa danh dân tộc trong văn bản tiếng Việt.
Qua việc tiến hành thống kê, khảo sát 345 địa danh trên các ấn phẩm đã xuất bản (Bản đồ Quân sự 1982, Bản đồ Quân sự 2007, Bản đồ Địa lý tổng hợp Thừa Thiên Huế 2009 và một số sách báo địa phương) và trực tiếp ghi âm nguyên ngữ cũng như truy tìm ý nghĩa của các địa danh dân tộc, chúng tôi nhận thấy tình hình phiên chuyển địa danh Pa Cô, Ta Ôi sang chữ quốc ngữ đang có một thực trạng không thống nhất và tùy tiện cao:
- Cùng một địa danh dân tộc nhưng được viết bằng nhiều kiểu khác nhau trong tiếng Việt: Ta Lou-Talu-Tà Lu-TALU; Atine-Atin-A Tin; Ta LồTa Lo; Ta Rây-Ta Râu-Tà Râu-Tà Rầu; A roằng-A Roàng; A Rom-A Rọm; A Pung-A Bung; A Ko-A Co; A Rum Cà Lưng-A Rum Ca Lưng-A Rum Lùng…
- Viết hoa tùy tiện và không thống nhất, không theo một quy tắc chính tả nào trong khi phiên chuyển các địa danh dân tộc như: viết liền các âm tiết trong từ đa tiết, viết rời có gạch nối hay không có gạch nối… Chẳng hạn:
Ta Lu-TALU-Talu; Ha Cọp-HACOP; A sáp-A SÁP-Asap…
- Có nhiều địa danh dân tộc được ghi theo cách Pháp hóa, Hán Việt hóa không thống nhất, tạo nên những cách ghi sai lệch và không đúng chính tả chữ quốc ngữ: núi Atine, núi Ta lou, động Hagier, động Diuon, núi Vi Xi Na, núi MaiBar, đồi A Shau…
Như vậy, sự đa dạng và không thống nhất trong cách phiên chuyển các địa danh Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt nói trên có thể quy về các kiểu dạng thường gặp nhất sau đây.
Phiên âm là cách ghi các địa danh dân tộc sang tiếng Việt được nhiều nhà xuất bản, các cơ quan thông tấn báo chí và các loại văn bản hành chính, bản đồ trong nước áp dụng. Họ nghe được âm thanh của địa danh dân tộc như thế nào thì dùng chữ quốc ngữ ghi chép, phiên âm lại như vậy theo đúng quy tắc chính tả chữ viết hiện hành. Điều đáng nói ở đây là, không phải ai cũng có những hiểu biết sâu sắc về tiếng dân tộc và có khả năng nghe, thẩm âm chính xác ngữ âm địa danh nguyên ngữ để lựa chọn những ký tự thống nhất cho việc phiên âm sang chữ quốc ngữ nên mới xảy ra trường hợp cùng một địa danh dân tộc nhưng lại được phiên bằng nhiều dạng khác nhau trong tiếng Việt, dẫn đến tình trạng không nhất quán trong cách phiên chuyển.
Địa danh Pa Cô, Ta Ôi | Nghĩa gốc | Địa danh Việt |
Taham | làm cho chảy máu | Ta Ham, Tà Hàm |
Arum klưng | đông, nhiều |
A Rum Ca Lưng, A Rum Cà Lưng, A Rum Lùng |
Prang | đến tận nơi, tận đích | Ba Ràng, Bà Ràng, |
Kakuq | gù (lưng) | Ka Cú, Ca Cú, Ca Cút |
Kava | rang, chiên | Ka Va, Ca Va |
Dut | tắc nghẽn | Đụt, Dut, Dút |
Patdúh | lối gặp nhau | Pa Đu, Pa Du, Pa Đụt |
Abung | cây lồ ô | A Bung, A Pung |
Kapúng | ôm ấp, che đậy | Cô Pung, Cô Bung |
Pleng | thiêng liêng |
Pa Leng, Pơ leng,Ba Leng |
Pi-ăi | tên dòng họ kiêng thịt chó | Pi Ây, Pi Ay, Phi Ây |
Ta-ăi | làm cho đau | Tà Ay, Ta Ay, Tà Ây |
Rloók | làm cho tháo rời | A Lê Lộc, A Lê Lốc, Lê lộc |
Atúng | một loại mía ngon ngọt | A Tùng, A Túng, A Tủng |
Như vậy, việc phiên âm địa danh từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt hiện nay còn nhiều kiểu dạng khác nhau. Sự thiếu nhất quán này có thể giải thích được từ cách thẩm âm địa danh tiếng dân tộc để ghi bằng chữ quốc ngữ thiếu chuẩn xác, do kiến thức ngôn ngữ dân tộc của những người tạo lập văn bản tiếng Việt khác nhau.
Cả chữ viết Pa Cô, Ta Ôi lẫn chữ quốc ngữ đều thuộc hệ chữ Latinh. Song có sự khác nhau về đặc điểm ngữ âm của hai ngôn ngữ nên giá trị của các con chữ cũng khác nhau. Trong quá trình Việt hóa (quốc ngữ hóa) các địa danh tiếng Pa Cô, Ta Ôi đã xảy ra tình trạng chuyển tự không thống nhất.
