Trung tâm khảo cứu và biên soạn
Địa chí Việt Nam
Chào mừng đến với website Trung tâm khảo cứu và biên soạn Địa chí Việt Nam.

Bạch Long Vĩ - Hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc

05/01/2024170

Nếu như Đồ Sơn, Cát Bà, Vịnh Lan Hạ từ lâu đã trở thành những địa chỉ nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam, thân thuộc với khách du lịch trong nước và quốc tế, thì Bạch Long Vĩ, đến nay, vẫn là một hòn đảo hoang sơ với rất nhiều những điều thú vị chưa được khám phá. Với vị trí địa lý quan trọng, là “phên dậu tiền tiêu” biên giới trên vùng biển vịnh Bắc Bộ của quốc gia, Bạch Long Vĩ không đơn thuần là một điểm tham quan du lịch. Bạch Long Vĩ không phải là nơi dễ đến, không phải cứ khoác ba lô lên đường là được tham quan một điểm đến mới lạ. Hành trình từ đất liền ra đảo với 6 -7 giờ lênh đênh trên biển, đối mặt với những cơn say sóng dữ dội, đối mặt với những khắc nghiệt từ thời tiết, từ thiên nhiên vẫn luôn là thử thách mà không phải ai cũng dũng cảm đối mặt. Nên ngay cả với những người con đất Cảng, Bạch Long Vĩ vẫn ẩn chứa những điều bí ẩn và kỳ diệu, thôi thúc sự khám phá, chinh phục của những người yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc và đau đáu với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc mình.

Đảo Bạch Long Vĩ là một hòn đảo nằm ngay tại khu vực trung tâm của vịnh Bắc Bộ. Được thành lập chính thức từ năm 1992, với ban đầu chỉ gồm 56 hộ dân là những thanh niên xung phong và dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá tới đây lập nghiệp, Bạch Long Vĩ trở thành huyện đảo trực thuộc thành phố Hải Phòng. Nhìn từ trên cao hòn đảo này có hình dáng giống đuôi của một con rồng. Đó cũng chính là lý do mà người ta đặt cho nó cái tên là Bạch Long Vĩ.

Là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140 km, Bạch Long Vĩ có diện tích khoảng 2,5 km2 khi thủy triều lên và 4 km2 khi thủy triều xuống. Hiện nay dân số đang sinh sống trên đảo là khoảng 700 người. Họ chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Là một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ, ban ngày đảo nhộn nhịp với tàu thuyền đánh cá, đêm đến, ngọn hải đăng vẫn lặng lẽ tỏa sáng chỉ đường cho các tàu thuyền đi lại. Mặc dù diện tích đất tự nhiên không lớn nhưng Bạch Long Vĩ có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển và quốc phòng - an ninh.

Bạch Long Vĩ, không phải là điểm tham quan du lịch thông thường với cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi. Đến với Bạch Long Vĩ, bạn sẽ thấy ngay những khó khăn của cuộc sống nơi đây khi vượt qua chặng đường dài từ đất liền ra đảo. Cơ sở vật chất, điện nước thiếu thốn, những bãi cát hoang sơ chưa có các dịch vụ phục vụ khách du lịch… Bạch Long Vĩ khác xa vẻ đẹp mượt mà của những hòn đảo đã sớm được đưa vào khai thác đầu tư phục vụ du lịch như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu… Thậm chí, có quan điểm cho rằng Bạch Long Vĩ giống hình ảnh Cát Bà 20 năm về trước. Vậy điều gì khiến bạn phải vượt qua rất nhiều trở ngại để đến được với hòn đảo bé nhỏ này.

Đó chính là một phần Tổ quốc mà bạn đang mang theo bên mình

Đến với Bạch Long Vĩ, ngay khi đặt chân lên tàu, bạn đã có thể cảm thấy hơi thở của biển căng tràn trong lồng ngực. Đi qua những công trình trên biển: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Bạch Đằng, cảng Đình Vũ, cáp treo Cát Bà, cảm nhận sự bao la, khoáng đạt của trời biển Việt Nam, chứng kiến sự thay da đổi thịt của thành phố Cảng Hải Phòng, của đất nước, niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước dâng trào.

