Hàu Răng cưa có kích thước “khổng lồ” cũng như khối lượng vượt trội nên được người dân còn gọi là “hàu Vua”.
Theo nghiên cứu, khảo sát, hàu Răng cưa khai thác ở Khu bảo tồn biển (KBTB) đảo Cồn Cỏ có 4 nhóm kích thước, trong đó nhóm có chiều dài lớn hơn 16-20 cm chiếm tỷ lệ cao nhất, với 44,2% tổng số hàu khai thác. Nhóm có chiều dài lớn hơn 20 cm chiếm 12,5%. Thấp nhất là nhóm có kích thước nhỏ hơn 11cm, với 6,3%. Kích thước cơ thể của hàu Răng cưa tại KBTB đảo Cồn Cỏ lớn hơn rất nhiều so với 5 loài hàu hiện đang được nuôi ở Việt Nam như hàu cửa sông, hàu sữa, hàu Thái Bình Dương… Mỗi con nặng từ 2 đến 3kg, có khi hơn; phần cơ thịt to và dày, thơm, ngọt, hàm lượng protein trong cơ thịt chiếm tỷ lệ 67,8-89,6%. Cùng với cua đá, ốc Mặt trăng, ốc Vú nàng... của vùng biển đảo Cồn Cỏ, hàu Răng cưa bổ sung vào danh sách những món ăn đặc trưng khi đến đây, được lựa chọn hàng đầu trong mong muốn ẩm thực của du khách. Anh Lê Văn Nhẫn, chuyên đưa du khách ra đảo cho biết, bình thường du khách đặt suất khi ra du lịch ở Cồn Cỏ khoảng 150 ngàn/suất gồm khoảng 7 món, trong đó riêng món hàu Răng cưa đã chiếm hơn 50%. Mùa du lịch cũng chính là cao điểm khai thác “hàu Vua”.
Phó Giám đốc Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ Trần Khương Cảnh cho hay, mùa vụ khai thác hàu Răng cưa ở KBTB đảo Cồn Cỏ từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, trong đó tập trung cao từ tháng 4 đến tháng 7. Trước nhu cầu tiêu thụ hàu Răng cưa ngày càng cao, sức ép lên khai thác loài này ở KBTB đảo Cồn Cỏ ngày càng lớn. Việc xây dựng giải pháp quản lý khai thác bền vững hàu Răng cưa ở khu vực này là vấn đề cấp thiết. Đặc biệt, cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu, khảo sát về hàu Răng cưa. Vì vậy, việc đánh giá hiện trạng nguồn lợi: mật độ, trữ lượng, sản lượng khai thác, phân bố của hàu Răng cưa ở KBTB đảo Cồn Cỏ làm cơ sở cho quản lý khai thác, bảo vệ, và đề xuất giải pháp phát triển nguồn lợi. Và mới đây, Phó Giám đốc Trần Khương Cảnh (Thạc sĩ) và các cộng sự đã thực hiện chuyên đề nghiên cứu với 2 nội dung chính: đánh giá hiện trạng khai thác và phân bố của hàu Răng cưa (Hyotissa hyotis Linnaeus, 1758) tại KBTB đảo Cồn Cỏ.
Sau 1 năm kiên trì (từ tháng 1 đến tháng 12- 2023), vượt qua khó khăn, nhóm nghiên cứu đã có thể lên “bản đồ” chi tiết về mật độ hàu Răng cưa phân bố ở vùng biển thuộc KBTB đảo Cồn Cỏ. Kết quả cho thấy khá cao, trung bình đạt 0,13 cá thể/m2. “Trong mỗi phân khu chức năng, mật độ phân bố của hàu Răng cưa có xu hướng tăng theo độ sâu. Đá và san hô là hai loại nền đáy phù hợp với hàu Răng cưa”- Thạc sĩ Trần Khương Cảnh cho biết. Trữ lượng ước tính số lượng cá thể hàu Răng cưa có kích thước chiều dài vỏ từ 5cm trở lên phân bố trong các phân khu chức năng của KBTB đảo Cồn Cỏ tại thời điểm tháng 7-2023 là trên 5 triệu cá thể. Hàu có thể sống bám và phát triển vào các kè đá (các cụm đá bê tông hình ba chấu) có độ sâu từ 2 m trở xuống ở một số khu vực có quanh đảo. Với tuổi thọ cao lên đến hàng năm là đặc điểm rất quan trọng, mang lại giá trị môi trường rất lớn. Nếu để chúng sinh sôi, phát triển sẽ tạo nên một bờ kè tự nhiên vững chắc bao quanh ngoài bờ kè nhân tạo, góp phần giữ phần nổi của đảo được lâu dài.