Có thể quy về hai dạng chính.
Chữ viết Latinh của địa danh tiếng Pa Cô, Ta Ôi như thế nào thì được viết như vậy trong tiếng Việt. Đây là trường hợp chuyển hoàn toàn chữ dân tộc sang tiếng Việt. Chẳng hạn:
- suối Ta-ăi - núi Mpao - khe Prok - đầm Aroi
- sông Alim - sông Aló - đèo Anăm - thôn Atia
- thác Anôr - đèo Ako - suối Achia - thôn Pa-e...
Rõ ràng, với cách ghi nguyên dạng này sẽ tạo nên những con chữ xa lạ và trái với quy tắc chính tả chữ quốc ngữ, thậm chí còn gây khó khăn cho việc phát âm đúng các địa danh dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ví dụ:
- đồi Prok chuyển thành Pơ Rok
- khe Tu Parleech chuyển thành Tu Ba Lệch
- cầu Kruôih chuyển thành Cruôi
- thôn Apíq chuyển thành A Pi
- thôn Aróh chuyển thành A Roh
Cách chuyển tự trên có ưu điểm là giữ được gần đúng ngữ âm tiếng dân tộc, nhưng lại không đúng chính tả chữ quốc ngữ vì có quá nhiều con chữ “chưa nhập hệ”, đặc biệt là các con chữ ghi tổ hợp phụ âm lạ - một thói quen phát âm không có đối với người Việt.
Trường hợp “dịch thừa” trong khi phiên âm các địa danh dân tộc sang tiếng Việt không phải là trường hợp hiếm thấy trên các văn bản tiếng Việt.(3) Sự “cố ý” tạo nên những kết hợp địa danh có các yếu tố trùng lặp, đồng nghĩa trong phiên chuyển có lý do khách quan từ chính năng lực và kiến thức ngôn ngữ dân tộc của người ghi địa danh. Do vậy, để tránh những cách viết địa danh sai lệch này, ngay từ đầu chúng tôi đã rất xem trọng việc tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa các địa danh để ghi âm và viết các địa danh dân tộc một cách chính xác nhất. Ví dụ:
- Sông Đắc Krông chỉ nên viết là sông Krông vì Đắc (Dak) nghĩa là nước, sông, suối.
- Nui Co Ta Koong chỉ nen viet la nui Ta koong vì Co (kooh ) nghĩa la nui.
Tương tự, các kiểu ghi địa danh “núi Cô Ca Va”, “núi Cô Va La Đụt”… đều bị xem là những kiểu “dịch thừa” kết hợp với phiên âm các địa danh tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt thường thấy trên bản đồ và sách báo hiện nay.
Mỗi ngôn ngữ có một hệ thống ký hiệu riêng biệt, thống nhất trong hệ thống cấu trúc. Do vậy, các ngôn ngữ sẽ dùng những hệ thống chữ viết khác nhau để ghi các âm trong các ngôn ngữ khác nhau. Sự tương đồng và dị biệt giữa hệ thống ngữ âm và chữ viết giữa tiếng Việt với tiếng Pa Cô, Ta Ôi, nếu có, cũng là điều dễ hiểu và có thể lý giải được. Để có được những nguyên tắc phiên chuyển địa danh từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt cũng như viết và đọc các địa danh bằng tiếng Việt, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về ngữ âm và chữ viết giữa hai ngôn ngữ. Đó sẽ là cơ sở giúp chúng ta nắm vững được những nguyên tắc phiên chuyển phù hợp với những đặc điểm ngữ âm và chữ viết được phiên chuyển, giúp viết và đọc đúng chữ quốc ngữ nhưng không quá xa lạ với ngôn ngữ dân tộc, giúp tránh được những sai lầm đáng tiếc trong quá trình phiên chuyển địa danh từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt.
Do số trang giới hạn của một bài báo, trong phần này chúng tôi chỉ nêu ra những sự khác biệt cơ bản nhất về hệ thống âm vị và phẩm chất ngữ âm của tiếng Pa Cô, Ta Ôi với tiếng Việt như sau.
- Một bên là tiếng (Pa Cô, Ta Ôi) không có thanh điệu, một bên là ngôn ngữ (tiếng Việt) có thanh điệu.
- Trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi, số lượng từ đa tiết chiếm đa số; trong khi đó, từ đơn tiết chiếm đa số trong tiếng Việt.
- Một bên là ngôn ngữ có tổ hợp phụ âm (Pa Cô, Ta Ôi), một bên đã không còn tổ hợp phụ âm (tiếng Việt).
- Có thể nói, hệ thống phụ âm đầu, hệ thống âm cuối, hệ thống nguyên âm trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi có số lượng lớn hơn trong tiếng Việt và chúng bao trùm lên hệ thống các âm vị trong tiếng Việt.