Khi đến với hòn đảo nhỏ xa xôi này, đặt chân lên đảo, những cơn say sóng dường như tan biến, thay vào đó là cảm giác ấm áp trước tình cảm nồng hậu của những người dân nơi đây. Đi đến đâu bạn cũng nhận được những nụ cười thân thiện, dễ mến, những chia sẻ của những người dân trên đảo cũng tự nhiên như câu chuyện giữa những người trong gia đình đi xa trở về. Mọi thứ đều giản dị, chân thành, không chút màu mè.

Cảm xúc của những người lần đầu đặt chân lên hòn đảo nhỏ này được dẫn dắt như thể đã có một sợi dây gắn bó bền chặt từ rất lâu. Đó chính là tình yêu biển, yêu đảo, yêu Tổ quốc luôn cháy trong tim mỗi người.

Bạch Long Vĩ thỏa mãn ước mơ khám phá tự nhiên

Bạch Long Vĩ mở ra thế giới màu xanh độc đáo với bầu trời trong xanh bao la, biển xanh thăm thẳm. Đến với Bạch Long Vĩ bạn sẽ cảm nhận được sự giao hòa của thiên nhiên, biển như ôm ấp cả một bầu trời bao la còn trời thì như muốn được nhẹ nhàng sa vào lòng biển. Tâm hồn của bạn sẽ thực sự thanh thản, mọi buồn bực, lo toan đời thường sẽ trở nên nhỏ bé như hạt bụi, chỉ một làn gió nhẹ là có thể cuốn trôi tất cả. 

Ở Bạch Long Vĩ, khung cảnh bạn thường thấy là những bãi đá hoang sơ, sóng vỗ bạc đầu, nước biển xanh trong tạo thành bức tranh tuyệt đẹp trong ký ức của bạn về hòn đảo nhỏ này. Bạn có thể chân trần dạo trên bờ cát mịn, ngắm nhìn những rạn san hô, khám phá những bãi đá kỳ dị hoang sơ, leo lên hải đăng chiêm ngưỡng toàn cảnh hòn đảo nhỏ xinh giữa biển trời mênh mông, ngắm nhìn những khoảnh khắc đẹp say lòng của thiên nhiên hoang sơ và trải nghiệm cuộc sống bình dị ở nơi xa xôi. 

Vào buổi sáng bạn sẽ được chiêm ngưỡng bình minh trên ngọn hải đăng, nơi bạn có thể bao quát toàn bộ hòn đảo, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt, nên thơ hiện lên trước mắt như một bức tranh tuyệt đẹp và tràn đầy cảm xúc.

Chiều tà, bạn có thể cùng bạn bè thưởng thức những món ăn được chế biến từ  hải sản được các tàu thuyền câu hoặc đánh bắt trong ngày. Do vị trí nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc bộ, ở giữa Vịnh Bắc bộ và cách khá xa đất liền, ngư dân của đảo có thể đánh bắt những loại hải sản tươi sống mà ko phải lênh đênh dài ngày trên biển, nên hải sản Bạch Long Vỹ đặc biệt ngọt, thơm, hoàn toàn từ tự nhiên mà không phải vùng biển nào cũng có được. Một bên là sóng biển rì rào, là bầu trời đêm đầy sao thao thức cùng bạn, với những bí ẩn mà ai cũng khao khát được khám phá…; một bên là ngọn lửa trại bập bùng, tiếng guitar hòa cùng tiếng sóng biển… Và ở giữa không gian ấy, giữa cảnh đất trời ấy, là bạn và những cảm xúc không thể nào quên.

