Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Về biển Cổ Thạch “săn rêu”

23/10/2024286

Du lịch Bình Thuận không chỉ nổi tiếng với Phan Thiết, La Gi mà còn có một Cổ Thạch ở Tuy Phong hữu tình, đặc biệt là đang bắt đầu vào mùa rêu.

Cổ Thạch là một bãi biển nằm ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, từ lâu được biết đến với bãi đá Bảy Màu có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau và các hang động thiên nhiên được hình thành do tác động của thủy triều, sóng biển. Biển ở đây nước trong xanh, sóng không lớn, mang lại cho du khách cảm giác bình yên, thư thả. Ở mỗi mùa Cổ Thạch cho ta một vẻ đẹp hấp dẫn riêng, nhưng có lẽ mùa rêu được bình chọn là ấn tượng và quyến rũ nhất.

Ở mỗi mùa Cổ Thạch cho ta một vẻ đẹp hấp dẫn riêng

Trung tuần tháng 1 đến đầu tháng 2 dương lịch là thời điểm “vàng” để du khách “săn” rêu xanh tại biển Cổ Thạch. Năm nay, thời điểm này trùng với dịp Tết Nguyên đán, rất thuận lợi để du khách thực hiện chuyến hành trình đáng nhớ, thú vị. Rêu xanh quẩn quanh, bám vào các tảng đá tạo thành một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Tuy nhiên để thưởng thức trọn vẹn khung cảnh kỳ vĩ này bạn phải đến Cổ Thạch vào thời điểm khi thủy triều xuống, bãi đá rêu trở nên đẹp hơn bao giờ hết với màu xanh mướt mềm mịn như nhung. Khi ấy, màu xanh của rêu cộng hưởng với ánh nắng vàng tạo nên một bức tranh vô cùng bắt mắt, tươi mới, tràn đầy sức sống.

Màu xanh non mướt, mềm mại như nhung

Rêu ở đây xuất hiện một cách tự nhiên, không do tác động của con người. Những mảng rêu xanh bám chặt trên những tảng đá to, nhỏ. Màu xanh non mướt, mềm mại, cảm giác như muốn che chở cho những phiến đá chúng đeo bám. Vì thế bức tranh đá – rêu có thể khiến bạn say mê quên lối về. Mùa rêu ở Cổ Thạch thường chỉ khoảng một tháng, nhưng theo người địa phương, rêu mọc trên đá dày hay mỏng, xanh tươi hay không là do thời tiết. Nếu thời tiết ổn định thì kéo dài hơn, tầm hai tháng.

Đến mùa rêu, không khí tại biển Cổ Thạch nhộn nhịp hẳn

Mùa rêu về, không khí tại Cổ Thạch cũng vì thế mà nhộn nhịp hẳn. Không chỉ giới trẻ trong và ngoài tỉnh đổ về mà rêu xanh tạo rất nhiều nguồn cảm hứng cho các tay máy nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp cho ra đời khá nhiều bộ ảnh tuyệt đẹp. Theo chia sẻ của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong ảnh bãi rêu Cổ Thạch hiện lên đẹp là thế, nhưng “săn rêu” không dễ. Cần phải để ý con nước lên xuống trong ngày. Bởi nước lên cao quá thì che hết những lớp rêu xanh, còn nếu nước xuống quá thấp thì những bãi rêu lại mất đi vẻ mượt mà vốn có. Muốn có những bức ảnh đẹp và ngắm nhìn được màu rêu chuẩn nhất thì bạn nên đến vào lúc chiều xuống, nắng sắp tắt hoặc khi mặt trời vừa ló rạng ở đằng đông.

Từ cổng đình Bình An nhìn ra biển

Tuy nhiên trong lúc chụp ảnh và di chuyển ở các bãi, vì rêu rất trơn và ẩm ướt, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ trượt chân ngã. Khách tham quan nên đi chân đất và không giẫm lên rêu. Ngoài ra, du khách cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan, không bứt rêu, giẫm đạp, xả rác để góp phần gìn giữ vẻ đẹp vốn có của bãi rêu.

Khi mặt trời lên, bạn hãy xuôi dọc bờ biển để tham quan Lăng ông Nam Hải, di tích lịch sử cấp quốc gia đình Bình An hay đi bộ ngược lên ngôi chùa Cổ Thạch hơn 100 năm tuổi. Từ vị trí này thu vào tầm mắt bãi đá Bảy Màu và chiêm ngưỡng cảnh biển trời bao la với nét đẹp riêng biệt, cảm giác thật thư thái cho một ngày mới mà không phải nơi nào cũng có.

THÙY LINH

Xem thêm: Những điều thú vị đến bất ngờ khi khám phá văn hóa tại Scotland

Các bài viết khác

Xem thêm
Dư địa chí một số giá trị tiêu biểu
Địa chí14/06/2023

Dư địa chí một số giá trị tiêu biểu

(Consonkiepbac.org.vn) - Khi Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi bị gièm pha phải về ở ẩn tại Côn Sơn nhưng tấm lòng ông vẫn không quên việc nước. Sau khi Lê Thái Tông lên ngôi, ông lại được mời ra làm quan và được giao viết bộ Quốc thư bảo huấn, trong đó có Dư địa chí như là cuốn sách giáo khoa nhằm dạy cho nhà vua hiểu biết về đất nước, con người và các đặc sản của từng địa phương. Sách soạn xong, Nguyễn Trãi dâng lên, nhà vua rất tâm đắc, sai thợ khắc ván in để phổ biến.

Đặc sắc các nghi lễ ở Đền Trần Nam Định
Tin tức khác12/09/2024

Đặc sắc các nghi lễ ở Đền Trần Nam Định

Vào các ngày 20/2 và 21/2 (tức các ngày 11, 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã diễn ra các nghi lễ quan trọng của Lễ hội khai ấn Đền Trần, đó là lễ rước kiệu Ngọc Lộ và lễ nước, tế cá.

Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản

Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong phong trào Đông du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản

Thú vị là trong câu chuyện mà Tâm kể, có xuất hiện một người là thầy ở Việt Nam (trước khi Tâm lên đường tới Nhật, người thầy này dặn là cần đến viếng mộ cụ Trần Đông Phong), và một nữ đồng nghiệp lớn tuổi gốc Hà Nội đang ở Tokyo (người đã sống ở Nhật trong 20 năm cùng với con trai), thì đó chính là hai người đàn anh đàn chị thuộc nhóm đầu 1990