Có thể nhận thấy, vấn đề tổ hợp phụ âm là vấn đề gây nên nhiều điểm thiếu nhất quán nhất trong cách phiên chuyển địa danh tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt.
3.2.1. Chúng ta dễ nhận thấy sự tương đồng giữa hai bộ chữ viết là cả chữ viết Pa Cô, Ta Ôi lẫn chữ quốc ngữ đều thuộc hệ chữ viết Latinh. Đó là các loại chữ viết ghi âm vị. Cách ghi các từ theo nguyên tắc ngữ âm học. Loại chữ này phản ánh tương đối đúng ngữ âm, phần lớn mỗi chữ tương ứng với một âm, có giá trị khoa học cao và rất gần với bộ chữ ngữ âm quốc tế (ký hiệu phiên âm quốc tế). Đặc điểm cùng tự dạng Latinh giữa hai loại chữ viết sẽ giúp cho quá trình phiên chuyển tên riêng nói chung, địa danh nói riêng, từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt được dễ dàng hơn rất nhiều so với phiên chuyển các ngôn ngữ có chữ viết không cùng hệ Latinh.
3.2.2. Tuy cùng hệ chữ viết Latinh nhưng giữa chữ viết Pa Cô, Ta Ôi với chữ quốc ngữ vẫn tồn tại những khác biệt cơ bản do có sự khác biệt về đặc điểm ngữ âm giữa hai ngôn ngữ: cùng một con chữ (ký tự) được dùng để biểu thị các giá trị ngữ âm không giống nhau trong hai ngôn ngữ. Chẳng hạn:
- Để phân biệt sự khu biệt/đối lập âm vị học 4 bậc của các nguyên âm trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi nên bộ chữ viết này đã dùng “dấu móc ngược” để ghi đối lập giữa các nguyên âm hơi cao với các nguyên âm hơi thấp; trong khi chữ quốc ngữ lại sử dụng “dấu á” làm dấu phụ để biểu thị nguyên âm ngắn. Ngược lại, để ghi nguyên âm ngắn, tiếng Pa Cô, Ta Ôi sử dụng “dấu sắc” trên các nguyên âm, ngoại trừ chữ â, ă giống chữ quốc ngữ (ư-ứ, ê-ế, u-ú, oo-oó, a-ă, ơ-â).
- Để ghi hiện tượng âm tắc thanh hầu ở cuối âm tiết, chữ viết Pa Cô, Ta Ôi dùng con chữ “q” để biểu thị, còn chữ quốc ngữ không ghi.
- Do tiếng Pa Cô, Ta Ôi là ngôn ngữ mang đặc điểm đa tiết và không thanh điệu, có hệ thống phụ âm đầu và nguyên âm khá phức tạp, có rất nhiều tổ hợp phụ âm cho nên, nhiều ký hiệu trong bộ chữ Pa Cô, Ta Ôi không hề và/hoặc không tương ứng trong chữ quốc ngữ. Chẳng hạn: nhân đôi nguyên âm để biểu thị các nguyên âm căng (ee, oo, ơơ); các ký hiệu phụ âm ghép (br, pl, kl); k thay cho c, k, q; g thay cho g, gh; ng thay cho ngh, ng trong chữ quốc ngữ. Ngoài ra, chữ viết Pa Cô, Ta Ôi còn bổ sung thêm các con chữ j, y, iq, uq, ih để ghi những phụ âm không có trong chữ quốc ngữ.
3.2.3. Rõ ràng, so với chữ quốc ngữ, bộ chữ Pa Cô, Ta Ôi đã có nhiều cải tiến từ chính những khuyết điểm của chữ quốc ngữ. Sự khác nhau về hệ thống âm vị và phẩm chất ngữ âm của chúng trong hai ngôn ngữ tất yếu dẫn đến những khác biệt trong cách ghi âm vị của hai bộ chữ cùng hệ Latinh. Sự khác biệt này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân về mục đích chính trị, năng lực và giải pháp của cá nhân những người sáng tạo ra hai bộ chữ viết nói trên. Chính những khác biệt về ngữ âm và chữ viết giữa hai ngôn ngữ nói trên đã làm nảy sinh sự không thống nhất trong cách phiên chuyển các địa danh từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt hiện nay.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều giải pháp phiên chuyển tên riêng dân tộc sang tiếng Việt, nhưng điều quan trọng là vẫn chưa có được ý kiến thống nhất. Để phiên chuyển các địa danh Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt, chúng tôi đề xuất những nguyên tắc chung và những nguyên tắc cụ thể, từ đó chỉ ra một số giải pháp phiên chuyển địa danh dân tộc thiểu số sang tiếng Việt.
a. Phiên chuyển các địa danh dân tộc sang tiếng Việt, trước hết, phải ghi theo cách viết và cách đọc của chữ quốc ngữ, phù hợp với chuẩn mực chính tả tiếng Việt, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các loại hình văn bản tiếng Việt.
b. Mọi sự phiên chuyển đều phải căn cứ trên cơ sở ngữ âm của tiếng dân tộc. Trong trường hợp có sự chênh lệch và khác biệt nhất định về đặc điểm ngữ âm của nguyên ngữ với tiếng Việt thì cần chọn những đơn vị ngữ âm và âm học gần với nguyên ngữ để tạo được cách đọc gần nhất với nguyên ngữ tiếng dân tộc.
c. Một từ trong tiếng dân tộc phải được viết rời từng âm tiết, có dấu chữ, dấu thanh và viết hoa chữ cái đầu từ, giữa các âm tiết có dấu gạch nối, giúp cho người đọc biết cách ngắt nhịp đúng chỗ, chính xác hoặc gần với cách ngắt âm tiết trong nguyên ngữ.