Đến với Bạch Long Vĩ, bạn có thể theo thuyền ra khơi đánh cá, câu mực hay lặn ngắm san hô Bạch Long Vĩ cùng những người dân nơi đây. Cảm giác được sống cuộc sống của người dân trên đảo, được lắng nghe nhịp thở của biển, được tự tay mình câu lên những con mực tươi xanh, hay đi theo những con thuyền ra khơi đánh cá trong đêm lộng gió… thật sự khó có thể quên.

Bạch Long Vĩ là thế. Bạch Long Vĩ chỉ có biển trời bao la và tình người nồng hậu. Tiếng hát, tiếng cười giòn tan, trong trẻo, hòa cùng tiếng gió lộng, hòa cùng tiếng sóng biển… tạo nên một bản tình ca ngọt ngào. Thế thôi mà ai đến Bạch Long Vĩ một lần đều mong muốn quay trở lại. Có người vì nhớ những cảm xúc, những trải nghiệm khó quên nơi đây. Có người vì đau đáu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn của bà con trên đảo, mong muốn quay lại và làm điều gì đó để góp phần phát triển kinh tế đảo ngày một tốt hơn. Có người, chỉ vì tình yêu biển, yêu đảo luôn thôi thúc trong lồng ngực…

Gió ào ạt thốc lên đỉnh hải đăng nơi có lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật. Ngước nhìn lá cờ mà trong lòng chúng tôi đều trào dâng cảm xúc xúc động, tự hào./.

Trần Ngọc Hương

Nguồn: haiphongnews.gov.vn

Xem thêm: Vườn Quốc gia Tongariro - Di sản văn hóa hỗn hợp Thế giới tại New Zealand

Các bài viết khác

Xem thêm
Lịch sử các làng xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
Địa chí14/06/2023

Lịch sử các làng xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Sau sự kiện Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), có 2 anh em kết nghĩa Từ Ngọc Tâm và Hoàng Văn Đức cùng vợ con từ ngoài Bắc vào phía Tây Nam Thanh Hóa lập nghiệp. Họ đi mãi đến bãi hoang rậm thuộc làng Trúc Bồi, xã Thăng Bình thì dừng lại.

Đôi nét về sự hình thành làng xã ở Khánh Hòa từ 1653 đến đầu thế kỷ XX
Địa chí14/06/2023

Đôi nét về sự hình thành làng xã ở Khánh Hòa từ 1653 đến đầu thế kỷ XX

Khác với sự hình thành làng xã ở miền Bắc, làng của người Việt ở Khánh Hòa hình thành trong một bối cảnh khá đặc biệt, gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, cụ thể là thời kỳ Nam tiến của người Việt.

Nguồn: Internet
Gia phả10/08/2023

Liệt Phi Nguyễn Thị Kim (1765-1804), Người đàn bà bất hạnh, Nghiên cứu và phát triển, số 5 (88), 2011

Đọc lịch sử thời đại Tây Sơn chúng ta thấy có ba mối tình khá nổi bật. Cuộc hôn nhân được nhiều người chú ý nhất và cũng nhiều người khai thác nhất là Nguyễn Huệ-Lê Ngọc Hân. Mối tình trai tài gái sắc này đã trở thành một đề tài để ca tụng và thêu dệt theo mẫu anh hùng sánh với thuyền quyên, mặc dầu sự kết hợp của hai người có thể bao gồm nhiều ẩn ý chính trị hay đổi chác. Mối tình thứ hai thơ mộng hơn. Đó là mối tình của một tiểu thư khuê các với một văn nhân mang chí lớn: Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, được biết đến vì đã xuất hiện trong một tiểu thuyết thời tiền chiến, Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng. Vì bị ép duyên, Trương Quỳnh Như đã tự tử chết khi tuổi còn rất trẻ. Mối tình Phạm Thái-Quỳnh Như được Sở Cuồng Lê Dư thuật lại tương đối kỹ lưỡng trong Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập (Hà Nội: Nam ký, 1932, tr. 1-5).