Cũng qua nghiên cứu, khảo sát, ghi nhận sản lượng hàu Răng cưa được khai thác trong năm 2023 là khoảng 8.000 cá thể, ước lượng khoảng 16 tấn. Hàu Răng cưa được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu ẩm thực tại đảo Cồn Cỏ, có một tỷ lệ nhỏ được vận chuyển vào đất liền tiêu thụ theo hình thức làm quà tặng. Ban quản lý KBTB đảo Cồn Cỏ cũng nhấn mạnh đến nguy cơ suy giảm loài hàu “khổng lồ” này. Hiện tại, so với trữ lượng ước tính, việc khai thác hàu Răng cưa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách khi đến Cồn Cỏ (trung bình khoảng 6.000 du khách/năm, tính từ 2017- 2023) đang ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, gần đây có hiện tượng các hộ ngư dân tham gia khai thác loài hàu này đang có xu hướng gia tăng khai thác để đưa vào đất liền tiêu thụ, làm giảm tính đặc trưng vốn có của loài này tại đảo đồng thời làm giảm nguồn lợi loài này nhanh chóng.
Từ tình hình thực tế, cho thấy cần ban hành các quy định hạn chế và thành lập Tổ đồng quản lý khai thác bền vững loài hàu này với những quy định cụ thể như: thành lập tổ ngư dân được phép khai thác hàu phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách ngay tại đảo. Hạn chế tối đa việc khai thác để đưa vào đất liền tiêu thụ, làm giảm nhanh nguồn lợi cũng như làm giảm tính đặc trưng vốn có của Cồn Cỏ; ngư cụ và cách thức khai thác… các quy định đó được giám sát thực hiện nghiêm túc. Và hẳn nhiên, việc nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm và khoanh vùng khai thác, vùng bảo tồn ở khu vực biển đảo Cồn Cỏ cũng là giải pháp quan trọng trong bảo tồn nguồn gen hàu “khổng lồ”. Được biết, KBTB biển đảo Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao. Đến nay các nghiên cứu đã ghi nhận được 954 loài sinh vật biển, trong đó có 133 loài thực vật phù du, 97 loài động vật phù du, 136 loài san hô, 182 loài cá rạn san hô, 302 loài động vật đáy, 96 loài rong biển, 1 loài cỏ biển và 6 loài thực vật ngập mặn.
Bảo Hà
Nguồn: cadn.com.vn
Xem thêm: Khám phá quốc gia nhỏ nhất thế giới, chỉ có 32 người sinh sống, không thể tìm thấy trên bản đồ
Đời sống tâm linh của người Việt vô cùng phong phú và đa dạng. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cho nên trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều nghi thức cúng tế thần linh diễn ra với nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau...
Trong chuyến đi điền dã để sưu tầm tư liệu về Phù quận công Lương Văn Chánh, người đã có công khai hoang lập ấp tỉnh Phú Yên ngày nay, chúng tôi đã tiếp cận được tư liệu về một hậu duệ của ông, đó là Đội trưởng thủy quân Lương Văn Thành, hy sinh tại Ghềnh Bà, tấn Cù Mông vào năm 1864 và đã được vua Tự Đức sắc phong Hiệu trung kỵ úy, Chánh đội trưởng tinh binh. Sắc đề ngày 27 tháng 10 năm Tự Đức thứ 17 (1864).
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu và thảo luận liên quan, song vẫn còn rất nhiều bí ẩn về cách thức và công nghệ mà người Ai Cập cổ đại đã sử dụng để xây dựng nên các kim tự tháp vĩ đại.