Tiếng Pa Cô, Ta Ôi là một ngôn ngữ đơn lập “chưa triệt để”, chưa hình thành thanh điệu và còn tồn tại các phụ tố cấu tạo từ, nhiều tổ hợp phụ âm. Căn cứ vào sự khác biệt và tương đồng về chữ viết và đặc điểm ngữ âm giữa tiếng Pa Cô, Ta Ôi với tiếng Việt đã được đề cập ở trên, vấn đề phiên chuyển địa danh Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt chỉ đề cập đến cách xử lý những khác biệt về ngữ âm và chữ viết do hai ngôn ngữ tạo nên, từ đó đi đến cách phiên chuyển thống nhất.
a. Bộ chữ viết Pa Cô, Ta Ôi có những phụ âm đầu âm tiết không có hoặc không tương ứng trong hệ thống chữ cái chữ quốc ngữ. Do vậy, khi phiên chuyển các địa danh, các phụ âm đó phải được phiên chuyển thành những con chữ tương đương có trong chữ quốc ngữ. Chẳng hạn, con chữ “j” thể hiện âm vị / / và con chữ “y” thể hiện âm vị / j/ trong chữ viết Pa Cô, Ta Ôi đều được phiên chuyển thành chữ “gi” và chữ “d” trong chữ quốc ngữ. Ví dụ:
- sông Joóng phiên chuyển thành sông Giòng
- khe Yong phiên chuyển thành khe Dong
Còn phụ âm “p” khi đứng đầu âm tiết, lúc thì phiên chuyển thành “p” lúc thì “b” trong chữ quốc ngữ. Chúng tôi đề nghị thống nhất phiên chuyển thành chữ cái “b” trong cách ghi các địa danh Pa Cô, Ta Ôi. Ví dụ:
- đồi Prok phiên chuyển thành núi Bơ-róc
- núi Prang phiên chuyển thành núi Bơ-ràng
- thôn Paris phiên chuyển thành thôn Ba-rít
Đối với phụ âm đầu âm tiết “k” trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi cũng được phiên chuyển thành 3 phụ âm đầu tương ứng theo quy tắc chính tả chữ quốc ngữ: “k, q, c”.(4) Ví dụ:
- núi Kapúng phiên chuyển thành núi Ca-bung
- suối Katêh phiên chuyển thành suối Ca-tể
- thôn Kê phiên chuyển thành thôn Kê
- thôn Kanông phiên chuyển thành thôn Ca-nông
b. Tất cả các tổ hợp phụ âm đầu âm tiết trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi đều phải được âm tiết hóa trong tiếng Việt. Tiếng Việt không chấp nhận bất kỳ một tổ hợp phụ âm nào xuất hiện ở vị trí đầu âm tiết thể hiện qua chữ viết quốc ngữ. Quá trình quốc ngữ hóa các phụ âm đầu trong tiếng dân tộc đồng nghĩa với việc đơn tiết hóa mọi yếu tố “ngoại lai” trong tiếng Việt. Do vậy, chúng tôi đề nghị cách phiên chuyển các tổ hợp phụ âm từ địa danh Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt như sau.
Cả các tổ hợp phụ âm chặt có thành phần ổn định (yếu tố thứ nhất thường là những âm tắc, yếu tố thứ hai là các âm lỏng, nước /-l, -r/ như pl, pr, bl, pr, kl, kr…) lẫn các tổ hợp phụ âm không ổn định (các tổ hợp phụ âm lỏng, do quá trình đơn tiết hóa mà thành, nghĩa là do mất nguyên âm của âm tiết phụ mà xuất hiện sự liên kết của hai phụ âm, kiểu như rl, rk, lt…) đều phải được âm tiết hóa bằng cách viết rời các âm tiết, viết hoa chữ cái đầu từ và thêm “ơ” ở giữa tổ hợp hai phụ âm.
Ví dụ:
- sông Pling phiên chuyển thành sông Bơ-ling
- đồi Krul phiên chuyển thành đồi Cơ-run
- thôn Priêng phiên chuyển thành thôn Bơ-riêng
- thôn Rloók phiên chuyển thành thôn Rơ-lộc
Đặc biệt, đối với tổ hợp phụ âm “tr” nhiều bản đồ vẫn để nguyên nên dễ nhầm lẫn với âm /ÿ/- “tr” trong chữ quốc ngữ. Chúng tôi đề nghị nên phiên chuyển theo cách âm tiết hóa đồng loạt như các tổ hợp phụ âm nói trên. Chẳng hạn, thôn Tru phải được phiên chuyển thành thôn Tờ-ru, chứ không phải thôn Tru đọc giống âm /ÿ/- “tr” trong chữ quốc ngữ.
a. Đối với các nguyên âm trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi tương ứng với các nguyên âm trong tiếng Việt, cách phiên chuyển là giữ nguyên cách viết các địa danh. Còn đối với các nguyên âm và ký hiệu nguyên âm tiếng Pa Cô, Ta Ôi không có và/hoặc không tương ứng trong tiếng Việt, để phiên chuyển các địa danh chứa chúng, chúng tôi đề nghị nên đưa về các nguyên âm có sẵn trong tiếng Việt có sự gần gũi về cấu âm-âm vị học với nguyên ngữ. Cụ thể:
+ Bỏ “dấu sắc” biểu thị đặc điểm nguyên âm ngắn trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi khi phiên chuyển các địa danh sang tiếng Việt. Chẳng hạn:
- núi Atúng phiên chuyển thành núi A Tung
- khe Avér phiên chuyển thành khe A Ve
- núi Atúk phiên chuyển thành núi A Túc
+ Các nguyên âm nhân đôi biểu thị tính chất căng trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi (ee, oo, ơơ) phiên chuyển sang chữ quốc ngữ thành các nguyên âm có trong chữ viết quốc ngữ (ê, ô, ơ). Chẳng hạn:
- động Tambơơi phiên chuyển thành động Tam-bơi
- sông Tarreenh phiên chuyển thành sông Tà-rênh
b. Ngoài các cách ghi nguyên âm nguyên ngữ tiếng Pa Cô, Ta Ôi như đã nêu trên, những cách ghi địa danh trên các bản đồ kiểu như: oô, ôo, eu, ou, au, ta có thể nghĩ ngay đó là cách người Pháp ghi các địa danh dân tộc trên các bản đồ. Đối với những cách ghi nguyên âm như vậy đều phải được phiên chuyển sang chữ viết quốc ngữ thành các nguyên âm tương ứng: ô, ô, ơ, u, o. Chẳng hạn:
- núi Talou phiên chuyển thành núi Ta-lu
- đồi Ashau phiên chuyển thành đồi A So
- động Tou Trouein phiên chuyển thành động Tu Tờ-ru-ên
Tiếng Pa Cô, Ta Ôi là ngôn ngữ chưa hình thành thanh điệu. Do vậy, sự vắng mặt thanh điệu sẽ được bù đắp ở sự phong phú âm cuối và nguyên âm. Để phiên chuyển các địa danh từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt, chúng ta sẽ phải xử lý những trường hợp âm cuối không có trong tiếng Việt như thế nào? Đây có lẽ là vấn đề dẫn đến nhiều cách ghi địa danh dân tộc không thống nhất hiện nay. Với phương châm “Việt hóa” tối đa các địa danh dân tộc thiểu số mà không phản ánh sai lệch đặc điểm ngữ âm tiếng dân tộc, chúng tôi đề nghị cách phiên chuyển các âm cuối như sau: các phụ âm cuối của tiếng Pa Cô, Ta Ôi chỉ được phiên chuyển trở thành 6 phụ âm cuối tiếng Việt được thể hiện bằng các chữ viết quốc ngữ: p, t, ch, c, m, n, nh, ng. Cụ thể:
+ Chuyển âm cuối “k” trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang “c” trong tiếng Việt:
- đồi Prok phiên chuyển thành đồi Bơ-roc
- núi Atúk phiên chuyển thành núi A Túc
+ Chuyển âm cuối “l” trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi sang “n” trong tiếng Việt:
- đồi Krul phiên chuyển thành đồi Cơ-run
- thôn Ajiêl phiên chuyển thành thôn A Diên
+ Đối với những từ hoặc âm tiết của tiếng Pa Cô, Ta Ôi có phụ âm cuối là /-h/ nên thống nhất phiên chuyển thành “dấu hỏi” hoặc “không dấu” trong tiếng Việt:
- đồi Abiah phiên chuyển thành đồi A Bia
- suối Katêh phiên chuyển thành suối Ca-tể
- thôn Aróh phiên chuyển thành thôn A Rỏ
+ Bỏ phụ âm cuối /-r/ trong tiếng Pa Cô, Ta Ôi khi phiên chuyển sang tiếng Việt:
- núi Taviar phiên chuyển thành núi Ta-vi-a
- đầm Ahar phiên chuyển thành đầm A Ha
+ Đối với phụ âm cuối tắc thanh hầu ở tiếng Pa Cô, Ta Ôi được biểu hiện trên chữ viết Latinh bằng chon chữ “q” ở cuối từ hay âm tiết thì thống nhất phiên chuyển thành “dấu nặng” trong tiếng Việt:
- suối Phoq phiên chuyển thành suối Phọ
- thôn Ahooq phiên chuyển thành thôn A Hộ
Vấn đề phiên chuyển tên riêng dân tộc thiểu số, trong đó có địa danh, sang tiếng Việt đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến từ lâu. Tuy nhiên, ở từng thời điểm lịch sử khác nhau, chúng ta nhận được những đề xuất về giải pháp phiên chuyển các địa danh dân tộc không giống nhau, tạo nên sự không thống nhất về cách ghi tên riêng trên bản đồ và các loại hình văn bản tiếng Việt. Việc cần thiết phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và nhu cầu tiếp xúc, vay mượn, làm phong phú vốn từ tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế là hai vấn đề luôn luôn đi đôi với nhau trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, việc đề xuất một cách phiên chuyển các địa danh từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt luôn diễn ra một cách cấp thiết và cũng không phải dễ gì để có được một ý kiến thống nhất. Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, tiếng Việt cần có một quy định thống nhất về cách sử dụng từ “ngoại lai” theo hướng Việt hóa triệt để, trong đó có vấn đề phiên chuyển địa danh dân tộc thiểu số sang tiếng Việt trên mọi loại hình văn bản.
Trần Văn Sáng
CHÚ THÍCH
(1) Vấn đề viết và đọc tên riêng tiếng dân tộc ở trong tiếng Việt liên quan trực tiếp đến các quy tắc ngữ âm cũng như các quy tắc chính tả của chữ quốc ngữ. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng khái niệm “phiên chuyển” địa danh dân tộc sang tiếng Việt với nghĩa: kết hợp phiên âm (transcription) lẫn chuyển tự (transliteration). Khái niệm “chuyển tự” được chúng tôi sử dụng cho các loại chữ viết cùng hệ Latinh và khác hệ Latinh.
(2) Về quy định chính tả tên riêng tiếng nước ngoài và dân tộc thiểu số, cho đến nay, có ba văn bản đáng chú ý: a) Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục ký ngày 30/11/1980; b) Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt (ban hành kèm theo quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ Giáo dục); c) Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài, 7/2000 của Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ngoài ra, còn có đề tài Tiến tới chuẩn hóa cách viết tên riêng tiếng dân tộc thiểu số trong văn bản tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (2001). Đáng chú ý là, những đề xuất về chính tả tên riêng nước ngoài, trong đó có tên riêng dân tộc, của những quy định trên vẫn không đạt được sự thống nhất chung.
(3) Vấn đề “dịch thừa” kết hợp với phiên âm các địa danh dân tộc thiểu số sang tiếng Việt là hiện tượng phổ biến, có thể gặp ở nhiều địa danh tiếng dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, các địa danh “sông Krông Knô, sông Krông Ana, sông Krông Pôkô, sông Krông Hnang...”(krông=sông) ở
Tây Nguyên; “suối Nậm Ban, núi Phu Nậm Cấu...” (nậm=suối, phu=núi ) ở vùng Tây Bắc. Kể cả địa danh tiếng Việt: sông Hương Giang, sông Cửu Long Giang, sông Ngự Hà, sông Trường Giang, sông Hồng Hà, núi Hoành Sơn, núi Trường Sơn… Xem thêm: Hoàng Thị Châu (2001), Tiến tới chuẩn hóa cách viết tên riêng tiếng dân tộc thiểu số trong văn bản tiếng Việt (đề tài của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
(4) Khi sử dụng đến 3 con chữ “k, q, c” để ghi một âm vị / k / dùng trong phiên chuyển các địa danh Pa Cô, Ta Ôi sang tiếng Việt đã lặp lại y nguyên những hạn chế của chữ quốc ngữ hiện hành. Tuy vậy, với phương châm Việt hóa triệt để các yếu tố ngoại lai, cách làm này lại đảm bảo đúng chính tả chữ quốc ngữ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
A. Tiếng Việt
1. Bộ Giáo dục. Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt, áp dụng trong các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.
2. Bộ Giáo dục, UBKHXHVN. Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục, 11/1980.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định số 07/2003/ QĐ-BGDĐT ngày 13/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa.
4. Hoàng Thị Châu và nnk. Tiến tới chuẩn hóa cách viết tên riêng tiếng dân tộc thiểu số trong văn bản tiếng Việt (đề tài của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nghiệm thu năm 2001.
5. Hoàng Thị Châu (1993). “Có thể xây dựng một bộ chữ viết chung cho nhiều ngôn ngữ dân tộc”, Tạp chí Ngôn ngữ , số 2, tr. 21-24.
6. Hoàng Thị Châu (2001). Xây dựng bộ chữ phiên âm cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
7. Hoàng Thị Châu (2004). Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Nguyễn Tài Cẩn (1995). Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9. Trần Trí Dõi (1999). Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
10. Trần Trí Dõi (2001). Ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa xã hội, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
11. Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
12. Phạm Đức Dương (2007). Bức tranh ngôn ngữ-văn hóa-tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
13. Anh Hiền (1972). “Bàn thêm về quy tắc viết hoa tên riêng chỉ người và chỉ đất trong tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, tr. 51-54.
14. Lê Trung Hoa (2006). Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
15. Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi (1998). Tiếng Katu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
16. Nguyễn Hữu Hoành (2004). “Về tên gọi các dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường ở Việt Nam”, trong Những vấn đề ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 443-452.
17. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài, 7/2000.
18. Nguyễn Văn Khang (2003). Kế hoạch hóa ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
19. Nguyễn Văn Khang (2007). Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
20. Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Trung Thuần (1995). Từ điển địa danh nước ngoài, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
21. Nguyễn Văn Lợi và nnk (1986). Sách học tiếng Pacôh - Taôih, UBND tỉnh Bình Trị Thiên xuất bản, Huế.
22. Hoàng Văn Ma (2002). Ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam - Một số vấn đề về quan hệ cội nguồn và loại hình học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
23. Hoàng Văn Ma, Tạ Văn Thông (1998). Tiếng Bru - Vân Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
24. Hoàng Văn Ma (2004). “Tộc danh trong các nhóm dân tộc Thái-Ka đai”, trong Những vấn đề ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 443-452.
25. Nha xuat ban Giaó duc . Quy định tam thơi ve chính ta trong sac h giaó khoa mơi, Ha Noi, 3/2002.
26. Hoàng Phê (1976). “Một số nguyên tắc giải quyết vấn đề chuẩn hóa chính tả”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr. 1-10.
27. Đoàn Văn Phúc (1996). Ngữ âm tiếng Êđê, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
28. Đoàn Văn Phúc (1998). Từ vựng các phương ngữ Êđê, Nxb TP Hồ Chí Minh.
29. Đoàn Văn Phúc (2003). “Chuẩn hóa tên riêng dân tộc thiểu số trong tiếng Việt” (trên cứ liệu một số ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở miền Nam), Báo cáo khoa học, Viện Ngôn ngữ học.
30. Phan Văn Phức (2004). “Về tên gọi của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo- Polinesian ở Việt Nam”, trong Những vấn đề ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 544-550.
31. Trần Văn Sáng (2008). “Bước đầu tìm hiểu đặc điểm cấu tạo và ý nghĩa các địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế”, Báo cáo Hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ nhất, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Cần Thơ, ngày 18/4.
32. Nguyễn Thị Sửu (2009). “Cấu tạo từ tiếng Ta Ôi (trong sự so sánh với tiếng Việt)”, Luận án tiến sĩ ngôn ngữ học, Hà Nội.
33. Lý Toàn Thắng, Nguyễn Văn Lợi (2001). “Về sự phát triển của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thế kỷ XX”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 2.
34. Bùi Khánh Thế (1997). Ngữ pháp tiếng Chăm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
35. Tạ Văn Thông (1993). “Tên riêng trong tiếng Kơho”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr. 23-27.
36. Ta van Thon g (2001). “Cac h viet ten cac dan toc ơ Viet Nam”, Tap chí Ngon ngữ, so 10, tr. 26-32.
37. Đoàn Thiện Thuật (1999). Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
38. Văn phòng Chính phủ. Quyết định số 009/1998/QĐ-VPCP ngày 22/11/1998 Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
39. Võ Xuân Quế (1998). “Về tên riêng trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên sách báo tiếng Việt”, trong Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hà Nội.
40. Viện Ngôn ngữ học (1988). Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, KHXH, Hà Nội.
41. Viện Ngôn ngữ học(1994). Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và chính sách ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
42. Viện Ngôn ngữ học (1994). Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
43. Viện Ngôn ngữ học (2002). Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
44. Nguyễn Như Ý và nnk (1995). Từ điển chính tả tên người nước ngoài, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
B. Tiếng Anh
1. Asher R. E Editor-in-Chief, 1994. The Encyclopedia of language and Linguistics, Pergamon Press.
2. Alan Cruse.D. (2000), Meaning in language: An Introduction to Semantics and Pragmtics, Oxford University Press.
3. Bright W. Editor-in Chief (1992). International Encyclopedia of Linguistics, Oxford University Press.
4. Trask.R.L, (1999), Key concepts in language and linguistics, Routledge, London and New York.
5. Mark J. Alves (2006). A grammar of Pacoh: a Mon-Khmer language of the central highlands of Vietnam, Pacific Linguistics, Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National University.
6. Paul Sidwell (2006). A Mon - Khmer comparative dictionary, Pacific Linguistics, Research School of Pacific and Asian Studies, The Australian National University.
7. Richart L. Watson (1969). “Pacoh names”, Mon-Khmer Studies III, The Linguistic Circle of Saigon & The Summer Institute of Linguistic, 77-88.
8. Watson K. (1964). “Pacoh phonemics”, Mon-Khmer Studies I, The Linguistic Circle of Saigon & The Summer Institute of Linguistic, 135-148.
TÓM TẮT
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đồng thời là một quốc gia đa ngôn ngữ và văn hóa. Trong đó, do người Kinh chiếm đại đa số nên tiếng Việt được xem là tiếng phổ thông, là ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng quốc gia đa dân tộc ấy. Vì vậy, vấn đề vay mượn và tiếp xúc giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là phổ biến và tất yếu để làm giàu cho vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp. Các dân tộc và ngôn ngữ thường có những quy tắc vay mượn, du nhập các từ ngoại lai cho phù hợp với những quy tắc ngữ âm-âm vị học, ngữ nghĩa, ngữ pháp và các quy tắc chữ viết, cũng như các quy tắc hình âm vị học của tiếng mẹ đẻ để những từ phi bản địa ấy vừa không làm xáo trộn hệ thống ngôn ngữ vốn có của dân tộc vừa đảm bảo nhu cầu thông tin nhanh chóng, chính xác, phù hợp với tập quán, thói quen tri nhận ngôn ngữ của dân tộc mình.
Có rất nhiều vấn đề ngôn ngữ học đặt ra trong quá trình xử lý các hiện tượng vay mượn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xem xét, đặt vấn đề phiên chuyển (có phiên âm lẫn chuyển tự) các địa danh dân tộc sang tiếng Việt, cụ thể là các địa danh từ tiếng Pa Cô, Ta Ôi, ngôn ngữ của một dân tộc sinh sống lâu đời nhất trên miền đất A Lưới, dân tộc Ta Ôi, cư dân nói ngôn ngữ dòng Môn-Khơme, thuộc ngữ hệ Nam Á. Vấn đề phiên chuyển tên riêng nói chung, địa danh dân tộc sang tiếng Việt nói riêng, ở nước ta đã có từ lâu, song ở mỗi thời kỳ lịch sử cách phiên chuyển ấy lại rất khác nhau. Qua dữ liệu địa danh cho phép, chúng tôi thử đề xuất một giải pháp cụ thể cho việc phiên chuyển địa danh tiếng Pa Cô, Ta Ôi ở Thừa Thiên Huế sang tiếng Việt vừa đúng và gần với ngữ âm của ngôn ngữ dân tộc này, vừa giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay.
ABSTRACT
HOW TO TRANSLITERATE TOPONYM IN PACOH AND TAOIH LANGUAGES INTO VIETNAMESE
The Vietnamese is a multi-race people, with different languages and cultures, of which, the plainsmen account for a large part. Therefore Vietnamese is regarded as national language, the common language for mutual communication between the different racial communities of the country. The borrowing practice and interaction between Vietnamese and the ethnic groups’ languages is inevitable and consequently quite popular so as to enrich the vocabulary of each language in the course of interaction. Each people, and its language, has its own standards for borrowing and admission of alien words in order that the admitted words conform to principles of its phonetics-morphophonology, semantics, grammar, writing method... of its mother tongue, and that the alien words will not upset the people’s natal linguistic system and on the other hand ensure quick and exact communication that is in keeping with its customs and its linguistic habits.
In dealing with the borrowing practice between languages, researchers have to cope with various linguistic issues. In this article, we will only study the cases of transliteration (with both transcription and transliteration) of ethnic groups’ geographical names into Vietnamese, in particular the transliteration of geographical names of the Pacoh and Taoih languages, of the
Taoih people who has lived in A Lưới for ages and speaks Mon-Khmer language of the AustroAsiatic family. In our country, the transliteration of proper nouns in general, and of geographical names of ethnic groups into Vietnamese in particular, was started a long time ago, but the transliteration modes changed remarkably in different periods of history. In consideration of the acceptable geographical names, the author makes an attempt here to suggest a specific method for transliteration of geographical names of Pacoh and Taoih languages into Vietnamese that ensures the correct meaning of the new names and at the same time helps preserve the similarity in pronunciation, as well as the clarity of Vietnamese.
Xem thêm: Nhận diện một địa chỉ giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Làng xã ở nước ta xuất hiện tương đối muộn nếu hiểu như một cơ cấu hành chính. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, nói về ông Khúc Hạo (cuối thời Bắc thuộc) làm chức Tiết độ sứ lập ra bộ, phủ, châu, xã ở các nơi. Đứng đầu hàng xã là chức Xã quan.
Nara là thủ đô của Nhật Bản từ năm 710 đến năm 784. Di tích Lịch sử của Nara cổ bao gồm 8 công trình ở cố đô Nara, tỉnh Nara, Nhật Bản. Trong số này có năm công trình là chùa Phật giáo, một đền thờ Thần đạo (Shintō), một cung điện và một khu rừng nguyên sinh. Quần thể bao gồm 26 tòa nhà được Chính phú Nhật Bản chỉ định như là Quốc bảo của Nhật Bản và 53 tòa nhà được chỉ định là Tài sản Văn hóa Quan trọng của Nhật Bản.
Từ xa xưa, khi quần tụ cạnh những dòng sông ở bắc miền Trung, người dân được thiên nhiên ban tặng không chỉ nguồn nước mát mà còn tận hưởng nhiều món quà quý giá. Cho đến nay, những tặng vật độc, lạ ấy vẫn dồi dào và mang lại cơm no áo ấm…